Tục Tái Sanh Duyên

Thái hậu mừng lắm, liền giáng chỉ triệu Hán vương và Triệu vương vào thành. Lại một mặt sai Triệu Phượng và Triệu Lân đem quân đi bắt gia quyến Đồ Man An Quốc. Bấy giờ đại đội quân mã của Hán vương và Triệu vương kéo vào, thế mà Đồ Man An Quốc chẳng biết một tí gì cả, suốt ngày bị bà vợ giam cấm, đành chịu ngồi bó gối ở trong xó buồng. Đồ Man An Quốc dẫu không bị gông cùm nhưng cũng chẳng khác chi một đứa tội tù, ngày ăn ba bữa cơm no, rồi lại nằm co ngủ kỹ.
Đồ Man An Quốc vẫn phàn nàn một mình rằng:
- Trời ơi! Làm thân đàn ông mà lấy phải người vợ độc ác cũng khổ một đời!
Một hôm, bỗng nghe ở ngoài phòng có tiếng người náo động, lại có tiếng kêu khóc rầm rĩ, Đồ Man An Quốc trong lòng nghi hoặc, lẩm bẩm nói một mình rằng:
“Quái lạ! Vợ ta lại hành hung mà đánh đập người nhà đầy tớ đó chăng hay là ta thử gọi hỏi xem cái gì thế.”
Đồ Man An Quốc mấy lần toan cạy cửa ra hỏi, nhưng không thể cạy được, đành đứng nghển cổ ngồi chờ. Bỗng nghe tiếng người nhao nhao ở phía ngoài cửa, có một người quát to lên mà hỏi rằng:
- Đồ Man An Quốc bây giờ ở đâu, phải nói cho thật!
Lại nghe tiếng người đàn bà đáp rằng:
- Hiện ở trong phòng này!
Đồ Man An Quốc nghe tiếng nói đàn bà quả nhiên là tiếng vợ mình, mới giật mình kinh hoảng, vội vàng phá cửa bước ra. Khi cửa vừa mở thì trông thấy một vị tướng quân tướng mạo khôi ngô, mặt trắng râu dài, hai tay cầm hai cái búa. Lại thấy người vợ là Nguyên thị đầu tóc rũ rượi, tay chân bị xiềng, vừa khóc vừa kêu oan. Đồ Man An Quốc chẳng còn hồn vía nào, mà cũng không hiểu là quân mã ở đâu kéo đến. Vị tướng quân hỏi Nguyên thị rằng:
- Có phải chồng mày đó không?
Nguyên thị khóc mà đáp rằng:
- Chính phải! Cha con hắn lập mưu phản nghịch để bây giờ di lụy đến tôi.
Vị tướng quân ấy truyền cho quân sĩ bắt trói Đồ Man An Quốc. Đồ Man An Quốc lúc đầu còn ngạc nhiên không hiểu sự thể làm sao, đến khi nghe lời vợ nới mới biết là mình trúng kế. Đồ Man An Quốc hầm hầm nổi giận, lăn xả vào mà đánh các quân sĩ. May sao quân sĩ cũng toàn thị là những tay tinh nhuệ, cho nên Đồ Man An Quốc mới không chạy thoát. Vệ Dũng Bưu cầm hai ngọn búa tiến vào, Đồ Man An Quốc vốn có sức khỏe, liền cầm cái rõi cửa xua đỡ mà hai ngọn búa không vô được đến mình. Mặt ngoài lại có quân mã kéo đến, cũng xúm vào đánh, Đồ Man An Quốc cướp được một ngọn giáo, lại thấy gia binh của mình cũng cố sức đánh, vậy nên càng thêm hăng hái bội phần. Vệ Dũng Bưu thấy vậy lo sợ, vội vàng sai người phi báo với hai quốc cữu để mau mau đem quân ra cứu viện. Lại truyền cho quân sĩ giải vợ Đồ Man An Quốc về trước. Bỗng thấy viên tướng tiên phong là Trương Vĩnh đem quân đến trợ chiến. Trương Vĩnh nói với Vệ Dũng Bưu rằng:
- Xin quan nguyên soái chớ sợ! Hôm nay tiểu tướng này xin bắt cho được đứa gian tặc kia.
Nói xong, cầm kích xông vào đánh. Gia binh nhà Đồ Man An Quốc bị mũi kích đâm phải, ai nấy đều ngã lăn ra, máu chảy đầm đìa. Vệ Dũng Bưu mừng lắm, liền gọi Trương Vĩnh mà bảo rằng:
- Trương tướng quân ơi! Tướng quân mau mau bắt lấy Đồ Man An Quốc!
Trương Vĩnh vâng mệnh rảo bước tiến vào, tay cầm ngọn kích đâm giữa bụng Đồ Man An Quốc. Đồ Man An Quốc cũng giơ ngọn giáo lên đỡ, nhưng đỡ không kịp, thành ra trúng phải quả tim, ngã lăn xuống đấy mà chết ngay, tựa hồ như quả núi Thái Sơn sụt xuống vậy. Vệ Dũng Bưu khen ngợi mà rằng:
- Cái dũng của tướng quân thật đáng kính phục! Nếu không gặp có tướng quân đến thì tôi khó lòng mà bắt được đứa gian tặc kia.
Nói xong, liền sai quân sĩ cắt lấy thủ cấp Đồ Man An Quốc, lại tịch biên hết các đồ châu bảo trong nhà, Đồ Man Hưng Phục xưa nay dẫu có ăn hối lộ các quan văn võ triều thần, nhưng vì cấp dưỡng quân sĩ cũng nhiều vậy nên trong nhà chưa lấy gì làm trù phú cho lắm. Vệ Dũng Bưu và Trương Vĩnh trở về phúc mệnh, phò mã Triệu Câu mừng rỡ xiết bao, tức khắc sai người treo bảng an dân. Triệu Phượng và Triệu Lân vào yết kiến phò mã Triệu Câu. Ba anh em gặp nhau, sự vui vẻ ấy kể sao cho xiết! Phò mã Triệu Câu nói:
- Hai em hãy rút cấm binh về yên nghỉ còn quân hai phủ toàn thị là những quân trung dũng thì ta nên sai đi tuần tiểu trong thành. Bây giờ anh phải vào triều kiến Thái hậu.
Triệu Lân nắm lay áo phò mã Triệu Câu mà bảo rằng:
- Thân huynh ơi! Thân huynh hãy thư thả để em thưa hết một lời. Việc này trước kia em chưa dám thông báo cùng thân huynh là vì còn phải dấu kín, sợ người ngoài biết chuyện.
Nói xong, liền thuật chuyện đầu đuôi việc Hùng hậu sinh hạ hoàng tử và mình đã lập kế đem ra cho phò mã Triệu Câu nghe. Phò mã Triệu Câu nghe nói mừng rỡ bội phần, liền cầm lấy tay Triệu Lân mà bảo rằng:
- Tam đệ ơi! Ta đệ thật có công “Bổ thiên cứu nhật”! Công này chẳng những tận trung với nước, mà lại chuộc được cả tội lỗi cho mẹ cha. Anh đây không biết lấy gì tạ ơn em, chỉ cúi đầu sụp lạy.
Nói xong, liền quì xuống đất. Triệu Lân luống cuống không biết làm thế nào, cũng vội vàng quì xuống khóc mà thưa rằng:
- Thân huynh ơi! Nếu năm trước không nhờ có thân huynh tiến cử em vào làm Thái y quan thì dẫu mưu kế Trương Lương (tự là Tử Phòng, là một người giỏi mưu kế nhất thời Hán) cũng không thể nào mà thi hành cho được.
Triệu Phượng lại giục phò mã Triệu Câu vào bái yết Thái hậu cùng Hoàng tử.
Thái hậu trông thấy Phò mã Triệu Câu sụp lạy, liền lấy tay đỡ dậy mà bảo rằng:
- Phò mã Triệu Câu ơi! Ngày nay ta được gặp con, thật chẳng khác nào như người trong mộng!
Phò mã Triệu Câu ứa nước mắt khóc mà tâu rằng:
- Muôn tâu Thái hậu! Ngày nay kẻ hạ thần bái kiến Thái hậu, thật cũng tưởng tượng như người mới được tái sinh.
Thái hậu trỏ Hoàng tử cho Phò mã Triệu Câu xem mặt, Phò mã Triệu Câu sụp lạy làm lễ triều kiến. Hoàng tử vội vàng quì xuống mà đáp lễ lại. Thái hậu tỏ ý muốn lập Hán vương, Hán vương cố xin từ chối. Bà Ôn Thái phi quì xuống tâu rằng:
- Muôn tâu thái hậu! Xin thái hậu phải quyết đoán mà lập Hoàng tử mới được. Hoàng tử còn bé thì chính trị trong nước Thái hậu hãy lâm triều mà chủ trương cho, để đợi đến không Thượng hoàng về triều. Nếu ngày nay Thái hậu lập Hán vương thì thiên hạ thần dân tất sinh lời dị nghị, bảo rằng Hán vương và Triệu vương đem quân về kinh địa là cốt ý thừa cơ chiếm đoạt, chứ không phải có lòng trung quân. Vả Thiên tử dẫu bị phế nhưng thực vô tội, chỉ vì Phi Giao lập mưu giam cấm một chỗ, rồi dùng lời sàm báng mà bảo rằng Thái hậu có lòng thiên dị, muốn giết Thiên tử để lập Hán vương. Vì thế Thiên tử sợ hãi, không dám vào triều kiến Thái hậu. Than ôi! Một ông vua nhân hiếu mà không ngờ chịu tiếng bất hiếu. Cứ lấy hai lẽ ấy thì thần thiếp thiết tưởng thái hậu không nên phế thiên tử mà lập người khác. Nếu Thái hậu không chuẩn tấu cho, thần thiếp xin quyết liều mình để tỏ lòng trung thành và đền ơn Thái hậu vậy.
Bà Ôn thái phi nói xong, nức nở khóc hoài. Bà Mai thái phi cũng khóc, Hán vương và Triệu vương cũng khóc mà tâu rằng:
- Muôn tâu Thái hậu! Nếu thái hậu không chuẩn tấu thì thần nhi không còn mặt mũi nào mà sinh tồn ở trên nhân thế này nữa. Xin thái hậu mau mau giáng chỉ, khiến cho thiên hạ thần dân biết rằng giang sơn đã có chủ trương. Dẫu khi thượng hoàng về triều, nghe danh nghĩa chính đáng này tất cũng sẽ vui lòng vậy.
Phò mã Triệu Câu cũng hết lời tâu xin thái hậu, bấy giờ thái hậu mới gật đầu. Ai nấy đều sụp lạy rồi lui ra.
Lại nói chuyện nàng Diễm Tuyết vào bái yết Mạnh Lệ Quân Vương phi, hai bà Thái phi cùng Hùng hậu cùng hai Công chúa (Gia Tường và Hưng Bình) đều quí mến nàng là người có tài học, vừa có đức hạnh. Bấy giờ mọi người đều được vui vẻ, chỉ có Mạnh Lệ Quân Vương phi áy náy nghĩ thầm:
“Việc này ta khó nghĩ quá! Chỉ sợ thượng hoàng mãi không về triều thì bao giờ cho Thiên tử lại được lên ngôi đại bảo. Thái hậu chỉ sinh hạ có một mình Thiên tử mà nay bị lãnh cung giam cầm thì tài nào không phải đau lòng. Sự biến này thật gây ra tự tay Mạnh Lệ Quân, còn biết tránh sao cho khỏi tội!”
Mạnh Lệ Quân vương phi nghĩ quanh nghĩ quẩn lại cau mày nghiến răng mà căm tức Phi Giao. Mạnh Lệ Quân vương phi nói:
- Phi Giao mày hỡi mày! Mày thật làm hại cha mẹ. Khiến cho cha mẹ mang tiếng bất trung. Sao mày không chết đi cho rồi, một đứa con bất hiếu như mày còn sống làm chi! Phu quân ta từ khi bỏ đi, biệt vô âm tín. Tô phu nhân và Lưu phu nhân cũng vì mày mà phải chịu bao nhiêu nỗi đắng cay. Ngày nay con cái hai phu nhân đều giữ được tiết nghĩa vẹn toàn, không ngờ ta lại vô phúc sinh ra đứa con gái yêu quái như thế!
Mạnh Lệ Quân ngẫm nghĩ hồi lâu, lại thở dài mà than rằng:
- Quái lạ! Hay là cơ trời báo ứng chẳng ngoa! Chỉ vì năm xưa ta cứ nhẫn tâm mà tham luyến cái cái ngôi Thừa tướng mãi! Ta nhớ khi Hoàng Phủ Kinh vương sắp tạ thế, còn vì ta mà phàn nàn vì nỗi năm xưa ta ngang nghạnh, dám kháng cự cùng phụ huynh ở chốn triều đường.
Mạnh Lệ Quân Vương phi càng nghĩ lại càng hối hận, giọt châu lã chã khôn cầm. Thái hậu và mọi người thấy vậy, ai cũng kinh ngạc mà hỏi rằng:
- Chẳng hay vì cớ chi mà Vương phi lúc nào cũng không ráo nước mắt.
Mạnh Lệ Quân Vương phi giải nỗi thương tâm của cho mọi người nghe. Mọi người đồng thanh mà rằng:
- Chẳng qua Vương phi quá nghĩ mà tự trách mình đó thôi, chứ Phi Giao dẫu là con Vương phi nhưng từ khi tiến vào hoàng cung, vẫn giữ được một lòng trinh tĩnh, nếu không có Mã Thuận và Đồ Man Hưng Phục đêm ngày xui giục thì Phi Giao cũng không đến nỗi làm càn.
Nói chưa dứt lời thì bỗng thấy Hùng hậu quì xuống mà tâu Thái hậu rằng:
- Muôn tâu thái hậu! Hai mẹ con thần thiếp sở dĩ còn sống đến ngày nay, đều là nhờ một tay Mạnh Vương phi cứu giúp. Thần thiếp không biết chi báo đáp, chỉ xin cúi đầu sụp lạy mà nhận Vương phi làm nghĩa mẫu. Nếu Thái hậu không ân xá cho nhà Hoàng Phủ thì cha mẹ thần thiếp tưởng cũng không bao giờ nên ân xá vậy.
Thái hậu nghe nói gật đầu. Hai bà thái phi cùng hai công chúa cũng mừng rỡ mà nói rằng:
- Đó là một việc ơn trả nghĩa đền, Hoàng hậu nghĩ chí phải.
Mạnh Lệ Quân vương phi cố ý chối từ, Hùng hậu cứ sụp lạy mà nhận nghĩa mẫu, hoàng tử cũng sụp lạy mà nhận là ngoại tổ mẫu. Hết thảy đều chuyện trò vui vẻ, rồi lại truyền bày tiệc để cùng nhau uống rượu.
Sáng hôm sau, rung chuông nổi trống thái hậu ra ngự triều. Hoàng tử cũng đội mũ ngọc mặc áo bào, ngồi một cái kiệu nhỏ theo Thái hậu ra Kim Loan điện. Các quan văn võ triều thần đã sắp hàng ở dưới sân rồng. Tả ban thì Hán vương và Triệu vương đứng đầu; hữu ban thì có Phò mã Triệu Câu và Tề vương đứng đầu, đều phủ phục làm lễ triều kiến. Bỗng thấy các nội giám truyền chỉ rằng:
- Thái hậu truyền chỉ Tề vương, Nguyễn Long Quang tướng công, Hán vương và Triệu vương cùng lên trên điện.
Mọi người vâng mệnh bước lên. Thái hậu nói:
- Nguyễn tướng công ơi! Việc đông cung hoàng tử thế nào, tướng công vốn đã biết rõ. Hôm trước hoàng tử đã tiếp kiến Hán vương và Triệu vương rồi, ngày nay ta cho hoàng tử ra tiếp kiến các quan văn võ triều thần, tướng công nên tuyên đọc tờ chiếu thư cho các quan nghe, và bảo các quan xét nghiệm cái vằn trên bàn tay cùng điểm thất tinh ở dưới bàn chân của hoàng tử để khiến các quan đều được biết rằng giang sơn đã có chủ trương; mà một nhà Hoàng Phủ công này cũng đủ chuộc với tội kia.
Nói xong, truyền gọi nội giám Lăng Mậu mời hoàng tử lên điện, Nguyễn Long Quang tay cầm tờ chiếu thư, cất cao tiếng mà tuyên đọc. Các quan văn võ triều thần nghe xong, ai nấy đều ngẩn mặt nhìn nhau. Bỗng thấy nội giám Lăng Mậu đưa Hoàng tử ra đứng trước điện. Các quan ngẩng nhìn thì trông thấy Hoàng tử mặt mũi khôi ngô, hai mắt sáng quắc, thật giống Thượng hoàng như đúc. Nội giám Lăng Mậu cầm tay Hoàng tử cho các quan triều thần xem, lại tháo bỏ giày ra thì dưới bàn chân quả nhiên có điểm thất tinh, ai lấy đều lấy làm kinh ngạc. Các quan văn võ triều thần phủ phục làm lễ triều kiến Hoàng tử, và dâng câu chúc mừng Thái hậu.
Thái hậu phán hỏi các quan triều thần rằng:
- Ngày nay Thiên tử đã bị phế, ta muốn lập Hoàng tử, các quan nghĩ thế nào?
Các quan triều thần đều một lòng ưng thuận. Hán vương cũng tâu rõ sự thể đầu đuôi. Thái hậu lại hỏi các quan trong tôn thất rằng:
- Nếu ai có còn nghi ngờ điều gì thì cứ nói.
Các quan tôn thất đều nín lặng không ai nói gì. Tề vương quì xuống tâu rằng:
- Xin thái hậu mau mau giáng chỉ ân xá cho nhà Hùng vương. Nhà Hùng vương thật là một nhà trung nghĩa, xưa nay ít có! Lại có một người tiểu thiếp họ Hạng, dẫu chưa kết hôn cùng họ Hùng, mà cũng tình nguyện vào nhà giam, để đêm ngày hầu hạ. Muôn tâu Thái hậu! Bấy giờ kẻ hạ thần quá nghe lời Đồ Man Hưng Phục đem quân đi nã tróc gia quyến nhà Hùng vương. Ba trăm gia binh nhà họ Hùng đã toan liều mình cứu chủ, Hùng vương phải gạt đi, rồi cúi đầu đành vào ngục thất, cam chịu cực khổ trăm chiều, nhất là Phi Loan quận chúa lại càng đáng khen, một lòng thủ tiết, tình nguyện vào nhà giam, mà không hề oán hận. Nay xin thái hậu tức khắc giáng chỉ ân xá, hà tất phải đợi đến khi Thượng hoàng về triều.
Thái hậu nghe lời tâu, chưa kịp phán bảo ra làm sao thì phò mã Triệu Câu cùng hai em phủ phục ở dưới sân rồng mà tâu rằng:
- Thần đẳng nghe lời tâu của Tề vương, tự biết tội ác của mình không để đâu cho hết, chút công nhỏ mọn kia sá kể làm chi. Ngày nay triều chính đã yên, xin thái hậu đem thần đẳng giam vào ngục thất với Mã Thuận và Đồ Man Hưng Phục, để sau này xét đoán tội trạng mà đem ra hành hình.
Thái hậu ngẫm nghĩ một chút rồi phán rằng:
- Phò mã Triệu Câu ơi! Ngày nay chưa bắt được Đồ Man Định Quốc thì toán giặc ở Kim Lăng kia ta còn phải nhờ sức phò mã mới xong. Vả hai quốc cữu cũng có nhiều công lao, nếu trị tội hai quốc cữu thì sau này còn lấy chi mà khuyến khích được người khác.
Nguyễn Long Quang tướng công lại quì xuống mà tâu rằng:
- Nhà Hoàng Phủ quyết không bao giờ nên trị tội. Nếu không nhờ có công xách giỏ thuốc ở trong cung ra thì Hoàng tử lấy đâu còn đến ngày nay. Huống chi công ly gián cha con Đồ Man Hưng Phục cũng tự Mạnh Lệ Quân vương phi bày ra mà một tay Vương phi đã cứu chữa cho Thái hậu và Tả cung Hoàng hậu, Hoàng Phủ Tương vương lại liều thân đi tìm Thượng hoàng đã tám năm nay, cửa nhà tan nát đều vì việc nước. Dẫu rằng gây vạ tự tay Phi Giao hoàng hậu, nhưng một nhà đều có công lao lớn như thế, nỡ nào mà để di lụy cho đành.
Hán vương khóc mà tâu rằng:
- Phò mã Triệu Câu thật là một người trung thành vị quốc, chớ nên trị tội.
Triệu vương cùng Hoàng tử đồng thành mà tâu rằng:
- Ngày nay triều đình còn đang hiếm người, phò mã Triệu Câu khác nào như một cái trụ đá cho nước nhà. Hai vị quốc cữu cũng đều tài cao trí rộng, nếu ngày nay giam vào trong ngục thất, thì còn lấy ai phò tá hoàng gia, huống chi loài gian chưa quét sạch, gánh giang sơn này còng phải ghé một vai, há nên đem cái tội lỗi tầm thường mà khắc trách nhà Hoàng Phủ. Còn chuyện Phi Giao lộng quyền chuyên chính , chẳng qua cũng là lỗi đạo với quân thượng, chứ chưa đến nỗi dâm độc như Võ Tắc Thiên đời Đường, dám xin Thái hậu xét rõ chân tình, chớ nên câu nệ tiểu tiết vậy.
Tề vương cùng các quan triều thần đều đồng thanh bảo tấu. Thái hậu truyền bảo phò mã Triệu Câu cùng hai quốc cữu rằng:
- Các quan triều thần đã đồng thanh tâu xin như vậy thì phò mã cùng hia quốc cữu cũng không nên nói gì nữa. Ngày nay truớc hết hãy xét đoán tội Mã Thuận và Đồ Man Hưng Phục, rồi sau sẽ ân xá Hùng vương. Còn việc đi đánh Kim Lăng, phò mã nghĩ sai ai cho được?
Phò mã quì xuống tâu rằng:
- Muôn tâu Thái hậu! Qua nguyên soái của Triệu vương là Vệ Dũng Bưu, trí dũng kiêm toàn lại có quan tán thiện là Hùng Khởi Thần vốn là người tài giỏi. Vả có Lưu Quí bày mưu lập kế thi chẳng bao lâu tất sẽ dẹp yên được Kim Lăng. Muôn tâu thái hậu! Còn các chính sự trong triều mà khi trước Phi Giao biến cải thì nay xin thái hậu giao cho tòa nội các chỉnh đốn lại, lại theo như qui tắc của tiên vương thuở xưa. Việc xét đoán tội ác Mã Thuận và Đồ Man Hưng Phục thì xin thái hậu giao cho Tề vương hội đồng cùng tam pháp ti đòi nội giám Lăng Mậu ra, bắt khai khẩu cung mà tra hỏi cho được thực trạng.
Thái hậu nghe nói chuẩn tấu, Tề vương phụng mệnh tức khắc đi thẳng sang Tam pháp ti, nội giám Lăng Mậu đã chờ sẵn tại đấy. Khi tới nơi Lăng Mậu và các quan trong tam pháp ti đều đứng dậy nghênh tiếp. Bấy giờ quân sĩ sắp hàng hai bên, gươm tuốt sáng loè, thủ ngục quan giải Mã Thuận vào để hậu chất. Mã Thuận thương tích chưa khỏi, xiết bao đau đớn, bỗng nghe Tề vương cất to tiếng lên mà rằng:
- Mã Thuận! Tội ác của ngươi trong mười năm nay, nhà ngươi nên cứ thực tường khai. Nếu dám ẩn nặc điều gì, ta sẽ đánh cho xương rơi thịt nát.
Mã Thuận nói:
- Dám bẩm đại vương! Kẻ nô tỳ này chẳng qua chỉ cung ứng cho những việc vặt như xuất nhập chiếu chỉ mà thôi. Còn các khác trong thì có Phi Giao hoàng hậu, ngoài thì có Đồ Man đại vương, chứ không can dự gì đến tôi vậy!
Tề vương nổi giận mà rằng:
- Tội ác nhà ngươi kể sao cho xiết! Nào phiến hoặc hữu cung và hãm hại chính cung, để cho di luỵ đến Hùng vương, khiến cho Lương thừa tướng tức giận mà tự tử. Nhà ngươi lại còn tự tiêu của kho, tính tham vơ vét, bán nước buôn quan và giao thông với đảng phản nghịch. Tội ác rành rành ra đó, sao nhà ngươi còn dám già mồm!
Nói xong, liền nghoảnh lại truyền cho quân sĩ lấy roi đánh. Mã Thuận máu chảy đầm đìa, mê rồi lại tỉnh. Tề vương lại quát to lên mà rằng:
- Nếu nhà ngươi còn không chịu thú cho thật thì ta sẽ phải dùng đến hình cụ.
Mã Thuận trước còn kêu khóc, sau chết ngất đi. Tề vương lại truyền cho quân sĩ lấy nước lã phun vào mặt cho tỉnh. Khi Mã Thuận tỉnh khóc mà kêu rằng:
- Trăm lạy đại vương! Kẻ nô tỳ này xin thú.
Mã Thuận thú hết mọi tội: Vì sao mà lập mưu hãm hại chánh cung; tại vì sao mà giao thông với Đồ Man Hưng Phục tâu xin gia phong “cửu tích” cho Hoàng Phủ Tương vương; lại vì sao mà bày kế sai quan Doãn Thượng Khanh tướng công cùng quan Trạng nguyên là Hùng Khởi Phượng đi sứ ngoại quốc. Mã Thuận lại thú nhận cả cái cớ vì sợ hai bà Thái phi bày lời sàm báng, vậy nên tâu xin cho Hán vương và Triệu vương phải đi thụ phong. Còn việc thượng hoàng bỏ đi và việc bùa dấu của chánh cung thì thật không hiểu ra làm sao cả.
Mã Thuận lại nói:
- Tôi trót dại làm liều, cũng vì tham lam của cải mà quá tin lời Đồ Man Hưng Phục. Bao nhiêu những việc tôi làm, toàn thị là bởi một tay Đồ Man Hưng Phục chủ trương mưu kế. Nay đại vương hỏi đến, tôi xin thú thực, còn sống chết còn nhờ lượng đại vương.
Tề vương truyền quân sĩ giải Đồ Man Hưng Phục vào để đối chất với Mã Thuận. Đồ Man Hưng Phục thở dài mà than rằng:
- Việc đã xảy ra dường này, chẳng lẽ tôi lại đổ lỗi cho một mình Mã Thuận. Nguyên tôi lúc trước chỉ cầu được thăng quan tiến chức, không ngờ khi hữu cung thay cầm quyền chính, lại được lên làm thừa tướng, phú quý đến thế tưởng cũng đã cùng cực lắm thay. Vả thượng hoàng bỏ đi, thái hậu bị bệnh, thiên tử nhu nhược, hữu cung dẫu có tài lược, nhưng bao giờ cũng là nữ lưu. Vì thế mà tôi mới mượn uy quyền của hữu cung để mưu toan đại sự, chẳng may bị đứa nghịch tử bất hiếu, lừa cha dối anh, để đến nỗi nên cơ hội này. Những lời Mã Thuận cung xưng, quả thật không sai chút nào vậy.
Sáng hôm sau, Tề vương đem những lời cung của Mã Thuận và Đồ Man Hưng Phục vào cung đệ trình Thái hậu. Thái hậu xem xong, nổi giận mà phán rằng:
- Nếu vậy thì tội ác của con Phi Giao, ta không thể nào mà khoan thức được. Lòng người nham hiểm, việc gia phong “cửu tích” cho Hoàng Phủ Tương vương, ta vẫn tưởng là Đồ Man Hưng Phục vì xiểm mị Thiên tử mà tâu xin, không ngờ lại là kế của con Phi Giao vậy. khi ấy Mai Thái phi cố can ta, không nên để cho Hoàng Phủ Tương vương cáo về, sợ trong triều thiếu người trông cậy, nhưng ta lại lo về nỗi nhà Hoàng Phủ ta thịnh mãn thái quá, vậy nên mới thuận cho Hoàng Phủ Tương vương cáo về. Ai ngờ đều mắc kế con Phi Giao vậy. Thế thì tài lược của con Phi Giao này, lại có phần hơn Võ Tắc Thiên thuở trước. Bây giờ các quan văn võ triều thần nên cùng nhau hội nghị xem con Phi Giao đáng trị tội gì?
Phò mã Triệu Câu và hai quốc cữu quì xuống tâu:
- Tội con Phi Giao không thể khoan thứ được, xin phân thây trăm mảnh, để làm gương cho đứa gian ác mai sau.
Thái hậu ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:
- Con Phi Giao dẫu có tội, nhưng đã sắc phong làm hoàng hậu trong bấy nhiêu năm, vậy cũng nên khinh giảm một chút.
Phò mã Triệu Câu nói:
- Muôn tâu thái hậu! Kẻ hạ thần thiết tưởng nên gia trọng, chớ không nên khinh giảm.
Các quan văn võ triều thần đều đồng thanh mà tâu xin Thái hậu khoan tha cho Phi Giao.
o0o


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui