Chẳng bao lâu sau có đám nha hoàn và bà tử ra phục vụ, lại có một nữ tử trẻ tuổi bước ra.
Trường Đình nhìn thấy dung mạo người này diễm lệ, bên miệng có lúm đồng tiền nho nhỏ, chưa nói đã cười trông rất đỗi duyên dáng.
Nàng ấy ăn mặc không giống các quý phu nhân trong phủ, Trường Đình thầm nghĩ chắc là thiếp thất của Vương gia, nếu không thì với thân phận của nàng và Vân Huệ, sao lại khiến nàng ấy phải đích thân ra tiếp đón chứ?
Người đó tiến đến hành lễ với Trường Đình và Vân Huệ, hai người vội vàng đáp lễ.
Vân Huệ tuy có chút thẹn thùng nhưng vẫn nhẹ nhàng hỏi: “Không biết nên xưng hô với vị cô nương này như thế nào?”
Nữ tử kia mỉm cười, chưa kịp trả lời thì một phụ nhân đứng bên đã cười nói với Trường Đình và Vân Huệ: “Đây là Văn Cơ trong phủ.”
Mọi người lại khách sáo một lúc rồi chẳng mấy chốc có người đến mời Trường Đình đi.
Vân Huệ vì không được triệu nên không dám theo, chỉ đành ở lại trong sảnh cùng Văn Cơ đàm đạo.
Trường Đình đi theo người dẫn đường, nhân dịp đó mà ngắm nghía khắp phủ.
Vương phủ quả nhiên danh bất hư truyền, mỗi chỗ đều không chút phô trương, xa hoa mà tinh tế, từng ngọn cỏ, từng viên đá, viên gạch, đều mang ý nghĩa thâm sâu.
Người dẫn đường đưa Trường Đình vào trong một gian phòng lớn, nhẹ giọng nói: “Vương gia đang đợi Giang cô nương ở bên trong.” Nói xong liền cúi mình rồi lui ra.
Trường Đình nhìn quanh gian phòng, thấy nơi đây rộng lớn nhưng không bị ngăn cách, bên trái chính giữa là một chiếc thư án lớn, trên đó bày biện bút, mực, giấy, nghiên rất ngăn nắp.
Bên cạnh thư án có một hàng kệ sách cao chạm đến trần nhà, trên đó chất đầy sách.
Các bức tranh sơn thủy, thư pháp, không gì là không tinh xảo.
Bên cạnh thư án một người đứng phóng bút viết gì đó, Lý Thừa Phụng Lang thì cung kính đứng một bên, khi Trường Đình bước vào, người kia cũng không ngẩng đầu lên.
Trường Đình tiến thêm vài bước, người đó dường như đã viết xong liền ngẩng đầu nhìn Trường Đình.
Lúc này Trường Đình mới nhìn rõ, bước chân chợt khựng lại, lòng không khỏi kinh ngạc thầm nghĩ: Hóa ra lại là người này!
Người đang cầm bút mặc thường phục màu thẫm, vai áo và cổ áo thêu hoa văn tinh xảo bằng chỉ chín màu, trước ngực là hình rồng bốn móng như sắp bay ra ngoài.
Lông mày như được vẽ bằng mực, đôi mắt tựa làn nước mênh mông, đúng là người mà Trường Đình đã gặp trong rừng trên núi Thanh Vân!
Tuy trong lòng Trường Đình thắc mắc nhưng trên mặt vẫn bình tĩnh, vẻ ngạc nhiên thoáng qua, bỗng nghe thấy tiếng của Lý Thừa Phụng Lang: “Giang cô nương, đây là Tấn Vương điện hạ.”
Trường Đình liền hành lễ: "Thảo dân bái kiến Tấn Vương điện hạ.”
Vị Tấn Vương này chính là người mà Trường Đình đã gặp dưới chân núi Thanh Vân, tên là Triệu Quyền, nhi tử thứ ba của Hoàng đế đương triều.
Đương thời, mọi người đều nói rằng tam Hoàng tử giống Hoàng thượng nhất.
Mẫu thân là Hoàng quý phi được sủng ái nhất trong hậu cung, nhà ngoại lại nắm quyền chấp chính vốn có tiếng là hiền lương.
Triệu Quyền tuy còn trẻ nhưng là người đầu tiên trong số các Hoàng tử được lập phủ và phong Vương, Hoàng thượng đối với hắn cũng hết mực yêu thương, có thể nói là dốc lòng bồi dưỡng.
Lại thêm diện mạo tuấn tú phi phàm, phong thái tuyệt luân, người trong kinh thành hễ nhắc đến Tấn Vương đương thời, ai nấy đều giơ ngón tay cái mà khen ngợi.
Chỉ nghe thấy Triệu Quyền ôn hòa nói: “Giang cô nương không cần đa lễ, mời đứng dậy.”
Trong miệng Trường Đình nói cảm tạ, cúi đầu tạ ơn rồi đứng dậy.
Lại nghe thấy Triệu Quyền nói: “Giang cô nương hôm nay mới đến, hẳn là đã vất vả trên đường.”
Vẻ mặt Trường Đình thản nhiên đáp lại: “Tạ ơn Vương gia đã quan tâm, cũng không có gì là vất vả cả, chỉ là không biết hiện giờ sư huynh của ta thế nào rồi?”
Triệu Quyền mỉm cười nhìn về phía Trường Đình, chỉ thấy nữ tử này mặc y sam màu trắng, trang phục tuy mộc mạc, tóc vấn nhẹ nhàng thành búi của cô nương, trên búi tóc cũng chỉ có vài món trang sức giản dị.
Nhưng may thay mái tóc đen mượt mà, óng ánh, lại làm nổi bật làn da trắng ngần, nhìn vào cũng không đến nỗi nào.
Lại nhìn kỹ hơn, đôi mắt nàng long lanh như hồ nước thu vốn đã mang chút phong lưu diễm lệ, trong ánh mắt chuyển động lại càng thêm phần sinh động.
Nhưng đôi mày dài đen đậm như được vẽ bằng mực, đầu mày hơi nhọn kéo dài lên trên.
Cặp mắt rực rỡ như sao trời ấy lại khiến khí chất phong lưu bị át đi mà thay vào đó là vẻ anh khí, khiến Triệu Quyền thầm than: “Đáng tiếc cho một đôi mắt đẹp lại bị đôi mày nặng nề này làm mất đi nét hàm xúc.”
Hắn cũng có chút châm chọc nghĩ: "Nhìn thì cũng giống người lăn lộn chốn giang hồ đấy.”
Thời ấy, người ta ưa chuộng nét mày của nữ tử nhẹ nhàng và mềm mại giống như khói mưa Giang Nam, cần được vẽ nhẹ bằng bột vẽ mày mới tỏ rõ vẻ e thẹn của nữ nhi.
Nhìn Trường Đình với đôi mày đen đậm như thế, tự nhiên Triệu Quyền không thấy vừa mắt.
Lại thấy dưới mắt nàng có quầng thâm, gương mặt lộ rõ vẻ mệt mỏi phong trần, có lẽ là do gấp rút hành trình mà ra.
Triệu Quyền khẽ nhíu mày, nữ tử này tuy có chút nhan sắc nhưng khó lòng gọi là tuyệt sắc.
Thân là nữ nhi mà lại lăn lộn chốn giang hồ chẳng có chút nào dịu dàng, trinh thuận đáng yêu của một nữ nhân.
Hắn thật không hiểu tại sao Vân Trình lại có thể mê mẩn nàng đến vậy.
Sau đó, Triệu Quyền mỉm cười nói: “Giang cô nương không cần lo lắng, Vân Trình được phụ hoàng trọng dụng, giao phó trọng trách.
Bỏn vương và Vân Trình tuy nhiều năm không gặp nhưng thuở nhỏ từng cùng nhau đọc sách, tình cảm từ bé đến nay chẳng phải người ngoài có thể so sánh.
Bổn vương tự nhiên sẽ không để Vân Trình gặp chuyện nên cô nương có thể yên tâm.”
Trường Đình nghe vậy trong lòng nhẹ nhõm hơn, từ tháng trước khi nhận được thư sư huynh dặn nàng phải nhanh chóng đến kinh thành, những việc khác lại dặn dò không rõ ràng khiến nàng lo lắng suốt dọc đường.
Nay nghe lời này của Triệu Quyền, tảng đá trong lòng nàng cuối cùng cũng được buông xuống.
Triệu Quyền thầm quan sát Trường Đình, thấy thần sắc nàng đã bình tĩnh hơn, lòng bỗng rục rịch mỉm cười nói: “Lúc Vân Trình rời đi đã đặc biệt dặn dò bổn vương phải chăm sóc Giang cô nương nhiều hơn, xem ra tình cảm giữa cô nương và Vân Trình cũng không tầm thường.”
Nói rồi liếc nhìn Trường Đình, nàng khẽ đỏ mặt nhưng không hề bối rối, liền đáp: “Sư huynh nhân hậu, từ nhỏ đã rất quan tâm đến ta.”
Triệu Quyền cười hiểu ý rồi chuyển đề tài: “Vậy Giang cô nương có biết thân phận thật sự của Vân Trình không?”
Trường Đình giật mình, gật đầu đáp: “Sư huynh chưa từng giấu diếm ta, ta cũng biết đôi phần về thân thế của huynh ấy.” Nói xong lòng càng thêm nghi hoặc, liền hỏi: “Chẳng hay gia đình huynh ấy có chuyện gì sao?”
Triệu Quyền nghe Trường Đình xưng hô “ta” và “huynh ấy,” thầm chê nàng không hiểu lễ nghi, nhưng mặt vẫn không biểu lộ gì mà tiếp lời: “Vân Trình là trưởng tử đích tôn của đại tộc Nhiếp thị ở Quan Trung.
Khi xưa nếu không phải vì Vân Trình bệnh nặng khó chữa, Nhiếp gia nhất quyết sẽ không thể để y rời đi.
Lần này Vân Trình trở về kinh, Nhiếp thị tất sẽ dốc toàn lực bồi dưỡng, tương lai chắc chắn sẽ tiếp quản gia vụ của Nhiếp thị.”
Trường Đình nghe xong nhưng lại không có phản ứng lớn, Triệu Quyền quan sát sắc mặt nàng, tự nhiên nói thêm: “Nhiếp thị có ý định kết thân với hoàng gia, trong hoàng thất, Sính Đình quận chúa xinh đẹp, tính cách lại phóng khoáng.
Vân Trình là người đoan chính, lễ độ, quả thực là chân quân tử.
Người trong kinh thành đều nói Vân Trình và Sính Đình là một đôi trời sinh.
Giang cô nương và Vân Trình từ nhỏ tình như huynh muội, nếu gặp được Sính Đình nha đầu nhất định sẽ vui mừng cho Vân Trình.”
Trường Đình đột nhiên ngẩng đầu nhìn về phía Triệu Quyền nhưng không hề có sự phẫn nộ hay bất bình như Triệu Quyền dự đoán.
Triệu Quyền thấy ánh mắt nàng không hề e sợ, trong lòng càng thêm ghét bỏ, nhưng vẫn mỉm cười lạnh nhạt nhìn lại nàng.
Một lát sau, Trường Đình hạ ánh mắt xuống, bình thản nói: “Vương gia vẫn chưa nói cho ta biết hiện giờ sư huynh của ta đang ở đâu.”
Triệu Quyền đứng đó, hai tay chắp sau lưng ngẩng đầu đáp: “Nếu Giang cô nương đã hiểu rõ thân thế của Vân Trình, hẳn cũng nên biết rằng y tự có nơi để đi.
Trước khi rời đi, Vân Trình đã nhờ ta chăm sóc cô nương.
Y hiện đang có trọng trách trong người nên không tiện liên lạc với cô nương.
Cô nương hãy tạm thời lưu lại trong phủ ta, chờ Vân Trình hồi kinh rồi tính tiếp, được chứ?” Nói xong, hắn ngạo mạn cúi nhìn Trường Đình.
Trường Đình vừa nghe hắn nói ra những lời kinh tâm động phách, lại thấy hắn không chịu tiết lộ tung tích của Vân Trình, trong lòng trăm mối suy tư nổi lên.
Ban đầu nàng muốn rời đi ngay lập tức, nhưng bỗng một ý nghĩ lóe lên, nàng bình tĩnh đáp: “Vậy thì Trường Đình xin đành quấy rầy vậy.” Nói rồi, nàng ôm quyền hành lễ.
Triệu Quyền vốn tưởng rằng sau khi bị kích động nàng sẽ tức giận, nhưng không ngờ nàng lại phản ứng như vậy.
Hắn khựng lại một chút rồi khẽ gật đầu.
Lúc này, một gã sai vặt đã thông minh tiến lên, cúi đầu chờ lệnh.
Triệu Quyền dặn dò: “Hãy đưa Giang cô nương đến Vãn Nguyệt Lâu, bảo Văn Cơ chăm sóc thật tốt không được để cô nương chịu thiệt.”
Ten sai vặt đáp lời rồi đến mời Trường Đình đi.
Trường Đình vừa muốn quay người đi, bỗng nhớ ra một chuyện liền nói: “Vương gia, có thể nhờ người trả lại thanh kiếm cho ta không?”
Triệu Quyền nào bận tâm đến chuyện ấy, chỉ liếc nhìn gãi sai vặt, hắn ta lập tức đáp lời.
Trường Đình thấy vậy liền nói lời cảm tạ rồi theo sai vặt rời đi.