Từng có một người yêu tôi như sinh mệnh

Mấy ngày sau tôi tìm được công việc bán hàng ở chợ “Bảy km”. Chủ quán là người Ôn Châu, ăn nói tương đối lịch sự nhưng sai bảo người khác không khách khí một chút nào. Công việc của tôi bắt đầu từ mười giờ sáng đến sáu giờ chiều, không có ngày chủ nhật và lễ tết. Mỗi ngày tôi phải ở trong quán suốt tám tiếng đồng hồ, đến đi vệ sinh cũng phải chạy thật nhanh.
Tiền lương một tháng là một trăm hai mươi đô la Mỹ, đủ trả tiền thuê nhà tiền điện nước và một ngày ba bữa ăn của tôi.
Bấy giờ là thời điểm nóng nhất của mùa hè, container kín mít, đến buổi chiều tỏa ra khí nóng như ở trong phòng xông hơi, khiến tôi không thở nổi.
Tôi không chỉ trông coi cửa hàng mà cách ba đến năm ngày lại kiểm kê hàng tồn theo chỉ thị của ông chủ. Anh ta không thường xuyên ở cửa hàng nên một mình tôi phải bê đi bê lại thùng hàng. Mười đầu ngón tay vốn được tôi nâng niu trở nên thô ráp và thường xuyên xuất hiện vết xước, móng tay bong hết cả.
Tôi lấy băng y tế dính ngang dính dọc mà không hề bận tâm. So với sự dày vò ở trong lòng, những vết thương này có đáng là gì?
Bữa trưa tôi mua cơm hộp ngay trong chợ nhét tạm vào dạ dày. Vợ chồng bán cơm tôi cũng quen biết, người vợ chính là bà thím Tứ Xuyên từng đến nhà chúng tôi giúp việc. Lần đầu tiên nhìn thấy tôi, miệng bà há to thành hình chữ O.
Sau đó bà lẩm bẩm: “Đúng là nghiệp chướng, một cô gái xinh xắn, là bảo bối trong tay bố mẹ lại phải chịu khổ như vậy”. Vừa nói bà vừa gắp thêm vài miếng thịt vào hộp cơm của tôi.
Tôi chỉ mỉm cười, trong lòng không khỏi cảm kích ý tốt của bà. Nhưng tôi nuốt không trôi mấy miếng thịt đầy mỡ đó. Vì vậy cuối cùng chỉ béo bở con chó béc giê ở cửa hàng bên cạnh.
Khâu Vĩ vẫn chạy đông chạy tây vì chuyện của Tôn Gia Ngộ, anh thậm chí bỏ bê cả việc làm ăn của mình. Phiên xét xử đầu tiên là vào nửa tháng sau, tức ngày tám tháng tám, một con số cát tường.
Sau khi biết tôi làm thuê ở chợ “Bảy km”, Andre chỉ cần không bận công việc, anh sẽ lái xe tới chợ, chờ cho đến lúc tôi đóng cửa rồi chở tôi về nhà.
Tôi không muốn làm phiền anh, nhắc anh vài lần nhưng anh đều bỏ ngoài tai. Cuối cùng tôi đành để mặc anh thích làm gì thì làm.
Những lúc chúng tôi ở bên nhau, Andre không hề đả động đến công việc của mình. Tôi biết anh nhiệt tâm với nghề cảnh sát nên không muốn làm khó anh. Hơn nữa bây giờ tôi không có hứng thú nói chuyện, hai chúng tôi thường không có đề tài để nói nên không khí rất nhạt nhẽo.
Một hôm Andre chở tôi về nhà. Tôi nói lời cám ơn anh như thường lệ và mở cửa xuống xe.
Andre gọi tôi: “Mai!”
Tôi quay đầu: “Chuyện gì?”
Anh nhìn tôi chăm chú, ánh mắt xanh thẫm của anh lóe lên vô số tia phức tạp: “Mai, cô mới hai mươi hai tuổi, tương lai còn dài…”
Tôi mỉm cười, sau đó vẫy tay chào anh và quay người đi vào thang máy.
Thang máy không có người, khi đối diện với bức tường có thể soi gương, tôi mới phát hiện trên trên mặt mình đầy nước mắt. Tôi mới hai mươi hai tuổi, vẫn còn rất trẻ sao? Vậy mà tôi cảm thấy trái tim tôi già cỗi như đã qua nửa đời người.
Sự việc xảy ra mà không hề có điềm báo trước, tôi còn nhớ đó là một ngày hè mát lạnh, cửa hàng hôm đó rất đông khách, tôi bận đến tận hai giờ chiều mới có thời gian ăn trưa.
Vừa mới ăn hai miếng cơm, tôi chợt nghe con chó béc giê thuần chủng Đức ở cửa hàng bên cạnh sủa điên cuồng.
Tôi buông hộp cơm đi ra ngoài xem xét. Tôi tưởng là nhân viên thuế vụ đến kiểm tra, bởi vì con chó béc giê tên “Thịt bò” này luôn đề cao cảnh giác, cứ thấy người mặc đồng phục ở phía xa xa là nó lên tiếng báo động những người buôn bán trong chợ cẩn thận.
Không ngờ người mặc cảnh phục lại là Andre. Tôi vội suỵt con “Thịt bò”, bắt nó im miệng, nhưng nó vẫn cắn gấu quần Andre và chạy vòng quanh người anh.
Tôi mỉm cười hỏi Andre: “Sao anh lại đến đây vào giờ này?”
Bị con chó to đùng quấy rầy, bộ dạng của Andre tương đối thảm hại, mũ cảnh sát lệch về một bên, nhưng anh không hề bận tâm, cứ thế xông đến kéo tay tôi: “Đi theo tôi”
“Chuyện gì vậy?” Tôi giật khỏi tay anh: “Tôi còn phải trông cửa hàng, anh làm gì vậy?”
“Mẹ kiếp!” Một người vốn nho nhã như Andre cũng biết chửi thề, anh cố chấp kéo tôi ra khỏi chợ.
Cổ tay đau buốt, tôi quay đầu nhìn cửa tiệm mỗi lúc một xa và không ngừng vùng vẫy: “Anh muốn làm gì hả? Muốn hất đổ bát cơm của tôi sao? Anh mau bỏ tay ra!”
Andre dừng lại và quay người về phía tôi, mặt anh rịn đầy mồ hôi.
“Andre?” Tôi rất ngạc nhiên trước thái độ của anh.
Andre im lặng, một lúc sau anh mới bật ra mấy từ: “Tôn xảy ra chuyện rồi”.
Tôi sững sờ, nhất thời không có phản ứng.
Andre cúi đầu nhìn xuống chân anh và nói khẽ: “Tối qua Tôn bị người khác đánh đập, anh ta bị thương nặng, bây giờ nằm trong bệnh viện”.
Lần này thì tôi đã hiểu ra vấn đề, tôi cuộn chặt tay, nghiến răng nói với anh: “Vậy anh còn chần chờ gì nữa? Mau đưa tôi đi gặp anh ấy”.
Người cảnh sát canh giữ ngoài cửa phòng bệnh không cho tôi vào. Andre kéo đồng nghiệp của anh sang một bên, thì thầm thương lượng hồi lâu.
Người đó nhìn tôi và cất giọng không mấy tình nguyện: “Cô chỉ có hai phút thôi”.
Andre vội cám ơn người cảnh sát, anh vừa đưa tôi vào trong vừa quay sang giải thích: “Tôn vẫn chưa thoát khỏi tình trạng nguy kịch, không tiện gặp bất cứ ai”.
Tôi lập tức lao đến trước giường bệnh, đầu óc tôi nổ tung, cảnh tượng trước mắt tối đen.
Tôn Gia Ngộ nằm ở đó, đầu anh được cuốn một lớp vải băng trắng dày nhưng máu đỏ vẫn thấm ra ngoài.
Tôi không nhìn rõ thân thể anh, bởi vì người anh được đắp một vỏ chăn lớn, các loại ống truyền và dây diện thò ra từ trong chăn, chất lỏng đủ loại màu sắc thông qua ống truyền trong suốt đi vào cơ thể anh.
Tay trái của anh bị khóa còng vào cái giá trên đỉnh đầu.
“Anh ta bị thương rất nghiêm trọng”. Sắc mặt Andre rất u ám, giọng nói anh không che dấu vẻ ủ rũ: “Lúc đó có một nghi phạm khác ở chung phòng nổi cơn điên, nếu cảnh sát trực ban không kịp thời chạy qua, Tôn đã bị người ta đánh chết rồi”.
Đầu óc tôi như bị một đàn ong vàng chiếm lĩnh, không ngừng kêu u u. Tầm mắt tôi ngoài gương mặt của anh không còn xuất hiện bất cứ thứ gì khác.
“Gia Ngộ!” Tôi quỳ xuống bên cạnh giường, gọi khẽ tên anh.
Mí mắt anh hơi động đậy. Tôi biết anh nghe thấy lời tôi nói, tôi xích lại gần hơn: “Anh có thể vượt qua, bao nhiêu trắc trở anh còn vượt qua được”.
Bàn tay anh bị khóa trên đầu giường hơi động đậy, tôi liền giơ tay nắm chặt tay anh.
Andre lên tiếng thúc giục: “Hết thời gian rồi, chúng ta đi thôi!”
Tôi coi như không nghe thấy, ghé sát tai Tôn Gia Ngộ: “Gia Ngộ, em sẽ đưa anh ra ngoài, dù phải trả bất cứ giá nào.”
Người anh hơi run run, ngón tay anh cứng lại, anh mở mắt và mấp máy môi một từ rõ ràng: “Không”.
Tôi lắc đầu, cố gắng không để nước mắt chảy xuống: “Không, lần này em không muốn nghe lời anh”.
Ánh mắt anh dừng lại trên mặt tôi, giống như màn hình tivi bị tắt nguồn điện từ từ tối đen, tiêu điểm trong mắt biến mất.
“Gia Ngộ!”
Đầu anh ngoẹo về một bên.
Máy móc ở đầu giường bắt đầu phát tiếng báo động chói tai, cô y tá hét vào bộ đàm: “Bác sỹ! Bác sỹ!”
Tôi gần như phát điên, bị Andre kéo ra khỏi phòng bệnh. Tôi không thể thoát khỏi bàn tay anh nên ra sức đá vào đùi anh: “Anh ấy đã như vậy rồi, sao các người còn còng tay anh ấy, các người có lương tâm không?”
Andre nhịn đau cố giữ chặt người tôi: “Mai, cô hãy bình tĩnh lại!”
Tôi mở to mắt nhìn Tôn Gia Ngộ bị đẩy vào phòng mổ, cánh cửa phòng đóng sập ngay trước mắt tôi một cách vô tình.
Thời gian như ngừng trôi. Tôi ngơ ngơ ngẩn ngẩn ngồi trên ghế dài bên ngoài phòng mổ. Andre ngồi bên cạnh tôi, anh đặt tay lên vai tôi và không ngừng vỗ nhẹ.
Tôi muốn mỉm cười với anh nhưng hai khóe miệng cứng đờ. Bốn bề hỗn loạn, tai tôi chỉ nghe thấy tiếng kim loại va chạm, tiếng bác sỹ và y tá trao đổi, tiếng máy móc ù ù…
Những âm thanh đó lúc gần lúc xa, tôi không thể lý giải ý nghĩa của chúng. Không biết bao lâu sau, trong phòng mổ đột ngột truyền ra tiếng động của một loại máy móc nào đó, tiếp theo là tiếng đàn ông hét lớn: “Một hai ba…”. Sau đó là tiếng bịch, bịch, bịch…
Từng tiếng động nối tiếp nhau, như từng nhát búa gõ mạnh vào tim tôi.
“Thượng đế ơi!” Cốc giấy trong tay Andre rơi xuống đất lăn đi rất xa, cà phê trong cốc đổ đầy xuống nền nhà, giống như vết máu khô.
“Đó là gì vậy?” Tôi hỏi.
“Kích điện, bọn họ đang kích điện anh ta”.
Lời của anh ấy lọt vào tai tôi, giống như hạt mưa rơi xuống chiếc ô bộp bộp, tôi không hiểu anh đang nói gì.
Vào lúc bốn giờ chiều, cuối cùng cửa phòng mổ cũng mở ra. Hai người cảnh sát mặc thường phục tiến lại gần nói điều gì đó với bác sỹ. Tôi cũng muốn xông lên nhưng bị Andre giữ lại.
Tôi chỉ có thể đứng nhìn Tôn Gia Ngộ từ xa, mặt anh được chụp mặt nạ dưỡng khí trong suốt, sắc mặt anh nhợt nhạt không giống người thật.
“Andre, xin anh hãy bỏ tôi ra, tôi vẫn có thể khống chế bản thân”. Tôi cố gắng duy trì sự bình tĩnh.
Nhưng Andre không nghe lời tôi, ngón tay anh càng siết chặt hơn.
Đồng nghiệp của anh bước tới: “Anh ta không thể gặp bất cứ ai, hai người hãy về đi”.
Andre vội nói lời xin lỗi.
Người cảnh sát nhìn tôi lắc đầu rồi quay sang Andre: “Andre, tôi thấy cô ấy có vẻ không ổn, cô ấy cần nghỉ ngơi”.
Tôi ngồi im một chỗ không chịu nhúc nhích, Andre cũng hết cách, anh đành đợi tôi hồi phục tâm trạng mới lôi tôi rời khỏi bệnh viện.
Bên ngoài trời rất u ám, mây đen che kín vùng trời phía Bắc, không khí nằng nặng như sắp đổ cơn mưa lớn.
Andre mở cửa xe ô tô cho tôi, tôi đứng hóa đá một chỗ, chân như bị chôn chặt dưới đất. Một lúc sau, tôi mới miễn cưỡng lên xe.
“Mai”. Andre muốn kéo tay tôi.
Nhưng tôi đột ngột túm chặt tay anh, như túm ngọn cỏ cứu mạng cuối cùng, đồng thời cất giọng khẩn cầu: “Giúp tôi, Andre, tôi muốn đưa anh ấy ra ngoài”.
“Tôi không biết làm thế nào mới có có thể giúp cô”. Anh từ từ gạt tay tôi: “Tôi xin lỗi, tôi là một cảnh sát”.
“Cảnh sát? Cảnh sát các anh đều là cứt chó!” Nỗi đau của tôi đột nhiên bùng phát thành cơn giận dữ: “Rõ ràng là một quốc gia rác rưởi, vậy mà luôn miệng nhắc tới công bằng và dân chủ. Anh nói cho tôi biết, dân chủ và công bằng của các anh nằm ở chỗ nào? Nếu không phải Cục cảnh sát nhận tiền của kẻ khác gây phiền phức cho anh ấy, liệu anh ấy có ngày hôm nay? Nếu không phải có người cố ý hãm hại, tại sao anh ấy bị đánh đến suýt chết ở trong trại tạm giam? Số tiền chúng tôi đút lót cho các anh đâu rồi? Đem đi nuôi chó rồi à? Các anh ăn tiền của bên nguyên cáo rồi lại ăn tiền của bị cáo, các anh còn vô liêm sỉ hơn cả xã hội đen”.
Andre nhìn tôi hồi lâu, gương mặt anh tuấn của anh lộ rõ vẻ đau đớn lẫn thất vọng. Một lúc sau anh cúi đầu quay người bước đi.
Tôi sững sờ, đột nhiên ý thức mình vừa làm gì. Tôi đuổi theo ôm thắt lưng anh: “Tôi xin lỗi, Andre, tôi đã nói sai rồi”,
Trong những ngày tháng khó khăn này, chỉ có một mình anh ở bên cạnh cùng tôi vượt qua.
Andre đứng bất động, sau đó anh mở miệng: “Cô nói đúng, đây quả thật là một nghề nghiệp bẩn thỉu”.
Anh cố gắng thoát khỏi tay tôi rồi lên xe nổ máy phóng đi mất.
Tôi hoàn toàn kiệt sức, ngồi xổm xuống đất ôm chặt hai vai.
Sau đó trời nổi trận gió lớn rồi mưa ào ào rơi xuống. Tôi đứng bất động trong cơn mưa, ngẩng lên đón từng hạt mưa điên cuồng táp vào mặt. Tuy trên mặt có cảm giác đau rát như bị roi quất nhưng cũng khiến nỗi giày vò trong lòng tôi dịu bớt.
Có không ít người cầm ô chạy ngang qua tôi, họ quay đầu nhìn tôi như nhìn một con điên.
Cho đến khi một chiếc xe Jeep dừng lại, người tài xế khoác áo mưa lên người tôi rồi ôm tôi lên ghế phụ.
“Anh Khâu…”. Tôi giống như được gặp người thân ở chốn xa lạ, cuối cùng cũng òa khóc.
“Cô đừng sợ, chúng ta đi tìm La Tây, nhất định có thể cứu cậu ấy ra ngoài”. Khâu Vĩ lập tức nổ máy lái xe lao đi trong cơn mưa.
Chúng tôi ngồi đợi ở phòng khách nhà La Tây, nửa tiếng đồng hồ sau chị ta mới ra ngoài tiếp chúng tôi, trên người khoác bộ áo tắm màu hồng đào như vừa mới tỉnh dậy sau giấc ngủ trưa.
Mới nghe Khâu Vĩ nói hai câu, La Tây lập tức trở mặt: “Tôi đã nói rồi, chuyện của cậu ta tôi không bao giờ can thiệp nữa, hai người còn đến đây lằng nhằng làm gì?”
Khâu Vĩ ngoảnh mặt về một bên không chịu nói tiếp.
La Tây đứng dậy cất giọng hết kiên nhẫn: “Hai người đi đi!”
Tôi vội vàng quỳ xuống: “Chị, em xin chị! Bây giờ chỉ có chị mới có thể cứu anh ấy!”
La Tây đanh mặt hừ một tiếng: “Đừng giở trò này với tôi, vô dụng thôi!”
Tôi ôm chặt đùi chị ta và cất giọng run run: “Chị ơi, chỉ cần anh ấy còn ở trong đó, đám người kia sẽ có cơ hội giở trò một lần nữa”. Tôi lẩm bẩm: “Anh ấy bây giờ vẫn phải dùng máy hô hấp…”.
La Tây ngẩng đầu nhìn Khâu Vĩ: “Con bé đang nói gì?”
Khâu Vĩ đứng lên: “Gia Ngộ tối qua vào viện cấp cứu”
“Cậu ấy bị ốm à?”
“Không phải, là ngoại thương”. Khâu Vĩ nói rất bình tĩnh: “Tôi vừa đến Cục cảnh sát hỏi thăm, trên người cậu ấy có bảy vết thương nghiêm trọng, bốn chỗ bị gãy xương. Đám người đó dùng chân giường bằng sắt và cây gỗ nhọn, rõ ràng chúng không có ý định giữ lại mạng sống của cậu ấy. Nghe nói khi cảnh sát vào phòng, máu lênh láng ở khắp nơi. Lúc được đưa đến bệnh viện, tim Gia Ngộ gần như ngừng đập, cậu ấy được tiếp tổng cộng năm nghìn cc máu…”.
Tôi trợn mắt nhìn Khâu Vĩ, một vị tanh dội lên cổ họng khiến tôi muốn nôn mửa. Tôi không hiểu tại sao anh có thể bình tĩnh nói ra những lời tàn nhẫn như vậy. Nó giống như con dao sắc nhọn đâm thẳng vào tim tôi và cắt làm hai nửa.
“Anh…anh câm miệng, đừng nói nữa” La Tây xua tay, ngăn không cho Khâu Vĩ nói tiếp.
Khâu Vĩ lập tức ngậm miệng.
La Tây gần như ngã xuống ghế, chị ta giơ tay cầm tách cà phê, nhưng bàn tay chị ta run run khiến cà phê nhỏ xuống tay áo của chị ta, mảnh áo hồng được nhuộm thành màu nâu trong giây lát.
La Tây uống một ngụm cà phê, thần sắc chị ta dần trấn tĩnh. Chị ta lau miệng rồi hỏi Khâu Vĩ: “Là kẻ nào gây ra?”
“Không ai biết”. Khâu Vĩ gượng cười: “Bây giờ đến những người động thủ còn không điều tra ra. Cảnh sát nói, camera theo dõi đã bị phá hỏng”.
“Vậy à?” La Tây nhếch miệng cười. Chị ta có ngũ quan hoàn hảo, lúc không cười lộ vẻ đẹp diễm lệ, nhưng khi mỉm cười khinh thị, dung mạo của chị ta có phần nham hiểm.
Khâu Vị gật đầu: “Đúng là như vậy”.
“Tôi biết rồi, hai người về đi”. La Tây lại đứng dậy định đi khỏi nơi đó.
Tôi không để chị ta bước đi, tôi quỳ xuống kéo áo chị ta: “Xin chị…”
La Tây quay đầu nghiêm mặt nói với Khâu Vĩ: “Bảo con bé buông tay”.
Khâu Vĩ ngồi xổm xuống kéo tay tôi: “Triệu Mai, cô bỏ tay ra đi!”
“Chị…” Tôi vẫn không chịu buông, cố gắng cứu vãn, nhưng La Tây đã giật áo khỏi tay tôi, chị ta đi thẳng lên tầng trên mà không hề quay đầu lại.
“Chúng ta về đi!” Khâu Vĩ đỡ người tôi đứng dậy đi ra ngoài.
Đợi đến khi ngồi vào trong xe của anh, toàn thân tôi run lẩy bẩy, ngực như bị tảng đá ngàn cân đè nặng, khiến tôi không thở nổi.
Khâu Vĩ không khuyên nhủ tôi, anh châm một điếu thuốc. Đợi đến khi tôi bình tĩnh một chút, anh mới mở miệng: “La Tây không từ chối có nghĩa chúng ta vẫn còn hy vọng. Tính cô ta rất kỳ quái, ghét nhất người khác lằng nhằng”.
Tôi nhìn anh: “Anh nói thật chứ?”
Khâu Vĩ gật đầu: “Thật đấy”.
Trong lòng tôi lại xuất hiện một tia hy vọng, dù tia hy vọng chỉ yếu ớt như ánh sáng của con đom đóm trong đêm hè.
Hết chương 10


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui