Tự Nguyện Cắn Câu FULL


Ngày hè kéo dài, lúc Trần Vụ rửa mặt xong rồi lên giường, nơi chân trời có một vệt trắng nhạt xuyên qua.

Anh không chờ Yến Vi Sí, mà vừa chạm đầu xuống gối liền ngủ thiếp luôn.
Yến Vi Sí lén lén lút lút chẳng khác gì tên trộm đột nhập trái phép trong chính ngôi nhà của mình.

Hắn vừa tắm nước lạnh, nhưng bước vào phòng ngủ lại cảm thấy nóng.

Hơi nóng tràn ra từ trong mạch máu, trái tim, não bộ, tụ thành cảm giác nóng cháy bức bối không phù hợp với trẻ nhỏ.
Nhiệt độ trong phòng giữ ổn định, người trên giường đắp chăn mỏng, chìm trong giấc ngủ say.
Giường rất lớn, dư lại hơn một nửa diện tích.
Yến Vi Sí đi đến ngồi xuống chiếc ghế dài đặt cuối giường, chỉ mặc quần boxer đen, đôi chân dài bắt chéo nhau.

Trong màn đêm yên tĩnh, hắn không chút kiêng dè mà nhìn chằm chằm vào niệm tưởng, dục vọng, cùng tương lai của mình.
Có rất nhiều điều thực tế và những yếu tố không rõ ràng, không xác định, đang nằm vắt ngang trên con đường, nhưng hắn chỉ muốn nhìn người này, không thể bỏ lỡ, cũng sẽ không buông tay.
“Trần Vụ.” Yến Vi Sí thấp giọng gọi.
Không có phản hồi.
Giường lún sâu, Yến Vi Sí mặc quần đùi thể thao nằm bên cạnh Trần Vụ, nắm chặt bàn tay anh gác trước người rồi ôm vào lòng mình, chậm rãi lần theo từng đốt từ đầu ngón tay trở xuống.
Ngủ sâu như thế, tin tưởng hắn như thế.
Đừng nói đến hôn trộm sờ trộm, hắn còn có thể làm chuyện càng quá mức hơn, chuyện mà đàn ông có thể làm.
Đồ ngốc.
Yến Vi Sí giữ sắc mặt bình tĩnh, song đôi mắt đỏ lên vì kiềm chế, cơ bụng nhẫn nhịn nóng bỏng căng cứng.
Nếu yêu thích sau tuổi ba mươi hoặc là lần thứ hai yêu thích ai đó, thì có lẽ sẽ dễ chịu hơn chút.
Thế nhưng đây lại là lần đầu tiên thích một người, còn ở độ tuổi thiếu niên dễ bốc cháy dễ nổ tung.
Khi Yến Vi Sí phục hồi tinh thần, chân đã gác trên người Trần Vụ, biên độ mà lớn hơn là cả người đều đè lên rồi.
Trần Vụ không bị đánh thức.
Chiếc giường này vững chắc rộng rãi, không giống giường nhỏ ở căn nhà thuê tại đập chứa nước, Yến Vi Sí cũng không có cách để chen chúc.
Yến Vi Sí suy nghĩ lung tung đủ chuyện, dựa theo đồng hồ sinh học của người này, lát nữa là sẽ tỉnh rồi.
Yến Vi Sí dự định nằm thêm phút chốc rồi sang bên kia đắp chăn của mình.
Không thể vì sảng khoái nhất thời mà dọa người ta chạy được.
Một giây trước khi Yến Vi Sí ngồi dậy, người đang ngủ say ở bên bỗng trở mình, vùi đầu vào cổ hắn.
Miệng hơi hé, hơi thở ấm áp phả vào xương quai xanh của hắn.
Yến Vi Sí: “…”
Sắc tức thị không, không tức thị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc(1).
(1) Trích từ Bát Nhã Tâm kinh, “Sắc bất dị không, không bất dị sắc.

Sắc tức thị không, không tức thị sắc” nghĩa là: “Sắc không khác với Không và Không cũng không khác với Sắc.

Sắc chính là Không và Không cũng chính là Sắc”.

Sự vật, sự việc vừa là nó mà cũng vừa không phải là nó.
Sắc chính là Trần Vụ, Trần Vụ chính là…
Đệt.
Yến Vi Sí thở dốc nặng nề đẩy anh ra, sau đó nhảy xuống giường đi vào phòng tắm.
Vô cùng chật vật.
Tối qua Trần Vụ thức khuya ngồi máy bay, song buổi sáng vẫn dậy vào năm sáu giờ, anh gần như chỉ ngủ hơn một tiếng.
Yến Vi Sí ngủ ở bên kia giường.

Hắn nằm trên giường bất động, mặt áp vào gối, nếu không phải thân thể phập phồng thì sẽ khiến người khác tưởng là một thi thể.
Trần Vụ nhặt chăn đắp lên eo Yến Vi Sí.

Đi được hai bước, anh quay đầu lại, kéo chăn che đi cơ lưng săn chắc đẹp đẽ kia.
Đằng sau đột nhiên vang lên một giọng nói oán giận u ám, “Tối nay tôi sẽ tới phòng ngủ phụ.”
Trần Vụ xoay người, vẻ mặt sửng sốt: “Không ngủ cùng nhau nữa à?”
Yến Vi Sí: “…”
Hắn nhắm mắt xoay người nằm úp sấp, tiếng hít thở đều đặn.
“Hóa ra là đang nói mớ sao… Nhưng mà…” Trần Vụ vò mái tóc ngắn đen nhánh hơi lộn xộn, “Nằm mơ cũng muốn sang phòng khác, hẳn là không quen lắm.”
Anh lẩm bẩm, “Khi A Sí tỉnh dậy thì mình dọn đi vậy.

Phòng ngủ phụ ở phía Bắc nhỏ hơn chút, mình qua đó ngủ cũng được.”
Yến Vi Sí đột nhiên ngồi dậy.
Trần Vụ giật mình: “A Sí?”
Yến Vi Sí đối diện với anh, đôi mắt đỏ ngầu mệt mỏi: “Dậy sớm thế?”
“Bình thường đều dậy vào giờ này.” Trần Vụ đáp.
“Buồn ngủ chết mất.” Yến Vi Sí xuống giường đi về phía nhà vệ sinh, bỗng dưng hỏi, “Hình như lúc ngủ tôi đã nói gì à?”
Trần Vụ thành thật gật đầu: “Cậu nói tối nay cậu muốn ngủ ở phòng ngủ phụ.”
“Tầm bậy, giấc mơ luôn trái ngược.” Yến Vi Sí nghiến chặt quai hàm, “Nghe xong là xong, đừng coi là chuyện quan trọng.”
Trần Vụ ngơ ngác: “Nói cách khác, về sau chúng ta sẽ ngủ chung một giường giống tối hôm qua à?”
Yến Vi Sí cắn răng: “Đúng.”
Không có việc gì dễ, khổ luyện mới thành tài.
Hắn có thể nhịn, để hắn nhịn.
Ham muốn không được thỏa mãn khiến chất lượng giấc ngủ của Yến Vi Sí giảm sút.

Hắn ngủ đến giữa trưa mới dậy với đầu óc căng nhức, oán khí còn nặng hơn lệ quỷ đã chết ba trăm ngày không đi đầu thai.
Trời sáng rõ, Yến Vi Sí thêm thông tin của Trần Vụ vào cửa chính và cổng khu dân cư, sau đó ra ngoài.
Một mình Trần Vụ tới chùa Thiền Mính.
Thủ Thành nhiều chùa miếu, có nơi vắng vẻ không ai viếng thăm, trong khi có nơi sắp bị chen hỏng ngưỡng cửa Phật điện.
Chùa Thiền Mính thuộc về vế sau.
Lượng khách bình quân trong ngày có thể lên tới hàng trăm nghìn, cao nhất có thể lên tới hàng triệu, hương khói nghi ngút quanh năm, không bao giờ giảm.
Lúc Trần Vụ đến nơi, trong mắt toàn là người, anh muốn thắp hương cũng phải xếp hàng rất dài.
Hỏi ra mới biết cần xếp hàng từ sớm, nửa đêm đã phải tới rồi.
Ngôi chùa này nổi tiếng xa gần, có tín ngưỡng cao trong lòng nhân dân ở Thủ Thành, lớn hơn nhiều so với những gì Trần Vụ tưởng tượng, trong không khí toàn nồng nặc mùi đốt đồ tế lễ.

Anh bị đám đông chen lấn xô đẩy lên phía trước một đoạn, đành cố sức di chuyển sang nơi khác để có thể thở dốc, lấy ra di động liên lạc với sư huynh.
Xung quanh quá ồn ào, Trần Vụ sợ sư huynh nghe không rõ nên nhắn tin.
Trần Vụ: [Sư huynh, em tới rồi, nhưng em không vào được.]
Tịnh Dương: [Để anh ra đón em.]
Đối mặt với biển người nườm nượp, Trần Vụ xoa mồ hôi trên mặt, trả lời một câu: [Anh ra đây sẽ bị chìm nghỉm đấy.

Bảo một tiểu sư đệ tới đi ạ, em ở chỗ bình cứu hỏa.]
Người tới đón Trần Vụ là một tiểu hòa thượng, trông dáng vẻ khoảng bảy tám tuổi, mặc bộ tăng phục màu vàng, chân đi đôi giày vải.

Cậu chắp tay trước ngực: “Tiểu sư thúc.”
“Không thể gọi tôi như vậy, tôi đã hoàn tục từ lâu rồi.” Trần Vụ ngạc nhiên.
Tiểu hòa thượng lắc đầu: “Con được sư phụ nhận nuôi, còn ngài là sự đệ của sư phụ của con.”
“Thế thì tùy cậu.” Trần Vụ phủi tro giấy trên quần, “Khói ở đây dày ghê.”
“Bảy giờ sáng đã có rất nhiều người đốt vàng mã.” Tiểu hòa thượng nói, “Để con dẫn ngài tránh đám đông người hành hương.”
Trần Vụ theo tiểu hòa thượng rẽ ngang mấy căn thiền viện Phật điện.
Cách vài bước là một cây hoa quế, vào mùa thu, nhất định mặt đất sẽ tràn ngập hoa quế.
Càng đi vào trong thì người càng ít, tiểu hòa thượng đẩy cửa gỗ dẫn tới một sân nhỏ ra, Trần Vụ bước vào.
Cửa gỗ đằng sau anh được đóng lại, anh nhìn quanh bốn phía, gạch xám tường đỏ ngăn cách ra một khu vực thanh tịnh.
Giữa sân có tượng Phật lớn.
Trần Vụ bái một cái, một thanh niên đi ra từ phòng thiền phía trước bên trái, anh vui mừng gọi: “Sư huynh.”
Tịnh Dương không khoác áo cà sa, chỉ mặc áo tràng Hải Thanh màu vàng nâu, trong mắt có từ bi.
Khí chất trầm tĩnh ôn hòa, vẻ mặt như một vị Phật.
“Sư đệ, năm ngoái em đã nói muốn tới đây.” Tịnh Dương nói, “Vì thế từ lúc du lịch về anh không xuống núi nữa, vẫn luôn đợi em tới hôm nay.”
Trần Vụ ngượng ngùng: “Xa quá, đến một chuyến rất phiền hà ạ.”
Tịnh Dương khẽ thở dài: “Nên lúc trước em nói có rảnh sẽ tới thăm anh, chỉ là để dỗ anh vui thôi.”
Trần Vụ: “… Sư huynh, anh đừng trêu em.”
“Thế không đùa nữa.” Tịnh Dương vuốt tóc anh, an ủi, “Tốt hơn nhiều so với lần gặp nhau năm ngoái.”
Trần Vụ: “Gì ạ?”
“Trạng thái tâm lý.” Tịnh Dương trả lời, “Năm ngoái tâm lý của em quá già cỗi.”
Trần Vụ không nói gì nữa.
Tịnh Dương dẫn sư đệ của y tới trượng thất(2).
(2) Trượng thất: Căn phòng hình vuông mỗi bề 1 trượng, là nơi ở của vị Trụ trì hoặc là phòng khách trong các thiền viện thuộc Thiền tông.
Năm ngoái y cảm thấy may mắn trước duyên phận tái ngộ sau nhiều năm xa cách, cũng suy nghĩ mấy năm nay sư đệ đã gặp phải chuyện gì, tại sao không sống cùng gia đình.

Không tiện hỏi nên y không hỏi, chỉ nghe sư đệ nói, liên lạc với đứa trẻ Tiểu Yến kia theo ý của sư đệ.
Khi ấy, linh hồn sư đệ kiệt quệ, như thể đang trải qua một lần róc xương tái sinh đại hỷ đại bi, khiến y đau lòng lo lắng.
Giờ đã khôi phục rồi.
Tịnh Dương chỉ mới đến chùa Thiền Mính mấy năm trước, cầm theo thư giới thiệu của sư phụ.

Y có Phật tính cao, Phật khí nồng, ngồi vững vàng trên vị trí trụ trì.
Sư phụ không còn, sư đệ là người duy nhất có thể làm y lo âu.
Tịnh Dương thấy sư đệ hoài niệm cái mõ gỗ, bèn để anh gõ một lúc.
Ngoài cửa đột nhiên có tiếng vang nhỏ: “Thưa trụ trì, chủ tịch tập đoàn Phúc Lâm đã tới, muốn phẩm trà nói thiền với ngài.”
Có một vị khách lớn tới chùa, thủ tọa đích thân tới thông báo cho trụ trì.
Tịnh Dương kéo áo tràng Hải Thanh, ngồi xuống bên cạnh sư đệ: “Có đăng ký không?”
“Không có ạ.” Thủ tọa nhớ lại.
“Vậy thì từ chối.” Tịnh Dương nói.
Ngoài cửa yên lặng.
Tiếng gõ mõ ở chính điện cũng ngừng lại.
Tịnh Dương nhìn sư đệ đang cụp mắt: “Sao không gõ nữa?”
Trần Vụ hổ thẹn: “Tâm không thành.”
Tịnh Dương chống cằm: “Lúc gõ mõ em nghĩ gì, nói cho sư huynh nghe xem.”
Trần Vụ vừa toan mở miệng thì điện thoại trong túi quần vang lên.
“Sư huynh, em đi nghe điện thoại nhé.” Anh đến bên cửa sổ gỗ bắt máy.
Yến Vi Sí không lên tiếng.
Cảm nhận được sự khác thường của hắn, Trần Vụ nhẹ giọng hỏi: “Gặp phải chuyện gì à?”
Hồi lâu sau Yến Vi Sí mới trả lời: “Không tìm được việc.”
Trần Vụ nói: “Thế không tìm nữa, số tiền năm ngoái tôi bán cây cũng còn chưa dùng đến.”
Yến Vi Sí cười khẽ: “Bao nuôi tôi à?”
Trần Vụ: “…”
“Tôi chi tiêu nhiều lắm.” Yến Vi Sí ra vẻ tự hỏi, “Hẳn là anh đã thấy giá cả ở đây rồi, ngoài điện nước, thuốc lá, rượu bia, chi phí hàng ngày, nghỉ hè tôi còn phải đi lướt sóng, nhảy bungee, thay đổi thiết bị điện tử.

Sau khi khai giảng cũng thêm nhiều mục cần chi tiêu, tôi không sống ở ký túc xá, tiền xe cộ đi lại mỗi ngày đều là một khoản chi phí.”
Trần Vụ nghe xong liền đổi ý: “Tôi đây nuôi không nổi đâu, thôi bỏ đi.”
Yến Vi Sí đen mặt: “Không thử cố gắng chút à?”
“Làm người phải tự mình biết mình.” Giọng điệu Trần Vụ nghiêm túc, “Cậu cố gắng lên, nghỉ hè vừa mới bắt đầu thôi, biết đâu ngày mai là có thể tìm được một công việc ưng ý.”
Yến Vi Sí im lặng phút chốc: “Nếu là công việc không thể về nhà suốt kỳ nghỉ hè, anh muốn tôi làm không?”
Trần Vụ sửng sốt: “Nếu có thể nâng cao bản thân.”
Sau một khoảng lặng kéo dài, Yến Vi Sí nói: “Tôi không muốn đi.” Rời xa người này hai tháng, quá lâu đối với hắn, hắn sợ có biến cố, chịu không nổi.
“Vậy thì không làm.” Trần Vụ nói.
“Được rồi, nghe anh.” Rõ ràng tâm trạng của Yến Vi Sí đã khá hơn, “Đưa điện thoại cho sư huynh của anh đi.”
Trần Vụ làm theo.
Yến Vi Sí bình tĩnh nói: “Tịnh Dương này, anh giữ anh ấy ở lại ăn cơm nhé.

Chỗ em bận rộn, tạm thời không thể đi đón anh ấy được, nhanh nhất cũng phải đến chập tối.”
Tịnh Dương nghĩ thầm, không nói cũng sẽ giữ, khó khăn lắm mới gặp một lần mà.
Buổi trưa, Trần Vụ ăn đồ chay ở trượng thất.
Căn hộ của Yến Vi Sí chẳng có một con ve sầu nào cả, đều bị công nhân bắt hết, còn trong chùa thì có tiếng kêu to, mang theo hương vị mùa hè.
Trần Vụ cụp mắt bưng bát cơm, dáng ngồi ngay ngắn giống Tịnh Dương, không nhìn ngó xung quanh, khóe mắt lông mày trông hiền hòa bình thản.
Hoàn toàn khác so với thường ngày, dường như hơi thở trần thế nhiễm trên người cũng đã biến mất.
Trong khoảnh khắc, dường như Tịnh Dương nhìn thấy tiểu hòa thượng cách đây nhiều năm, bằng tuổi tiểu đệ tử của y.
Hai sư huynh đệ không nói một lời, mãi đến khi ăn xong hạt gạo cuối cùng trong bát, kết thúc bữa chay tịnh, bọn họ mới nói chuyện.
Tịnh Dương đưa ra đề nghị: “Sư đệ, nếu em đã đến Thủ Thành, không bằng đi theo anh đi.”
Trần Vụ nói: “Em không theo được, em có tạp niệm.”
Tịnh Dương thấy trong lời anh nói có vài phần chấp nhất, đành phải thôi: “Thế em cứ đi đi, làm những gì mình muốn.”
Trần Vụ khẽ gật đầu.
“Đây không phải là thị trấn nhỏ, chùa Thiền Mính không phải là chùa miếu nhỏ, sư huynh cũng không phải người sư huynh chỉ biết hái trái cây cho em như trước.” Tịnh Dương trìu mến nói, “Nếu có chuyện phiền phức thì có thể tìm sư huynh, sư huynh là người mà em có thể dựa dẫm.”
“Dạ.” Trần Vụ đẩy mắt kính mỉm cười.
Trần Vụ bị Tịnh Dương kéo đến thiền viện cho tiêu cơm, sau đó ở lại ngủ trưa, buổi chiều nghe y tụng kinh.
Hơn nửa ngày cứ thế trôi qua.
Nhá nhem tối, Yến Vi Sí tới đón Trần Vụ, hắn không lên núi mà đợi dưới chân núi.
Khi Trần Vụ sắp rời khỏi thiền viện, tầm mắt anh lơ đãng rơi xuống một hướng rồi dừng lại: “Cái cây kia không xong rồi.”
Tiểu hòa thượng lấy làm kỳ quái: “Không phải nó mọc rất tốt sao ạ? Lá cây xanh thế mà.”
Trần Vụ nói: “Rễ mục nát rồi.”
Tiểu hòa thượng tìm dụng cụ đào đất lên, không khỏi hít một hơi, quả thật có một phần rễ cây đã thối rữa.
Trần Vụ nhắn tin cho Yến Vi Sí, bảo hắn chờ thêm một lát, còn mình cùng tiểu hòa thượng đi ra khu rừng phía sau chùa Thiền Mính tìm hai gốc ghép về, ghép chúng lên cây để cung cấp chất dinh dưỡng cho trái tim của nó.
“Sư huynh, em xuống núi đây, đừng tiễn nữa.” Trần Vụ nhanh gọn lau sạch bùn đất trên tay.
Tịnh Dương ừ một tiếng: “Đi đi.”
Người đã đi xa nhưng y vẫn đứng trước cửa thiền viện.
Tiểu hòa thượng gãi gãi đầu trọc: “Thưa trụ trì, tiểu sư thúc nói, lần sau còn sẽ đến thăm ngài.”
“Lần sau à…” Tịnh Dương vuốt tay áo rộng, lần sau của sư đệ tùy vào khi nào em ấy muốn, em ấy vẫn luôn nghe theo trái tim.
Tịnh Dương trở về trượng thất, phát hiện chiếc điện thoại lặng lẽ đặt ở góc bàn dài nhận được tin nhắn, y đọc xong, khuôn mặt thả lỏng.
[Sư huynh, trong rừng có cây ăn quả cũng gặp vấn đề, hiện tại đang ở thời kỳ ngủ đông, không chữa được, mùa xuân sang năm em lại đến nhé.]
Yến Vi Sí đón Trần Vụ, dẫn anh đến trung tâm thương mại để mua nhu yếu phẩm hàng ngày.

Cả hai đã đi loanh quanh một lúc lâu, song chiếc xe đẩy vẫn trống trơn.
“Một cái chảo nhỏ giá hơn một nghìn, một cái nồi hầm thấp nhất cũng là hàng trăm, tôi không hiểu.”
“Nhập khẩu đấy.”
“Thế cũng vẫn đắt, cái nồi mà chúng ta dùng ở Xuân Quế chỉ có giá chín mươi chín, chẳng phải nấu ăn cũng khá ngon đó sao?”
Nhân viên ở quầy hàng phía trước nương theo lời nói giản dị đó nhìn sang bên, đó là một cặp anh em, người cao đeo khẩu trang, người thấp hơn có khuôn mặt sáng sủa, cả hai đều không mặc hàng hiệu, nhưng khí chất của người cao rất xuất sắc.

Cô còn chưa kịp nhìn đi nơi khác thì người trẻ tuổi thấp hơn chút, nhìn không ra là anh hay em trai kia, chạy tới chỗ cô, “Chị ơi chị, xin hỏi khu dầu ăn ở đâu ạ?”
Nhân viên nghe xong liền lập tức trưng ra gương mặt tươi cười: “Rẽ trái.”
“Cảm ơn.” Trần Vụ lịch sự rời đi, anh lên đón Yến Vi Sí vừa tới, “Tôi biết vị trí rồi, chúng ta đi thôi.”
Nghe thấy xưng hô ban nãy, Yến Vi Sí lại nhớ tới chuyện anh gọi đồng hương là “anh ơi anh”.
“Sao anh cứ lặp từ gọi người ta suốt thế?” Yến Vi Sí nhích đến gần Trần Vụ.
“Trong thôn có cách gọi kiểu thím ơi thím, bác ơi bác, chú ơi chú, dì ơi dì.” Trần Vụ đáp.
Yến Vi Sí nói không ngần ngại: “Thế anh gọi tôi là Sí Sí nhé?”
Trần Vụ bày ra vẻ mặt không dám tin “Cậu đang nói gì thế”.
“Mặc kệ tôi.” Yến Vi Sí mặt đỏ tai nóng.
Rẽ sang lối đi bên trái, hắn thình lình hỏi: “Từ mùa đông năm ngoái đến bây giờ có lại gọi ai là anh trai không?”
“Không.” Trần Vụ nói, “Tôi đã đồng ý với cậu rồi, sẽ không bao giờ gọi người khác như vậy nữa.”
Yến Vi Sí dùng ngón tay gõ gõ vào tay vịn xe đẩy, mất tự nhiên bật ra một câu: “Gọi tôi như thế cũng không thành vấn đề.”
Trần Vụ đã sớm chạy đến phía trước, đang vẫy tay với hắn: “A Sí! Khu dầu đang có chương trình khuyến mại, cậu mau tới đây!”
Yến Vi Sí: “…”
Con mẹ nó ai quan tâm đến dầu chứ.
Không mua nồi, Trần Vụ chẳng thể hiểu tại sao một cái nồi lại có giá bốn con số, anh muốn tìm trên mạng trước.
Yến Vi Sí lười biếng: “Anh có thể xác định đồ trên mạng không phải là hàng giả à?”
“Tôi không mua hãng đó.” Trần Vụ nói, “Dù sao cậu cũng đừng hỏi nữa, để tự tôi mua, có thể mua tốt.”
Khóe môi Yến Vi Sí giật giật, hắn chọc anh phiền rồi?
Trần Vụ nằm nhoài ra tay vịn xe đẩy, lật lật đồ đạc chất đầy xe: “Tôi nghĩ chúng ta đã mua quá nhiều rồi đó.”
“Đều là nhu yếu phẩm.” Yến Vi Sí ngăn cản anh lải nhải.
“Cậu lấy những bốn cặp cốc.” Trần Vụ không đồng ý lắm, “Dùng không hết đâu.”
Yến Vi Sí ôm lấy anh, ngón tay nghịch nghịch cổ tay áo màu xám tro phong phanh của anh: “Cái này để uống nước, cái này để uống cà phê.”
“Cà phê à?” Trần Vụ kinh ngạc, “Tôi chưa uống bao giờ.”
“Để tôi pha cho anh.” Yến Vi Sí dẫn anh tới quầy tính tiền tự động, để anh tự làm.
Trần Vụ mày mò một lúc liền biết.
Lúc ra số tiền, Yến Vi Sí nhanh chóng quét mã thanh toán.
Trần Vụ vẫn nhìn rõ con số đại khái, ngơ ngác choáng váng: “Về sau không đến trung tâm thương mại này nữa, không bao giờ.”
Yến Vi Sí cong người tựa trán vào lưng anh, bả vai rung lên, khẩu trang phát ra tiếng cười trầm thấp.
“Quá nhiều đồ nhập khẩu, một cuốn sổ bằng lòng bàn tay cũng mất hơn ba trăm…” Trần Vụ nhỏ giọng nói, “Tôi vẫn thích hàng nội địa hơn.”
Yến Vi Sí nghiêm túc phụ họa: “Ủng hộ sản phẩm trong nước.”
Trần Vụ thở dài: “Ngày mai chúng ta lại đến nơi khác xem xem, chắc chắn có hàng rẻ hơn.”
Yến Vi Sí đẩy xe tới chỗ thang cuốn: “Anh không cần chuẩn bị cho phỏng vấn à?”
“Cần thiết hả?” Trần Vụ ngớ ra.
Yến Vi Sí: “Không nhất định.”
“Thế thì tôi không chuẩn bị nữa.” Trần Vụ nói.
Tám giờ sáng thứ Hai, Yến Vi Sí đưa Trần Vụ đi phỏng vấn.

Địa điểm không phải đại viện, mà là một tòa nhà văn phòng phía sau một căn cứ công nghiệp.
Yến Vi Sí hút thuốc bên ngoài, một mình Trần Vụ đi vào, anh được quầy lễ tân dẫn đến khu vực chờ.
Bên trong đã có một nhóm người chờ sẵn.
Trần Vụ ngồi xuống vị trí cạnh cửa sổ.

Trong phòng không bật điều hòa, gió nóng thổi tung rèm cửa cọ vào người anh, anh mơ màng chìm vào giấc ngủ trong luồng hơi nóng.
Có người tiến vào, có người đi ra, chẳng biết qua bao lâu, âm thanh trò chuyện cố ý hạ thấp truyền đến tai Trần Vụ.
“Anh bạn, chỉ còn lại hai người chúng ta thôi.”
“Trương Đào? Trời đất, thật sự là cậu à? Chẳng phải cậu phải đi du học nước ngoài sao? Sao lại ở đây?”
“Đừng nhắc nữa, kế hoạch không theo kịp biến hóa.”
“Kinh phí không đủ à?”
“Đâu chỉ thế, nói chung không du học thành công, không đào tạo sâu nữa, nên ở lại trong nước thôi.”
“Trong vòng hai năm gần đây trong nước đã coi trọng nghề nghiệp của chúng ta hơn rồi.”
“Chỉ mong tương lai sẽ ngày càng tốt đẹp.”
“…”
“Lúc trước còn có một đợt tuyển dụng ở nhà tổ họ Yến, cậu có đi không?”
“Không đi, tôi muốn tới nơi này hơn.”
“Tôi thì có tới, nhưng không thành công, trải nghiệm việc đời thôi.

Đầu thai thật sự đòi hỏi kỹ thuật đấy, có một số người sinh ra ở vạch đích rồi.”
“…”
“Gặp được nhân vật lớn họ Yến kia rồi hả?”
“Sao có thể, ngay cả đại quản gia mà tôi còn chưa nhìn thấy, chỉ có người làm vườn tiếp đón tôi thôi.”
“…”
“Nhân vật tai to mặt lớn kia của nhà họ Yến trường thọ à? Ông ta cưới năm bà vợ, thậm chí con cả đã có đốm mồi rồi mà đứa út mới tốt nghiệp trung cấp nghề, chênh lệch tuổi tác ghê thật.”
“Nếu tôi có quyền thế như nhà họ Yến, tôi sẽ cưới mười người một lúc.”
“Cậu đúng thật là không sợ kiệt sức.

Vị họ Yến kia cũng không phải là cưới cùng lúc, mà ly hôn hoặc bệnh chết mới lấy người tiếp theo, cũng không nghe nói có nuôi tình nhân hoặc thỉnh thoảng nhảy ra một đứa con ngoài giá thú.

Ông ta có thể làm được mức độ này, tôi cũng thấy bội phục.”
“…”
“Ồ, cậu biết chuyện con út họ Yến trở về không?”
“Sao không biết chứ, trong nhóm chat kỹ thuật có nói mấy lần rồi.”
“Tại sao lại bị phế nhỉ?”
“Quả dưa này đã thối từ lâu rồi mà cậu còn chưa ăn xong hả?”
“Mấy năm nay tôi và thầy giáo về nông thôn giúp đỡ người nghèo, cơ bản đã mất liên lạc với xã hội, đâu biết được những chuyện thế này.

Cậu mau kể đi.”
“Người khác là mẹ quý nhờ con, cậu ta là con quý nhờ mẹ.”
“Có ý gì?”
“Cậu ta vừa sinh ra đã là người thừa kế, vì mẹ của cậu ta, cũng chính là bà năm, là người mà cha cậu ta yêu nhất trên đời, yêu ai yêu cả đường đi.

Đây là phiên bản được lưu truyền rộng rãi nhất.

Tôi đoán còn có nguyên nhân sinh thần bát tự, cậu biết đấy, càng có tiền càng tin mấy thứ này.”
“Thế tại sao về sau cậu ta lại…”
“Giết mẹ.”
“Người tiếp theo!”
Ngoài cửa truyền đến tiếng hô, người nói chuyện đi ra ngoài, người còn lại cũng không nói nữa.
Một lát sau có cuộc gọi đến, người nọ gọi điện cho ai đó trong sư môn, giữa những câu chữ đều là niềm tin nắm chắc thắng lợi trong lần phỏng vấn này.
Sau đó cũng đến lượt người nọ.
Đằng sau bức rèm, Trần Vụ tháo kính ra, lau mồ hôi sắp chảy xuống mắt.
“Bên trong còn người không?”
“Còn người.” Trần Vụ đeo kính rồi đứng dậy đi ra ngoài.
Sau khi tất cả các cuộc phỏng vấn hôm nay kết thúc, người phỏng vấn đang chấm điểm phần thực hành của các ứng viên, một người phụ nữ với mái tóc được kẹp gọn xuất hiện.
“Giám đốc, sao ngài…”
Giám đốc chạy từ đầu này đến đầu kia của bàn làm việc, nhìn thấy một gốc cây tàn tạ ở cuối, tay run run gọi điện thoại với khuôn mặt tái nhợt.
“Thưa thầy, cây T-032 mà em mang tới cơ sở đã bị dùng để làm tư liệu phỏng vấn.”
Ông lão đã về hưu, lúc này đang thả chim bay dạo trong vườn, nghe vậy cũng không tức giận: “Vì sao sẽ xuất hiện ở phòng kỹ thuật?”
“Là do em.” Giám đốc vô cùng áy náy, “Em không cất cẩn thận, khiến các thành viên trong nhóm thực tập sinh nhầm tưởng đó là diên vĩ tím bình thường nên lấy đi dùng, hai cây có vẻ ngoài tương tự.”
Ông lão hỏi trọng điểm: “Bây giờ bị cắt rồi à?”
“Dạ, bị cắt rồi.” Giám đốc chực khóc.
Dòng T tổng cộng chỉ gây trồng được hai cây, chính là 019 và 032.

Tuy nhiên 032 đã lâu không nở hoa, nhóm nghiên cứu vẫn chưa thể phân tích được mấu chốt của vấn đề.
Giám đốc từng có suy nghĩ cắt rễ, chẳng qua cây cối quá yếu ớt, rất khó chăm sóc, cô không dám hành động liều lĩnh nên chọn phương pháp điều trị bảo tồn.
Cô mang nó tới cơ sở là vì muốn đưa vào lồng ươm mới xây thử xem sao, nào ngờ lại xảy ra sự cố.
Ông lão hỏi: “Cắt bao nhiêu?”
“Ba phần năm.” Giám đốc khó khăn đáp, “Chỉ chừa lại một phần nhỏ thôi ạ.” Ứng cử viên kia xuống tay quá tàn nhẫn, đã không còn cơ hội cứu vãn.
Ông lão không chỉ trích: “Chụp ảnh gửi cho thầy đi.”
Bức ảnh nhanh chóng được gửi qua, kỹ thuật cắt khá thô ráp, đầu tiên cắt ngang, sau đó cắt chéo, rất sơ sài, ngay cả vết cắt cũng không được gọn gàng, thậm chí có dấu vết giống như móng tay móc.
Ngoài cái cây còn có cả hướng dẫn chăm sóc do người ứng tuyển viết, chữ viết không tệ, có gân cốt.
Ông lão xem xong, nói: “Làm như trên giấy, nếu nó sống thì tuyển dụng người này.”
Giám đốc: “Không sống thì sao ạ?”
“Không sống thì vứt.” Ông lão trả lời, “Thầy nói cái cây ấy.”
Trái tim giám đốc đang rỉ máu.
Người phỏng vấn cũng không rõ ràng về tình hình lắm, chỉ biết là có sự cố xảy ra, liên quan đến ứng viên cuối cùng.
Vốn dĩ đại viện chỉ tuyển những chuyên gia kỹ thuật có trình độ học vấn cao, là cụ Dư nói phải mở ra với xã hội dân gian, vì lấy lòng cụ Dư nên ông ta tìm bừa một người bù vào số lượng.
Giờ ông ta hối hận rồi, lẽ ra không nên tìm.

Quả nhiên vẫn là dân chuyên nghiệp làm việc ổn trọng hơn.
Sau khi ra ngoài, Trần Vụ vẫn luôn yên lặng.
Yến Vi Sí đi lùi, miệng ngậm thuốc lá nhìn anh: “Phát huy không tốt à? Tôi đã bảo anh chuẩn bị mà anh nói không cần.”
“Không sao, lại tìm việc khác.” Yến Vi Sí nói, “Cùng lắm thì bán nhà, chúng ta cùng nhau ngủ ngoài đường.”
Trần Vụ cúi đầu, nói một câu không liên quan: “A Sí, mẹ cậu còn sống không?”
Yến Vi Sí lập tức thu hồi nụ cười nhàn tản trên mặt, biểu cảm lạnh lùng như biến thành người khác: “Đi phỏng vấn cũng có thể nghe thấy lời ong tiếng ve à?”
Trần Vụ không phản bác.
“Còn sống.” Yến Vi Sí xoay người đi về phía trước, “Ở viện điều dưỡng.”
Trần Vụ bước đi chậm rãi, cổ áo ướt đẫm mồ hôi, mặt trời trên đầu thiêu đốt chói chang.
Đang ở đằng trước cách anh một quãng xa, Yến Vi Sí dừng lại tại chỗ, nheo mắt hút thuốc hết hơi này đến hơi khác.
Trước nay Yến Vi Sí chưa từng giải thích chuyện cũ này, ngay cả với nhóm bạn nối khố của mình.
Giờ hắn lại nói cho Trần Vụ đang dần đến gần.
“Tôi không làm.” Hắn nói.
Không làm cái gì?
Không làm những điều được đồn đại.
Trần Vụ đáp lại Yến Vi Sí: “Tôi tin cậu.”
Yến Vi Sí chuyển người sang phía anh, đôi mắt khép hờ, giọng điệu trầm thấp nặng nề: “Vậy anh ôm tôi đi.”
Trần Vụ: “Tại sao?”
“Bởi vì một câu hỏi của anh làm tâm trạng tôi bây giờ không tốt.” Yến Vi Sí bóp đầu lửa thuốc lá giữa các ngón tay, “Anh cần phải an ủi tôi.”
Trần Vụ ngơ ngác nhìn hắn: “Ôm thế nào?”
“Ôm thế này.” Yến Vi Sí hơi khom người, cầm tay trái của anh đặt lên bờ lưng căng cứng của mình, sau đó cầm lấy tay phải của anh, “Việc còn lại anh tự làm.”.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui