Truy Tìm Dracula

“BIÊN NIÊN KÝ” CỦA ZACHARIAS Ở ZOGRAPHOU

Do Atanas Angelov và Anton Stoichev biên soạn

GIỚI THIỆU

“Biên niên ký” của Zacharias là một tài liệu lịch sử.

Bất chấp tình trạng không hoàn chỉnh rất đáng thất vọng, “Biên niên ký” của Zacharias cùng với tập ký “Chuyện kể của Stefan Kẻ Lãng Du” là một nguồn tư liệu quan trọng chứng thực những lộ trình hành hương của tín đồ Thiên Chúa giáo vùng Balkan thế kỷ mười lăm, cũng như thông tin về số phận thi hài ông hoàng Vlad III “Ţepeş” xứ Wallachia, từ lâu vốn được cho là đã được chôn cất tại tu viện hồ Snagov (hiện thuộc về Rumani). Nó cũng cung cấp cho chúng ta một miêu tả hiếm có về những người tử đạo vô danhWallachia (mặc dù chúng ta không thể biết chắc chắn nguồn gốc dân tộc của các tu sĩ ở Snagov, ngoại trừ Stefan, nhân vật chính của “Biên niên ký”). Chỉ có bảy người tử đạo khác được ghi nhận có gốc gác Wallachia, và không ai trong số này tuẫn đạo ở Bungari.

Tập “Biên niên ký” không tên này được viết bằng ngôn ngữ Xlavơ vào năm 1479 hoặc 1480 và do một tu sĩ tên Zacharias tại tu viện Zographou, núi Athos, Bungari ghi lại. Zographou, “tu viện của họa sĩ”, tọa lạc gần trung tâm bán đảo Athonite, thoạt tiên được thành lập vào thế kỷ thứ mười và đến những năm 20 của thế kỷ mười ba thì trực thuộc giáo hội Bungari. Cùng với tu viện Hilandar ở Serbia và Panteleimon ở Nga, tu viện Zographou không bị giới hạn trong quốc gia nơi tu viện tọa lạc; chính điều này và sự thiếu thông tin về Zacharias khiến ta không thể xác định gốc gác của ông: Zacharias có thể là người Bungari, Serbia, Nga, hoặc có lẽ là người Hy Lạp, mặc dù việc Zacharias sử dụng tiếng Xlavơ ủng hộ cho giả thuyết ông là người gốc Xlavơ. “Biên niên ký” chỉ cho chúng ta biết ông sinh ra vào thế kỷ mười lăm và được cha tu viện trưởng ở Zographou, vốn rất quý trọng tài năng của ông, chọn đích thân nghe lời xưng tội của Stefan Kẻ Lãng Du và ghi lại lời xưng tội này vì một mục đích quan trọng liên quan đến bộ máy quan chức giáo hội và có lẽ còn liên quan cả đến khía cạnh tâm linh nữa.

Các lộ trình Stefan đề cập trong chuyện kể của ông phù hợp với vài tuyến đường hành hương nổi tiếng. Constantinople là đích đến sau cùng của những người hành hương xứ Wallachia, cũng như tất cả tín đồ Thiên Chúa giáo ở phương Đông. Xứ Wallachia, và đặc biệt là tu viện ở hồ Snagov, cũng là một địa điểm hành hương và được biết tới như là con đường để người hành hương tiếp cận cả Snagov và Athos tại những vùng xa xôi nhất. Việc các tu sĩ băng qua Haskovo trên đường đến Bachkovo cho thấy có lẽ họ đã sử dụng đường bộ từ Constantinople qua Edirne (hiện là Thổ Nhĩ Kỳ) để vào miền Đông Nam Bungari; vì các bến cảng thông dụng ven Biển Đen hẳn đã đưa họ đi rất xa về hướng Bắc chứ không qua Haskovo.

Sự xuất hiện của các điểm hành hương truyền thống trong “Biên niên ký” của Zacharias đặt ra câu hỏi liệu chuyện kể của Stefan có phải là một tài liệu về hành hương hay không. Tuy nhiên, hai sự kiện được coi là lý do cho các cuộc lãng du của Stefan - rời khỏi thành phố suy tàn Constantinople để sống ly hương từ sau năm 1453, vận chuyển các thánh tích và tìm kiếm một “vật báu” ở Bungari sau năm 1476 - đã khiến ký sự này trở thành biến thể của một biên niên ký hành hương kinh điển. Hơn nữa, chỉ riêng việc Stefan rời khỏi Constantinople lúc còn là một tu sĩ trẻ cũng có vẻ như bị thúc đẩy chủ yếu bởi ước vọng tìm kiếm những địa điểm thiêng liêng ở nước ngoài.

Đề tài thứ hai mà cuốn “Biên niên ký” soi rọi đến là những ngày cuối cùng của ông hoàng Vlad III xứ Wallachia (1428?-1476), thường được biết đến dưới tên Vlad Ţepeş Kẻ Xiên Người, hoặc Dracula. Dù vài sử gia cùng thời với Dracula đã thuật lại những chiến dịch của ông ta chống lại người Thổ cũng như những cuộc đấu tranh giành giật và duy trì ngai vàng xứ Wallachia, nhưng không mấy ai đề cập chi tiết đến cái chết và việc chôn cất ông hoàng này. Vlad III đã có những đóng góp hào phóng cho tu viện ở Snagov xây dựng lại nhà thờ, như Stefan khẳng định trong chuyện kể của mình. Có khả năng Dracula cũng yêu cầu được chôn cất ở đó, theo truyền thống của các nhà sáng lập hoặc bảo trợ chính của các tổ chức trong khắp thế giới Chính Thống giáo.

Stefan khẳng định trong cuốn “Biên niên ký” rằng Vlad đã đến thăm tu viện này vào năm 1476, năm cuối đời ông ta, có lẽ một vài tháng trước khi chết. Năm 1476, ngai vàng của Vlad III phải chịu sức ép khủng khiếp từ Quốc vương Ottoman Mehmed II, người không ngừng giao tranh với Vlad từ năm 1460. Đồng thời, việc Vlad nắm giữ ngai vàng xứ Wallachia cũng bị đe dọa bởi một nhóm địa chủ sẵn sàng về phe với Mehmed nếu vị Quốc vương này tiến hành một cuộc xâm lấn mới vào Wallachia.

Nếu “Biên niên ký” của Zacharias chính xác thì cuộc viếng thăm Snagov của Vlad III đã không được sử sách chép lại và chắc hẳn cực kỳ nguy hiểm đối với bản thân ông ta. “Biên niên ký” ghi lại là Vlad đã mang kho báu đến tu viện; rằng việc ông ta hành động liều lĩnh như vậy chứng tỏ tầm quan trọng của mối ràng buộc giữa ông ta và Snagov. Hẳn ông ta phải biết rõ mạng sống của mình thường xuyên bị đe dọa, từ đế chế Ottoman và cả từ đối thủ chính ở Wallachia thời kỳ đó, Basarab Laiota, người chiếm giữ ngai vàng Wallachia ngay sau cái chết của Vlad. Bởi vì viếng thăm Snagov chẳng đem lại mấy lợi ích chính trị, nên có vẻ hợp lý khi suy ra rằng Snagov rất quan trọng đối với Vlad III vì những lý do tâm linh hoặc lý do cá nhân, có thể ông ta định biến chốn này thành nơi yên nghỉ sau cùng của mình. Dù thế nào thì “Biên niên ký” của Zacharias cũng khẳng định về cuối đời ông ta đặc biệt lưu tâm đến Snagov.

Hoàn cảnh chết của Vlad III cũng rất mờ ám, và càng mù mờ hơn bởi sự mâu thuẫn giữa những truyền thuyết dân gian và giả thuyết này nọ của các học giả. Vào cuối tháng Mười hai năm 1476 hoặc đầu tháng Giêng năm 1477, Vlad bị một bộ phận quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Wallachia phục kích, và bị giết trong trận đụng độ nhỏ sau đó. Một vài chuyện truyền khẩu cho rằng thực ra ông ta đã bị người của mình giết chết, vì bị nhầm là một sĩ quan Thổ khi leo lên đồi để quan sát rõ hơn trận đánh đang diễn ra. Một biến thể của truyền thuyết này còn khẳng định vài người trong đám thủ hạ đã tìm cơ hội ám sát ông ta để trừng trị bản tính ác độc khét tiếng. Hầu hết mọi nguồn tư liệu bàn luận về cái chết này đều nhất trí là thi thể của Vlad đã bị chặt đầu và thủ cấp ấy được mang về Constantinople dâng lên Quốc vương Mehmed như bằng chứng về sự gục ngã của một kẻ đại kình địch.

Dù sao chăng nữa thì theo chuyện kể của Stefan, chắc hẳn một vài thủ hạ của Vlad vẫn trung thành với ông ta, bởi họ đã mạo hiểm mang thi thể ông về Snagov. Từ lâu người ta vẫn tin rằng cái xác không đầu được chôn cất trong nhà thờ tu viện Snagov, trước bệ thờ.

Nếu câu chuyện của Stefan Kẻ Lãng Du đáng tin cậy, thì xác của Vlad III đã được bí mật chuyển từ Snagov đến Constantinople, và từ đó chuyển tiếp đến một tu viện tên Sveti Georgi, ở Bungari. Mục đích của việc dời chuyển này, và “vật báu” mà các tu sĩ tìm kiếm trước tiên ở Constantinople rồi sau đó ở Bungari là gì, đều không rõ ràng. Câu chuyện của Stefan khẳng định rằng vật báu kia sẽ “nhanh chóng cứu rỗi linh hồn của ông hoàng này”, điều này cho thấy hẳn cha tu viện trưởng Snagov đã nghĩ vật báu ấy cần thiết về khía cạnh tâm linh. Có thể ông ta và các tu sĩ của mình tìm kiếm một thánh tích thiêng liêng ở Constantinople còn sót lại sau những cuộc càn quét của người Latin hoặc Ottoman. Cũng có thể ông ta không muốn lãnh trách nhiệm hủy hoại cái xác ở Snagov, hoặc chặt thi thể đó ra vì tin rằng làm vậy sẽ ngăn ngừa được ma cà rồng, hay cũng không thể mạo hiểm giao cho dân địa phương thực hiện việc này. Căn cứ vào thân thế của Vlad và thực tế là các giáo sĩ Chính Thống giáo không đủ can đảm tham gia vào việc cắt xén, hủy hoại xác chết con người, thì sự miễn cưỡng này cũng là điều tự nhiên.

Đáng tiếc là người ta vẫn chưa tìm thấy địa điểm chôn cất di hài Vlad III ở Bungari, và thậm chí, giống như trường hợp tu viện Paroria ở Bungari, nơi tọa lạc cái tu viện tên là Sveti Georgi cũng chưa được biết đến; có lẽ nó đã bị bỏ hoang hoặc bị phá hủy thời đế chế Ottoman, và “Biên niên ký” là tài liệu duy nhất tiết lộ vị trí tu viện, dù chỉ chung chung. “Biên niên ký” chép rằng các tu sĩ chỉ đi một đoạn ngắn - “không quá xa” - từ tu viện ở Bachkovo, cách thành phố Asenovgrad bên sông Chepelarska khoảng ba mươi lăm cây số về hướng Nam. Rõ ràng là Sveti Georgi nằm ở đâu đó về phía Nam miền Trung Bungari. Phần lớn dãy Rhodope thuộc khu vực này, một trong những khu vực bị đế quốc Ottoman chinh phục sau cùng ở Bungari; một vài vùng có địa hình đặc biệt hiểm trở ở khu vực này chưa bao giờ nằm hoàn toàn dưới ách cai trị của người Thổ. Nếu Sveti Georgi tọa lạc trong vùng núi non này thì có thể phần nào giải thích cho việc nó được chọn làm địa điểm yên nghỉ tương đối an toàn cho di hài Vlad III.

Mặc dù “Biên niên ký” khẳng định tu viện đã trở thành một địa điểm hành hương sau khi các tu sĩ Snagov đến đó, cái tên Sveti Georgi vẫn không xuất hiện trong các nguồn tư liệu quan trọng của thời kỳ ấy, hoặc trong bất kỳ nguồn tư liệu nào sau này, điều đó chứng tỏ tu viện đã bị xóa sổ hoặc bỏ hoang không bao lâu sau khi Stefan rời khỏi nơi đó. Tuy nhiên, chúng ta biết được đôi điều về việc thành lập tu viện Sveti Georgi nhờ bản sao duy nhất của một typikon_(1) được lưu giữ tại thư viện tu viện Bachkovo. Theo tài liệu này, Sveti Georgi được Georgios Komnenos, một người anh em họ xa của Hoàng đế Byzantine, Alexios I Komnenos, xây dựng năm 1101. “Biên niên ký” của Zacharias khẳng định là lúc nhóm tu sĩ từ Snagov đến, tu sĩ ở Sveti Georgi “già nua và lèo tèo vài người”; có thể đoán chừng là nhóm thầy tu ít ỏi này đã gìn giữ chế độ tế lễ được quy định trong typikon, sau đó chế độ này cũng được đám tu sĩ người Wallachia tuân thủ.

Điều đáng lưu ý là “Biên niên ký” nhấn mạnh cuộc hành trình của các tu sĩ Wallachia ngang qua Bungari theo hai cách khác nhau: thuật lại khá chi tiết sự tuẫn đạo của hai người trong nhóm dưới tay các quan chức Ottoman và ghi chép lại sự chú ý của người dân Bungari trong quá trình họ hành hương trên đất nước này. Không có cách nào để biết được điều gì đã kích động những người Thổ ở Bungari, nói chung vốn khoan dung với những hoạt động tôn giáo của người Thiên Chúa giáo, lại xem các tu sĩ người Wallachia là một mối đe dọa. Qua Zacharias, Stefan thuật lại là những người bạn của ông ta đã “bị hỏi cung” ở thị trấn Haskovo trước khi bị tra tấn và giết chết, điều này lại dẫn đến giả thuyết là chính quyền Ottoman tin rằng nhóm tu sĩ nắm giữ một thông tin nhạy cảm nào đó về mặt chính trị. Haskovo nằm ở Đông Nam Bungari, một vùng nằm dưới quyền cai trị bó buộc của người Thổ vào thế kỷ mười lăm. Điều kỳ lạ là các tu sĩ tử đạo bị trừng phạt theo hình phạt truyền thống của người Thổ đối với tội trộm cắp (chặt tay) và tội đào tẩu (chặt chân). Đa số những người tuẫn đạo dưới chế độ cai trị của đế chế Ottoman đều bị tra tấn và giết chết bằng các phương cách khác. Các hình thức trừng phạt trên, cũng như việc lục soát xe ngựa của các tu sĩ được Stefan tả lại trong câu chuyện của mình, cho thấy rõ quan chức ở Haskovo đã buộc các tu sĩ vào tội trộm cắp, dù có vẻ như không chứng minh được lời cáo buộc đó.

Stefan thuật lại sự lưu tâm rộng khắp của người dân Bungari suốt dọc lộ trình, điều này có thể đã kéo theo sự chú ý của người Thổ. zuy nhiên, chỉ tám năm trước đó, tức năm 1469, di hài của Sveti Ivan Rilski, một ẩn sĩ và cũng là người sáng lập tu viện Rila, đã được chuyển từ Veliko Trnovo đến một nhà nguyện ở Rila, đám rước này được Vladislav Gramatik chứng kiến và thuật lại trong tác phẩm “Kể lại chuyến chuyển dời di hài Sveti Ivan”. Suốt cuộc dời chuyển này, các quan chức Ottoman đã tỏ ra khoan dung trước sự chú ý của dân Bungari địa phương đối với di hài đó, và cuộc diễu hành được xem như sự kiện và biểu tượng đoàn kết của người Công giáo Bungari. Cả Zacharias và Stefan có lẽ đã biết về đám rước di hài Ivan Rilski nổi tiếng, và chắc hẳn đến năm 1479 thì Zacharias ở Zographou cũng phải có một bản tường thuật chép tay về sự kiện đó.

Thái độ rộng lượng trước đó - và mới đó thôi - đối với một cuộc diễu hành tôn giáo tương tự dọc Bungari khiến nỗi lo ngại của người Ottoman với hành trình của các tu sĩ xứ Wallachia trở nên có ý nghĩa đặc biệt. Việc lục soát xe ngựa của các tu sĩ - chắc hẳn do lính của quan tổng trấn địa phương tiến hành - cho thấy các quan chức người Thổ ở Bungari có lẽ đã biết được ít nhiều về mục đích cuộc hành trình của họ. Chắc chắn chính quyền Ottoman không thiết tha gì việc chứa chấp di hài một trong các kẻ thù lớn nhất trên mặt trận chính trị, hoặc tỏ lòng khoan dung trước sự sùng kính di hài đó. Tuy nhiên, điều khó hiểu hơn nữa là chắc hẳn họ không phát hiện được gì khi lục soát chiếc xe ngựa, bởi sau đó chuyện kể của Stefan đề cập đến việc mai táng thi hài tại tu viện Sveti Georgi. Chúng ta chỉ có thể suy đoán cách họ cất giấu một cái xác nguyên vẹn (dù không đầu) nếu quả thực họ đã mang nó theo.

Cuối cùng, có một điểm cả các nhà sử học lẫn nhân học đều quan tâm, đó là “Biên niên ký” đề cập đến những điều các tu sĩ tin rằng đã thấy trong nhà thờ Snagov. Họ không thống nhất về những gì đã xảy ra với thi thể Vlad III trong đêm thức canh xác và đã kể ra nhiều phương cách mà, theo truyền thống, là nền tảng để một xác chết chuyển hóa thành quỷ nhập tràng - một con ma cà rồng - điều đó cho thấy họ đều tin rằng Vlad có nguy cơ hóa ma cà rồng. Vài người trong số họ tin là đã nhìn thấy một con thú nhảy qua xác chết, còn những người khác thì cho rằng một sức mạnh siêu nhiên dưới dạng sương mù hoặc gió đã tràn vào nhà thờ khiến xác chết ngồi dậy. Trong văn hóa dân gian vùng Balkan, sự hình thành ma cà rồng bởi một con thú được ghi lại rất nhiều, cũng như niềm tin là ma cà rồng có thể biến thành làn khói hoặc sương mù. Chắc hẳn các tu sĩ đã biết đến sự khát máu khét tiếng của Vlad III, và việc ông ta tiến hành cải sang đạo Công giáo trong gia thất của Mátyás Corvinus, tức vua Hungary, bởi tính khát máu kia vốn là điều mà ai ở Wallachia cũng biết, còn việc cải đạo chắc hẳn từng là một mối lo ngại của cộng đồng Chính Thống giáo ở đó (và đặc biệt là với tu viện được Vlad ưu ái, nơi cha tu viện trưởng có lẽ cũng là Cha giải tội của ông ta).

Các bản viết tay.

“Biên niên ký” của Zacharias được biết đến qua hai tập bản thảo viết tay là Athos 1480 và R.VII.132; bản sau còn gọi là “Bản của Tòa Giáo trưởng”. Athos 1480, một bản thảo khổ tư viết tay theo kiểu chữ bán ông-xi-an_(2), được phát hiện ở Bungari năm 1923 và hiện được cất giữ tại thư viện tu viện Rila, Bungari. Athos 1480 là bản lâu đời hơn trong hai phiên bản của “Biên niên ký”, hầu như chắc chắn do chính Zacharias chấp bút ở Zographou, có lẽ ghi chép từ những lời xưng tội trong giờ phút lâm chung của Stefan. Bất chấp lời khẳng định rằng ông “đã ghi lại từng lời”, chắc hẳn Zacharias ghi lại bản này sau khi đã suy luận và sắp xếp khá nhiều, bởi Athos 1480 chỉ có một chỗ chỉnh sửa và phản ảnh một sự trau chuốt không thể có được khi ghi chép ngay tại chỗ. Bản gốc này có lẽ được giữ ở thư viện Zographou ít nhất đến năm 1814, bởi tên nó được đề cập đến trong một thư mục các bản thảo viết tay thế kỷ mười lăm và mười sáu ở Zographou, ghi niên đại năm đó. Athos 1480 xuất hiện trở lại ở Bungari vào năm 1923, khi nhà sử học Bungari Atanas Angelov phát hiện ra nó giấu trong bìa một cuốn sách chuyên luận khổ đôi thế kỷ mười tám ở thư viện tu viện Rila, viết về cuộc đời Thánh George (Georgi 1364.21). Năm 1924, Angelov khẳng định không còn bản nào ở Zographou. Chưa rõ bản gốc này được chuyển từ Athos đến Rila chính xác vào lúc nào và bằng cách nào, mặc dù mối đe dọa từ các cuộc cướp bóc của bọn cướp biển ở Athos suốt thế kỷ mười tám và mười chín có lẽ đã phần nào tác động đến việc dời chuyển bản thảo này (cũng như vô số các tài liệu và vật tạo tác quý giá khác) ra khỏi ngọn Núi Thiêng này.

Bản sao hoặc phiên bản thứ hai của “Biên niên ký” Zacharias, và cũng là bản duy nhất được biết đến ngoài bản gốc - R.VII.132, hay còn gọi là “Bản của Tòa Giáo trưởng” - được lưu giữ ở thư viện Tòa Giáo trưởng Constantinople, theo phân tích chữ viết thì có niên đại vào khoảng giữa hoặc cuối thế kỷ mười sáu. Có lẽ đó là phiên bản về sau của bản sao được cha tu viện trưởng Zographou gửi đến giáo trưởng vào thời Zacharias. Bản gốc của phiên bản này được cho là gửi kèm một lá thư từ tu viện trưởng, nhằm báo động giáo trưởng về khả năng có một dòng dị giáo trong tu viện Sveti Georgi ở Bungari. Lá thư đó hiện nay không còn nữa, nhưng có thể vì lý do hiệu quả và thận trọng, cha tu viện trưởng Zographou đã yêu cầu Zacharias sao chép lại biên niên ký của mình để giao cho Constantinople, giữ bản gốc lại cho thư viện Zographou. Trong khoảng thời gian từ năm mươi đến một trăm năm từ khi nhận được bản sao ấy, “Biên niên ký” vẫn được thư viện Tòa Giáo trưởng đánh giá là tài liệu quan trọng, đủ để được gìn giữ bằng cách chép thêm một phó bản.

“Bản của Tòa Giáo trưởng” có thể là một bản sao sau này của lá thư từ Zographou, ngoài ra nó còn khác bản Athos 1480 ở một điểm quan trọng khác: nó cắt bỏ phần kể về những gì các tu sĩ khẳng định đã chứng kiến trong đêm thức canh thi hài Vlad tại nhà thờ Snagov, cụ thể là từ dòng “một thầy tu trông thấy một con thú” cho đến dòng “cái xác không đầu của ông hoàng cựa quậy và cố ngồi dậy”. Đoạn này có thể đã được loại bỏ trong bản sao sau này nhằm ngăn người sử dụng thư viện Tòa Giáo trưởng nắm giữ thông tin không cần thiết về dòng dị giáo Stefan mô tả, hoặc có lẽ để giảm đến mức tối thiểu chuyện mê tín dị đoan về nguồn gốc quỷ nhập tràng, một loạt niềm tin mà các giới chức giáo hội thường bác bỏ. “Bản của Tòa Giáo trưởng” rất khó xác định niên đại, mặc dù gần như chắc chắn nó là bản sao được liệt kê trong một bản danh mục thư viện Tòa Giáo trưởng từ năm 1605.

Giữa hai bản chép tay “Biên niên ký” hiện đang tồn tại này có một điểm tương đồng cuối cùng - một điểm nổi bật và khó hiểu. Cả hai đều bị xé rách bằng tay hầu như tại cùng một điểm của câu chuyện. Athos 1480 kết thúc tại chỗ “Tôi nhận ra,” trong khi “Bản của Tòa Giáo trưởng” tiếp tục “đó không phải là một bệnh dịch thông thường, mà là,” mỗi tập đều bị xé rách ngay sau một dòng hoàn chỉnh, có lẽ nhằm loại bỏ phần Stefan cung cấp chứng cứ về khả năng tồn tại một dòng dị giáo hoặc một điều xấu xa sai trái khác tại tu viện Sveti Georgi.

Một manh mối về thời điểm xảy ra việc hủy hoại này có thể tìm thấy trong bản danh mục thư viện đề cập ở trên, trong đó “Bản của Tòa Giáo trưởng” được chú thích là “không hoàn chỉnh”. Vì vậy, chúng ta có thể suy ra phần cuối của bản này đã bị xé mất trước năm 1605. Tuy nhiên, chẳng có cách nào để biết được liệu hai hành động cố ý hủy hoại trên có xảy ra trong cùng một thời kỳ hay không, hay liệu có phải hành động này đã gợi ý cho một độc giả rất lâu sau này thực hiện hành động kia, hoặc hai phần cuối của những tài liệu này thực sự giống nhau như thế nào. Mức độ trung thực của “Bản của Tòa Giáo trưởng” so với tập bản thảo viết tay tại Zographou, ngoại trừ việc thiếu mất đoạn về thức canh xác, cho thấy là câu chuyện trong hai bản có lẽ đã kết thúc y hệt nhau, hoặc ít nhất rất giống nhau. Hơn nữa, việc “Bản của Tòa Giáo trưởng” bị xé rách dù đã bỏ đoạn nói về những sự kiện siêu nhiên trong nhà thờ Snagov ủng hộ giả thuyết rằng nó cũng kết thúc bằng miêu tả về một dị giáo hoặc một điều xấu xa tại tu viện Sveti Georgi. Trong số các bản thảo viết tay của vùng Balkan thời Trung cổ, đến nay vẫn chưa ghi nhận được trường hợp nào khác về việc can thiệp một cách có hệ thống vào hai bản sao của cùng một tài liệu ở cách xa nhau hàng trăm dặm.

Các lần xuất bản và các bản dịch.

Trước đây “Biên niên ký” của Zacharias ở Zographou đã được xuất bản hai lần. Lần thứ nhất là một bản dịch tiếng Hy Lạp với vài bình luận ít ỏi đính kèm trong cuốn Lịch sử các nhà thờ thời Byzantine của Xanthos Constantinos, xuất bản năm 1849. Năm 1931, Tòa Giáo trưởng in nó thành một tập sách mỏng bằng ngôn ngữ gốc Xlavơ. Atanas Angelov, người phát hiện ra bản gốc Zographou vào năm 1923, dự định xuất bản tập bản thảo này kèm theo những bình luận sâu rộng hơn, nhưng chưa hoàn thành dự án này thì ông đã qua đời vào năm 1924. Một số ghi chép của Angelov được công bố sau cái chết của ông trong tác phẩm Balkanski istoricheski pregled_(2) năm 1927.

“BIÊN NIÊN KÝ” CỦA ZACHARIAS Ở ZOGRAPHOU

Câu chuyện này do Sư huynh đồng đạo Stefan Kẻ Lãng Du ở thành phố Tsarigrad kể lại với tôi, Zacharias Sám Hối. Ông đến tu viện Zographou của chúng tôi vào năm 6987 [1479]. Ở đây, ông đã thuật lại với chúng tôi những biến cố quái lạ và kỳ diệu trong cuộc đời ông. Khi đến với chúng tôi, Stefan Kẻ Lãng Du đã năm mươi ba tuổi, một con người từng trải và mộ đạo, từng chu du qua nhiều đất nước. Cảm tạ Đức Mẹ Thánh Thể đã dẫn dắt ông đến với chúng tôi từ Bungari, xứ sở mà ông cùng một nhóm tu sĩ từ Wallachia đã lang thang và phải chịu nhiều khổ đau do bàn tay bọn Thổ vô đạo, phải chứng kiến hai trong số các đạo hữu của mình tuẫn đạo tại thành phố Haskovo. Ông và các đạo hữu đã mang qua những vùng đất vô đạo một vài thánh tích có quyền năng kỳ lạ. Cùng những thánh tích ấy, họ diễu hành sâu vào đất nước Bungari và nổi tiếng khắp các miền quê, đến mức các tín đồ Thiên Chúa giáo tụ tập hai bên đường khi đám rước đi qua để cúi chào hoặc hôn lên thành xe ngựa. Và các thánh tích này được mang đến tu viện có tên là Sveti Georgi như thế, rồi được cất giữ trong thánh đường. Vì vậy, dù là một tu viện nhỏ yên tĩnh, sau này nhiều người hành hương vẫn đến Sveti Georgi trên đường đi từ các tu viện ở Rila và Bachkovo hoặc từ ngọn núi thiêng Athos. Nhưng Stefan Kẻ Lãng Du là người đầu tiên mà chúng tôi biết đã từng ở Sveti Georgi.

Sau khi Stefan sống với chúng tôi được vài tháng, điều đáng lưu ý là ông không đề cập gì nhiều đến tu viện Sveti Georgi, dù đã kể nhiều chuyện về những nơi chốn thiêng liêng khác mà ông đã đến thăm, theo bản tính mộ đạo của mình ông chia sẻ những câu chuyện ấy để chúng tôi, những kẻ lúc nào cũng ru rú ở một đất nước, có được ít nhiều kiến thức về những kỳ quan nhà thờ Thiên Chúa ở các xứ sở khác. Có lần ông kể cho chúng tôi về một nhà nguyện trên đảo trong vịnh Maria, thuộc vùng biển Venice(3)_, hòn đảo nhỏ đến độ những con sóng vỗ bập bềnh lên cả bốn mặt tường nhà nguyện, ông còn kể về tu viện trên đảo Sveti Stefan, cách nhà nguyện kia hai ngày đường về hướng Nam dọc theo bờ biển, nơi Stefan đã từ bỏ tên mình lấy tên vị thánh bảo hộ tu viện. Ông nói nhiều với chúng tôi về việc này, cũng như nhiều điều khác nữa, kể cả việc nhìn thấy những con quái vật đáng sợ ở biển Marble.

Và ông hay kể cho chúng tôi nhất về các giáo đường và tu viện thành phố Constantinople trước thời đám lính vô đạo của tên Quốc vương Hồi giáo Mehmed xâm phạm những nơi đó. Với vẻ sùng kính, ông mô tả những ảnh thánh vô giá có thể thực hiện các phép lạ, chẳng hạn như ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh trong đại giáo đường Hagia Sophia, và bức ảnh che mặt của Người tại thánh địa Blachernae. Ông đã nhìn thấy hầm mộ của Thánh John Chrysostom và mộ các vị hoàng đế, thấy thủ cấp của Thánh Basil thiêng liêng trong giáo đường Panachrantos, cũng như vô số các thánh tích khác. May mắn thay cho ông và cho cả chúng tôi, những người được nghe ông kể chuyện, là ông đã rời khỏi Constantinople từ lúc còn trẻ để lại lên đường viễn du, vì vậy ông đang ở rất xa khi tên ác quỷ Muhammad xây dựng một pháo đài vô cùng kiên cố gần đó nhằm mục đích tấn công thành phố, và chẳng bao lâu sau đã phá vỡ các thành lũy khổng lồ của Constantinople, tàn sát hoặc bắt những quý tộc của thành phố làm nô lệ. Từ phương xa, Stefan nghe được tin này và cùng với những tín hữu Thiên Chúa khác, ông khóc thương cho thành phố tử đạo đó.

Ông đem đến tu viện chúng tôi những cuốn sách quý hiếm và kỳ diệu thồ trên lưng ngựa, những cuốn sách ông đã sưu tầm và từ đó được khơi gợi cảm hứng thần thánh, do bản thân ông tinh thông tiếng Hy Lạp, Latin, Xlavơ và có lẽ nhiều ngôn ngữ khác nữa. Ông thổ lộ với chúng tôi những điều này và tặng cho thư viện chúng tôi các cuốn sách kia để mãi mãi làm rạng danh thư viện, mặc dù đa số chúng tôi chỉ đọc được một ngôn ngữ và thậm chí có người còn không biết đọc. Khi trao các tặng phẩm kia, ông nói rằng ông cũng sẽ chấm dứt những cuộc lãng du và ở lại Zographou mãi mãi, như những cuốn sách của mình.

Chỉ có tôi và một sư huynh khác nhận ra Stefan không nhắc nhở gì đến thời gian ông lưu lại Wallachia, ngoại trừ việc nói mình đã từng là một tu sĩ tân tòng ở đó, và cho đến cuối đời ông cũng không nói gì nhiều về tu viện Bungari có tên Sveti Georgi. Bởi vì, khi đến với chúng tôi ông đã bị bệnh rồi, đã phải chịu đựng những cơn sốt thấp khớp nhức nhối khắp tay chân, và chưa đến một năm sau ông nói rằng hy vọng sẽ được phủ phục trước ngai Đấng Cứu thế, nếu những tội lỗi của ông được Chúa - Người luôn tha thứ cho tất cả những ai thành tâm sám hối - bỏ qua. Trong cơn bệnh sau cùng ông yêu cầu được xưng tội với cha tu viện trưởng của chúng tôi, bởi ông đã chứng kiến những điều xấu xa nên không thể chết khi chưa được giải tội, và cha tu viện trưởng rất kinh ngạc trước lời xưng tội của ông nên đã yêu cầu tôi hỏi lại lời xưng tội ấy và ghi lại tất cả những gì ông nói, bởi cha tu viện trưởng muốn gửi một lá thư báo về Constantinople chuyện đó. Tôi nhanh chóng thực hiện việc ghi chép không sai lời nào, tôi đã vô cùng kinh hoàng khi ngồi bên giường bệnh, lắng nghe câu chuyện mà Stefan kiên nhẫn kể lại, sau đó ông được làm lễ ban thánh thể rồi qua đời trong khi đang ngủ và được chôn cất tại tu viện chúng tôi.

Chuyện kể của Stefan ở Snagov, được Zacharias Kẻ Tội Lỗi ghi lại một cách trung thực.

Tôi, Stefan, sau nhiều năm lãng du, cũng như sau khi thành phố chôn nhau cắt rốn thân yêu và thiêng liêng của mình, Constantinople, thất thủ, đã lên đường tìm kiếm phần Bắc ngạn dòng sông lớn chia cắt Bungari với Dacia. Tôi lang thang tiến vào vùng đồng bằng, sau đó lên miền núi, rồi rất lâu sau mới tìm được đường đến một tu viện nằm trên một hòn đảo trong hồ Snagov, một địa điểm đẹp, hẻo lánh và có thể dễ dàng tổ chức phòng thủ chống trả lại các cuộc tấn công. Cha tu viện trưởng nhân từ ở đó đã nồng nhiệt chào đón tôi, và tôi ngồi vào bàn cùng các tu sĩ khiêm tốn và toàn tâm với việc cầu nguyện cũng như bất kỳ tu sĩ nào tôi đã có dịp gặp gỡ trên những chặng đường lãng du. Bọn họ gọi tôi là đạo hữu và hào phóng chia sẻ cho tôi thức ăn nước uống, tôi cảm thấy bình yên giữa sự trầm lặng đầy vẻ thành kính của họ hơn bao giờ hết so với những tháng vừa qua. Do làm việc siêng năng và khiêm nhường tuân theo mọi chỉ dẫn của cha tu viện trưởng nên chẳng bao lâu sau ông đã cho phép tôi ở lại. Nhà thờ của họ tuy không lớn nhưng đẹp kỳ lạ, với những cái chuông nổi tiếng có âm thanh vang vọng khắp mặt hồ.

Nhà thờ và tu viện này đã nhận được sự giúp đỡ tối đa cũng như được củng cố vững chắc nhờ ông hoàng vùng đó, Vlad con trai của Vlad Dracul, người đã hai lần bị tên Quốc vương Hồi giáo và các kẻ thù khác xua đuổi khỏi ngai vàng. Ông ta cũng từng một lần bị Matthias Corvinus, vua Hungary, giam giữ một thời gian dài. Ông hoàng Dracula này rất dũng cảm, trong những trận chiến táo bạo ông ta đã chiếm lại từ tay quân vô đạo nhiều vùng đất chúng đã cưỡng đoạt cùng các chiến lợi phẩm mà sau đó ông ta dâng tặng cho tu viện, Dracula luôn cầu mong chúng tôi hãy cầu nguyện cho ông ta và gia đình được yên bình. Một số tu sĩ xì xào với nhau rằng ông ta phạm tội vì đã tàn ác quá độ và trong thời gian bị vua Hungary giam giữ, đã cải đạo theo Thiên Chúa La Mã. Nhưng cha tu viện trưởng không nghe lời nói xấu về ông ta dù là từ bất kỳ ai và đã nhiều lần che giấu ông ta cùng đám tay chân trong điện thờ giáo đường khi các nhà quý tộc khác muốn tìm giết ông ta.

Trong năm cuối đời mình, Dracula ít đến tu viện hơn thời gian trước đó. Lúc ấy tôi cũng không gặp ông ta vì cha tu viện trưởng đã phái tôi và một tu sĩ đến một nhà thờ khác, nơi ông có một vài công chuyện, để làm một số việc lặt vặt. Khi trở về, tôi nghe nói ông hoàng Dracula đã đến và để lại nhiều của quý mới. Một sư huynh, người chuyên đi mua cho chúng tôi vật dụng và thực phẩm từ các nông dân trong vùng, đã nghe được nhiều câu chuyện lan truyền khắp vùng quê rằng Dracula có khả năng đã lấy một bịch đầy lỗ tai và mũi người để trao tặng như một túi bảo vật, nhưng khi cha tu viện trưởng nghe được lời nhận xét này ông đã trừng phạt người nói rất nặng. Như vậy, tôi chưa bao giờ thấy Vlad Dracula khi còn sống, nhưng lại thấy khi ông ta đã chết, tôi sẽ thuật lại đầy đủ chuyện đó ngay sau đây.

Có lẽ khoảng bốn tháng sau, có tin là Dracula đã bị vây bắt trong một trận đánh, và bị đám lính vô đạo giết chết sau khi ông ta tiêu diệt hơn bốn mươi tên bằng đường gươm tuyệt vời của mình. Bọn lính của Quốc vương Hồi giáo đã chặt thủ cấp của ông ta, mang về dâng cho chủ mình.

Những người thuộc phe cánh của ông hoàng Dracula biết toàn bộ chuyện này, và sau cái chết của ông ta, mặc dù nhiều kẻ bỏ trốn, vẫn có một số người mang tin này cũng như thi thể ông ta đến tu viện ở hồ Snagov, rồi họ cũng bỏ trốn. Cha tu viện trưởng đã khóc khi nhìn thấy cái xác được đưa lên khỏi thuyền và đã đọc to lời cầu nguyện cho cả linh hồn của ông hoàng Dracula lẫn sự che chở của Chúa, bởi bấy giờ đạo quân của bọn vô đạo đang tiến đến rất gần. Ông cho quàn thi hài Dracula một cách trang trọng, đúng theo nghi thức trong nhà thờ.

Đó là một trong những cảnh tượng rùng rợn nhất mà tôi từng chứng kiến, cái xác không đầu khoác tấm áo choàng đỏ tía, chung quanh lung linh ánh sáng những ngọn nến. Chúng tôi ngồi canh xác theo đúng thánh lễ trong ba ngày ba đêm. Tôi ngồi canh đêm thứ nhất, mọi vật trong nhà thờ đều yên tĩnh bình thường ngoại trừ cái thi thể cụt đầu kia. Các sư huynh canh gác đêm thứ hai cũng nói tất cả đều yên tĩnh. Nhưng vào đêm thứ ba, một số sư huynh mệt mỏi đã ngủ gật và một chuyện gì đó xảy ra khiến những người khác vô cùng sợ hãi. Sau này họ đã không thống nhất được với nhau đó là chuyện gì, mỗi người nhìn thấy một thứ khác hẳn nhau. Một tu sĩ nhìn thấy một con thú từ trong bóng tối của các dãy ghế nhảy qua quan tài, nhưng không thể khẳng định được hình dáng con thú. Những người khác thì cảm thấy một luồng gió mạnh hoặc nhìn thấy một màn sương mù dày đặc lùa vào nhà thờ làm tắt nhiều cây nến, và họ đều thề có thánh thần, nhất là các tổng thiên thần Mikhail và Gabriel, là trong bóng tối, cái xác không đầu của ông hoàng cựa quậy và cố ngồi dậy. Ai đó trong các sư huynh đã thét lên vì khiếp đảm, và do vậy cả tu viện cũng bị đánh thức. Các tu sĩ chạy ra ngoài, thuật lại những gì họ trông thấy, mỗi người một kiểu khác nhau.

Sau đó cha tu viện trưởng đến, qua ánh sáng ngọn đuốc trong tay ông, tôi thấy ông mặt mũi trắng bệch, tỏ vẻ kinh sợ khi nghe những chuyện các tu sĩ thuật lại và liên tục làm dấu thánh. Ông nhắc nhở những người hiện diện rằng linh hồn của con người quý tộc này đang nằm trong tay chúng tôi và do vậy chúng tôi phải hành động một cách thích đáng. Ông dẫn chúng tôi vào trong nhà thờ, thắp lại nến, và chúng tôi nhìn thấy cái xác vẫn nằm yên như cũ trong quan tài. Cha tu viện trưởng ra lệnh lục soát khắp nhà thờ, nhưng chẳng tìm thấy con thú hoặc ma quỷ nào trong mọi ngóc ngách. Rồi ông ra lệnh cho chúng tôi bình tĩnh trở lại, ai trở về phòng nấy, và khi giờ lễ nhất đến, mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường và êm ả.

Nhưng sáng hôm sau ông triệu tập tám tu sĩ đến, tôi rất vinh dự được nằm trong số đó, và nói rằng chúng tôi chỉ phải giả vờ chôn xác của ông hoàng trong nhà thờ rồi chuyển nó ra khỏi đây ngay lập tức. Ông nói sẽ chỉ tiết lộ bí mật với một người trong số chúng tôi lý do và địa điểm chúng tôi phải chuyển cái xác đến, càng ít người biết điều đó thì càng an toàn hơn cho tất cả những người còn lại, và ông đã hành động y như vậy, chọn một tu sĩ đã ở bên ông nhiều năm và bảo những người còn lại (trong chúng tôi) chỉ cần ngoan ngoãn đi theo, đừng thắc mắc gì cả.

Như vậy, tôi, người đã nghĩ rằng sẽ không bao giờ phải sống cuộc đời lãng du nữa, lại một lần nữa trở thành lữ khách, phải băng qua một quãng đường xa diệu vợi cùng các đạo hữu trở về thành phố chôn nhau cắt rốn của mình, nơi đã trở thành trung tâm vương quốc của những kẻ ngoại đạo, và tôi nhận ra đã có quá nhiều đổi thay ở chốn đó. Chúng tôi không thể vào đại giáo đường Hagia Sophia vì nơi đó giờ được xem như một nhà thờ Hồi giáo. Nhiều nhà thờ đã bị phá hủy hoặc để mặc cho hư hại, đổ nát, và nhiều nhà thờ khác, thậm chí cả nhà thờ Đức Mẹ Panachrantos cũng biến thành nơi hành lễ của người Thổ. Và đến đó tôi mới biết chúng tôi đang tìm kiếm một vật báu có thể nhanh chóng cứu rỗi linh hồn ông hoàng này, vật báu ấy đã được hai tu sĩ mộ đạo và gan dạ mạo hiểm lấy từ tu viện Thánh Saviour rồi bí mật mang ra khỏi thành phố trước đó. Nhưng một số vệ binh của Quốc vương Hồi giáo đã có dấu hiệu nghi ngờ, do vậy chúng tôi lại lâm vào vòng nguy hiểm và buộc phải lên đường một lần nữa để tìm kiếm vật báu đó, lần này là đi vào vương quốc lâu đời của người Bungari.

Khi chúng tôi đi qua đất nước ấy, có vẻ như một số người Bungari đã biết về sứ mệnh này, vì ngày càng có nhiều người xuất hiện dọc bên đường, im lặng cúi đầu cung kính chào đoàn người chúng tôi, một số người còn đi theo nhiều dặm đường, đưa tay sờ hoặc hôn lên thành xe ngựa. Một chuyện rất khủng khiếp đã xảy ra trong chuyến đi này. Lúc đi ngang qua Haskovo, một số vệ binh của thành phố đã phi ngựa vượt xe chúng tôi, bắt chúng tôi dừng lại bằng vũ lực và bằng những lời thô lỗ cục cằn. Chúng lục soát xe ngựa, tuyên bố sẽ tìm ra thứ chúng tôi mang theo, dù đó là gì đi nữa, khi thấy hai cái bọc, chúng vồ lấy và mở ra. Khi thấy đó chỉ là lương thực, bọn vô đạo giận dữ vứt hết xuống đường rồi bắt giữ hai người của chúng tôi. Họ quả là những tu sĩ đức hạnh khi quả quyết rằng mình không biết gì, vì thế càng làm cho những kẻ xấu xa kia thêm tức giận, chúng chặt tay chân họ, xát muối vào các vết thương trước khi họ chết. Bọn chúng để những người còn lại chúng tôi được sống, nhưng hành hạ, xua đuổi bằng những lời nguyền rủa và đòn roi. Sau đó, chúng tôi tìm lại được thi thể và tứ chi của các đạo hữu thân yêu, ráp chúng lại rồi chôn cất theo nghi thức Thiên Chúa giáo tại tu viện Bachkovo, các tu sĩ ở đó đã cầu nguyện cho linh hồn mộ đạo của họ nhiều ngày đêm liền.

Sau biến cố ấy, dù rất buồn rầu và hoảng sợ, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục cuộc hành trình đến tu viện Sveti Georgi, cũng không còn bao xa và không gặp biến cố nào nữa. Các tu sĩ ở đó, dù đã già nua và chỉ còn thưa thớt vài người, nhưng vẫn nồng nhiệt đón tiếp chúng tôi và cho biết quả thực vật báu mà chúng tôi tìm kiếm đã được hai khách hành hương mang đến chỗ họ vài tháng trước đây, và tất cả đều tốt. Sau khi trải qua bao nhiêu hiểm nguy như vậy chúng tôi chưa thể nghĩ đến việc trở về Dacia ngay, vì vậy chúng tôi đã ở lại tu viện đó. Di hài mà chúng tôi chuyển đến đã được bí mật cất giữ vào thánh đường Sveti Georgi, và tiếng đồn về nó trong các tín đồ Thiên Chúa giáo đã khiến nhiều người đến đó tế lễ, và họ cũng giữ bí mật. Chúng tôi sống yên ổn tại nơi này một thời gian và góp công lớn xây dựng tu viện to đẹp hơn. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau một chứng bệnh dịch bùng phát trong các làng mạc gần chúng tôi, dù thoạt tiên không ảnh hưởng đến tu viện. Tôi nhận ra đó không phải là một bệnh dịch thông thường, mà là...

[Đến đây bản thảo bị cắt hoặc xé mất.]

Chú thích:

1. Cuốn sách chỉ dẫn nghi thức tế lễ hàng ngày trong các nhà thời Chính Thống giáo.

2. Tiếng Bungari trong nguyên bản. nghĩa là "Một góc nhìn lịch sử về vùng Balkan".

3. Vùng biển Bắc biển Adriatic, phân cách bán đảo Ý với bán đảo Balkan, một phần của địa trung hải.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui