2009
B ến xe buýt cách nhà 158 bước chân, nhưng có thể kéo ra thành 180 bước nếu không rảo cẳng, ví như phải lúc đang đi giày đế bục chẳng hạn. Hoặc khi đi đôi giày mua từ một cửa hàng từ thiện, đôi giày có nơ bướm trên ngón chân nhưng không ôm gót, thế nên chẳng lạ khi nó hạ xuống chỉ còn 1.99 bảng. Tôi rẽ qua góc vào đường nhà chúng tôi (68 bước) thì thấy ngay ngôi nhà - một căn nhà liên kế bốn phòng ngủ nằm trong dãy những căn nhà liên kế có ba đến bốn phòng ngủ. Xe của bố vẫn ở bên ngoài, thế có nghĩa là bố vẫn chưa đi làm.
Sau lưng tôi, mặt trời cấp ló sau Lâu dài Stortfold, bóng tòa lâu đài đổ dài như sáp chảy xuống phủ chụp đấy tôi. Khi tôi còn nhỏ, cha con tôi thường chơi trò đấu súng với cái bóng dài ngoằng của chính mình, con đường chạy trước nhà là đấu trường O. K. Corral. Nếu phải ngày khác, có lẽ tôi đã kể cho bạn nghe bao chuyện từng xảy ra với tôi trên tuyến đường này: nơi bố dạy tôi đi xe đạp mà không có bánh phụ; nơi bà Doherty có mái tóc giả rẽ ngôi lệch thường làm bánh kiểu xứ Wales cho chúng tôi; nơi mà năm mười một tuổi, Treena thọc tay vào bờ rào quậy một tổ ong vò vẽ để rồi chúng tôi vừa chạy vừa la hò ầm ĩ suốt dọc đường trở lại lâu đài.
Chiếc xe đạp bát bánh của Thomas nằm chổng vó trên con đường, thế nên khi đã khép cổng lại sau lưng, tôi kéo nó vào dưới thềm rồi mở cửa nhà. Khí ấm ùa vào tôi như một túi khí bung ra; mẹ rất sợ cái lạnh nên luôn giữ nhà ấm áp quanh năm. Bố thì luôn mở cửa sổ, phàn nàn rằng mẹ tiêu phí bao nhiêu tiền của gia đình. Ông nói tiền sưởi nhà tôi còn cao hơn GDP của một đất nước be bé ở châu Phi.
"Con đó à, con yêu?"
"Vâng ạ." Tôi treo áo khoác lên móc, phải chật vật lắm mới kiếm được chỗ cho nó giữa đống quần áo khác.
"Mà đứa nào đấy nhỉ? Lou à? Hay Treena?" "Lou ạ."
Tôi ngó quanh cửa phòng khách. Bố tôi úp mặt lên sofa, cánh tay ông chọc sâu vào giữa đống gối nệm, như thể chúng đã nuốt gọn cả cánh tay ông. Thomas, thằng cháu lên năm của tôi, đang ngồi trên mông ông, chăm chú ngắm nhìn ông.
"Hãng đồ chơi Leo." Bố ngoảnh bên nhìn tôi, mặt nhăn nhúm vì nỗ lực. "Sao người ta phải làm những mảnh nhỏ thế này bố cũng chẳng biết nữa. Con có thấy cánh tay trái của Obi-Wan Kenobi không?"
"Nó nằm trên đầu đĩa DVD đấy ạ. Con nghĩ thằng bé đã đổi hai cánh tay của Obi với hai cánh tay của Indiana Jones."
"À, có vẻ như giờ Obi không thể nào mang cánh tay màu be được nữa. Chúng ta phải có cánh tay màu đen."
"Chuyện đó thì có gì đáng lo đâu bố. Chẳng phải ở tập hai Darth Vader chặt đứt cánh tay của Obi sao?" Tôi chỉ vào má mình để bảo Thomas hôn. "Mẹ đâu bố?"
"Trên lầu. Thế thì sao chứ? Một mảnh ghép hai bảng đấy!"
Tôi ngước lên, chỉ nghe được tiếng lách cách của cầu ủi. Mẹ tôi, Josie Clark, không bao giờ ngồi không. Đó là một chuyện để tự hào. Điển hình nhất là cảnh bà đứng trên cái thang ngoài trời để sơn cửa sổ, thỉnh thoảng lại ngừng lại, vẫy vẫy tay, trong khi cả nhà chúng tôi đang ăn đồ nướng.
"Con có cầm cái cánh tay chết tiệt này cho bố được không? Thằng bé bắt bố tìm nửa tiếng rồi, mà giờ bố phải chuẩn bị đi làm." "Bố phải làm đêm à?"
"Ừ. Năm rưỡi."
Tôi liếc nhìn đồng hồ. "Thật ra mới bốn rưỡi mà."
Ông rút cánh tay ra khỏi đống gối rồi xem đồng hồ. "Thế con làm gì ở nhà lúc còn sớm thế này?"
Tôi khe khẽ lắc đầu, như thể mình không hiểu được câu hỏi ấy, rồi đi vào bếp.
Ông ngoại đang ngồi trên chiếc ghế quen thuộc bên cửa sổ gian bếp, nghiên cứu một bảng giải ô số. Bác sĩ thăm bệnh tại nhà đã nói với chúng tôi rằng trò đó tốt cho tính tập trung của ông, giúp ông dễ tập trung hơn sau khi bị tai biến. Tôi ngờ rằng mình là người duy nhất để ý thấy ông chỉ điền bừa vào tất cả các ô trống bất kể con số nào ngẫu nhiên xuất hiện trong đầu.
"Chào ông."
Ông ngước lên mỉm cười. "Ông muốn uống trà không ạ?" Ông lắc đầu, hơi mở miệng. "Nước mát nhé?"
Ông gật đầu.
Tôi mở cửa tủ lạnh. "Không có nước táo rồi." Tôi sực nhớ ra nước táo quá đắt. "Nước ngọt Ribena nhé?"
Ông lắc đầu. "Nước lọc?"
Ông gật đầu, lẩm bẩm gì đó nghe như cảm ơn khi tôi đưa ly nước cho ông.
Mẹ tôi đi vào bếp, bưng một giỏ bự đựng đồ mới giặt được gấp gọn gàng.
Mẹ tôi huơ huơ một đôi tất. "Của con à?"
"Chắc là của Treena đấy."
"Thế mà mẹ cứ tưởng. Màu mè gì mà kỳ cục. Mẹ nghĩ đôi này đi tông với bộ pyjama màu mận chín của bố con. Con về sớm thế. Định đi đâu à?" "Không ạ." Tôi vặn vòi hứng một ly nước đầy rồi uống.
"Chốc nữa Patrick có tới không? Ban nãy nó gọi đấy. Con tắt điện thoại à?" "Ừm."
"Nó nói nó đặt xong chỗ cho kỳ nghỉ của hai đứa rồi. Bố con nói ông ấy có nghe về chỗ đó trên ti-vi. Chỗ bọn con thích nằm ở đâu ấy nhỉ? Ipsos? Kalypsos?"
"Skiathos."
"Đúng là nó rồi. Con phải kiểm tra lại khách sạn thật cẩn thận nhé. Kiểm tra qua internet ấy. Lúc trưa khi đang ăn, bố con và ông ngoại xem thấy gì đó trên bản tin. Hình như người ta đang xây mấy tòa nhà, nửa số ngân sách được duyệt rồi đấy, chưa tới tận nơi thì con chưa biết chắc được gì đâu. Bố ơi, bố uống trà không ạ? Lou không mời bố à?" Mẹ tôi bật ấm nước lên rồi liếc nhìn tôi. Có lẽ cuối cùng bà cũng nhận ra nãy giờ tôi chưa nói gì. "Con ổn cả chứ con yêu? Trông con nhợt nhạt kinh khủng."
Bà đưa tay kiểm tra trán tôi, như thể tôi còn bé bỏng lắm chứ không phải đã hai sáu tuổi.
"Con không nghĩ bọn con sẽ đi nghỉ đâu."
Tay mẹ tôi khựng lại. Ánh mắt bà vẫn chứa cái vẻ thấu hiểu vốn có từ thời tôi còn thơ dại. "Con với Pat đang trục trặc à?"
"Mẹ à, con..."
"Mẹ không định can thiệp đâu. Chỉ có điều hai đứa đã bên nhau lâu lắm rồi. Cũng tự nhiên thôi nếu đôi khi mọi chuyện trở nên hơi bế tắc. Ý mẹ là, mẹ với bố con, bố mẹ..."
"Con mất việc rồi."
Giọng tôi khiến cả không gian lặng như tờ. Những từ ấy cứ treo lơ lửng ở đó, rất lâu sau khi âm thanh đã tắt ngấm chúng mới chịu tự mình biến đi. "Con làm sao cơ?"
"Frank đóng cửa quán cà-phê. Từ ngày mai." Tôi giơ ra chiếc phong bì hơi ẩm do tôi đã quá hoang mang mà siết chặt trên suốt đường về nhà. Suốt 180 bước chân từ bến xe buýt. "Ông ấy đưa con ba tháng lương."
Hôm nay cũng bắt đầu như bao ngày khác. Ai ai tôi biết cũng đều chẳng ưa gì sáng thứ Hai, nhưng với tôi thì không thành vấn đề. Tôi luôn thích đến quán Bánh Bơ thật sớm, đỏ lửa đun bình trà to đùng để trong góc, bưng mấy thùng đựng sữa và bánh mì từ sân sau vào trong, và trò chuyện với Frank trong lúc chúng tôi chuẩn bị mở cửa tiệm.
Tôi thích hơi ấm nồng hương thịt xông khói của quán cà-phê, luồng khí lạnh khẽ ùa vào khi cửa mở ra khép lại, tiếng trò chuyện rì rầm, và khi không gian yên lặng thì có tiếng cái đài của Frank một mình ngân nga nho nhỏ trong góc. Cái quán này không phải một nơi thời thượng - tường vẫn dán tranh phong cảnh tòa lâu đài trên đồi, mặt bàn vẫn đóng phoóc-mi-ca, thực đơn chẳng thay đổi gì kể từ ngày tôi vào làm, ngoài vài thay đổi ở mục lựa chọn thanh sô-cô-la và mục bánh sô-cô-la và bánh xốp ăn kèm với bánh kem.
Nhưng điều quan trọng nhất là tôi rất yêu mến khách. Tôi thích Kev và Angelo, thợ sửa ống nước, hầu như sáng nào cũng đến và trêu chọc Frank rằng không biết người ông lấy ở đâu ra lắm thịt thế. Tôi thích Quý bà Bồ công anh, biệt danh đặt cho mái tóc trắng lạ kỳ của bà cụ, sáng thứ Hai cho tới sáng thứ Năm nào cụ cũng ăn một trái trứng và khoai tây chiên, ngồi đọc báo miễn phí của tiệm, và uống một mạch hai tách trà. Tôi luôn cố trò chuyện với cụ. Tôi ngờ đó là cuộc trò chuyện duy nhất trong suốt ngày dài của cụ.
Tôi thích khách du lịch, những người dừng chân trên hành trình lên xuống tòa lâu đài, thích lũ học trò ồn ào chí chóe ghé qua sau buổi tan trường, thích khách quen từ công sở dọc con đường, thích hai cô thợ làm đầu Nina và Cherie biết số ca-lo của từng món mà Bánh Bơ đưa ra. Ngay cả những vị khách khó tính nhất, như cô nàng tóc đỏ chủ quán đồ chơi tuần nào cũng cự cãi chuyện tiền thừa ít nhất một lần, cũng không khiến tôi phiền lòng.
Tôi quan sát những tình yêu chớm nở rồi tàn bên những chiếc bàn ở đó, lũ trẻ chuyền qua đổi lại giữa những cặp đôi đã ly hôn, cảm giác được giải thoát dù trong lòng vẫn thấy có lỗi của những ông bố bà mẹ lười nấu ăn, và niềm vui sướng âm thầm của những người sống bằng tiền trợ cấp bên bữa điểm tâm toàn đồ chiên. Bao nhiêu kiểu người ghé qua đây, hầu hết đều chia sẻ vài lời với tôi, pha hài hoặc bình luận qua những tách trà nghi ngút khói. Bố luôn nói ông chẳng tài nào biết được lần tiếp theo tôi sẽ nói cái gì, nhưng trong quán cà phê thì chuyện đó đâu thành vấn đề.
Frank quý tôi. Tính ông trầm lặng, thế nên ông bảo có tôi ở đó làm cho quán sôi động hẳn lên. Công việc này hơi giống phục vụ quán bar, nhưng không có tiếng cãi lộn ầm ĩ của những kẻ say.
Thế rồi buổi chiều hôm đó, sau khi bữa trưa bận rộn kết thúc, khi quán ăn vắng lặng trong chốc lát, Frank lau tay vào tạp dề, rồi bước từ sau lò sưởi tới quay tấm bảng nhỏ có đề chữ Đóng cửa ngoảnh mặt ra đường.
"Nào nào, Frank, cháu bảo với chú rồi mà. Giờ làm thêm không tính vào lương tối thiểu đâu." Nói theo cách của bố tôi thì Frank lạ lùng như một con linh dương đầu bò. Tôi ngước nhìn lên. Ông không mỉm cười.
"Ôi. Cháu lại cho muối vào hũ đường phải không ạ?"
Ông vặn vẹo chiếc khăn mù-soa giữa hai bàn tay, trông ông bối rối hơn bao giờ hết. Trong một thoáng tôi tự hỏi không biết có phải có vị khách nào phàn nàn về tôi. Thế rồi ông bảo tôi ngồi xuống.
"Xin lỗi, Louisa," ông nói tiếp. "Nhưng chú sắp trở lại Úc. Sức khỏe bố chú không tốt lắm, mà có vẻ như tòa lâu đài cũng đang bắt đầu những ngày an dưỡng của chính nó rồi. Thời khắc suy tàn sắp đến."
Tôi nghĩ khi ấy tôi đã ngồi đơ ra với cái miệng há hốc. Rồi Frank đưa cho tôi chiếc phong bì, và trả lời câu tôi toan hỏi thước khi nó kịp thoát khỏi môi tôi. "Chú biết chúng ta chưa bao giờ ký hợp đồng chính thức hay gì cả, nhưng chú muốn chăm sóc cháu. Trong đó là ba tháng lương. Từ mai chúng ta đóng cửa."
"Ba tháng!" bố tôi la toáng lên, trong khi mẹ tôi dúi một tách trà ngọt vào tay tôi. "Ôi chao, ông ta mới phóng khoáng làm sao, vì con bé đã làm việc như trâu như ngựa ở đó suốt sáu năm liền cơ mà."
"Bernard." Mẹ tôi ném cho bố một cái nhìn cảnh cáo, rồi gật đầu với Thomas. Bố mẹ tôi chăm sóc thằng bé sau mỗi chiều tan học cho tới khi Treena xong việc.
"Giờ thì con bé phải làm việc gì đây hả trời? Đáng lẽ ông ta phải cho nó hơn
một ngày chuẩn bị sau cái thông báo chết toi đó chứ." "Ờ thì... con bé đi tìm việc khác là được chứ sao."
"Chẳng có việc cóc khô nào cả, Josie. Em biết rõ không thua gì anh mà.
Chúng ta đang trong một cuộc khủng hoảng tồi tệ."
Mẹ nhắm mắt lại một chốc, như thể để tự trấn an bản thân, rồi nói tiếp. "Nó là đứa thông minh sáng láng. Nó sẽ tìm được cho mình việc gì đó. Nó có hồ sơ lao động đáng tin cậy phải không nào? Frank sẽ nói tốt cho con bé."
"Ôi tuyệt làm sao... 'Louisa Clark rất giỏi phủ bơ cho bánh mì nướng, và có tài xoay xở với bình trà cũ rích.'"
"Cảm ơn vì sự khích lệ của bố." "Bố chỉ nói thế thôi."
Tôi biết nguyên nhân sâu xa sự căng thẳng của bố. Bố mẹ sống dựa vào đồng lương của tôi. Treena chẳng kiếm được là bao từ cửa hàng hoa. Mẹ không làm được gì vì bà còn phải chăm sóc ông ngoại, và tiền trợ cấp của ông ngoại cũng không đáng kể. Bố sống trong trạng thái lo lắng triền miên cho công việc ở xưởng sản xuất đồ gỗ gia dụng. Mấy tháng nay ông chủ của bố cứ lầm rầm về khả năng thừa nhân sự. Ở nhà thì lại có tiếng lầm rầm về nợ nần và chuyện duy trì thẻ tín dụng. Hai năm trước bố đã bán hạ giá chiếc xe của ông cho một tay tài xế không có bảo hiểm, và chẳng hiểu sao chuyện đó đủ khiến cho toàn bộ cái cơ ngơi đang lung lay là tài chính của bố mẹ tôi cuối cùng cũng sụp đổ. Từ đó đồng lương nhỏ nhoi của tôi là khoản tiền chính eo hẹp dành cho chi tiêu trong nhà, đủ để giúp gia đình sống đắp đổi qua ngày.
"Chúng ta đừng nói trước điều gì cả. Ngày mai con bé có thể đi thẳng xuống Trung tâm giới thiệu việc làm để xem có việc gì đang cần người không. Giờ thì nó phải chịu đựng đủ rồi đấy." Họ nói chuyện cứ như thể tôi không ở đó. "Con bé rất thông minh cơ mà. Con thông minh lắm, phải không con yêu? Có lẽ con bé sẽ học một khóa đánh máy. Đi làm việc văn phòng."
Tôi ngồi đó, trong khi bố mẹ tôi bàn luận xem bằng cấp hạn chế như tôi thì có thể làm được việc gì. Công nhân, thợ máy, người đánh bơ. Lần đầu tiên trong buổi chiều hôm đó, tôi muốn khóc. Thomas nhìn tôi chăm chú với đôi mắt to tròn và lẳng lặng đưa cho tôi một chiếc bánh quy.
"Cảm ơn Tommo," tôi thì thào khe khẽ, rồi ăn cái bánh.
Anh đang ở dưới đường, tôi biết rõ như thế. Từ thứ Hai tới thứ Năm, đều đặn như giờ tàu chạy, Patrick không ở trong phòng tập thể hình thì cũng chạy vòng vòng quanh con đường tràn ánh sáng. Tôi bước xuống bậc tam cấp, khoanh tay ôm người cho đỡ lạnh, chầm chậm bước ra đường, vẫy vẫy khi anh tới đủ gần để nhận ra tôi.
"Chạy với anh," anh nói hổn hển khi tiến lại gần hơn. Hơi thở của anh tạo thành đám khói mờ mờ. "Anh còn phải chạy bốn vòng nữa."
Tôi ngần ngừ một thoáng, rồi bắt đầu chạy bên cạnh anh. Đó là cách duy nhất giúp tôi có thể trò chuyện đôi lời với anh. Tôi đang đi đôi giày màu hồng với dây buộc màu xanh ngọc, đôi giày duy nhất tôi đủ tiền mua.
Cả ngày hôm nay tôi ở nhà, cố gắng tỏ ra có ích. Nhưng chắc chỉ được một giờ đồng hồ là tôi ríu chân mẹ. Mẹ và ông ngoại tôi có nhịp sống riêng, thế nên sự có mặt của tôi làm họ vướng víu. Bố thì đang ngủ, vì tháng này phải làm đêm, nên không bị quấy quả. Tôi dọn phòng riêng, rồi bật ti-vi thật nhỏ để xem, chốc chốc khi nhớ ra vì sao mình lại ở nhà giữa buổi ngày thế này, tôi lại cảm thấy ngực mình đau nhói.
"Anh không nghĩ lại thấy em cơ đấy."
"Em chán ở nhà rồi. Em đã nghĩ biết đâu chúng ta có thể làm gì đó."
Anh nhìn nghiêng qua tôi. Anh khéo léo khoác lên vẻ mặt dịu dàng. "Em yêu, em tìm được việc khác càng sớm càng tốt đấy."
"Em mới mất việc cũ cả thảy có hai mươi tư giờ thôi mà. Em có được phép buồn bã u sầu một chút xíu không? Anh biết đấy, chỉ trong hôm nay thôi?"
"Nhưng em phải nhìn vào mặt tích cực. Em đã biết em không thể làm ở chỗ đó mãi mà. Em phải tiến lên, tiến tới." Hai năm trước Patrick được khen thưởng Doanh nhân trẻ Stortfold tiêu biểu, đến giờ vẫn chưa thoát khỏi cái bóng vinh quang đó. Từ ngày ấy, anh yêu cầu Ginger Pete, một cộng sự, đưa ra chương trình huấn luyện thể hình cho khách hàng trong vòng bán kính 40 dặm cùng hai xe tải chuyên dụng hỗ trợ. Trong văn phòng của anh còn có bảng trắng, anh thích dùng bút dạ màu đen thật đậm nguệch ngoạc lên đó doanh số dự kiến, sửa đi sửa lại những con số đó cho tới khi chúng khiến anh hài lòng mới thôi. Tôi chẳng bao giờ dám chắc mười mươi rằng chúng có giống với thực tế tí nào hay không.
"Mất việc nhiều khi có thể thay đổi cuộc đời của người ta đấy Lou ạ." Anh liếc đồng hồ, kiểm tra ô đếm giờ. "Em muốn làm gì? Em có thể học nghề. Anh tin rằng họ sẽ làm được rất nhiều cho những người như em."
"Người như em?"
"Những người đang tìm kiếm cơ hội mới. Em muốn trở thành người thế nào? Em có thể chăm sóc sắc đẹp. Em đủ xinh đấy." Anh thúc tay tôi khi chúng tôi chạy, như thể tôi phải thấy biết ơn về lời khen ngợi đó.
"Anh biết nhịp điệu làm đẹp của em mà. Xà phòng, nước, túi giấy quê cục." Patrick đang bắt đầu tỏ vẻ chán ngán.
Tôi dần dần tụt lại phía sau. Tôi ghét chạy. Tôi ghét anh không chịu chạy chậm lại.
"Nghe này... nhân viên bán hàng. Thư ký. Nhân viên đại lý nhà đất. Anh không biết nữa... phải có việc gì đó em muốn làm chứ."
Nhưng đâu có. Tôi đã rất thích làm việc ở quán cà-phê. Tôi thích biết mọi thứ cần phải biết ở quán Bánh Bơ, thích nghe về cuộc đời của những người ghé qua đó. Tôi đã rất thoải mái khi ở đấy.
"Em không thể chán nản hoài được, em yêu. Phải vượt qua chứ. Mọi doanh nhân hàng đầu đều tìm được cho mình con đường vươn lên sau bước thăng trầm. Jeffrey Archer làm được. Richard Branson cũng thế." Anh vỗ vào cánh tay tôi, cố thúc tôi chạy theo cho kịp.
"Em nghi ngờ liệu đã bao giờ Jeffrey Archer mất việc nướng bánh ngọt chưa." Tôi thở không ra hơi. Tôi đang mặc áo lót không phù hợp. Tôi chạy chậm lại, thõng hai tay trên đầu gối.
Anh quay người, chạy giật lùi, giọng anh mang theo không khí tĩnh mịch lạnh ngắt. "Nhưng giả sử ông ấy từng... Anh nói thế thôi. Quên chuyện kia đi, mặc một bộ quần áo tươm tất, đi thẳng tới Trung tâm giới thiệu việc làm. Hoặc anh sẽ huấn luyện em để làm việc với anh, nếu em thích. Em biết việc đó cũng hái ra tiền đấy. Và đừng lo lắng về kỳ nghỉ. Anh sẽ trả." Tôi mỉm cười với anh.
Anh hôn gió, giọng anh vang vọng khắp đường chạy vắng vẻ. "Em có thể trả lại anh khi em đã ổn định trở lại."
Nỗ lực đầu tiên của tôi là tìm kiếm Trợ cấp cho người tìm việc. Tôi tham gia một cuộc phỏng vấn 45 phút, một cuộc phỏng vấn nhóm, trong đó tôi ngồi với một nhóm khoảng hai mươi người cả đàn ông và đàn bà chẳng tương hợp với nhau, một nửa số họ có cùng vẻ mặt hơi thảng thốt mà tôi ngờ là giống với nét mặt tôi, nửa khác là những người có bộ mặt vô hồn vô cảm vì họ đã tới đây quá nhiều lần rồi. Tôi mặc bộ đồ mà bố tôi gọi là "đồ bình dân."
Hệ quả của những nỗ lực đó, tôi đã phải chịu đựng làm trọn một ca đêm ở lò giết mổ gà (việc này khiến tôi gặp ác mộng ròng rã suốt mấy tuần liền), và hai ngày theo khóa tập huấn làm Người tư vấn sức khỏe tại nhà. Chẳng mấy chốc tôi nhận ra rằng về cơ bản tôi đang được đào tạo để chăm sóc người già, thế nên tôi nói với Syed, "người tư vấn" của cá nhân tôi rằng tôi không làm được việc đó. Anh ta khăng khăng bảo tôi tiếp tục, vậy là tôi liệt kê ra một loạt việc người ta sẽ bắt tôi làm, nghe tôi nói thế thì anh im lặng một lát rồi gợi ý rằng chúng tôi (luôn là "chúng tôi" dù khá rõ ràng là người kia trong chúng tôi đã có việc làm) sẽ thử công việc khác.
Tôi làm hai tuần trong một chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh. Khoảng thời gian đó cũng ổn, tôi có thể đối phó được chuyện chiếc mũ đồng phục làm tóc tôi cứng đơ, nhưng tôi không chịu nổi cứ phải bám chặt vào kịch bản "những lời đáp phù hợp", với những câu như "Hôm nay tôi có thể giúp gì cô?" và "Anh có muốn phần khoai tây chiên cỡ lớn với món đó không?" Tôi đã bị cho thôi việc sau khi một tràng những cô nàng bán bánh vòng bắt gặp tôi đang bàn tán về bao nhiêu giá trị khác nhau của đồ chơi trí tuệ với một đứa trẻ bốn tuổi. Tôi có thể nói gì được đây? Nó là một cô bé bốn tuổi rất thông minh. Tôi thì cũng có cùng ý nghĩ là những nàng công chúa ngủ trong rừng thật là ngớ ngẩn.
Giờ tôi đang ngồi tham dự cuộc phỏng vấn thứ tư, Syed lướt suốt màn hình máy tính cảm ứng để tìm thêm "cơ hội" việc làm. Ngay cả Syed, luôn mang thái độ vô cùng vui vẻ của một người đã giúp những ứng viên khó tìm việc nhất có công việc, cũng đang bắt đầu nói giọng hơi chán nản.
"À... Cô đã bao giờ nghĩ tới chuyện tham gia công nghiệp giải trí chưa?" "Sao cơ, như diễn viên kịch câm ấy hả?"
"Thật ra không phải thế. Nhưng có một vị trí trống cần vũ nữ múa cột. Đúng hơn là mấy vị trí."
Tôi nhướng mày. "Xin hãy nói với tôi là anh đang đùa đi."
"Ba mươi giờ một tuần tùy chọn thời điểm. Tôi tin là tiền boa sẽ cao."
"Làm ơn, làm ơn nói với tôi là không phải anh đang tư vấn cho tôi làm một công việc mà tôi phải mặc đồ lót lượn lờ trước mặt người lạ."
"Cô nói cô cởi mở với mọi người. Và trông cô có vẻ... lòe loẹt... quần áo." Anh liếc nhìn xuống chiếc quần bó của tôi, nó mang màu xanh đính kim sa. Tôi đã nghĩ nó sẽ làm tôi vui vẻ lên. Thomas đã ngâm nga bản nhạc nền của phim hoạt hình Nàng tiên cá để trêu chọc tôi gần như suốt giờ ăn sáng.
Syed gõ gì đó lên bàn phím. "Thế 'người giám sát phòng chat dành cho người lớn' thì sao?"
Tôi nhìn anh trân trân.
Anh ta nhún vai. "Cô bảo cô thích nói chuyện với mọi người mà."
"Không. Và không làm tiếp viên quán bar bán nuy. Hay nhân viên mát-xa. Hay người điều chỉnh webcam. Thôi nào, Syed. Phải có việc gì đó tôi có thể làm mà thực sự không khiến bố tôi lên cơn đau tim chứ."
Điều này có vẻ làm anh ta bế tắc. "Chẳng còn gì nhiều ngoài những cơ hội bán hàng thời gian tự do."
"Việc xếp hàng trên giá siêu thị buổi tối thì sao?" Tôi đã làm việc đó nhiều lần nên rất thành thạo.
"Có cả một danh sách chờ ở đây. Phụ huynh có xu hướng thích làm việc đó, vì nó trùng với giờ tới trường của con cái," anh ta nói giọng có lỗi. Rồi anh ta lại nghiên cứu màn hình. "Thế thì chúng ta thực sự chỉ còn lại việc chăm sóc thôi."
"Rửa đít cho người già."
"Louisa ạ, tôi e là cô không đủ tiêu chuẩn làm gì khác. Nếu cô muốn được học nghề, tôi sẽ rất vui lòng chỉ cho cô định hướng đúng. Có rất nhiều khóa học ở trung tâm giáo dục dành cho người lớn."
"Nhưng chúng ta đã nói rõ chuyện này rồi mà, Syed. Nếu tôi làm thế, tôi sẽ mất tiền trợ cấp người tìm việc, phải không?"
"Đúng thế, vì cô không còn rảnh rang để sẵn sàng làm việc."
Chúng tôi ngồi im lặng một lát. Tôi nhìn ra cửa, nơi có hai anh chàng bảo vệ lực lưỡng đang đứng. Tôi tự hỏi có phải họ tìm được công việc đó qua Trung tâm giới thiệu việc làm này.
"Tôi không giỏi chăm sóc người già đâu Syed. Ông tôi sống cùng nhà kể từ khi bị tai biến, tôi không xoay xở được với ông." "A! Thế là cô đã có chút kinh nghiệm chăm sóc." "Không hẳn. Mẹ tôi làm mọi thứ cho ông."
"Mẹ cô có thích công việc đó không?" "Buồn cười."
"Có gì buồn cười đâu."
"Còn để tôi chăm sóc ông tôi ư? Không đâu, cảm ơn. Ông tôi sẽ bảo thế, mà phải nói là cả tôi cũng vậy. Anh có việc gì ở quán cà-phê không?"
"Tôi không nghĩ là còn đủ quán cà-phê để đảm bảo việc làm cho cô, Louisa. Chúng ta có thể thử làm ở quán gà rán Kentucky. Ở đó cô kiếm được tốt hơn đấy."
"Bởi vì phục vụ gà rán thì tôi sẽ nhận được nhiều hơn phục vụ bánh đùi gà hay sao? Tôi không nghĩ thế đâu."
"À, thế thì có lẽ chúng ta sẽ phải tìm việc ra xa xa."
"Chỉ có bốn chuyến xe buýt lên xuống từ thị trấn nhà tôi. Anh biết rồi đấy. Và tôi biết anh đã bảo tôi nên xem xét tới xe buýt du lịch, nhưng tôi đã gọi cho nhà ga thì biết năm giờ chiều là hết chuyến rồi. Vả lại giá vé đắt gấp đôi xe buýt bình thường."
Syed ngả lưng ra ghế. "Thế thì thế này, Louisa ạ, tôi thực sự phải nói rõ rằng với tư cách một người phù hợp và được phép nhận tiền trợ cấp, để tiếp tục đủ tiêu chuẩn nhận khoản tiền đó, cô cần..."
"... thể thiện rằng tôi đang nỗ lực tìm việc. Tôi biết chứ."
Làm sao tôi giải thích được với người đàn ông này tôi muốn làm việc tới mức nào? Anh ta có láng máng hiểu dù chỉ một chút xíu tôi nhớ công việc cũ ra sao hay không? Thất nghiệp với tôi vốn chỉ là một khái niệm, một thứ được nhắc đến bai bải trên bản tin về các xưởng đóng tàu và nhà máy sản xuất ô-tô. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng con người ta có thể nhớ công việc như nhớ chân tay mình - một thứ gắn bó máu thịt như thân thể. Tôi đã không nghĩ rằng mất việc không chỉ mang lại nỗi lo sợ hiện hữu về tiền bạc và tương lai, mà còn khiến ta thấy bản thân thiếu khả năng, hơi vô dụng. Ta sẽ cảm thấy khó thức dậy mỗi sáng hơn cả khi bị đồng hồ báo thức đánh thức một cách phũ phàng. Ta sẽ nhớ những người từng làm việc cùng mình, bất kể ta với họ có ít điểm chung ra sao. Hoặc thậm chí có khi ta còn phát hiện ra mình đang tìm kiếm những gương mặt thân quen trong khi cuốc bộ trên phố đông. Lần đầu tiên nhìn thấy Quý bà Bồ công anh thẩn thơ đi qua quán cũ, trông cụ ngơ ngác như chính cảm giác trong lòng tôi lúc đó, tôi phải cố lắm mới kiềm chế được thôi thúc bước tới ôm cụ một cái.
Giọng Syed phá tan khoảnh khắc mơ màng của tôi. "Aha. Việc này có khi phù hợp đây."
Tôi cố soi mắt vào màn hình.
"Nhìn kỹ xem nào. Mục này nhỏ lắm. Vị trí chăm sóc." "Tôi đã bảo anh là tôi không giỏi chăm sóc..."
"Đây không phải người già. Đây là một... vị trí riêng. Giúp việc trong nhà người ta, địa chỉ cách nhà cô khoảng ba cây số. 'Chăm sóc và đồng hành với một người đàn ông khuyết tật.' Cô biết lái xe không?"
"Có. Nhưng tôi có phải chùi..."
"Không yêu cầu chùi đít, theo tôi thấy thì thế." Anh ta lướt khắp màn hình. "Anh ta bị... bị liệt tứ chi. Anh ta cần một người cho ăn và giúp việc ban ngày. Thường thì với những việc như thế này, người làm cần có mặt khi họ muốn đi đâu đó ra ngoài, giúp đỡ những việc căn bản mà họ không thể tự làm. Oa. Nhiều tiền đấy. Nhiều hơn lương tối thiểu nhiều."
"Có lẽ là vì công việc đòi hỏi phải chùi đít."
"Tôi sẽ gọi cho họ để đảm bảo không có vụ chùi đít. Nhưng nếu đó là yêu cầu bắt buộc, cô vẫn sẽ tới phỏng vấn chứ?"
Anh nói câu đó như đặt câu hỏi.
Nhưng cả hai chúng tôi đều biết câu trả lời.
Tôi thở dài, rồi cầm túi lên chuẩn bị lên đường về nhà.
"Chúa ơi," bố tôi thốt lên. "Các người có tưởng tượng nổi không? Nếu kết cục cuộc đời phải ngồi trên một chiếc xe lăn kềnh càng chưa phải là một hình phạt đủ nặng, thì các người sẽ có Lou nhà tôi tới làm bạn với các người đây."
"Bernard!" mẹ tôi gắt.
Sau lưng tôi, ông ngoại cười khùng khục bên tách trà trên tay.
Chú thích:
(1) Thành ngữ "Play gooseberry" có nghĩa là "Đi kèm một cô gái hoặc đôi tình nhân để canh gác, giữ gìn." (Tất cả chú thích trong sách là của người dịch.)