Tục làng

Khương Cảnh cảm giác da đầu mình căng ra, khiến cho cả người dần trở nên tê dại. Đầu ngón tay - vì quá phấn khích, mà thoáng trở nên run rẩy. Y nắm chắc chiếc xẻng, cố sức đào xới đám đất dưới chân. Giờ đã gần nửa đêm. Nội phủ vốn vắng vẻ, nay lại càng thêm yên ắng rợn người. Khương Cảnh không khỏi nhớ đêm cái đêm nọ, khi y lén nhìn vào phòng thiếu gia. Đó là lần đầu tiên Khương Cảnh nhìn thấy ngài. Y liếm môi, lại mường tượng cảnh được hôn lên tay ngài vào ngày nọ. Cơn hưng phấn đột ngột kéo tới, dâng cao như thủy triều, khiến bụng y nhộn nhạo muốn nôn.
Khương Cảnh cố nhịn cảm giác sung sướng khó hiểu đó, chuyên tâm đào đất, mong mỏi sớm tìm được thứ kia.
Sau những tiếng "loạt xoạt" rất dài, cuối cùng, lưỡi xẻng chạm vào vật cứng nào đó, kêu "cốp" một tiếng. Tim Khương Cảnh như ngừng đập. Y vứt cả xẻng đi, quỳ sụp xuống, lấy tay không cào đất. Ánh trăng quá yếu, còn bị mây che khuất, nên không thể chiếu rõ. Thế nhưng quầng sáng của chiếc đèn lồng Khương Cảnh mang theo, đã soi thấy một mảnh trắng hếu lộ ra trong đất. Khương Cảnh vui mừng đến suýt chút nữa hét lên. Y phải đưa tay lên miệng cắn, hòng ngăn chặn cơn hưng phấn đột ngột đó. Phút chốc, trong không khí, ngoài mùi ẩm ướt của đất và lá cây, còn có thêm mùi tanh của máu.
Lúc này, ai mà đi ngang qua đây, hẳn sẽ bị cảnh tượng này dọa cho chết khiếp. Một người đàn ông quỳ trên mặt đất, tự cắn mình; hơi thở dồn dập như lên cơn thèm thuốc. Nếu có nhiều ánh sáng hơn, khéo còn thấy được, mắt y mở to như muốn lồi cả ra ngoài; vằn vện tơ máu. Bàn tay còn lại của y cào sâu trong đất; chắc hẳn cũng đã khiến móng tay bị bật ra.
Khương Cảnh dần buông lỏng cảnh giác với bản thân. Lúc trước, y còn giãy giụa chống chọi với ý nghĩ: mình đang thay đổi. Cảm xúc của y biến đổi cực kì thất thường. Thế nhưng hiện tại, một cơn hưng phấn đột ngột cũng không còn làm y cảm thấy lo lắng. Trái lại, Khương Cảnh thậm chí còn tận hưởng nó. Y chưa bao giờ hút thuốc phiện, nhưng chắc khoái cảm mà thuốc phiện mang lại, cũng chỉ đến thế này mà thôi.
Sau khi hít thở và lấy lại bình tĩnh xong, Khương Cảnh tiếp tục dùng hai tay bới đất. Chẳng mấy chốc, thứ màu trắng kia đã hiện ra rõ ràng. Đó là một mảnh xương. Nói đúng hơn, là một phần của xương sọ. Mà cái Khương Cảnh đang tìm, chính là "người" được chôn ở đây.
Khương Cảnh lấy hộp sọ lên, cũng không còn để ý chỗ xương còn lại nữa, nhanh chóng lấp đất lại. Lấp đất. San phẳng. Y thở phào, cẩn thận cất thứ vừa tìm được vào trong áo, sau đó chạy về phía phòng mình.
Dù lúc này y rất muốn gặp Trịnh Hiệu Tích, khoe với ngài rằng chuyện ngài giao, y đã làm ổn thỏa lắm. Thế nhưng Khương Cảnh cũng biết, giờ này, Trịnh Hiệu Tích hẳn đang say ngủ trong vòng tay Mân Doãn Kỳ. Y ghét cay ghét đắng cái suy nghĩ ấy. Mới vài giờ trước, y còn đứng đó, chứng kiến cảnh giao hoan hoang đường của hai người họ đó thôi.
Mân Doãn Kỳ. Khương Cảnh niệm cái tên này trong đầu, như muốn băm vằm nó ra thành trăm mảnh. Cảm xúc tiêu cực này đeo bám y cho tới tận cửa phòng ngủ.
Khương Cảnh chong đèn, sau đó lấy hộp sọ ra, đặt lên bàn. Y cứ để y phục bẩn thỉu như thế mà ngồi. Khương Cảnh nhìn chằm chằm mảnh xương đó, ngẩn người. Đây là xương của ai, Khương Cảnh không biết. Người này chết thế nào, y cũng không biết. Nhưng y biết, thứ này sẽ có ích cho ngài, nên y mới không ngại nguy hiểm mà lấy nó về.
Ngày đó, Trịnh Hiệu Tích dùng bàn tay lành lặn còn lại, vuốt ve gò má y. Ngài nói, "Ở sân sau, chỗ cái giếng có một bộ xương. Ta cần ngươi đào nó lên, lấy xương sọ đem về đây."
Khương Cảnh nhìn nơi đáng ra phải là hai con mắt của hộp sọ trước mặt – lúc này là hai cái hố đen sâu hoắm, không khỏi cảm thấy vui vẻ. Y tri kỉ xách nó lên, đi tới chỗ thau nước, thủ thỉ, "Đây, để ta lau cho ngươi. Lau sạch sẽ, còn trình lên ngài, để ngài xem, ngài xem xem..."
Khương cảnh vừa cọ rửa vừa hát, lại không nhận ra, dường như hai cái hốc mắt trống rỗng kia đang vặn vẹo. Biểu cảm này rất giống của người đang khóc, cũng giống như người đang tức giận.
"Mấy khi khách đến chơi nhà,
Lấy than, quạt nước tiễn trà người xơi,
Trà này ngon lắm người ơi,
Người xơi một chén, cho tôi bằng lòng..."(*)
Xa xa, nghe văng vẳng tiếng khóc ai oán. Không biết là từ nhà nào vọng lại.
 

 
Mân Doãn Kỳ không ngủ được, vì Trịnh Hiệu Tích cứ khóc.
Hôm nay đã là ngày hai mươi lăm. Chỉ còn sáu ngày nữa là hết tháng bảy. "Người" Trịnh Hiệu Tích bắt đầu thối rữa nhanh chóng. Lúc đầu chỉ là một khoảng ở cánh tay, sau đó liền xuất hiện ở những chỗ khác. Ở chân, cổ, bụng, thậm chí là nơi khó nói kia cũng bắt đầu hoại tử. Trịnh Hiệu Tích lúc nào cũng kêu đau. Nhưng Mân Doãn Kỳ không vì thế mà dừng lại màn "tân hôn" mỗi đêm, thậm chí còn tận lực hơn. Bởi vì, đây là lệ.
Năm đó, khi Trịnh Hiệu Tích bị giết, cũng là trong tư thế giao hoan cùng Mân Doãn Kỳ. Để mô phỏng lại "cái chết" của vị thần làng, thì cứ mỗi đêm mỗi đêm, đều phải lặp đi lặp lại cái việc ấy. Mân Doãn Kỳ không có ý kiến gì, mà ngược lại, hắn còn rất tận hưởng.
Nhưng Trịnh Hiệu Tích thì khác.
"Đau... đau quá..." Trịnh Hiệu Tích mồ hôi chảy ròng ròng, tóc bết lại hai bên trán. Mân Doãn Kỳ vội vàng vặn đèn dầu, quay sang vỗ về Trịnh Hiệu Tích, "Hiệu Tích, tỉnh, tỉnh..."
Hắn đưa tay muốn xoa đầu Trịnh Hiệu Tích, lại phát hiện ra, tóc Trịnh Hiệu Tích cũng đang rơi ra từng mảnh. Có nơi nghiêm trọng hơn, còn hở cả mảng da đầy máu. Mân Doãn Kỳ kinh hoảng rụt tay lại. Hắn thất thanh hét lên, "Bà Loan! Bà Loan đâu!"
"Bà Loan! Bà Loan!"
Tiếng hét của Mân Doãn Kỳ tru lên như tiếng hú của loài sói. Nội phủ im ắng lập tức sống dậy. Có tiếng người chạy bịch bịch, cùng tiếng loảng xoảng gì đó không rõ. Chắc ai đó đã vội vã mà bất cẩn đánh rơi thứ gì. Bà Phúc Loan hiếm khi buông bỏ mọi quy củ lễ nghi, không gõ cửa đã cứ thế xông vào. Mân Doãn Kỳ nhìn thấy bà Phúc Loan, như người sắp chết lại bắt được cọng rơm cứu sinh, vội vàng chỉ Trịnh Hiệu Tích, "Bà mau ra! Mau ra xem!"
Bà Phúc Loan chỉ kịp nói, "Xin phép cậu..." Rồi xốc chăn lên. Đến khi nhìn thấy, bà lại không kìm được mà tái xanh cả mặt mày. Cơ thể Trịnh Hiệu Tích, không biết tự bao giờ, đã rữa nát. Chất lỏng màu đen hôi thối thấm qua lớp vải lụa xa hoa, đập vào thị giác một cảm giác ghê rợn khó tả. Bà Phúc Loan run run vạch áo ngài ra. Không ngoài dự đoán, ở phần bắp chân, thịt đang rời ra, để lộ một đoạn xương trắng cỡ ngón trỏ,
"Thế này... thế này..." Bà Phúc Loan rối rắm không biết phải làm sao. Hèm năm nay vẫn làm như bao năm khác, không có sai sót gì. Vậy tại sao chuyện này lại xảy ra sớm thế? Những năm trước, cũng phải tới cận ngày kết thúc tục làng, mới có hiện tượng này. Đây... đây là làm sao?
Trịnh Hiệu Tích suy yếu mở mắt. Ngài không nhìn rõ xung quanh nữa, nhưng vẫn cảm giác được ánh mắt như thiêu đốt của người kia. Hắn đã dùng ánh mắt đó nhìn ngài suốt mười mấy năm. Đó là thứ khiến ngài căm hận, cũng khiến ngài băn khoăn, khó hiểu. Trịnh Hiệu Tích hả hê vô cùng. Ngài mấp máy môi. "Mân... Doãn Kỳ..."
Mân Doãn Kỳ vội vàng ghé sát tai nghe, không ngừng an ủi. "Hiệu Tích, ta ở đây, đừng sợ. Ta vẫn ở đây mà..."
Thế nhưng trái ngược với dáng vẻ ân cần của Mân Doãn Kỳ, âm thanh của Trịnh Hiệu Tích nhẹ như gió thoảng, lại giống như muốn đẩy hắn xuống vực sâu vạn trượng.
"ngươi... ngươi... thua..."
Tiếp theo đó là một tràng cười khùng khục ma quái. Mân Doãn Kỳ trừng lớn hai mắt, dường như không thể chấp nhận được chuyện mình vừa nghe. Hắn như một đứa trẻ bị cướp món đồ chơi ưa thích, phẫn nộ đến mức muốn phá hủy mọi thứ xung quanh. Mân Doãn Kỳ đứng phắt dậy, đạp đổ tấm bình phong, đập phá bàn ghế, luôn miệng thét gào.
"KHÔNG! KHÔNG!"
"KHÔNG THỂ NHƯ THẾ ĐƯỢC!"
Tiếng la hét của Mân Doãn Kỳ, kết hợp với tiếng cười vui vẻ của Trịnh Hiệu Tích, tạo thành một khung cảnh thê lương kì dị.
Khiến cho người ta không rét mà run.
_
(*) Dân ca quan họ.
 


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui