Từng có một người yêu tôi như sinh mệnh

Sẽ không còn ánh trăng nào như vậy. 
Ánh sáng mê ly xuyên qua rừng cây
Tạo nên ánh sáng rực rỡ trong cô tịch
Nhẹ nhàng chiếu rọi vẻ đẹp mỹ lệ của người tôi yêu (Ánh trăng- Puskin)
“2, 3, 4…”. Tôi thả hai tay vào túi áo khoác, nhìn chăm chăm con số đang nhảy trên biển báo thang máy, trong lòng vô ý thức đếm nhẩm theo. Bàn tay tôi vì một nỗi lo lắng mơ hồ, bỗng dưng ướt đẫm mồ hôi.
Thang máy cũ kỹ phát ra tiếng kêu lọc sọc, bò lên từng tầng một cách chậm chạp. Ô con số của thang máy chỉ có số mười báo hiệu đèn đỏ, đây là tầng lầu tôi đang đi lên, cũng là đích đến của một người đàn ông khác cùng ở trong thang máy.
Không hiểu tại sao, tôi cảm thấy người đàn ông ở phía đối diện toát ra không khí căng thẳng và nguy hiểm.
Người đó ăn mặc chỉnh tề, nhưng quần áo rõ ràng không vừa thân, như kiểu mới đi mượn ở đâu đó. Khi bước vào thang máy, anh ta đưa mắt nhìn tôi, ánh mắt anh ta chỉ có thể hình dung bằng một từ sát khí đằng đằng khiến toàn thân tôi lạnh toát. Khi tôi lén nhìn anh ta, anh như có giác quan thứ sáu quay về phía tôi, con ngươi màu nâu lạnh lẽo đến mức làm tôi nín thở.
Tôi bất an cúi đầu tránh ánh mắt của anh ta, trong lòng chỉ mong thang máy mau dừng lại.
Tòa nhà thương mại mười hai tầng này nằm ở bên cạnh chợ “Bảy km” của thành phố Odessa. Ngôi chợ ngoài người Ả Rập, người Romania và người Ba Lan, đến bảy mươi phần trăm là thương nhân Trung Quốc. Người đàn ông kỳ lạ ở trước mặt tôi, xét từ ngũ quan đến quần áo, rõ ràng là người Trung Quốc.
Lúc này biển báo trên thang máy nhấp nháy ở tầng bảy, chứng tỏ cũng có người đang đợi thang máy.
Cửa thang máy vừa mở, tôi nhìn thấy một đôi giày da đàn ông màu đen đi đến bên cạnh tôi. Anh ta mặc áo khoác gió màu da bò và quần âu màu xám là thẳng nếp.
Không gian chật hẹp xuất hiện thêm một người khiến sự bất an trong tôi vơi đi ít nhiều. Tôi không ngẩng đầu, chỉ thở một hơi dài nhẹ nhõm, khóe mắt thấy người đàn ông vừa bước vào giơ tay bấm số “12″.
Đến tầng mười, cửa thang máy từ từ mở ra, trong đầu tôi nghĩ tới muôn vàn lý do giải thích với Bành Duy Duy tại sao tôi đến muộn.
Sự việc xảy ra vào đúng thời khắc đó.
Tôi hoảng sợ đến nỗi sau này tôi chẳng nhớ gì cả. Tôi chỉ nhớ khi cửa thang máy mở ra, trước mặt tôi là một đống người.
Tôi vẫn chưa kịp phản ứng đã bị ai đó ném ra khỏi thang máy, đầu tôi đập mạnh vào bức tường đối diện khiến tôi choáng váng.
Đợi đến khi thị giác hồi phục, toàn thân tôi đã mất đi năng lực ứng phó. Trong tầm nhìn của tôi chỉ còn những cây gậy bóng chày và con dao sắc nhọn vung lên, người nằm trên mặt đất không ngừng giãy giụa, máu đỏ xối ra như tắm. Cảnh tượng trước mặt còn tàn khốc hơn phim điện ảnh xã hội đen gấp trăm lần.
Tôi bắt đầu thét lên, chân tay dịch chuyển sang bên cạnh nhưng vẫn không tránh khỏi vũng máu dưới đất. Tôi khóc nức nở, toàn thân run lẩy bẩy giống như đang gặp một cơn ác mộng, nhưng ngoài việc kêu gào tôi không có cách nào thoát khỏi ác mộng.
Từ xa xa có tiếng còi hụ xe cảnh sát từ bốn phương tám hướng dội về.
Có người nói lớn tiếng: “Cảnh sát! Đi thôi!”. Là tiếng Trung Quốc mang âm ngữ vùng Triết Giang.
Mười mấy bóng đen nhanh chóng biến mất, để lại hung khí đầy máu và một thân thể nát bét không thành hình trên mặt đất.
Lúc đó không hiểu đầu óc tôi bị đứt sợi dây thần kinh nào, tôi ngừng la hét và trở mình đứng dậy, mắt không rời khỏi vũng máu đỏ. Thậm chí tôi theo phản xạ nhìn đống bầy nhầy dưới đất xem là cơ quan nội tạng nào.
Đang chăm chú quan sát, cảnh vật trước mắt tôi đột nhiên tối đen, màu máu đỏ biến mất. Tôi nhắm mắt, mũi ngửi thấy mùi thuốc lá và mùi thuộc da nhè nhẹ. Rất lâu sau đó tôi mới biết, có người đã kéo tôi vào ngực và dùng vạt áo khoác che lên đỉnh đầu tôi.
Bên tai tôi vọng đến tiếng nói khẽ của một người đàn ông, anh ta nói tiếng Trung: “Cô hãy cho cảnh sát biết, cô không nhìn thấy gì cả, nhớ chưa?” Đây là ký ức cuối cùng của tôi về hiện trường vụ án mạng.

Đến lúc tôi hồi phục thần trí, người đã ở đồn cảnh sát.
Đồng phục cảnh sát Ukraine có màu xanh xám, hơi giống sắc phục của ngành đường sắt ở trong nước.
Về giới cảnh sát, lúc ở trong nước tôi đã không có ấn tượng tốt lắm. Khi đến Ukraine, ngoài những điều nghe được từ đồng bào, bộ mặt tham lam của người cảnh sát lúc nhập cảnh đã khiến ấn tượng đầu tiên của tôi giảm đi năm mươi phần trăm.
Tôi đưa mắt nhìn bốn xung quanh, phát hiện tôi đang ở trong một căn phòng thẩm vấn kín mít. Trong phòng có một chiếc bàn dài, hai chiếc ghế. Ánh đèn trên trần chiếu sáng đến mức tôi có cảm giác chóng mặt.
Đại não bắt đầu hoạt động trở lại, trí nhớ dần hồi phục, cảnh tượng máu me lại xuất hiện trước mắt tôi. Tôi vùi đầu vào hai cánh tay, cố gắng kìm chế nhưng không thể nào giữ thân thể khỏi run rẩy.
Người cảnh sát ngồi ở phía đối diện không hề tỏ ra thương hoa tiếc ngọc. Anh ta ho khan một tiếng rồi bắt đầu dùng tiếng Anh thẩm vấn:
“Tên?”
“Mai.” Tôi chống tay lên đầu trả lời miễn cưỡng.
“Họ?”
“Triệu.”
“Quốc tịch?”
“Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.”
“Thân phận?”
“Sinh viên học viện âm nhạc quốc lập Odessa.”
“Địa chỉ?”
Tôi báo địa chỉ nơi ở hiện tại. Người cảnh sát cau mày: “Tại sao địa chỉ không trùng khớp với địa chỉ trên visa?”. Tuy ngữ điệu cứng nhắc nhưng phát âm tiếng Anh của anh ta khá chuẩn, không giống người Ukraine bình thường mỗi khi nói tiếng Anh miệng lụng bụng như ngậm một ngụm rượu Vodka.
“Bởi vì lúc làm visa không ai nói cho tôi biết, địa chỉ đó bao gồm cả gián và chuột”. Tôi bắt đầu mất kiên nhẫn, cau mày nhìn anh ta: “Lẽ nào anh chưa từng sống ở ký túc xá sinh viên?”
Gương mặt lạnh lùng của anh ta đến lúc này mới hơi giãn ra, khóe miệng nhếch lên mỉm cười. Bấy giờ tôi mới chú ý, người đối diện là một anh chàng Ukraine rất đẹp trai. Dưới chiếc mũ cảnh sát là một đôi mắt xanh như nước biển, sâu thẳm không thấy đáy.
Nụ cười của anh ta giống ánh nắng mặt trời ló ra từ đằng sau đám mây đen. Tuy nhiên, vẻ mặt này nhanh chóng biến mất, anh ta lại bắt đầu đặt một số câu hỏi sắc bén về chủ đề chính.
“Tôi không nhìn thấy gì cả”. Đối mặt với sự truy vấn của người cảnh sát, tôi chỉ trả lời đúng một câu duy nhất. Trên thực tế, tôi đúng là chẳng nhìn thấy gì cả. Mà khả năng tiếng Nga có hạn của tôi chỉ cho phép tôi biểu đạt câu này một cách chính xác nhất về mặt ngữ pháp và phát âm rõ ràng nhất.
Trong khi đó, giọng nói trầm ấm đầy từ tính của người đàn ông lạ mặt luôn văng vẳng bên tai tôi: Cô hãy khai với cảnh sát, cô không nhìn thấy gì cả, nhớ chưa?.
Tôi cố gắng hồi tưởng lại dáng vẻ và nét đặc trưng của người đàn ông đó nhưng không có kết quả. Trong đầu tôi chỉ xuất hiện đúng một hình ảnh duy nhất là cái áo khoác màu nâu của anh ta.
Cuối cùng tôi cũng có thể rời khỏi đồn cảnh sát, lúc này đã là nửa đêm. Bành Duy Duy với gương mặt xinh đẹp không tì vết đứng đợi tôi ở phía trước.
“Triệu Mai, số cậu lớn thật đấy.” Bành Duy Duy tiến đến mỉm cười, nhưng ánh mắt cô không dừng ở người tôi mà nhìn chăm chú ra đằng sau lưng tôi.
Tôi ngoảnh đầu, hóa ra phía sau là anh chàng cảnh sát đẹp trai cao ráo vừa thẩm vấn tôi. Thảo nào thần sắc của Duy Duy giống như con gấu Winnie nhìn thấy mật ong, đôi mắt tròn xoe của cô lúc này híp lại thành nửa vầng trăng.
“Cô Triệu, cô quên không cầm hộ chiếu.” Anh chàng cảnh sát hình như đã quen với ánh mắt của đám sắc nữ nên không hề để ý đến Duy Duy. Anh ta lặng lẽ giơ tay về phía tôi. 
Trong tay anh ta là một quyển hộ chiếu màu nâu. Tôi nhận quyển hộ chiếu, lật vài trang, gật đầu cám ơn anh ta rồi kéo tay Duy Duy: “Chúng ta đi thôi.”
Duy Duy rất không vui, cô cố gắng thoát khỏi sự khống chế của tôi: “Đi vội thế làm gì?”
Tôi chẳng thèm bận tâm đến Duy Duy, trong lòng tôi ít nhiều cũng oán trách cô. Nếu không phải vì đi mua áo khoác lông vũ với Duy Duy, tôi không cần vừa tan học đã chạy đến nơi đó và gặp chuyện đen đủi như vậy. Lúc này tôi chỉ muốn lập tức rời khỏi đồn cảnh sát, thế nhưng do ảnh hưởng của sự việc hồi chiều, đầu óc tôi choáng váng, cổ họng buồn nôn, hai chân mềm nhũn không còn sức lực.
Thấy sắc mặt tôi không được tốt lắm, Duy Duy ngoan ngoãn ngậm miệng và giơ tay đỡ tôi.
“Cô Triệu!”. Anh chàng mật ong nhắc nhở: “Visa của cô sắp hết hạn rồi, cần nhanh chóng làm thủ tục gia hạn.”
Tôi quay đầu nhìn tòa nhà Cục cảnh sát Odessa, đầu óc tự nhiên quay cuồng rồi cảnh tượng trước mặt tối sầm.
Lúc tỉnh lại, đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng. Tôi thốt ra một câu bất cứ người nào sau khi mất đi tri giác hai tiếng đồng hồ cũng sẽ nói: “Tại sao tớ lại ở đây?”
Bành Duy Duy véo má tôi: “Cậu đụng phải xã hội đen mà không bị giết người diệt khẩu. Bây giờ cậu vẫn nghe rõ nhìn rõ, tứ chi đầy đủ.” Tôi chỉ cau mày, không lên tiếng.
Bành Duy Duy là bạn học của tôi ở trường trung học âm nhạc. Lúc đó tôi học piano, còn cô ấy học thanh nhạc. Duy Duy vốn là một cô gái thanh tú tao nhã, không ngờ đến Ukraine chưa đầy một năm, cô mở miệng là phun ra những lời thô lỗ.
Khoan đã, đụng phải xã hội đen? Toàn bộ ký ức quay về trong giây lát. Tôi nhìn Duy Duy rồi từ từ cuộn chặt người và khóc nức nở: “Mẹ ơi…”. Tôi vẫn vô dụng như hồi nhỏ, mỗi khi gặp chuyện tồi tệ, phản ứng đầu tiên của tôi là tìm mẹ.
“Bác sỹ! Bác sỹ!”. Duy Duy ôm chặt lấy tôi, cất cao giọng gọi bác sỹ.
Cánh tay bị người giữ chặt, toàn thân lúc thì lạnh toát, rồi lại đau buốt khôn cùng, tôi dần dần khóc không ra tiếng nhưng vẫn tiếp tục sụt sịt. Sau đó tôi chìm vào giấc ngủ, có lẽ do công hiệu của thuốc an thần.
———————
Vài ngày sau, báo chí địa phương đăng tin ảnh về vụ án mạng. Hóa ra không chỉ một mình tôi mà cũng có người khác chứng kiến cảnh bạo lực trăm năm hiếm thấy này. Mấy chục chiếc xe cảnh sát bao vây cả tòa nhà, vô số cơ quan báo chí tụ tập ở gần chợ của người Trung Quốc. Người dân Odessa tương đối chất phác thật thà, bao nhiêu năm qua họ chưa từng gặp một vụ án nào ghê rợn như vậy.
Phía cảnh sát nghi ngờ đây là vụ trả thù của các băng nhóm xã hội đen. Nhưng có một chuyện khá nực cười là một nửa lực lượng cảnh sát của thành phố Odessa bao vây và kiểm tra kỹ lưỡng cả tòa nhà mười hai tầng nhưng không bắt được một kẻ tình nghi nào. Sau đó họ đành phải tạm giữ mười mấy người là nhân chứng ở hiện trường.
Nghe nói, tôi và một người đàn ông Trung Quốc khác là hai nhân chứng ở gần hiện trường gây án nhất. Điều đó có thể giải thích lý do tại sao cảnh sát Odessa lại cố moi tin từ tôi. Nhưng trong lúc hôn mê, tôi đã bỏ lỡ thời khắc náo nhiệt nhất, kịch tính và có tính lịch sử nhất của Odessa.
Tôi kể lại cho Duy Duy nghe toàn bộ chuyện xảy ra ở hiện trường. Duy Duy ngẫm nghĩ một lúc rồi nói, người đàn ông đó có ý tốt nên mới dặn tôi làm vậy. Nếu tôi không biết giữ mồm giữ miệng khai hết với cảnh sát, nhỡ gây thù chuốc oán với xã hội đen hậu quả sẽ rất khó lường.
Mấy ngày sau đó tôi hay ngồi ngây ra, trong đầu hồi tưởng giọng nói trầm ấm của người đàn ông, đồng thời rất hiếu kỳ không biết anh ta là người thế nào.
Một tuần sau tôi được xuất viện, tôi ở nhà nghỉ ngơi thêm một ngày. Sau khi thu dọn sách vở và bản nhạc, tôi đột nhiên nhớ đến vụ gia hạn visa. Tôi bất giác cảm thấy nặng nề, bởi vì tôi buộc phải đến cục cảnh sát, nơi gợi nhớ đến cơn ác mộng đáng sợ.
Từ văn phòng di dân đi ra, tâm trạng tôi tệ đến mức khó có thể hình dung. Trên đường đi tôi đá bay không biết bao nhiêu chiếc lá vàng rơi, tôi chỉ muốn hét thật to để giải tỏa ấm ức. Tôi thật sự không ngờ, một phút vô ý và khinh suất lại tạo thành hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Ba năm trước, tôi tốt nghiệp ở một trường trung học âm nhạc nổi tiếng của thủ đô Bắc Kinh. Thành tích học tập của tôi vốn rất tốt, lúc thi đại học chỉ vì tham ăn một bát canh vị cay, tôi bị đi ngoài ba ngày liền, thành ra lúc đi thi tôi làm bài chẳng ra sao, kết quả là giấc mơ vào Học viện âm nhạc Trung ương đứt gánh giữa đường.
Tôi không đồng ý với sự phân bổ, lại không muốn quay về thời ôn thi vất vả của năm cuối cấp, vì vậy tôi trở thành thiếu nữ có vấn đề và kẻ thất nghiệp trong con mắt bố mẹ tôi. Sau nửa năm nhàn rỗi ở nhà, bạn học giới thiệu việc làm cho tôi, mỗi buổi chiều tôi chơi đàn piano tại một khách sạn bốn sao, thu nhập gọi là tạm đủ nuôi sống bản thân.
Hai năm trôi qua trong chớp mắt, tôi chán ngấy cuộc sống mua vui cho những kẻ chẳng hiểu gì về nghệ thuật. Giấc mơ của tôi là gia nhập Học viện nghệ thuật của nước Áo hay nước Pháp. Nhưng bố mẹ tôi chỉ là kỹ sư bình thường ở một Viện thiết kế, gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, nên đối với những trường có khoản tiền học phí cao ngất trời, tôi chỉ có thể “kính nhi viễn chi”. (Kính nhi viễn chi: đứng nhìn từ xa)
Cho đến khi Bành Duy Duy gửi một email từ Ukraine, hết lời khen ngợi thành phố Odessa và thêm vào đó là điều kiện ưu việt dành cho du học sinh, cuối cùng tôi cũng động lòng. Dựa vào khoản tiết kiệm có hạn của bố mẹ, tôi tới Ukraine với visa có thời hạn ba tháng và trở thành sinh viên dự bị của Học viện âm nhạc quốc lập Odessa.
Trước khi xuất phát, tôi nằm bò lên bản đồ thế giới tìm kiếm vị trí của Odessa. Về đất nước Ukraine, tôi chỉ biết mỗi Pavel Korchagin (nhân vật chính trong tác phẩm văn học kinh điển “Thép đã tôi thế đấy”) và Nguyên soái Hồng quân Liên Xô trong thế chiến thứ hai Zhukov đều là người Ukraine.
Odessa nằm ở miền nam Ukraine, giáp Biển Đen, nơi này từng là một trong những thành phố hải cảng quan trọng nhất của Liên Xô cũ. Thành phố được xây dựng từ thời Hy Lạp cổ đại, từ đây có tuyến đường biển đi tới Romania, Pháp, Hy Lạp, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngôn ngữ địa phương là tiếng Ukraine, ngôn ngữ thịnh hành trên đường phố là tiếng Nga.
Học viện âm nhạc quốc lập Odessa là một trong những trường dạy nhạc cổ xưa nhất Ukraine, cũng là thành viên của Hiệp hội Học viện âm nhạc châu Âu. Mục đích của tôi là dùng nơi này làm bàn đạp, hai ba năm sau tôi hy vọng thông qua học viện âm nhạc này có thể tìm ra cơ hội tới các nước EU.
Vậy mà giấc mơ của tôi vừa bị một nhân viên mặt sắt đen sì của văn phòng di dân phá vỡ. Anh ta lạnh lùng nói với tôi, địa chỉ trong tài liệu xin visa gốc và địa chỉ nơi ở hiện tại không thống nhất, nếu tôi muốn gia hạn visa, tôi phải nộp giấy xác nhận sống ở ký túc xá trường học.
Tôi nói: “Tôi xin lỗi, tôi đã rời khỏi ký túc xá rồi.”
“Thế thì hết cách.” Anh ta nhún vai: “Luật pháp quy định, cô phải cung cấp giấy xác nhận khớp với tài liệu xin visa đầu tiên”.
“Đây là quy định ngốc nghếch gì vậy?” Tôi cảm thấy khó hiểu, lẽ nào một người nước ngoài sống ở Ukraine mười năm phải quay về nơi ở từ mười năm trước mới có thể xin gia hạn visa?
“Cô có thể chuyển về ký túc xá”. Anh ta quả nhiên đưa ra một kiến nghị chán ngắt.
Chuyển cái đầu anh! Tôi tức đến mức không chịu nổi nên chửi bậy bằng tiếng Trung, dù sao anh ta cũng không hiểu. Tác phong quan liêu của đất nước từng thuộc khối xã hội chủ nghĩa đúng là chẳng khác gì ở trong nước.
Anh ta lạnh lùng vô cảm trả lại giấy tờ cho tôi và nói với giọng nghiêm túc: “Nếu không, cô chỉ có thể quay về đất nước của cô”.
Tôi hận đến mức muốn bay qua cái bàn siết chết anh ta. Lúc này chỉ còn mười ngày nữa visa của tôi sẽ hết hạn. Ký túc xá lại đông người như vậy, làm gì còn chỗ trống cho tôi chen vào.
Hậu quả của việc không gia hạn visa kịp thời, anh ta cũng nói rất rõ ràng, tôi sẽ trở thành di dân nhập cảnh trái phép, tiếng lóng gọi là “người đen”. Từ “người đen” trở thành cư dân hợp pháp gần như phải dựa vào vận may, trước đó cũng từng có tiền lệ nhưng cần tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc.
Tôi vội vàng quay về trường học, trình bày với ban quản lý ký túc xá suốt cả buổi chiều mà không có kết quả. Cuối cùng, tôi thẫn thờ đi bộ về chỗ ở.
Trong lúc vật vờ ở trên đường như người mộng du, tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc đến hậu sự. Nếu tôi không thể gia hạn visa thì phải làm thế nào.
Đi đến giữa ngã ba, tôi mải suy nghĩ nên không để ý đến một chiếc xe thể thao đột nhiên lao tới. Khi tôi ý thức được nguy hiểm thì đã không kịp né tránh. Tôi chỉ biết đứng ngây người ở đó, đầu óc hoàn toàn trống rỗng.
Tiếng xe phanh kít nhức tai, đầu xe ô tô dừng sát bên trái người tôi. Tôi đứng đờ ra ở giữa đường, hai chân quên mất phải di chuyển như thế nào.
Người lái xe có lẽ cũng bị bất ngờ như tôi, một lúc lâu sau anh ta mới xuống xe và xông đến chỗ tôi. Anh ta chỉ tay lên mũi tôi, hỏi bằng tiếng Nga: “Cô…cô làm sao vậy?”
Tôi ngẩng đầu, bắt gặp một gương mặt rất điển trai và phóng túng, là gương mặt của người phương Đông.
Sự ức chế kìm nén trong một ngày đột nhiên bùng phát, tôi cầm balo đập mạnh vào người anh ta và mắng bằng tiếng Trung: “Mẹ nó, anh đâm người mà còn ngang ngược thế. Anh là ai hả? Có BMW thì giỏi lắm sao? Có bản lĩnh thì anh về Trung Quốc giở trò đi, lên mặt ở lãnh địa của người khác thì có gì là ghê gớm.”
Người đó hiển nhiên giật mình trước hành động hung hãn của tôi, anh ta lùi lại phía sau tránh đồ bay ra từ chiếc balo của tôi. Anh ta đáp lại bằng tiếng Trung: “Ôi trời, một cô gái trông có vẻ dịu dàng mà sao hung dữ thế? Đi không nhìn đường, cô có nói lý lẽ không đấy? Còn đánh người nữa, cô có tin tôi sẽ đánh lại cô không?”
Tôi đang điên nên bất chấp tất cả, tôi xông đến trước mặt anh ta: “Được thôi, bây giờ anh đánh đi, không đánh anh là cháu tôi”.
Anh ta nhìn tôi chăm chú, ánh mắt anh ta lóe lên một tia kỳ quái, giống như kinh ngạc, giống như bừng tỉnh. Sau đó anh ta bật cười: “Ok, coi như cô lợi hại. Hôm nay tôi được mở rộng tầm mắt.”
Anh ta túm lấy balo của tôi, tôi ra sức giật lại nhưng không thành công. Tôi trừng mắt với anh ta, còn anh ta chỉ cười cười, ánh mắt đảo đi đảo lại trên mặt tôi.
Cửa bên kia chiếc xe mở ra, một cô gái bản xứ có thân hình bốc lửa xuống xe. Cô ta đứng ở cửa xe gọi người đàn ông: “Mark, lên xe đi!”. Giọng nói cô ta nhão nhoẹt như chảy nước mật đến nơi.
Odessa vào tháng 10 nhiệt độ tương đối thấp. Vậy mà người phụ nữ kia vẫn mặc bộ váy da báo hở ngực ngắn cũn. Bộ ngực đầy đặn và đôi chân dài đong đưa trong tiết thu giá lạnh. Cô ta cũng không sợ bị đông cứng, tôi bĩu môi khinh bỉ.
Phụ nữ ăn mặc kiểu này có thể bắt gặp ở bất cứ nơi nào trên đường phố Odessa. Bọn họ đều rất xinh đẹp, mười sáu mười bảy tuổi bắt đầu ra đường kiếm tiền, mục tiêu của bọn họ thường là thương nhân người Hoa và người Ả Rập làm ăn ở Odessa. Bọn họ đang ở độ tuổi thiếu nữ đẹp nhất, đều có gương mặt xinh xắn, làn da trắng mịn như sữa bò, đôi môi đỏ như cánh hoa, vậy mà giá rẻ đến không ngờ, chỉ hai mươi đô la Mỹ cho một đêm.
Đám thương nhân Trung Quốc chìm đắm trong hoan lạc quên cả đất trời. Bọn họ tự nhận mình là “đội pháo Đại Thanh”. “Đại Thanh” tất nhiên là chỉ Trung Quốc, hai từ “đội pháo” chỉ có thể hiểu nghĩa chứ không thể giải thích thành lời. Tóm lại là cùng một giuộc với những kẻ phóng xe bạt mạng trên đường, suốt ngày lượn lờ ở casino và hễ mở miệng nói chuyện là không biết trời cao đất dày.
Nghe tiếng gọi của cô gái, người đàn ông mỉm cười rồi buông tay. Anh ta đi đến bên cô gái, ôm chặt eo cô ta và cúi xuống thì thầm điều gì đó vào tai cô gái. Cô gái bật cười thành tiếng, đưa mắt dò xét tôi.
Tôi quỳ xuống nhặt từng thứ rơi bừa bãi trên mặt đất. Cảm giác chua xót từ đáy lòng dội lên khiến trước mắt tôi đột nhiên mờ dần. Tôi không hiểu tại sao mình lại rời khỏi bố mẹ, rời xa ngôi nhà ấm áp dễ chịu ở Bắc Kinh đến nơi tồi tệ này, còn bị loại người khốn khiếp kia ức hiếp.
Nước mắt rơi xuống, tôi giơ tay lau sạch. Tôi thầm nhủ với bản thân: Cùng lắm là về nhà, có gì đáng khóc chứ. Triệu Mai, ngươi quả là vô dụng!
“Hóa ra cô là Triệu Mai”. Một đôi bốt màu nâu xuất hiện trước mắt tôi.
Tim tôi đột nhiên đập mạnh, giọng nói trầm ấm này rất đỗi quen thuộc, đã lưu lại trong ký ức của tôi. Tôi ngẩng đầu, thuận theo quần jeans và áo khoác da nhìn lên. Người đàn ông đáng chết đó đang cầm quyển hộ chiếu của tôi, thích thú lật từng trang một.
Tôi giật quyển hộ chiếu trên tay anh ta và bỏ vào balo, đứng dậy bước đi. Không thể nào, tôi nghĩ thầm, chỉ là giọng nói giống nhau mà thôi. Giọng nói đó dịu dàng như vậy, chủ nhân của nó sao có thể là người nông cạn dung tục như người đàn ông này?
“Này…này”. Người đàn ông đuổi theo sau: “Cô cũng không nhìn xem tôi có bị thương hay không? Ra tay đánh người rồi bỏ đi mất, tiền thuốc thang viện phí sẽ tính vào ai hả?”
“Anh đi chết đi!”. Tôi quay đầu rít lên với anh ta.
Lớn bằng từng này, loại người tôi coi thường nhất là loại “gối thêu hoa” như anh ta. (“Tú hoa chẩm đầu” (gối thêu hoa) là thành ngữ chỉ ngoại hình đẹp đẽ hoàn hảo còn trong ruột là rác rưởi). Tôi ôm balo chạy thật nhanh, đột nhiên cảm thấy cuộc đời u ám vô cùng, đất trời tuy lớn nhưng tôi chẳng có chốn dung thân. Nước mắt không thể khống chế chảy giàn giụa, tôi cứ thế khóc đến tận cửa nhà.
Về đến căn hộ tôi và Bành Duy Duy thuê chung, tôi gần như kiệt sức, liền thả người xuống giường.
Bành Duy Duy bình thường có rất nhiều cuộc hẹn, hiếm khi cô ấy ở nhà. Vậy mà hôm nay cô ấy bất ngờ không đi đâu cả. Nghe thấy tiếng động, cô ấy chạy vào phòng tôi, trên mặt vẫn đắp tấm mặt nạ.
“Triệu Mai, cậu làm sao vậy?”
Tôi kéo chăn trùm lên đầu: “Đừng làm phiền tớ!”.
“Cậu lại gặp phải chuyện gì? Nói cho tớ nghe xem nào…”. Duy Duy trèo lên giường kéo chăn, cố gắng lôi mặt tôi ra.
Tôi chịu thua cô ấy, đành phải kể hết ngọn ngành.
“Chỉ có một chút việc cỏn con mà sầu đời đến mức này sao?”. Nghe xong câu chuyện đen đủi của tôi, cô ấy vẫn thản nhiên như không.
Tôi lật người lại: “Tất nhiên cậu không bận tâm rồi. Nếu tớ bị đuổi về nước, bố tớ chắc sẽ đánh gãy chân tớ mất”.
“Được rồi, giao cho tớ đi, nhìn bộ dạng của cậu kìa”. Duy Duy đẩy tôi: “Tớ có một người bạn chuyên làm nghề này, để tớ đi nhờ anh ấy giúp đỡ”.
“Thật không?” Tôi nhìn thấy một tia hy vọng, tự nhiên có tinh thần hẳn: “Mất bao nhiêu tiền?”
“Cậu đúng là chán chết, tầm thường quá. Tớ sẽ bảo anh ấy thu theo giá người nhà được chưa nào? Đừng có nhăn nhó nữa”.
Tôi ngồi hẳn dậy, buồn bực trong lòng từ từ tan biến. Tôi bắt đầu buôn chuyện: “Đám ong ve của cậu đâu cả rồi? Sao hôm nay chẳng thấy một ai? Bọn họ nhận ra bản chất của cậu nên bắt đầu cải tà quy chính rồi?” Bành Duy Duy có nhiều bạn trai đến nỗi tôi hoa mắt chóng mặt chẳng nhớ ai với ai, các buổi tối cô thường không ở nhà.
“Ai nói nào?” Duy Duy cầm hộ chiếu của tôi về phòng cô, tiếng cười của cô truyền qua cánh cửa: “Cậu đúng là chẳng có lòng tin về tớ gì cả”.
Sự thật Bành Duy Duy là cô gái rất xinh đẹp. Cô nổi tiếng từ thời trung học, hồi đó có nhiều nam sinh si tình bất kể mưa gió đứng đợi ngoài cổng trường chỉ để ngắm nhìn cô, đáng tiếc là cô không để mắt tới ai. Hai năm trước, Duy Duy cùng người bạn trai từ bỏ quê nhà tới Ukraine. Không ngờ người bạn trai của cô đắm chìm trong cờ bạc, nợ casino một khoản tiền lớn không có khả năng hoàn trả. Vào một buổi sáng giá lạnh, người bạn trai “bốc hơi”, nhẫn tâm để lại một mình Duy Duy nơi đất khách quê người.

 


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui