Trước kỳ thi cuối kỳ một tháng, giáo viên các bộ môn đều giám sát việc học rất gắt gao.
Suốt một tháng này, tôi và Chu Gia Dã không nói chuyện với nhau nhiều.
Lần nào tôi cũng thấy cậu ấy đang chăm chú học, cây bút xoay tròn trên tay, dáng vẻ cúi đầu đăm chiêu khiến người ta không dám quấy rầy.
Thành tích của Chu Gia Dã cũng ngày một tốt hơn, lúc mới nghỉ chơi bóng rổ và bắt đầu tập trung học, cậu ấy còn chẳng biết làm bài tập, thường xuyên phải quay qua hỏi tôi, còn bây giờ tôi mới là người phải học hỏi từ cậu ấy.
Tuy tính cậu ấy kiêu ngạo, trông bề ngoài có vẻ không thân thiện nhưng lại rất kiên nhẫn trả lời các câu hỏi của tôi.
Ngay cả khi đang làm bài tập, chỉ cần tôi mở lời, cậu ấy sẽ dừng lại để trả lời tôi trước, thậm chí còn chỉ dẫn tận tình hơn tôi hồi trước.
Trước giờ tôi chưa từng hỏi bài ai, nhưng rõ ràng tôi và Chu Gia Dã là hai người khác nhau một trời một vực.
Cậu ấy không thấy khó chịu khi bị làm phiền, có lẽ do cậu ấy chưa bao giờ tỏ vẻ bài dễ thế này mà cậu không làm được à.
Cậu ấy rực rỡ như mặt trời, đi đến đâu cũng được người ta săn đón.
Cậu ấy tốt với tất cả mọi người, người bình thường như tôi cũng không hề cảm nhận được chút kiêu căng hay mất kiên nhẫn nào từ cậu ấy.
Cũng lâu rồi tôi không viết vào vở, tôi và cậu ấy như trời với đất, dường như thành tích là khoảng cách gần nhất giữa hai chúng tôi, bây giờ đã bị cậu ấy kéo dài ra.
Dẫu thành tích gần nhau cũng chẳng chứng minh được gì, nhưng cảm giác ngày một xa cậu ấy khiến tôi rất sợ.
Tôi biết cậu ấy xa vời như mặt trời, song chỉ cần một tia sáng có thể chiếu lên người tôi thì trong khoảnh khắc ấy tôi thật sự đã có được mặt trời.
Để đuổi kịp Chu Gia Dã, tôi vùi đầu vào học tập trong tháng cuối cùng, chỉ lo mình sẽ bị cậu ấy bỏ lại đằng sau khi có kết quả.
Chu Gia Dã không biết suy nghĩ của tôi, cậu ấy nghĩ tôi quyết tâm cố gắng vì điểm số.
Đôi khi bài thi thử được trả lại, cậu ấy sẽ nghiêng người nhìn điểm của tôi rồi giơ ngón cái với tôi.
Một ngày trước kỳ thi cuối kỳ, lớp học sẽ trở thành phòng thi nên tất cả những bàn học dư thừa đều được dọn ra bên ngoài.
Thật ra bàn của bọn tôi không nặng nhưng bàn nào cũng chứa nhiều sách vở và tài liệu, lại còn phải chuyển tất cả ra ngoài.
Bạn nữ nào có mối quan hệ thân tình thì có thể tìm được người giúp đỡ, còn tôi chỉ đành từ từ dọn ra.
Tôi vốn không thích vận động, cũng không thích ra ngoài, chạy bộ 800m thôi cũng mệt muốn xỉu.
Dọn dẹp sách vở cực kỳ mệt, vì để cuối kỳ có thể làm bài thi tốt hơn nên tôi mua rất nhiều tài liệu, nếu dọn ra hết một lượt thì hơi quá sức.
Tôi chỉ đành chuyển đi từng chút một, có lẽ đi vài chuyến là xong.
Khi tôi vừa khiêng chiếc bàn trống ra, vừa định quay vào dọn sách vở thì Chu Gia Dã - người đã giúp đỡ không biết bao nhiêu bạn học đã quay về.
Tôi cúi đầu chật vật ôm chồng sách, không để ý đến những ai đi qua đi lại.
Chu Gia Dã nhấc lấy thùng sách vở trong tay tôi, tay tôi bỗng trở nên nhẹ bẫng.
Tôi ngơ ngác ngửa mặt lên, thấy Chu Gia Dã đang nhẩm tính thùng sách của tôi, cậu ấy bảo: "Nhẹ dữ vậy, cậu có tương đây sách vở thôi hả?"
Cậu ấy vốn thân thiện, chân thành với tất cả mọi người nên có nhiều bạn cũng tìm cậu ấy nhờ giúp.
Giáo viên vừa sắp xếp phòng thi thì đã có nhiều bạn nữ quay lại hỏi cậu ấy có thể giúp họ dọn bàn không.
Tôi không muốn làm phiền cậu ấy thêm nữa, cũng chẳng nghĩ sẽ đến lượt mình.
Thế nên tôi không ngờ cậu ấy sẽ chủ động giúp tôi.
Tôi khịt mũi, giải thích: "Nhiều quá nên tớ dọn không nổi, vì vậy phải đi nhiều chuyến."
Cậu ấy ôm thùng sách của tôi như thể chẳng tốn chút sức nào, nghe thế thì cười nói: "Không dọn nổi thì tìm người giúp đi chứ, sách của cậu nhiều thế này, tay chân cậu lại mảnh khảnh thế kia thì mình cậu dọn đến bao giờ?!"
"Còn bao nhiêu thì bỏ vào đây hết đi."
Tôi vội vàng đi lấy sách, lúc bỏ vào thì lại chần chừ, tôi sợ sẽ nặng quá.
Chu Gia Dã nhìn thấy tôi do dự, cậu ấy nói: "Không sao đâu, cứ để vào đi."
Sau đó cậu ấy bê thùng sách ra khỏi phòng.
Lúc ấy người ra người vào, ai nấy đều bận bịu dọn bàn dọn sách, vô cùng ồn ào.
Mấy bạn học quay lại lớp thấy Chu Gia Dã sẽ chào cậu ấy, cậu ấy cũng cười đáp lại.
Cậu ấy rực rỡ như tia sáng, lúc nào cũng tự do, thoải mái, chỉ cần đến gần cậu ấy sẽ có cảm giác như đang sống trong ánh sáng.
Tôi có thể nhờ ai giúp được đây?
Tôi bối rối đến mức không thốt lên lời.
Những nỗi sợ tối tăm và u ám đó, chắc cậu ấy sẽ không thể hiểu nổi.
Giống như lúc nhỏ mẹ dẫn tôi đi họp mặt, nếu tôi gọi các cô chú không trong trẻo, dễ thương, đáng yêu như bà muốn thì sau khi về nhà sẽ bị chửi mắng.
Có lúc tức giận, bà sẽ giữ tôi lại rồi lấy đại thứ gì đó đánh tôi, gương mặt xinh đẹp của bà biến dạng, như thể muốn xé xác tôi ra.
Dường như tính cách nhút nhát của tôi là một cái tội.
Nói thêm mấy chữ là mất miếng thịt à? Hát một bài cho cô chú nghe là chết ư? Bảo mày biểu diễu một tiết mục ở nhà trẻ thôi mà mày giả vờ cái gì vậy? Con cái nhà người ta đều đáng yêu, dễ mến như thế, ngày nào mày cũng bày ra cái mặt chết trôi đó cho ai xem?
Bạn đang đọc bản chuyển ngữ thuộc về allinvn.net
Là tội lỗi thật sao?
Nhút nhát thì sẽ kém cỏi hơn người khác, liệu có phải lúc nào cũng vui tươi hoạt bát thì mới được yêu mến không?
Chỉ bởi vì tôi không dễ thương nên bị người khác bắt nạt ư? Chỉ vì tôi không đủ sôi nổi, tươi tắn nên phải chịu mọi lời chửi rủa, cười nhạo, thậm chí là bạo lực học đường ư?
Nếu đây là cội nguồn cho tội lỗi của tôi thì tôi phải chuộc tội kiểu gì thì mới được giải thoát đây?!
Tôi bối rối đứng ở cửa phòng học, nhìn Chu Gia Dã chỉ cần hai chuyến đã nhẹ nhàng dọn xong sách vở của tôi.
Cậu ấy phủi tay, ngẩng đầu cười rạng rỡ với tôi.
"Được rồi, cậu hết việc rồi đó.
Dọn dẹp đồ đạc rồi về đi ha, ngày mai thi tốt nhé!"
Có mấy bạn lớp khác đi ngang qua hành lang, thấy Chu Gia Dã thì hỏi cậu ấy xong việc chưa.
Cậu ấy quay lại nói đợi một chút.
Sau đó quay lại nhìn tôi, tôi cảm kích bảo: "Cảm ơn cậu nhé, Chu Gia Dã!"
Cậu ấy ngây người một lúc, cúi đầu nhìn tôi: "Tự nhiên nghiêm túc thế...!Đệt, cậu, cậu cậu cậu..."
Chắc vì sợ người khác nghe thấy nên cậu ấy bỗng nhỏ giọng, luống cuống nói: "Cậu đừng khóc."
"Tớ không khóc."
Tôi không biết tại sao cậu ấy luôn nghĩ tôi sẽ khóc, thật ra tôi rất hiếm khi khóc.
Tâm trạng tôi lên xuống thất thường, vì suy sụp nhiều lần nên nước mắt đã cạn rồi.
Cậu ấy cúi đầu xác nhận trên mặt tôi không có nước mắt mới thở phào: "Thôi, cậu có vội đi về không?"
Tôi lắc đầu.
"Vậy đợi tôi chút."
Cậu ấy đi ngang qua người tôi, bước vào phòng học.
Tôi đang định hỏi xem đợi cậu ấy làm gì thì cậu ấy dừng bước, quay người lại nói với tôi: "Cậu đứng đây, đừng đi đâu hết."
"Ừm..."
Tôi đứng ngoài hành lang, cúi đầu đếm hoa văn trên nền gạch.
Gió khẽ thổi qua, nhiều bạn đã rời khỏi phòng học.
Tối nay không có tiết tự học, sáng mai sẽ bắt đầu thi.
Trương Nam Nam và Tưởng Ninh dọn xong đi ra thì thấy tôi, họ hỏi tôi có đi cùng không, tôi đáp lát nữa tôi mới về, không cần phải đợi tôi.
Các bạn học phần lớn đã rời khỏi phòng, ai dọn xong bàn ghế của mình đều về luôn.
Mà Chu Gia Dã còn phải xếp phòng thi theo yêu cầu, sau đó cậu ấy mới bước ra, chào tạm biệt với mấy bạn làm chung.
Cậu ấy chạm tay lên đỉnh đầu tôi: "Lâm Ý, đi thôi."
Lúc ấy trong tòa dạy học chẳng còn bao nhiêu người, cầu thang yên tĩnh, không giống như trước kia, lúc nào quanh cậu ấy cũng có người, muốn đến gần cũng rất khó khăn nên trước giờ tôi đều nhìn cậu ấy từ xa.
Tôi hỏi cậu ấy muốn đi đâu.
Cậu ấy trả lời: "Để cậu đợi tôi lâu thế, tất nhiên sẽ phải mời cậu một bữa rồi."
Cái logic này khiến tôi ù ù cạc cạc: "Phải là tớ mời cậu một bữa chứ, cậu giúp tớ dọn bàn mà."
Cậu ấy búng tay, cười khì: "Cũng đúng ha!"
"..."
Cậu ấy phì cười, nụ cười càng rạng rỡ hơn: "Sao cậu thành thật thế?"
Chúng tôi vào một quán cơm gần trường, tôi chưa từng ăn ở đây vì đông quá, sự đông đúc và tiếng ồn khiến tôi chẳng biết phải theo ai.
Vì tối nay không có tiết tự học, học sinh ngoại trú đều về thẳng nhà nên trong quán không có nhiều người.
Chu Gia Dã thường xuyên ghé quán, ông chủ cũng nhớ mặt cậu ấy.
Lúc chúng tôi đi vào, ông chủ ra đón cậu ấy ngay, hỏi cậu ấy có ăn như cũ không.
Chu Gia Dã lấy thực đơn rồi giải thích cho tôi đặc điểm và hương vị của mấy món này, giống như khi cậu ấy huyên thuyên dụ tôi ăn ở phố Văn Hòa vào ngày Tết.
Sau khi chọn món, Chu Gia Dã trả thực đơn lại cho ông chủ, còn dặn ông ấy đừng cho cay.
Sau đó cậu ấy ra ngoài mua trà sữa ở quán kế bên, là ly trà sữa tôi khen ngon ở phố Văn Hòa.
Cậu ấy đặt ly trà sữa trước mặt tôi rồi bảo: "Mai thi rồi, cậu ăn uống tạm đi.
Khi nào thi xong tôi sẽ mời cậu chầu to hơn."
Chu Gia Dã thấy tôi im lặng nhìn cậu ấy thì nhướng mày hỏi: "Sao thế, không vui hả?
"Không phải." Tôi cầm ly trà sữa, nghiêm túc nói: "Cảm ơn cậu."
Cậu ấy khẽ cười.
"?"
Cậu ấy nghiêng người về phía trước, chống cằm thản nhiên nhìn tôi: "Nếu cậu thật sự muốn cảm ơn tôi thì tối nay phải vui vẻ lên, ôn tập một chút rồi đi ngủ sớm, ngày mai cố gắng làm bài thật tốt.
Cậu nghe không?"
"Vậy là cậu mời tớ ăn rồi mua trà sữa cho tớ để tớ vui lên hả?"
"Tôi không chịu trách nhiệm nổi về bất cứ điều gì làm ảnh hưởng đến phong độ làm bài của cậu đâu."
Cậu ấy vẫn giữ giọng điệu biếng nhác đó.
Tôi nghiêm túc trả lời: "Thật ra không liên quan đến cậu đâu, cậu dọn bàn là đã giúp tớ nhiều lắm rồi.
Tâm trạng của tớ...!bỗng dưng không vui là tự do tớ thôi.
Lúc nào tớ cũng vậy, cảm xúc lên xuống thất thường.
Thật ra cậu không cần can thiệp đâu, là lỗi sai của bản thân tớ, cậu không phải gánh."
"..."
"Lâm Ý."
Tôi vẫn cúi đầu: "Hửm?"
"Tôi chỉ hy vọng cậu vui vẻ hơn một chút."
Cậu ấy nâng ly trà sữa của mình lên, đưa đến trước mặt tôi rồi chạm vào ly trà sữa của tôi: "Nào, cụng ly!"
Bạn đang đọc bản chuyển ngữ thuộc về allinvn.net
"Chúc cậu thi cuối kỳ suôn sẻ!"
Cậu ấy mỉm cười nhìn tôi, trong đôi mắt nâu của cậu ấy chỉ toàn sự ấm áp.
Tôi cũng chủ động cụng ly với cậu ấy: "Tớ cũng chúc cậu thi cuối kỳ suôn sẻ.
Học kỳ tới có thể vào đội tuyển trường như mong muốn, khi nào cậu thi đấu, tớ sẽ cổ vũ cho cậu!"
Cậu ấy khẽ cười: "Cậu vẫn nhớ à?"
"Tất nhiên rồi!"
Lời cậu ấy nói tôi đều nhớ như in.
Giống như hôm đó cậu ấy bảo thi cuối kỳ xong sẽ đãi tôi một chầu thịnh soạn, tôi cũng nhớ như in, định bụng đợi đến kỳ nghỉ đông sẽ đến phố Văn Hòa tìm cậu ấy ăn chực, coi như thực hiện được lời hứa của cậu ấy.
Tiếc là chuyện không được như mong muốn, vừa thi cuối kỳ xong mẹ đã đưa tôi về Đế Đô.
Bài thi cuối kỳ được chấm và gửi vào mail mà bố mẹ điền hồi đầu năm.
Thành tích lần này là số điểm cao nhất tôi từng có được từ nhỏ đến giờ, lọt vào top 10 của lớp.
Song niềm vui của tôi lại chẳng có ai để chia sẻ, mẹ tôi vẫn rất thất vọng.
Bởi vì con gái rượu của bố tôi đã thi vào ngôi trường danh giá nhất ở Đế Đô, còn tôi lại khiến bà mang tai mang tiếng, ước mong ngẩng cao đầu trước gia đình bố ruột tôi của bà thất bại.
Tôi ăn một cái bạt tai, nghe những lời mắng nhiếc đã quen từ nhỏ đến lớn, hiển nhiên buổi tối còn bị tước quyền ăn cơm.
Có lẽ tôi đã quá quen với cảnh cuồng loạn này nên không thấy đau lòng hay buồn bã, thậm chí còn chẳng khóc lóc, tôi chỉ yên lặng như một con rối gỗ.
Mẹ tôi trút giận lên tôi nhưng không nhận được phản hồi gì nên lại càng chửi mắng nặng hơn.
Tôi vẫn ngơ ngác ngồi yên, đến khi bà tát tôi ngã xuống đất thì cơn giận đó mới hết.
Một ngày sau, bà xách túi hiệu đi du lịch nước ngoài, rời xa kẻ vô dụng khiến bà xấu hổ là tôi.
Từ sau tối đó, dường như tôi đã trở thành một con rối thật sự, không muốn làm gì, cũng chẳng có hứng thú với bất cứ thứ gì, cảm xúc suy sụp tận cùng nhưng không rơi nổi một giọt nước mắt.
Thậm chí tôi cũng không muốn viết lách - điều duy nhất khiến tôi vui vẻ, tôi mở vở ra rất nhiều lần, nhìn dòng chữ chi chít trên mặt giấy lạ lẫm như thể tôi chưa từng viết bao giờ.
Tôi cứ ru rú trong phòng suốt ngày, giống như một con rối cất trong tủ vì chẳng ai cần.
Nếu cô giúp việc không nấu cơm và gọi tôi xuống ăn đúng giờ thì có lẽ tôi sẽ nằm ở đó đến khi đóng bụi.
Sức ăn của tôi vốn nhỏ, từng bị đau dạ dày, mãi mới chữa được, mà hiện tại, sự thèm ăn của tôi có cũng được, không có cũng không sao.
Dì giúp việc cố gắng đa dạng các bữa ăn của tôi, tôi không muốn phụ lòng dì ấy nên cũng ráng ăn một chút.
Tuy nhiên, dường như việc ăn uống được cơ thể lập trình sẵn, ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ một cách máy móc thì tôi không có cảm giác nào khác, hậu quả của việc cố gắng thái quá là ói mửa.
Tinh thần tôi sa sút, cực kỳ buồn ngủ nhưng lại thức trắng.
Tôi nhanh chóng gầy đi, quần áo vốn vừa vặn trở nên rộng thùng thình.
Có một ngày, tôi nhìn hình bóng của mình qua cửa kính tủ, trông thật héo hon.
Không biết tôi đã nôn khan bao nhiêu lần, dì giúp việc lo lắng bảo: "Đi khám bác sĩ đi con, dì đưa con đi."
Tôi nuốt nước bọt, đè nén cảm giác muốn nôn xuống.
Sau đó tôi lắc đầu.
Tôi rất ghét bệnh viện, cũng không thích những nơi đông người.
Tôi vốn đã sống nội tâm, thời gian này tôi lại càng sợ đám đông, tưởng tượng đến việc phải đến nơi đông người là tôi sợ tới run rẩy cả người.
Khi đó, tôi không hiểu tại sao dì ấy lại nhìn tôi với ánh mắt ngập tràn lo lắng, tâm trạng của tôi chỉ suy sụp một chút, buồn bã một chút, chán ăn một chút thôi mà.
Hồi trước tôi cũng thế, chỉ là lần này hơi nghiêm trọng hơn thôi, cũng chẳng phải mắc bệnh gì, tại sao phải đến bệnh viện chứ?
Đến mấy ngày Tết, dì giúp việc mua rất nhiều đèn lồng chữ "phúc" về treo trong nhà.
Dì ấy treo lồng đèn lên, quay đầu hỏi tôi xem treo ở đây có đẹp không.
Tôi gật đầu một cách máy móc, trả lời dì ấy là đẹp.
Tối hôm sau, dì giúp việc dẫn cô con gái đang học tiểu học đến làm sủi cảo với tôi.
Dì ấy vừa đặt nồi lên là cô bé liên tục hỏi bao giờ mới được ăn.
Tôi đi rửa tay, vừa quay đầu lại thì thấy chiếc lồng đèn treo trên cửa phòng tôi.
Nãy giờ bọn tôi làm sủi cảo ở bếp, phòng tôi không bật đèn, bây giờ màn đêm buông xuống mới thấy lồng đèn sáng lên rực rỡ trong bóng tối.
Giống như ngày Tết hôm đó, Chu Gia Dã dẫn tôi đi dọc phố Văn Hòa phủ đầy đèn lồng đỏ.
Tôi sụp đổ giống như một con rối gỗ hơn nửa tháng, không cảm nhận được đau buồn, cũng không có cảm xúc.
Giây phút đó, đôi mắt tôi như được bật công tắc cảm xúc, nước mắt bỗng nhiên tuôn trào.
Rõ ràng là tôi không đau khổ hay buồn bã, tôi chỉ chợt thấy nhớ Chu Gia Dã.
Nhớ đến cái này cậu ấy mời tôi ăn rồi chúc tôi thi cuối kỳ suôn sẻ, khi cậu ấy đưa tôi đến bến xe buýt, khi cậu ấy lại nhắc đến chuyện dọn bàn, khi cậu ấy bảo nếu không tìm được ai giúp đỡ thì có thể tìm đến cậu ấy.
Cậu ấy còn nói, Lâm Ý, hãy vui vẻ lên một chút..