Trung Cung Lệnh




Nói là hầu hạ Hoàng thái hậu, nhưng thực tế đến dung nhan của Hoàng thái hậu Tang Chi cũng chưa từng được diện kiến. Đặt chân Từ Ninh cung, Tang Chi lập tức bị Tôn ma ma phân tới làm việc tạp dịch nặng nhọc ở Tỉnh đình và Hậu viện. Ở nơi này, chịu đánh mắng là chuyện không đáng ngạc nhiên, mà không có thời gian ăn cơm thì càng là chuyện thường.
Tang Chi xuất thân từ Tân Giả khố, không phải không quen với chuyện nặng nhọc, nhưng như thế này vẫn là hoàn toàn vượt ngoài khả năng chịu đựng của nàng. Chẳng tới năm ngày sau, nàng đã sức cùng lực kiệt mà bất tỉnh.
Có điều hiện tại đã chẳng còn giống như xưa. Tang Chi lúc này không có Lục Oanh ở bên cạnh chăm sóc. Trời đã vào Đông, cái lạnh càng ngày càng sâu. Giường gỗ của Tang Chi chỉ có một lớp đệm cũ và một tấm chăn mỏng, khiến cho nàng lúc đầu là suy nhược, nhưng cuối cùng đã thành phát sốt vì trúng phong hàn, cảm lạnh.
Tôn ma ma cũng có đi tới nhìn nàng một lần, mà nhìn xong thì cười lạnh một tiếng rồi liền quay lưng đi.
Chính là bỏ mặc cho Tang Chi tự sinh tự diệt.
Cung nhân Từ Ninh cung, ai ai cũng đặc biệt giỏi việc nhìn sắc mặt của người khác mà hành xử. Bọn họ thấy Tôn ma ma đối đãi với Tang Chi như vậy, đương nhiên cũng tự biết cách mà hành động cho phải. Ngay đến căn phòng này, căn phòng trước kia vốn đông đúc, lúc này cũng chỉ còn lại có mình Tang Chi mà thôi.
Mùa Đông đã bao trùm toàn bộ Tử Cấm Thành. Cái lạnh này đã thâm nhập vào sâu trong Tang Chi. Lúc đầu nàng còn cảm nhận được hàm răng mình run lên, va vào nhau, cảm nhận được cơ thể mình như đang dần đóng băng lại. Nhưng rồi dần dần nàng thậm chí không còn cảm nhận được cái lạnh nữa, như thể các giác quan của nàng đã tê liệt đi. Mơ màng mê man, rốt cuộc nàng gắng gượng ngồi dậy, mở cửa ra ngoài.

Bước chân vô thức đưa nàng tới dục trì.
Đêm đã vào khuya, ấy vậy mà trong dục trì vẫn có người. Sương khói quẩn quanh, thân ảnh nhạt nhòa, phải tới gần hơn một chút Tang Chi mới nhận ra người ấy là Tố Lặc.
Dục trì Hoàng thái hậu tặng lại riêng cho Hoàng hậu, trước nay Hoàng hậu cũng rất hay lui tới, nhưng từ khi Tang Chi tới Khôn Ninh cung, nếu như không có việc cần thiết, hầu như nàng cũng sẽ không xuất cung. Hiện tại Tang Chi đi rồi, đi rồi nhưng khắp nơi trong Khôn Ninh cung vẫn có hình bóng của nàng ở lại, mà điều này khiến Hoàng hậu tâm phiền ý loạn vô cùng, cho nên cũng thường xuất cung cho khuây khỏa.
Có điều, tới đến đây rồi, nàng vẫn còn cảm nhận được sự hiện diện của người kia. Như là bực bội đến mức muốn bộc phát, nàng nhặt lên một hòn sỏi, dùng sức ném vào trong dục trì. Tiếng động này khiến Thái Uyển Vân đang đứng ở phía xa vội chạy tới, "Nương nương?"
"Không có chuyện gì." Nàng hít sâu một hơi, xua tay, "Lui ra đi."
Thái Uyển Vân do dự nhưng không thể không tuân. Mà nàng vừa quay người đi đã nghe Hoàng hậu lên tiếng, "Bổn cung nói ngươi cho người tìm túi gấm, đã tìm thây chưa?"
"Túi gấm?" Thái Uyển Vân ngưng một khắc mới nhớ ra quả thực chủ tử đã từng dặn mình tìm túi gấm, mà mình cũng đã tìm, chẳng qua là không hề có chút manh mối, "Hồi nương nương, lão nô đã đích thân đi tìm, nói rằng phụng mệnh của nương nương. Đáng tiếc không hề thấy có túi gấm nào ở đây."
"Cũng có thể là một hầu bao."
"Hầu bao cũng không có, nương nương."
Hoàng hậu im lặng, cuối cùng nói, "Bổn cung biết rồi. Ngươi lui xuống đi."

"Vâng."
Đã vào giữa tiết Lập Đông[1], ban ngày không cảm thấy quá lạnh, nhưng đêm về khi ra ngoài trời không thể không khoác liên bồng y[2]. Hoàng hậu khoác trên vai liên bồng y màu kim hoàng, ấy thế nhưng vẫn chẳng sao che đậy được dáng vẻ cô độc tịch liêu. Tang Chi nhìn bóng lưng này, lại không thể không vì việc người kia âm thầm giúp mình tìm An Hồn phù mà cảm động. Nàng muốn đi về phía ấy, lại gần người kia, nhưng rồi lại không thể nhấc nổi bước chân. Nàng choáng váng, cảnh tượng trước mắt cũng mờ đi.
Một đêm nữa lại qua, lúc này trời đã tờ mờ sáng. Tang Chi vẫn còn đang trong cơn mê man, lại cảm nhận được dường như có một bàn tay áp lên trán mình, rồi sau đó có giọng nói vọng tới, "Không sao, hết sốt là tốt rồi."
Cho tới khi nàng mở mắt, lúc ấy mặt trời đã ló rạng. Tia nắng ban mai xuyên qua cánh cửa sổ phủ bụi, mang theo chút ít ấm áp sớm đầu đông. Trong phòng vẫn chỉ có mình nàng, toàn thân đổ mồ hôi. Ngoảnh đầu nhìn sang lại thấy bên giường có một chiếc bát còn chưa khô hẳn, bên trong còn cặn thuốc. Nàng lại không có chút ấn tượng gì về chuyện đã xảy ra đêm qua. Dường như nàng đã có một cơn mộng mị, trong giấc mộng ấy còn thấy cả thân ảnh của Tố Lặc.
Dù sao cũng chỉ là mộng mị mà thôi.
Tang Chi gắng gượng ngồi dậy, tựa lưng vào đầu giường. Mắt nhìn tia nắng hắt xuyên qua ô cửa sổ, vào một góc phòng, đổ lên trên nền đất. Ngoài kia, ánh nắng này hẳn đã bao phủ cả Tử Cấm Thành. Trong này, nó tỏa ra một thứ hào quang hư ảo vô thực. Nàng ngẩn người, cõi lòng trống rỗng vô cùng, chẳng thể biết mình sẽ đi bước tiếp theo như thế nào. Điều nàng hiểu rõ ràng nhất chính là bản thân mình nay đã lâm vào khốn cảnh.
Cảnh khốn cùng, có nghĩa thiên thời – địa lợi – nhân hòa, ba thứ này nàng không có thứ nào, dù chỉ là một. Hiếu Trang Thái hậu, Từ Ninh cung, quyền lực tối thượng. Nàng phạm sai lầm, Thái hậu muốn nàng lâm hiểm cảnh, ai có thể cứu nàng đây? Khi bình thường nàng vẫn tự cho rằng nhân định thắng thiên, nhưng lúc này nàng đã hiểu, có một số lúc, có một số việc, chỉ có thể thuận theo duyên số, không thể phản kháng mà làm ngược. Suy cho cùng thì con người bé nhỏ, sức người có hạn, trước dòng chảy của số phận cũng chỉ được đến vậy mà thôi.
Tang Chi tự nhủ, thân trong hiểm cảnh, điều duy nhất nàng có thể làm là tự mình điều chỉnh tâm trạng rồi cứ vậy mà đối mặt.
---

Tô Ma Lạt Cô đứng bên, hầu Thái hậu thưởng trà. Có cung nữ tiến vào đây, trên tay bê một khay gỗ, dáng điệu vô cùng cung kính chuẩn mực. Nàng tới, quỳ xuống, "Khởi bẩm Thái hậu, thứ Hoàng hậu nương nương muốn tìm, chúng nô tì đã tìm được rồi."
"Được." Thái hậu đáp một tiếng.
Tô Ma Lạt Cô nhận lấy, xem xét một chút, thì ra đây là một túi gấm, "Túi này chất liệu vải dệt, nhìn không giống đồ của Khôn Ninh cung." Lại mở túi ra, bên trong không có gì khác ngoài mấy mảnh giấy vụn vì ngâm nước lâu mà rã ra, nhìn kỹ có thể thấy được nét bút mực chu sa đỏ phai ra trên giấy vàng.
"Thứ gì?" Thái hậu hỏi.
Cung nữ vẫn đang quỳ trên đất trả lời, "Túi gấm này do ma ma phụ trách thay nước ở dục trì nhặt được, ban đầu nghĩ là đồ của Hoàng hậu nương nương, sau đó lại nghe Chưởng sự Khôn Ninh cung Thái Uyển Vân hỏi, nghĩ rằng đó là đồ của Thái ma ma."
Dù cho là của Hoàng hậu hay là của Chưởng sự Khôn Ninh cung, vật tìm được ở dục trì sẽ luôn tới Từ Ninh cung đầu tiên. Gọi là nhường lại dục trì cho Hoàng hậu sử dụng làm nơi thư giãn nghỉ ngơi, nhưng Thái hậu còn ở đây, mọi sự vẫn phải bẩm báo với Thái hậu đầu tiên.
"Thái hậu, theo như lão nô thấy, đây rất có thể là túi gấm đựng... phù." Tô Ma Lạt Cô nhíu mày, "Có lẽ không phải là của Hoàng hậu nương nương, mà là của Thái chưởng sự."
"Phù? Trong cung sao lại có thể có thứ này?" Nội cung nghiêm cấm những chuyện liên quan đến linh dị thần quái, bùa chú phép thuật cũng là đại cấm kỵ.
Nghe ngữ điệu của Thái hậu, Tô Ma Lạt Cô hiểu được chủ tử mình muốn làm gì. Liền cười nói, "Chuyện thế này cứ giao cho lão nô là được rồi, Thái hậu không cần lao tâm tốn sức."
Thái hậu nghe thế, liếc mắt, "Ngươi là con sâu trong bụng ai gia đấy chăng?"
"Có thể làm con sâu trong bụng Thái hậu, đây cũng là phúc phận của lão nô." Tô Ma Lạt Cô nói, lời nghe vào rất xuôi tai, lại chẳng hề có vẻ sủng nịnh. Lại nói, "Thái hậu người an tâm tĩnh dưỡng, đừng nên hao tâm vì những chuyện trong nội cung."

Thái hậu khẽ thở dài một tiếng, xem như đã nghe thấy lời Tô Ma Lạt Cô nói.
Cung nữ lui ra, trà lại tiếp tục thưởng, lão nhân gia nói về những câu chuyện đã lui về dĩ vãng xa xưa, nhiều năm về trước từng xảy ra ở nơi thâm cung này.
--- Hết chương 75 ---
Chú Giải:

[1] Lập Đông (立冬): Một trong 24 tiết khí của năm, khoảng thời gian bắt đầu mùa Đông, khoảng từ mùng 7-8 tháng 11 đến 20-21 tháng 11. Chương trước có nói rất chi tiết "Ngày mùng Hai tháng 11 năm Thuận Trị thứ Mười sáu", sự kiện ở chương này xảy ra sau đó khoảng hơn một tuần, cũng chính là tiết Lập Đông.
[2] Liên bồng y (莲蓬衣): Dạng áo choàng không vai có cổ đứng, không có tay áo và khoác lên người nhìn như tấm chăn có dây cột, vô cùng ấm và... sang chảnh. Liên bồng y thời Thanh được lăng xê cực mạnh trong "Bộ bộ kinh tâm", "Chân Hoàn truyện", gần đây nhất là "Như Ý truyện".





Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận