Thiếu nữ tuyệt sắc đó chính là Nhân Thu Thuỷ.
Từ khi nàng cùng Phó Thiên Lân chia tay, nàng cũng đã khổ công tìm kiếm đôi chim "Thần điểu". Mãi đến khi nghe hai tiếng chim kêu "Quác, quác..." nàng mới lần bước tìm đến nơi này thì vừa đúng lúc bắt gặp Phó Thiên Lân đang cùng cô gái xinh đẹp là Cổ Phiêu Hương ngồi thủ thỉ tâm tình.
Trong lúc ấy thì cả Phó Thiên Lân lẫn Cổ Phiêu Hương đều không ai phát giác hình bóng của nàng. Một là vì họ cùng chú ý vào bầy chim trên đỉnh núi và xác hai quái thú kỳ dị hay họ cũng đều chìm đắm trong một cảm giác tuy không phát ra lời nói nhưng có thể ý hội và bộc lộ trên đầu mày cuối mắt. Cảnh tượng đó, đã bị Nhân Thu Thuỷ núp phía sau tảng đá nhìn thấy một cách rất rõ ràng tường tận.
Tuy Nhân Thu Thuỷ không hiện thân, nhưng không phải nàng làm như vậy là có ý để dòm lén nghe trộm, mà chỉ vì không muốn làm kinh động hai người thôi.
Sở dĩ nàng muốn làm như thế cũng là vì thần sắc như say như đắm và giấc mộng đẹp êm đềm mỹ miều của Cổ Phiêu Hương.
Hơn thế nữa, đối với Phó Thiên Lân, nàng rất hiểu rõ và tín nhiệm về lòng chung thủy của chàng, cũng như đối với Cổ Phiêu Hương nàng rất thương xót và đồng tình cảnh ngộ của người bạn đồng phái.
Đến khi nàng đưa mắt nhìn theo bóng Phó Thiên Lân và Cổ Phiêu Hương, dần dần chìm mất nơi phía chân trời thì trong lòng bỗng dâng lên một niềm cảm xúc bùi ngùi không rõ là vui mừng? Là buồn rầu? Hay là u oán?
Vui mừng là nàng đã được nhìn thấy một cô gái tuy sống trong vũng bùn nhơ nhưng không nhiễm mùi hôi tanh như Hồng Y La Sát Cổ Phiêu Hương.
Buồn rầu là không hiểu đối với một kẻ trượng phu quân tử quang minh lỗi lạc như Phó Thiên Lân rồi đây Cổ Phiêu Hương sẽ phải xử sự ra sao cho tình nghĩa song toàn?
Còn u oán, đây là oán trách ông trời đã sinh ra Cổ Phiêu Hương còn sinh rằng Nhân Thu Thuỷ làm gì nữa?
Nếu không có Nhân Thu Thuỷ thì Phó Thiên Lân và Cổ Phiêu Hương há chẳng sẽ vĩnh viễn là một cặp bạn lữ thần tiên ư?
Và nếu không có Cổ Phiêu Hương thì Nhân Thu Thuỷ cũng đã không mang nhiều u oán như hiện tại:
Nàng đứng trầm ngâm tự hỏi:
- Ta phải xử sự làm sao bây giờ?
Trong thâm tâm nàng dằng co không ngừng giữa hai tiếng nói, hai câu trả lời. Cuối cùng nàng có vẻ như đã quyết định và nghiến răng khẽ lẩm bẩm một mình:
- Cổ thư thư với tấm thân cô khổ, lại mang tiếng con người ác độc, có thể nói nàng là một kẻ bạc mệnh nhất trên đời so với nàng ta còn hạnh phúc hơn nhiều. Tại sao ta lại nhẫn tâm đoạt nốt phần hạnh phúc của nàng như thế được. Mà dù ta có bị mất hạnh phúc của mình chăng nữa, nhưng chỉ cần trong thâm tâm Lân ca lúc nào cũng nhớ đến ta là ta mãn nguyện rồi.
Do thiên tính thiện lương sẵn có ấy của Nhân Thu Thuỷ đã đem đến cho Nhân Thu Thuỷ một quyết định là :
"Sau Đại Hội Hoàng Sơn, dù có được gặp sư phụ nàng là Hoàng Sơn Độn Khách Cát Ngư Nhân hay không, nàng sẽ tìm nơi ẩn cư như một kẻ lánh đời, chôn chặt trong thâm tâm mối tình giữa nàng với Phó Thiên Lân để dành lại hạnh phúc cho một người bạn gái tâm giao, mà số mệnh đã nhiều phen đau khổ...
Với ý định ấy của nàng sẽ đúng hay sai? Và hậu quả sẽ là bi hay hỉ, rồi đây cũng sẽ được dần dần trả lời trong những ngày sắp tới.
Giữa lúc đó thì Phó Thiên Lân và Cổ Phiêu Hương đang cùng nhau ngồi trên lưng "Thần điểu" lướt gió tung mây, bay về phía chân trời hướng Tây.
Cổ Phiêu Hương chẳng những võ công trác tuyệt mà kinh nghiệm giang hồ cũng rộng rãi, nhưng đây là lần thứ nhất nàng được lướt gió trên không vượt hàng ngàn dặm cùng với người tình si luyến nàng đã lộ vẻ tươi vui cao hứng vô cùng.
Khoảng cách giữa Hoàng Sơn với dãy núi Võ Đang tuy khá xa, nhưng với tốc độ của cặp thần điểu cũng chẳng mấy chốc mà Vô Sầu Cốc đã xuất hiện trước mặt.
Phó Thiên Lân ngồi trên lưng chim phóng mắt nhìn xuống, thấy cửa hang Vô Sầu Cốc phía xa xa đột nhiên bị bao phủ bởi một lớp vân hà ngũ sắc, thì bất giác chàng lộ vẻ ngạc nhiên. Nhưng đến khi bay tới gần chàng mới nhận rằng lớp may ngũ sắc này, là do bầy chim của hai vị kỳ nhân cái thế Công Tôn Đỉnh và Đỗ Vô Sầu bày thành một trận thế gọi là "Bách Cầm Tiên Trận" bao phủ cửa hang.
Nhìn Tiên Trận, Phó Thiên Lân và Cổ Phiêu Hương đều ngầm hiểu ý hai vị ẩn khách định ngăn không cho ai vào hang giờ này.
Riêng cặp thần điểu sau khi nhìn rõ trận thế chúng liền hạ cánh đợi hai người xuống đất, rồi bay lượn vài vòng và cũng tự động gia nhập Bách Cầm Tiên Trận sau mấy tiếng kêu vang.
Phó Thiên Lân nhìn kỹ bầy chim trong Bách Cầm Tiên Trận không thấy con Anh Vũ thúy linh, thì biết không thể nào vào hang được vì không có linh cầm dẫn đường cho nên chàng buộc lòng phải cùng Cổ Phiêu Hương đứng nghiêm chỉnh ngoài cửa hang chờ đợi.
Thời gian chờ đợi gần mất một ngày mà " Bách Cầm Tiên Trận" vẫn không giải tán.
Cả con "Cút mỏ sắt" Phó Thiên Lân định thả vào hang cũng bị ngăn cản không sao vào lọt cửa hang.
Mãi tới khoảng chập tối ngày mồng tám tháng chín từ dưới lòng hang mới vang lên mấy tiếng chuông khánh chúng chúng ngân rền. Bỗy chim nghe tiếng chuông khánh chúng liền tự động giải tán tiên trận. Kế đó bóng hình con Anh Vũ Thúy Linh cũng từ dưới hang, bay vụt lên như một ánh sáng màu lục và dùng giọng mũi kêu líu lo:
- Hai vị chủ nhân Bách Cầm Tiên Tử và Bách Điểu Tiên Nhân, công hành đã gần viên mãn xin mời hai vị theo Thúy Linh vào hang tham bái cho kịp giờ.
Xuống tới đáy hang, Phó Thiên Lân để ý nhìn, hai bên bồ đoàn kết bằng chim đặt dưới gốc cổ tùng đã không còn hình bóng hai vị kỳ khách Công Tôn Đỉnh và Đỗ Vô Sầu.
Chàng cùng Cổ Phiêu Hương và bầy chim được con Anh vũ Thúy Linh hướng dẫn đi thẳng vào một toà sơn động u tĩnh phía sau hàng cổ thụ.
Riêng Phó Thiên Lân và Cổ Phiêu Hương, không dám đi thi triển khinh công sợ thất lễ trước mặt hai vị tiền bối cao nhân nầy nên hai người chỉ thủng thỉnh bước theo sau bầy chim.
Toà sơn động u tĩnh nầy, nằm dưới chân một vách thẳng tắp như đẽo, cửa động tuy hẹp nhưng bên trong thì rộng rãi vô cùng. Bách Cầm Tiên Tử và Bách Điểu Tiên Nhân đều mỉm cười ngồi đối diện trên hai chiếc cẩm đôn hai tay chắp trước ngực. Nét mặt cả hai người dều lộ vẻ hồng hào tươi thắm, và cùng cúi đầu nhắm mắt như sắp sửa toa. hoá, từ giã cõi đời ô trọc bước vào thế giới đại giải thoát.
Bầy chim lớn nhỏ con nào con nấy vây bọc chung quanh với một vẻ trang nghiêm.
Lúc nầy trong thâm tâm, Phó Thiên Lân vừa kinh hãi vừa bội phục mà nghĩ thầm quả thực hai kỳ dị nhân cái thế này đã tu luyện tới mức "Tham thấu tinh quan qui tạo hoá, bất lưu di hận tại nhân gian". Nhưng tiếc rằng chuyến đi mang theo ý nguyện của mình sẽ thành vô dụng vì Công Tôn Đỉnh và Đỗ Vô Sầu đều sắp sửa toa. hoá chứng thành đại đạo thì làm sao còn có thể tới Hoàng Sơn trợ trận, giúp đỡ quần hào nữa.
Giữa lúc Phó Thiên Lân đứng tần ngần suy nghĩ thì Cổ Phiêu Hương cũng cảm động vì cảnh trang nghiêm trước mặt mà cũng tự động ngừng bước, đứng nghiêm chỉnh để chiêm ngưỡng giờ phút nghiêm trọng của hai bậc kỳ nhân tuyệt thế.
Bách Điểu Tiên Nhân Đỗ Vô Sầu ngồi xếp bằng yên lặng với nét mặt trang nghiêm thanh thản. Còn Bách Cầm Tiên Tử Công Tôn Đỉnh, khẽ hé mắt nhìn Phó Thiên Lân và Cổ Phiêu Hương một cái rồi mỉm cười nói với Đỗ Vô Sầu.
- Đỗ hiền muội, vừa rồi ngu huynh có bấm tay tính toàn thấy rằng chúng ta còn một mối nợ nhân duyên chưa trọn và bây giờ quả nhiên giờ phút này đã được thực hiện đúng với dịp Phó Thiên Lân lão đệ và một vị Hồng Y cô nương tới đây tống biệt chúng ta.
Sau khi nghe Công Tôn Đỉnh nói, Đỗ Vô Sầu mới ngửng đầu, mở mắt nhìn chăm chú vào Cổ Phiêu Hương với nét dung quang rực rỡ, đoan trang cao quí và tuyệt đại phong hoa, khiến Cổ Phiêu Hương cũng phải ngấm ngầm tâm phục.
Phó Thiên Lân thấy hai bậc tiền bối kỳ nhân đều đã mở mắt tươi cười, chàng vội vàng cùng Cổ Phiêu Hương cúi mình thi lễ, Bách Điểu Tiên Nhân khẽ xua tay mỉm cười và trỏ Cổ Phiêu Hương hỏi:
- Có phải cô nương đây là "Hồng Y La Sát" mà Nhân Thu Thuỷ đã có lần đề cập với lão đệ chăng.
Nghe hỏi Cổ Phiêu Hương đỏ mặt thầm nghĩ không hiểu Nhân Thu Thuỷ đã nhắc tới tên mình trước mặt vị thế ngoại kỳ nhân này làm gì?
Phó Thiên Lân vừa cung kính gật đầu đáp lời vừa thẳng thắn kể rõ ý định của mình cho hai vị kỳ khách này nghe.
Nghe xong Bách Cầm Tiên Tử Công Tôn Đỉnh khẽ mỉm cười nói:
- " Gian tà tất sẽ bị tiêu trừ. Công đạo tất sẽ được phát dương" Phó lão đệ chớ nên nhọc lòng lo nghĩ nhiều về Đại Hội Hoàng Sơn làm gì vì những ai đã có tâm huyết duy trì chính khí võ lâm, thì dù có gặp gian nguy đến đâu cũng sẽ chuyển thành yên ổn như thường quyết không khi nào bị vướng vào vòng bạo kiếp đâu mà sợ.
Nói tới đây, Công Tôn Đỉnh đưa mắt trao đổi với Đỗ Vô Sầu một cái nhìn rồi tiếp tục nói:
- Còn việc lão đệ muốn yêu cầu chúng ta xuất sơn tương trợ thì rất tiếc là không sao thoa? mãn cho lão đệ được, vì ta và Đỗ hiền muội đều đã hoàn thành tâm nguyện công hạnh viên mãn, chỉ còn lưu lại cõi đời ô trọc này trong giây phút nữa thôi.
Phó Thiên Lân tuy cảm thấy thất vọng, nhưng chàng biết giờ phút công hạnh viên mãn nhục thân chứng đạo của Công Tôn Đỉnh và Đỗ Vô Sầu, vốn là một đại nguyên vô thượng, rất khó tu hành của người trong giới võ lâm. Và giờ phút nghiêm trọng ấy, không nên để một việc phiền não bên ngoài nào làm trở nhiễu. Cho nên chàng đành phải cúi đầu lặng lẽ với vẻ mặt buồn khôn tả.
Lúc ấy Bách Điểu Tiên Nhân Đỗ Vô Sầu cũng lộ vẻ tươi cười gọi Cổ Phiêu Hương đến trước mặt, khẽ nói:
- Nhân Thu Thuỷ đã ân cần cầu khẩn ta xếp đặt mọi việc cho cô nương. Việc này đã bàn kỹ với Bách Cầm Tiên Tử và có viết sẵn một bức giản thiếp, định sai linh điểu đưa đến Hoàng Sơn cho cô nương. Nay cô nương đã đến đây thì còn gì tiện bằng, vậy cô nương hãy giữ tấm giản thiếp này bên mình, đợi sau ngày Đại Hội Hoàng Sơn, sẽ cùng Phó Thiên Lân và Nhân Thu Thuỷ mở ta cùng xem.
Tới đây bà ta ngừng lời, lấy tấm giản thiếp trong bọc ra, đưa cho Cổ Phiêu Hương, rồi quay sang Công Tôn Đỉnh mỉm cười nói:
- Nếu lão ca không cho bầy chim đi theo chúng ta thì tiện đây lão ca cũng ra lệnh cho chúng hộ tống Phó lão đệ và Cổ cô nương về Hoàng Sơn để tăng cường oai thế cho quần hiệp chính phái, và dặn chúng đợi sau cuộc Đại Hội Hoàng Sơn sẽ trở về với núi rừng hay đi đâu tùy ý.
Bách Cầm Tiên Tử Công Tôn Đỉnh gật đầu hội ý mỉm cười đáp:
- Chủ ý của hiền muội rất đúng, nếu tất cả những cầm điểu thông linh này đều tụ tập tại Hoàng Sơn, thì oai thế sẽ lớn lao vô cùng, và biết đâu chẳng gây thành ưu thế cho các anh hùng chính phái hiện tại?
Nói tới đây, lão ta đưa mắt nhìn khắp một lượt bầy chim hàng trăm ngàn con đang đậu xung quanh mình khẽ mỉm cười lẩm nhẩm một tràng tiếng chim như dặn dò chỉ bảo.
Bầy chim nghe xong không một con nào lên tiếng. Tất cả đầu giữ trạng thái nghiêm chỉnh như cũ. Chỉ thấy hai ba trăm cặp mắt vàng đỏ lóng lánh chăm chú nhìn hai vị chủ nhân không chớp. Và từ trong ánh mắt của chúng đều lộ vẻ chân thành lưu luyến vô hạn.
Thấy Đỗ Vô Sầu khẽ chép miệng lên tiếng khuyên nhủ Thiên Lân và Phiêu Hương:
- Phó lão đệ và Cổ cô nương hãy nên lưu ý. Nhân gian vạn vật, loại giống nào mà chẳng hữu tình? Nhưng thuận tình được mọi người kính mến. Kiêu tình bị mọi người chán ghét. Si tình, khiến mọi người thương xót. Bạc tình, khiến mọi người hoán hận. Cho nên kẻ thuận tình tất được hưởng hạnh phúc, kẻ nghịch tình tất bị diệt vong, đó là kết quả của chúng ta đã thể hội được trong cả thời gian hàng trăm năm chìm nổi.
Mong rằng Phó lão đệ và Cổ cô nương, từ nay trở đi, bất cứ trong lúc tu thân hay hành đạo đều nhớ kỹ những lời của ta, sẽ được ích lợi rất nhiều.
Phó Thiên Lân nghe rõ ý nghĩa sâu xa trong lời nói của Đỗ Vô Sầu, thì thầm tự giật mình. Còn Cổ Phiêu Hương thì lại có cảm giác hình như vị võ lâm kỳ nhân sắp toa. hoá này, bất cứ trong nét mặt hay lời nói nào đối với nàng đều có vẻ ân cần âu yếm như một người mẹ hiền, nên nàng đã cảm động vô cùng và định nhào vào lòng Bách Điểu Tiên Nhân để đón nhận một bàn tay vuốt ve âu yếm.
Giữa lúc đó, nét mặt Đỗ Vô Sầu bỗng nhiên lộ thần quang sáng rực, chỉ thấy bà ta đưa mắt nhìn Công Tôn Đỉnh một cái, rồi quay sang Cổ Phiêu Hương mỉm cười an ủi:
- Thân thế và tâm ý của Cổ cô nương ta đều rõ hết và đã có biện pháp thu xếp thoa? đáng ghi trên tấm giản thiếp. Hiện nay, hận duyên trần thế của Đỗ Vô Sầu đã dứt, không còn thì giờ tâm sự nữa. Mong rằng, từ nay trở đi, cô nương sẽ được mọi sự xứng tâm vừa ý, vô hận vô sầu.
Dứt lời, trên nét mặt bà ta lộ vẻ tươi cười hiền hoà rồi nhắm mắt tạo hoá.
Cả Phó Thiên Lân và Cổ Phiêu Hương đều không dè Đỗ Vô Sầu lại toa. hoá, một cách mau lẹ như vậy? Nhưng đến khi quay nhìn sang phía Công Tôn Đỉnh, thì cũng thấy nét mặt ông ta lộ vẻ tươi cười và cũng đã quy tịch hầu như đồng thời với Đỗ Vô Sầu.
Cổ Phiêu Hương không nén đau thương đã bật khóc thành tiếng. Phó Thiên Lân phải vội vàng ghé tai nàng khẽ an ủi:
- Cổ tỉ tỉ hãy tạm thời cố nén bi thương, vì hai vị lão nhân gia, thần du chưa được bao xa, chúng ta chớ nên làm náo động phương hại đến giờ phút nghiêm trọng ấy, mà sẽ đắc tội với hai người.
Lúc ấy, Cổ Phiêu Hương mới giật mình nhớ ra, và vội vàng cùng Phó Thiên Lân cúi đầu lặng lẽ, bước theo bầy chim ra ngoài cửa động.
Sau khi hai người cùng bầy chim rằng khỏi cửa động, con Anh vũ Thúy Linh liền vỗ cánh bay lên nóc hang mổ mạnh một cái vào một cục đá nhỏ gắn trên nóc, kế đó có tiếng se sẽ nổi lên và bỗng dưng từ hai bên vách có tảng đá lớn từ từ chạy ra đóng chặt cửa động.
Bầy chim đứng yên lặng đợi khi cửa động bị đóng kín chúng mới đồng thanh kêu lên những tiếng bi ai thảm thiết, có con lệ chảy tựa như mưa, có con vụt bay lên rồi lao đầu vào vách đá tự tử.
Cả con "Cút mỏ sắt" của Công Tôn Đỉnh tặng Phó Thiên Lân cũng bắt chước đồng loại, lao đầu vào đá chết theo chủ nhân, nhưng vì đó là một hành động tuẫn tiết theo chủ, đáng làm câu chuyện lưu truyền thiên cổ nên chàng cũng đành phải ngậm ngùi thương xót chớ biết nói gì hơn.
Chuyện xảy rằng chỉ trong chớp mắt ngoài cửa động đã la liệt hàng mấy chục xác chim. May mà con được hai con thần điểu luôn luôn kêu gào giận dữ cùng con Anh vũ Thúy Linh dùng lời dẫn giải mới khuyên can được số chim còn lại không đâm đầu vào vách đá tự tử. Tuy nhiên con nào con nấy đều đứng nhìn vào cửa động sa lệ như mưa.
Lúc ấy Cổ Phiêu Hương cũng đã sụt sùi nhỏ lệ ướt cả áo. Cuối cùng nàng phải giơ tay che mặt, nghẹn ngào bảo Phó Thiên Lân:
- Phó đệ hãy mau đưa tỉ tỉ ra chỗ khác đi, vì tỉ tỉ không nỡ nhìn cảnh thương tâm nầy được nữa.
Chính lúc nầy Phó Thiên Lân cũng sa lệ bùi ngùi, nhưng đến khi nghe mấy câu nói của Cổ Phiêu Hương thì chàng càng thêm hiểu rõ cô gái nầy quả đã hoàn toàn biến cải, trở thành tâm địa của một vị Bồ tát, khác hẳn với bộ mặt La Sát năm xưa, vẫn ngạo nghễ giang hồ giết người như ngoé.
Trong khi đó con Anh vũ Thúy Linh, bèn bay đên bên cạnh Phó Thiên Lân và Cổ Phiêu Hương, dùng giọng người nói rất lưu loát:
- Xin mời Phó tướng công và Cổ cô nương hãy theo hai "Thần điểu" lên đỉnh núi trước, đợi Thúy Linh thu dọn xong di thể đồng loại rồi sẽ theo hai vị đến Hoàng Sơn trợ trận.
Dứt lời, con Thúy Linh liền gọi cặp "Thần điểu" đến trước mặt Phó Thiên Lân, rồi giục hai người mau rời khỏi cửa động.
Phó Thiên Lân nhẩm tính ngày giờ, thấy đã đúng ngày mồng chín tháng chín chàng sợ lỡ kỳ đại hội, vội cùng Cổ Phiêu Hương cúi mình thi lễ trước cửa thạch động một lần chót, rồi cùng nhảy lên lưng thần điểu, vượt bảy từng mây mờ, ra khỏi Vô Sầu Cốc.
Ra đến cửa hang, trời đã sáng, khiến Phó Thiên Lân lại càng nóng lòng, không hiểu gì tới Hoàng Sơn có bị lỡ giờ hay chăng?
Hai người đứng chờ ngoài cửa hang mà lòng như lửa đốt mãi đến khi mặt trời ló dạng mới thấy bầy chim từ dưới bay lên. Cả hai vội vàng nhảy lên lưng thần điểu rồi giục bầy chim bay mau về hướng Hoàng Sơn.
Tảng sáng ngày mồng chín tháng chín, ánh dương quang vừa ló dạng phương Đông, lưng sườn Hoàng Sơn còn bao phủ một lớp sương mờ dày đặc, người đi ngang chỉ mon rõ hình dáng chớ không nhận biết dung mạo. Nhưng trên một bãi đất phẳng, ngang sường núi giữa Sư Tử Lâm và Thúy Tín Phong, đã có bóng nhiều người thấp thoáng xuất hiện và tiếng nói lào xào.
Trên khúc gỗ tùng, một mỹ phụ tuyệt sắc, hình dáng yểu diệu, phong thái xinh tươi ngồi mỉm cười nhìn về hướng đông. Hai mái tóc mây vén cao, lộ cặp mày liễu cong vút, gió núi thổi tung bay tà áo màu hồng lợt dưới ánh mặt trời ban mai, lại càng làm nổi bậc khuôn mặt mỹ diễm tuyệt luân của mỹ phụ, thoạt nhìn chỉ thấy mỹ phụ này như một vị thần tiên thần nữ giáng phàm, chớ không ai đoán hiểu được nàng đã bao nhiêu niên kỷ.
Nhìn nàng, người ta tưởng tưởng như một tiểu thư thiên kim khuê các, hoặc một quý phụ xuất thân nơi quyền thế. Nhưng thực ra, mỹ phụ này chính là Đông Hải Kiều Bà Nhuế Băng Tâm. Một dị nhân trong nữ giới, một ma đầu khét tiếng trong võ lâm thiên hạ.
Kỳ quái là, bên sườn bà ta không thấy mang theo thanh "Thiên Lam Độc Kiếm" lừng danh giang hồ và sau lưng cũng vắng bóng người nữ đồ đệ đắc ý và cũng là một người kế truyền duy nhất của bà ta tên gọi Hồng Y La Sát Cổ Phiêu Hương. Tất nhiên cả mọi người trên Thanh Lương Đài đều ngạc nhiên suy đoán không ai hiểu rõ sự vằng mặt bất thường này. Ngoại trừ có Nhân Thu Thuỷ là biết một cách tường tận.
Trên một tảng đá còn đọng hơi sương nằm sát bên cánh trái Đông Hải Kiều Bà, một vị lão già gầy gò, áo vải mũ gai, ngồi xếp bằng tròn. Cặp mắt lão già lim dim nửa nhắm nửa mở, với nét mặt lạnh lùng như sương tuyết. Thoạt nhìn, chẳng khác một vị nho giả tiền triều đã chán cảnh hư danh ẩn thân tị thế, tháng ngày vui cùng thơ rượu. Nhưng nhìn kỹ thì lại giống một vị sơn lâm ẩn khách chẳng màng danh lợi. Nhìn hình dáng bề ngoài có thể nói, rất ít người trong giới võ lâm, lịch lãm giang hồ là đã biết rõ được lại lịch của lão già này.
Nhưng về thanh danh hiển hách thì trong giới giang hồ, không ai là không biết tiếng.
Lão già ấy, chính là "Huyết Lệ Bố Y Đan Tâm Kiếm Khách" Như Thiên Hân, tuy ít khi bước chân vào chốn giang hồ, nhưng tiếng tăm đã lừng lẫy khắp võ lâm thiên hạ.
Lúc ấy chỉ thấy Đông Hải Kiều Bà Nhuế Băng Tâm khẽ quay người sang phía vị lão già, để râu ba chòm, có cặp mắt sâu hoắm và chiếc cằm bạnh, mình mặc áo bào thêu rồng, đầu đội mũ miện đế vương, ngồi phía bên phải mụ ta khẽ nhoẻn miệng cười, rồi ngửa cổ nhìn trời nói:
- Trời đã sáng tỏ, mà vẫn chưa thấy hình bóng của chủ nhân Đại hội, khiến chúng ta phải tự tìm lấy ghế ngồi, quả thực là một chuyện lạ lùng từ xưa, đến nay lão bà này chưa hề thấy.
Vị lão già để râu ba chòm, đội mũ miện đế vương giả này đang ngồi vắt vẻo trên một cành cây mềm lơ thơ vài cọng lá úa, tuy thần sắc tỏ ra rất kiêu ngạo, nhưng khi nghe Đông Hải Kiều Bà nói, lão ta giữ vẻ cực kỳ cung kính, luôn luôn gật đầu, có thể nói chẳng khác thái độ của một kẻ xu nịnh a dua nhưng trong cặp mắt của lão ta đôi lúc lại thoáng hiện một tia nhìn hung ác dữ tợn, nếu không để ý nhìn kỹ thì không thể phát hiện.
Người ấy chẳng cần hỏi cũng có thể đoán biết, vì hắn chính là Đồng Cổ Thiên Tôn Lôi Chấn Vũ, đã tự xưng vương, trấn ngự trong dãy núi Dã nhân tại vùng Miêu Cương.
Ngồi bên cạnh Đan Tâm Kiếm Khách là một vị đạo nhân áo bào tía, có khuôn mặt gầy đét với bộ râu dài đen nhánh, tuổi độ trên dưới năm mươi nhưng cách ngồi của đạo nhân này rất lạ kỳ.
Kiểu ngồi của hắn không như Đông Hải Kiều Bà Nhuế Băng Tâm đã vận dụng công lực tuyệt đỉnh dùng tay không chặt một khúc Cổ tùng thiên niên để làm chiếc ghế ngồi. Và cũng không như Đồng Cổ Thiên Tôn Lôi Chấn Vũ, đề khí khinh thân, ngôi vắt vẻo trên một cành cây nhỏ mềm mại mà vẫn nhẹ nhàng không bị cong gãy.
Lại cũng không như Đan Tâm Kiếm Khách Như Thiên Hân ngồi trên tảng đá.
Thần thái của hắn trông rất nhàn nhã, hai mí mắt nhắm nghiền bất động, với nét mặt lạnh lùng chẳng chút cảm tính chỉ có cánh tay tả là đặc biệt dài lêu nghêu luôn luôn vuốt ve cây ngọc bích như ý dài độ hai thước đặt ngang đầu gồi.
Cứ nhìn qua món binh khí ngoại môn kỳ dị độc đáo ấy, nếu người từng lăn lộn giang hồ ít nhiều, có thể biết ngay hắn chính là Nam Hoang Hạt Đạo Phí Nam Kỳ, một ma đầu lang độc nhất trong bọn "Vực Ngoại Tam Hung".
Một hàng bốn tên ma đầu vừa kể trên, ngoài Đan Tâm Kiếm Khách, tuy tên nào tên nấy cùng tỏ ra bình tĩnh, nhưng thâm tâm họ, đều ẩn dấu một âm mưu riêng tư thầm kín, chỉ vì lớp sương sớm còn mù mịt chưa tan, nên không ai nhìn rõ nét mặt và hiểu tâm ý của họ mà thôi.
Còn hàng trăm người ngồi đối diện, thì đủ mọi sắc thái, người dáng điệu oai dũng, kẻ thành thật thoát trần, người mỉm cười tươi vui, kẻ trầm tư suy nghĩ, cũng có người tay chấp ngang ngực, ngồi trên tảng đá xanh, vận công tĩnh toa. như một lão tăng ngồi nhập định.
Người có thư thái thanh dật xuất trần tức là Cô Vân Đạo Trưởng, một kiếm khách tiếng tăm lừng lẫy khắp nơi.
Người có dáng điệu oai mãnh, không ai khác vị anh hùng huyết tính nhân chân thành tên gọi Trường Bạch Tửu Đồ Hùng Đại Niên, đã nổi tiếng là người nóng nảy và thẳng tính.
Người có nét mặt tươi vui mỉm cười, ngồi điềm tĩnh và thản nhiên tức là vị hiệp khách vừa giỏi về võ công, vừa giỏi về nghề thuốc, đã được giang hồ tặng danh hiệu "Nhân Tâm Quốc Thủ Trại Hoa Đà" Bạch Nguyên Chương.
Còn vị lão già ngồi cúi đầu trầm tư là Động Đình Điếu Tẩu Vân Lão Ngư Nhân.
Riêng Tuệ Giác Thần Ni, thì hai tay chắp trước ngực ngồi nhập định, coi cảnh vật nhân sự chung quanh chẳng khác một trò hư ảo.
Trong khi đó Trường Bạch Tửu Đồ Hùng Đại Niên đã lộ vẻ bồn chồn nóng nảy đứng ngồi không yên, lúc thì ngửa mặt nhìn trời cao, lúc thì phóng mắt theo dõi phía đường mòn xa thẳm, những núi rừng vẫn âm u trùng điệp chìm trong bầu không khí im lìm như chết.
Thấy vậy, Trại Hoa Đà Bạch Nguyên Chương khẽ mỉm cười, chìa hai ngón tay ra trước mặt Trường Bạch Tửu Đồ chậm rãi nói:
Này Hùng huynh, tiểu đệ xin mạn phép đoán thử xem có đúng tâm sự của Hùng huynh đang suy nghĩ hay chăng?
Trường Bạch Tửu Đồ Hùng Đại Niên đang đứng nóng lòng trông ngóng, nghe hỏi lão ta liền quay sang lớn tiếng:
- Thực không ngờ Bạch lão đầu lại lắm nghề đến thế, ngoài nghề thuốc lại còn biết cả nghề bói toán nữa. Nào lão huynh thử đoán xem Hùng mỗ này đang suy nghĩ gì nào?
Bạch Nguyên Chương cất tiếng cười ha hả nói:
- Điều thứ nhất, Bạch mỗ đoán lão ghiền đang thắc mắc và lấy làm kỳ quái tại sao người chủ trì Đại hội là Hoàng Sơn Độn Khách Cát Ngu Nhân, đến giờ này vẫn vắng bóng chưa chịu xuất hiện có phải không ?
Hùng Đại Niên hất ngón tay cái, trừng cặp mắt dòm Bạch Nguyên Chương một cái rồi lắc đầu cười khanh khách:
- Đúng, khá lắm...Còn điều thứ hai?
Bạch Nguyên Chương lại mỉm cười nói tiếp:
- Còn điều thứ hai, chắc là Hùng huynh đang lo lắng về chuyện Phó Thiên Lân và Nhân Thu Thuỷ cô nương đi tìm Bách Cầm Tiên Tử và Bách Điểu Tiên Nhân, không hiểu tại sao đến giờ vẫn không trở về có phải chăng?
Nghe Bạch Nguyên Chương nói xong, Trường Bạch Tửu Đồ bỗng cất cười sằng sặc mà rằng:
- Trật, trật hết tiểu đệ đã nói Bạch huynh tuy có giỏi nghề thuốc thực, chớ nghề đoán quẻ thì vị tất đã rành, Hùng Đại Niên này vốn tính ngay thẳng, đâu có lắm điều tâm sự phải bận suy nghĩ đến như thế? Hùng mỗ chỉ nghĩ rằng chúng ta bất tất phảichờ sự xuất đầu lộ diện như Hoàng Sơn Độn Khách nữa mà cứ việc ra tay đánh nhau đi cho rồi.
Tới đây, Hùng Đại Niên bỗng quay sang phía đối phương cất giọng oang oang nói:
- Chúng ta bất tất phải đợi chủ nhân cuộc đại hội làm chi nữa, hễ sương tan là bắt đầu giao đấu.
Kế đó lão ta lại hỏi tiếp:
- Có phải các người cũng đang nóng lòng đợi một ma đầu nữa trong số Vực Ngoại Tam Hung là Ngọc Chỉ Linh Xà Tiêu Dao Tử chớ gì?