Tuyết Hoa Và Cây Quạt Bí Mật


GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ CHO VIỆC BÓ CHâN CỦA tôi tốn nhiều thời gian hơn so với dự tính của mọi người. Ở phố thị, những cô gái xuất thân từ tầng lớp trung lưu được bó chân từ lúc lên ba. Ở những nơi cách xa huyện, thỉnh thoảng mới có một số cô gái bó chân để trông quyến rũ hơn đối với người chồng tương lai. Những cô đó phải từ mười ba. Xương chân của họ không bị gãy, đôi chân được bó lỏng, và đến khi lấy chồng, đôi chân họ lại được thả tự do để có thể làm việc đồng áng cùng chồng. Những cô gái nghèo nhất thì hoàn toàn không được bó chân. Chúng ta đều biết cuộc đời họ sẽ ra sao. Họ sẽ được bán làm a hoàn hay “đồng dưỡng tức”_(1) - những cô gái có bàn chân quá khổ xuất thân từ các gia đình bất hạnh được đem bán cho nhà khác để họ nuôi tới khi đủ tuổi sinh con. Nhưng ở cái vùng quê bình thường này, lũ con gái xuất thân từ những gia đình như gia đình tôi bắt đầu được bó chân từ khi lên sáu và kết thúc việc này hai năm sau đó.
Ngay từ hồi tôi còn được chạy nhảy vui chơi cùng anh trai, mẹ tôi đã bắt đầu chuẩn bị những mảnh vải dài màu xanh dành để bó chân cho tôi. Tự tay mẹ khâu cho tôi đôi giày đầu tiên, nhưng mẹ còn cẩn thận hơn khi khâu một đôi giày nhỏ xíu để đặt lên bàn thờ Quán Âm - vị Phật Bà lắng nghe mọi đau khổ của phụ nữ. Đôi giày thêu đó chỉ dài ba phân rưỡi làm từ những mảnh lụa đỏ đặc biệt mà mẹ để dành từ đống của hồi môn của mình. Đó là những hành động đầu tiên lờ mờ cho thấy hình như mẹ cũng quan tâm đến tôi.
Khi tôi và Mỹ Nguyệt lên sáu, mẹ và thím mời ông thầy đến xem ngày lành tháng tốt để bắt đầu bó chân cho bọn tôi. Họ bảo mùa thu là mùa tốt nhất để bó chân, nhưng thực ra chủ yếu là vì mùa đông sắp đến và trời lạnh sẽ làm chân tê cứng. Tôi có hồ hởi không? Không, tôi sợ. Tôi không nhớ được những ngày đầu khi chị tôi bị bó chân vì lúc đó tôi còn quá nhỏ, nhưng có ai trong thôn này mà không nghe thấy những tiếng hét của con bé nhà họ Ngô trước đây?
Mẹ tôi tiếp đón thầy Hồ ở dưới nhà, rót trà, mời ông ta ăn hạt dưa. Mẹ tôi cư xử lịch sự như vậy là để ông thầy phán những điều tốt lành. Ông ta bắt đầu với tôi trước. Ông ta xem ngày sinh của tôi. Qua đó ông ta xem xét những triển vọng. Rồi, ông ta đề nghị, “Tôi cần được tận mắt nhìn thấy tiểu nữ.” Đây không phải là trường hợp bình thường, khi mẹ đi tìm tôi, khuôn mặt bà hằn lên nỗi lo lắng. Mẹ dẫn tôi đến chỗ ông thầy. Mẹ giữ tôi đứng trước mặt ông ta.Taymẹ giữ chặt vai tôi, bắt tôi ngồi yên khiến tôi thấy sợ, trong khi đó ông thầy tiến hành xem xét.
“Mắt, ổn. Tai, ổn. Cái miệng này...” Ông ta ngước lên nhìn mẹ tôi. “Đây không phải là đứa trẻ bình thường.”
Mẹ tôi hít vào qua kẽ răng. Đây là thông báo tệ nhất mà một ông thầy có thể thốt ra.
“Cần hỏi thêm nhiều ý kiến nữa,” ông thầy nói, “Tôi nghĩ chúng ta nên bàn bạc thêm với bà mối, bà thấy sao?”
Một số người hẳn đã ngờ rằng ông thầy đang cố moi thêm tiền và có quan hệ làm ăn với bà mối trong vùng, nhưng mẹ tôi thì không hề lưỡng lự chút nào. Mẹ tôi lo sợ - hay bị thuyết phục - đến mức thậm chí không cần hỏi ý kiến bố về việc chi tiền.
“Dạ, xin thầy sớm ghé lại,” mẹ tôi đáp, “chúng tôi sẽ đợi thầy.”
Ông thầy ra về, bỏ lại chúng tôi đầy lo lắng. Đêm đó, mẹ tôi hầu như không nói gì. Thật ra, mẹ không nhìn đến tôi. Thím cũng không kể chuyện hài nữa. Bà nội thì đi nghỉ sớm, nhưng tôi vẫn nghe thấy tiếng bà lầm rầm cầu khấn. Bố và chú đi dạo. Bầu không khí căng thẳng bao trùm lên cả nhà, thậm chí anh trai tôi cũng bị ảnh hưởng.
Ngày hôm sau, đám đàn bà con gái dậy thật sớm. Lần này, có cả bánh ngọt, trà cúc pha sẵn, và những món ăn đặc biệt được mang ra khỏi tủ. Bố tôi không ra đồng làm mà ở nhà để tiếp khách. Việc phung phí như vậy cho thấy mức độ nghiêm trọng của chuyện này. Tiếp đến, ông thầy không những đưa bà Cao, bà mối của thôn đến mà còn dẫn theo cả bà Vương, bà mối của thôn Thông Khẩu, thôn lớn nhất trong huyện, khiến tình hình càng thêm nghiêm trọng.
Chuyện là thế này: ngay cả bà mối của thôn cũng chưa từng đến nhà tôi. Lẽ ra phải tới một, hai năm nữa người ta mới định mời bà ta đến để làm người trung gian cho anh trai tôi khi anh ấy đi hỏi vợ, và cho chị gái tôi khi các nhà khác đi hỏi vợ cho con trai họ. Vì thế, khi kiệu của bà Vương dừng lại trước cửa nhà tôi, không hề có sự vui mừng nào hết. Từ căn buồng phụ nữ, tôi nhìn xuống, thấy hàng xóm kéo ra há hốc miệng nhìn. Bố tôi quỳ lạy, ông dập đầu chạm đất liên tục. Tôi cảm thấy thương ông. Bố là người hay lo - đặc tính của những người tuổi thỏ. Ông lo lắng ọi người trong nhà, nhưng điều này vượt quá kinh nghiệm của bố. Chú tôi đổi chân liên hồi, còn thím tôi, thường ngày vẫn nồng nhiệt và vui vẻ là thế, thì đứng im như pho tượng bên cạnh chú. Từ vị trí thuận lợi trên gác, tôi thấy rõ mọi biểu hiện trên khuôn mặt mọi người ở dưới nhà: có điều gì trục trặc ghê gớm.
Khi họ đi vào, tôi rón rén đi ra đầu cầu thang để có thể nghe lén xem họ nói gì. Bà Vương tự tìm chỗ ình. Trà, bánh và hoa quả bưng ra. Chẳng nghe rõ bố tôi nói gì khi ông thực hiện các nghi lễ trang trọng. Nhưng bà Vương không đến để nói chuyện tầm phào với cái gia đình bé mọn này. Bà ấy muốn gặp tôi. Như hôm qua, tôi được gọi vào phòng. Tôi xuống nhà và vào phòng chính với vẻ duyên dáng của một cô bé lên sáu có đôi bàn chân vẫn còn to và vụng về.
Tôi liếc nhìn người lớn trong nhà. Dù có những khoảnh khắc đặc biệt mà khoảng cách thời gian sẽ để những ký ức nằm lại trong bóng tối, nhưng hình ảnh gương mặt mọi người vào cái ngày ấy vẫn rõ mồn một trong tâm trí tôi. Bà nội tôi ngồi nhìn chằm chằm vào đôi tay khoanh lại. Da của bà mỏng đến độ tôi có thể nhìn thấy những đường gân xanh ở thái dương bà. Bố tôi ngồi im lặng, lo phát sốt, không nói câu gì. Chú thím tôi cùng đứng ở ngưỡng cửa, vừa lo sợ sẽ trở thành một phần của những chuyện sắp xảy ra lại vừa sợ để lỡ dịp. Nhưng cái tôi nhớ nhất là khuôn mặt của mẹ tôi. Tất nhiên, với cái nhìn của đứa con gái, tôi tin rằng mẹ tôi đẹp, nhưng hôm ấy là lần đầu tiên tôi nhìn thấy con người thật của mẹ. Tôi biết mẹ cầm tinh con khỉ, nhưng tôi không hề nghĩ rằng những tính cách đặc trưng giả dối và xảo quyệt của nó lại ăn sâu vào bà đến thế. Có điều gì đó bất chính ẩn giấu đằng sau đôi gò má cao vống của bà. Có điều gì đó thâm hiểm được che đậy đằng sau ánh mắt đen tối của bà. Có điều gì đó… tôi vẫn không biết diễn tả thế nào. Tôi muốn nói tới điều gì đó giống như tham vọng của đàn ông toát ra từ con người bằng xương bằng thịt của bà.
Mọi nguời bảo tôi đến đứng trước bà Vương. Tôi nghĩ chiếc áo khoác bằng lụa dệt của bà ta rất đẹp, nhưng một đứa trẻ thì không hề có khiếu thẩm mỹ, không biết thẩm định. Bây giờ, tôi sẽ cho thế là lòe loẹt và không phù hợp với một bà góa, nhưng bà mối thì không giống như những người phụ nữ bình thường. Bà ta làm việc với đàn ông, định giá cho cô dâu, mặc cả về của hồi môn, và đảm nhận vai trò người trung gian. Bà ta cười oang oang và ăn nói cứ trơn tuồn tuột. Bà ta bảo tôi đến gần, kẹp chặt tôi giữa hai đầu gối, và nhìn chằm chằm vào mặt tôi. Trong giây phút đó, từ chỗ chẳng được ai biết đến tôi trở thành tâm điểm chú ý của mọi người.
Bà Vương còn tỉ mỉ hơn cả ông thầy. Bà ta véo dái tai tôi, đặt ngón trỏ vào mí mắt dưới và kéo xuống rồi bảo tôi liếc trái, liếc phải, liếc trên, liếc dưới. Bà ta ấp hai má tôi trong tay, xoay mặt tôi ra trước, ra sau. Bà ta nắn bóp tay tôi rất mạnh từ bả vai đến cổ tay. Sau đó, bà ấy đặt tay ngay hông tôi. Tôi mới chỉ là đứa trẻ lên sáu! Người ta chưa thể nói bất kỳ điều gì về khả năng sinh sản hết! Nhưng bà ta vẫn làm như vậy, và không ai nói lời nào để ngăn bà ta lại. Sau đó, bà ta làm cái việc đáng ngạc nhiên nhất. Bà ta rời khỏi ghế và bảo tôi đến ngồi vào đó. Ở địa vị tôi mà làm thế thì thật hỗn hào quá lắm. Tôi hết nhìn mẹ lại nhìn bố để chờ chỉ dẫn, nhưng họ câm lặng như gia súc trong chuồng. Mặt bố tôi tái như chàm đổ. Tôi gần như nghe được suy nghĩ của ông. Tại sao mình không ném quách nó xuống sông từ khi nó mới đẻ cơ chứ?
Bà Vương đã không trở thành bà mối hạng nhất của thôn nếu cứ ngồi mà đợi những con cừu đưa ra quyết định. Bà ta nhẹ nhàng bế tôi đặt lên ghế. Sau đó bà ta quỳ xuống trước mặt tôi rồi cởi giày và tất của tôi ra. Lại im phăng phắc. Như đã làm với khuôn mặt tôi, bà ta xoay xoay lật lật chân tôi, rồi bà đưa móng ngón tay cái lướt nhẹ lên xuống dọc theo má chân tôi.
Bà Vương nhìn sang ông thầy và gật đầu. Bà ta đứng dậy và đột ngột chỉ tay ý bảo tôi rời khỏi ghế của bà. Sau khi lấy lại chỗ ngồi của mình, ông thầy hắng giọng:

“Tiểu nữ của ông bà là trường hợp đặc biệt,” ông ta nói. “Hôm qua, tôi đã nhận thấy có điều gì đó ở cô bé, và người có nhận xét tinh tường như bà Vương đây cũng nhận thấy vậy. Khuôn mặt của tiểu nữ thon thả như trái xoan. Dái tai đầy đặn cho thấy tiểu nữ là người hào phóng rộng lượng. Song, quan trọng nhất là đôi bàn chân. Xương má chân rất cao nhưng chưa phát triển đầy đủ. Thế tức là bà nên đợi thêm một năm nữa hãy bó chân cho tiểu nữ.” Ông ta giơ tay ra để chặn ai đó có thể ngắt lời. “Bảy tuổi không phải là lệ của thôn này, tôi biết, nhưng tôi nghĩ nếu bà nhìn kỹ tiểu nữ bà sẽ nhận ra rằng…”
Ông Hồ ngập ngừng. Bà nội đẩy đĩa quýt về phía ông ta để ông ta có thể tiếp tục suy nghĩ. Ông ta lấy một quả, bóc ra, rồi ném vỏ xuống sàn. Để múi quýt lơ lửng trước miệng, ông ta nói tiếp.
“Khi lên sáu, xương chủ yếu vẫn là nước nên dễ uốn. Nhưng tiểu nữ nhà ta hơi chậm phát triển so với độ tuổi của mình, ngay cả so với người thôn này, vốn đã phải trải qua nhiều năm khó khăn. Có lẽ các chị em khác của tiểu nữ cũng vậy. Bà không nên lấy làm hổ thẹn.”
Mãi đến tận lúc đó, tôi không hề nghĩ rằng gia đình tôi có bất kỳ sự khác biệt nào, và tôi cũng không nhận thấy ở tôi có bất kỳ sự dị thường nào.
Ông ta bỏ tọt múi quýt vào mồm, trầm ngâm nhai rồi tiếp tục. “Nhưng ở tiểu nữ nhà ta có điều gì đó ngoài lý do thiếu thốn vì đói kém. Xương má chân tiểu nữ đặc biệt cao, điều đó có nghĩa là nếu được chú ý đúng cách ngay từ bây giờ, tiểu nữ sẽ có được đôi bàn chân hoàn hảo nhất huyện này.”
Vài người không tin vào mấy ông thầy. Một số thì cho rằng mấy ông thầy chỉ biết nói chung chung kiểu như mùa thu là thời gian thích hợp nhất cho việc bó chân, mùa xuân thích hợp nhất cho việc sinh nở, và quả đồi xinh đẹp với những cơn gió hiu hiu sẽ là chốn phong thủy tuyệt vời nhất để chôn cất người chết. Thế nhưng ông thầy này lại thấy được ở tôi điều gì đó khác thường, và nó sẽ thay đổi đường đời của tôi. Tuy vậy, lúc đó không ai nói lời chúc mừng nào cả. Căn phòng lặng phắc một cách kỳ lạ. Vẫn còn điều gì đó không ổn.
Bà Vương lên tiếng phá tan bầu không khí im lặng, “tiểu nữ quả là xinh xắn dễ thương, nhưng mặt hoa da phấn sao bì nổi đôi chân ngà ngọc. Khuôn mặt xinh đẹp là Trời phú, nhưng đôi gót sen mới giúp tiểu nữ cải thiện được địa vị xã hội của mình. Tất cả chúng ta đều có thể đồng ý với nhau về điều này. Điều gì vượt quá chuyện này thì sẽ do ông, bố cô bé, quyết định.” Bà ta nhìn thẳng vào mặt bố tôi, nhưng những lời nói rơi vào khoảng không lặng phắc đó lại có ý nghĩa với mẹ tôi hơn cả. “Không phải là tệ nếu tìm được mối thông gia tốt cho tiểu nữ. Một gia đình quyền quý sẽ đem đến cho nhà ta mối kết giao tốt đẹp hơn, giá thách cưới sẽ cao hơn, cùng sự bảo đảm về kinh tế và địa vị lâu dài. Tuy nhiên, tôi đánh giá cao lòng hiếu khách và sự hào phóng của ông bà hôm nay,” bà ta nói, nhấn mạnh vào sự nghèo nàn của gia đình tôi bằng cách uể oải cử động bàn tay, “số mệnh - trong trường hợp của con gái ông bà - đã mang đến cho ông bà một cơ hội. Nếu người mẹ khéo léo, cô bé tầm thường này sẽ có cơ hội về làm dâu một gia đình ở Thông Khẩu.”
Thông Khẩu!
“Bà nói vậy nghe thật tuyệt,” bố tôi thận trọng bày tỏ ý kiến. “Nhưng nhà tôi thuộc tầng lớp bình dân. Chúng tôi không đủ sức trả thù lao cho bà.”
“Thưa ông,” bà Vương đáp lại ngọt xớt, “nếu chân của tiểu nữ khi lớn lên đúng như tôi hình dung trước, có thể tôi sẽ nhận được khoản thù lao hào phóng từ phía nhà chồng của tiểu nữ. Còn ông cũng sẽ nhận được nhiều đồ sính lễ từ nhà họ. Như ông thấy đấy, hai chúng ta đều có lợi từ thỏa thuận này.”
Bố tôi không nói gì. Ông không bao giờ bàn tới những gì xảy ra trên mảnh đất hoặc cho chúng tôi biết cảm xúc của ông, nhưng tôi nhớ một mùa đông nọ, sau đợt hạn hán, khi gia đình không còn nhiều lương thực dự trữ, bố tôi lên núi đi săn, nhưng thậm chí mấy con thú cũng đã chết đói hết cả. Bố tôi không mang được gì về ngoài một ít rễ đắng, đưa ẹ và bà nội nấu canh. Có lẽ lúc này ông đang nhớ lại nỗi hổ thẹn hồi đó và tính toán xem sính lễ của tôi áng chừng được là bao nhiêu và nó sẽ đem lại lợi ích gì cho gia đình tôi.
“Ngoài những điều đó ra,” bà mối tiếp tục, “tôi tin rằng tiểu nữ nhà ta có thể đã đủ tư cách để có một mối quan hệ lão đồng.”
Tôi biết từ này và hiểu được ý nghĩa của nó. Lão đồng là một mối quan hệ hoàn toàn khác với kiểu chị em kết nghĩa. Nó là mối quan hệ giữa hai cô gái ở hai thôn khác nhau và kéo dài suốt cuộc đời họ, trong khi nhóm chị em kết nghĩa thì có tới vài cô gái và sẽ giải tán khi họ đi lấy chồng. Chưa bao giờ, trong quãng đời ngắn ngủi mấy năm trước đó, tôi được gặp một lão đồng hay cho rằng mình cũng có thể có một lão đồng như vậy. Là con gái, mẹ và thím tôi cũng có hội chị em kết nghĩa trong thôn. Chị tôi hiện giờ cũng có hội chị em kết nghĩa, và bà nội tôi có hội chị em kết nghĩa là những người bạn cùng cảnh góa chồng trong thôn Phủ Vĩ - hội chị em kết nghĩa lúc xế chiều. Tôi đã nghĩ trong cuộc đời bình thường tôi cũng sẽ có bạn như họ. Còn có lão đồng là một chuyện hết sức đặc biệt. Lẽ ra tôi phải vui mừng mới đúng, nhưng giống như các chị em khác ở trong phòng, tôi cảm thấy kinh hãi. Đây không phải là chủ đề nên trao đổi trước mặt đàn ông. Tình huống này khác thường đến nỗi bố tôi không kiềm chế được bản thân và ông buột miệng: “Chưa một người phụ nữ nào trong gia đình này từng có một lão đồng.”
“Gia đình ông đã không có nhiều thứ - cho đến giờ,” bà Vương cất giọng khi vừa đứng lên khỏi ghế. “Cứ bàn bạc về việc này trong nhà với nhau, nhưng xin nhớ giùm, cơ hội chẳng phải lúc nào cũng đến gõ cửa nhà ông đâu. Tôi sẽ còn quay lại.”
Bà mối và ông thầy đi khỏi, cả hai đều hứa sẽ quay lại để xem sự tiến triển của tôi. Mẹ và tôi đi lên gác. Ngay khi vừa bước vào buồng phụ nữ, bà quay lại nhìn tôi với một vẻ mặt giống như tôi đã thấy lúc ở căn phòng chính. Rồi, tôi chưa biết nói gì thì bà lấy hết sức giáng cho tôi một cái tát.
“Mày có biết điều này sẽ gây ra bao nhiêu phiền phức cho bố mày không?” bà đay nghiến. Những lời cay nghiệt, nhưng tôi biết cái tát đó là để xua đuổi tà ma và cầu mong điều may mắn. Song rốt cuộc, chẳng có gì đảm bảo rằng đôi bàn chân tôi sẽ trở thành đôi “gót sen ba tấc” cả. Rất có thể mẹ sẽ phạm phải sai lầm với tôi như bà ngoại đã làm với mẹ. Mẹ đã bó đôi chân của chị tôi rất tốt, nhưng ai chẳng nói trước được điều gì. Thay vì trở thành một cô gái có giá, biết đâu tôi lại cũng lảo đảo trên cái gốc cây xù xì, tay luôn phải dang ra để giữ thăng bằng giống như mẹ tôi thì sao.
Mặc dù mặt đau rát, nhưng trong thâm tâm tôi thấy sung sướng. Cái tát đó là hành động đầu tiên thể hiện tình mẫu tử của mẹ, và tôi phải cắn chặt môi để khỏi nhoẻn cười.
Cả ngày hôm đó mẹ không nói một lời nào với tôi. Thay vì thế, bà đi xuống nhà nói chuyện với chú thím, bố và bà nội. Chú tôi là người nhân hậu, nhưng vì là con trai thứ hai nên ông chẳng có mấy chút uy quyền nào trong gia đình. Thím tôi biết những ích lợi có thể mang lại từ vị thế này, nhưng vì lấy con trai thứ, mà lại không sinh được con trai, nên địa vị của thím trong nhà tụt xuống hàng thấp nhất. Mẹ tôi cũng không có địa vị gì nhưng nhìn vào vẻ mặt của mẹ khi bà mối nói chuyện, tôi biết mẹ sẽ nghĩ gì. Bố và bà nội quyết định mọi việc trong nhà, dù cho cả hai đều dễ bị tác động. Những lời của bà mối, tuy báo hiệu điềm lành cho tôi, song nó cũng có nghĩa bố tôi sẽ phải làm việc cật lực để tích lũy của hồi môn xứng đáng ột cuộc hôn nhân cao giá hơn. Nếu bố không làm theo quyết định của bà mối, ông không chỉ mất thể diện trong thôn mà còn trong cả huyện.
Tôi không biết liệu họ đã thỏa thuận được về số phận của tôi vào ngày hôm đó hay chưa, nhưng trong tâm trí tôi, mọi thứ đều không còn như cũ. Tương lai của Mỹ Nguyệt cũng thay đổi cùng với tương lai của tôi. Tôi lớn hơn Mỹ Nguyệt vài tháng tuổi, nhưng cả nhà quyết định hai đứa tôi sẽ được bó chân cùng lúc với em ba. Mặc dù hàng ngày tôi vẫn làm việc nhà, nhưng tôi không bao giờ còn được đi ra bờ sông cùng anh trai. Tôi cũng không bao giờ còn được cảm thấy dòng nước mát mẻ chạm vào da thịt nữa. Mãi cho đến ngày hôm đó, mẹ chưa bao giờ đánh tôi, nhưng hóa ra đó chỉ là dấu hiệu đầu tiên của nhiều trận đòn nữa trong những năm về sau. Tệ nhất là bố không còn nhìn tôi như ngày nào. Tôi không còn được ngồi trong lòng bố khi ông đang hút tẩu vào buổi tối nữa. Trong phút chốc, từ một con bé vô giá trị tôi đã trở thành một người có thể có ích cho cả nhà.

Những vật dụng để bó chân và đôi giày đặc biệt mẹ thêu để đặt trên bàn thờ Quán Âm đã được cất đi, cả của Mỹ Nguyệt và em ba cũng vậy. Bà Vương bắt đầu định kỳ ghé thăm nhà tôi. Bà ta đến trong kiệu riêng. Bà ta luôn luôn kiểm tra tôi từ đầu tới chân, luôn hỏi tôi về việc nội trợ. Song tôi cũng không thể bảo rằng bà ta tử tế với tôi. Tôi chỉ là một công cụ có lợi cho bà ta mà thôi.
SUỐT MỘT NĂM SAU, việc dạy dỗ tôi bắt đầu được thực hiện nghiêm chỉnh ở buồng phụ nữ, nhưng tôi đã biết trước nhiều thứ. Tôi biết rằng đàn ông hiếm khi vào buồng phụ nữ, nó chỉ dành cho đám đàn bà con gái chúng tôi, là nơi chúng tôi có thể làm việc của mình, và chia sẻ tâm sự.
Tôi biết rằng cả cuộc đời mình sẽ trôi qua trong một căn phòng như thế. Tôi cũng đã biết rằng sự phân biệt giữa nội - bên trong ngôi nhà, và ngoại - khu vực bên ngoài ngôi nhà thuộc về người đàn ông, là vấn đề cốt yếu của xã hội Khổng Giáo. Dù cho bạn giàu hay nghèo, là hoàng đế hay tôi đòi, thì trong nhà phải là nơi dành cho phụ nữ và bên ngoài là dành cho đàn ông. Phụ nữ không nên vượt quá phạm vi nhà cửa, cả trong suy nghĩ lẫn hành động. Tôi cũng hiểu được hai nguyên tắc Khổng Giáo chi phối cuộc sống của giới đàn bà chúng tôi. Nguyên tắc đầu tiên là Tam Tòng: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Nguyên tắc thứ hai là Tứ Đức, nêu ra nguyên tắc ứng xử, ăn nói, đi đứng và làm việc của người đàn bà: “Giữ tiết hạnh và đạo khoan hòa; luôn có thái độ điềm tĩnh và chính trực; ăn nói phải dịu dàng và vừa lòng người khác; cử chỉ phải thận trọng và khéo léo; thành thục nội trợ và khâu vá.” Nếu một người con gái không đi trệch khỏi những nguyên tắc như vậy, họ sẽ trở thành người đàn bà đức hạnh.
Việc học tập của tôi giờ đây còn mở rộng sang cả các kỹ năng thực hành. Tôi học cách xâu kim, lựa màu chỉ, khâu những mũi nhỏ và đều nhau. Điều này rất quan trọng, khi Mỹ Nguyệt, em ba và tôi bắt đầu khâu những đôi giày cho chính mình trong suốt hai năm bó chân. Chúng tôi cần những đôi giày đi ban ngày, những đôi dép đặc biệt xỏ khi ngủ, và vài đôi tất chặt. Chúng tôi khâu tuần tự, bắt đầu với những thứ vừa vặn bàn chân mình hiện giờ trước, sau đó tới những thứ nhỏ dần, nhỏ dần.
Quan trọng nhất, thím bắt đầu dạy tôi nữ thư. Vào lúc đó, tôi không hiểu hết lý do vì sao thím lại quan tâm đặc biệt đến tôi. Tôi ngây thơ tin rằng nếu tôi chăm chỉ, tôi sẽ khiến Mỹ Nguyệt chăm chỉ theo. Và nếu chăm chỉ, có lẽ nó sẽ có một cuộc hôn nhân tốt hơn mẹ mình. Nhưng thím tôi thực sự hy vọng đưa kiểu chữ bí mật vào cuộc sống của chúng tôi để Mỹ Nguyệt và tôi có thể biết dùng nó mãi mãi. Tôi không biết điều này gây nên xung đột giữa thím với mẹ và bà nội, hai người đều mù tịt nữ thư, cũng như bố và chú tôi hoàn toàn mù tịt về chữ nghĩa dành cho đàn ông.
Mà tôi cũng chưa nhìn thấy chữ viết dành cho đàn ông nên tôi không thể so sánh được. Nhưng bây giờ tôi có thể nói rằng kiểu chữ của đàn ông là đậm, mỗi ký tự nằm trong một khối vuông, trong khi nữ thư trông giống như chân muỗi, hay chân chim trên cát vậy. Không giống như chữ viết của đàn ông, mỗi ký tự của nữ thư không biểu hiện một từ cụ thể. Những ký tự của nữ thư về bản chất là để biểu thị phát âm. Do đó mỗi ký tự biểu hiện một âm tiết. Vì thế mỗi ký tự có thể tạo ra vỏ âm thanh ỗi từ như “tỉa”, “ghép” hay “quả lê”, ngữ cảnh thường là để làm rõ nghĩa. Tuy nhiên, chúng tôi đã phải rất cẩn thận để đảm bảo rằng không hiểu sai nghĩa. Nhiều người - như mẹ và bà nội tôi - chưa bao giờ học loại chữ đó, nhưng họ vẫn biết vài bài hát và vài câu chuyện, nhiều bài có nhịp điệu ta dum, ta dum, ta dum.
Thím chỉ cho tôi những nguyên tắc đặc biệt để sử dụng nữ thư. Nữ thư dùng để viết thư, viết bài hát, viết tiểu sử, viết bài học về bổn phận của người phụ nữ, viết lời khấn Phật Bà, và đương nhiên là cả những chuyện thông thường nữa. Nữ thư có thể được viết bằng bút lông và mực trên giấy hay trên quạt, nó cũng có thể được thêu trên khăn tay hay dệt lên vải. Người ta có thể hát lên trước khán giả là các bà các cô, nhưng cũng có thể chỉ đọc và lưu giữ nó cho riêng mình. Hai nguyên tắc quan trọng nhất đó là: không bao giờ được để cho đàn ông biết nó tồn tại, và không được để họ động chạm vào nó dưới bất kỳ dạng nào.
MỌI CHUYỆN CỨ THẾ DIỄN RA, mỗi ngày, tôi và Mỹ Nguyệt lại được học những kỹ năng mới - cho đến sinh nhật lần thứ bảy của tôi, khi ông thầy quay trở lại. Lần này, ông ta phải lựa một ngày cho cả ba chúng tôi - Mỹ Nguyệt, tôi và em ba, người duy nhất đúng tuổi trong cả ba đứa - để bắt đầu bó chân. Ông hết hèm rồi lại hừm. Ông hỏi chúng tôi tám chữ. Nhưng khi tất cả chúng tôi đều đã nói và làm xong, ông ta bèn định một ngày điển hình của các cô gái trong huyện - ngày hai mươi bốn tháng Tám âm lịch - khi những người sắp bó chân có thể cầu khấn và làm lễ cúng bái lần cuối lên Bà Chúa Chân Nhỏ, nữ thần coi sóc việc bó chân.
Mẹ và thím lại tiếp tục chuẩn bị cho việc bó chân, làm thêm nhiều băng quấn hơn. Họ cho chúng tôi ăn bánh bao nhân đậu đỏ để giúp xương dẻo dai như bánh bao và giúp chúng tôi đạt được cỡ chân không lớn hơn một chiếc bánh bao. Gần ngày bó chân, phụ nữ trong thôn đến thăm chúng tôi trên căn buồng phụ nữ. Các chị em kết nghĩa của chị tôi chúng tôi may mắn, mang tới nhiều kẹo và chúc mừng chúng tôi sắp chính thức bước vào thế giới phụ nữ. Những lời chúc tụng rôm rả khắp căn buồng. Mọi người đều vui vẻ, hát hò, cười đùa, trò chuyện. Bấy giờ tôi mới biết có nhiều thứ mà người ta không được nói. (Không ai được nói rằng tôi sẽ chết. Mãi đến khi tôi về nhà chồng, mẹ chồng tôi bảo tôi rằng, cứ mười đứa con gái bó chân thì chỉ một đứa sống sót, không chỉ riêng ở huyện tôi mà trên cả đất nước Trung Hoa).
Tất cả những gì tôi được biết là việc bó chân sẽ khiến tôi có nhiều khả năng lấy chồng hơn và đưa tôi đến gần hơn với một tình yêu tuyệt vời nhất, một niềm hạnh phúc lớn lao nhất trong cuộc đời người đàn bà - con trai. Theo hướng đó, mục tiêu của tôi là phải có được một đôi chân bó hoàn hảo với bảy đặc điểm rõ rệt: chúng sẽ phải nhỏ, hẹp, thẳng, nhọn và cong, song cũng phải thơm tho và mềm mại trong lớp vải bó. Trong số những yêu cầu này, độ dài là quan trọng nhất. Bảy phân - tính từ gót chân đến đầu ngón cái - là lý tưởng. Tiếp đến là hình dáng. Một đôi chân hoàn hảo phải có dáng như búp sen. Nó phải đầy đặn và tròn trịa ở gót, thuôn thành mũi nhọn về phía trước, toàn bộ sức nặng dồn cả vào ngón cái. Thế tức là các ngón chân khác và xương má chân phải bị đập vỡ ra và bẻ cong xuống dưới gan bàn chân cho tiếp giáp với gót chân. Cuối cùng, kẽ chân, được tạo ra bởi phần chân trước và gót chân, phải đủ sâu để che khuất một phần thịt lớn vuông góc trong những nếp gấp. Nếu tôi có thể đạt được tất cả những điều đó thì hạnh phúc sẽ đến với tôi.
Vào buổi sáng ngày hai mươi bốn tháng Tám âm, chúng tôi cúng Bà Chúa Chân Nhỏ món bánh thang viên, còn hai bà mẹ thì đặt những đôi hài bé xíu trước tượng Quán Âm Bồ Tát. Tiếp đến, mẹ và thím đem tất cả phèn, chất làm se, kéo, kéo cắt móng đặc biệt, kim và chỉ ra. Họ kéo những dải băng dài họ tự tay làm ra, rộng chừng năm phân, dài ba phân và hồ bột nhẹ. Sau đó, tất cả phụ nữ trong gia đình tôi đi lên gác. Chị tôi lên sau cùng, với xô nước sôi nấu bằng rễ cây dâu, thân quả hạnh nhân, nước tiểu, thảo dược và những loại rễ cây đặc biệt khác.
Vì là đứa lớn nhất, tôi bắt đầu trước tiên, và tôi quyết tâm thể hiện sự can đảm của mình. Mẹ tôi rửa chân cho tôi và đắp phèn vào để làm cơ co lại, ngăn bớt máu và mủ tiết ra. Mẹ cắt móng chân tôi thật ngắn. Suốt thời gian đó, vải bó chân được ngâm ướt, để khi khô đi trên da tôi, nó càng siết chặt hơn. Tiếp đó, mẹ cầm đầu tấm băng, đặt lên mu bàn chân tôi, sau đó kéo nó trùm vào bốn ngón chân nhỏ để bắt đầu quá trình cuộn chúng xuống dưới bàn chân. Từ chỗ đó, mẹ quấn ngược mảnh vải ra sau gót chân tôi. Một vòng khác quấn quanh mắt cá chân giúp bảo vệ và giữ ổn định cho hai vòng trước. Mục đích là để gập các ngón chân cho chạm đến gót, tạo ra cái kẽ, nhưng vẫn để lại ngón cái để cho tôi có thể đi lại được. Mẹ lặp đi lặp lại các bước này cho đến khi hết vải; thím và bà nội tôi chăm chú nhìn qua vai mẹ trong suốt khoảng thời gian đó, nghĩ chắc là không cần chỉ bảo điều gì nữa. Cuối cùng, mẹ tôi khâu chặt đoạn cuối lại để các băng vải không bị tuột ra, hoặc tôi sẽ không thể tháo ra được.
Mẹ lại tiếp tục làm như vậy với bàn chân còn lại của tôi; sau đó, thím tôi bó chân cho Mỹ Nguyệt. Trong lúc chúng tôi bị bó chân, em ba nói nó khát nước và đi xuống dưới nhà. Khi chân của Mỹ Nguyệt đã được bó xong, mẹ tôi gọi em ba, nhưng không thấy nó trả lời. Một giờ trước đó, hẳn mẹ sẽ bảo tôi đi tìm nó, nhưng trong hai năm tiếp theo tôi không được phép xuống dưới nhà. Mẹ và thím đi tìm khắp nhà rồi chạy ra ngoài tìm. Tôi muốn chạy đến gần cái cửa sổ mắt cáo để nhìn ra ngoài, nhưng chân tôi đã bắt đầu đau buốt vì áp lực đè lên xương và của chỗ bó chặt cứng khiến máu không thể lưu thông được. Tôi nhìn sang Mỹ Nguyệt, mặt cô nàng lúc ấy trắng bệch như tên gọi của nó. Hai hàng nước mắt lăn dài trên má.
Từ bên ngoài, giọng của mẹ và thím vọng đến chỗ tôi khi họ gọi, “em ba, em ba!”
Chị và bà nội tôi chạy đến gần song cửa và nhìn ra ngoài.
“Ây dà,” bà nội tôi lẩm bẩm.
Chị tôi liếc nhìn chúng tôi. “Mẹ và thím đang ở bên nhà hàng xóm. Em có nghe tiếng thét của em ba không?”
Mỹ Nguyệt và tôi lắc đầu.
“Mẹ đang lôi em ba ra đường,” chị tôi tường thuật.

Giờ thì chúng tôi đã nghe thấy giọng của em ba, “Không, con không đi, con không muốn bó chân!”
Mẹ tôi quát lên, “Đồ vô dụng. Mày là nỗi hổ thẹn đối với tổ tiên nhà này.” Đó là những lời chửi mắng thậm tệ song không hề lạ tai; ngày nào bọn tôi chả nghe trong thôn này.
Em ba bị đẩy vào buồng, nhưng vừa ngã ra sàn, nó lập tức chồm dậy, chạy vào góc nhà, và co rúm lại trong đó.
“Mày phải bó chân. Không còn cách nào khác đâu,” mẹ tôi tuyên bố, mắt em ba đảo lia lịa khắp buồng để tìm một nơi ẩn nấp. Nó bị kẹp chặt và không gì ngăn lại được cái việc sắp phải xảy ra. Mẹ và thím xông vào nó. Nó cố gắng lần cuối cùng để toài ra khỏi vòng tay của mẹ và thím, nhưng chị tôi đã chộp lấy nó. Em ba mới chỉ sáu tuổi, nhưng nó cố hết sức quẫy đạp. Chị tôi, thím và bà nội đè nó xuống sàn, trong khi mẹ tôi vội vã quấn cuộn vải bó chân vào. Suốt lúc bó chân, em ba gào thét. Thỉnh thoảng, hai tay nó vùng được ra, nhưng lại bị tóm lấy ngay. Mẹ nới lỏng đôi chút với bàn chân của nó trong một giây, nhoằng cái cả cái chân đó đã vùng ra quẫy đạp liên hồi, dải vải bó dài bay tung lên xoắn lượn như dải lụa của người nhào lộn. Mỹ Nguyệt và tôi kinh hãi. Đây không phải là cách cư xử của mọi người trong nhà này. Nhưng tất cả chúng tôi chỉ có thể giương mắt ngồi nhìn, vì lúc đó những cơn đau buốt nhói đang lan từ bàn chân lên cẳng chân. Cuối cùng, mẹ tôi cũng làm xong việc. Mẹ ném phịch cái bàn chân vừa bó xong của em ba xuống nền nhà, đứng dậy, nhìn xuống đứa con gái út của mình với vẻ căm ghét, rồi rủa: “Đồ vô dụng!”
Bây giờ tôi sẽ viết về những giờ phút, rồi những tuần sau đó, khoảng thời gian mà lẽ ra trong cuộc đời dằng dặc như cuộc đời tôi nó sẽ chẳng là gì cả, nhưng thực ra, với tôi, nó là vĩnh viễn.
Mẹ nhìn tôi đầu tiên, vì tôi là đứa lớn nhất. “Đứng lên.”
Ý tưởng này vượt quá tầm hiểu biết của tôi. Đôi chân tôi đau nhói. Chỉ trước đó vài phút, tôi còn tin chắc về lòng can đảm của mình. Giờ đây tôi phải nghiến răng để không khóc nhưng không được.
Thím tôi vỗ nhẹ vai Mỹ Nguyệt. “Đứng dậy đi nào con.”
Em ba vẫn còn rên rỉ trên sàn nhà.
Mẹ kéo phăng tôi ra khỏi ghế. Từ đau đớn không thể diễn tả nổi cảm giác này. Các ngón chân bị bó chặt cho quặp hẳn xuống dưới bàn chân nên toàn bộ sức nặng của cơ thể tôi dồn cả xuống phần phụ của bàn chân. Tôi cố gắng giữ thăng bằng bằng cách ngả người về phía sau và dồn lực lên gót chân. Khi mẹ tôi trông thấy thế, bà đánh tôi.
“Bước đi!”
Tôi cố gắng hết sức. Khi tôi lê bước về phía cửa sổ, mẹ tôi cúi xuống và lôi em ba đến chỗ chân bà, kéo nó đến gần chị gái tôi, nói: “Dẫn nó đi lại trong buồng mười lần.” Nghe thấy thế, tôi biết điều gì sắp xảy đến với tôi, và điều đó gần như không thể hiểu được. Chứng kiến những điều đang diễn ra, nhưng là người có địa vị thấp nhất trong nhà, thím tôi nắm tay con gái lôi ra khỏi ghế. Nước mắt tuôn lã chã trên mặt tôi khi mẹ dắt tôi đi lại trong buồng. Tôi nghe thấy tiếng nức nở của chính mình. Em ba vẫn la hét và cố vùng vẫy để thoát khỏi tay chị tôi. Bà nội, người đàn bà có uy nhất trong nhà, chỉ quan sát mọi việc và giữ cánh tay còn lại của em ba. Bị hai người khỏe hơn mình nhiều kẹp hai bên, thân thể em ba phải khuất phục, nhưng thế không có nghĩa là cái miệng nó ngớt kêu la oán thán. Chỉ có mỗi Mỹ Nguyệt là nén chặt được những cảm xúc của mình, điều đó cho thấy nó là một đứa con gái ngoan, mặc dù nó là đứa thấp kém trong gia đình tôi.
Sau khi chúng tôi đi đủ mười vòng, mẹ, thím và bà nội mới để chúng tôi yên. Bọn tôi, ba đứa bé gái bị liệt dở bởi sự hành hạ thể xác ấy, nhưng thử thách mới chỉ bắt đầu. Chúng tôi không ăn nổi. Thậm chí với cái bụng rỗng không, chúng tôi vẫn ói mửa vật vã bởi nỗi đau đớn tột độ. Cuối cùng, mọi người trong nhà cũng đi ngủ cả. Đặt lưng xuống thật chẳng khác nào được ân xá. Thậm chí đặt hai bàn chân nằm thẳng trên cùng một mặt phẳng với thân người cũng đỡ đau đi bao nhiêu. Nhưng giờ khắc trôi qua, một cơn đau khác lại đến. Chân của chúng tôi bỏng rát như thể bị đặt trong lò than. Những tiếng thút thít lạ lùng cứ bật ra từ miệng chúng tôi. Tội nghiệp chị gái khi phải ở cùng buồng với chúng tôi. Chị cố xoa dịu chúng tôi bằng những câu chuyện cổ tích và nhẹ nhàng nhắc chúng tôi nhớ rằng mọi cô gái ở mọi tầng lớp trên đất nước Trung Hoa rộng lớn này đều phải trải qua cái việc mà chúng tôi đang phải chịu đựng để trở thành những người đàn bà, người vợ và người mẹ xứng đáng.
Không ai trong chúng tôi ngủ được đêm ấy, nhưng tới ngày thứ hai mọi cơn đau chúng tôi cảm thấy trong ngày đầu tiên còn tăng lên gấp đôi. Cả ba chúng tôi đều cố gắng nới lỏng vải bó, nhưng chỉ có em ba là vùng hẳn được một bàn chân ra. Mẹ đánh vào tay chân nó, bó lại chân cho nó, và phạt nó phải đi thêm mười vòng quanh buồng nữa. Mẹ lại còn liên tục lắc nó một cách thô bạo và móc máy nó, “mày có muốn bị bán làm đồng dưỡng tức cho nhà người ta không hả? Giờ chưa quá muộn đâu. Tương lai đó có thể là của mày đấy.”
Suốt đời bọn tôi thường phải nghe lời đe dọa đó, nhưng chưa từng nhìn thấy một đồng dưỡng tức nào cả. Phủ Vĩ này quá nghèo nên không ai lại đi rước thêm một cô vợ chân to, bướng bỉnh và chẳng ai cần đến cả, nhưng chúng tôi cũng chưa từng thấy hồ ly tinh, ấy vậy mà chúng tôi vẫn tuyệt đối tin là có những thứ đó. Vì thế, khi mẹ tôi dọa vậy thì em ba tạm thời đầu hàng.
Vào ngày thứ tư, chúng tôi nhúng đôi chân bị bó vào xô nước nóng. Rồi lớp vải bó được tháo ra, mẹ và thím kiểm tra móng chân của chúng tôi, cạo những cục chai, rửa sạch những lớp da chết, chấm nhẹ phèn và nước thơm để khỏa lấp bớt mùi hôi thối từ chỗ thịt bị rữa nát, rồi bó chân bằng một lớp vải mới sạch sẽ, lần này còn chặt hơn lần trước. Ngày nào cũng tập đi. Cứ bốn ngày lại thay băng một lần. Cứ hai tuần lại thay một đôi giày mới, càng ngày càng nhỏ hơn. Các bà các cô mấy nhà hàng xóm ghé thăm, mang cho chúng tôi bánh bao nhân đậu đỏ, hy vọng xương chân của chúng tôi sẽ mau mềm hơn, hoặc ớt khô, và mong rằng chân chúng tôi sẽ mảnh mai và nhọn như thế. Các chị em kết nghĩa của chị tôi cũng tới thăm với những món quà nhỏ từng động viên họ trong lúc bó chân. “Cắn vào đuôi bút lông của chị đây này. Đầu nó mỏng và thanh tú. Nó sẽ giúp chân em trở nên mỏng và thanh tú như vậy.” Hay “ăn mấy củ năng này đi. Chúng sẽ bảo thịt da em teo lại.”
Căn buồng phụ nữ trở thành nơi rèn luyện. Thay vì phải làm việc nhà như lệ thường, chúng tôi phải đi đi lại lại trong buồng. Mỗi ngày mẹ và thím lại bắt chúng tôi đi nhiều hơn. Mỗi ngày bà nội tôi đều tham gia giúp đỡ họ. Khi mệt, bà nằm nghỉ ở một chiếc giường nào đó và chỉ đạo các hoạt động của chúng tôi. Khi trời lạnh hơn, bà nội kéo thêm tấm chăn đắp lên người. Khi ngày càng trở nên ngắn hơn và đêm xuống nhanh hơn, lời nói của bà cũng trở nên ngắn ngủi và khó hiểu hơn, cho đến khi bà hầu như chẳng nói năng gì mà chỉ nhìn vào em ba, mong muốn đôi mắt và cơ thể nó theo kịp những bước đi.
Với chúng tôi, sự đau đớn không hề thuyên giảm chút nào. Sao có thể thuyên giảm được chứ? Nhưng chúng tôi học được bài học quan trọng nhất ọi người phụ nữ: muốn tốt thì phải tuân phục. Ngay những tuần đầu tiên này, một bức tranh về những người đàn bà là chúng tôi sau này đã bắt đầu hình thành. Mỹ Nguyệt sẽ là người giỏi chịu đựng và xinh đẹp trong mọi hoàn cảnh. Em ba sẽ là người vợ hay phàn nàn, chua chát về số phận của mình, khiếm nhã trước quà tặng. Còn tôi - trường hợp được gọi là đặc biệt - thì chấp nhận số phận của mình mà không hé một lời.
Một hôm, khi tôi đang đi quanh buồng, tôi nghe thấy rắc một cái. Một ngón chân tôi bị gãy. Tôi nghĩ đó chỉ là tiếng kêu bên trong người mình, nhưng nó rõ đến mức mọi người trong buồng đều nghe thấy. Mẹ tôi nhìn tôi chăm chú. “Đi tiếp đi! Cuối cùng thì cũng có tiến triển rồi!” Khi bước đi, cả người tôi run rẩy. Đến sẩm tối, tám ngón chân cần gãy đã gãy, nhưng tôi vẫn bị bắt phải đi tiếp. Tôi cảm thấy được tám ngón chân gãy dưới sức nặng của mỗi bước đi, vì chúng như long ra trong đôi giày của tôi. Khoảng trống mới hình thành ở chỗ trước đó là những khớp nối giờ đây là vết thương dính nhớp đau buốt óc. Tiết trời băng giá không làm tê dại nổi cái cảm giác đau đớn đang hành hạ khắp người tôi. Ấy thế mà, mẹ vẫn chưa hài lòng với sự phục tùng của tôi. Tối hôm ấy, bà bảo anh trai tôi mang về một cây sậy cắt ở bờ sông. Rồi bà buộc nó ở sau cẳng chân tôi để tôi tiếp tục phải bước đi như thế suốt hai ngày tiếp theo. Đến ngày thay băng, tôi ngâm chân như thường lệ, nhưng lần này việc xoa bóp tạo dáng cho xương tiến xa hơn những gì tôi từng biết. Mẹ dùng tay để kéo những chiếc xương gãy ra khỏi lòng bàn chân tôi. Chưa khi nào tôi thấy tình yêu của mẹ biểu lộ rõ ràng đến thế.
“Một bậc phu nhân đích thực không bao giờ để cái gì xấu xí lọt vào cuộc sống của mình,” mẹ lặp đi lặp lại, để nhồi nhét câu nói đó vào đầu tôi. “Chỉ qua đau đớn con mới trở nên xinh đẹp. Chỉ qua khốn khổ con mới tìm thấy bình yên. Ta quấn, ta bó, nhưng con mới là người được nhận phần thưởng.”
Các ngón chân của Mỹ Nguyệt gãy vài ngày sau đó, nhưng xương chân của em ba thì không. Mẹ sai anh trai ra ngoài làm vài việc vặt. Anh ấy phải đi tìm những viên đá nhỏ để bó lên chân em ba, tạo sức ép mạnh hơn vào các ngón chân. Tôi đã kể rằng nó luôn kháng cự, nhưng giờ thì nó còn khóc to hơn, nếu có thể làm vậy. Mỹ Nguyệt và tôi đều nghĩ nó phản ứng lại như vậy vì muốn được chăm sóc nhiều hơn. Rốt cuộc, mẹ lại dồn hầu hết toàn bộ nỗ lực của mình vào tôi. Nhưng vào những ngày thay băng, chúng tôi nhận thấy sự khác biệt giữa đôi chân của chúng tôi với đôi chân của em ba. Đúng thế, máu và mủ thấm qua lớp vải bó chân của chúng tôi như thường lệ, nhưng với em ba, chất lỏng đó rỉ ra từ người nó có một mùi mới, khác lạ. Và trong khi da chân của tôi và Mỹ Nguyệt khô lại xanh xao để chết đi, thì da của em ba cứ hồng như đóa hoa.

Bà Vương lại đến thăm. Bà ta kiểm tra công việc của mẹ tôi và giới thiệu một vài loại thuốc lá sắc lên uống giúp giảm đau. Tôi không phải nếm cái thứ thuốc đắng ngắt đó cho đến tận khi tuyết rơi và xương ngón chân giữa gãy đôi. Đầu óc tôi lơ mơ cả do đau đớn lẫn do uống thuốc, đúng lúc ấy thì tình trạng của em ba bất ngờ thay đổi. Da chân nó nóng rực. Đôi mắt nó lấp lánh bởi nước và cơn sốt mê man, còn khuôn mặt vốn tròn trịa trở nên hốc hác. Khi mẹ và thím xuống nhà để chuẩn bị bữa trưa, chị tôi biểu lộ lòng xót thương với đứa em ruột thảm hại của mình bằng cách đặt nó nằm duỗi thẳng chân tay trên giường. Mỹ Nguyệt và tôi dừng lại nghỉ một chút. Sợ bị mẹ bắt gặp đang ngồi, chúng tôi đứng cạnh em ba. Chị tôi xoa chân cho nó, cố gắng làm nó cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Nhưng đây là thời điểm khắc nghiệt nhất của mùa đông, và tất cả chúng tôi đều mặc áo bông to sụ. Với sự hỗ trợ của hai đứa tôi, chị tôi kéo quần của em ba lên tận đầu gối để trực tiếp xoa bóp bắp chân nó. Đó là lúc chúng tôi thấy những vệt đỏ sậm rỉ ra từ chỗ bó chân của em ba, chảy ngược lên phía trên và biến mất dưới ống quần. Chúng tôi nhìn nhau trong chốc lát rồi mau chóng kiểm tra chân còn lại. Cũng có những vệt đỏ như vậy xuất hiện ở đó.
Chị tôi đi xuống nhà. Khi nói ra những gì bọn tôi nhìn thấy, cũng tức là chị ấy phải thừa nhận chị đã không làm tròn bổn phận. Chúng tôi chờ nghe thấy mẹ tát chị. Nhưng không, mẹ và thím vội vã chạy lên gác. Họ đứng ở đầu cầu thang và nhìn vào căn buồng: em ba nhìn chằm chằm lên trần nhà, đôi chân nhỏ dang ra, hai đứa con gái còn lại ngoan ngoãn chờ bị trừng phạt, còn bà nội thì đang ngủ say dưới mấy lớp chăn. Thím liếc nhìn rồi đi đun nước.
Mẹ tôi bước đến bên giường. Bà không mang theo gậy, bà dang tay ra chấp chới đi vào buồng như con chim gãy cánh, và nếu là người bình thường thì bà cũng chẳng thể giúp gì hơn cho con gái mình. Ngay khi thím tôi quay lại, mẹ tôi bắt đầu mở đôi chân bó ra. Một mùi kinh tởm lan tỏa khắp căn buồng. Thím tôi lập tức bịt mũi. Mặc dù trời đang có tuyết, chị tôi vẫn xé toạc tấm giấy thông thảo bịt kín cửa sổ để mùi hôi thối thoát ra ngoài. Cuối cùng, lớp vải bó chân của em ba cũng được lột hết. Mủ có màu xanh thẫm và máu đóng cục lại màu nâu thẫm, như bùn thối. Em ba được đặt ngồi và đôi chân tháo băng được nhúng vào chậu nước nóng. Đầu óc nó đang phiêu du nơi đâu rồi nên nó không khóc thét lên.
Tiếng la hét của em ba mấy tuần trước hóa ra mang một ý nghĩa khác. Có phải từ cái ngày đầu tiên ấy nó đã biết điều gì đó tồi tệ sẽ xảy ra không? Có phải đó chính là lý do vì sao nó kháng cự không? Có phải mẹ tôi đã mắc sai lầm khủng khiếp trong khi quá vội vàng không? Hay loại máu nhiễm độc của em ba đã bị bởi những nếp nhăn của mớ vải bó? Có phải nó yếu đi là do chế độ dinh dưỡng tồi như bà Vương từng nói về tôi không? Kiếp trước nó đã làm gì mà phải gánh chịu sự trừng phạt như thế ở kiếp này?
Mẹ tôi cọ rửa chân nó, cố gột sạch chỗ nhiễm trùng. Em ba lả đi. Nước trong thùng đục ngầu máu mủ từ chân nó.
“Mẹ,” mẹ tôi gọi bà nội, “mẹ có kinh nghiệm hơn con. Mẹ giúp con với.”
Nhưng bà nội không hề nhúc nhích dưới tấm chăn. Mẹ và thím tôi không đồng ý với nhau về những gì phải làm tiếp theo.
“Chúng ta nên để chân nó phơi ra ngoài,” mẹ tôi đề nghị.
“Chị biết đó là việc tệ hại nhất,” thím tôi cãi lại. “Nhiều xương chân của nó đã gãy. Nếu chị không bó lại, chân nó sẽ không bao giờ lành đúng cách. Nó sẽ bị què. Ai còn dám lấy nữa.”
“Tôi muốn nó sống, kể cả phải ở vậy, còn hơn là mất nó vĩnh viễn.”
“Thế thì đời nó sẽ không có mục đích và giá trị gì cả,” thím tôi lập luận. “Tình mẫu tử của chị bảo chị rằng thế tức là không có tương lai.”
Trong khi họ tranh cãi, em ba không động đậy. Phèn bọc quanh da và đôi chân của nó được bó lại. Hôm sau, tuyết vẫn rơi và tình trạng của em ba ngày càng tệ hơn. Dù nhà tôi không khá giả gì, bố tôi vẫn ra ngoài dưới trời bão tuyết để mời thầy thuốc trong thôn tới. Ông ta nhìn em ba rồi lắc đầu. Đó là lần đầu tiên tôi thấy cử chỉ ấy, thế có nghĩa là chúng tôi không thể ngăn cản một linh hồn thân yêu về với thế giới bên kia. Bạn có thể kháng cự lại, nhưng một khi cái chết đã tóm được bạn thì chỉ còn nước nhắm mắt xuôi tay. Chúng ta trở nên ngoan ngoãn khi thế giới bên kia vẫy gọi. Thầy thuốc khuyên nên làm thuốc đắp và bốc thuốc để sắc lên cho em ba uống, nhưng ông là người tốt bụng và trung thực. Ông hiểu hoàn cảnh của chúng tôi.
“Tôi có thể làm vậy cho tiểu nữ nhà ta,” ông ấy nói với bố tôi, “nhưng cũng chỉ là mất tiền vô ích.”
Tuy thế, tin xấu của ngày hôm đó vẫn chưa hết. Trong khi chúng tôi khúm núm quỳ lạy ông thầy thuốc, ông ta nhìn quanh khắp phòng và thấy bà nội tôi dưới tấm chăn. Ông ta đến chỗ bà, sờ vào trán, bắt mạch. Ông nhìn vào bố tôi. “Người mẹ đáng kính của ông đang ốm nặng. Sao ông không bảo tôi về việc này?”
Bố tôi biết trả lời thế nào để giữ thể diện đây? Ông là một người con hiếu thảo, nhưng ông cũng là một con người, và việc này diễn ra bên trong thâm tâm. Tuy vậy, việc phụng dưỡng bà nội vẫn là bổn phận quan trọng nhất của người làm con như bố tôi. Trong khi bố ở dưới nhà ngồi hút tẩu với chú, chờ mùa đông đi qua, thì trên gác hai người đã bị ma quỷ nguyền rủa.
Một lần nữa, cả nhà tôi bắt đầu tranh cãi. Liệu có phải là mọi người đã quá tốn thời gian ấy đứa con gái vô dụng đến nỗi bỏ mặc người bà cao quý và đáng kính đang ốm đau thế không? Có phải việc dắt em ba đi đi lại lại trong buồng đã lấy bớt những bước đi của bà không? Hay là - do quá mệt mỏi vì phải nghe tiếng la hét của em ba - bà đã tắt khí đi để ngăn những tiếng ồn ào khó chịu? Hay phải chăng ma quỷ đến để bắt em ba đi đã bị thu hút bởi một nạn nhân tiềm năng khác?
Sau bao ồn ào huyên náo, và sau khi mọi người đã chú ý quá nhiều đến em ba trong mấy tuần nay, giờ đây mọi người lại đổ dồn về phía bà nội. Bố và chú tôi rời khỏi chỗ bà chỉ để hút tẩu, ăn uống, hay làm mình dễ chịu hơn. Thím tôi lo tất cả việc trong nhà, chuẩn bị bữa ăn ọi người, giặt giũ và chăm sóc tất cả chúng tôi. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy mẹ ngủ. Là con dâu cả trong nhà, đời mẹ chỉ có hai mục đích lớn nhất: sinh con trai để quản lý gia đình và chăm sóc mẹ chồng. Lẽ ra mẹ phải chăm sóc sức khỏe của bà nội chu đáo hơn. Thay vì vậy, mẹ lại để tham vọng của đàn ông ám ảnh đầu óc mình khi chuyển sự quan tâm sang tôi và tương lai xán lạn của tôi. Giờ đây, với sự cả quyết sắt đá do thiếu tình thương từ khi còn nhỏ, bà làm tất cả các nghi lễ bắt buộc, chuẩn bị đồ cúng đặc biệt dâng các thần linh và tổ tiên, cầu khấn và tụng kinh, thậm chí lấy máu mình nấu canh để giúp mẹ chồng hồi phục.
Do mọi người đều bận bịu quanh bà nội, Mỹ Nguyệt và tôi được giao trông chừng em ba. Chúng tôi mới lên bảy nên không biết cách nói hay làm thế nào để giúp nó cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Nỗi đau đớn của em ba quá lớn, nhưng chưa phải là cơn đau khủng khiếp nhất mà tôi sẽ phải chứng kiến trong đời mình. Nó mất bốn ngày sau đó, chịu đựng đau đớn quá sức, không công bằng với quãng đời ngắn ngủi của nó. Một ngày sau thì bà nội tôi mất. Không ai thấy nỗi đau đớn của bà. Bà chỉ thu mình lại, ngày càng nhỏ dần nhỏ dần như con sâu bướm dưới tấm chăn bằng lá mùa thu.
ĐấT MAI TÁNG quá cứng. Hai người chị em kết nghĩa còn lại của bà nội cũng có mặt, hát bài hát đưa tang, quấn thân thể của bà nội trong tấm vải muxơlin, và mặc quần áo cho bà ở kiếp sau. Bà nội tôi đã già, sống đã lâu, vì thế quần áo khi về nơi vĩnh hằng của bà gồm nhiều lớp. Em ba chỉ mới sáu tuổi. Nó sống ngắn ngủi, không có quần áo cả đời để giữ ấm hay nhiều bạn bè để hội ngộ trong thế giới bên kia. Nó chỉ có độc một bộ quần áo dành ùa hè và một bộ quần áo ùa đông, và thậm chí hai bộ này chị cả và tôi đã mặc trước rồi. Bà nội và em ba trải qua mùa đông dưới lớp tuyết dày.
Tôi muốn nói rằng từ lúc bà nội và em ba nhắm mắt cho đến khi chôn cất nhiều thứ đã thay đổi ở buồng phụ nữ. Ôi chao! Chúng tôi vẫn phải đi lại quanh buồng. Chúng tôi vẫn phải ngâm chân bốn ngày một lần và thay những đôi giày ngày càng bé đi hai tuần một lần. Nhưng giờ mẹ và thím trông chừng chúng tôi hết sức thận trọng. Và chúng tôi cũng chú ý hơn, không bao giờ kháng cự hay phàn nàn. Mỗi khi rửa chân, chúng tôi, cũng như mẹ và thím, nhìn chăm chăm vào mủ và máu. Mỗi đêm, khi cuối cùng mẹ và thím cũng đi, để bọn con gái chúng tôi ở lại trong buồng, và mỗi sáng trước khi công việc hàng ngày của bọn tôi bắt đầu, chị tôi lại kiểm tra chân của bọn tôi để chắc rằng chúng tôi không bị nhiễm trùng nặng.
Tôi thường nhớ lại những tháng đầu tiên bị bó chân đó. Tôi nhớ lại cách mà mẹ, thím, bà nội và chị gái tôi nhắc đi nhắc lại những câu nhất định để động viên chúng tôi can đảm lên. Một trong số đó là câu “lấy chim non thì phải ở với chim non; lấy gà trống thì phải ở với gà trống.” Lúc đó, tôi nghe câu này nhưng không hiểu nghĩa, cũng như với nhiều câu khác. Lấy được chồng thế nào tùy thuộc vào cỡ chân của tôi. Đôi bàn chân nhỏ bé sẽ chứng tỏ tính kỷ luật của tôi trước nhà chồng tương lai, và khả năng chịu đựng đau đớn khi sinh con, cũng như bất kỳ bất hạnh nào có thể giáng xuống. Đôi bàn chân nhỏ bé của tôi sẽ ọi người thấy tôi đã ngoan ngoãn phục tùng gia đình ruột thịt của mình, đặc biệt là mẹ tôi, ra sao, điều này cũng sẽ gây ấn tượng tốt với mẹ chồng tương lai của tôi. Đôi giày mà tôi thêu sẽ cho chồng tương lai của tôi biết khả năng thêu thùa và nội trợ của tôi. Và, tuy vào lúc đó tôi chưa biết gì về điều này, nhưng chân của tôi sẽ là một thứ luôn quyến rũ chồng tôi trong suốt những khoảnh khắc riêng tư và gần gũi nhất giữa người đàn ông và người đàn bà. Nỗi thèm muốn được nhìn thấy và ấp bàn chân tôi trong tay sẽ không bao giờ biến mất trong suốt quãng đời chúng tôi bên nhau, thậm chí sau khi tôi đã có năm đứa con và thân thể tôi không còn hấp dẫn chồng tôi nữa.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận