Tuổi Thơ Dữ Dội

1

Mồng một Tết. Trong lúc nhân dân ở thành phố, ở đồng bằng, mặc áo
quần đẹp, đi lại chúc tết nhau: “Vạn sự như ý”, thì các chiến sĩ tiểu
đoàn mười tám xuất phát từ chiến khu Truồi, lội suối băng rừng, hành
quân về phía đèo Phát Tượng - một ngọn đèo hiểm trở vùng cực nam Thừa
qhiên.

Ngoài súng đạn, ba lô, ruột tượng gạo rang làm lương khô, mỗi
chiến sĩ được phát hai đòn bánh tét. Số bánh tét này là của nhân dân
khắp các làng quê huyện Phú Lộc gởi lên chiến khu ủng hộ bộ đội vào
những ngày trước Tết. Ban chỉ huy tiểu đoàn quyết định để dành toàn bộ
số bánh làm lương ăn cho trận đánh phục kích tàu ở đèo Phát Tượng mà
tiểu đoàn đã nghiên cứu chuẩn bị từ một tháng trước đó. Dự kiến của Ban
chỉ huy, trận đánh có thể kéo dài từ một đến ba ngày.

Trưa mồng bốn
Tết, cả tiểu đoàn đã nằm trên trận địa phục kích, dưới mưa xuân rả rích. Mưa không nặng hạt, đúng điệu mưa xuân, nhưng phải dầm mưa suốt ngày
đêm, áo quần của các chiến sĩ đều ướt sũng, nước ngấm vào da thịt lạnh
thấu xương… chờ địch đã qua một ngày, một đêm, địch vẫn chưa xuất hiện.
Mỗi chiến sĩ bóc đến đòn bánh tét thứ hai…

Ở trung đội trợ chiến, một chiến sĩ xạ thủ súng mười hai ly bảy, bóc đòn bánh tét của mình, đòn
bánh được gói rất khéo. Hai đầu đòn bánh đều nhau, tròn trịa như cải ống bương, khéo từ lá gói, đến nút lại lạt buộc.

Anh chiến sĩ vừa mở lá một đầu đòn bánh, mắt bỗng trợn tròn, ngạc nhiên. Anh gọi hai người bạn cùng đang bóc bánh:

- Lạ quá các cậu ơi! Trong đòn bánh tét của mình có bức thư?

Bức thư được bọc cẩn thận trong mảnh lá chuối hơ lửa, viết bằng mực tím,
nét chữ nắn nót nhưng xiêu vẹo của người mới biết đọc biết viết. Bức thư chắc là được bỏ thêm vào sau khi bánh đã luộc chín nên nét chữ không
nhòe. Ba chiến sĩ ngồi xổm dưới công sự đào dưới lùm cây rậm, tụm đầu
đọc bức thư:

”Kính thưa các anh bộ đội!

Dạ thưa các anh tui tên là Niệm, làm nghề bán bún bò gánh: Trước tê tui ở Bao Vinh, tui có đứa con tên là Mừng, cháu mười ba tuổi, cháu trốn tui đi theo các anh Vệ Quốc
Đoàn đánh Tây ở Huê. Dạ, đời tui chỉ có một mạ một con cực khổ trần ai
lắm các anh nờ. Tui gắng gỏi sông cũng chỉ vì con, mặt trận Huế bể,
người trong xóm tui rủ nhau hồi cư hết, nhưng tui về mà làm chi các anh
ơi, về mà lui cui lút cút một đèn, một bóng thì thà chết đường chết chợ
cho xong. Tui gánh bún bán mua đắp đổi qua ngày côt để tìm con tui coi
cháu còn sống hay chết, mà tìm khắp sáu huyện chẳng thấy tăm dạng con
mô.

Tui nghe đồn cháu theo các anh lên chiến khu, tui xin du kích uỷ
ban các xã, các huyện cho tui đi theo gánh đồ đoàn tiếp tế lên chiến khu để tìm cháu mà chiến khu mô cũng nói với tui là không chộ cháu ở đây,
cực thân tui lắm các anh nờ. Bữu ni nhân ngày Tết nhất! Tui gói năm đòn
bánh tét mô tui cũng bỏ một phong thơ như ri, gửi lên cho các anh ở
chiến khu ăn Tết, may ra các anh ăn trúng đòn bánh của tui đọc thấy thơ
ni biết được con tui chừ đang ở mô thì gửi giấy về làng Thệ Chí Đông tin cho tuỉ biết với. Được như rứa tui đội ơn các anh suốt đời.

Nay kính thơ

Niệm”

Anh chiến sĩ bóc đòn bánh tét tên là Tiến, trước đây là cu li nhà máy vôi
Long Thọ. Anh mồ côi cha mẹ từ ngày mới chập chững biết đi. Hai vợ chồng người bác họ nuôi anh… Đời anh chưa bao giờ biết được thế nào là tình
yêu của mẹ. Bởi vậy mà bức thư của người mẹ đi khắp các làng mạc hói hà
cả tỉnh Thừa Thiên để tìm con làm anh lạ lùng lắm. Mãi đến hôm nay, hăm
ba tuổi đẩu, do bức thư tình cờ tìm thấy trong đòn bánh tét anh ăn trước giờ xung trận, anh mới phát hiện ra một điều rủi ro bất hạnh lớn nhất
của đời anh là không biết được tình yêu của mẹ. Và anh đã khóc. Thấy anh khóc hai người bạn trong tổ đại liên mười hai ly bảy nói:

- Có rứa mà cũng khóc. Vô duyên òm? - Nhưng chính mắt hai người cũng ướt nhòe.

- Mưa chi mưa ác! Thúi đất thúi đai! - Hai anh nói và quay mặt chùi vội nước mắt.

Anh xạ thủ Tiến có một nhược điểm làm cả đơn vị thường xúm lại trêu chọc:
Anh không nói được vần tờ. Tên anh là Tiến anh tự xưng là Yến, tiểu đoàn trưởng anh gọi là yểu đoàn ưởng, bức thư anh gọi là bức hư.

Tiến bò dọc theo mép đồi, đến công sự của Ban Chỉ huy tiểu đoàn, nộp bức thư và kể lại đẩu đuôi.

Chính trị viên Lê Bích đọc đi đọc lại bức thư ba lẩn. Lát sau có thêm hai
chiến sĩ ở đại đội một bò đến, nộp một bức thư giống hệt bức thư Tiến
nộp.

Anh Tiến ngồi trên mép công sự, chằm chặp nhìn chính trị viên tiểu đoàn. Anh hỏi:

- Chừ anh định răng với cái “hư ni”?

- Theo ý đồng chí ta nên như thế nào?

- Heo ý ui, a phải đi ìm con giúp cho chị ni.

- Nếu tôi cử đồng chí đi làm nhiệm vụ này, đồng chí có đồng ý không?

- Lúc mô đi!

- Đi ngay bây giờ, mà chuyến đi sẽ vất vả ghê gớm đấy. Đồng chí phải đi
xuyên dọc Trường Sơn, ghé qua tất cả các chiến khu từ cuối tỉnh đến đầu
tỉnh. Bỏ rẻ cũng phải mất mười lăm ngày vượt núi. Tìm thấy hay không,
đồng chí phải từ chiến khu Hoà Mỹ về đồng bằng, vượt phá Tam Giang qua
làng Thệ Chí, tìm chị đó báo tin cho chị biết. Đồng chí có biết làng Thệ Chí không?

- Có trước đây tui cũng có ra làng ni thuê thuyền chở đá vôi cho nhà máy.

- Từ làng Thệ Chí, đồng chí phải đi theo đường sát biển, qua cửa Thuận
An, đi cho đến núi Tuý Vân, rồi nhờ thuyền đò của bà con ngư dân vượt
đầm Cầu Hai, về lại chiến khu Truồi.

- Vất vả rứa chứ hơn nữa ui cũng chẳng ngại. Ui hương chị ta quá, ui muốn ngó mặt mũi chị như răng mà
hương con đến nước nớ… Ui chỉ iếc là không đánh được ận ni…

Chính trị viên kê tờ giấy khống chỉ lên xà cột, viết thư gửi các chiến khu:

”Kính gửi các đồng chí lãnh đạo các chiến khu: Bạch Mã, Truồi, Độn Bồ, Khe Tre, Nam Đông, Binh Điền, Trạm Ba, Trò, Hoà Mỹ.

Chúng tôi xin giới thiệu với các đồng chí, đồng chí Đặng Tiên là chiến sĩ
tiểu đoàn mười tám, có nhiệm vụ đến chiến khu của các đồng chí để tìm
một liên lạc tên là Mừng, con của người phụ nữ có bức thư mà chúng tôi
gửi kèm theo đây. Kính mong các đồng chí hết sức giúp đỡ đồng chí Tiên,
tìm xem trong chiến khu của các đồng chí từ trước đến nay có em liên lạc nào tên là Mừng, nếu có mà đã hy sinh rồi thì cũng báo cho đồng chí
Tiên biết để đồng chí về báo với mẹ em hiện đang ở làng Thệ Chí.

Chào quyết thắng.

Chính trị viên tiểu đoàn mười tám.

Lê Bích”

Bị chú: Đồng chí Đặng Tiên của chúng tôi có một khuyêt tật là không nói
được vần tờ. Bởi vậy trong lúc đồng chí Tiên trình bày, trò chuyện mong
các đồng chí nắm được và thông cảm“.

Chính trị viên điều ở đơn vị lên thêm cho Tiến một ruột tượng gạo rang, một ống muối ruốc ớt. Và trang
bị cho anh một hộp diêm, một khẩu tiểu liên và hai băng đạn, một cây dao rựa.

Đúng như chính trị viên dự kiến, anh Tiến đã đi từ trận địa
phục kích đến chiến khu Hoà Mỹ - chiến khu cuối cùng của Thừa Thiên -
mất mười tám ngày ròng rã. Anh đã phải vượt qua hàng nghìn dốc núi, lội
qua hàng trăm con suối cạn, suối sâu năm lần chạm trán với cọp, voi, bò
tót, lợn lòi, trăn thì không ngày nào không gặp. Anh đã ghé lại tất cả
các chiến khu đã ghi trong thư. Đến chiến khu nào, các đồng chí lãnh đạo cũng cho biết, cách đây tám tháng, sáu tháng, năm tháng, ba tháng… có
một chị tên là Niệm trong đoàn dân quân từ đồng bằng gánh gạo, muối,
tiếp tế chiến khu, hỏi thăm đứa con trai của chị tên là Mừng, mười ba
tuổi, trốn nhà đi Vệ Quốc Đoàn từ ngày mặt trận Huế nổ súng.

Bởi vậy, làm sao có thể tả hết nỗi đau đớn thất vọng của người Vệ Quốc Quân có
tâm hồn hiệp sĩ này khi ra đến chiến khu Hoà Mỹ, được tin là chú bé liên lạc mà anh phải mất mười tám ngày trời băng rừng vượt núi, nhiều lần
suýt làm mồi thú dữ, để tìm kiếm, lại là một tên gián điệp ranh ma, xảo
quyệt, vô cùng lợi hại. Và cách đây chưa lâu, hắn đã cùng với một tên
gián điệp khác, đánh cắp bí mật của kháng chiến trốn khỏi chiến khu chạy về đồn giặc.

Cặp mắt anh vụt đỏ kè. Anh bặm môi, nghiến răng kêu lên dữ tợn:

- Hằng yên ni hề có ời đất, ui mà còn sống, nhất định có ngày ìm được cái hằng con ranh con lộn đó, ui nghiền nát đầu hắn ra như nghiền con rận!

Nhưng anh còn một nhiệm vụ nữa là phải tìm về làng Thệ Chí để báo tin cho
người mẹ tìm con bất hạnh. Anh cảm thấy nhiệm vụ này còn khó khăn khủng
khiếp hơn cả nhiệm vụ báo tử. Anh thật sự hoảng sợ đến toát mồ hôi hột
mỗi lần nghĩ đến nó.

”Ui chao ôi, mới mười ba uổi mà hắn đã là một
tên gián điệp lợi hại, ranh ma, quỷ quyệt hì không biết hắn học cái nghề bán nước đó ừ khi mô?”

Anh cứ rên rỉ hoài như vậy trong suốt mấy
ngày liền nấn ná ở chiến khu Hoà Mỹ. Trong mấy ngày đó anh Tiến cứ ở với đội Thiếu niên Trinh sát. Các em bây giờ đã tập trung hết về đội. Sau
một đợt học tập chuyên môn chính trị ngắn ngày, các em được phân công
phụ trách các đài quan sát của chiến khu. Nhiệm vụ bám địch ở đồng bằng
giao lại cho các anh lớn mới được trung đoàn bổ sung về đội. Do đó đội
bây giờ được đổi tên là Đội Trinh sát của trung đoàn. Anh Tiến hỏi
chuyện các em về “cái thằng Mừng Việt gian” tính nết thường ngày, mặt
mũi hắn như răng? Nghe các em kể nó thân nhất với thằng Nghi liên lạc
của trung đoàn bộ, anh vô Xê-ca một tìm gặp Nghi hỏi chuyện.

Em Nghi
kể cho anh nghe chuyện cái đêm em đèo ngựa đưa Mừng về thăm mạ ở làng
Phò. “Về đến ngõ hắn lại nhờ em vô nhà nhắn tin với mạ, còn hắn thì đứng nép ngoài hàng rào ngó vô mà khóc. Hắn sợ mạ đập đầu xuống đất mà kêu
la không cho hắn đi Vệ Quốc Đoàn nữa“. Anh Tiến ngạc nhiên nói: “Rứa hắn là đứa bụng dạ không đến nỗi mô hè?“. Nhưng ngẫm nghĩ một lúc, anh nói
tiếp: “Đã mang thân đi làm Việt gian bán nước chắc chi hắn thật bụng?
Hắn làm rứa cất để che mắt thế gian“. Và anh bỗng phát hiện ra một điều
mới mẻ. “Chưa chừng cả con mạ hắn là Việt gian cũng nên, cha Việt gian,
con Việt gian, thì mạ Việt gian là cái chắc! Thôi, đúng rồi con mạ hắn
giả dạng xin đi tiếp tế lên chiến khu là cốt để dò la tin tức chiến khu
về báo cho Tây chứ tìm con tìm kiếc cóc chó chi! Việc sờ sờ ra rứa mà
mình không nghĩ ra, đúng là mình ngu hết chỗ nói“.

Đang từ thương
xót, cảm phục, anh chiến sĩ có tâm hồn hiệp sĩ, phút chốc đùng đùng nổi
giận. Anh càng tiếc cay tiếc đắng cái công mười tám ngày đêm băng ngàn
lội suối đi tìm con giúp cho cả cái nòi Việt gian!

Rồi anh quyết định phải cấp tốc trở lại con đường cũ, báo ngay với các chiến khu biết để
đề phòng con mụ Việt gian giả đò tìm con. Và ngay trưa hôm đó, anh đeo
ruột tượng lương khô vào lưng, khoác khẩu tiểu liên, xăm xăm trở về
chiến khu Truồi, theo con đường rừng vô cùng gian khổ và nguy hiểm.

Một buổi sáng tinh mơ mùa hè năm 1948. Chiến khu Hoà Mỹ vừa mới thức giấc.
Núi rừng, cây cỏ, sông Ô Lâu còn phủ kín trong màn sương trắng đục. Một
chú bé không biết từ phía nào lại chui ra khỏi con đường lau lách, bước
vào trạm gác tiền tiêu phía tây nam chiến khu.

Chú bé độ cái mũ bêrê
màu rượu chát còn mới tinh kéo sụp che gần kín trán, mặc bộ áo quần kaki màu xanh lá cây, chân đi dép da. Cả người chú ướt đẫm sương. Chắc chú
phải đi bộ cả đêm, lội qua nhiều khe suối, băng qua nhiều đám bùn lầy
nên hai ống quần ướt đến bẹn, trát đầy bùn, dính bết vào bắp chân. Gương mặt chú hốc hác, cặp mắt thâm quầng, bước đi lảo đảo kiệt sức. Chú bé
chào anh lính gác đang còn ngái ngủ:

- Anh ạ…

- Chú ở mô và mô đây sớm rứa?

- Anh không nhìn ra em à? Em thằng Mừng ở đội Thiếu niên Trinh sát đây mà.

Anh lính gác như không còn tin vào mắt mình nữa, bước đến nhìn sát vào tận mặt chú bé, kêu:

- Đúng ìà mi rồi? Mi còn dám vác mặt mo lên đây à? Chứ mi ở mô mò lên đây?

- Dạ, dưới đồn Sơn Quả. Em trốn khỏi đồn từ chiều bữa qua…

Nghe tiếng chộn rộn trước sân, cả tổ gác trạm gác tiền tiêu bước ra đứng vây quanh chú bé. Họ đều nhận ra đúng là Mừng, tên gián điệp ranh ma, xảo
quyệt, cách đây ba tháng đã cùng với tên Kim điệp viên lợi hại trốn khỏi chiến khu.

Họ có thể tưởng tượng đủ mọi điều, nhưng việc Mừng dám
trở lại chiến khu và ngang nhiên khai rằng từ đồn giặc đến đây, thì
ngoài sức tưởng tượng của họ.

Anh tổ trưởng thốt lên:

- Thằng ni gớm thật?

- Mi là thằng gan già!

Gương mặt mệt mỏi của Mừng vụt tươi lên. Em tưởng đó là lời khen.

- Dạ… em phải chạy gần suốt cả đêm, mà phải toàn lủi trong bụi rậm. Em
mệt quá, các anh cho em về lán ngủ một giấc rồi chút nữa em về đội. -
Mừng nói, cặp mắt ríu lại, xắm nắm định bước vô lán.

- Ngủ à? - Anh tổ trưởng quắc mắc giận dữ. - Trói cổ nó lại!

Mừng đứng khựng lại, vẻ mặt ngơ ngác nhìn anh:

- Em làm chi mà trói em?

- Làm Việt gian gián điệp chớ còn làm chi?

Anh tổ trưởng bước tới, như sắp tát em. Em bước thụt lùi hốt hoảng đưa tay
lên đỡ mặt. Và lúc này em như vụt hiểu ra không phải các anh tổ trạm gác đùa vui với em như mọi lần.

Em rơm rớm nước mắt nói:

- Thằng Kim mới Việt gian chứ em đời mô…?

- Không nói lôi thôi! Trói cổ nó lại! Đồng chí Tánh. - Anh tổ trưởng gọi
một trong ba chiến sĩ tổ gác - Vô Xê-ca Một báo ngay cho ban Quân báo
trung đoàn ra giải quyết. Lấy sợi dây điện thoại ra đây. Phải rút kinh
nghiệm xương máu, không được trói tụi ni bằng dây dừa.

- Ồ, thằng Kim vấn thuốc châm lửa giúp thằng gián điệp chớ có phải em mô…

- Bay cùng một duộc cả! Mới rãy mũi đã làm Việt gian bán nước. Tụi ni phải đem bắn quách, để sống làm chi cho nhớp đất?

Anh tổ trưởng hằm hằm nói, chụp hai cánh tay Mừng bẻ quặp ra phía sau lưng, dùng sợi dây điện thoại trói em giật cánh khuỷu. Trói xong, không nén
nổi giận dữ, xô em một cái, em ngã chúi mặt cạnh chân cột lán. Từ trong
bụng em văng ra một khẩu súng lục “côn mười hai”, nước thép xanh biếc.
Anh nhảy tới chộp lấy khẩu súng như sợ em nhanh tay chộp mất.

Anh cầm khẩu súng, bàn tay rung rung như khẩu súng quá nặng, lật đi lật lại
ngắm nghía. Gương mặt anh méo mó vì tức giận. Anh chìa khẩu súng ra
trước mặt Mừng, chửi:

- Tổ cha mi! Rứa cái chi đây? Mi còn chối nữa hay thôi?

- Thằng ni gớm thật! Anh lính gác nhìn nó với ánh mắt dễ sợ - Không trói hắn nhanh chắc hắn đã cho cả tụi mình ăn đạn!

Anh tổ trưởng bấm chốt kéo “sác-giơ” ra. Sác-giơ đầy đạn vàng chóe.

Mừng ngồi co rúm nép sát chân cột, nhìn các anh với cặp mắt ngơ ngác, thất thần, Em nói, môi run run:

- Khẩu súng nớ em lấy cắp của cha em… em định giấu mang về cho đội
trưởng… Em… em… - giọng em bỗng nghẹn tắc. Em nhìn hết anh tổ trưởng đến mấy anh trong tổ gác. Em vụt hiểu ra, không một ai tin lời em hết. Em
bật oà khóc. Em ngọ nguậy cánh tay định đưa lên cùi nước mắt và em nhớ
ra hai tay mình đã bị trói. Nước mắt giàn giụa, lã chã, tắm hai gò má,
trôi xuống miệng, xuống cằm, giọt giọt xuống đất. và lúc đó phía ngoài
đường có nhiều tiếng chân chạy, tiếng hỏi chộn rộn, xôn xao:

- Mô? Mô? Thằng Việt gian mô rồi?

Mừng nhận ra giọng nói quen thuộc của các bạn.

Gần đủ mặt các bạn trong đội tràn vô sân trạm gác. Thì ra anh Tánh trên
đường chạy vô Xê-ca Một, báo cáo với ban Quân báo trung đoàn, gặp các em đang rầm rập chạy ra sông Ô Lâu rửa mặt. Anh liền gọi các em.

- Các em ơi! Thằng Mừng lại mò lên chiến khu!

- Anh nói giỡn chi rứa?

- Thì các anh đã tóm cổ hắn trói ngoài trạm gác tề?…

- Ui chao! Chuyện chi hiện nguỵ! Ta ra coi đi. - Các em xôn xao kêu lên và chạy luôn ra trạm gác.

Gặp lại các bạn Mừng thổn thức nói:

- Các cậu ơi anh Du, anh Đoàn, anh Châu… nói giúp cho tui với. Tui không phải là Việt gian… các anh ni nghi tui…

Có lẽ em tin rằng các bạn sẽ xúm lại bênh em, cởi trói cho em. Nhưng các
bạn đứng túm tụm giữa sân, nhìn nó như chưa hề quen biết nó bao giờ.
Nhiều em nhổ nước bọt, kêu lên, giọng ghê tởm, khinh bỉ:

- Nghi cứt chi nữa?

- Việt gian rành rành còn giả đò khóc?

- Mần Việt gian có khác? Bê-rê tề, áo quần kaki tề, xăng- đan tề?… Ngó mà gớm ghiếc!

- Trong người hắn lại giắt cả súng lục mới keng đây các chú nì! - Anh tổ trưởng đưa khẩu “côn mười hai” cho cả đội coi.

- Hắn mà gặp tụi mình giữa đường chắc hắn nổ cho tụi mình mỗi đứa một phát vô giữa đẩu!

- Nì! Mi ngửi cứt Tây có thơm không mi?

Hoà-đen hát rống lên bài “Mắng Việt gian”: “Mi nghe chăng hỡi ai mê mùi phú quý quên non sông”

- Rứa mà thằng Quỳnh còn viết cả nhạc kịch để khen hắn nữa chớ? Thằng Quỳnh mà biết chuyện ni, chắc hắn phải chết thêm lần nữa?

- Đồ chó? - Châu-sém bước đến đứng sát trước mặt Mừng chửi với ánh nhìn
tóe lửa. Rồi thuận tay, Châu-sém chụp cái mũ bê-rê trên đầu Mừng quăng
xuống đấy, lấy chân chà lên. - Mi đi mần Việt gian cho sướng cái thân
mi, mà để lây tiếng xấu cho cả đội! - Nó nhổ cả một bãi nước bọt to
tướng trúng bẹt giữa khuôn mặt đầm đìa nước mắt của Mừng.

Bồng-da-rắn cũng bước đến đứng cạnh Châu-sém, nhìn Mừng chăm chăm. Ánh mắt em không giận dữ khinh bỉ như các bạn, mà lộ vẻ đau đớn, buồn bã đến xé lòng.

Trước những lời nguyền rủa của các bạn, gương mặt Mừng tái nhợt như xác chết. Em ngước nhìn Bồng, ánh mắt van lơn, cầu khẩn. Ánh mắt con chim non bị
người ta vặn cổ, sắp chết.

- Anh Bồng, anh nói giúp cho tui với, -
Mừng lắp bắp nói qua nước mắt. - Anh ngửi được mùi Việt gian, mùi Vệ
Quốc Đoàn mà… Anh nói giúp cho tui với…

Bồng không nói gì, vẻ mặt lầm ìì, nhìn hai cánh tay Mừng bị trói chặt bằng dây điện thoại, hai bàn tay bị tụ máu đỏ lên.

Nó nói với anh tổ trưởng trạm gác:

- Anh trói hắn chặt quá. Nới bớt cho hắn một chút…

- Chú mi thương hắn à? Phải trói chặt hơn nữa tê? Trói lỏng để cho hắn
chồm lên giật súng bắn chết anh ẻm mình, như cái thằng cha mua mây dạo
nọ? - Anh tổ trưởng nhìn Bồng với cặp mắt chê trách nói tiếp. - Rứa mà
trung đoàn lại thông báo tuyên dương chú mi là có tinh thần cảnh giác
cách mạng cao?

Bồng không trả lời anh, lẳng lặng bỏ đi ra ngoài đường.

2

Mừng được cởi trói, ngồi trước cái bàn mặt nứa ở gian ngoài trạm gác.

Lê Hường, Trưởng ban Quân báo trung đoàn, ngồi bên kia bàn, đối diện với
em. Cuốn sổ tay và cây bút máy Parke gác trên sổ, đặt trước mặt anh. Anh nói, giọng nghiêm khắc:

- Chú mày phải khai rõ ràng, khai hết, khai
cho thật. Nếu khai thành thật, chú mày sẽ được hưởng lượng khoan hồng.
Nếu đối trá, quanh co, phải trả giá đắt đó. Chú mày có biết kỷ luật thời chiến đối với bọn Việt gian gián điệp là thế nào không? Xử bắn? - Anh
dằn giọng, đầy hăm doạ.

Rõ ràng, giọng của anh Trưởng ban Quân báo
nói với Mừng không còn là giọng anh chỉ huy nói chuyện với chú em liên
lạc, mà giọng một cán bộ nghiệp vụ đang lấy cung kẻ thù. Mừng lúc này đã hiểu rõ điều đó. Cả người em run rẩy đau đớn, gương mặt mệt lả, tuyệt
vọng.

Thấy em vẫn ngồi lặng lẽ khóc, anh hỏi:

- Trước hết, chú mày phải nói cho tôi biết chú mày là người của cơ quan mật thám nào? Đơ-bê? Xuya-rơ-tê Phê-đe-ran? Hay Ty An ninh?

- D ạ… em là Vệ Quốc Đoàn… em không biết chi hết…

Mừng ngước gương mặt tắm nước mắt mà em chẳng buồn lau, nhìn lên Hường…

Cách đây chưa lâu, mỗi lần chạy liên lạc vô Xê-ca Một, qua lán của ban Quân báo, anh Lê Hường thường ngoắc gọi em vào hỏi em:

- Bữa ni em có việc chi phải vô Xê-ca Năm không?

Xê-ca Năm là đóng xưởng bào chế thuốc. Từ Xê-ca Một vô Xê-ca Năm phải trèo
qua ba dốc núi. Mặc dầu không phải có việc chi vô đó nhưng em biết anh
Hường cần gì, nên em vui vẻ nói: “Có em cũng có công văn chạy vô xưởng
bào chế” - “Rứa thì nhờ em tiện thể đưa giúp cái nỉ cho chị Tịnh Nhơn“.
Anh móc túi áo lấy ra phong thư dán kỹ, trao cho Mừng. Anh cười, mặt hơi đỏ lên, dặn thêm: “Em nhớ đưa riêng cho chị Nhơn thôi nghe… Có mặt các
chị khác thì đừng đưa…“. “Em biết rồi! Em biết rồi!…“. Mừng nhanh nhảu
nói, cầm lấy phong thư dầy cộm, chạy đi.

Chị Tịnh Nhơn đẹp nhất xưởng bào chế. Hai má chị bầu bầu, lúc nào cũng đỏ hây hây như có bôi giấy
hương. Mừng biết anh Hường và chị Nhơn thương nhau… Lần mô mang thư vô
cho chị, chị cũng có thư gửi ra cho anh: “Nhờ em đưa giúp chị…“. Em còn
biết đưa loại thư này không giống như đưa giấy tờ công văn. Cầm công văn lỡ bị làm nhớp một chút cũng không can chi. Mà tay em lúc nào cũng kềnh càng đầy ghẻ; cầm không khéo, máu mủ ghẻ dính vô phong bì ngay. Bởi
vậy, thư của hai người bao giờ em cũng cẩn thận bọc trong ngọn lá vả
rừng hoặc ngọn lá nón, để giữ cho phong bì được sạch. Có lần chị Nhơn
hỏi: “Tại răng lúc mô cũng thấy em gói thư vô ngọn lá như gói cái bánh
rứa?” - “Em sợ tay em làm nhớp mất cái thư quý của chị” - Mừng chìa hai
bàn tay chi chít những nốt ghẻ cái cương mủ xanh lè, và nhiều nất lở
loét chảy máu.

Cặp mắt đen lay láy và trong vắt như nước suối của chị mở to nhìn em không chớp, và tự dưng láng láng nước mắt. Thấy chị khóc, em lúng túng, lo lắng, vội vã chạy xuơng dốc núi: “Em phải về không sợ
đi lâu đội trưởng la“.

Chừ thì anh Hường ngồi đó, hỏi em với cái
giọng như chưa hề quen em khi mô. Anh không gọi em là em như mọi khi mà
gọi là chú mày. “Chắc anh nghi mình là Việt gian anh mới gọi rứa. Chừ mà chị Nhơn gặp mình, chị cũng gọi mình là “chú mày” như anh Hường… Ai
người ta còn thèm tử tế với cái đồ Việt gian?“. Ý nghĩ đó làm em bật
khóc to nức nở.

Anh Hường vỗ bàn làm cuốn sổ và cây bút nhảy lên như bị kiến nhéo:

- Chú mày khai đi! Không phải khóc, mất thì giờ!

- Dạ, em chẳng biết chuyện chi mà khai… Tại vì thằng Kim… em cứ tưởng hắn là Vệ Quốc Đoàn, có ngờ mô hắn là Việt gian. Bữa đó hắn kêu đau bụng.
Đội trưởng xuống sông giặt áo quần, bao tải cho cả đội, giao em ở nhà
coi nhà. Hắn nhờ em ra quán o Liên mua xôi chè. Em mà biết hắn là Việt
gian đời mô em đi… có thèm xôi chè đến chết em cũng không đi. Rứa mà em
dại quá, em lại bỏ nhà em đi, để hắn ở nhà một chắc. Em mua xôi về, chè
chưa chín…

Lê Hường cau trán, anh vụt nhớ chi tiết này: trên sạp nứa
nằm lăn lóc gói xôi đỗ đen khá to, anh Thắng đã cầm ném ra bụi rậm vì sợ trong xôi có bỏ thuốc độc.

-… Em thấy thằng Kim đang ở trong buồng,
coi tấm bản đồ bố phòng chiến khu. Em tức quá, la hắn: “Răng anh dám lục bản đồ mật của đội trưởng ra coi?“. Hắn nói: “Tau coi nhờ đường vô bệnh viện, để chiều tau xin đi chữa bệnh“. Cơi chi mà biết hắn là Việt gian
thì em đã chạy xuống sông báo cho đội trưởng… Em thấy trên bàn có cái
hộp chi đen đen mà có mặt gương ở giữa, em cầm lên coi, hỏi hắn: “Hộp
chi mà đẹp ri?” - Hắn giật lại, nói là hộp đựng tiền, rồi bỏ mau vô bọc
cài nút lại. Hắn ôm bụng kêu đau bụng, nói em cứ ăn xôi trước, hắn vô ăn sau. Rồi hắn chạy ra nhà tiêu. Em ngồi chờ hắn vô, em nghĩ… Em nhớ có
lần đội trưởng kể: Tụi Việt gian hay dùng máy chụp bóng nhỏ như cái bao
diêm để chụp trộm tài liệu bí mật của kháng chiến… Rứa là em sợ quá, em
nghĩ: “Hay cái hộp đựng tiền nớ là cái máy chụp bóng, hắn dùng chụp trộm bản đồ bố phóng chiến khu?“. Em liền chạy ra cầu tiêu tìm hắn, nhưng
hắn đã chạy mất rồi. Cơi chi em biết hắn là Việt gian thì em đã giữ chặt cái máy đó, không cho hắn giựt lại. Em chạy đuổi theo hắn để bắt giữ
hắn lại. Em trèo lên ngọn cây bứa, ngó về phía dồn Sơn Quả, thấy bóng
hắn chạy lúp xúp đằng xa. Em liền chạy vòng đường tắt qua rú Quao, đón
đầu hắn. Em chặn được hắn lại. Em đòi lại cái máy chụp bóng bắt hắn quay lui. Hắn xông vô đập em. Em chụp hòn đá, nhè túi áo hắn có đựng máy
chụp bóng, em xán thật mạnh. Cái máy bể tan. Hắn vật em xuống đất, xé áo em làm dây trói em lại rồi đập em tràn cả máu mũi, máu miệng. Hắn rút
khẩu súng lục dắt trong lưng quần ra, chỉ vô mặt em, bắt em phải đi theo hắn về đồn Sơn Quả. Em nằm dài ra giữa đường, giả đò đau quá không đi
được. Rứa là hắn cõng em một mạch chạy về đồn Sơn Quả. Em ở lại với hắn
trong đồn một đêm, nằm chung lộn với mấy thằng Bảo vệ quân. Sáng hôm sau có chiếc xe Jeep thằng Tây đen cầm máy, chở em với hắn thẳng về Huế,
đến một nhà có rất nhiều lính Tây. Hắn đi vô nhà đó tự nhiên như đi vô
nhà hắn. Hắn nói tiếng Tây xì xồ với tụi Tây. Rồi hắn ở lại đó luôn, còn em tụi hắn đem giam vô lao Toà Khâm, nhốt em vô cái nhà nhỏ tối câm. Em ở đó được hai ngày thì cha em đến đón em. Cha em mặc đồ Tây, đeo lon
quan hai, bên hông đeo khẩu súng lục ni. - Mừng chỉ khẩu súng “côn mười
hai” để trên bàn. - Tay cầm roi [bad word] bò ngúc ngoắc, ngúc ngoắc.
cha em dắt em ra ngồi trên xe Jeep, vặn lái chở em về nhà riêng Phú Cam. Trong nhà có dì ghẻ em. Dì ghẻ em theo đạo, trên cổ có đeo cái thập ác
với dây chuyền vàng. Trên bàn thờ có ông Chúa đứng dang tay chéo chân,
với người đàn bà bồng con nít. Cha em ăn cơm thịt bò, thịt gà, ra phố
mua cho em mũ dép, mấy bộ quần áo, rồi chở đi nhà thương bôi thuốc cho
lành ghẻ. Cha em nói: “Con đi theo Việt Minh làm chi cho khổ, ghẻ đầy
người, chỉ còn da bọc xương. Ở đây với cha, với dì ít lâu, ăn uống tẩm
bổ cho lại người, chữa cho lành bệnh, rồi cha xin việc cho mà làm“. Em
nói: “Con nhỏ ri biết làm việc chi?” - Cha em nói: “Rứa mà Tây họ đang
cần con đó. Con mà biết nghe họ, làm việc cho họ thì con muốn chi được
nấy“. Em hỏi: “Cha có biết chừ mạ con ở mô không?” - Cha em nói: “Mạ con bị Tây bắn chết ngoài Phò Trạch rồi” - Mừng trở sống bàn tay quệt nước
mắt, nức nở hồi lâu rồi kể tiếp: “Em ở nhà cha em được hơn mười ngày,
cha em chở em đến chỗ cha em làm việc. Một cái nhà lầu ba tầng, có rất
nhiều Tây, nhiều Việt gian đi đi lại lại. Cha em đưa em vô một gian
buồng rất rộng trên vách có treo tấm bản đồ chiến khu mình, nhưng to
bằng cả chiếc chiếu. Trong buồng có mấy thằng Tây, mấy thằng Việt gian
xì xồ nói tiếng Tây, hút thuốc. Cha em cầm cái que gỗ tròn, dài hơn mét, chỉ lên bản đồ nói: “Con chỉ cho các quan Tây coi chỗ mô tụi Việt minh
trên Hoà Mỹ đóng các cơ quan như trung đoàn bộ, tỉnh uỷ, uỷ ban tỉnh,
công binh xưởng, kho đạn, kho lúa gạo, chỗ mô bố trí các ụ súng bắn máy
bay, đường mô có gài mìn. Con mà chỉ trúng, các quan Tây sẽ thưởng cho
con nhiều áơ quần đẹp, nhiều tiền tha hồ mà tiêu xài“. Em ngó tấm bản
đồ, giả đò như không biết, hỏi cha em: “Cái tờ giấy to đại chang ni là
cái chi rứa cha?“. Mấy thằng Tây, Việt gian kêu ồ ồ. Cha em quạu mặt
nói: “Thằng Kim nói mi đọc bản đồ làu làu, mi đừng có làm bộ giả đui,
giả điếc? Mi mà không chỉ thì các quan đây xách cổ mi đi bắn, cha cũng
không xin được mô“. Một thằng Việt gian đeo gương mát hỏi em: “Em đã
nhìn thấy cái bản đồ giống như thế này bao giờ chưa?“. Em nói: “Dạ có,
em có nhìn thấy, cấp chỉ huy em cũng có một cái giống như ri, nhưng nhỏ
chỉ bằng tờ báo, mà vẽ cũng không được khéo như ri. Hắn nói: “Theo lời
thằng Kim thì chú mình đọc bản đồ giỏi như một sĩ quan tham mưu“. Em
nói: “Anh Kim nói chọc em chớ em ở trên chiến khu mới học i tờ tờ i ti,
em làm răng đọc được cái bản đồ to mà chữ nhiều bắt loạn ri“. Hắn xách
tai em hỏi: “Rứa thì em ở trên đó Việt minh sai làm những việc chi?” -“Dạ, em chạy liên lạc, đưa công văn giấy má đến các cơ quan“. - “Rứa
chắc chú mi phải thuộc hết đường trong chiến khu?” - Em nói: “Dạ, đường
thì tui thuộc, chạy liên lạc mà không thuộc đường, lạc bậy vô giữa rú,
cọp hắn tha mất xác“. Em cứ nói huyên thuyên rứa mà coi bộ cả tụi hắn
cũng tin. Rứa là tụi hắn với cha em nói tiếng Tây xì xồ với nhau, rồi
cha em nói với em: “Thôi đi về“. Cha em vặn xe, chở em về nhà. Em ở nhà
chơi không đến có hai tháng, nhiều lần em muốn trốn lên chiến khu, nhưng em không thuộc đường, sợ đi lạc bậy vô đồn Tây thì chết. Rứa rồi cách
đây năm ngày, cha em với mấy thằng Việt gian chở em lên đồn Sơn Quả. Cha em nói: “Tây họ sắp sửa đánh lên chiến khu, bắt sống hết tụi Việt minh
ẩn núp trên đó, đem về bắn cho dân Huế coi chơi. Con ở đây đợi lúc quân
đội họ tấn công lên, thì họ gọi con đi dẫn đường. Con phải dắt chỉ cho
họ những chỗ tụi Việt minh đầu sỏ ẩn núp, các chỗ để súng đạn, lúa gạo…
Họ mà bắt trúng, họ sẽ thưởng cho con tiền ngàn, tiền vạn“. Em giả đò
mừng rỡ nói: “Dạ, tưởng việc chi, việc dắt đường thì con làm được. Con
sẽ dắt họ đi khắp chiến khu để họ tha hồ mà bắt Việt minh“. Ở đồn Sơn
Quả, ngày mô em cũng đi ra đi vô cổng đồn cho tụi lính gác quen mặt em.
Trưa hôm qua, cha em uống rượu với thằng đồn trưởng say mềm. Em chờ cho
cha em ngủ say, em mở bao da lấy khẩu súng lục giắt vào lưng, rồi đi ra
cổng đồn, thằng lính gác hỏi đi mô, em nói đi hái sim chín. Trước cống
đồn có một vạt đồi sim chín rụng đầy đất, thằng gác nói: “Hái nhiều
nhiều đem về cho anh ăn với nghe!“. Em dạ. Em lũi vô giữa bãi sim, qua
hết bãi sim đến đồi tranh. Em nhắm thẳng hướng chỉến khu em lũi. Em chạy gần thấu trạm gác thì trời đã tối được một lúc lâủ nhưng em không dám
vô, em sợ các anh gác tưởng em là Việt gian, các anh bắn. Em chui vô
giữa bụi lau rậm, ngồi núp ở đó cho tới sáng em mới vô. Đầu đuôi có rứa
thôi anh nờ…

Gần ba mươi năm sau, tôi đến thăm đại tá về hưu Lê
Hường, ở khu nhà tập thể bộ đội. Bên ly rượu hội ngộ, chúng tôi cùng
nhắc lại những kỷ niệm một thời tráng lệ cách mạng. Tôi ngỏ ý muốn viết
lại câu chuyện về Mừng, người đồng đội tuổi thơ của tôi. Lê Hường bỗng
đứng dậy mở tủ, lục lọi một hồì lâu. Anh lôi ra cuốn sổ tay dầy khoảng
trăm trang. Cuốn sổ đã long bìa, các trang giấy kẻ ca-rô ố vàng như
những chiếc lá rụng, nhưng chữ viết còn khá rô vì được viết bằng thứ mực xanh đen Oa-téc-men. Từ những trang giấy ố vàng tôi ngửi thấy mùi cũ
xưa, mùi kỷ niệm.

Anh chìa cuốn sổ ra trước mặt tôi, bàn tay cầm cuốn sổ run run: “Đây là bản ghi tốc ký lời cung khai của Mừng hôm đó. Mấy
chục năm qua tôi đã đánh mất đi nhiều thứ quý giá, nhưng không hiểu sao
cuốn sổ này tôi vẫn còn giữ được. Nghĩ cho cùng cũng có lý do của nó. Đã từ lâu tôi cũng mơ ước viết một cái gì đó về nhưng người đồng đội nhỏ
tuổi, quá ngây thơ, quá trong sạch này. Và tôi cũng đã thử bắt tay viết
một hai lần… nhưng lần nào tôi cũng bỏ dở. Bây giờ thì tôi hiểu rằng,
tôi thiếu mất cái chủ yếu để thực hiện điều mơ ước. Tôi không có tài
năng, nếu cậu định viết về Mừng, tôi xin tặng cậu bản ghi tốc ký này,
làm tư liệu.“. Đại tá Hường cẩn thận xé sáu trang sổ tay dày đặc những
chữ tốc ký, trao cho tôi. Anh hỏi: “Cậu có đọc được chữ tốc ký không?” - “Tôi chưa biết đọc, nhưng tôi sẽ học. Tôi tin là cũng không khó lắm“.

Và đoạn văn trên là tôi dịch lại gần như nguyên văn bản tốc ký của đại tá Lê Hường, lời cung khai của Mừng buổi sáng hôm đó.

Mừng kể lại một mạch, em chỉ dừng lại khi phải chùi nước mắt, và nuốt tiếng
nấc nghẹn. Từ giọng kể, gương mặt và những giọt nước mắt ngắn dài chảy
tràn trên hai gò má trẻ thơ của em có cái gì thật đến nỗi Lê Hường
thoáng có ý nghĩ: “Hay đúng là nó bị nghi oan?“. Nhưng anh đã vội gạt
ngay ý nghĩ đó. Anh còn trẻ quá, mới tròn hai mươi bốn tuổi. Trong công
tác chuyên môn của anh, anh đã phải nhiều lần chạm trán và phải thường
trực đối phó với những âm mưu vô cùng xảo trá, lắt léo của một kẻ thù
hiểm độc, già dặn. Những âm mưu đó thường được che bọc bằng lừa lọc, giả trá và hơn một lần đã cho anh những bài học bằng máu, như trường hợp
cái tên đàn ông giả dạng đi mua mây. Anh là người phải chịu trách nhiệm
chính trong vụ này. Do đó mà anh phải luôn luôn cảnh giác với chính tình cảm và suy đoán của anh. Anh lo lắng mình bị vấp phải sai lầm mới.

Sự chân thật của Mừng đã không chọc thủng nổi lớp áo giáp phòng ngự của
anh, mà năm tháng, lớp áo giáp ấy được kinh nghiệm xương máu đan dệt dày mãi lên.

Mừng kể xong. Lê Hường còn lục vấn thêm nhiều chi tiết
khác. Cuối cùng anh ngồi im lặng nhìn Mừng rất lâu. Ánh mắt sắc và sáng
lạnh của anh như muốn xuyên suốt qua người em. Ánh nói, mắt không rời
gương mặt Mừng:

- Tôi đã gặp không ít những điệp viên nhà nghề, có
hạng. Nhưng chú mi mới là tên điệp viên sừng sỏ, tinh quái nhất. Những
âm mưu hiểm độc nguy hại cho kháng chiến lại được giấu trong cái vỏ bọc
ngây thơ, ngờ nghệch của con nít, thì tôi chưa gặp bao giờ. Tôi cho chú
mi hai ngày để suy nghĩ, rồi chú mi phải trả lời thật rõ ràng: “Bọn Pháp giao cho chú mi nhiệm vụ gì trong việc mò lên chiến khu lần này?“. Nếu
chú mi ngoan cố, nhất định sẽ bị trừng phạt theo đúng kỷ luật của thời
chiến.

Thật ra, về sau này, Lê Hường mới biết, ngay cả hai tiếng điệp viên Mừng không rõ nghĩa. Em chỉ đoán lờ mờ rằng đó là một tiếng xấu xa lắm, tương tự như tiếng Việt gian. Nên Mừng chỉ khóc. Và Lê Hường cho
rằng đó là những giọt nước mắt giả dối của một điệp viên bẩm sinh, điệp
viên thần đồng.

Lê Hường viết lệnh tống giam Mừng. Anh giao Mừng cho
một chiến sĩ ở trạm gác tiền tiêu, cầm súng áp giải vào Xê-ca Sáu nơi có trại giam những binh sĩ phạm tội chờ ngày đưa ra toà án quân sự xét xử.

Ba ngày sau, đúng vào buổi sáng Lê Hường sửa soạn vào xê-ca Sáu để lấy
khẩu cung Mừng lần thứ hai, bọn Pháp mở trận tấn công quy mô lên chiến
khu Hoà Mỹ.

Giặc Pháp đã tính toán khá chính xác và xảo quyệt. Chúng tấn công Hoà Mỹ đúng vào trưa ngày chủ nhật.

Thường thường ngày chủ nhật vùng Tiền chiến khu Hoà Mỹ trở nên đông vui, tấp
nập như ngày tết, ngày hội. Bộ đội, cáẩ bộ, công nhân, từ các lớp núi
chiến khu, suốt cả tuần sống giữa rừng rậm, kéo ra Tiền chiến khu dạo
chơi, ăn quà bánh, sưởi nắng, ngắm trời, ngắm sông.

Các chị ở xưởng
bào chế thuốc, y tá, hộ lý, tuy không đông lắm nhưng cũng đủ làm sống
động, tươi mát quang cảnh nghiệt ngã của núi rừng kháng chiến. Do có các chị nên cánh đàn ông đều cố gắng ăn mặc lành lặn hơn, chải chuốt hơn
ngày thường.

Ngày chủ nhật, nhà Văn hoá đại chúng thường tổ chức các
buổi sinh hoạt văn hoá, văn nghệ đó là mục hấp dẫn nhất, mà cả tuần làm
việc, chiến dấu, mọi người đều háo hức chờ đợi…

Chủ nhật hôm đó chương trình sinh hoạt nhà Văn hoá khá phong phú, đã được thông báo trước đó ba ngày.

1. Chính uỷ trung đoàn Trần Quý Hai kể chuyện về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ.

2. Bác sĩ Lê Khắc Thiền, Giám đốc bệnh viện chiến khu nóỉ chuyện về bệnh
sốt rét, những di hại của nó và cách phòng ngừa bệnh đơn giản.

2. Anh Hồ Vi nhà thơ quen biết của trung doàn, trình bày bài thơ mới nhất của
anh: “Gửi người chín lăm” (Tên trung đoàn chủ lực tỉnh Quảng Trị).

4. Đội đồng ca của nhà Văn hoá đại chúng trình diễn bài hát: “Bình Trị Thiên khói lửa“. Sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương.

5. Công binh xưởng trình diễn vở kịch ngắn một màn: “Ông già và trái thuỷ lôi“.

Bạn đọc khi đọc đến đoạn này chắc không khỏi nghi ngờ, đánh dấu hỏi: Một
chương trình sinh hoạt văn hoá, văn nghệ bình thường làm sao sau hơn ba
mươi lăm năm mà tác giả còn nhớ và kể lại khá rành mạch? Hay đó chỉ là
chuyện bịa đặt, kiểu hư cấu tiểu thuyết? Người kể chuyện xin thưa: Sự
nghi ngờ của bạn đọc hoàn toàn có lý. Nhưng đó là một chương trình sinh
hoạt văn hoá văn nghệ gắn liền với một ngày chủ nhật khốc liệt, bi thảm, đầy máu, lửa, xác chết của đồng đội và đồng bào. Do vậy mà nó đã tạc
khắc vào trí nhớ của nhiều người chứng kiến, tham dự, với một độ sâu bền mà thời gian không xoá nổi.

Cách đây không lâu, trong một buổi gặp
gỡ chuyện trò với đồng chí Trần Quý Hai, lúc này là trung tướng, tôi đã
nhắc lại chương trình sinh hoạt nhà Văn hoá đại chúng hôm đó. Với mục
đích kiểm tra lại trí nhớ của mình, tôi đã quên mất mục thứ hai của
chương trình và đồng chí Trần Quý Hai đã bổ sung: “Anh còn nhớ là sau
khi anh lên kể chuyện về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, anh Thiền lên nói về
bệnh sốt rét… Và đúng lúc vở kịch “Ông già và trái thuỷ lôi” mở màn thì
cả chiến khu vang rền tiếng động cơ máy bay và tiếng súng bắn máy bay“.

Trong hai ngày thứ sáu và thứ bảy, tin tức của các tổ trinh sát bám đich dưới đồng bằng đưa về chiến khu dồn dập: Bọn địch ở các vị trí dọc đường
quốc lộ đã tập trung quân và xe pháo rất đông. Một quân đội cơ động ứng
chiến từ Quảng Trị kéo vào đóng ở đồn đầu cầu Phò Trạch. Dự đoán của
trinh sát: Sáng ngày chủ nhật bọn giặc có thể tấn công chiến khu. Ban
chỉ huy trung đoàn ra lệnh cho các cơ quan và đồng bào ở Tiền chiến khu
phải rút hết vào núi trong đêm thứ bảy. Ở Tiền chiến khu chỉ còn lại
những đơn vị bộ đội có nhỉệm vụ chiến đấu bảo vệ chiến khu.

Sáng chủ
nhật. Cả vùng Tiền chiến khu không còn bóng một con lợn, con gà. Quán xá chỉ còn trơ lại mấy cái bàn tre. Bếp núc lạnh tanh. Những cánh cửa
chống lên thông thống như muốn bảo với bọn giặc: “Chúng mày cứ việc mò
vào, chẳng có xơ múi gì đâu!“.

Mấy chú chồn, chú sóc chắc thấy cảnh
vắng lặng khác thường, lấy làm lạ, từ trong các bụi rậm chạy ra đứng
nghênh ngang ngay giữa các lối đi. Mắt chúng lơ láo, ngó ngược, ngó
xuôi, đuôi xù ra cái phướn múa máy, đùa giỡn.

Tiếng rì rào của dòng
sông Ô Lâu, tiếng kẽo kẹt các coọng nước quay nghe như rõ hơn, vang vọng hơn mọi ngày. Sương mù thưa loãng dần. Những tia nắng sớm màu vàng hoa
chạc chìu, xuyên thủng lớp sương mù, trải dài trên những bãi chông lồ ô
chống quân nhảy dù trên các công sự bố trí súng phòng không, lấp lánh
trên các nòng thép mười ba ly hai, mười hai ly bảy trên các giao thông
hào lố nhố bóng lính, mũ xanh rờn lá nguỵ trang…

Nắng sớm tắm vàng
các tán cây đại thụ dựng cao vút trên sườn núi. Trong những vòm lá rậm
chóp cây, thấp thoáng ẩn hiện những thân hình nhỏ bé, thoảng nhìn có thể tưởng lầm là những chú vượn, chú khỉ. Đó chính là cái đài quan sát do
các tổ Thiếu niên trinh sát phụ trách.

Cũng giống như sương mù, không khí căng thẳng, hồi hộp, lo âu, phấp phỏng về một trận tấn công quy mô
của giặc nghiền nát chiến khu, cứ thưa loãng dần cho đến lúc tan biến
hẳn, khi mặt trời càng lên cao. Cả chiến khu tràn ngập màu nắng tuyệt
đẹp của một ngày chủ nhật tuyệt đẹp.

Cả chiến khu bắt đầu động đậy,
nhấp nhổm, vội vàng, muốn tranh thủ những giờ bị mất oan của một ngày
chủ nhật hứa hẹn nhiều sinh hoạt vui chơi hấp dẫn. Có một quy luật mà
đứa trẻ lên ba ở vùng giặc chiếm đóng cũng biết là bọn giặc chỉ tấn công càn quét vào lúc rạng sáng, muộn lắm là khoảng tám, chín giờ. Sau đó là coi như an toàn. Nên chẳng cần lệnh báo yên, người trong núi bắt đầu đổ ra Tiền chiến khu. Dẫn đầu là các o, các chú, chủ các quán hàng. Tốp
năm, tốp ba gồng gánh, tay xách nách mang, cười nói ầm ĩ, dọc các lối
mòn giữa rừng cây thấp chạy men theo bìa núi.

Hai chị quần xắn quá gối, gánh một con heo to tướng, cười nói bô bô:

- Tui biết ngay mà? Các ông cứ đoán già đoán non rứa, chớ tụi Tây động mả động mồ chi mà đi tấn công chiến khu vào ngày chủ nhật? Rứa thì ai đi
nhảy đầm, đi nhà thờ cầu Chúa cho tụi hắn?

- Không nhảy đầm, không đi cầu Chúa, tụi hắn tiếc đứt ruột khác chi chị em mình mất buôn, mất bán!

Người từ trong các lớp núi kéo ra Hoà Mỹ mỗi lúc một đông.

Dọc bờ sông, các giao thông hào, các ụ súng phòng không, các chiến sĩ trực
chiến cũng bắt đầu nhấp nhổm. Người nhảy lên bờ công sự ngồi, người vấn
thuốc hút, người nghếch mặt, mắt hấp háy ngó theo mấy o bào chế, y tá,
cười nói yểu điệu kéo về nhà Văn hoá đại chúng. Vừa lúc đó, Lê Thắng -
đội trưởng trinh sát đi ngang qua. Bộ áo quần vải sợi đôi rách và bê bết bùn đất, cái mũ nan bọc vải dù bẹp dúm dó cắm mấy cành lá nguỵ trang,
mắt thâm quầng vì mất ngủ. Suốt đêm qua, anh đôn đáo suốt dọc chiến khu, kiểm tra lại mạng lưới trinh sát.

Theo sát gót anh là Bồng-da-rắn.
Trông em cũng lấm lem mệt mỏi không kém đội trưởng. Mấy chiến sĩ ở đại
đội liên pháo đang ngồi trên bờ công sự hút thuốc, nhìn thấy hai anh em, liền nói kháy:

- Ông trùm trinh sát ơi! Tây lên thấu mô rồi để anh em còn chuẩn bị nghênh chiến?

- Tin trinh trinh sát thì có ngày đổ thóc giống mà ăn.

Anh Thắng cứ im lặng bước, nhưng Bồng đốp chát lại ngay:

- Tin lính bắn máy bay thì có ngày ăn bom Tây no bụng! - và Bồng sẵn sàng co giò chạy nếu các anh rượt đuổi.

”Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu.… “. Một giọng hát cao vút bỗng cất lên giữa những vồng sắn cao lút đầu người.

Tất cả chưa kịp cãi lộn nhau cùng quay lại nhìn. Một cô gái khoảng mười
chín, hai mươi tuổi, áo quần lành lặn nhưng xộc xệch, đầu đội vành hoa
mua, hoa sim, tay cầm một nhành hoa bãi hoãi màu nắng sớm, vừa đi vừa
quay nhành hoa, vừa hát. Gương mặt cô xanh xao, cặp mắt mở to, lóe sáng
ánh ngây dại.

”Dừng chân ta ngắm cảnh bao la sầu“. Cô ngoảnh mặt về
phía núi xanh, cười lên khanh khách: “Ha ha ha! Núi rừng bao la sầu đẹp
quá! Đẹp quá! Ha ha ha…“.

Bồng-da-rắn chạy đến bên cô gái, nói giọng dịu dàng, van vỉ:

- Chị Hoài Trinh ơi, chị đi vào núi nghỉ ngơi cho khỏe. Chị hát chi hát hoài rứa, làm em đứt ruột…

- Ha ha ha! Hoàng tử của ta! Hoàng tử của ta! Ta ban cho chàng bông hoa
thần làm ra hạnh phúc…! - Chị cầm nhành hoa bãi hoãi quệt quệt hai bên
má Bồng, rồi cắm vào túi áo Bồng. Bồng đỏ mặt, quay lại, lầm lũi bỏ đi.

Cô Hoài Trinh ở xưởng bào chế thuốc trước đây được coi là hoa khôi của
chiến khu, sốt rét nhiều quá đã phát điên từ mấy tháng nay. Cô cứ đi
lang thang khắp chiến khu mà hát như vậy.

Nhà Văn hoá đại chúng đã
chật ních người. Anh Hinh tỉnh đội phó, trưởng ban nhà Văn hoá lên tuyên bố buổi sinh hoạt thường kỳ tuy hôm nay bắt đầu hơi muộn nhưng hứa hẹn
sẽ rất thú vị, hấp dẫn. Chính uỷ Trần Quý Hai lên kể chuyện về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ với giọng Quảng Ngãi quen thuộc, đậm đà mộc mạc.

Cách
nhà Văn hoá đại chúng mấy nương sắn là dãy quán hàng. Lửa bếp quán nào
cũng cháy rừng rực. Gió bay mùi xào bò, cháo bánh canh, nước lèo, đến
tận đây. Khán giả đang chăm chú nghe bác sĩ Lê Khắc Thiền giảng giải về
con muỗi Anôphen. Hiệu Coiffeur de luxe của anh Đỡm kẻ vào người ra tấp
nập. Anh Đỡm tay lược, tay tông-đơ ngự trên cái ghế cành cây như Bảo Đại ngự trên ngai vàng, hai cẳng chân xỏ trong bao bố chống ruồi và con bu
mắt.

Bên kia đường mụ Táo bán hàng vừa ngắm nguýt đôi câu đối trên cột bương hiệu Coiffeur de luxe.

- Rứa mà cũng đòi đối đáp! Nghe cục súc như đá quăng!

Mười một giờ mười sáu phút.

Trên đài quan sát phíaTây Nam chiến khu do một tổ Thiếu niên trinh sát phụ
trách, tiếng kẻng báo động máy bay bỗng dồn dập vang lên. Tiếng kẻng chỉ một loáng đã lan rộng cả Tiền chiến khu. Bầu trời chiến khu vang ầm
tiếng động cơ máy bay. Sáu chiếc khu trục thành đội hình chữ V, từ phía
sân bay Phú Bài vèo vèo lao đến. Các cỡ đạn đại liên, trọng liên, rạch
trời đón chúng. Chỉ mấy phút sau, cả vùng trời Hoà Mỹ chìm ngập trong
tiếng bom, tiếng súng.

Tiếng bom, súng vừa lặn được vài phút, thì từ
phía biển, mười chiếc máy bay vận tải Đa-cô-ta thành một hàng ngang, lùi lũi bay đến chiếm lĩnh vùng trời chiến khu. Vượt qua khỏi sông Ô Lâu,
từ bụng máy bay bung ra hàng trăm chiếc dù trắng, xanh, vàng, đỏ, như
những tai nấm độc khổng lồ, ngả nghiêng giữa bầu trời. Chúng lớn dần lớn dần cho đến lúc nhìn rõ những tên giặc đen, trắng đeo lủng lẳng dưới
những chiếc dù.

- Tây nhảy dù! Tây nhảy dù!

Tiếng gào thét, hô hoán dậy lên khắp nơi.

Buổi sáng thanh bình của chiến khu Hoà Mỹ đã kết thúc trong lửa và máu, với
hàng trăm xác chết của đồng bào, cán bộ, bộ đội bị bom, quân nhảy dù và
quân bộ tràn qua sông Ô Lâu, tàn sát man rợ chưa từng thấy. Và những
người chứng kiến cảnh tàn sát ấy rõ ràng hơn hết là các em trong đội
Thiếu niên trinh sát trên các đài quan sát của chiến khu.

Suốt một tuần, báo chí của địch ở Huế đưa tin dồn dập, rầm rộ về trận đại thắng của quân đội Pháp tại chiến khu Hoà Mỹ.

Với những dòng chữ tít lớn chạy dài trên các trang nhất:

”Chiến khu Hoà Mỹ của Việt minh Thừa Thiên bị dìm trong một biển lửa và khói“.

”Dinh luỹ đầu não của Việt minh Thừa Thiên đã bị nghiền nát và xoá sạch khỏi vùng núi Hoà Mỹ“.

”Trung đoàn trưởng Hà Văn Lâu, Chính uỷ Trần Quý Hai đã chết trong đám loạn quân“.

”Xác chết của binh sĩ trung đoàn 101 lấp kín dòng sông Ô Lâu v.v…”

Hàng ngày, cả chục chiếc ô tô chở đầy những người áo quần rách rưới, hai tay bị trói, cùng với súng đạn, chạy vòng quanh thành phố. Dẫn đầu đoàn ô
tô là chiếc xe Jeep trống kèn inh ỏi, loa phóng thanh oang oang thành
phố.

”Đây là quân lính Việt minh bị bắt tại chiến khu Hoà Mỹ và một phần rất nhỏ số súng đạn thu được của chúng“.

Nhân dân Huế chẳng còn lạ gì, miệng lưỡi láo thiên láo địa của bọn giặc.
Nhưng chúng cứ ra rả suốt ngày bên tai như vậy, làm đồng bào không khỏi
hoang mang, lo lắng.

Sự thật, sau một tuần đánh phá, bọn giặc cũng
chỉ lởn vởn được bên ngoài làng Hoà Mỹ. Mỗi ngày chúng mở cả chục đợt
tấn công, có máy bay, đại bác yểm trợ, vẫn không vượt nổi dải rừng cây
thấp trước thềm núi chiến khu.

Ban đêm chúng co cụm lại trong các
công sự đào đắp vội vàng hai bên bờ sông Ô Lâu. Chúng đặt đại bác trên
các đỉnh đồi bên kia sông, bắn suốt ngày đêm vào các lớp núi xanh. Bầu
trời chiến khu như cái bể rèn khổng lồ với hàng ngàn thanh sắt nung đỏ
nhúng vào nước kêu xèo xèo. Đó là tiếng rít của đạn moóc-chê, đại bác và hàng trăm quả bom lớn nhỏ dội xuống các sườn núi, khe suối.

Đêm,
quân ta từ trong núi tổ chức các đợt phản kích đánh vào các toán giặc co cụm dọc bờ sông, mặt khác, tổ chức thu lượm thi hài chiến sĩ, đồng bào
bị giặt giết trong hôm chúng nhảy dù, đưa vào núi chôn cất.

Trong số
này, có xác chết đã in vào trí nhớ các đội viên thiếu niên trinh sát như sắt nung đỏ. Đó là anh Đỡm thợ cắt tóc anh chết nửa nằm nửa ngồi, bị
đạn tiểu liên bắn nát mặt.

Hai cẳng chân đầy mụn lở loét vẫn xỏ trong cái bao tải, một tay anh níu sợi dây da đóng vào cột anh vẫn dùng để liếc dao.

Hình như anh định chạy nhưng bị vướng lùng bùng trong cái bao tải nên ngã
xuống. Anh níu sợi dây da gượng đứng dậy thì bọn giặc nhảy dù xông vào
bắn chết.

Hoài Trinh cô nhân viên bào chế, điên, bị bọn giặc lột trần truồng, hãm hiếp, rồi dùng lưỡi lê xăm nát mình. Đầu cô vẫn đội cái
vòng hoa kết bằng những bông hoa sim, hoa mua.

Trong túi áo của Bồng
vẫn còn nguyên nhành hoa chạc chìu cô tặng em trước lúc bị giặc giết chỉ mấy tiếng đồng hồ. Đã một tuần nay rồi, mỗi lần bất chợt ngửi thấy mùi
hoa rừng úa héo dâng lên từ ngực áo, hai mắt em trở nên đỏ ngầu, giàn
giụa nước mắt.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui