Đại Việt sử ký toàn thư có chép lại về chiếu thư nhường ngôi của Nữ hoàng đế:“Tháng ấy, ngày 21, các quan vào chầu lạy mừng.
Xuống chiếu rằng:‘Từ xưa nước Nam Việt ta đã có đế vương trị thiên hạ.
Duy triều Lý ta vâng chịu mệnh trời, có cả bốn biển, các tiên thánh truyền nối hơn hai trăm năm, chỉ vì thượng hoàng có bệnh, không người nối dõi, thế nước nghiêng nguy, sai trẫm nhận minh chiếu, cố gượng lên ngôi, từ xưa đến giờ chưa từng có việc ấy.
Khốn nổi trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong, làm sao mà giữ nổi ngôi báu nặng nề? Trẫm dậy sớm thức khuya, chỉ sợ không cáng đáng nổi, vẫn nghĩ tìm người hiền lương quân tử để cùng giúp chính trị, đêm ngày khẩn khoản đến thế là cùng cực rồi.
Kinh thi có nói “Quân tử tìm bạn, tìm mãi không được, thức ngủ không nguôi, lâu thay lâu thay”.
Nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy có Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ, thực thể cách quân tử hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất thánh thần văn võ, dù đến Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông cũng không hơn được.
Sớm hôm nghĩ chín từ lâu nghiệm xem nên nhường ngôi báu, để thỏa lòng trời, cho xứng lòng trẫm, mong đồng lòng hết sức, cùng giúp vận nước, hưởng phúc thái bình.
Vậy bố cáo thiên hạ để mọi người điều biết”.
Dù nàng hận họ Trần thế nào, oán Trần Cảnh ra sao, vẫn phải thừa nhận mình không thể trở thành con người đang đứng trên đài cao, dẫn dắt thiên quân vạn mã để đấu với Thát tộc thiện chiến.
Những ngày quanh quẩn chốn biệt viện, năm tháng tìm quên trong kinh Phật đã mài mòn tất cả hùng tâm tráng khí của nàng, thứ một hoàng đế nên có, và phải có.
Hoặc có lẽ từ lúc nàng khoác lên người tấm long bào ấy, đến khi trao nó cho Trần Cảnh, và mãi sau này, hùng tâm tráng khí kia là thứ nàng chưa bao giờ có được! Họ Lý bước ra từ cửa Phật (Lí Công Uẩn), nhưng cửa Phật lại không chở che họ Lý được đời đời kiếp kiếp.
“Hữu tử tất hữu sinh,Hữu sinh tất hữu tử.
Tử vi thế sở bi,Sinh vi thế sở hỉ.
”.