Bóng tối đặc quyện len lỏi khắp gian phòng, giăng mắc một lớp bụi mờ màu bạc sẫm, khiến không gian chung quanh như lan rộng hơn, vươn cao hơn, và âm u lạ lẫm. Gió lùa vào song cửa, rít lên từng hồi, mang theo cái lạnh phơn phớt của mùa thu đến lay động đêm khuya.
Tử Yên với tay khép hờ cửa sổ, rồi bước đến chiếc tủ gỗ, tiện thể xếp lại vài bộ quần áo đang nằm ngổn ngang.
Bốn bề tĩnh lặng đến mức có thể nghe rõ mồn một tiếng côn trùng kêu ran ngoài vườn.
- Này!
Viễn Kỳ đột ngột lên tiếng, xé tan bức màn yên ắng:
-Hôm nay cô có bị mắng không?
Đúng là từ khi về làm dâu Dương gia, số lần bị mắng của Tử Yên có thể nói nhiều như cơm bữa. Nhưng trước giờ Viễn Kỳ nào có quan tâm tới. Hôm nay chàng bỗng dưng hỏi đến, rốt cuộc có ý gì. Nàng ngẩn ra một lúc, đoạn thật thà đáp:
-Không.
Viễn Kỳ tiếp lời:
-Có ai chọc giận cô không?
-Không.
-Thế có bực bội gì trong người không?
Có phải Viễn Kỳ nhàn rỗi quá rồi không, hay thấy mấy hôm nay cả hai không cãi nhau, trong người đã bắt đầu ngứa ngáy. Rõ ràng muốn kiếm chuyện với nàng mà. Tử Yên vứt phịch bộ ngoại sam đang xếp dở vào tủ. Mày chau lại hết cỡ, nàng hùng hổ nói:
-Cả ngày hôm nay thì không, nhưng bây giờ thì có đấy, huynh hỏi gì mà lắm thế? Chuyện gì nói thẳng ra xem nào!
Viễn Kỳ nhìn Tử Yên, âm vực đều đều lan tỏa:
-Không bực bội, không tức giận, vậy hà cớ gì lại hành hạ chiếc áo của ta tơi tả đến mức này?
Tử Yên ngắm bộ bạch y bị rách một mảng lớn trong tay Viễn Kỳ:
-Huynh nghĩ do tôi xé?
Viễn Kỳ chau mày hoài nghi:
-Áo ta chỉ có mình cô được “đặc cách” động vào, không phải cô thì còn ai vào đây?
Lời Viễn Kỳ vô tình động vào vết thương lòng của Tử Yên. Gì mà “áo của ta chỉ có mình cô được “đặc cách động” vào.” Từ khi Tử Yên bước chân vào Dương phủ, lúc nào cũng đầu tắt mặt tối. Người con gái đang tuổi xuân phơi phới như nàng, mà suốt ngày chỉ biết úp mặt vào thau chậu, làm bạn với quần áo chén bát. Nhắc tới Viễn Kỳ Tử Yên càng thấy ức. Chàng là tướng công, nhưng đôi khi nàng cứ nhầm tưởng chàng không khác gì thân phụ của mình. Từ miếng ăn, giấc ngủ Tử Yên đều phải tỉ mẩn lo toan. Sợ chàng ăn không ngon, sợ chàng ngủ không đủ giấc. À, không phải nàng sợ, mà là mẫu thân đại nhân của Viễn Kỳ rất sợ. Cứ cách vài ngày Tử Yên lại bị Thúy Đường quản giáo một trận đến dở sống dở chết, nào là, sao con không nấu chè cho tướng công, sao con không may thêm áo mới cho tướng công, sao con không pha trà cho tướng công, sao con không sắc thuốc cho tướng công tẩm bổ, vân vân và vân vân… Nàng thực sự không hiểu, Dương gia này rốt cuộc lấy vợ cho Viễn Kỳ, hay là muốn tuyển tì nữ chuyên dụng cho chàng đây. Nghĩ đến đấy, Tử Yên không khỏi cảm thán. Nàng bực dọc đáp:
-Sáng nay nó bị gió thổi, bay mắc trên cây, lúc lấy xuống tôi vô tình làm rách. Huynh không cần nhắc, tôi cũng đang định vá nó lại đây. – Tử Yên uể oải giải thích.
Viễn Kỳ khoát tay, điềm nhiên bảo:
-Thôi khỏi cần, thế này thì vá làm gì nữa.
-Chẳng phải huynh bảo đây là cái áo huynh thích nhất còn gì. Việc vặt vãnh thôi mà. Cứ để tôi.
-Cái ta sợ là ngay cả việc vặt vãnh này, cô cũng làm không xong đấy chứ.
Ngày đầu tiên sau đêm động phòng, Tử Yên không cẩn thận bị đập đầu vào cửa. Kế đến không cẩn thận nên bị lạc ngoài phố. Thỉnh thoảng nấu ăn trong bếp không bỏng tay thì cũng bị bỏng chân. Phơi đồ không cẩn thận để rách cả áo chàng. Từ khi Viễn Kỳ gặp Tử Yên, số lần không cẩn thận của nàng chàng muốn đếm cũng chẳng xuể. Làm gì có nử tử nào vụng về đến thế. Tử Yên mà vá được áo ình, Viễn Kỳ ắt sẽ ngạc nhiên đến rụng cả răng. Điệu bộ mỉa mai của chàng khiến Tử Yên thấy hai tai nóng bừng. Nàng vội vàng đi lấy hộp kim chỉ, giành lấy chiếc áo từ tay Viễn Kỳ rồi ngồi bệt xuống giường, không quên trả đũa một câu đầy thách thức:
-Huynh hãy nhìn cho kĩ, tôi khá hơn huynh tưởng đấy.
Viễn Kỳ khẽ mỉm cười, giọng nói pha chút bông đùa:
-Thật sao? Thế thì xin phiền nhị thiếu phu nhân.
Nói thì nói vậy, chứ chạm tay vào mới biết chuyện may vá thật chẳng dễ dàng gì. Tử Yên cứ loay hoay mãi, chẳng biết làm thế nào để ghép hai mảng rách với nhau. Đến khi may được những mũi kim đầu tiên, nàng vui mừng ngước lên tìm ánh mắt Viễn Kỳ. Nhận ra chàng đang bâng quơ nhìn ra cửa sổ, không hề có ý chú mục tới mình, Tử Yên bỗng cảm thấy vô cùng tức tối.
Đây quả là một sự sỉ nhục.
Tử Yên cúi gằm mặt xuống, cố trút hết căm hờn lên chiếc áo đáng thương bằng những đường kim chằng chịt, dày đặc như xương cá.
Những mũi may cuối cùng đã hoàn tất, lần này khi Tử Yên ngước lên, bắt gặp Viễn Kỳ cứ gà gật như sắp ngất đến nơi.
“Đây còn lớn hơn cả sự sỉ nhục.”
Tử Yên nghiến răng kèn kẹt.
- A!
Nàng tung cước đạp thật mạnh vào chân khiến Viễn Kỳ bật tỉnh. Chàng giận dữ hỏi:
-Cô lại làm sao thế hả?
-May xong rồi. – Tử Yên ném phịch chiếc áo trắng xuống giường, rồi liền bỏ ra ngoài.
Thật là…!
Vốn dĩ chiếc áo còn có thể sửa được, nhưng bây giờ lại thành ra vô phương cứu chữa. Khả năng may vá của Tử Yên đúng là… “khá” hơn Viễn Kỳ nghĩ rất nhiều.
……………………
Sáng hôm sau.
Bầu trời trong vắt không một gợn mây, tựa mặt hồ tinh khôi, ánh quang phản chiếu nên những vệt nắng hồng, ôm trùm vạn vật. Khí tiết dịu nhẹ, thanh mát, thật khiến lòng người sảng khoái vô ngần.
Hiếm có khi nào Viễn Kỳ thấy lòng hưng phấn như sáng nay. Chàng dậy từ rất sớm, dạo vài vòng quanh nhà để tận hưởng khí trời, để hít căng buồng phổi hương vị tươi mới của buổi sớm mai hồng.
Đi tới trước thư phòng, Viễn Kỳ bỗng nhận thấy một dáng người quen thuộc đang đổ dài trên chiếc bàn đá, trông hết sức ảo não. Con người sầu đời vào buổi sáng đẹp trời này chẳng ai khác ngoài nương tử của chàng – Lâm Tử Yên.
Viễn Kỳ khẩn khoản tiến lại gần.
-Này! Có thể làm hỏng bức tranh đẹp tài tình như thế, Tử Yên, cô quả không tầm thường. – Chàng e hèm bắt chuyện.
Vẫn không hề ngẩng đầu lên, Tử Yên xua xua tay, chán chường nói:
-Tôi hiện giờ không có hứng gây gổ với huynh. Nếu thấy tôi làm huynh gai mắt, cảm phiền huynh hãy tìm chỗ khác, tiếp tục thưởng ngoạn.
Thấy Tử Yên không vui, Viễn Kỳ cũng chẳng còn nhã ý trêu đùa. Chàng nấn ná một hồi, rồi quầy quả bước đi. Vừa đi được vài bước, Viễn Kỳ đã nghe thấy giọng Tử Yên sang sảng:
- Viễn Kỳ! Viễn kỳ! Huynh mau tới đây đi! Tôi có chuyện muốn nói với huynh.
Thấy thái độ của Tử yên bỗng thay đổi đột ngột, vồn vã khác thường, Viễn Kỳ tự dưng cũng trở nên cảnh giác:
-Thế nào? Lại có việc muốn nhờ vả phải không?
-Làm sao huynh biết?
Viễn Kỳ phe phẩy quạt, mỉm cười đắc ý:
-Con người cô khi vui hay buồn đều lộ hết trên mặt, ta còn không nhìn ra sao?
-Đúng! Đúng! Dương nhị thiếu gia quả nhiên tài cao bắc đẩu, tinh anh thông tuệ. Tôi thật sự không phải là đối thủ của huynh.
Lời Tử Yên vừa thốt ra khiến nàng lẫn Viễn Kỳ đều sởn óc, gai tai. Nữ tử này tối qua còn hung hăng đạp vào chân chàng, còn hờn dỗi vì chàng không chịu chú ý xem nàng phô diễn “tài nghệ”, thế mà bây giờ miệng lưỡi cứ nhão ra như bột phải nước.
Viễn Kỳ nhếch môi cười, chấm dứt màn tâng bốc của Tử Yên bằng ngữ điệu bình thản:
-Sao? Chuyện gì?
-Chả là trời sắp sang đông, nên sáng nay mẹ bảo tôi bây giờ nên chuẩn bị may cho cả nhà mỗi người một chiếc áo ấm. – Tử Yên di tay trên bàn, mặt buồn rười rượi. Rồi bất thình ngước mặt lên, đau khổ nói. – Vậy vị chi là ba cái. Đến tận ba cái áo huynh có biết không!
- Chà! Mẹ ta đang muốn thử thách cô? – Viễn Kỳ xoa cằm đăm chiêu. – Lần này khổ cho cô rồi. Cố lên!
Trước kia Thúy Đường về làm dâu, cũng bị Phụng Loan – thân mẫu của Viên Trung làm khó đủ đường. Lâu lâu Phụng Loan lại bày tiệc để thử thách tài nấu nướng của Thúy Đường. Thỉnh thoảng lại bảo Thúy Đường may thêm áo ấm. Những chuyện này năm nào cũng có, độ khó mỗi lúc một tăng cao. Đến đời Tử Yên cũng không ngoại lệ. Mẹ chồng –nàng dâu, vòng xoay hiềm khích này đến khi nào mới có thể chấm dứt.
Tử Yên nhăn nhó nói:
-Nếu cố được, tôi đã không đau đầu thế này. Chẳng phải hôm qua huynh đã được tận mắt chứng kiến khả năng may vá của tôi rồi sao?
-Đúng, quả là “vượt trội” hơn người.
Nhận thấy vẻ giễu cợt trong giọng nói Viễn Kỳ, Tử Yên không ngần ngại lườm chàng một cái. Nhưng ngay lập tức nhớ ra mình đang là kẻ nhờ vả, nên liền xuống giọng van lơn:
-Viễn Kỳ! Huynh nhất định, nhất định phải giúp tôi nghĩ cách, nếu không lần này tôi khó lòng qua khỏi.
Một tháng trước khi xuất giá kì thực rất gấp rút. Chỉ học mỗi nấu nướng cũng đủ choáng hết thời gian của Tử Yên, nàng nào còn tâm trí để học thêm thêu thùa. Cửa ải nấu ăn nàng phải chật vật lắm mới có thể qua khỏi. Bây giờ đến may vá, mà một lúc còn may đến ba chiếc áo, Tử Yên làm cách nào xoay sở được. Nàng còn nhớ hồi học trung học có môn kĩ thuật dạy may vá. Nhưng oái ăm thay, toàn bộ những bài thực hành của Tử Yên đều do một tay mẹ nàng làm. Bây giờ thì tốt rồi. Ngay cả mũi thêu cơ bản nàng còn chẳng biết. Bảo nàng may áo, khác nào gián tiếp bức chết nàng. Tử Yên tự thấy dạo này mình vô cùng ngoan ngoãn. Vừa tự giác, lại chăm chỉ, rốt cuộc có chỗ nào khiến Thúy Đường không vừa mắt, sao cứ hết lần này đến lần khác bày trò thử thách nàng. Cái số con rệp của Tử Yên quả là thê lương. Nàng chỉ muốn làm một người con dâu hiền lành, an phận cũng chẳng được.
Không đợi Tử Yên nói thêm, Viễn Kỳ lập tức đồng ý.
-Được rồi, thế cô muốn ta làm gì?
Viễn Kỳ phất quạt phe phẫy:
-Giúp cô nói thật với mẹ ta?
-Dĩ nhiên là không. – Tử Yên nhanh nhảu đáp.
-Phụ cô may áo?
Nàng lại lắc đầu nguầy nguậy:
-Chắc chắn không thể.
- Kêu gia nhân trong nhà may hộ cô?
- Nếu để mẹ huynh biết được, liệu tôi chết có toàn thây không? – Tử Yên hỏi, chớp chớp cặp mắt ngây thơ.
Viễn Kỳ đập mạnh quạt vào tay, ra chiều tiếc nuối:
-Đấy, cô thấy chưa! Không phải ta không muốn giúp, mà là không thể giúp. Lần này, cô đành phải tự lực cánh sinh vậy.
Vừa dứt lời, Viễn Kỳ liền đứng dậy bỏ đi. Để lại Tử Yên chưng hửng ngồi đấy. Khi bóng chàng mất dạng, nàng mới giận dữ lên tiếng:
-Đúng là ngụy quân tử, huynh còn ở đấy giả nhân giả nghĩa. Đến ngay cả cách cũng chẳng buồn nghĩ, căn bản là huynh không hề muốn giúp. Được! Nếu lần này tôi chết, huynh cũng đừng hòng sống yên thân! Tôi sẽ trù ếm huynh suốt đời!