Từng có một người yêu tôi như sinh mệnh


Tôi không biết làm thế nào để giảm bớt áp lực nên chỉ tự chuốc khổ cho bản thân như ăn không ngon, ngủ không yên. Vậy mà người xung quanh chỉ nhìn thấy một Triệu Mai vô tâm vô tư.
“Thâm hiểm, em đúng là thâm hiểm thật. Sau này anh phải đề phòng em mới được”. Đây là câu nói cuối cùng của Tôn Gia Ngộ, giống hệt lời đánh giá của Bành Duy Duy về tôi.
Tôi nghiến răng không trả lời anh.
Tôn Gia Ngộ có vẻ mệt mỏi thật sự, anh ngáp dài rồi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ, bàn tay phải của anh vẫn đặt trên bụng tôi.
Tôi bỏ tay anh ta, anh lụng bụng điều gì đó, mắt vẫn nhắm nghiền, còn tôi rất lâu sau đó không thể nào chợp mắt.
Tôi muốn biết câu cuối cùng của Tôn Gia Ngộ là anh buột miệng nói ra hay anh thật sự nghĩ như vậy?
—————————
Có lẽ trong lòng mỗi người phụ nữ đều có mộng tưởng về hôn nhân. Tôi có dịp thử trước thì thấy nó không hề lãng mạn một chút nào. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao nhiều người lại quyết định thử sống thử trước khi kết hôn.
Hóa ra đằng sau mỗi người đàn ông rạng ngời là một người phụ nữ mệt nhọc, lúc chưa kết hôn là người mẹ còn sau đó là vợ của anh ta.
Hầu hạ Tôn Gia Ngộ là công việc vô cùng gian nan. Nuôi anh ba mươi năm đúng là làm khó cho mẹ anh.
Tôn Gia Ngộ kén ăn vô cùng, mỗi bữa cơm phải đổi món khác nhau, chỉ hơi lặp lại mấy lần là anh than phiền tôi ngược đãi anh, anh còn lôi cả câu “Ốm dai dẳng chẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường”. (“Ốm dai dẳng chẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường” là câu nằm trong bài “Hiểu đời” của cựu thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ)
Ngày nào anh cũng thay áo sơ mi, toàn loại vải mềm, mỗi việc là áo cũng là cả một công trình lớn.
Anh thích bày đồ đầy bàn nhưng lại không muốn người khác động vào. Câu nói đầu môi của anh là: “Em mà động vào là anh không tìm thấy”. Thỉnh thoảng anh còn phàn nàn: “Sao nhà cửa bừa bộn thế này? Em ở nhà làm gì hả?”
Tôi tức đến mức mấy lần định bóp chết anh.
Hai tuần lễ tiếp theo đó tôi gần như suy sụp. Mỗi buổi sáng tôi thức dậy lúc sáu giờ ba mươi phút, sau khi chạy bộ về tôi lao vào bếp nấu bữa sáng, hầu hạ Tôn đại gia ăn xong tôi bắt tay chuẩn bị bữa trưa rồi mới đi học. Buổi chiều về nhà tôi tranh thủ làm bài tập, quét dọn nhà cửa và chuẩn bị bữa tối. Sau khi ăn xong tôi lại rửa bát, dọn dẹp nhà bếp. Ngày nào tôi cũng phải sau chín giờ tối mới được ngồi xuống nghỉ ngơi. Vậy mà Tôn Gia Ngộ còn thêm một bữa ăn đêm vào lúc mười một giờ tối.
Người vợ đảm đang không phải ai ai cũng có thể làm. Tôi nghĩ không thông, cùng là việc nhà, tại sao thêm một người lượng công việc lại nhiều như vậy, không biết trước đây anh sống kiểu gì? Nếu đây là cuộc sống chân thực sau khi kết hôn, tôi thà cả đời ở giá cho xong.
“Triệu Mai!” Giọng Tôn Gia Ngộ từ phòng bên cạnh vọng sang: “Pha cho anh ly cà phê, đặc một chút, nửa ly cà phê pha nửa ly sữa, nhớ đừng bỏ đường”.
Tôi đóng chặt cửa giả vờ không nghe thấy.
“Triệu Mai…Triệu Mai…” Anh gọi như gọi hồn.
Tôi đặt mạnh ly cà phê xuống bàn rồi cất giọng bực dọc: “Anh Tôn, trước đây anh sống thế nào hả?”
“Có phải em chưa chứng kiến đâu? Nếu không được hưởng thụ thì lấy vợ về làm gì?” Tôn Gia Ngộ duỗi thẳng hai chân, miệng nở nụ cười đáng ghét.
Tôi nghi ngờ anh cố ý hành hạ tôi. Mấy lần tôi nổi nóng nói thôi không làm nữa, nhưng nhìn anh đi cà nhắc một cách khó nhọc, tôi lại mềm lòng.
Đừng nghĩ đến nữa, tôi tự nhủ thầm, tôi có yêu anh không? Yêu anh thì hãy nhẫn nại, hơn nữa bây giờ là thời kỳ đặc biệt, chân anh vẫn chưa khỏi hẳn.
Đến Lão Tiền cũng ngày ngày về nhà ăn cơm, Tôn Gia Ngộ không lên tiếng, tôi cũng không tiện than phiền. Nhưng cứ dăm ba bữa lại đi mua thức ăn cho ba người, tiêu tốn một khoản không nhỏ. Tiền trong tài khoản của tôi nhoắng một cái đã xuống tận đáy.
Tôi bắt đầu khổ não, không biết làm thế nào đề cập với Tôn Gia Ngộ chuyện tiền bạc.
Tiền của anh không có sức hút lớn đối với tôi. Nhưng nói một câu thật lòng, có tiền sướng thật. Nhà tôi không phải gia đình giàu có, mẹ tôi là người tương đối tiết kiệm. Từ nhỏ nhìn những đứa trẻ nhà khác có tiền tiêu thoải mái, tôi cảm thấy rất ngưỡng mộ.
Nhưng tôi không có dũng khí đặt thẳng vấn đề với anh. Tôi cảm thấy tình cảm nam nữ một khi dính đến đồng tiền sẽ biến vị. Tôi càng không muốn anh hiểu nhầm, tôi là người phụ nữ ham tiền.
Sau khi ngẫm nghĩ một hồi, tôi đột nhiên phát hiện bản thân chẳng ra làm sao, sợ trước sợ sau, kết quả hai đầu không thấy đâu là bờ.
Ngày hôm sau khi đi học, tôi phát hiện trong ba lô có một phong bì, bên trong toàn tờ một trăm đô la Mỹ. Tôi bỏ ra đếm, tất cả có hai mươi tờ, bằng sinh hoạt phí của tôi trong tám tháng.
Thầy giáo ở trên bục ra rả giảng bài nhưng tôi không lọt tai một chữ. Thỉnh thoảng tôi thò tay vào ba lô vuốt cái phong bì, trong lòng cảm thấy ấm áp.
Hóa ra anh không phải ngốc nghếch, anh để mắt tới tất cả mọi việc xảy ra, anh biết tôi không có kinh nghiệm ứng phó với những tình huống khó xử nên anh dùng cách này giúp tôi giải quyết vấn đề nan giải, khiến hai chúng tôi khỏi rơi vào cảnh lúng túng.
Nhưng hình như có điểm gì đó không ổn thỏa. Lúc về nhà gặp anh tôi nên nói gì? Nói cám ơn anh hay giả bộ như không có chuyện gì xảy ra?
Tôi chống cằm suy nghĩ hồi lâu, thở dài và quyết định tạm thời không nhắc đến vụ này.
Tôi nhớ đến một lần ăn tiệc ở Bắc Kinh, một chị hơn ba mươi tuổi nói với tôi: nếu muốn trói chặt một người đàn ông thì phải ra sức tiêu tiền của anh ta, tiêu nhiều đến mức anh ta cảm thấy sẽ rất thiệt hại nếu bỏ rơi tôi, như vậy tôi đã thành công.
Lúc đó tất cả mọi người đều coi đây là chuyện cười. Bây giờ nghĩ lại mới thấy, biết tiêu tiền của đàn ông cũng là một năng lực trời sinh. Tôi gượng cười, tôi thật sự không phải loại người đó.
Trong thời gian Tôn Gia Ngộ không tiện đi lại, anh thuê một lái xe người bản xứ đưa đón anh. Công việc làm ăn của anh và Lão Tiền tạm ngừng hoạt động.
Một hôm tôi vô tình nghe được cuộc trò chuyện giữa anh và Lão Tiền ở trong phòng sách.
Lão Tiền nói: “Việc làm ăn cứ để đó cũng không phải là cách, chân cậu bất tiện chi bằng cậu giới thiệu tôi đi gặp mấy người kia, chúng ta tiếp tục duy trì công việc, không để bị đình đốn có hơn không?”
Tôn Gia Ngộ tỏ ra kiên quyết: “Không được, bọn họ sợ nhất người không quen biết nhảy vào. Anh đừng làm bậy bạ, cẩn thận hỏng việc lớn đấy”.
Lão Tiền hình như không vui, anh ta cất cao giọng: “Tôi bảo này, Tiểu Tôn, chúng ta đã hợp tác năm sáu năm rồi, cậu vẫn không tin tưởng tôi sao?”
“Đây chẳng phải là tin tưởng hay không, bây giờ không còn dễ dàng như bảy tám năm trước. Sau thời kỳ Kuchma, các cơ quan chức năng càng thắt chặt hơn, bọn họ cũng sợ lắm. Đã là quy tắc trên giang hồ, đổi là ai cũng vậy thôi” (Kuchma là tổng thống đầu tiên của Ukraine sau khi Liên Xô giải thể, ông làm hai nhiệm kỳ liền)
Tôi không hiểu nội dung cuộc trò chuyện của bọn họ. Cảm thấy đứng bên ngoài nghe lỏm cũng không hay lắm, thế là tôi nhón chân đi xuống tầng một, vừa vặn gặp Khâu Vĩ ở phòng khách.
Anh ta hỏi tôi: “Cô lén lén lút lút đi đâu vậy?”
Tôi chỉ tay lên tầng trên: “Hình như hai người đang cãi nhau”.
Khâu Vĩ dỏng tai lắng nghe rồi nói với giọng không lưu tâm: “Hai người đó suốt ngày như vậy, tôi nghe nhiều cũng nhàm rồi”.
“Tại sao? Bọn họ cùng hợp tác, ai ra mặt mà chẳng như nhau?”
Khâu Vĩ cười: “Cô đúng là vẫn còn nhỏ, có thể như nhau sao?”
Thấy thái độ anh ta vui vẻ hòa nhã, tôi tiếp tục truy vấn: “Rốt cuộc tại sao họ lại bằng mặt không bằng lòng, em thật sự không hiểu”.
“Cô hãy đi hỏi Gia Ngộ ấy, tôi không quen nói xấu sau lưng người khác”. Anh ta không chịu tiết lộ gì thêm.
Nhưng tôi cũng chỉ lưu tâm một lúc, sau đó bận làm việc khác, tôi quên khuấy đi mất chuyện của bọn họ.
Sau bữa tối, tôi đưa một quyển sổ nhỏ đến trước mặt Tôn Gia Ngộ. Đó là sổ ghi phép tiêu pha trong hơn một tháng nay.
Anh lật vài trang, ánh mắt tỏ ra không hiểu: “Đây là gì hả?”
“Ghi chép tiêu pha”. Tôi đếm số đô la Mỹ còn thừa và đặt lên bàn.
Anh trừng mắt nhìn tôi giống như nhìn một quái vật: “Em chưa tiêu đến số tiền này sao?”
“Em tiêu rồi, toàn vào chi phí sinh hoạt hàng ngày, trong sổ có ghi chép đầy đủ đấy”.
Tôn Gia Ngộ lại xem quyển sổ kỹ lưỡng, anh lắc đầu: “Em ngốc nghếch hay lòng dạ thâm sâu? Anh đưa cho em là để em thích tiêu gì thì tiêu, em ghi chép lại làm gì chứ?”
“Đó là tiền của anh mà, em tiêu tiền của anh thì cũng phải cho anh xem tiêu vào những việc gì, anh kiếm tiền cũng đâu dễ dàng”.
“Ờ”. Tôn Gia Ngộ cúi đầu không nói thêm câu nào, anh lật từng trang cuốn sổ, một lúc sau anh mới lên tiếng: “Ngày mai em đi mua mấy bộ quần áo, đừng suốt ngày mặc đi mặc lại mấy bộ đó diễu trước mặt anh, nhìn chán chết đi được”.
“Hừ”. Tôi kéo vạt áo ngủ bằng cotton của mình, trong lòng rất không phục.
“Ít nhất em hãy ném hết mấy bộ quần áo ngủ nhi đồng của em đi”. Anh liếc tôi: “Lúc nào cũng chỉ thấy gấu với mèo, làm anh tụt hết ham muốn”.
“Đồ lưu manh! Anh chỉ nghĩ đến chuyện đó thôi sao?” Tôi xông vào túm tóc anh.
——————-
Cuộc đời  làm bà chủ gia đình tuy không dễ dàng nhưng tôi vẫn hết sức cố gắng.
Tết Âm lịch sắp đến, phần lớn người Trung Quốc như đàn chim bay về phương Nam, chuẩn bị về nước đoàn tụ gia đình.
Lão Tiền sớm thu dọn đồ về Bắc Kinh thăm vợ con. Tôn Gia Ngộ do chân bị thương, đành phải ở lại Odessa ăn Tết. Bởi vì sắp tham gia cuộc thi tiếng Nga cấp một, nên tôi cũng không dám về nước.
May mà bà xã Khâu Vĩ từ Trung Quốc bay sang bên này thăm anh, bốn chúng tôi cùng ăn cơm đánh bài, mấy ngày Tết không đến nỗi quá tẻ nhạt.
Đêm tất niên tôi gọi điện về nhà chúc tết bố mẹ, thông báo tôi đổi chỗ ở, nhưng tôi không dám nhắc một câu tới Tôn Gia Ngộ. Bố mẹ tôi đều là thành phần trí thức có tư tưởng truyền thống, nếu biết cô con gái rượu đang sống chung với một người đàn ông bị tình nghi buôn lậu, chắc bố mẹ tôi sẽ lo lắng đến mức ăn không ngon ngủ không yên mất.
Thế nhưng tôi vẫn không kìm được khoe với bố mẹ chuyện Nina dạy đàn cho tôi. Bố mẹ tôi rất vui mừng, dặn dò tôi hãy học tập thật tốt, dù phải đập nồi bán sắt vụn họ cũng ủng hộ sự nghiệp học hành của tôi. Lời nói của bố mẹ khiến tôi rưng rưng nước mắt, suýt nữa khóc trong điện thoại.
Thời gian qua, một tuần hai buổi chiều tôi một mình đến chỗ Nina. Bà không còn dè chừng tôi, bắt đầu tiết lộ nhiều điều về cuộc sống trước kia.
Có thể thấy bà là người rất cô độc. Quen tôi lâu ngày, bà coi tôi như con cháu trong nhà.
Một lần, Tôn Gia Ngộ bảo lái xe đưa anh ra chợ mua rất nhiều rau tươi và hoa quả, cùng tôi đi thăm Nina.
Nina vô cùng mừng rỡ khi gặp Tôn Gia Ngộ, bà bỏ hết những thứ ăn được ở trong nhà ra chiêu đãi anh, thái độ của bà hoàn toàn giống bậc trưởng bối yêu chiều cháu cưng.
Tôi tranh thủ tập đàn còn bọn họ ngồi bên lò sưởi trò chuyện. Trước mặt Nina, Tôn Gia Ngộ không còn vẻ bất cần đời và ăn nói tùy tiện, gương mặt anh rất nghiêm chỉnh và chăm chú.
Tôi hơi phân tâm, cứ liếc anh mãi. Hình ảnh Tôn Gia Ngộ bây giờ vô cùng xa lạ, phảng phất như chỉ ở trong căn phòng này, anh mới hoàn toàn thả lỏng bản thân. Thậm chí tôi còn có ảo giác, nếu một ngày nào đó anh tháo bỏ lớp mặt nạ ở bên ngoài, đằng sau sẽ là một gương mặt của người hoàn toàn xa lạ.
Nina nhanh chóng phát hiện tôi không tập trung, bà tưởng tôi mệt nên bảo tôi nghỉ ngơi một lát. Sau đó bà rửa hoa quả cho chúng tôi ăn.
Nhân lúc Nina xuống bếp, tôi đi đến bên Tôn Gia Ngộ và ngồi xổm xuống cạnh anh: “Đồng chí Tôn Gia Ngộ, em có thể hỏi một vấn đề không?”
Anh nhìn tôi: “Em lại định giở trò gì thế? Mau nói đi”.
“Tại sao đồng bào của anh đánh giá anh chẳng ra gì, trong khi Nina và Valeria đều khen anh là người tốt?”
Tôn Gia Ngộ châm một điếu thuốc, ánh mắt anh lóe lên một tia thê lương.
Tôi hơi giật mình kinh ngạc, sau đó cười nhạo bản thân nhạy cảm quá mức, chưa chắc anh biết thê lương nghĩa là gì ấy chứ.
Im lặng một lúc, Tôn Gia Ngộ đột ngột lên tiếng: “Bọn họ không tính kế hãm hại anh”.
Anh không nói huỵch toẹt ra, nhưng tôi hiểu logic của câu đó là: bởi vì bọn họ không tính kế hãm hại anh nên anh cũng đối xử tốt với bọn họ.
Tôi cúi đầu, một vài giây sau hỏi anh: “Em thì sao?”
“Em ư?” Tôn Gia Ngộ nâng mặt tôi ngó nghiêng: “Em bụng dạ thâm sâu khó lường, anh sợ em”.
Tôi cảm thấy bị đắc tội, lập tức bĩu môi rồi đứng dậy trở về bên cây đàn.
Anh vẫn nhớ đến vụ anh bị thương, tôi vì sự tồn tại của Valeria trốn tránh anh nửa tháng trời.
Tôn Gia Ngộ tiến lại gần đặt tay lên vai tôi: “Em giận à?”
Tôi không lên tiếng.
“Em sắp thi rồi phải không?” Tôn Gia Ngộ đột nhiên chuyển sang đề tài khác.
“Vâng, nhưng môn chuyên ngành mãi đến đầu tháng năm mới thi”.
“Vậy em hãy cố gắng học hành. Từ ngày mai anh bắt đầu đi làm”.
“Hả?” Tôi nhất thời không phản ứng kịp.
“Ý anh là, sau này ban ngày anh không ở nhà, em không cần phải vất vả như thời gian qua”.
Tôi rất ngạc nhiên: “Mới chưa đến hai tháng, người ta nói tổn thương gân cốt cần nghỉ ngơi một trăm ngày, anh cẩn thận không để lại di chứng đó”.
“Được rồi, anh biết rồi”. Tôn Gia Ngộ làm ra vẻ mất hết kiên nhẫn.
“Anh đừng khinh suất như vậy, em nói nghiêm túc đấy”
Anh chen vào ngồi chung ghế với tôi, tay túm đuôi tóc của tôi: “Hưởng thụ hai tháng là đủ rồi, nếu anh còn ở nhà lười biếng nữa, chắc chắn em sẽ tạo phản cho mà xem. Trong lòng anh hiểu rõ, thời buổi này, người im ỉm không oán hờn còn hiếm có hơn cả loài gấu trúc”.
Tôn Gia Ngộ nói thẳng ra như vậy, khiến tôi hơi ngượng, tôi mở miệng khuyên can anh: “Anh hãy nghỉ thêm một thời gian nữa đi”.
Anh vỗ lên đầu tôi: “Không chịu khó kiếm tiền làm sao nuôi nổi em. Học phí của khoa nghệ thuật đúng là con số trên trời. Làm thêm hai năm nữa, anh sẽ rửa tay gác kiếm đưa em đi nước Áo”.
Tim tôi đập mạnh. Anh từng nói cả đời này sẽ không kết hôn. Vậy câu vừa rồi có nghĩa là gì? Một lời hứa?
“Tại sao lại đi Áo?”
“Vì anh thích trượt tuyết. Em có biết trượt tuyết không?”
Tôi lắc đầu.
“Khi nào có cơ hội anh sẽ dạy em”. Tôn Gia Ngộ tỏ ra rất hưng phấn: “Em thử nghĩ xem, khi em trượt xuống, mọi người ở xung quanh biến mất, chỉ có tiếng gió thổi bên tai em. Tốc độ đó…sự kích thích đó…vô cùng tuyệt vời”.
Tôi thuận tay bấm xuống phím đàn, phát ra âm thanh tạp loạn.
Hóa ra là như vậy, làm tôi mất công tưởng bở.
Chúng tôi cùng Nina ăn cơm tối rồi mới ra về. Khi chào tạm biệt Nina, bà ôm tôi và nói nhỏ vào tai tôi: “Người đàn ông sợ nhất nói ba từ “anh yêu em”. Cháu hãy cho cậu ấy thời gian”.
Tôi mỉm cười với bà, bà để mắt đến mối quan hệ của chúng tôi. Đáng tiếc là bà không hiểu con người thật của Tôn Gia Ngộ.
Người đàn ông như anh sẽ không vì một cái cây mà từ bỏ cả khu rừng. Có lẽ một ngày nào đó xuất hiện một người phụ nữ như yêu tinh nhền nhện, may ra mới có thể hàng phục anh. (Yêu tinh nhền nhện: nhân vật trong tác phẩm Tây Du Ký)
Trên đường về thành phố, Tôn Gia Ngộ nghe một cuộc điện thoại, anh ậm ừ rồi tắt điện thoại và nói với tôi: “Em gái, cười tươi cho anh xem nào!”
“Thần kinh!” Tôi quay mặt tránh anh.
Anh bật cười, gương mặt tỏ ra thần bí: “Em hãy nhớ lời em nói đấy nhé, về đến nhà đừng có hối hận”.
Tôi nhanh chóng hiểu câu anh nói có nghĩa là gì.
Trên nền nhà ở phòng khách chỗ nào cũng thấy bìa cứng và vải bạt khá dày. Còn ở vị trí chính giữa phòng sách trên tầng hai là một cây đàn piano sáng loáng.
Tôi giơ tay bịt miệng, trong lòng vô cùng bất ngờ: “Của em?”
“Đúng, là của em, có thích không?”
Tôi chạy đến mở nắp đàn, nhẹ nhàng vuốt ve phím đàn trắng xóa, tôi vui đến mức không biết nói gì.
Tôn Gia Ngộ đứng dựa vào cửa nhìn tôi cười cười: “Em hãy cố gắng tập luyện. Để xem nước Áo có trường học thích hợp nào không? Anh đã thương lượng với Nina rồi, đợi em học hết khóa dự bị, đến khi khả năng chơi piano tiến bộ một chút, Nina sẽ giúp em thu âm rồi tiến cử với trường học ở bên đó”.
“Thật không?”
Tôn Gia Ngộ nhún vai: “Tuy anh không phải là người tốt, nhưng anh có ưu điểm nói được làm được”.
Tôi nhảy lên ôm cổ anh, hôn chùn chụt bảy tám phát trên khắp mặt anh.
“Đừng…đừng…đừng, nước bọt dính hết vào mặt anh rồi”. Tôn Gia Ngộ giả bộ nhăn nhó: “Em chớ mừng vội, anh có một điều kiện”.
Tôi vẫn chìm trong niềm vui: “Anh nói đi!”
“Sau này không cho phép em gặp tên cảnh sát đó”.
Tôi như bị dội một gáo nước lạnh: “Tại sao? Anh muốn quản em à?”
“Anh không quản em thì ai quản em?”
“Ai cũng không thể quản em. Em và anh ấy chỉ là bạn bè bình thường, anh dựa vào gì mà can thiệp vào sự tự do của em?”
“Không dựa vào gì cả, là anh thích quản em”.
Tôi tức tối dậm chân bình bịch: “Anh có thể ăn nói tử tế không? Ít nhất anh cũng phải cho em biết lý do tại sao?”
“Không có lý do, tóm lại em không được gặp cậu ta. Nếu sự nhiệt tình của em không có chỗ phát tiết, em hãy tìm mấy bạn học nam ở trong trường ấy. Ai cũng được, trừ tên cảnh sát đó”.
Lúc không nói lý lẽ, Tôn Gia Ngộ trông như một cậu bé, anh đỏ mặt tía tai, môi mím thành một đường chỉ thẳng.
Tôi vào phòng ngủ đóng sập cửa. Cả buổi tối, tôi giận dỗi không nói với anh một câu nào.
Nhưng khi Andre gọi điện thoại đến, tôi do dự một lúc rồi quyết định nói với anh: “Andre, tôi không thể gặp anh”.
Andre im lặng, mãi mới lên tiếng: “Là anh ta không cho cô gặp tôi đúng không?”
“Ừm, anh ấy không thích tôi gặp gỡ người đàn ông khác”. Tôi đành bịa lý do.
Andre gần như cười nhạt: “Có đúng là vì nguyên nhân này không? Không phải do tôi là cảnh sát, cảnh sát phòng tội phạm đấy chứ?”
Tôi bị anh nói trúng tâm tư nên ngập ngừng không biết mở miệng thế nào.
Andre hỏi: “Anh ta có yêu cô không? Cô hiểu anh ta bao nhiêu?”
Tôi không thể trả lời câu hỏi của anh.
Đây là lần đầu tiên Andre nói với tôi như vậy, trước đó anh tuyệt đối không nhắc đến bất cứ chuyện gì liên quan đến Tôn Gia Ngộ.
“Mai, anh ta không xứng với cô, không hề xứng với cô một chút nào. Cô….hãy bảo trọng!” Andre thở dài ở đầu bên kia điện thoại rồi anh cúp máy.
Bên tai truyền đến tiếng rắc nhẹ. Tôi ôm điện thoại thất thần một lúc lâu.
Tất nhiên là cảm thấy đáng tiếc, nhưng tôi chỉ có thể làm như vậy. Tôi không thể hiểu nổi tâm lý của người “bắt cá hai tay”. Đối với tôi, việc lưỡng lự giữa hai người đàn ông chỉ có thể giải thích bằng một lý do, cô ta không yêu cả hai người đàn ông đó.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui