Từng Gửi Tình Yêu Nơi Biển Núi


Suốt năm 12 tôi chỉ đến trường ba lần, một lần để đăng ký thi, một lần để khám sức khỏe và một lần là tham dự kỳ thi Đại học.
Thành phố Nam Đài không lớn, tổng cộng chỉ có vài trường trung học nên không có nhiều địa điểm thi.
Tôi may mắn được thi tại trường mình học, không phải mất thời gian tìm hiểu đường đến địa điểm thi.

Nhưng mà may mắn đến với tôi như thế thì phí quá.
Dì giúp việc nấu một bữa sáng đủ đầy, đợi tôi ăn xong rồi đưa tôi đến trường.
Chúng tôi đều biết lần tham gia này chỉ là cho có lệ thôi, bởi hầu như cả năm lớp 12 tôi đều ở nhà dưỡng bệnh, khó có thể tập trung và trí nhớ cũng kém, về cơ bản không có sức học hành.
Tin vui là khi mẹ tôi biết dáng vẻ nửa sống nửa chết này của tôi qua điện thoại thì đã hoàn toàn bỏ lơ tôi, mặc tôi tự bươn chải ở thành phố Nam Đài, chỉ có nhà họ Lâm là thường xuyên gửi tiền chu cấp cho tôi.
Sau vài tháng tĩnh dưỡng, tình trạng của tôi dần khấm khá hơn.

Ít nhất thì tôi có thể trò chuyện và phản ứng bình thường, không còn vô cảm như con rối gỗ nữa.
Hai ngày thi Đại học tôi không gặp được người quen, mà vốn dĩ tôi cũng chẳng quen được bao nhiêu người.
Chỉ có hôm tôi đến nhận giấy báo thi của chủ nhiệm, thầy ấy hỏi han hiện tại tôi thế nào, tôi chỉ có thể đáp là đã đỡ hơn.

Thầy ấy muốn nói lại thôi, bởi vì hai ngày nữa là phải thi Đại học, thầy ấy sợ tổn thương lòng tự tôn của tôi.

Ngược lại, tôi chính là người hỏi thầy chủ nhiệm chuyện học lại.
Thầy chủ nhiệm nói trường có lớp học lại, sau khi có kết quả thi thì liên lạc với thầy ấy.

Tôi cảm ơn thầy, cuối cùng thầy ấy chúc tôi thi Đại học suôn sẻ.
Kỳ thi Đại học dài hai ngày kết thúc, thời khắc này vốn là bước ngoặt quan trọng trong đời người, ngoài địa điểm thi có vui có buồn, còn tôi chỉ lặng lẽ đứng ngoài cổng trường đợi dì giúp việc đón về.
Tôi không tham gia ngày chụp ảnh tốt nghiệp, cũng chẳng dự tiệc tốt nghiệp, cũng chẳng có ai nhớ đến một người như tôi.
Tôi chỉ học cùng lớp với mọi người một năm, không quen hết các bạn trong lớp, lại gây gổ um sùm với đám Lưu Thần Nghệ, không đi cũng chẳng có ai để ý.
Trong lúc đợi kết quả thi Đại học, tôi yên lặng dưỡng bệnh ở nhà, lúc tâm trạng vui vẻ thì sẽ từ từ ôn tập.
Dì giúp việc dẫn tôi đi đăng ký lớp, vì tôi có nền tảng từ trước nên may mắn đã đậu vào khoa chính quy, được chia vào lớp có thành tích cao hơn lớp học lại kia.
Lúc khai giảng thì tình hình của tôi đã ổn định hơn nhiều, có thể học tập bình thường.

Phần lớn thời gian cảm xúc của tôi luôn ổn định, chỉ cần không nghe, không nghĩ, không nhớ lại quá khứ thì lâu đài thủy tinh mà tôi vất vả lắm mới chắp vá lại được sẽ an toàn.
Lớp học lại khai giảng vào cuối tháng 8, dì giúp việc dẫn tôi đi mua tập sách và đồ dùng học tập mới, ngụ ý rằng đổi tâm trạng, bắt đầu lại lần nữa.
Sau một thời gian dài tôi mới dọn dẹp cặp sách, tôi phát hiện một chồng vở chưa dùng trên kệ sách.
Vì hơn một năm nay tôi không viết gì nên những quyển vở trên kệ sách đã đóng bụi, hệt như ký ức mà tôi cố gắng lãng quên.
Năm đó có người vội vã chạy đi mua một xấp vở dày cộp đưa cho tôi, bảo rằng sau này sẽ chịu trách nhiệm chuyện mua vở cho tôi.

Sau đó cậu ấy dụ dỗ hỏi tôi viết gì trong vở, rõ ràng là cậu ấy có rất nhiều cơ hội mở ra xem, cũng có không ít ịp có thể hỏi tôi, nhưng cậu ấy nhất định muốn đợi đến lúc cậu ấy cảm thấy tôi có thể chấp nhận thì cậu ấy mới hỏi.
Trông cậu ấy phóng khoáng tự do, nhưng nhận thức về ranh giới rõ ràng hơn mọi người rất nhiều.
Trong mắt cậu ấy, tôi luôn thấy được chính mình.
Chỉ là chàng trai chân thành nhiệt tình của năm đó, không biết bao giờ tôi mới có thể gặp lại.
Thời gian chảy trôi như dòng nước, mất liên lạc sẽ thành người dưng.
Tôi vào lớp báo cáo nhưng trong lớp không ồn ào như tôi tưởng, mọi người đều đang yên lặng ngồi tại chỗ, cầm sách vở ôn tập trước.
Khoảnh khắc đó, tôi mới nhận ra áp lực của kỳ thi Đại học.
Mọi người vào đây là để cho bản thân thêm một cơ hội, tôi cũng vậy.
Vị trí của tôi vẫn là sát bên cửa sổ, tôi thích chỗ này.


Có lẽ cậu ấy đã từng nhìn thấy tôi ngẩn ngơ nhìn ra ngoài cửa, hoặc là do lần tự do chọn chỗ hai năm trước nên Chu Gia Dã đã chỉ tôi chỗ sát cửa sổ này.
Bạn cùng bàn của tôi là nam, ngày đầu tiên đi học cậu ấy đã mang theo một thùng sách đầy ắp.

Trước khi giáo viên vào lớp, cậu ấy đã nhanh chóng kiểm tra bài thi.
Tôi chưa kịp thích nghi với không khí gấp gáp này, giữa cảnh giương cung bạt kiếm căng thẳng, trông tôi như một con ngỗng ngốc nghếch.
Không có phần giới thiệu rườm rà, cũng không có cảnh trêu đùa sinh động.

Sau khi cả lớp đến đầy đủ là vào thẳng chủ đề học tập chuẩn bị thi Đại học luôn.
Tôi đuổi theo tiết tấu một cách bị động, sau một thời gian bối rối không thích nghi được, một cảm giác nhiệt huyết bỗng sôi trào trong tôi.
Đi học rất mệt, bởi vì có nhiều thứ thầy cô giảng mà tôi không thể hiểu.
Sau khi hết lớp 11, tôi không thể tham gia kỳ ôn tập hè mà trường tổ chức.

Tôi chỉ được nghe Chu Gia Dã kể học mệt thế nào, kiến thức giảng sâu ra sao, đề khó cỡ nào, như thể hồi lớp 10 cậu ấy không học gì cả.
Bây giờ sau một năm, khi tôi ngồi trong lớp học xa lạ này một mình mới có thể cảm nhận được tâm trạng mà Chu Gia Dã kể khi đó.

Chỉ là tôi không có ai để chia sẻ cảm xúc của mình.
Lúc tan học cũng không có ai đùa giỡn, nếu không phải nằm dài ra bàn nghỉ ngơi thì cũng đang đọc sách làm bài.

Không có ai lén đọc tiểu thuyết hay chơi điện thoại trong tiết tự học buổi tối, dường như thời gian trôi qua đều là vàng, mỗi giây đều cực kỳ quý báu.
Học kỳ mới vừa bắt đầu, nhịp học đã cực kỳ nghiêm túc, mỗi ngày đều như đi đánh giặc nhưng tôi lại không thấy mệt mà còn cực kỳ thích thú.
Tôi rất thích cảm giác nhiệt huyết khi mỗi người đều tập trung liều mạng vì chính mình, khiến tôi nhận thấy cuộc sống của tôi đang hoạt động chứ không âm u đen tối.
Tôi chưa từng chính thức học lớp 12, một năm này mới được coi là chính thức bắt đầu.
Đôi lúc tôi ngửa đầu xoa cổ vì đau nhức, tôi sẽ thất thần nghĩ rằng ngày này năm trước, có phải Chu Gia Dã cũng trải qua mọi thứ thế này không.
Bạn đang đọc bản chuyển ngữ thuộc về allinvn.net
Cậu ấy bảo đợi ngày khai giảng sẽ nói cho tôi biết cậu ấy điền trường gì, đến tận bây giờ tôi vẫn chưa được biết.
Sau khi thi Đại học xong, cậu ấy học trường nào tôi cũng chẳng hay.
Thật ra không phải bọn tôi rời xa mà là tôi đã đánh mất cậu ấy.

Cậu ấy có rất nhiều bạn bè, có lẽ là đã quên mất tôi rồi.
Ngày tôi quay lại trường sau kỳ nghỉ cuối tuần, có một bạn nam chung lớp học lại đưa tôi một phong thư.
Cậu ta để lên bàn tôi rồi đi ngay, không nói lời nào.

Trong khoảnh khắc nhìn thấy phong thư, dòng máu trong người tôi bỗng cuồn cuộn.
Tôi mở ra, bên trong là một con hạc giấy được gấp kỹ càng.
Trên cánh nó viết bốn chữ, đạt được mong ước.
Chữ viết kia rất lạ, bởi vì lâu rồi tôi chưa nhìn thấy chữ của cậu ấy.

Nhưng nó cũng quen đến mức chỉ cần nhìn một cái là nước mắt lại trào ra không kiểm soát.
Ký ức bị tôi cố tình tránh né bỗng dưng ùa đến trong chớp mắt.
Hầu như cảm xúc của tôi luôn ổn định, bây giờ hiếm khi tôi bị mất kiểm soát vì tôi luôn kiềm chế bản thân, tránh mọi việc làm cảm xúc của tôi dao động.

Nhưng mà có một số nơi khi đã đụng vào sẽ lập tức sụp đổ.
Tôi vội chạy tới giữ chặt bạn nam kia, cậu ta quay đầu lại, thấy tôi giàn giụa nước mắt thì hoảng hốt như thấy ma.

Tôi không rảnh quan tâm dáng vẻ mất kiểm soát của tôi có giống kẻ điên trong phim kinh dị không.
Tôi chỉ kéo tay áo cậu ta, nhất quyết hỏi: "Cậu ấy có nói gì với cậu không?"
"Ờm, có." Bạn nam bình tĩnh nhìn tôi: "Cậu ấy bảo nếu cậu không hỏi thì thôi, nếu có thì nói cho cậu một câu."
"...!Câu gì?"
"Xin lỗi nhiều."
Tiếng ve ngắt quãng cuối hè như gióng lên hồi chuông báo động, phóng đại đến chói tai.
Từ màng nhĩ đến não bộ, mỗi chỗ đều đau đớn, đau đến mức tay chân lạnh toát.

Nhưng hình như cảm giác đau thật sự bắt nguồn từ con tim.
Bạn nam nhìn tôi giàn giụa nước mắt thì thấy khó hiểu: "Cậu không sao chứ?"
Hẳn là cậu ta biết Chu Gia Dã, bạn của Chu Gia Dã rất nhiều, chỉ cần tôi còn ở trong trường thì việc biết thông tin về tôi chẳng hề khó khăn gì.
Nhưng cậu ấy chỉ nhờ người khác gửi đến tôi một câu, dường như ám chỉ rằng mùa hè sắp kết thúc, lần này cậu ấy thật sự phải rời đi.
Nước mắt tôi ngày một nhiều, tôi không trả lời câu hỏi của cậu ta mà tiếp tục hỏi: "Cậu ấy vào Đại học nào thế?"
"Bảng danh dự dưới lầu có hết, ai đậu Đại học cũng được liệt kê trên đó."
Tôi xoay người chạy ra khỏi lớp, tôi hiếm khi mất kiểm soát nhưng có lẽ bây giờ là lúc tôi tỉnh táo nhất trong suốt một năm dưỡng bệnh.
Tôi hiếm khi đọc mấy thứ này ở trường nên phải một lúc lâu tôi mới tìm thấy nó.
Giờ tôi chạy vội là sẽ thấy nghẹt thở, nước mắt còn chưa khô, gió ùa vào mặt làm tôi lạnh buốt.

Tôi có thể cảm nhận mọi thứ một cách rõ ràng.
Ngay cả cơn đau nơi con tim cũng vô cùng chân thật.
Tôi tìm thấy bảng danh dự ghi tên những sinh viên được trúng tuyển, bóng dáng mờ nhạt và chật vật của tôi phản chiếu qua lớp kính.
Tôi lướt nhanh những cái tên từ trên xuống.
Sau đó dừng lại.
Chu Gia Dã, Đế Đô.
Mùa hè vẫn chưa kết thúc, cái nóng của phương nam vẫn chưa giảm.

Những tia nắng gay gắt hắt lên tấm kính vô cùng chói mắt, gió nóng thổi qua chân tôi ran rát, tôi vẫn thở hổn hển, chưa thể bình tĩnh được.
Tôi lại nhớ tới mùa hè hai năm trước.
Tôi nhìn bóng dáng Chu Gia Dã dần khuất trên xe bus như một lời từ biệt âm thầm.

Mà trước khi mùa hè này kết thúc, tôi còn chẳng thể nói lời tạm biệt với cậu ấy.
Ánh sáng chói lòa như dòng thời gian một đi không trở lại, còn tôi đứng giữa muôn vàn tia sáng này, rồi sẽ dần bị quên lãng.
Một năm tôi dưỡng bệnh, tôi tránh mọi giao lưu ngoài xã hội.

Nói đúng hơn thì tôi tự nhốt mình trong phòng, cắt đứt mọi thông tin với bên ngoài.
Tôi như con quái vật sợ ánh sáng, sợ đám đông, sợ âm thanh, sợ nắng, sợ mọi thứ khiến tôi thấy ồn ào.

Từ lần đầu tiên bị mẹ nhốt và bỏ đói trong phòng, thói quen tự nhốt chính mình của tôi cũng dần hình thành.

Tôi không thích bật đèn, cũng không nghe được âm thanh gì, chỉ cuộn người chìm trong bóng tối mới khiến tôi mới an lòng.
Lúc nghiêm trọng nhất, tôi không thể không nhập viện, phải thường xuyên dùng liệu pháp sốc điện.

Thế nên cả năm đó tôi không hề lên mạng, không vào mạng xã hội, điện thoại bàn không thể chuyển sang chế độ im lặng nên tôi nhờ dì giúp việc rút dây luôn.
Từ đó, tôi giấu bản thân trong một cái kén, hệt như một loài côn trùng sợ sáng, né tránh mọi thứ ánh sáng trên đời.
Đến khi việc trị liệu có hiệu quả , tình trạng dần tốt hơn, cảm xúc cũng từ từ ổn định lại.
Nhưng tôi vẫn không lên mạng, lần này không phải là tôi không thể, mà là tôi không dám.
Khép mình trong một thời gian dài khiến tôi yếu ớt và nhạy cảm hơn, một thay đổi nhỏ trên mặt người ta cũng giống như cơn gió nhẹ tạt vào người tôi.

Bây giờ khả năng chịu đựng của tôi như bị khóa chặt trong kén, khi bị người khác lột xác ra thì thân thể đỏ tươi mềm mại, chưa trưởng thành sẽ lộ ra hết.

Một khi ánh sáng chiếu vào sẽ khiến tôi đau rát toàn thân.
Tôi phải mất rất nhiều thời gian để từ từ kết nối với thế giới bên ngoài.
Đối mặt với Chu Gia Dã thì tôi cần gấp mười lần can đảm.
Tôi sợ cậu ấy hỏi về sự biến mất của tôi trong cả năm nay, tôi vẫn chưa đủ can đảm để giải thích một năm trầy trật của mình.

Thương hại, đáng thương, nghi ngờ, khó tin, cho dù là cảm xúc gì thì chỉ cần một ánh nhìn của đối phương thôi cũng khiến tòa lâu đài thủy tinh trong tôi sụp đổ.
Tôi vốn là một kẻ nhát gan.
Đợi thêm chút nữa, đợi cảm xúc của tôi ổn định hơn, đợi tôi kiên cường hơn một chút sẽ gặp mặt cậu ấy sau.
Nhưng cái giá của việc trốn tránh là điều bạn không dám đối mặt, một ngày nào đó sẽ thực sự phải đối mặt, chưa kể sẽ đối mặt một cách đau đớn nhất.
Hôm đó khi về nhà, tôi mở tài khoản đã lâu không đăng nhập.
Bởi trong khoảng thời gian đó, trí nhớ của tôi lẫn lộn, vô tình quên mất mật khẩu.

May sao tôi vẫn nhớ đáp án của câu hỏi bảo mật nên đã đổi lại mật khẩu.

Đáp án của câu hỏi bảo mật cực kỳ đơn giản, sinh nhật tôi, tên tôi và cả tên của một người bạn tốt, tôi điền là Chu Gia Dã.
Bạn đang đọc bản chuyển ngữ thuộc về allinvn.net
Sau khi đăng nhập tài khoản, tin nhắn chưa đọc liên tục hiển thị, mỗi thông báo hiện lên như đang đập thẳng vào trái tim tôi.
Đến khi tôi đủ can đảm để bấm vào khung hội thoại, lòng bàn tay đã tôi lạnh buốt.
Tin nhắn lâu nhất là một năm trước, cậu ấy hỏi sao tôi không dự lễ khai giảng.
Sau đó qua giáo viên chủ nhiệm của tôi, cậu ấy biết tôi đang nằm viện, hỏi tôi đang ở bệnh viện nào.
Cậu ấy vẫn liên tục gửi tin nhắn cho tôi, hỏi tình hình của tôi thế nào, hỏi sao tôi không trả lời.

Sau đó cậu ấy ngừng một thời gian, có thể cậu ấy biết tôi đang dưỡng bệnh nên không có sức đến lên mạng, chỉ dặn tôi dưỡng bệnh đàng hoàng, mau chóng quay lại trường.
Cậu ấy gửi cho tôi tài liệu lớp 12, những ghi chú của cậu ấy, món mới của tiệm trà sữa, mấy quyển sổ xinh xắn trong cửa hàng văn phòng phẩm, hoàng hôn trên đường.

Ban đầu cậu ấy sẽ nhắn thêm gì đó, sau đó cậu ấy chỉ gửi ảnh thôi.
Cứ liên tục như thế cho đến tháng 6 năm nay, thi Đại học xong, cả khối đều tham gia buổi chụp tốt nghiệp, các lớp thay phiên nhau chụp.
Cậu ấy hỏi tôi không đến à?
Sau đó, đến đầu tháng 8 năm nay, là lần cuối cùng cậu ấy nhắn cho tôi.
Cậu ấy bảo, Lâm Ý, cậu có giận tôi không?
À đúng rồi, hồi tháng 1, vào ngày sinh nhật của tôi, cậu ấy chúc tôi sinh nhật vui vẻ.
Đúng lúc hôm đó người ta bắn pháo hoa ngoài cửa sổ, cậu ấy cũng chụp và gửi cho tôi.

Cậu ấy bảo đợi cậu về, tôi sẽ dẫn cậu đi bắn pháo hoa.

Hóa ra đêm đó, bọn tôi đều tình cờ ngắm pháo hoa cùng nhau.
Nhưng lúc này tôi mới dần nhận ra, Chu Gia Dã đã nói xin lỗi.

Chắc chắn là cậu ấy nghĩ do Lưu Thần Nghệ nên tôi mới bị bệnh, cậu ấy là nguồn cơn của mọi thứ.

Hôm đó,cậu ấy nghĩ tôi thích phần thưởng vì tôi hỏi tôi có thể chung nhóm với cậu ấy không và cậu ấy đã thay tôi giành lấy nó.
Tôi liên tục gõ chữ trong khung chat để giải thích.

Tôi nói năng lung tung, nước mắt đã che hết tầm nhìn nên không nhìn rõ chữ trên màn hình.

Tôi vừa lau nước mắt vừa gõ, gõ đến độ câu cú chẳng có logic gì.

Từ ba năm cấp 2 bị bắt nạt, rồi kể về mẹ tôi, từ mẹ tôi rồi đến chuyện tôi ra đời.

Tôi không quan tâm đến quá khứ lộn xộn, cũng không màng đến lòng tự trọng đầy đáng thương của mình, tôi như đứa nhóc tiểu học có lỗi, chỉ nghĩ đến việc xin lỗi, và cả chuyện có thể đừng bỏ rơi tôi được không?
Từ lúc chào đời đến giờ, đây là lần đầu tiên tôi thấy sợ hãi và hoảng loạn, thậm chí còn run hơn cả lúc ngã lộn cổ xuống cầu thang ở cầu vượt.
Song dù tốc độ gõ của tôi có nhanh đến nhường nào thì khi nhìn thấy dòng tin nhắn cuối cùng trong khung chat, những giọt nước mắt nặng trĩu cứ liên tục rơi lã chã.
Tôi không trách cậu đâu Chu Gia Dã , đừng nói lời xin lỗi.
Chỉ là Chu Gia Dã, cậu có nghe thấy không?
Sau đó tôi không nhận được bất kỳ phản hồi nào, ảnh đại diện của Chu Gia Dã cũng không sáng nữa.

Lần cập nhật mới nhất của cậu ấy là ngày khai giảng tháng 9, sau đó không còn tin tức gì nữa.
Bạn nam đưa phong thư cho tôi cũng chẳng biết gì.

Tháng 9 khai giảng, sau khi cùng nhau ăn uống, cậu ta có nói đến việc học lại, Chu Gia Dã đã đưa phong thư đó cho cậu ta, bảo rằng đưa cho tôi.

Ngoài việc này ra, cậu ta không biết gì cả, vì lúc khai giảng cậu ta đã nộp điện thoại, mà giờ đây áp lực học tập cũng lớn, lúc nào cũng cắm đầu vào học.
Trong chiếc hộp đã đóng bụi, tôi tìm thấy tờ giấy mà Chu Gia Dã viết cho tôi vào cuối năm lớp 10, trên đó có hai phương thức liên lạc, một là QQ, cái còn lại là WeChat.
Sau khi tôi mua điện thoại thì tôi mới đăng ký WeChat, chỉ là bây giờ tôi gửi lời mời vô số lần cũng chẳng nhận được hồi âm.
Tôi gọi cho cậu ấy, cũng chỉ nghe thấy tiếng tổng đài lạnh tanh nói rằng xin lỗi, thuê bao quý khách vừa gọi hiện đang bận.
Tôi đi qua phố Văn Hòa, nhưng quán lẩu nhà cậu ấy mở ngày một mở rộng, thuê rất nhiều nhân viên.

Tôi ghé nhiều lần nhưng bố mẹ cậu ấy không có ở quán.
Lịch của lớp học lại rất kín, không có nhiều thời gian cá nhân.

Tôi chỉ có thể vội vàng ghé vào chiều Chủ nhật, buổi tối lại phải quay về học tiết tự học.
Chu Gia Dã từng nói với tôi rằng giáo viên sẽ phát cho mỗi người một tờ giấy để viết ngôi trường mục tiêu của mình.
Bây giờ đến lớp 13 rồi, cuối cùng cũng đến lượt tôi.
Tôi đặt bút viết một cách không do dự, viết đại học ở Đế Đô.
Thành phố như ác mộng và nhà giam của tôi, bây giờ tôi bằng lòng đến đó để đuổi theo cậu ấy.
Đến tận khi thi Đại học xong, tôi tính thử thì thấy có thể sẽ trúng tuyển, mọi căng thẳng và khó khăn của tôi cả năm nay đã được đền đáp.
Hè năm đó, Nhạc Nhạc cũng vào cấp 2, không có áp lực học tập nên cô bé vui vẻ lắm, lúc nào cũng xem phim ở nhà tôi.
Tôi lo Nhạc Nhạc bị cận thị nênchỉ để cô nhóc xem một chút rồi gọi tới xếp giấy với tôi.

Nhạc Nhạc biết gấp rất nhiều kiểu, cô bé dạy tôi tất cả nhưng tôi vẫn xếp hạc giấy nhiều nhất.
Hơi nước từ bình đun nước phủ lên cửa kính một lớp sương, Nhạc Nhạc vẽ một bông hoa lên đó.
Tôi nhớ tới trận tuyết lớn vào mùa đông ở Đế Đô năm ấy, bọn tôi viết tên nhau lên lớp sương trên cửa kính, vì vậy tôi đã viết tên Chu Gia Dã cạnh bông hoa kia.
Không ngờ Nhạc Nhạc ồ lên: "Chị Lâm Ý cũng thích anh ấy ạ?"
Tôi hơi nắm bàn tay lại, ù ù cạc cạc nhìn cô nhóc.
Nhạc Nhạc bước vài bước về phía TV, bấm remote một hồi rồi chỉ vào màn hình, nói: "Chu Gia Dã."
"Cái tên mà chị Lâm Ý viết là anh ấy phải không?"
Màn hình đang chiếu một bộ phim truyền hình, nam diễn viên hiện lên qua ống kính, cậu ấy cụp mắt cười hệt như mùa hè chưa kịp tạm biệt, còn trái tim tôi lại đập cái thịch.
Năm đó tôi 19 tuổi, là năm thứ năm tôi biết Chu Gia Dã.
Năm 15 tuổi ở phố Văn Hòa, chuỗi sao và hạc giấy sổ xuống khi cậu ấy bung tay ra, cuối cùng tôi cũng không bắt được chúng.
Thế nên hình phạt cho việc bỏ lỡ vị thần là gì? Là tiếc nuối, là từ biệt hay là buông tay.
Đều không phải, mà đó là nhớ như in..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận