Tục Tái Sanh Duyên

Thuận Thiên vương đáp rằng:
- Nào có phải việc chi đâu. Nguyên là viếc thế tử mà tôi phải đến đây để cầu khẩn tướng công. Năm nay thế tử đã lên sáu tuổi, cần phải học vỡ lòng, lại gặp có Hùng quốc cữu tới đây, vậy nữ chủ tôi muốn lưu quốc cữu ở trong cung để dạy thế tử. Vả bộ quốc sử của nước Cao Ly tôi, mất mát nhiều chỗ, nếu muốn tu bổ lại, cần phải nhờ đến bậc đại nho. Nay dám phiền tướng công chủ trương việc ấy cho, để cùng các quan Hàn lâm nước tôi tu bổ quốc sử. Trong tòa Hàn Lâm cũng có nhiều sách vở, có thể đủ tài liệu mà nghiên cứu được. Bây giờ hãy xin dâng một nghìn lạng vàng để làm sính lễ, còn các tướng sĩ theo hầu, nước tôi xin cấp lương bổng một cách rất phong hậu.
Thuận Thiên vương nói xong, bỗng thấy mặt ngoài bưng lễ vật vào, Doãn Thượng Khanh từ chối mà rằng:
- Lão phu phụng mệnh thiên triều sang tới đây, cốt để giúp việc quốc chính. Tu bổ quốc sử cũng tức là một việc trong quốc chính, lão phu xin tuân mệnh, hà tất phải dùng đến lễ vật làm chi. Ngày nay lão phu hãy xin gởi vào trong kho, khi nào về nước sẽ bái lĩnh. Chỉ có Hùng quốc cữu vốn là một người tính khí khảng khái, nếu muốn giữ luôn tại trong cung, tất quốc cữu không chịu nào nên phải cho ra ở ngoài, mới có thể yên việc được.
Thuận Thiên vương nói:
- Tướng công bất tất phải lo ngại! Vừa rồi tôi có vào yết kiến Hùng quốc cữu thì thấy Hùng quốc cữu diện mạo khôi ngô, uy phong lẫm liệt, thật là một vì sao Văn xương ở trên trời giáng hạ trần thế. Vả nghe những lời nghị luận của quốc cữu, lỗi lạc hơn người, thế thì quốc cữu chẳng những là một bậc lương tá của thiên triều, lại là một ngôi phúc tinh cho tiểu bang chúng tôi vậy. Ngày nay tôi xin nói thật để cho tướng công biết, tướng công chớ có từ chối, anh hùng nên phải tùy cơ.
Nói xong, đứng dậy cáo từ lui ra. Doãn Thượng Khanh nghe nói, có ý nghi ngờ, nghĩ thầm: “Người này nói nhiều câu kỳ dị, chắc rằng ở trong chắc có ẩn tình, nhưng hắn lấy lễ nghĩa mà nói với ta thì ta cũng không nỡ cự tuyệt”. Doãn Thượng Khanh nghĩ vậy, liền gọi Trương Long và Triệu Hổ vào mà bảo rằng:
- Khi trước Bình Giang vương có nói chuyện cho ta biết rằng hai tướng quân sức khỏe một mình địch nổi muôn người, nay ta khuyên hai tướng quân cố làm nên công nghiệp như Ban Siêu thuở xưa, một là không phụ lòng Bình Giang vương, hai là về sau sẽ được tử ấm thê phong, nổi tiếng là một bậc anh hùng hào kiệt. Ta xem ý Nam Kim nữ chủ thì hình như muốn u cấm Hùng quốc cữu, chưa biết bao giờ mới cho về. Hai tướng quân nên nghĩ ơn triều đình, mà khuyên bảo quân sĩ, trên dưới một lòng, phòng khi xảy ra cớ sự gì thì ta phải hợp lực đồng tâm, để cùng nhau giữ lấy quốc thể. Ngày nay ta muốn cùng tướng sĩ uống máu ăn thề cho tỏ lòng sống chết có nhau vậy.
Nói xong, liền cởi áo bào ra, chích máu cánh tay rỏ xuống chén rượu. Trương Long Triệu Hổ thấy vậy liền hội họp các quân sĩ mà giải tỏ chân tình, đem lời Doãn Thượng Khanh nói, thuật lại cho quân sĩ nghe. Các quân sĩ nghe nói đều quì xuống khóc rằng:
- Chúng tôi nguyện một lòng vâng lời thái sư mà tận trung báo quốc.
Bấy giờ Trương Long và Triệu Hổ cùng các tướng sĩ đều chích máu phát thệ. Bỗng có mấy tên gia đinh cũng chạy ra quì xuống mà bẩm rằng:
- Dám bẩm thái sư! Chúng con dẫu tôi tớ phận hèn, cũng dám xin một lòng phát thệ.
Doãn Thượng Khanh thấy mấy tướng sĩ đều một lòng lấy làm mừng rỡ, lại dặn Trương Long và Triệu Hổ thỉnh thoảng phải luyện tập quân sĩ để phòng có việc. Mỗi khi Nam Kim nữ chủ sai nội giám đem nhân sâm và các thứ mỹ vị ra ban chi Doãn Thượng Khanh thì Doãn Thượng Khanh lại hỏi thăm Hùng Khởi Phượng.
Lại nói chuyện tòa Hàn lâm ở nước Cao Ly có một tên riêng gọi là Tu Văn quán. Một viên đứng đầu trong Tu Văn quán cũng gọi là chủ bút, đem các bạn đồng liêu đến bái yết Doãn Thượng Khanh, lễ mạo rất cung kính. Doãn Thượng Khanh mời ngồi, rồi pha trà uống, rồi ngắm nhìn các viên trong tòa Hàm lâm thì thấy viên nào cũng mặt mũi nhăn nhó kỳ hình quái trạng, không biết thế nào mà nói cho xiết. Bấy giờ bàn đến việc tu bổ quốc sử. Doãn Thượng Khanh hỏi về các kinh điển của nước Cao Ly trước, kẻ thì ngây ngô, cứ ngẩn mặt ra mà nhìn, kẻ thì khoe khoang, nói nhiều những câu hoang đường vô cứ, cũng có kẻ hơi am hiểu văn lý, trả lời được một đôi câu. Doãn Thượng Khanh chỉ bảo trước sau, chia ra từng tiết đoạn, mọi người nghe nói, ai nấy đều kinh sợ mà tán phục là một bậc thiên tài. Chúng tự biết mình học thiển tài sơ, nay được gặp Doãn Thượng Khanh, thì lấy làm mừng rỡ.
Bỗng thấy một tên gia binh đến gần quì xuống khẽ bẩm với Doãn Thượng Khanh rằng:
- Con là Tô Thành có một việc riêng muốn bẩm bạch.
Doãn Thượng Khanh vẫn biết Tô Thành là một người cẩn thận xưa nay, nay thấy mật bẩm như vậy, mới ngoảnh đầu lại bảo tả hữu lui ra, để cho Tô Thành nói. Tô Thành đến gần mà khẽ bẩm rằng:
- Từ khi Hùng quốc cữu vào cung, tôi vẫn hàng ngày đến chỗ cửa cung, dò la nội giám. Trong bọn nội giám có một người tuổi già tên gọi là Trương Thuận Nguyên người Trung Hoa, khi trước theo Nam Kim nữ chủ sang tới đây sung vào hàng túc trực, nhưng nữ chủ không tin dùng. Đến nay đã hơn hai mươi năm, vẫn bần cùng khổ sở. Tôi cũng tặng cho hắn bốn tấm lụa và một trăm lạng bạc, lại xin nhận hắn làm nghĩa phụ thì hắn mừng rỡ bội phần, đãi tôi rất tử tế. Có khi vui chuyện, hắn nói cho tôi được biết rằng Nam Kim nữ chủ rất có lòng yêu mến Hùng quốc cữu.
Nói đến đây thì Tô Thành lại rỉ tai bẩm nhỏ hồi lâu rồi lại nói:
- Hôm đầu Nam Kim nữ chủ để Hùng quốc cữu ngủ tại “Tam hữu đồng tâm đình” cho bốn người ngoại sủng vào hầu đến nửa đêm đều phải lui ra cả. Hôm sau lại cho bốn tên cung nữ vào thì quốc cữu cứ thắp đèn ngồi suốt sáng, nữ chủ không thể làm thế nào được. Độ này mới chịu để cho quốc cữu ngủ yên một mình. Tôi đã hỏi dò đường lối trong cung, định đêm hôm nay lẻn vào chỗ ở quốc cữu thử xem quang cảnh ra làm sao.
Doãn Thượng Khanh nói:
- Chết nỗi! Trong cung bao nhiêu quân canh thủ, vào thế nào nổi, không khéo mà bị chúng bắt được thì để tiếng xấu cho người Trung Hoa.
Tô Thành nói:
- Không hề chi! Chúng tôi đã có phép riêng. Xin thái sư ngồi đợi, chỉ độ quá canh ba, tôi sẽ đem được tin về.
Doãn Thượng Khanh gật đầu cho đi, rồi đêm hôm ấy ngồi đợi tin Tô Thành.
Lại nói chuyện Tô Thành thắt lưng gọn ghẽ, lấy vải cuốn chân thật chặt. Lại phủ khăn trùm đầu, chỉ hở có hai con mắt. Canh ba đêm hôm ấy, lẻn đến cửa cung treò qua tường vào. Khi vào tới nơi, trời tối như mực, chẳng có đèn đóm chi cả, chỉ văng vẳng nghe ở trên lầu cao có tiếng người khóc. Tô Thành cứ theo lời dặn của Trương Thuận hôm trước mà tìm đường lối, lần mò cho đến một nơi đình đài, khẽ đánh đá lửa lên soi, thấy có biển vàng đề năm chữ: “Tam hữu đồng tâm đình” Tô Thành chạy đến bên cửa, cố sức đẩy mạnh một cái, hai cánh cửa bật ra, trông phía trong có thắp ngọn đèn sáng rõ, mà Hùng Khởi Phượng đang ngồi xem sách ở bên cạnh cây đèn, vì cánh cửa ghép ván hai lần, cho nên đứng ngoài cửa không trông thấy ánh đèn sáng. Hùng Khởi Phượng thấy động vội vàng đứng dậy, Tô Thành chạy thẳng vào tới nơi rồi quì xuống đất mà bẩm rằng:
- Dám bẩm quốc cữu! Tôi là Tô Thành đây!
Hùng Khởi Phượng giật mình kinh sợ, ngắm nhìn thật kỹ, vội vàng đỡ dậy, và mừng rỡ bảo rằng:
- Ô hay! Tô Thành này! Nhà ngươi làm thế nào mà vào được đây, hay là ta chiêm bao đó chăng! Tô Thành gạt tay mà rằng:
- Xin quốc cữu chớ nói to tiếng.
Nói xong, liền rỉ tai mật bẩm mấy câu, lại đem phong thư của Doãn Thượng Khanh đệ trình cùng Hùng Khởi Phượng. Hùng Khởi Phượng mở ra xem, trong thư có mấy lời như sau:
- “Đã mắc vào vòng , không nên nóng nảy, chỉ cốt bền lòng gắn chí là hơn. Ta quyết chí thì không ai lay động nổi. Nên tùy cơ mà đợi thời, mới là tri sĩ. Thư này gửi ngày bính tý”.
Hùng Khởi Phượng xem xong, lẩm nhẩm gật đầu mà khẽ nói rằng:
- Quan thái sư nói chí phải! Nhưng từ khi ta bị khốn ở đây, lòng ta căm tức kể sao cho xiết! Tô Thành ơi! Ngày nay nhà ngươi vào đây, thật là một việc mạo hiểm, vì chốn cung cấm này canh thủ rất cẩn mật, chẳng hay cớ sao nhà ngươi vào tới đây, lại không ai biết cả, thế thì cũng là có trời giúp mà thôi.
Tô Thành cười mà đáp rằng:
- Không phải trời giúp, mà là tôi đốt thứ muộn hương, cho nên chúng đều ngủ say cả. Khi tôi mới vào khỏi cửa cung, nghe thấy ở trên lầu cao có tiếng khóc văng vẳng, tôi tưởng là quốc cữu bị giam tại đấy, nhưng lại không phải.
Hùng Khởi Phượng cũng cười mà bảo rằng:
-Thuở xưa vua Văn Vương bị giam bảy năm, ông Tô Vũ bị giam mười chín năm, Hoàng Phủ Kính vương bị giam ở nước Phiên ba năm, bấy giờ ngoại tổ ta (tức Vệ Hoán, cha Vệ Dũng Nga) cũng bị giam tại đây. Ta nay bị giam dẫu không khổ sở như các bậc tiền nhân, nhưng mưa Sở gió Tần, khiến cho ta càng thêm chua xót, biết làm thế nào?
Tô Thành nói:
- Quốc cữu muốn dặn bảo những gì, xin truyền phán mau kẻo muộn hương cháy hết thì e chúng lại tỉnh dậy chăng!
Hùng Khởi Phượng nói:
- Nhà ngươi ra nói với thái sư bất tất phải lo ngại, ta dẫu không giỏi võ nghệ, nhưng chõ này cũng không dùng đến sự chiến tranh. Thái sư yên lòng mà tu bổ quốc sử, càng thêm biết được địa dư nước Cao Ly. Ta đây cố giữ một lòng đoan trang, quyết không bao giờ chịu mắc vào cạm bẫy. Nếu có việc gì cấp bách thì nhà ngươi cứ ủy thác cho Trương Thuận. Hắn nguyên là người Trung Hoa, vẫn nhớ nước cũ, ta đã hứa với hắn là sau này cho theo về nước, hắn rất lấy làm mừng lòng. Đó là lời tâm phúc ta nói với nhà ngươi, nhà ngươi nên đợi thời, chớ thường hay vào đây mà lỡ có sự nguy hiểm. Còn chỗ cánh cửa long bật, nên chữa cho ngay ngắn, kẻo chúng sinh nghi.
Tô Thành đứng dậy chữa lại cánh cửa cho được ngay ngắn rồi cáo từ mà rằng:
-Trăm lạy quốc cữu! quốc cữu nên gìn vàng giữ ngọc, kẻo bọn gia đinh chúng tôi thật đã nát ruột héo gan. Không ngờ bây giờ được nhìn mặt quốc cữu đây, tôi mới yên lòng vậy.
Bấy giờ Tô Thành thuật lại đầu đuôi việc cùng nhau uống máu ăn thề cho Hùng Khởi Phượng nghe, Hùng Khởi Phượng nghe nói mừng rỡ mà rằng:
- Nếu vậy thì Doãn thái sư thật là bậc lão thành trì trọng. Tướng sĩ có một lòng mới không lo ngại. Ta đây ở trong cung cũng sẽ được yên tâm vậy.
Tô Thành vội vàng lui ra, Hùng Khởi Phuợng đứng dậy đóng cửa, rồi ngẫm nghĩ mừng thầm, lại đi nằm nghĩ. Sáng hôm sau, mặt trời đã cao hơn một trượng, bấy giờ bọn nội giám mới thức dậy, ai nấy đều kinh hãi, không hiểu cớ sao mà bỗng lăn ra ngủ một giấc say. Chúng sợ Nam Kim nữ chủ tới nơi, lại vội vàng đi sửa soạn các công việc. Hùng Khởi Phượng cũng giả cách giật mình tỉnh dậy, rồi khoác áo mà rằng:
- Quái lạ! Sao hôm nay ta ngủ trưa quá như thế này.
Mọi người không ai trả lời thế nào, rồi lại cùng nhau pha trà mời Hùng Khởi Phượng và dâng các đồ thực phẩm. Hùng Khởi Phượng đứng dậy nhìn xung quanh thì quả nhiên là một nơi đình đài rất hoa mỹ tráng lệ. Một tòa nhà bạc, bốn mặt rèm châu, gấm trải căn tường, thảm rồng giải đất, sự xa xỉ không biết thế nào mà nói cho xiết! Hùng Khởi Phuợng nghĩ thầm: “Không ngờ một nữ chủ ở nước Cao Ly này mà cách tự phụng lại lịch sự hơn vua Trung Hoa. Cứ lấy dung nhan mà nói thì Nam Kim nữ chủ cũng là bậc nghiêng nuớc nghiêng thành. Năm nay đã ngoài bốn mươi tuổi mà vẫn phong vận ưa nhìn, đủ biết thuở còn xuân xanh, tất phải chim sa cá lặn. Thảo nào khi nàng mạo nhận làm cữu mẫu (trỏ Mạnh Lệ Quân), suýt nữa khiến cho Hoàng Phủ Tương Vương phải mờ mắt mà nhận lầm. Ta nghe lời nữ chủ phàn nàn với ta hôm trước về sự gặp gỡ trái duyên, nghĩ cũng thương tình: “Ðem thân trong Ngọc trắng ngà, sánh đôi cùng kẻ vai u thịt bắp, cho hay trăng già khéo độc địa lắm vậy.”
Hùng Khởi Phượng lại nghĩ thầm: “Ta cùng phu nhân ta ở nhà, vợ chồng lấy nhau trong sáu năm trời, cầm sắt hòa hợp, không hề có một lời to tiếng. Ai ngờ chỉ vì một việc nhỏ mọn mà dám càn dỡ nói liều, đan bà nhu thế, sao gọi là hiền phụ được. Ta là bậc tu mi nam tử, chẳng lẽ lại chịu bó tay nhu ai. Bây giờ ta nóng tính quá,giẫy ngã phu nhân, chẳng biết sự thai sản có hề chi không. Tuy vậy ta cũng không nên vội trách. Phu nhân ta bụng dạ đàn bà, nghe thấy ta bỏ nghìn vàng mua một nguời kỹ nữ, đem gởi một nơi thì tài nào chẳng sinh lòng ghen tuông. Vì lòng ghen tuông mà thành ra nói liều, lại gặp ta nóng tính, đến nỗi mất hòa khí. Bây giờ nghi lại, thật hối muôn vàn. Hùng Khởi Phượng lại sực nhớ đến nàng Hạng Hoa Tu mà nghĩ thầm rằng: như nàng Hạng Hoa Tu kia cũng là hồng nhan đệ nhất. Ta đây không phải thảo mộc, há dễ vô tình. Chỉ vì ta vâng mệnh hai thân, vấy nữ sắc làm giới. Con nguời vưu vật ( nguời con gái tuyệt sắc ai cung phải mê, ví nhu loài yêu quái) ta chớ nên gần. Hùng Khởi Phuợng tưởng tượng đến quang cảnh khi nàng Hạng Hoa Tu than khóc với mình, lại ngẫm nghĩ khen thầm cái dung nhan xinh đẹp của nàng, thật ít nguời sánh kịp. Dẫu Phi Giao hoàng hậu là tay tuyệt sắc, nhung hai làn thu thủy, vị tất đã minh mị bằng nàng Hạng Hoa Tu. Con người như thế mà ta nỡ dứt tình thì ta cũng là kẻ nhẫn tâm vậy. Chẳng biết lời ước mười năm, nàng có giữ trọn được hay không? Lại chẳng biết phu nhân ta có lượng cả bao dung hay không?
Một mối tơ tình, luống khiến Hùng Khởi Phượng trăm phần phiền não. Hùng Khởi Phượng đang ngẫm nghĩ buồn rầu bỗng lại thở dài mấy tiếng rồi lẩm bẩm mà nói một mình rằng:
-Ô hay! Hùng Khởi Phượng ơi! Hùng Khởi Phượng ơi! Cha mẹ vợ con sao ngươi không nghĩ, mà ngươi lại nghĩ đến nàng Hạng Hoa Tu? Như thế trách nào mà vợ ngươi không phải sinh lòng ghen ghét! Thôi, thôi! Giả sử nàng Hạng Hoa Tu có một lòng thủ ước, ta cũng nên từ tạ, chớ có rước sầu mua não mà khiến cho ruột tằm bối rối vò tơ.
Bỗng thấy nội giám đem dâng mấy chiếc áo cừu mà bẩm rằng:
- Dám bẩm quốc cữu! Nữ chủ tôi thấy đem qua trời nổi gió bấc, sợ quốc cữu bị lạnh, vậy sai chúng tôi đem mấy chiếc áo hồ cừu này vào dâng quốc cữu.
Hùng Khởi Phượng cười mà bảo rằng:
- Ða tạ lòng tử tế của nữ chủ ngươi, nhưng ta đây lạnh ở trong tâm can, chứ không lạnh ở ngoài thân thể, dẫu khí tiết không bằng Hán Tô Vũ, cũng chưa phải dùng đến áo cừu. Các ngươi cứ đem về trả nữ chủ, nói áo cừu này đẹp thật, nhưng ta đây không dùng đến.
Nội giám nói:
- Hùng quốc cữu ơi! mấy chiếc áo cừu này, toàn là những đồ quý báu trong nội khố, giá đáng nghìn vàng mọt chiếc, quốc cữu mà mặc áo cừu này thì phẩm giá con người cũng tôn thêm lên vậy.
Hùng Khởi Phượng nổi giận quát mắng, mấy tên nội giám sợ hãi đem áo cừu ra, bấy giờ Hùng Khởi Phượng mới ngồi xuống ghế. Bỗng nghe báo có Thuận Thiên vương xin vào yết kiến. Hùng Khởi Phượng vội vàng nghênh tiếp. Thuận Thiên vương bước vào, nét mặt tươi cười mà nói với Hùng Khởi Phượng rằng:
- Tôi mắc bận mãi hôm nay mới vào bái yết quốc cữu được, thật là đáng tội.
Thuận Thiên vương vừa nói vừa sụp xuống lạy chào. Hùng Khởi Phượng vội vàng đỡ dậy mà đáp lễ lại, mới ngồi xuống ghế. Thuận Thiên vương ngẩn người ra nhìn Hùng Khởi Phượng không hề chớp mắt rồi khen rằng:
- Tôi trông quốc cữu tướng mạo đường hoàng, uy phong lẫm liệt, càng nhìn càng có vẻ đẹp, chẳng những nước tôi không ai sánh kịp, mà tôi thiết tưởng bên thiên triều cũng ít người được bằng vậy.
Hùng Khởi Phượng đáp rằng:
-Ngài dạy quá lời! Tôi phận hèn tài mọn, phụng mệnh thiên triều sang tới đây để tuyên dương đức hóa, không ngờ lại đem thân sang làm một kẻ tội tù. Tôi nực cười cho nữ chủ và các quan triều thần ở Cao Ly này thật toàn là những phường ngu muội. Tôi xin hỏi đại vương, như nữ chủ lưu tôi lại trong cung này là nghĩa thế nào, không sợ năm trăm quân thiên triều theo tôi sang đây, chúng lấy làm sĩ tiếu. Đại vương thử nghĩ mà coi: Từ đời ông Cơ Tử (Cơ Tử là anh em khác mẹ với vua Trụ nhà Ân. Thấy vua Trụ bạo ngược, nhiều kẻ trung thần bị giết. Cơ Tử đem theo một số người, bỏ sang nước Triều Tiên [Cao Ly]) thụ phong, khai sáng nước Cao Ly này vẫn lấy lễ nghĩa liêm sĩ làm trọng, nay nữ chủ làm càn như thế, chẳng những mua cười cho người trong nước, một mai đến tai thiên triều mà đem quân sang hỏi tội thì bấy giờ hối lại, phỏng có kịp không? Đại vương là một chi tộc trong hoàng phái, nỡ nào ngồi nhìn mà không ra tay cứu vớt cho nước nhà. Còn tôi đây dẫu sau cũng xin thủ tiết một lòng, tha hồ cho nữ chủ muốn dùng cách gì thì dùng, quyết không chịu vàng phai đá nát.
Hùng Khởi Phượng ơi! Xin quốc cữu bớt giận làm lành mà nghe tôi nói một lời. Cao Ly tôi là một nước nhỏ, khi nào dám trái mệnh thiên triều. Ngày nay nhân được quốc cữu tới đây, nữ chủ tôi muốn lưu lại trong cung, để cùng nhau đàm luận triều chính, quốc cữu không xét rõ, lại ngờ là có nhị tâm, thì thật rất oan cho nữ chủ tôi vậy. Năm nay thế tử nước tôi đã lên sáu tuổi, cần học vỡ lòng, vậy nữ chủ tôi sai tôi tới đây để bẩm bạch với quốc cữu muốn mời quốc cữu vỡ lòng cho thế tử, rồi qua đầu xuân sau, các đảo lại triều, sẽ cùng tiễn quốc cữu về nước.
Thuận Thiên vương vừa nói vừa tủm tỉm cười. Hùng Khởi Phượng lại hầm hầm nổi giận, đứng dậy mà hỏi rằng:
- Nữ chủ muốn lưu tôi lại để dạy thế tử phải không?
Thuận Thiên vương nói:
- Bẩm vâng!
Hùng Khởi Phượng nói:
- Đại vương ơi! Xin đại vương về tâu với nữ chủ, nói tôi đây dạ sắt gan vàng, dẫu nữ chủ dùng trăm phương nghìn kế gì, cũng không thể lay chuyển được. Từ khi tôi mới bước chân sang đất Cao Ly này thì lòng tôi đã bỏ cái chết ra ngoài vậy. Bây giờ không phải nói chi nữa, chỉ xin nữ chủ tha cho tôi ra khỏi chốn Xuân viên này, để hàng ngày được cùng Doãn thái sư cùng sum họp thì dẫu bắt tôi ở lại đây mấy năm, tôi cũng cam lòng.
Hùng Khởi Phượng nói xong thì Thuận Thiên vương lại tủm tỉm cười mà bảo rằng:
- Hùng quốc cữu ơi! Người ta có thức thời vụ mới gọi là tuấn kiệt. Nữ chủ tôi dẫu là đàn bà, nhưng rất có thao lược, quyết không bao giờ chịu theo ý quốc cữu nào. Đã đành rằng quốc cữu liều không sợ chết, nhưng phụng mệnh thiên triều tới đây, chưa được việc gì, mà đã khiến cho hai nước bất hòa thì sao tránh khỏi được tội “phụng sứ vô trạng”. Huống chi quốc cữu chết ở trong cung cấm, dẫu có một lòng trong sạch, nào ai là kẻ xét tình. Làm thân nam tử, vì việc ám muội mà chết thì tôi cũng tiếc cho quốc cữu vậy. Vả quan Doãn tướng công năm nay tuổi già, nếu quốc cữu bất hạnh làm sao thì tướng công khó lòng được an nhiên mà nước. Bấy giờ thiên triều tất cử binh sang đánh, tình hiếu hòa của hai nước trong mấy mươi năm trời, một sớm thành không, thế thì quốc cữu liều mình mà chết chẳng nên chút giá trị nào cả. Tôi là người Cao Ly, nói năng bộc trực, nửa vì quốc cữu, nửa vì nước tôi. Chi bằng quốc cữu vâng lời nữ chủ, tạm nhận chức tây tân ( tức ông thầy dạy học) này, rồi sau sẽ tùy cơ ứng biến, chắc cũng có ngày vén mây trông thấy mặt trời. Nếu quốc cữu thuận nghe lời tôi thì hôm nào thư thả, tôi xin cùng quốc cữu giải bày tâm sự. Có lẽ chỉ trong một năm, quốc cữu sẽ về nước được, mà cũng là hạnh phúc cho thần dân nước Cao Ly chúng tôi. Vừa rồi, tôi có vào yết kiến quan Doãn tướng công thì người nghe tôi nói cũng không hề nổi giận. Hiện đã nhận chức tu bổ quốc sử, và sai người mang biểu về dâng thiên triều. Tôi chắc thiên triều xem bản tâu ấy, cũng không khi nào có sự trở ngại.
Hùng Khởi Phượng nghe lời, nín lặng không nói câu gì. Thuận Thiên vương lại hỏi:
- Thế nào? Ngài có bằng lòng như thế không?
Hùng Khởi Phượng nói:
- Đại vương đã dạy, tôi xin vâng lời. Nhưng đại vương nên tâu với nữ chủ rằng: - đã cử tôi làm chức tay tân mà lại giam hãm tôi như thế này thì còn ra nghĩa lý chi nữa. Vậy nên để cho tôi được tự do đi ngao du trong nước. Ra vào hầu hạ, đã có nội giám, cấm không cho cung nữ đến quấy nhiễu tôi. Tính tôi ưa tĩnh, khi thế tử đến học, cũng không cho cung nữ đưa đến. Nếu trái lời tôi nói thì tôi xin từ chức tây tân.
Thuận Thiên vương cả cười mà đáp rằng:
- Nếu vậy hay! Quốc cữu thật là một ông mô phạm tiên sinh! Việc này tôi xin tuân mệnh, nhưng tôi có mấy lời tâm phúc ngõ cùng quốc cữu: Trong khi quốc cữu dạy bảo thế tử nên phải lưu ý một chút.
Nói xong, cáo từ lui ra. Lại vào tâu với Nam Kim nữ chủ rằng:
- Muôn tâu nữ chủ! Kẻ hạ thần phụng mệnh đến nói với Hùng quốc cữu. Lúc đầu quốc cữu cố chấp không chịu nhận lời về sau kẻ hạ thần hết sức khuyên nhủ, bấy giờ quốc cữu mới chịu nhận. Vậy nữ chủ nên truyền chọn ngày lành tháng tốt để cho thế tử đi học vỡ lòng.
Nam Kim nữ chủ nghe nói mừng lòng, nghĩ thầm: “Ngày nay ta hãy dùng cách giữ chàng ở lại, rồi dần dà sẽ liệu kế sau”. Bây giờ Nam Kim nữ chủ trọng thưởng cho Thuận Thiên vương và truyền chỉ cho Khâm Thiên giám tức khắc chọn ngày lành tháng tốt làm lễ vỡ lòng cho thế tử.
Lại nói chuyện trong triều nhà Nguyên, từ khi hai quan sứ thần đi sang Cao Ly rồi, chính sự khác trước hết cả. Đồ Man Hưng Phục thăng chức binh bộ thượng thư, hai con trai đều làm tổng trấn ngự lâm quân. Chúng ỷ thế nội giám Mã Thuận mà làm càn, Mã Thuận thì ngày đêm hết sức ô mị Phi Giao hoàng hậu, để mưu hại Lương thừa tướng. Một hôm, vua Anh Tôn tiếp được tờ biểu cáo tang của vợ chồng Hoàng Phủ Thiếu Hoa gửi đến, động lòng thương xót. Thượng hoàng ở nam nội cũng thương khóc một vị hiền thần. Thái hậu lại càng đau xót không biết dường nào, suốt ngày cứ vật mình lăn khóc, Phi Giao hoàng hậu nghe được tin ấy mừng thầm mà nói một mình rằng:
- Nếu vậy hay! Cha mẹ ta có tang, không tới đây được thì chính sự trong triều sẽ về một tay ta quyết đoán.
Phi Giao hoàng hậu mặt ngoài cũng giả cách bi ai khóc lóc, mấy hôm không vào nam nội vấn an. Vua Anh Tôn giao cho Lễ bộ quan bàn việc tuất điển. Lễ bộ quan tâu rằng:
- Muôn tâu bệ hạ! Kính vương nguyên là thân phụ thái hậu, lại là tổ phụ hữu hoàng hậu (Phi Giao) thì tuất điển phải đặc cách gia tăng.
Phi Giao hoàng hậu thấy tờ tâu cố ý can ngăn mà nói với vua Anh Tôn rằng:
- Bệ hạ nên truyền phán cho Lễ bộ quan cứ chiếu lệ thân phụ thái hậu mà định tuất điển, còn tôi đây là người thế nào mà dám viện lệ dự bàn đến việc ấy. Vả theo lệ thường thì trong cung chỉ có một hoàng hậu, nay tôi được phong làm hữu hoàng hậu, là quá lạm rồi. Dẫu sao cũng phận thứ phi quyết không nên việt lễ. Nếu như lời lễ bộ quan nói thì chẳng những trái với lòng khiêm tốn của tôi mà e rằng tổ phụ và tổ mẫu tôi ở dưới suối vàng, cũng không muốn vì tôi mà chia cái vinh quốc thích vậy.
Phi Giao hoàng hậu nói xong, nét mặt rầu rĩ, rồi thở dài một tiếng, hai hàng nước mắt lã chã tuôn rơi. Vua Anh Tôn thấy vậy vội vàng đỡ dậy mà khuyên giải rằng:
- Ái khanh ơi! Ái khanh chớ lấy làm phiền muộn. Hiện nay Hùng hậu đang bị bệnh, chưa biết sống chết thế nào. nếu Hùng hậu tạ thế thì ngôi chánh cung hoàng hậu kia không phải là ái khanh thì là ai...
Lại nói chuyện phò mã Triệu Câu nghe tin tổ phụ và tổ mẫu tạ thế , tức khắc dâng biểu về chịu tang. Thượng hoàng bất đắc dĩ cũng phải chuẩn tấu. Phi Loan quận chúa ngẫm nghĩ đứt từng khúc ruột. Bình Giang vương Hùng Hiệu thấy vậy, càng động lòng xót thương. Vệ Dũng Nga vương phi khóc lóc mà than rằng:
- Nghĩa phụ và nghĩa mẫu ta bấy lâu vẫn coi ta như con đẻ, ai ngờ đến lúc tạ thế mà ta không được đứng bên trong khi khâm liệm thì lòng này bao quản xót xa! Lương Cẩm Hà phu nhân thấy Phi Loan quận chúa thương khóc cũng tìm lời khuyên giải, còn Hùng Khởi Thần thì ra vào nâng đỡ hai thân. Hùng Hiệu nói với Vệ Dũng Nga vương phi rằng:
- Ngày nay phò mã Triệu Câu cáo về chịu tang, chi bằng ta cho Hùng Khởi Thần cùng đi luôn thể. Trước là viếng tang sau là về thăm quê nhà vậy.
Vệ Dũng Nga vương phi nghe nói gạt nước mắt mà vâng lời. Hùng Khởi Thần vội vàng bẩm rằng:
- Dám bẩm hai thân! Việc viếng tang, sai một tên người nhà đem lễ vật đi cũng được, hà tất phải bắt con đi. Vả anh Hùng Khởi Phượng con đi vắng thì con đi sao tiện, lấy ai làm người hầu hạ hai thân. Huống chi con đang đi học, cũng không khỏi sao nhãng.
Hùng Khởi Thần nói chưa dứt lời thì Hùng Hiệu liền nổi giận mắng rằng:
- Ta sai đi viếng tang mà con dam trái lời hay sao! Con nên biết rằng Hoàng Phủ Tương Vương là bạn chí thân với ta, tức là nhạc phục của con đó. Bấy lâu ta xa cửa lìa nhà liều chết cố sống đem thân ra nơi chiến trường để giúp bạn, mà bạn ta cũng coi ta như tay chân, một lòng sống chết có nhau. Ngày nay bạn ta có tang, vợ chồng ta không thể đi được, mới phải sai con, cớ sao con lại từ chối.
Hùng Khởi Thần run sợ quỳ xuống mà thưa rằng:
- Con xin vâng mệnh! Con xin vâng mệnh!
Hùng Khởi Thần nói chưa dứt lời thì bỗng thấy gia tướng vào bẩm rằng:
- Bẩm lão gia! Có phò mã Triệu Câu xin vào yết kiến.
Vợ chồng Hùng Hiệu đứng dậy nghênh tiếp. Phò mã Triệu Câu nét mặt buồn rầu thưa rằng:
- Dám thưa cô phụ và cô mẫu! Sáng mai thì điệt nhi về chịu tang, xin cô phụ phải lưu ý việc quốc chính. Thái hậu quá bi thương ,ai là người khuyên giải. Còn Phi Giao độ này đã có ý lộng quyền, Đồ Man Hưng Phục giao thông với Mã Thuận mà ngày đêm làm mê hoặc thánh thượng, hai con trai hắn lại ra sức luyện tập quân mã, điệt nhi chắc sau này chúng tất làm càn. Điệt nhi đã mật bẩm với Lương thừa tướng, nhưng ngài chỉ một lòng tận trung mà không biết tùy cơ ứng biến, khó tránh khỏi tai vạ về sau. Hôm nay điệt nhi về quê nhà, chảng hay em Phi Loan có muốn nhắn câu gì chăng?
Vệ Dũng Nga vương phi mời phò mã Triệu Câu ngồi, rồi sai gọi Phi Loan quận chúa. Bây giờ Phi Loan quận chúa đã mặc đồ tang phục, trông thấy anh liền khóc òa lên, Triệu Câu cũng khóc. Hùng Hiệu khuyên giải mà rằng:
- hiền điệt ơi! Con chớ lo phiền, cứ để em con ở đây, không ngại chi cả. Con về chịu tang nên mau mau mà lại tới đây.
Vệ Dũng Nga vương phi nói:
- Điệt nhi về chuyến này, chớ tới đây vội, nên hãy ở nhà mà chờ tin tức xem sao. Nhà ta đây khó lòng tránh khỏi tai vạ, bấy giờ điệt nhi sẽ đem thân báo quốc về sau. Hùng Khởi Thần theo viếng tang, ta xin gởi lại đấy để giữ lấy dòng dõi họ Hùng, chớ khiến trở về kinh địa; còn như Hùng Khởi Phượng đi sứ, cũng vị tất đã được về nào.
Vệ Dũng Nga vương phi vừa nói vừa ứa hai hàng nước mắt xuống. Hùng Khởi Thần liền ôm lấy mà khóc rằng:
- Thân mẫu ơi! Thân mẫu nỡ lòng nào dứt tình bắt con phải đi nơi khác. Con há phải là phường tham sống, khi nào hịu rời bỏ hai thân. Thôi thì sống chết cố mệnh, con xin ở luôn dưới gối cha mẹ vậy.
Nói xong, hai tay cứ ôm chặt lấy mà nức nở khóc lóc. Tình cảnh ấy, khiến người trông thấy, dẫu gan sắt đá cũng phải xót thương. Vệ Dũng Nga vương phi đứng ngẫn người ra, không nỡ buông lời sỉ mắng.
Hùng Hiệu liền nổi giận mà rằng:
- Hùng Hiệu này, không ngờ lại sinh phải đứa con bất hiếu. Chẳng thà liều một mũi gươm, cho khỏi bị tay đứa quyền gian kia vậy.
Nói xong, tức khắc rút thanh bảo kiếm. Phò mã Triệu Câu quì xuống mà can rằng:
- Cô phụ ơi! Biểu đệ con hãy còn trẻ dại, xin cô phụ hãy dung thứ cho một phen.
Vệ Dũng Nga vương phi cũng nói:
- Vệ Dũng Nga vương phi cũng nói:
- Thôi, lần này là lần đầu, hãy tha thứ cho nó. Ta đã sửa soạn đồ tư trang, con nên mau mau khởi hành.
Hùng Hiệu buông thanh kiếm xuống, vẫn còn hầm hầm tức giận mà quay trở ra. Phò mã Triệu Câu cũng xin cáo từ.
Phi Loan quận chúa nói ra không tiện, chỉ gạt nước mắt khóc thầm. Vệ Dũng Nga vương phi đem tập tranh “bách mỹ” trao cho Hùng Khởi Thần mà bảo rằng:
- Đây là tập tranh của cô mẫu đưa cho, con nên giữ gìn luôn ở cạnh mình, chớ để thất lạc. Còn một hạt minh châu này, khi trước thân phụ con ra trận lấy được, đem dâng thiên tử, thiên tử lại ban cho thân phụ con. Về sau thân phụ con dùng làm đồ sính lễ để cưới ta đó, ngày nay ta bỏ vào trong cái túi nhỏ, để con đeo ở cạnh mình.
Hùng Khởi Thần vừa khóc vừa vâng lời dặn bảo.
Lại nói chuyện phò mã Triệu Câu về phủ, từ biệt cùng em là Triệu Lân. Triệu Câu nói:
- Hôm nay anh đã được thánh thượng phê chuẩn, sáng mai sẽ khởi hành. Nhưng anh xem thần sắc thái hậu độ này suy kém, không được lanh lợi như xưa, các thái y quan bốc thuốc, đều chẳng thấy công hiệu. Hôm trước anh đã tâu rõ với thượng hoàng là em có am hiểu y lý, vậy em nên vào cung trông nom việc thuốc thang. Lại còn một việc, em vốn tính ôn hòa, hoặc thừa cơ mà tâu bày bệnh tình của chánh cung hoàng hậu thực giả thế nào. Em xem hễ có long thai thì nên dùng cách mà bảo toàn cho được vô sự. Việc ấy chẳng những báo đáp triều đình, mà lại có thể bảo toàn được cho cha mẹ. Gia Tường công chúa vốn là người hiền đức, có thể tin cậy được, gặp việc gì khó khăn cũng nên báo cho công chúa biết.
Triệu Lân nghe nói gạt nước mắt mà nói:
- Thân huynh ơi! Em cũng lo cho nhà Hoàng Phủ ta lắm, không biết có bảo toàn được thủy chung hay không?
Hai anh em đàm luận cùng nhau hồi lâu, phò mã Triệu Câu lại trở vào trong phòng. Gia Tường công chúa đứng dậy đón, rồi cùng nhau ngồi nói chuyện. Tính trước bàn sau, than dài thở ngắn, hai vợ chồng đều nhỏ nước mắt khóc. Gia Tường công chúa truyền các nữ tỳ lui ra, rồi khẽ bảo phò mã Triệu Câu rằng:
- Hôm trước nội giám Quyền Xương thuật chuyện cho tôi nghe rằng: Phi Giao hoàng hậu tâu thánh thượng nói ba vị thân vương ở nam nội được thượng hoàng và thái hậu tin yêu làm nhiều điều trái phép, vậy thánh thượng nên nghĩ cách mà chia phong cho mỗi người đi một chỗ, cho được yên việc trong cung. Bà Ôn phi và Mai phi cũng xin cho đi theo con, để khỏi đem những lời sàm báng mà tâu với thái hậu. Thánh thượng nghe lời tâu, dẫu ngần ngừ chưa phán bảo thế nào, nhưng tiô chắc rằng ba vị thân vương tất không được ở nam nội nữa.
Phò mã Triệu Câu nghe nói mừng mà bảo rằng:
- Nếu vậy thì hay! Tôi đây sẽ có kế, nhưng bây giờ nói ra không tiện. Công chúa ơi! công chúa nên đề phòng cẩn mật chớ lộ hình tích cho ai biết, trước là khiến thượng hoàng và thái hậu được yên lòng, sau là hộ vệ cho Hùng hậu ở trong cung được an toàn vô sự. Còn ngoài ra đất lở trời nghiêng đã có Triệu Câu này. Ngày nay xin dặn một điều thiết yếu là nên tâu cho em tôi là Triệu Lân vào làm y quan, để trông nom việc thuốc thang co thái hậu và Hùng hậu thì họa may long thai của Hùng hậu mới khỏi bị hại vậy. Tôi chỉ nhờ công chúa một việc ấy, còn việc tôi đi chuyến này đường sá xa xôi, công chúa bất tất phải lo ngại.
Gia Tường công chúa nức nở khóc mà đáp:
- Phò mã ơi! Xin phò mã thay tôi dâng lời thăm hỏi hai thân, chỉ vì quốc thể mà tôi không thể cùng đi được. Phò mã nên khuyên hai thân chớ quá nghĩ, Phi Giao hoàng hậu lộng quyền như thế, nếu Mạnh vương phi ta tới đây thì có lẽ cũng bớt được một vài.
Hai vợ chồng đàm luận cùng nhau cho đến sáng. Sáng hôm sau, phò mã Triệu Câu khởi hành về chịu tang tổ phụ và tổ mẫu. Hùng Khởi Thần cũng theo về viếng tang luôn thể. Còn Triệu Lân thì được vào làm thái y quan.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui