Tục Tái Sanh Duyên

Lại nói chuyện Hùng hậu về cung, bỗng thấy thánh giá giáng lâm, dẫu phiền não mặc lòng, cũng phải gượng cười gượng nói, ai ngờ một đêm vui giả mà long thai bỗng báo tin mừng. Ngặt vì có pháp thuật của Phi Giao hoàng hậu làm cho Hùng hậu suốt ngày lẩn thẩn, hay nói nhảm một mình, có lúc lại ngồi khóc hu huynh. Thân thể mỗi ngày một gầy võ, chỉ còn da bọc xương. Phi Giao hoàng hậu cứ cách một hôm lại đến ân cần thăm hỏi, trông thấy Hùng hậu như thế, biết là pháp thuật của mình đã ứng nghiệm, nhưng vẫn giả cách buồn rầu mà tâu với vua Anh Tôn rằng:
- Muôn tâu bệ hạ! Cứ như bệnh tình của chánh cung hoàng hậu thì cũng hơi nặng, xin bệ hạ cho triệu thái y quan vào để chẩn mạch. Thần thiếp thiết nghĩ có lẽ là vì long thai mà nên bệnh chăng.
Vua Anh Tôn gạt tay mà phán rằng:
- Trẫm e vị tất đã thật bệnh, can chi phải triệu đến thái y qua. Bây giờ trẫm chán con người ấy lắm rồi, từ nay trở đi, xin ái khanh chớ nhắc đến nưa.
Phi Giao hoàng hậu nghe nói mừng thầm, lại vào nam nội thuật rõ sự tình để thái hậu biết và tâu rằng:
- Muông tâu thái hậu! Cứ như thế thì bệnh cũng lạ lắm, xin thánh mẫu cho triệu thái y quan vào, và truyền bảo Vệ vương phi vào ở trong cung để đêm ngày trông nom thuốc thang cho, khiến thần thiếp cũng được yên tâm vậy.
Phi Giao hoàng hậu vừa tâu vừa ứa hai hàng nước mắt xuống. Thái hậu tưởng là thực tình, mới phán bảo rằng:
- Việc đó chẳng qua bởi năm sung tháng hạn, con bất tất phải lo ngại. Vả con vốn là người hiền thục xưa nay, ai lại không biết. Bây giờ không cần hải truyền bảo Vệ vương phi vào cung vội, hãy cho triệu thái y quan vào xem mạch rồi kê đơn thuốc mà tâu với thiên tử.
Phi Giao hoàng hậu nghe nói biết là thái hậu đã trúng cơ mưu của mình, trong lòng mừng thầm, nhưng ngoài mặt vẫn làm ra bộ âu sầu mà tâu với thái hậu rằng:
- Muôn tâu thái hậu! Con đối với chánh cung hoàng hậu đã thực lòng quý mến, chỉ sợ Vệ vương phi lại nghe người ngoài dèm pha mà nghi con có dị tâm chăng. Nếu không có việc hai tên nữ tỳ Dương nguyệt Anh vàTrương Xảo Nhi kia thì con không lo ngại. Ngày nay chánh cung hoàng hậu xảy ra sự gì, con tránh sao cho khỏi mang tiếng là người vong ơn bội nghĩa.
Khi Phi Giao hoàng hậu đang nói thì có Gia Tường công chúa đến, thái hậu cho ngồi hầu một đên, cho nên những lời Phi Giao hoàng hậu tâu bày đều nghe rõ cả. Sau Gia Tường công chúa vào thăm bà Ôn phi, mới thuật chuyện mà ngợi khen Phi Giao hoàng hậu. Đến khi về phủ phò mã, lại thuật chuyện cho Triệu Câu nghe, Triệu Câu cười nhạt không nói câu gì.
Lại nói chuyện Phi Giao hoàng hậu đang ngồi ở trong cung, bỗng thấy nội giám Mã Thuận bước vào ra ý buồn rầu, rồi quì xuống đất mà tâu rằng:
- Muôn tâu hoàng hậu! Ngày nay Hùng hậu ngọc thể khiêm an, thái y quan vào xem mạch, nói vì cớ uất ức thành bệnh. Thế mà cha con Bình Giang vương ở trong triều đường lại nói năng càn dỡ. Chúng nói: “Hễ tả hoàng hậu có mệnh hệ nào thì...”
Phi Giao hoàng hậu hỏi:
- Thì ...thế nào?
Mã Thuận tâu rằng:
- Trăm lạy lệnh bà! Kẻ hạ thần không dám tâu.
Phi Giao hoàng hậu nói:
- Ta xá tội cho nhà ngươi, nhà ngươi cứ tâu.
Mã Thuận cúi lạy dập đầu rồi nói:
- Chúng nói hữu hoàng hậu phải thường mệnh. Sau chúng lại còn nói nhiều điều thậm tệ nữa.
Phi Giao hoàng hậu hỏi:
- Nó còn nói ta những thế nào?
Mã Thuận lại lạy dập đầu mà tâu rằng:
- Trăm lạy lệnh bà! Chúng nói là lệnh bà làm mê hoặc thánh thượng, bề ngoại giả cách tôn kính tả hoàng hậu, mà bề trong thì dùng mưu gian để mua chuộc lấy cái tiếng hiền thục ở trong sáu cung. Chúng lại bảo là ngày nay triều đình có hai thánh thượng. Còn nhiều điều nói ra không tiện, chỉ xin lệnh bà từ nay nên phải lưu tâm một chút.
Phi Giao hoàng hậu cau mày nghiến răng, vùng vằng đứng dậy, đạp bàn mà nguyền rủa rằng:
- Hay cho Hùng Hiệu! Nhà ngươi dám cậy quyền ỷ thế mà coi thường ta, mối thù này thê tất phải báo. Ta chỉ nghĩ lời hai thân dặn bảo, cho nên không nỡ lòng nào, ai ngờ hắn lại dám nói năng càn dỡ như thế!
Phi Giao hoàng hậu vừa nói vừa ngồi xuống ghế cúi đầu ngẫm nghĩ, chưa biết dùng kế gì để hại họ Hùng, Mã Thuận lại tâu rằng:
- Muôn tâu lệnh bà! Lệnh bà chớ có nổi giận mà khiến cho người ta biết được ý mình, chỉ nên cứ cười nói như thường mới được. Hễ thánh giá giáng lâm thì lệnh bà cố tâu cho con Hùng Hiệu là Hùng Khởi Phượng phải đi sứ Cao Ly. Lại còn quan thừa tướng là Doãn Thượng Khanh cũng hay bè đảng ủng hộ cho Hùng Hiệu lắm. Hùng Hiệu dám cậy thế hành hung, cũng là nhờ có uy quyền của quan Doãn thừa tướng. Nguyên ngày nay Cao Ly nữ chủ là nàng Hạng Nam Kim dâng biểu cầu nội thuộc mà xin phái mấy viên đại thần sang để phong vương. Thánh thượng chưa biết phái ai, nếu lệnh bà bảo tấu thì tất thánh thượng phải nghe lời, dẫu thái hậu cũng không thể ngăn trở được.
Mã Thuận vừa lui ra khỏi thì có thánh giá đến. Phi Giao hoàng hậu vội vàng chạy ra quì xuống nghênh tiếp. Vua Anh Tôn nét mặt tươi cười, lấy tay đỡ dậy rồi cùng vào ngồi ở trong cung. Phi Giao hoàng hậu tâu rằng:
- Muôn tâu bệ hạ! Thái y quan vào xem mạch nói bệnh tình của chánh cung nương nương không phải vì long thai chẳng biết có tin được hay không?
Vua Anh Tôn cả cười mà phán rằng:
- Ái khanh chớ lo ngại! Cần chi cái việc nhỏ mọn ấy mà ngày nào cũng nghĩ đến. Bây giờ trẫm có một việc đang muốn bàn với ái khanh. Nguyên là vua Cao Ly tạ thế, con hãy còn bé, mới lên sáu tuổi. Vợ là nàng Nam Kim lên làm nữ chủ, dâng biểu cầu nội thuộc, muốn xin mấy vị văn thần sang phong, cho trọng sư thể. Trẫm nghĩ cưa chọn được ai. Vừa rồi, Mã Thuận có tâu với trẫm rằng trong triều ngày nay chỉ có Doãn Thượng Khanh là người tài năng luyện đạt, đã trải thờ ba triều, hiện đang làm thừa tướng, nhưng chỉ e năm nay đã bảy mươi tuổi, mà lặn lội sang đến Cao Ly, tưởng cũng khó khăn lắm thay!
Phi Giao hoàng hậu nghe nói mừng thầm mà tâu rằng:
- Đã đành rằng chánh sứ thì có quan Doãn thừa tướng rồi, nhưng phó sứ đã chọn được ai chưa?
Vua Anh Tôn nói:
- Phó sứ chưa chọn được ai cả.
Phi Giao hoàng hậu liền tâu rằng:
- Quan bộ thị lang là Hùng Khởi Phượng tài kiêm văn võ, lại là một vị hoàng thân. Nếu được Hùng Khởi Phượng làm phó sứ thì cái mưu nội thuộc của Cao Ly nữ chủ kia, chắc phải thành công vậy.
Phi Giao hoàng hậu nói chưa dứt lời thì vua Anh Tôn đã tấm tắc khen phải mà rằng:
- Áci khanh bảo cử, quả được lương tài! Thế mà trẫm vẫn chưa nghĩ đến.
Nói xong, tức khắc ban chiếu thư xuống, sai Doãn Thượng Khanh và Hùng Khởi Phượng đi sứ Cao Ly. Hôm ấy cha con Hùng Hiệu ở trong triều về. Vệ vương phi nghe tin con Hùng Khởi Phượng phải đi sứ Cao Ly, ngồi ngẩn người ra. Hùng Hiệu gọi Hùng Khởi Phượng đến mà bảo rằng:
- Hùng Khởi Phượng con ơi! Cha con ta đội ơn triều đình, mũ cao áo rộng, trơng mấy mươi năm trời nay, chưa biết lấy chi mà báo đáp. Ngày nay có việc di làm phó sứ sang Cao Ly này, chính là dịp khiến cho con được “Tận trung báo quốc” đó, Doãn thừa tướng năm nay tuổi già, con đi với người, nên phải trông nom cẩn thận, bởi vì Nam Kim nữ chủ dẫu muốn nội thuộc, nhưng ta sợ người Cao Ly vị tất đã một lòng trung thành. Hoặc thần hạ không thuận theo, hoặc nữ chủ lại có ý hối chăng. Vậy con đến đấy, nên liệu thế mà làm, cốt sao cho người Cao Ly phải kính phục. “Dương danh hiển thân” tức là đại hiếu, con nghĩ sao cho khỏi thẹn là phường vá áo túi cơm vậy.
Hùng Hiệu nói xong Vệ Dũng Nga vương phi nói:
- Mấy lời cha dặn con, thật đã hết điều, ta không cần phải dặn thêm nữa. Nhưng đên nay con nên vào trong phòng mà ân cần từ biệt cùng vợ con, để sáng mai ra đi.
Hùng Khởi Phượng nói:
- Xin thân mẫu chớ nhắc đến đứa bất hiền ấy, con không muốn nhìn mặt nó nữa. Còn những lời huấn dụ, con xin ghi lòng tạc dạ, quyết không dám để di nhục đến hai thân.
Hùng Khởi Phượng lui ra, Hùng Hiệu mới hỏi duyên cớ làm sao. Vệ Dũng Nga vương phi phải kể hết đầu đuôi cho Hùng Hiệu nghe. Hùng Hiệu nghe xong tủm tỉm cười mà nói rằng:
- Nếu vậy thì con dâu ta thật là vô lễ! Không biế rằng con ta há phải như ai mà dám nói năng càn rỡ đến thế. Con ta đi chuyến này cũng chẳng lâu gì, chỉ trong nửa năm, sẽ lại về tới nơi. Tài trai nên có khí khái, ta chớ cưỡng bách nó phải chịu khuất phục một người đàn bà. Xem ngay như tôi cùng phu nhân thuở xưa, nói về võ công thì phu nhân đã nên một tay nữ tướng. Hai ta cùng làm tả hữu tiên phong mà bao giờ tôi cũng không bằng phu nhân. Thế mà từ khi triều đình giáng chỉ cho được cùng nhau đẹp duyên cầm sắt, cung đàn êm ái, trong hai mươi năm trời thường như một ngày.
Hùng Hiệu nghoảnh lại bảo Phi Loan quận chúa rằng:
- Điệt nữ ơi! Chỉ vì thế mà ta không bao giờ bàn đến sự thêm phòng, chứ nếu vương phi mà ra ý khắc nghiệt thì ta là kẻ vũ phu, vị tất đã chịu bó tay ở trong khuôn phép vậy.
Hùng Hiệu nói xong, lại nhoẻn mép cười. Vệ Dũng Nga vương phi cùng Phi Loan quận chúa cũng đều cười cả. Phi Loan quận chúa cáo từ lui ra, rồi vào trong phòng thuật chuyện cho Lương phu nhân nghe. Lương phu nhân nghe nói hạt châu lã chã khôn cầm, có ý hối hận, muốn nói mà không biết nói thế nào, nghĩ thầm: “Ai ngờ ngày nay phu quân ta lại phải đi sứ Cao Ly, khiến cho ta vì việc ấy mà không được cùng phu quân ta từ biệt”. Lương phu nhân thở ngắn than dài trong hồi lâu, rồi gọi người nhà vào sửa soạn các đồ hành trang cho Hùng Khởi Phượng. Bỗng nghe báo có quan thừa tướng Lương Trấn Lân đến. Cha con Hùng Hiệu vội vàng ra nghênh tiếp. Gia tướng pha trà uống. Lương Trấn Lân nói với Hùng Hiệu rằng:
- Thân ông ơi! Không biết cớ sao mà thánh thượng lại phê chuẩn cho Doãn thừa tướng đi sứ Cao Ly? Doãn thừa tướng là một bậc lão thần, trải thờ ba triều, tôi thiết tưởng không nên để cho đi như thế. Tôi đang dưỡng bệnh ở nhà, nghe được tin này, thật lấy làm căm tức.
Lương Trấn Lân vừa nói vừa hầm hầm nổi giận. Hùng Hiệu ngẫm nghĩ hồi lâu rồi đáp rằng:
- Khi thánh chỉ ban ra, Nguyễn trung đô đã cố sức can ngăn, nộp lại chiếu thư, xin chọn một vị đại thần khác. Một lúc lại có thánh chỉ ra truyền bảo Nuyễn trung đô rằng: “Nguyễn công cậy thế là lão thần, nhiều lần khinh nhờn quốc pháp. Thượng hoàng đã giao triều chính cho trẫm, cớ sao Nguyễn công lại dám coi thường. Vả việc đi sứ Cao Ly này rất hệ trọng. Một là truyền bá đức uy, hai là thâu lấy cương thổ, cớ sao lại còn ngăn trở. Triều đình cần nhất phải co pháp luật, nêú mà trái phép, trẫm đây khó lòng khoan thứ được”. Đạo thánh chỉ ấy mọi người đều biết phỏng tôi còn dám nói gì. Vả con tôi hiện sung chức phó sứ thì tôi lại càng không dám nói nữa.
Lương Trấn Lân nghe lời Hùng Hiệu nói, lại càng căm tức, hầm hầm đứng dậy ra ngay, đi thẳng đến phủ Doãn thừa tướng, không đợi cho người nhà truyền báo, đã xuống kiệu bước vào. Doãn Thượng Khanh vội vàng ra đón, cười mà nói rằng:
- Kính chào Lương thái sư!
Lương Trấn Lân nói:
- Tôi nghe tin quan thừa tướng sắp phải đi xa, vậy nên tới đây định hỏi xem tôn ý nghĩ ra sao mà lại không hề từ chối một câu nào vậy?
Doãn Thượng Khanh cười mà đáp rằng:
- Đạo làm thần tử, hễ vua sai chết, cũng phải liều chết, huống chi là đem việc ích quốc lợi dân mà sai kẻ lão thần này, khi nào kẻ lão thần này dám từ chối.
Doãn Thượng Khanh nói chưa dứt lời thì nghe báo có phò mã Triệu Câu đến. Phò mã Triệu Câu cúi chào mà nói với Doãn Thượng Khanh rằng:
- Dám thưa cữu tổ! Thái hậu sai tôi đến nói với cữu tổ rằng: Việc đi sứ Cao Ly này là một việ quan trọng của nước nhà, không dám lấy ý riêng mà ngăn cản, chỉ xin dặn người phải gìn vàng giữ ngọc trong khi đường sá xa xôi thiên sơn vạn thủy vậy. Cữu tổ đi Cao Ly rồi thì triều đình sẽ triệu biểu thúc vào làm quan kinh, để khi cữu tổ về, được có con cái sum vầy dưới gối .
Doãn Thượng Khanh cả cươì mà rằng:
- Quái lạ! Lão thần đây phụng mệnh đi sứ, sang phong vương cho nước Cao Ly, cũng là việc thường, không hiểu cớ sao mà thái hậu lấy làm lo nghĩ. Phò mã về tâu với thái hậu, nói Doãn Thượng Khanh này giả sử có như To Vũ bị giam hãm ở bên nước Phiên nữa thì cũng quyết không bao giờ chịu cam lòng phản chủ như ai.
Bấy giờ Doãn Thượng Khanh ngồi trên chiếc xe nệm bông, hai bên che hai chiếc quạt vả, uy phong lẫm liệt, trông như một vị thành hoàng, còn quan phó sứ là Hùng Khởi Phượng thì hãy còng trẻ, dung mạo đường hoàng, hai bên tả hữu có năm trăm quân ngự lâm đi theo. Lại có Trương Long và Triệu Hổ là hai tay võ tướng, dũng lực hơn người, cùng đi hộ vệ.
Nam Kim nữ chủ nghe báo, mới giáng chỉ rằng:
- Ngày nay có sứ thần ở thiên triều đến, các quan văn võ triều thần đều phải ra đón.
Các quan triều thần vâng mệnh, cùng nhau ra nghênh tiếp. Doãn Thượng Khanh cùng Hùng Khởi Phượng mỗi người tay cầm một cờ tiết mao đi thẳng vào chốn triều đường. Khi vào tới nơi, trông thấy đuốc hoa sáng rực, đỉnh trầm hương bay, giữa treo một cánh rèm châu, hai bên phía ngoài có các cung nữ đứng thị lập.
Doãn Thượng Khanh chờ mãi không thấy Nam Kim nữ chủ ra tiếp chiếu, mới hỏi rằng:
- Từ xưa tới nay, các vua nước Cao Ly này vẫn một lòng thủ lễ với thiên triều, cớ sao ngày nay có sứ thần ở thiên triều sang phong vương, mà nữ chủ ngươi lại không ra tiếp chiếu?
Các quan văn võ triều thần đều khúm núm mà đáp lại rằng:
- Nữ chủ tôi sở dĩ không ra tiếp chiếu, là vì hổ phận liễu bồ, sợ ra không tiện, hai là còn đang có tang, không thể thay thay mặc cát phục được.
Doãn Thượng Khanh nói:
- Nữ chủ dẫu hổ phận liễu bồ, nhưng lễ phong vương là một lễ rất quan trọng, không thể trốn không ra tiếp chiếu được. Cứ theo lệ thì xưa nay các nước phụ dung cáo tang mà có sứ thần ở thiên triều đến thì nước nào cũng phải đổi mặc cát phục để ra tiếp kiến. Vả nữ chủ các ngươi sinh trưởng trong Trung Hoa thì Đại Nguyên ta tức là tổ quốc của nữ chúa ngươi đó. Cớ sao lại dám khinh thường, hay là tưởng lưỡi gươm của kẻ sứ thần này không sắc đó chăng.
Nam Kim nữ chúa nghe nói, truyền cuốn rèm châu lên, rồi gót sen đủng đỉnh bước ra. Nữ chủ bấy giờ dẫu ngoài bốn mươi tuổi, nhưng phong tư chẳng kém chi một người thiếu nữ hãy còn đang xuân. Khi ra tới nơi, Nam Kim nữ chủ quì xuống làm lễ tiếp chiếu, chúc câu vạn tuế. Các quan văn võ triều thần, cũng đều phủ phục để nghe lời sứ thần tuyên chiếu.
Nam Kim nữ chủ nghe xong, cúi đầu lạy tạ. Các cung nữ xúm lại đỡ Nam Kim nữ chủ dậy, đứng ở trước thềm vàng, Nam Kim nữ chủ giơ tay tiếp lấy thánh chỉ rồi mời Doãn Thượng Khanh ngồi để lạy tạ và nói rằng:
- Chẳng mấy khi tướng công tới đây, khiến cho thiếp được thừa tiếp tôn nhân, thật thấy làm vinh hạnh lắm. Thiếp xin cúi đầu lạy tạ và tuân theo lời chỉ giáo của tướng công.
Doãn Thượng Khanh tỏ ra ý khiêm tốn mà đáp rằng:
- Tôi chỉ xin nương nương cố giữ cho trọn điều tín nghĩa.
Nam Kim nữ chủ lại mời Hùng Khởi Phượng ngồi để lạy tạ. Ai ngờ hai người ấy nguyên có phong lưu nghiệt trái từ trước, bấy giờ bỗng cùng nhau gặp gỡ, khiến cho mặt nhìn mặt thêm ngây.
Nam Kim nữ chủ nghĩ thầm: “Mắt này được nhìn đàn ông, tưởng cũng đã nhiều, nhưng chưa thấy ai đẹp như Hùng quốc cữu. Trời ơi! Mối tương tư này có lẽ thêm hại cho ta!”
Nam Kim nữ chủ nghĩ vậy, mới định thần mà nói rằng:
- Chẳng mấy khi quốc cữu lại di giá đến tiểu bang này, thiếp xin cúi đầu bái tạ.
Hùng Khởi Phượng đứng dậy chối từ mà rằng:
- Nương nương làm chủ trong một nước mà lại quá ư khiếm tốn như thế, có đâu tôi dám thụ lễ.
Nam Kim nữ chủ mời ngồi xuống ghế, rồi lui vào phía trong, lại bỏ rèm châu xuống, ngồi ở trong rèm ngắm nhìn Hùng Khởi Phượng mà nghĩ thầm rằng: “ Không ngờ thế gian lại có người đẹp đến thế này! Khuôn khổ người này thật giống Hoàng Phủ Thiếu Hoa năm xưa như đúc! Tơ tình vương víu, khiến cho lòng ta luống những bồi hồi.”
Nam Kim nữ chủ đang ngẫm nghĩ thì có nội giám quì tâu rằng:
- Muôn tâu lệnh bà! Hai sứ thần thiên triều đã ngồi vào ngự yến, xin lệnh bà ban rượu mời.
Nam Kim nữ chủ truyền đem chén ngọc rót rượu rồi sai cung nữ bưng ra. Hai tên cung nữ bưng hai chén rượu ra quì xuống dâng mà thưa rằng:
-Cúi chào hai vị sứ thần! Nữ chủ tôi sai đem hai chén rượu này ra để kính mời.
Doãn Thượng Khanh và Hùng Khởi Phượng đều cầm lấy chén rượu mà tỏ lời cảm tạ. Khi tiệc xong, hai vị sứ thần lui ra nhà công quán để yên nghỉ. Trong nhà công quán cũng trần thiết một cách long trọng, lại có bốn người mỹ nữ đứng hầu. Doãn Thượng Khanh nói:
- Đây ta có các gia tướng theo hầu, không cần phải dùng đến mỹ nữ.
Bốn người mỹ nữ đều cúi đầu lui ra, liếc mắt trông trộm Hùng Khởi Phượng, đều lấy làm khen ngợi mà nghĩ thầm rằng: “Sao thiên triều lại có người nam tử dung mạo tuyệt vời như thế!”
Lại nói chuyện Nam Kim nữ chủ lui vào trong cung, tháo mũ cởi áo, ngồi tựa xuống ghế mà thở ngắn than dài, không nói câu gì ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi lòng lại nhủ lòng rằng: “ Bây giờ ta biết dùng kế chi mà lưu Hùng Khởi Phượng ở lại đây được?”
Nam Kim nữ chủ nghĩ quanh nghĩ quẩn, lại nói một mình rằng:
- À, Cứ như lời trong chiếu thư của vua thiên triều nói thì hai vị sứ thần này đều là tay học rộng tài cao, vậy sáng mai ta cho triệu riêng Hùng Khởi Phượng vào cung để giảng sách cho ta nghe.
Sáng hôm sau Nam Kim nữ chủ truyền cho nội giám bày một tiệc ngọc yến ở trong điện thái cực, rồi sai triệu Hùng Khởi Phượng vào. Khi Hùng Khởi Phượng vào tới nơi, Nam Kim nữ chủ mừng rỡ xiết bao, truyền cuốn rèm châu lên, đứng dậy ra đón, miệng tủm tỉm cười mà bảo Hùng Khởi Phượng rằng:
- Hùng quốc cữu xin miễn lễ! Mời người ngồi cho.
Hùng Khởi Phượng ngồi xuống ghế, cung nữ dâng trà uống. Hùng Khởi Phượng nói:
- Chẳng hay nương triệu tôi vào đây có việc chi?
Nam Kim nữ chủ nói:
- Hùng quốc cữu ơi! Tôi sinh trưởng ở trong Trung Hoa, chẳng may xấu số, phải lưu lạc đến cõi xa xôi mọi rợ này, dẫu được làm hoàng hậu thật, nhưng cái mặt hoa da ngọc này há chẳng uổng phụ lắm ru! Tuồng gì là giống hôi tanh, thân nghìn vàng để ô danh má hồng! Cha mẹ tôi năm xưa cũng có mông ân vua Cao Ly được sang đây thăm tôi, nhưng vì không quen phong thổ lại phải trở về, bỏ một thân tôi ở đây. Mỗi khi tôi nghĩ đến quê cha đất tổ, trông đàn nhạn bay, luống nhỏ hai hàng nước mắt. Thấm thoát hơn hai mươi năm trời nay, tôi vẫn một lòng tận trung báo quốc, khiến cho nước Cao Ly phải hàng năm cống hiến thiên triều. Giả sử đem tôi mà so sánh với bà Chiêu Quân đời Hán (xem trong bộ tiểu thuyết song phượng kỳ duyên) thì công lao của tôi, lại còn có phần hơn vậy. Không ngờ ngày nay vua Cao Ly băng hà, thế tử hãy còn trẻ dại, mới lên sáu tuổi. Vì thế tôi phải tạm quyền ngôi vua, mà dâng biểu xin thiên triều cho mấy vị sứ thần tài cao học rộng sang phong vương, để trấn áp thần dân ở Cao Ly này. May sao duyên trời dung dủi mà quốc cữu lại cùng Doãn tướngcông phụng mệnh tới đây. Vậy hai ngài hãy nên tạm lưu ở đất man hoang nàytrong vài ba năm, tôi sẽ giao cả triều chính cho quan Doãn tướng công, còn quốc cữu thì cứ ở trong cung với tôi, tự khắc trong ngoài đều phải nhiếp phục.
Nam Kim nữ chủ vừa nói vừa tủm tỉm cười, hai mắt đưa tình, nhìn Hùng Khởi Phượng. Hùng Khởi Phượng nghiêm sắc mặt mà đáp rằng:
- Nương nương nghĩ thế là lầm! Tôi phụng mệnh thiên triều tới dây, cốt để giúp cho nước Cao Ly được yên tĩnh. Chỉ trong một vài tháng, hễ thần dân thiếp phục rồi thì chúng tôi phải vể phúc mệnh với thiên triều. Và Doãn tướng công là một bậc lão thần ở thiên triều, khi nào lại chịu làm tôi hạ quốc.
Nam Kim nữ chủ lại cười mà bảo rằng:
- Quan Doãn tướng công không thể lưu lại được, nhưng còn quốc cữu thì đang tuổi thanh xuân, cao đường ở nhà đều khoẻ mạnh cả, dẫu quốc cữu ở đây tám năm hoặc mười năm sẽ về cũng được chứ sao!
Hùng Khởi Phượng nghe nói, không bằng lòng mà đáp rằng:
- Nương nương không nên nghĩ như thế! Tôi đây là một nhà quốc thích ở bên thiên triều, khi nào lại chịu, làm tôi nước Cao Ly, dẫu nương nương muốn nói thế nào thì tôi đây cũng không dám vâng lệnh.
Nam Kim nữ chủ truyền đem chén ngọc ra để rót rượu mời Hùng Khởi Phượng. Nam Kim nữ chủ nói:
- Hùng quốc cữu ơi! Thiếp không dám có ý gì đâu, xin quốc cữu bớt giận làm lành mà uống chén rượu này. Hôm nay chỉ biết uống rượu cho thật say, còn việc ngày mai để đến ngày mai sẽ bàn.
Uống rượu được ba tuần thì có các ca nữ đến, người gảy đàn kẻ múa hát, thật là một cuộc vui hiếm có vậy. Nam Kim nữ chủ cầm chén rượu mời Hùng Khởi Phượng mà rằng:
- Khúc hát này là một khúc: “Dương Xuân” của thiếp đây tự chế ra đó. Nay đang mùa đông mà diễn khúc hát này để hiến quốc cữu, xin quốc cữu hãy gượng uống thêm mấy chén rượu.
Hùng Khởi Phượng nói:
- Đa tạ lòng quý báu của nương nương, khiến tôi đã được nghe giai âm, lại được xem vũ điệu. Bây giờ tôi say lắm rồi, tửu lực không thể chịu nổi, vậy xin cáo từ.
Nam Kim nữ chủ giữ lại mà bảo rằng:
- Quốc cữu hãy thư thả một chút. Số là tôi mới lập được một đình đài ở trong Xuân viện, mà chưa có biển đề chi cả. Chẳng mấy khi quốc cữu sang tới đây, mời quốc cữu đi dạo chơi, rồi phẩm đề xin một vài lời thêm hoa.
Nói xong, ngoảnh lại truyền bảo cung nữ rằng:
- Các con sắp đốt đèn lồng để ta cùng quốc cữu ra ngự chơi chốn Xuân viên đây!
Các cung nữ vâng mệnh,sửa soạn đồ hành nghi: nào là tàn vàng quạt vả, nào túi trầm lư hương, trông rất nghiêm chỉnh. Nam Kim nữ chủ ngồi trên một loan xa, Hùng Khởi Phượng cưỡi con ngựa hoa thông mã, cùng đi dạo xem phong cảnh ở trong Xuân viện. Nam Kim nữ chủ bảo Hùng Khởi Phượng:
- Hùng quốc cữu ơi! Tôi ngồi xe, quốc cữu cưỡi ngựa thì hai ta khó đi đôi mà nói chuyện cùng nhau được, chi bằng quận chúa cùng sang ngồi xe với tôi cho tiện nói chuyện.
Nam Kim nữ chủ vừa nói vừa có ý hổ thẹn, nét mặt đỏ hồng, Hùng Khởi Phượng cau mày mà đáp rằng:
- Nương nương vốn sinh trưởng bên nước Trung Hoa là một nước có lể nghĩa cớ sao lại nói những câu hoang đường như thế. Nương nương phải nghĩ mình là chủ thần dân trong một nước, càng nên nghiêm trang đứng đắn, chớ bắt chước những thói tư tà.
Nói xong, vẫn ngồi trên mình ngựa, từ từ đi theo sau xe. Bây giờ dẫu tiết đông tiêu sái, nhưng thanh tùng hồng mai trông cũng nhiều cảnh ưa nhìn. Khi đến một nơi lâu đài kia, nội giám quì xuống tâu rằng:
- Muôn tâu lệnh bà! Đây là Vọng tiên đài! Trèo lên trên đài có thể nhìn quanh bốn mặt, trông thấy cả sông Áp Lạc Giang vậy.
Nam Kim nữ chủ truyền dừng xe lại, rồi thủng thỉnh bước xuống, đi thẳng vào Vọng tiên đài. Hùng Khởi Phượng bất đắc dĩ cũng phải xuống ngựa theo vào. Khi lên đến trên đài,, nhìn quanh bốn mặt quả nhiên là một nơi danh thắng, núi xanh cao ngất, nước biết lượn vòng, càng nhìn càng thấy vẻ đẹp. Hùng Khởi Phượng nghĩ thầm: “Nước Cao Ly này tình thế cũng hiểm yếu lắm, thảo nào mà từ đời Tần, Hán cho cí Đường, Tống đã mấy lần quân Trung Hoa sang đánh đều bị thua trận. Ngaỳ nay ta đã nhân dịp tới đây, cũng nên khuyên Nam Kim nữ chủ đầu hàng, để cho yên bờ cõi. Chỉ hiềm một nỗi nữ chúa lại có lòng tư tà mà buông lời hoa nguyệt, vậy ta biết nói sao cho nữ chủ khỏi mếch lòng”. Hùng Khởi Phượng đang cúi đầu ngẫm nghĩ thì Nam Kim nữ chủ nói:
- Hùng quốc cữu ơi! Quốc cữu hãy nhìn về cửa sổ phía nam này mà xem, đứng một chỗ này có thể trông khắp được bảy mươi hai đảo.
Hùng Khởi Phượng chạy lại gần cửa sổ phía nam, nhìn ra mặt bể, quả nhiên trông thấy bảy mươi hai đảo, vây bọc lấy chung quanh nước Cao Ly. Hùng Khởi Phượng nghĩ thầm: “Một nơi hiểm yếu như thế này, dẫu trăm vạn hùng binh đến cũng không làm chi nổi. Chẳng biết hồi bốn năm trước, cữu phụ ta đem binh tới đây, dùng mưu kế chi mà khiến cho các nước man di phải khiếp phục!” Nam Kim nữ chủ cầm chén trà mời Hùng Khởi Phượng uống, miệng cười tủm tỉm mà bảo rằng:
- Đây là một thứ Dương Tiên trà ở Trung Hoa đem đến, mời quốc cữu xơi.
Hùng Khởi Phượng đỡ lấy chén trà, nét mặt nghiêm trang, lại càng thêm có vẻ đẹp. Nam Kim nữ chủ lại hỏi:
- Quốc cữu năm nay bao nhiêu tuổi?
Hùng Khởi Phượng:
- Năm nay tôi hai mươi bốn tuổi.
Nam Kim nữ chủ gật đầu nói:
- Hùng quốc cữu ơi! Nếu vậy thì năm quốc cữu còn để chỏm đang đi học, bấy giờ tôi đã hai mươi tuổi, giả sử tôi gặp quốc cữu thì tôi sẽ ẵm đi chơi, hoặc là mua đồ chơi cho quốc cữu. Ai ngờ thời giờ thấm thoát, chỉ trong chớp mắt, mà ngày nay quốc cữu đã trưởng thành, trở nên một người mỹ trượng phu. Quốc cữu ơi! Thật là duyên trời dun rủi, khiến cho tôi được cùng quốc cữu phỉ nguyện trăm năm.
Hùng Khởi Phượng nghe nói, giả cách như người không hiểu mà đáp rằng:
- Nương nương định bảo tôi đề biển chỗ nào thì xin nương nương cho di giá đến chỗ ấy.
Bấy giờ Nam Kim nữ chủ lại lên xe đi, Hùng Khởi Phượng cưỡi ngựa theo sau. Đi đến một nơi đình đài, chung quanh kể có nhìn gốc mai, lại có hai cây bách đứng ở hai bên, phía sau trồng toàn một thức trúc xanh, bóng râm che mát, còn phía trong đình đài thì sự hoa mỹ không biết thế nào mà kể cho cùng! Nội giám quì xuống tâu rằng:
-- Muôn tâu lệnh bà! Đây đã tới nơi đình đài tân tạo đó, xin lệnh bà vào ngự. Đình đài này hiện nay chưa đặt tên.
Nam Kim nữ chủ xuống xe, mời Hùng quốc cữu vào, truyền đem văn phòng tứ bảo và thứ giấy Cao Ly ra để xin chữ Hùng Khởi Phượng. Nội giám vâng mệnh, đem đủ nghiên bút giấy mực ra bày ở trên long án. Nam Kim nữ chủ nói với Hùng Khởi Phượng rằng:
- Hùng quốc cữu ơi! Quốc cữu học rộng tài cao xin vì tôi mà đặt tên cho đình đài tân tạo này. Chỗ này là chỗ để khi nào tôi giao quốc chính cho thế tử rồi thì về ở đây mà đi dưỡng tính tình.
Hùng Khởi Phượng ngắm ngía chung quanh, rồi cầm bút viết mấy chữ mà nói rằng:
- Tôi thiết nghĩ nương nương cố giữ sao cho trọn lòng kiên trinh vàng đá. Song the chiếc bóng, chỉ nên cùng mai hoa hay là tùng bách kết bạn đồng tâm. Vậy tôi xin đặt tên đình đài này gọi là “Tam hữu đồng tâm đài”.
Nam Kim nữ chủ có ý hổ thẹn, mặt đỏ bừng bừng, nhưng cũng mỉm cười mà tỏ lời cảm tạ. Lại nói:
- Hùng quốc cữu ơi! Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy, cảnh phù du trông thấy cũng nực cười. Người ta đang độ tuổi xuân mà gặp được bạn tri kỷ, biết yêu hương tiếc ngọc, để cùng nhau đẹp duyên cầm sắt thì giảu đồng tâm buộc chặt, tưởng không bao giờ còn nỡ phụ lời thề. Hiềm vì một nỗi hồng nhan bạc mệnh, rồng vàng lại thường phải tắm nước ao tù. Ngu đần mấy mặt ngẩn ngơ, chúng còn biết tình là cái chi chi nữa. Quốc cữu ơi! Người ta ở đời, công danh phú qúy, muôn vật toàn là già cả, có chăng chỉ một chữ tình!
Nam Kim nữ chủ nói dứt lời thì Hùng Khởi Phượng cười nhạt mà đáp rằng:
- Tô phụng mệnh thiên triều sang tới đây, trước là để viếng tang quốc vương, sau là để gia phong cho nữ chủ, vậy tôi chỉ biết lễ nghĩa là trọng, xin nương nương chớ nói đến chữ tình. Nương nương ở ngôi vương phi trong hai mươi năm trời nay, ân tình đối với quốc vương thuở xưa, thiết tưởng ngày nay chưa có thể quên được. Cao Ly đây nguyên là một nước lễ nghĩa, mà nương nương lại là một người Trung Hoa, xin nương nương phải nên tự trọng. Vả tôi cùng nương nương vốn không quen biết, cũng không thân thích chi cả, chỉ vì sứ mệnh mà gặp gỡ nhau, rồi đây kẻ bắc người nam, nghìn dặm cách xa, can chi nương nương lại nói đến chữ tình cho không hợp cảnh. Tôi khuyên nương nương nên một lòng thủ tiết, để hưởng lấy phúc thanh nhàn.
Nam Kim nữ chủ thẹn quá, thành ra có ý tức giận, nhưng cố nén cơn tức giận mà nói:
- Xin lĩnh giáo! Thiếp xin lĩnh giáo!
Nam Kim nữ chủ lại nói:
- Hùng quốc cữu ơi! Nghe lời quốc cữu nói, khiến cho tôi hối hận vô cùng, tiếc rằng bây giờ tôi mới được gặp. Thôi thì hôm nay tôi hãy xin cùng quốc cữu uống rượu vui, để kết làm bạn tri giao vậy.
Nói xong, truyền bày một tiệc rượu ở Đồng Tâm đình, mời Hùng Khởi Phượng. Trong khi uống rượu, Nam Kim nữ chủ dùng hết cách phong tình để trêu ghẹo Hùng Khởi Phượng, Hùng Khởi Phượng cứ nghiêm nét mặt mà ngồi, không hề ngẩn nhìn. Nam Kim nữ chủ nghĩ được một kế, mới cười mà bảo Hùng Khởi Phượng rằng:
- Hùng quốc cữu ơi! Mấy câu tôi nói vừa rồi là nói đùa đó thôi, xin quốc cữu chớ lấy làm nghĩ. Chẳng qua vì tôi quý mến tài năng của quốc cữu, mà muốn cùng quốc cữu trò chuyện trong ít lâu đó thôi. Nhưng sẫu sao cũng gọi là duyên, hôm nay nhân tiệc rượu ở Đồng Tâm đình này mà khiến cho tôi được trộm nghe lời cao luận.
Nói xong, truyền gọi cho bọn ngoại sủng vào mà phán rằng:
- Chẳng mấy khi có Hùng quốc cữu ở thiên triều tới đây, các ngươi phải quì dâng quốc cữu, mỗi người ba chén rượu. Hễ quốc cữu không uống thì ta đây cứ trách phạt các ngươi đó.
Bọn ngoại sủng vâng mệnh, lần lượt nhau mà mời rượu. Một người trước nhất mặt phấn môi son, tóc mây mườn mượt, trông như người cung nữ, hai tay bưng chén ngọc bôi, quì xuống mà tâu nói với Hùng Khởi Phượng rằng:
- Dám bẩm quốc cữu! Chúng tôi vâng mệnh nữ chủ tôi, xin kính dâng quốc cữu một tuần rượu.
Hùng Khởi Phượng mỉm cười mà bảo rằng:
- Các ngươi cứ mời nữ chủ uống, ta đây xin tự rót mà uống lấy, không cần các người phải mời.
Nói xong, liền rót một chén thật lớn, uống thẳng một hơi. Nam Kim nữ chủ kinh ngạc mà rằng:
- Hùng quốc cữu tửu lượng ghê lắm thay. Tôi đây chỉ uống được năm bảy chén mà thôi.
Nói xong, lại truyền cho bọn ngoại sủng rằng:
- Các ngươi lấy chén lớn mời quốc cữu, còn ta đây dùng chén nhỏ để ngồi tiếp rượu hầu quốc cữu cho vui.
Bấy giờ mọi người xúm lại mời Hùng Khởi Phượng. Hùng Khởi Phượng một lúc uống kể hàng nghìn chén rượu mà mặt vẫn không thấy đỏ, cứ nghiễm nhiên ngồi, không hề nói nhảm chút nào. Nam Kim nữ chủ đứng dậy lên xe về cung, truyền cho bọn ngoại sủng cắt bốn người ở lại để hầu hạ Hùng Khởi Phượng. Nam Kim nữ chủ lại tủm tỉm cười mà bảo Hùng Khởi Phượng rằng:
- Hùng quốc cữu ơi! Đêm nay quốc cữu ngủ tại Đồng Tâm đình này thì nghĩa đồng tâm là thế nào, tưởng cũng nên phải nghĩ đến.
Nói xong, quay xe về thẳng, để Hùng Khởi Phượng ngủ tại đấy. Hùng Khởi Phượng buồn rầu mà nghĩ thầm rằng: “Ta phụng mệnh đi sứ, ngờ đâu lại xảy ra việc này! Bây giờ ta bị khốn tại chỗ này, quan Doãn thừa tướng ở ngoài, tất người phải nóng lòng sốt ruột. Người lại đoán ta là phường niên hiếu, ham mê tửu sắc thành ra đắm đuối không về”.
Lại nói chuyện quan chánh sứ là Doãn Thượng Khanh ở ngoài công quán, nóng lòng sốt ruột, không hiểu cớ sao trời đã tối sẫm mà Hùng Khởi Phượng vẫn không thấy về. Doãn Thượng Khanh nghĩ thầm: “Hùng quốc cữu năm nay hãy còn trẻ tuổi, huyết khí chưa định, có lẽ vì ham mê tửu sắc mà vui chén quá say chăng. Nhưng quốc cữu xưa nay tính hạnh đứng đắn, khi nào lại đến nỗi như thế.” Doãn Thượng Khanh nghĩ vậy, mới gọi Phiên quan mà hỏi rằng:
- Cớ sao hôm nay nữ chủ ngươi lại triệu riêng một mình Hùng quốc cữu vào cung, mà đến bây giờ vẫn chưa thấy ra về.
Phiên quan nói:
- Cung cấm là nơi nghiêm mật, chúng tôi ở ngoài, nào được biết. Hoặc giả Hùng quốc cữu cùng nữ chủ tôi có thân tình gì chăng!
Doãn Thượng Khanh nổi giận mà mắng rằng:
- Các ngươi chỉ nói càn! Nếu vậy ta phải tức khắc vào yết kiến nữ chủ để hỏi xem cớ sao lại giữ Hùng quốc cữu ngủ đêm tại trong cung?
Nói xong, truyền gọi Trương Long và Triệu Hổ sắp xe để vào triều. Bỗng thấy nội giám ra truyền chỉ rằng:
- Dám bẩm tướng công! Nữ chủ tôi thấy Hùng quốc cữu học rộng tài cao, vậy lưu ở trong cung, để cùng nữ chủ tôi tu bổ lại bộ quốc sử của nước Cao Ly. Việc này trong độ vài ba năm mới xong, chúng tôi phụng mệnh nữ chủ tôi sai ra lấy các thứ y phục cần dùng mang vào cho quốc cữu.
Doãn Thượng Khanh nghe nói lại càng tức giận, quát tháo ầm lên mà rằng:
- Đứa nào dám lấy y phục của quốc cữu! Bay về kêu với nữ chủ bay tới đây mà lấy! Nếu định tu bổ quốc sử thì can chi phải giam hãm trong cung? Nữ chủ bay sao dám nói càn, hay là định u cấm sứ thần thiên triều đó chăng!
Nội giám cười mà nói rằng:
-Doãn tướng công ơi! Bay giờ nữ chủ tôi không có ở trong triều, tướng công vào cũng vô ích, xin tướng công để đến sáng ngày mai hãy vào.
Trương Long cũng nói:
- Nếu vậy thì xin tướng công đành để đến sáng mai.
Bấy giờ các Phiên quan đã bày tiệc rượu, sơn hào hải vị, dị phẩm kỳ trân không biết thế nào mà nói cho xiết. Lại có quan thừa tướng Cao Ly cùng các triều thần đến dự tiệc. Quan thừa tướng Cao Ly cầm chén rượu mời Doãn Thượng Khanh mà nói rằng:
- Chúng tôi phụng mệnh nữ chủ tôi ra hầu rượu tướng công. Xin tướng công cứ yên lòng, sáng mai vào triều, cùng nữ chủ tôi bàn việc quốc chính, đem tài kinh bang tế thế mà giúp cho nước chúng tôi. Đợi đến tiết nguyên đán tới nơi này, các đảo lại triều, sẽ cùng tiễn tướng công về nước.
Doãn Thượng Khanh bất đắc dĩ cũng phải nguôi cơn tức giận, rồi nói:
- Lão phu phụng mạng thiên triều sang đây, là muốn giữ tình bang giao được hòa hiếu. Nhưng nữ chủ ngươi lưu Hùng quốc cữu ở trong cung để tu bổ quốc sử, việc ấy thật là một việc vo lý. Nếu định tu bổ quốc sử thì sao không cho lão phu cũng dự vào một tay, trước là tránh những lời thị phi, sau là khiến hai nước khỏi sinh lòng nghi hoặc vậy.
Quan thừa tướng Cao Ly nói:
- Nữ chủ tôi vốn là người thông thái rộng xem các sách, hay khảo cứu những việc cổ sơ, cho nên muốn lưu Hùng quốc cữu ở luôn tại trong cung để tiện khi cò điều gì muốn hỏi.
Sáng hôm sau, Doãn Thượng Khanh dậy sớm, chỉnh tề mũ áo, định đi vào triều thì bỗng nghe báo có Thuận Thiên vương đến yết kiến. Thuận Thiên vương bước vào, cúi chào mà thưa rằng:
- Kính chào Doãn tướng công! Tôi ngưỡng mộ đại danh của tướng công đã lâu, nay tướng công lại phụng mệnh thiên triều sang tới đây, chẳng những may riêng cho phần tôi, lại là một cái may chung cho cả nước tôi vậy. Xin mời tướng công ngồi, cho chúng tôi được lạy mừng.
Doãn Thượng Khanh cũng từ tạ rồi đáp lễ lại và hỏi rằng:
- Chẳng hay đại vương có phải quốc thích đó không?
Thuận Thiên vương nói:
- Tôi cùng quốc vương tôi trước là anh em ruột. Ngày nay rôi phụng mệnh nữ chủ tôi đến đây thương thuyết với tướng công. Xin mời tướng công ngồi. Tôi đây là một kẻ vũ phu, rất vụng về khoa ngôn ngữ, chỉ xin thật thà nói thẳng mà thôi.
Doãn Thượng Khanh đáp rằng:
- Vâng! Mời đại vương ngồi. Có điều gì tôi xin lĩnh giáo.
Thuận Thiên vương cả cười rồi kéo ghế lui xuống một chút. Tả hữu pha trà uống. Doãn Thượng Khanh lại hỏi rằng:
- Chẳng hay có việc gì, xin đại vương cứ dạy.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui