Tu Hú Kêu Trăng

Đâu được hai năm, cũng vào một đêm trăng sáng, sau một trận cãi vã, ba nó bỏ lại mẹ con nó mà đi. Đi không một lời từ giã. Ổng nói, ổng đi lưới cá, rồi ổng đi luôn. Nó mở cửa chờ cả đêm, mà chờ hoài không thấy. Tới chừng sáng ra, nó cõng theo thằng Lắm đi tìm ba, vậy mà người trong xóm nói, ba nó bỏ vợ bệnh con đau để chạy theo người đàn bà bán ghe hàng góa chồng còn mơn mởn ở xóm trên.

Nhưng nó biết, cái ổng bỏ lại không chỉ bỏ mẹ con nó mà còn có cả cái nghèo, cái đói, cái khổ, cái nắng, cái mưa, cái nợ đời mà quanh năm suốt tháng làm quần quật cũng không sao trả nổi.

- Cái thằng.. Coi hiền lành nhơn hậu dậy mà bạc bẽo, nó bỏ đi rồi vợ nó con nó biết sống kiểu làm sao?

Ai cũng nói thương cho mẹ con nó, ai cũng trách ba nó phũ phàng. Nhưng có giúp thì cũng chỉ giúp được lon gạo chén cơm chứ ai đâu mà nuôi vợ con thiên hạ.

Còn nó, có nghĩ cả trăm lần cũng không sao tin nổi, ba nó.. bỏ má con nó đi rồi. Rõ ràng, ổng từng thương má nó hết ruột hết gan mà. Trời mỗi ngày vẫn nắng, mây vẫn trắng, lá vẫn xanh mà nó thấy như mưa đá đang đổ trên mái nhà.

Mẹ nó vì ba nó bỏ đi mà đau buồn nằm liệt giường tưởng chừng không gượng dậy nổi, bả khóc cả ngày, cả đêm. Khóc tới nỗi cả người vốn đã xanh xao nhợt nhạt mà giờ còn teo tóp quắc lại như cọng rơm khô người ta phơi ở trên đường. Một mình nó vừa đi học vừa kiếm miếng ăn nuôi sống cả ba mẹ con. Dần dần, Giàu cũng không tới trường nữa, phần do không tiền, phần vì bỏ mẹ với em ở nhà, nó không đành lòng.

Bởi vậy, chưa đầy mười tuổi mà người ta dòm thấy bản mặt nó già, tay chân nó thô ráp, da thì cháy nắng, đen thủi đen thui còn hơn cả mấy con cò ma ngày ngày kiếm ăn ngoài ruộng.

Rồi má nó cũng gượng dậy được, tuy không được như xưa nhưng sức khỏe cũng đỡ hơn nhiều. Má đem cá tôm nó bắt được ra chợ mơi ngồi bán. Đâu được chừng tháng, tự dưng má lại đi mua vải về may cho anh em nó mỗi đứa một bộ đồ, gọi là "cho có để ăn Tết với người ta".

Giàu nhớ rõ.. đó cũng là vào một mùa Trung Thu. Nó không biết má nó lấy tiền ở đâu ra, chỉ biết là đã lâu anh em nó không có nổi một bộ đồ tử tế. Giàu ôm chặt bộ đồ mới trong ngực mình. Nó vui dữ, nhưng hình như chợt nghĩ tới cái gì, nó lại buông ra, quay qua hỏi má:

- Sao má hổng may đồ cho má?


Má nó đang ngồi trên giường vá lại mấy cái áo bà ba màu tím hoa cà mà bà hay mặc hồi còn trẻ, chăm chú tới nỗi khi thằng Giàu hỏi tới lần thứ ba, bả mới giật mình đáp lại:

- Thôi! Đồ má còn mới lắm, để tiền cho con đi học.

Thằng Giàu nghe má nói vậy, nó sướng rơn, phần vì có quần áo đẹp, phần vì còn được đi học chớ không có bị bắt nghỉ ngang như mấy thằng nhà nghèo khác trong xóm này. Trong bụng nó thầm hứa mai mốt lớn rồi nó sẽ đi làm kiếm thiệt nhều tiền mua áo mới cho má nó, mua đồ ăn ngon cho em nó, cho thằng cha nó tức lộn ruột chơi.

Mà.. nó đâu có kịp làm gì.

Một bữa đẹp trời, vừa chạng vạng tối má nó đưa hai anh em ra chợ huyện chơi. Từ hồi nhỏ tới giờ nó mới thấy người ta đông đúc tới vậy. Vừa lên đèn, dòng người đã đổ ra đường như nước chảy, họ mặc áo đẹp, cười cười nói nói chen nhau đi giữa ánh sáng của mấy dãy đèn lồng.

Giàu dõi mắt trông ra xa xa, lúc thì đuổi theo mấy cái lồng đèn nho nhỏ đủ màu xanh đỏ tím vàng treo trên cây trúc còn nguyên cành lá của ba bốn thằng cha đạp xe đạp đứng bán ở góc đường rồi từng chùm ông sao, con thỏ, con gà, con cua, con cá.. được tạo hình từ mấy cọng nan tre uốn lượn tài tình, bên ngoài bọc giấy kính đủ màu từ xanh đỏ tím vàng tới trắng cam lục lam chàm xám, cái thứ giấy bóng kính giống y cái loại mà người ta hay dùng để gói bánh in. Nhìn một hồi lóa mắt, nó lại vòng về ngó mấy mâm bánh trung thu nặn hình con heo con chó được mấy cô mấy dì đem ra bày bán trước hiên nhà.

Ai bánh trung thu đậu xanh, khoai môn, thịt lạp, dưa sen, thập cẩm hôn?

Nghe tiếng rao thôi mà nó thèm nhỏ dãi.

Hồi chưa có thằng Lắm, thỉnh thoảng ba nó lại đem bánh in về cho nó ăn rồi gom giấy gói lại để dành, để khi nào tới Tết Trung Thu thì lôi ra dán lồng đèn cho nó. Ổng cũng làm đủ thứ hình thù mà cái nào cũng đẹp, ai cũng khen ba nó làm khéo, khổ nỗi lúc nào lồng đèn ổng làm cũng chằn chịch đủ thứ màu chấp vá chẳng giống ai, nhìn từ xa giống như cái áo của mấy thằng ăn mày vá manh vá mún, được cái nhiều màu nên khi đốt lên lại đẹp.

Còn gặp bữa hên hên, ổng lụm ở đâu mấy cái lon thiếc đựng sữa đặc mà người ta bỏ đem về, hì hục mài mài đục đục hết cả buổi trời, kiếm thêm một nhánh cây trúc đực, lựa cái khúc thẳng nhất làm cần đẩy, xỏ thêm cọng kẽm cho hai cái lon dính lại với nhau, cái lon ở dưới y như cái bánh xe lu, mỗi lần đẩy nó lăn đi thì cái lon ở trên cũng theo đó mà quay vòng vòng. Ánh đèn cầy cam vàng leo lét đốt ở bên trong theo mớ lỗ tròn ra ngoài, quét qua quét lại trên đất mấy đốm sáng như bầy đom đóm tụ tập, rủ nhau bám dính từng bước chân của nó, có làm gì cũng không chịu bay đi.


Từ lúc ổng đi theo người ta, đâu có ai nhắc nó nhớ khi nào tới Trung Thu. Ngay cả đám con nít chơi chung, cũng cười nó không cha rồi không thèm chơi với nó nữa. Nếu hôm nay má không dắt nó với thằng Lắm đi thì nó cũng quên mất trên đời còn có một ngày trăng đẹp như vầy.

Má nói má mệt nên không ẵm thằng Lắm, thằng nhỏ phải ráng dữ mới nắm được ngón tay trỏ của má, nhìn nó cứ như con khỉ nhỏ lạc mẹ cố hết sức bình sinh giữ chặt cành cây. Mà ít ra, nó còn được nắm tay má. Hai má con đang đi ngon lành tự dưng đi ngang cái mâm bánh trung thu của một bà thím thì thằng Lắm đứng luôn ở đó, má kêu thế nào nó cũng không chịu đi. Bà thím nhìn anh em nó quần áo sạch sẽ, tính đâu cũng là nhà khá giả nên đon đả chào mời.

- Bánh ngon lắm á. Nhưn chay, nhưn mặn, thập cẩm, đậu xanh, đậu đỏ gì cũng có hết. Mua cho sấp nhỏ đi cô hai.

Thằng Lắm cho ngón tay vô miệng mút chùn chụt, mắt nghệch ra, thòm thèm nhìn đến mức chảy cả dãi. Thằng Giàu thấy em nó như vậy thì mắc cỡ quá, không chờ má kêu nó đã lật đật chạy tới ẵm xốc thằng em lên đem đi chỗ khác, cũng "kệ tía" nó có kêu gào khóc lóc kiểu gì. Thằng Lắm còn nhỏ không biết, chớ thằng Giàu nó biết, nhà nó nghèo, anh em nó thì không có cha. Tiền má còn phải để dành cho anh em nó ăn học.

Má nhìn đứa con trai lớn hiểu chuyện mà đau muốn thấu tim. Hồi ba tụi nó còn thương.. tuy nhà cũng nghèo nhưng tụi nó đâu tới mức khổ dữ vầy.

Bả lần lần mở cây kim tây trên túi cái áo bà ba màu hoa cà đã cũ, moi ra được mấy tờ tiền lẻ. Má cầm tiền trên tay rồi ngước mắt nhìn bà thím bán bánh một hồi, mới ngại ngùng hỏi thăm:

- Bánh rẻ nhứt nhiêu vậy chị?

Giàu thấy rõ ràng bà bán bánh có hơi thất vọng nhưng vẫn đon đả cười, chỉ tay vô một "cây" năm bánh chồng lên nhau, mỗi cái chỉ nhỏ bằng ba ngón tay được bọc lại bằng giấy dầu. Đây là loại bánh trung thu vỏ nướng mà người ta hay gọi là "bánh vét", tức là sau khi làm bánh nguyên xong, nhân còn dư lại cái gì thì người ta nhồi vô chung một thau hết, lấy khuôn nhỏ ra ép làm thành bánh rồi bán giá rẻ cho mấy người ít tiền, bần thì bần vậy chớ cũng là loại bánh mà đám con nít nhà quê trông mòn trông mỏi cả năm trời mới được ăn.

- Nè, nhưn thập cẩm, cái này ngọt, cái này mặn. Cây năm cái hai lăm. Còn mấy cái bên đây thì hai chục cái, ba chục cái, bốn năm chục cái cũng có luôn. Cô hai lấy loại nào?


Má hơi chần chừ, vì số tiền này là má định lát nữa mua ít gạo cầm về đưa cho ngoại. Nhưng nghĩ tới ngày mai, nghĩ tới ánh mắt thòm thèm của hai đứa con, má cắn răng mua hai cái ngon nhứt, một cái cho ngoại, còn một cái cho anh em thằng Giàu. Tụi nó được ăn bánh, được má mua cho lồng đèn, chỉ lo vui chớ đâu có biết má tụi nó nghĩ gì.

- Lân tới, lân tới, né ra, né ra.

Tiếng trống lân thùng thùng beng beng từ cuối đường vọng lại, người ở chợ nháo nhác dạt hết qua hai bên lề. Má con Giàu bị đám đông xô qua đẩy lại một hồi, nó với thằng Lắm thì cứ nhào lên phía trước để coi cho được đám rước đèn và đoàn lân sư rồng sắp đi qua. Lắm thấp cổ bé họng chen không nổi với người lớn, cuối cùng nó dùng đến tuyệt chiêu chui qua khoảng trống giữa hai chân của một ông chú cao to đứng ở ngoài cùng rồi ló đầu ra dòm. Thằng chả có vẻ cũng đã quá quen với cái kiểu coi múa lân của đám trẻ con nên đối với sự xuất hiện của nó cũng không có gì ngạc nhiên mà vẫn chăm chú nhìn đoàn lân đang từ từ đi lại.

Có cậu trai khoảng chừng mười bốn mười lăm tuổi cắt tóc ba phân biểu diễn phun lửa mở đường. Nó ở trần, mồ hôi lấm tấm trên khuôn ngực lép xẹp hết tóp lại tưởng chừng sắp dán vào lưng lại phồng ra căng như bong bóng cá, còn cái quần thì màu đỏ có đường viền bạc lấp la lấp lánh dưới ánh lửa đèn, nó cầm cây đuốc cháy phừng phừng để gần ngay trước mặt, hít thật sâu rồi phun thứ nước gì đó từ trong miệng ra cái phèo. Những hạt nước li ti xuyên qua ngọn lửa màu đỏ cam làm nó cháy phừng lên thật cao, soi đỏ cả một quãng đường.

Dân chúng xung quanh vỗ tay rần rần, thằng Giàu lần đầu tiên thấy đã há hốc, nó mở tròn hai con mắt, khoái chí giật quần người ta thiếu điều muốn giật cho rách luôn. Có cái ông mặc áo đỏ, bụng độn phình phình, mặt cười hớn hở làm như rẽ lửa chui ra, ổng cầm quạt mo vẩy vẩy bốn con lân màu đen, vàng, đỏ, trắng nhảy ra, con nào con nấy cũng sặc sỡ lóa mắt, bộ vó tụi nó lộng lẫy còn hơn cái áo của cô đào hát cải lương lần trước theo đoàn về dưới chỗ nó hát.

Theo tiếng cắc tùng cắc tùng đều nhịp, tiếng trẻ con cười khanh khách và tiếng người lớn suýt xoa, tứ sư cũng theo sau xuất hiện, cái mình tụi nó phũ lông vàng đỏ dài gần chấm đất, mắt trợn to, miệng thì cười toác hoác tới tận đằng sau. Trong mắt thằng Giàu, mấy con sư tử này không sặc sỡ bằng lân, mắt không to bằng lân, chân không dài như chân lân và cũng oai như lân nhưng được cái là ngộ. Ngộ y chang cái lồng đèn tùm lum màu ba nó dán cho nó hồi xưa.

- Trời cơi rồng, rồng phun lửa luôn! Dữ thiệt.

Giàu nắm hai cẳng chân thằng cha không quen không biết lắc như xốc bầu cua, làm thằng chả xém chút té ngửa.

- Im coi cái thằng này.

Bị cốc đầu một cái đau điếng nhưng nó đâu có thèm quan tâm, cứ nhìn chằm chằm cái đầu con vật trong tưởng tượng trồi lên hụp xuống theo chuyển động của ông chú cầm gậy đi đầu kéo theo cả thân mình uyển chuyển uốn lượn thành hình xoắn ốc hoặc "bay" thành vòng tròn. Những người múa rồng mặc đồ giống hệt như nhau, di chuyển trong không gian hẹp vẫn không hề lúng túng, mồ hôi đã ướt đẫm cả lưng áo mà họ vẫn không hề thả chậm tiết tấu. Theo tiếng chập cheng dồn dập và tiếng trống thùng tùng, rồng ngẩng cao đầu hướng về phía mặt trăng, phun hơi lửa thật dài, thật cao, sáng hơn cả ảnh lửa của thằng nhóc mở đường khi nãy.

Giàu ước gì sau này nó cũng được múa lân múa rồng, được oai như mấy chú, được bà con dân chúng hết mực quan tâm. Mãi cho tới nhiều năm về sau, Giàu cũng không ngờ được cái ý nghĩ của mình lúc nhỏ vậy mà lại thành sự thật. Chỉ tiếc là nó đã không còn cảm thấy vui vẻ như hôm nay.

Trong một lần đi múa nghênh trăng, có người than thở nghề múa lân sư rồng bạc bẽo, được là được theo cái đam mê, còn mất là mất không biết bao nhiêu mà kể. Không nói tới leo cột té lọi giò gãy tay, chỉ riêng chuyện tết nhứt người ta sum họp gia đình, người ta cơm nước với nhau, nói chuyện cười đùa chúc phúc nhau, còn họ phải xa nhà, xa người thân, ở ngoài đường mua vui cho thiên hạ cũng đủ "lỗ" rồi, chưa kể lâu lâu tổ trác, dựng kèo dựng cột đồ xong, mưa xuống ầm ầm là cả đám đói nhăn răng.


Giàu nghe anh bạn càm ràm mà tự dưng thấy nhói nhói, ổng thì còn có nhà để mà trông mà nhớ, còn nó.. nhớ ai?

Khi cái đuôi rồng lắc lư mất hút ở cuối đường, chợ Trung Thu bắt đầu vãng, người ta lục tục kéo nhau về. Ai có hàng thì dọn hàng, ai có con có cháu thì cõng tụi nó về. Giàu lúc này mới sực tỉnh, nó dáo dát nhìn đỏ cả mắt cũng không thấy má với em đâu. Tim nó đập thình thình, nó sợ, má với em cũng bỏ nó, y chang thằng cha trời đánh của nó vậy.

- Má! Má ơi! Má..

Xém chút nữa là nó đã òa khóc, một thằng nhóc cả mười tuổi đầu mà lại đứng khóc giữa chợ vì lạc mẹ thì kể cũng buồn cười, nhưng nó cứ khóc. Vừa khóc vừa kêu má, nó đã tính kêu cho tới chừng nào má nó tới thì thôi.

- Giàu! Nãy chạy đi đâu làm má kiếm gần chết!

Má nó ẵm thằng Lắm nghe tiếng nó gào lên thì chen qua dòng người chạy lại níu tay nó, thở sắp không ra hơi mà vẫn còn sức rầy con. Giàu nghe bả cằn nhằn mà nó thấy không sợ chút nào, cứ nắm cứng ngắt vạt áo hoa cà của má nó rồi cười he he. Má nó bực mình, giao thằng Lắm cho nó ẵm rồi dẫn hai đứa lại cái gánh chè xôi nước của một bà già rồi kêu cho hai đứa hai viên.

Cho anh em thằng Giàu ăn uống xong xuôi, má dắt cả hai về nhà ngoại, giữa đêm trăng sáng rõ, ngoại đón tụi nó bằng ánh mắt xót xa, lúc đó Giàu không có hiểu.

Đêm đó tụi nó ngủ với má, mà sáng ra má đã đi mất rồi.

Ngoại nghe tiếng anh em nó khóc, chạy vô buồng ôm hai đứa dỗ nín, mà cháu còn chưa nín thì bà lại khóc theo.

- Thôi! Nín! Nín! Ngoại thương! Mẹ bây đi làm kiếm tiền nuôi bây! Ít bữa mẹ bây dề mà.. khóc gì mà khóc.. không biết nữa.

Ngoại nói má gửi anh em nó cho ngoại để đi kiếm tiền, nhưng rồi cũng bặt tăm luôn, má nó có về nữa đâu. Nó có hỏi thế nào ngoại cũng không chịu nói, chỉ dùng ánh mắt buồn thiu nhìn anh em nó một hồi, lại lau nước mắt. Nó biết ngoại buồn nên cũng thôi, không hỏi nữa.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận