Tử Khúc

Dứt lời, Viễn Kỳ nhìn chung quanh một lượt, rồi lập tức bế Tử Yên phóng vút lên ngựa.
Gió nổi lên, cuốn phăng những bụi tuyết tung bay mịt mù. Sương muối chăn ngang như những tấm lưới mỏng, chồng chéo đan xen.
Viễn Kỳ vẫn lặng lẽ quan sát tình hình. Chàng đứng yên, kiên nhẫn chờ đợi.
Màn sương mờ đục cuối cùng cũng tan bớt, để lộ ba con đường kì lạ, với ba cảnh sắc khác nhau.
Một lối đi nằm ở hướng Đông, là nơi dung thân của những gò tuyết cao, khấp khểnh. Ngõ vào kéo dài sâu hun hút. Hiện diện ở cuối đường là một chóm đen đã trút cạn ánh sáng.
Một lối đi khác nằm ở hướng Nam. Những nhành liễu vàng vọt, xơ xác rũ xuống hai bên đường làm lộ vẻ tịch liêu. Nhưng lối đi này lại vô cùng bằng phẳng, được phủ che bằng một thảm tuyết dày mềm mại.
Con đường còn lại thì chỉ là ngõ cụt. Dưới nền tuyết tinh tươm loang lỗ vài vệt đỏ, không khí bên trong phảng phất nét quỷ dị.
Viễn Kỳ nói vào tai Tử Yên:
-Cho đến lúc ta bảo, tuyệt đối đừng mở mắt!
Chàng đắn đo chốc lát rồi quyết định bước vào đường thứ nhất.
Viễn Kỳ thúc ngựa giẫm lên những gò tuyết. Yên ngựa chông chênh, lắc lư dữ dội khiến Tử Yên nhất thời ngồi không vững. Viễn Kỳ vòng tay, ép người nàng sát vào lòng mình. Tay chàng vung roi mỗi lúc một nhanh dần. Càng vào sâu, Viễn Kỳ càng cảm thấy bất an. Cảnh sắc đã bắt đầu thay đổi. Không gian tanh xộc mùi máu. Vài bộ xương người trắng hếu ẩn hiện dưới nền tuyết. Từng giọt đỏ thẫm trên những nhánh cây khô, tí tách rơi xuống bức thềm trắng, rồi nhanh chóng tan ra, mất hút. Cảnh quang chung quanh chợt trở nên méo mó. Tất cả màu sắc như trộn lẫn vào nhau, tạo thành một mớ rối mù, hỗn độn. Thanh âm gào thét, khóc than, hòa cùng những tiếng cười đùa điên loạn đột ngột vang lên.
Viễn Kỳ lập tức điểm huyệt khiến Tử Yên bất tỉnh.
Cảnh tượng dễ làm người phát điên. Chẳng trách nơi đây lại có nhiều xác chết đến vậy.
Cách tốt nhất để thoát khỏi chỗ này, là phải giữ tâm cốt sao tĩnh như nước, vững như thạch. Lĩnh hội được điều đó, Viễn Kỳ nhanh chóng nhắm mắt lại, đồng thời vận khí phong bế các giác quan. Trong tâm trí chàng, những tạp niệm dần hóa thành sương khói, lảng bảng bay, rồi bỗng chốc biến thành giọt nước đọng. Giọt nước trong vắt như sương, khẽ len lỏi qua những khóm trúc, qua từng đóa đinh hương, qua cơn mưa phùn bất chợt, và cuối cùng hòa cùng suối nguồn, trôi về thượng lưu. Tiếng suối róc rách reo vui. Dòng nước như những sợi tơ phát ra ánh sáng, phút chốc bừng lên chói lòa, xé toạc ảo cảnh trước mắt Viễn Kỳ.
Con đường lại trở về với dáng vẻ hiền lành vốn có. Những gò tuyết nhấp nhô, những tán cây trơ khất.
Viễn Kỳ thở phào nhẹ nhõm. Chàng từng nghe thiên hạ đồn đại rằng, lối vào Bạch Ngưng chẳng khác nào địa ngục trần gian. Võ lâm từng có bao cao thủ ra đi không thấy ngày trở về. Dẫu biết quyết định xông vào đây có vô vàn rủi ro, nhưng nguy hiểm đến thế, kì thực Viễn Kỳ cũng không thể ngờ tới. Nghĩ lại tình hình lúc nãy, nếu Viễn Kỳ chỉ sơ sẩy đôi chút, để tạp niệm chi phối, để ảo cảnh hù dọa, kết cục của chàng và Tử Yên chắc chắn sẽ giống những người kia.
Phía cuối con đường, một cánh cổng trắng xóa từ từ nhô cao. Bên trên treo tấm biển lớn cùng vài chữ nghuệch ngoạc: “Bạch Ngưng thôn”.

Cổng thôn vừa khép lại, Viễn Kỳ liền giúp Tử Yên giải huyệt. Chàng vỗ nhẹ vào má nàng, gọi nàng tỉnh lại.
Tử Yên mơ màng mở mắt. Cảnh tượng chẳng có gì đổi khác. Bốn bề vẫn trắng xóa một màu. Nàng chậm chạp đứng lên, thận trọng quan sát chung quanh thêm lần nữa. Đôi đồng tử Tử Yên bất giác trợn to.
Nàng vừa trông thấy gì ấy nhỉ?
Những khối tròn ngay ngắn úp xuống đất, trơn nhẵn và trắng sáng.
Đó phải chăng là kiểu nhà cửa nơi đây?
Kiến trúc thật kì lạ.
Những chiếc bát khổng lồ nằm quây quần và trải dọc theo một con đường lớn, vẽ nên bức tranh thôn xóm hiền hòa. Trên phông nền nhuộm màu trắng xóa, thưa thớt vài người đang cùng nhau cào tuyết. Tiếng í ới gọi nhau, tiếng cười đùa giục giã. Tiết trời giá rét giữa ngày đông dường như chẳng ảnh hưởng đến họ. Không khí vây bọc những con người đang say sưa lao động, cởi mở và trong trẻo.
Tử Yên vô thức bước tới, điệu bộ thoáng ngần ngại. Âm thanh sôi nổi bỗng im bặt. Khoảnh khắc trông thấy nàng, mọi người thôn Bạch Ngưng bất giác đều dừng tay. Họ kinh ngạc nhìn Tử Yên. Nàng cũng ngây ngốc nhìn đáp lại.
Mãi một lúc sau, Tử Yên mới ngại ngùng lên tiếng:
-Chúng tôi đường đột xông vào đây, muốn xin tá túc đêm nay. Thật ngại quá. Đã làm phiền mọi người.
Tử Yên vừa dứt lời, Viễn Kỳ cũng cẩn trọng tiến đến. Chỉ trong chớp mắt, hai người bọn họ liền đã bị bao vây. Trái hẳn với vẻ sững sờ khi nãy, là thái độ vui mừng khó hiểu. Họ, những người thôn Bạch Ngưng, đang nhìn Tử Yên bằng ánh mắt mong chờ. Trông ai cũng vô cùng rạng rỡ, nụ cười đong đầy trên môi. Kì thực phản ứng của họ cũng chẳng có gì lạ. Những kẻ vào được thôn Bạch Ngưng vốn dĩ không nhiều. Người có thể vượt qua Quỷ Hành Môn trước giờ nếu chẳng phải cao thủ võ lâm, thì cũng là kẻ có nhân cách thanh cao, tâm không mang tạp niệm. Bạch Ngưng thôn bao đời vốn có lệ, phàm bất kì ai khi vào được đến đây, bất kể người hay quỷ, hiển nhiên đều trở thành thượng khách. Lâu lắm rồi mới có người ghé thăm, chẳng trách phản ứng của dân làng lại háo hức như vậy.
Một đại thẩm vui vẻ mở lời:
-Ta là Duệ Phúc. Người trong làng hay gọi Duệ nương. – Bà nhẹ nhàng dò hỏi. – Có thật hai cháu muốn tá túc chỗ chúng tôi?
Tử Yên bối rối gật đầu.
-Vậy thì chúng tôi…rất sẵn lòng. –Duệ nương cười hiền lành.

Tử Yên cùng Viễn Kỳ theo chân Duệ nương bước vào nhà. Cảm giác bị giam lỏng bằng chiếc bát khổng lồ không khó chịu như Tử Yên vẫn tưởng. Ngôi nhà được xây bằng đá trắng. Không gian bên trong ấm áp, nhỏ gọn và sạch sẽ. Mỗi căn phòng được ngăn cách bởi bức bình phong da thú. Một bếp lửa nhỏ đang bập bùng cháy giữa nhà, xung quanh vẫn còn chất đầy củi.
Duệ nương vồn vã bảo:
- Ta sống cùng với con trai lớn. Nhưng hôm nay nó có việc ra ngoài đến tối muộn mới về. Nào, nào! Cả hai cháu đừng ngại, mau ngồi xuống đây, uống tách trà cho ấm bụng.
Viễn Kỳ khách khí đáp:
- Duệ nương đừng bận tâm. Cứ để chúng tôi tự nhiên.
Duệ nương đang loay hoay tìm kiếm thứ gì. Bà đột nhiên la lên:
-Ấy chết! Trà mới ướp ta để quên ở nhà Phức thẩm. Các cháu đợi tí, ta sẽ sang đấy lấy về ngay.
Dứt lời, Duệ nương liền vội vã ra ngoài.
Tử Yên say sưa quan sát ngôi nhà nhỏ. Nàng dường như rất hứng thú với lối kiến trúc độc đáo này. Đôi chân Tử Yên vô thức tiến lên thêm vài bước, mắt mũi vẫn một mực dán chặt vào những vật dụng đơn giản trong nhà. Từ cung tên, mũ chảo, cối giã thuốc, đến cái sạn to nằm chỏng chơ dưới đất,… tất cả đối với nàng đều hết sức lạ lùng.
Và thế là…
“Soạt”
Tử Yên hứng trọn cả ấm nước to tướng.
Rất may bình vừa từ bếp mang lên, còn chưa kịp đun nóng. Nếu không nàng chắc chắn đã bị bỏng.
Nhưng…
Chiếc ấm cùng chỗ nước còn lại lại nhắm đúng chân nàng rơi xuống.
-Oái!
Tử Yên bất ngờ bị một phát đau điếng. Nàng vội vàng ngồi xuống xoa chân.
Viễn Kỳ nhanh chóng bước lại gần, chàng sốt ruột hỏi:
- Thế nào? Có đau lắm không?
Bàn tay đang bận rộn bất giác dừng lại, Tử Yên quay sang nhìn Viễn Kỳ, nghiến răng nghiến lợi nặn ra một nụ cười:
-Huynh cứ lấy ấm nước này, tự đập vào chân mình thử xem có đau không?
Và như vừa nhớ ra điều gì, Tử Yên đột ngột ngẩng phắt dậy. Đập vào mắt nàng là hình ảnh một nam nhân trẻ tuổi. Mũi cao, mắt sáng, ngũ quan rõ ràng, diện mạo khôi ngô. Nhưng Tử Yên lúc này chẳng còn tâm trí nào để ý đến vẻ ngoài của chàng.
“Chính hắn!
Chính hắn là thủ phạm.
Con trai Duệ nương ra ngoài phải đến khuya mới về. Thế tên này là ai? Sao tự dưng lại xuất hiện ở đây? Nhìn mặt hắn hình sự, dễ ghét, khác hẳn thái độ niềm nở, thân thiện của mọi người trong thôn. Mặc kệ hắn là ai? Hất nước vào người mình,quăng luôn cả ấm nước vào chân mình. Dù vô tình hay cố ý, nhưng thái độ bàng quang, đến một chút áy náy cũng chẳng có, không phải là quá đáng lắm sao?”
Tử Yên càng nghĩ càng sôi gan, càng nghĩ càng tức giận. Nàng hùng hổ quát:
-Này! Lỡ đụng phải người khác, dù không muốn nói câu xin lỗi, nhưng chí ít huynh cũng phải tỏ ra áy náy một chút chứ!
Nam nhân lạ mặt lười biếng nói:
-Cô không sao chứ? – Chàng khẽ nhếch môi, giọng nói hàm ẩn vẻ mỉa mai. – Thật ngại quá. Phiền cô sau này khi đi đứng, nên chú ý nhìn trước nhìn sau.
-Huynh… – Tử Yên tức đến mức nghẹn giọng. Hai má nàng đỏ bừng, miệng không ngừng co giật. Chỉ hận nỗi không thể ngay lập tức bay đến chỗ nam nhân kia, đạp một phát thật mạnh vào chân chàng cho hả giận. Nhưng ở đây vốn chẳng phải nhà mình, nàng không nên hành sự lỗ mãng. Nghĩ vậy, Tử Yên đành khó nhọc nuốt trôi cơn giận đã dâng lên tới cổ, miễn cưỡng bảo:
-Thôi bỏ đi! Đối với loại người không biết phải quấy như huynh, tôi có nói cũng chỉ phí lời.
Hai tay Tử Yên qua loa phủi chân, rồi đường hoàng đứng dậy. Tâm tình nàng vẫn không nguôi ấm ức. Quyết không để mình chịu thua thiệt, Tử Yên hếch mặt hiên ngang, lớn tiếng hỏi:
-Huynh là ai? Sao lại tự tiện vào nhà Duệ nương?
Nam nhân lạ mặt vẫn không hề nao núng, chàng điềm tĩnh quan sát Tử Yên lẫn Viễn Kỳ, rồi bất giác chau mày:
-Câu này… phải để ta hỏi hai người mới đúng.
May thay, Duệ nương vừa về đến. Bà nhanh chóng bước tới chỗ ba người bọn họ, vui mừng hỏi:
-Diệp Phong! Con về rồi đấy à?– Duệ nương vừa chỉ vào nam nhân kia, vừa nói với vẻ tự hào. – Giới thiệu với hai cháu, đây là con trai lớn của ta, Diệp Phong. Nó lúc nãy không làm gì thất lễ với các cháu chứ?
Viễn Kỳ thoáng mỉm cười, chấp tay chào hỏi:
-Diệp công tử, tại hạ là Viễn Kỳ. Hân hạnh!
Nam tử lạ mặt thoải mái đáp:
-Ta chẳng phải công tử gì cả. Huynh cứ gọi Diệp Phong là được.
Vẻ mặt Tử Yên bây giờ trông vô cùng khó coi.
“Cứ tưởng hắn cùng lắm cũng chỉ là hàng xóm. Ai ngờ tên mặt cau mày có này lại là chủ nhà. Hắn nói năng cạnh khóe, miệng lưỡi sắc bén, rất có tác phong của một kẻ hẹp hòi. Lúc nãy lỡ lớn tiếng với hắn, có khi nào hắn để bụng, không ình ngủ lại đêm nay?
Không được!
Sống chết gì cũng phải cố vớt vát chút hình tượng.”
Tử Yên gượng gạo vuốt vuốt tóc, rồi mỉm cười thật tươi, đoạn nàng dịu dàng nói:
-Diệp Phong, là tôi lúc nãy không hiểu chuyện mới lỡ lời lớn tiếng với huynh. Mong huynh đừng để tâm.
Diệp Phong không nói gì, chỉ khẽ nhếch môi cười. Chàng cúi xuống, nhặt lấy ấm nước rồi bỏ đi một mạch.
Tử Yên tức tối gào thét trong lòng.
“Thái độ kia là sao? Lão nương ta đã cố tình xuống nước, thế mà hắn một chút nể mặt cũng chẳng có. Vậy là ý gì chứ !?!”
Duệ nương vội đỡ lời:
-Tính tình Diệp Phong trước giờ vẫn thế. Hai cháu đừng để bụng. Nào! Mau ngồi xuống đây… – Duệ nương vừa nói, vừa vỗ vỗ vào chỗ trống bên cạnh – …ăn bánh uống trà cho ấm người.
Diệp Phong đã mang một ấm nước khác lên tới. Chàng thành thục bắt lên chiếc bếp treo, rồi phụ Duệ nương rắc lá trà vào.
“Không phải chứ. Chỉ mỗi việc pha trà mà lại dùng chiếc ấm to tới vậy. Bình trà này uống bao giờ mới hết?”Tử Yên tròn mắt nghĩ.
Cả bốn người quay quần bên bếp lửa. Bữa tối qua đi trong không khí vui vẻ. Duệ nương tiếp đón Tử Yên và Viễn Kỳ vô cùng chu đáo. Bà không ngừng kể chuyện về Bạch Ngưng thôn, về những truyền thuyết nơi đây, về suối nước nóng, về những loài thảo mộc luôn nhuộm màu trắng xóa.
Tiếng củi cháy trên bếp lửa vẫn bập bùng reo vui.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui