Ta nhập cung vào một ngày đầu tháng bảy, ngày ấy vị quý nhân của Vĩnh Lạc cung nhắm mắt xuôi tay.
Chiếc quan tài được khiêng ra ngoài lướt ngang qua người ta, chính thức đặt dấu chấm hết cho những tháng ngày phải sống trong đấu đá giành giật chỉ để bắt lấy một ánh nhìn của hoàng đế.
Nghe nói người đó họ Phùng, trưởng nữ của thất phẩm Huyện lệnh, nàng sinh ra xinh đẹp xuất chúng, lại có tài ca múa hơn người.
Lúc mới nhập cung, trong vòng nửa tháng liên tiếp nhận được ân sủng, từ vị trí thường tại nho nhỏ thuận lợi thăng tiến, nói không đắc ý chút nào mới lạ.
Chỉ là dần dà, cũng chẳng biết do cố tình hay vô ý, hay là mắt có vấn đề mà lại đi gây hiềm khích với vị Vinh chiêu nghi trước giờ luôn được người người truyền tai nhau là người “không thể dây vào”.
Vừa mới bảy ngày trước thôi bị triệu đến Thừa Hoan điện, thế mà hôm nay đã yên giấc ngàn thu, một mỹ nhân từng vui vẻ hoạt bát đến nhường nào giờ đây lại biến thành cái xác lạnh ngắt, thoang thoảng vẫn còn ngửi được cái thứ mùi tanh tưởi của thi thể, ai đi ngang cũng phải bước thật nhanh để tránh bị mấy thứ ô uế vấy bẩn.
Về việc bảy ngày đó xảy ra việc gì, có người thì giữ kín như bưng, cũng có người sôi nổi bàn luận.
Để mà thêu dệt ra câu chuyện có tính người nhất, thì có lẽ là: Vinh chiêu nghi đã đẩy Phùng quý nhân vào một cái giếng cạn, chuẩn bị sẵn hai tảng đá to rồi lần lượt ném xuống dưới.
Ban đầu người dưới giếng ra sức cầu xin tha thứ, nhưng thấy không ăn thua gì nên chuyển sang mắng chửi, sau đó là tiếng thét thảm thiết không dứt bên tai, rồi tiếng kêu la mỗi lúc một nhỏ dần.
Phùng quý nhân dùng chút hơi tàn còn sót lại rên rỉ dưới giếng hơn hai ngày, da thịt chằng chịt vết thương bắt đầu thối rữa, trở thành môi trường lý tưởng cho giòi bọ sinh sôi nảy nở, cuối cùng không trụ được nữa, chết tức tưởi dưới đáy giếng tối tăm bẩn thỉu.
Phải căm hận đến mức nào mới làm ra được việc kinh hãi đến vậy chứ?
Dẫn Diên đã thay ta hỏi câu hỏi gây hoang mang cho biết bao nhiêu người này, đám tiểu cung nữ nghe thấy đề tài nóng hổi thì ríu ra ríu rít kể tường tận.
Đại khái là Vinh chiêu nghi ban thưởng cho “tay sai đắc lực” của mình là Kỷ dung hoa một đôi hài sa tanh hoa, khi Kỷ dung đi tới chỗ Nghi quý phi thỉnh an thì bị Phùng quý nhân giẫm lên hài.
Nàng dung hoa này ngoài mặt thì ung dung thản nhiên, sau lưng lại quỳ trước mặt Vinh chiêu nghi giàn giụa nước mắt khóc lóc kể khổ.
Ban đầu thì tự trách móc bản thân vô dụng đến đôi hài thôi cũng không giữ gìn cẩn thận được, còn nói Phùng quý nhân làm trò phá hư đồ mà Vinh chiêu nghi tặng mình ngay trước mặt Nghi quý phi, thế thì có khác nào đang vả bôm bốp vào mặt Vinh chiêu nghi?
Kỷ dung hoa ỉ ôi một trận đã đời, sống chết muốn lấy mạng Phùng quý nhân.
Từ đó đúc kết được rằng, đi đứng làm gì phải hết sức cẩn thận, chỉ cần sai lệch một chút thôi cũng đi đời nhà ma.
Dẫn Diên nói hăng say quên trời đất, dáng vẻ như còn muốn kể tiếp nhưng lại bị ta cắt ngang: “Đừng để trễ giờ bái kiến Quý phi.”
Dẫn Diên nhíu mày tỏ ý khó chịu, cô ấy là thị nữ được phân cho ta, cũng là người chướng mắt ta số một trong cung này.
Không chỉ bởi vì cô ấy từng chuẩn bị nước rửa chân cho vị hoàng quý phi đã qua đời, chẳng thèm để một đáp ứng hèn mọn như ta vào mắt, mà cũng vì lần đầu tiên gặp ta đã hỏi cô ấy: “Trong cung có nữ nhân từng được gả đi không?”
Lúc đó thái độ khinh thường của cô ấy vẫn chưa bộc lộ hẳn ra mà bị giấu nhẹm sau lớp ngụy trang cung kính: “Đương nhiên rồi, các nương nương trong cung đều là nữ nhân được gả cho Hoàng thượng.”
“Ý ta là, trước khi tiến cung từng được gả cho người khác.”
Nghe câu này Dẫn Diên sững người tròn mắt.
“Ta chính là nữ nhân như vậy đấy.” Ta mỉm cười, một nụ cười chân thành.
Từ nhỏ nương đã nói với ta, rằng con người của ta có một tật xấu rất lớn, là quá mức thẳng thắn thật thà, có gì nói nấy, không biết che giấu, cũng sẽ không vòng vo tam quốc.
Nhưng thẳng thắn thật thà thì có gì sai? Nói trước việc này coi như là liều thuốc xóa sạch mọi ý niệm về tương lai một bước lên mây, vinh hoa cùng hưởng trong đầu cô ấy, tuy hơi tàn nhẫn nhưng bớt được phiền phức.
Cô ấy theo ta nhiều năm thì mới phát hiện ta là kiểu người trước sau như một, chỉ là đống “bùn loãng không thể trát tường”.
Khi Dẫn Diên bắt đầu quen với tính cách bộc trực của ta, từ đó trở đi lúc nào nhìn mặt ta cũng dán hai chữ “coi thường” thật to lên mặt.
Làm chưởng sự cung nữ cho một mạt đẳng đáp ứng từng có gia đình có lẽ là công việc bình sinh đáng xấu hổ nhất của cô ấy.
Kiểu sống mà phải lăn lộn trong đau khổ không chút hy vọng đã hình thành niềm vui thú duy nhất trong cuộc đời của Dẫn Diên - giận dỗi ta, không có việc gì làm thì ngân nga mấy khúc nhạc, những lúc nhìn cô ấy vui vẻ thì cảm giác hổ thẹn trong lòng ta cũng vơi phần nào.
Mồng ba tháng bảy, nháy mắt đã ba ngày từ khi nhập cung, ta đã bái kiến các vị nương nương, nhưng Vinh chiêu nghi thủ đoạn tàn khốc không ai bì nổi trong truyền thuyết đến nay vẫn chưa thấy lộ mặt.
Nghi quý phi có phân vị cao nhất trong cung, đoan trang ngồi ghế trên, tựa như vị Bồ Tát tôn quý được nạm đầy ngọc, ung dung đẹp đẽ lộng lẫy, thật không mỹ từ nào đủ để hình dung hết phong thái có một không hai này.
Ngồi sát hai bên là Uyển phi và Trang phi, sau nữa là Nhu sung nghi, Thận tần, Hi tần, Khang tần, vài vị tiệp dư, dung hoa, quý nhân chưa được phong hiệu.
Còn có những mỹ nhân, thường tại, đáp ứng, canh y không tiếng tăm chẳng kẻ nào thèm để ý tới, họ là những người do bị vạ lây họa từ nhà mẹ đẻ nên chỉ có thể đứng mà không được phép ngồi.
Nào Hoàn phì Yến sấu, nào oanh oanh yến yến mấy chục người đứng chật ních cả đại điện rộng lớn.
Mà ta, chỉ là một đáp ứng thấp kém nhất.
Sở dĩ không bị giáng làm canh y là do ta không đủ tư cách, bình thường phi tần phạm vào đại tội mới bị giáng xuống canh y, nếu ta bị như vậy thì chỉ có một con đường là vào lãnh cung.
Sau khi yết kiến Nghi quý phi thì nàng giới thiệu cho ta về từng vị nương nương, ta cũng quy củ hành lễ, nàng chỉ bảo vài câu rồi ban thưởng, xong xuôi ta lại lùi về đứng phía sau cuối nghe các nàng bàn luận chính sự rôm rả.
Cái gọi là chính sự, nói trắng ra thì là khua môi múa mép sau lưng người khác.
Khang tần với vẻ mặt nịnh hót, giọng điệu sâu kín nói mỉa Vinh chiêu nghi vài câu, rằng phải biết bản thân đã làm ra những chuyện tốt gì, rằng cứ chuẩn bị tinh thần một ngày nào đó lãnh ý chỉ bị biếm vào lãnh cung.
Thật trùng hợp, ngay lúc này ngoài cửa vừa khéo lại có ý chỉ đến.
Có điều Vệ công công vừa đọc xong mấy chữ ít ỏi trên cuộn thư minh hoàng thì hơn phân nửa nữ nhân ngồi trong phòng mặt mũi ai nấy cũng tái xanh, nửa khác thì hít một hơi sâu, chỉ có ta, chớp chớp mi lấm la lấm lét bình tĩnh xem trò náo nhiệt.
Chiếu chỉ viết, sẽ tấn phong Vinh chiêu nghi thành Vinh phi, vọt lên ngang hàng với Trang phi Uyển phi, đứng đầu chúng phi tần, chỉ dưới Nghi quý phi một bậc.
Vị này hai tay đã bị máu tươi vấy bẩn, nay được thăng phân vị, quả đúng là hậu cung ăn thịt không thèm nhả xương, thật sự khiến lòng người bất an.
Người ta chợt run lên, tay chân lạnh toát.
Sau khi trở về ta đã chia sẻ tin tức này với Dẫn Diên, cô ấy lúc nào cũng dào dạt hứng thú với mấy chuyện đặc sắc không kém phần kịch tính trong hậu cung.
“Này, ngươi nói xem có phải quý nhân nhập cung trước ta rất lâu không?” Ta xòe ngón tay ra bấm bấm tính toán, “Chiêu nghi đó chắc cũng nhập cung chưa được bao lâu.
Ta nhớ mẹ ruột của hoàng thượng, phi tần của tiên hoàng, đến lúc chết vẫn chỉ được phong làm tần”.
Dẫn Diên trợn mắt khinh bỉ nhìn ta, lại phô diễn cái vẻ cao ngạo như trước kia khi còn làm cung nữ được chuẩn bị nước rửa chân cho hoàng quý phi: “Người mà cũng dám so sánh mình với kẻ khác ư? Hôm nay người đã gặp Vương mỹ nhân của Dục Tú cung rồi chứ? Nhập cung đã ngót bảy, tám năm, vừa tiến cung phong làm thường tại.
Mấy năm nay có thăng vị thì cũng chỉ nhích lên một bậc là cùng, chứ đừng nói gì đến “quý nhân”.
Người đấy, tuổi không còn nhỏ nữa, trước khi nhập cung còn… Đúng vậy, không giống nữ nhân bình thường của hậu cung, người có thể leo lên làm mỹ nhân là tích phúc cho cung chúng ta rồi.”
Cung của ta chỉ có vỏn vẹn hai người là ta và Dẫn Diên, sợ rằng phúc của ta cộng với phúc của cô ấy cũng chưa chắc được đến “phúc trạch thâm hậu”.
“Vậy ngươi nói xem, Vinh chiêu nghi, à không, Vinh phi giết người, nàng ta không sợ chút nào sao?”
“Sợ? Ha!” Dẫn Diên lưu loát xắn tay áo lên cao, điệu bộ y hệt như sắp kể một chuyện kinh thiên động địa, “Nếu nàng ta biết viết chữ ‘sợ’ thì hoàng quý phi cũng sẽ không chết.”
Ta gặng hỏi lý do nhưng Dẫn Diên ngậm chặt miệng không nói.
Dù thường ngày cô ấy rất hoạt ngôn, có thể coi là người “miệng không bao giờ khép”, tuy nhiên vẫn cất giấu nhiều điều trong lòng, quyết tâm không tiết lộ thứ gì cả.
Nếu nói ra thì cũng chỉ có đôi câu vài lời chẳng đáng lưu tâm.
Mồng bảy tháng bảy, tiết khất xảo*, nổi tiếng với truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ nhờ chiếc cầu ô thước để đến bên nhau, cũng là ngày hoàng đế đến cung của ta.
*Thất tịch: Đây là ngày hội truyền thống ở Trung Quốc để các cô gái trẻ trưng bày các vật dụng nghệ thuật tự tạo trong ngày này và để cầu mong lấy được ông chồng tốt.
Khi đó ta đang đứng bên bệ cửa sổ, mải mê ngắm nhìn ánh trăng đang tàn lụi dần sau những tầng mây.
Hắn hỏi ta: “Nàng nhìn gì vậy?”
Ta nói: “Trừ trăng ra thì còn nhìn gì được nữa đây?”
Hắn im lặng lúc lâu thì bước đến kéo tay ta, để ta dựa vào hắn sóng vai đi vào, màn trướng khẽ rủ, lụa đỏ lay động.
Chúng ta chỉ đơn thuần ngồi hàn huyên tâm sự chứ không làm gì cả, chưa đến giờ Tý hắn đã đi, áo quần chỉnh tề, ta cũng vậy.
Lúc đẩy cửa đi ra, Vệ công công và Dẫn Diên nãy giờ đứng ngoài canh giữ hình như đã nhận ra gì đó.
Ánh mắt Vệ công công ẩn chứa ý vị sâu xa liếc vào bên trong dò xét, Dẫn Diên tiễn hoàng đế đi khỏi thì quay vào, giúp ta chỉnh trang lại phần cổ áo vẫn luôn ngay ngắn không chút nếp nhăn, giọng điệu chỉ tiếc rèn sắt không thành thép: “Chủ tử đi nghỉ sớm thôi.”
Người đi hết trả lại không gian yên tĩnh, ta trở lại bên giường tìm cái ghế dựa ngồi xuống, tiếp tục thưởng thức ánh trăng treo ngoài cửa sổ.
Ta nhìn tảng mây mờ ảo trôi lững lờ chậm rãi tản ra, một canh giờ trôi qua, trăng vẫn không có dấu hiệu tròn đầy, lẽ nào phải đợi đến tận mười lăm tháng bảy mới có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp viên mãn ấy sao? Sao mà giống ta quá, ngày qua ngày nhìn vào gương, chưa bao giờ có cảm giác mình già hơn hôm qua, mà rõ ràng ta đã trải qua bảy độ xuân thu, từ thiếu nữ mười sáu* đến lúc trổ hoa.
*Nguyên văn là 二八少女 (thiếu nữ hai mươi tám): chỉ thiếu nữ mười sáu, không có nghĩa xấu.
Ta nhớ năm mười sáu tuổi ấy lần đầu lập gia đình, ký ức hãy còn nguyên vẹn như thuở đầu, từng tình chàng ý thiếp bên nhau lúc hoạn nạn khó khăn, rồi lại rơi vào cảnh hòa ly đẫm nước mắt, nhớ lại ngày tháng gia cảnh sa sút nên được đưa vào chùa nương nhờ.
Thời gian như bóng câu qua cửa, nhoáng cái đã bảy năm.
Cho đến tháng trước, thánh thượng đương triều Lý Thừa Mục bãi giá chùa An Nguyên, vô tình gặp ta sau núi đã chỉ thẳng vào ta rồi không do dự hạ lệnh.
“Đưa nàng vào cung.”
Sáng sớm ngày thứ hai, khi ta đến chỗ Nghi quý phi thỉnh an thì bắt gặp Phùng tiệp dư và Khang tần đang chụm đầu rỉ tai nhau, chốc chốc lại nhìn ta rồi nở nụ cười khinh khỉnh.
Nghi quý phi khiển trách các nàng hai câu, ưỡn ngực kiêu ngạo ngẩng cao đầu, ánh mắt như bậc bề trên xem kẻ tôi tớ chiếu thẳng lên đầu ta, cất giọng muôn vàn an ủi: “Mấy ngày gần đây hoàng thượng bận rộn việc triều chính, chỉ tới chỗ muội nghỉ chân được một lát rồi đi, muội phải thông cảm.”
Thật là nực cười, hậu này cũng thú vị quá thể đi chứ, chuyện tốt ra cửa, chuyện xấu thì khỏi cần nói nữa, càng muốn giấu nhẹm đi thì lại càng bị đào bới lên để rồi phải nghe những lời nói mát móc mỉa.
Được sủng thì rước thêm người hận, bị thờ ơ lạnh nhạt thì nhiều hơn một người đến giễu cợt.
Mấy ngày liên tiếp, ta đi đến đâu là lại thấy có người chỉ trỏ bàn tán đủ điều.
Ngay cả Vinh phi - người mắt cao hơn đầu, đến cả tên họ của ta cũng không biết - cũng bắt đầu để ý tới ta.
Tình cờ chạm mặt cạnh ao Thanh Diệp, nàng che miệng bật cười nói: “Ô kìa, đó chẳng phải vị đáp ứng lần đầu tiên được thị tẩm đã dọa hoàng thượng khiến người chỉ nán lại được một chốc đã vội đi ngay ư? Nào nào lại đây, để bản cung nhìn xem mặt mũi ra sao mà để đến nông nỗi ấy cơ chứ!” Dứt lời, nàng vươn tay nâng cằm ta lên, “Dáng vẻ này cũng đâu tính là quá chướng mắt đâu nhỉ, sao lại làm hoàng thượng hoảng sợ mất rồi? Hửm, nhìn kĩ thì hình như tuổi hơi lớn đấy.”
Nàng ung dung như thể đang thưởng thức miếng ngọc thạch hết sức bình thường là ta đây, thỉnh thoảng quay sang kéo kéo ống tay áo của tiểu cung nữ bên cạnh xuýt xoa: “Ui chao, ngươi xem hoàng thượng của chúng ta cũng thật là, trong cung chẳng lẽ còn thiếu mấy người đẹp hết thời dung nhan tàn phai sao? Tội gì mà phải gọi người ta tới, xong lại ghét bỏ người ta?”
Lời này nghe sao cũng mang đến cho người khác cảm giác nàng rất hiểu con người của hoàng đế, ăn nói càn rỡ đôi khi chính là một kiểu khoe khoang ngầm.
Lúc về ta có hỏi Dẫn Diên, hoàng đế rời chỗ ta ngay trong đêm thật sự là chuyện đáng để mọi người đem ra đàm tiếu như vậy sao?
Dẫn Diên gật đầu, nhìn vẻ mặt hoang mang của ta thì lại lắc đầu, cuối cùng rót cho ta một chén trà nhỏ: “Chủ tử, uống nhiều nước ấm một chút, đừng nghĩ ngợi linh tinh nữa.”
Trong mắt Dẫn Diên, hình tượng “bùn nhão không trát nổi tường” của ta có lẽ đã không thể lung lay được nữa rồi.
Mà chính vào tết Trung Nguyên ngày mười lăm tháng bảy ấy, mọi thứ dường như đã xoay chuyển và bước sang một trang mới..