NGƯỜI TA muốn ĐÀN BÀ CHÚNG TÔI PHẢI _yêu đứa con của mình ngay khi nó rời bụng mẹ, nhưng có ai trong chúng tôi lại không thất vọng khi nhìn thấy đó là một đứa con gái hay cảm thấy tâm trí u ám nặng nề khi ẵm quý tử trong tay mà nó chẳng chịu làm gì khác ngoài việc khóc ngằn ngặt và khiến mẹ chồng nhìn bạn như thể sữa của bạn bị ôi thiu vậy? Chúng tôi yêu những đứa con gái bằng cả trái tim mình, nhưng chúng tôi phải rèn luyện chúng qua đau đớn. Chúng tôi yêu những đứa con trai hơn tất thảy, nhưng không bao giờ chúng tôi trở thành một phần trong thế giới của chúng, địa hạt bên ngoài của đàn ông. Người ta mong chúng tôi sẽ yêu chồng mình ngay từ ngày Nhận Thân, dù chúng tôi không hề nhìn thấy mặt họ trong vòng sáu năm sau đó. Người ta bảo chúng tôi phải yêu gia đình chồng, nhưng chúng tôi bước vào gia đình họ như những người xa lạ, người có địa vị thấp nhất trong nhà họ, chỉ cao hơn một bậc so với ăn kẻ ở. Người ta bảo chúng tôi phải yêu thương và kính trọng tổ tiên nhà chồng, vì thế chúng tôi thực hiện đúng bổn phận, dù con tim âm thầm kêu gọi chúng tôi nhớ đến tổ tiên bên nhà cha mẹ đẻ mình. Chúng tôi yêu cha mẹ mình vì họ đã chăm sóc nuôi dưỡng chúng tôi, nhưng chúng tôi bị xem là những nhánh thân vô giá trị trên cái cây gia đình. Chúng tôi chỉ làm hao tốn của cải của nhà mình. Chúng tôi được gia đình mình nuôi dưỡng để rồi mất không ột gia đình khác. Dù được sống hạnh phúc khi còn ở nhà cha mẹ đẻ, nhưng chúng tôi vẫn biết mai này sẽ không tránh khỏi cảnh chia ly. Vì thế chúng tôi yêu gia đình mình, nhưng chúng tôi biết tình yêu đó sẽ chấm dứt trong nỗi buồn ly biệt. Tất cả những tình yêu ấy nảy sinh từ trách nhiệm, sự kính trọng và lòng biết ơn. Những loại tình yêu đó, như những người đàn bà ở vùng này đều hiểu, là nguồn gốc của nỗi buồn, đổ vỡ và tàn bạo.
Nhưng tình yêu giữa một đôi lão đồng là điều gì đó hoàn toàn khác biệt. Như bà Vương nói, mối quan hệ với lão đồng là dựa trên lựa chọn. Dù không phải là tôi và Tuyết Hoa tự nghĩ ra những lời lẽ để viết trên chiếc quạt, nhưng khi chúng tôi lần đầu nhìn vào mắt nhau ở trên chiếc kiệu, tôi đã nhận thấy một điều gì đó đặc biệt truyền qua giữa chúng tôi - tựa như tia lửa để nhóm lên ngọn lửa hay hạt thóc để nảy thành cây lúa. Nhưng một tia lửa thì không đủ sưởi ấm cả căn phòng cũng như một hạt thóc không thể làm nên vụ mùa bội thu. Một tình yêu sâu sắc - một tình yêu chân thành - phải lớn lên. Nhưng tôi vẫn chưa hiểu nổi thế nào là một tình yêu nồng cháy, nên thay vì vậy tôi nghĩ đến những cánh đồng lúa tôi vẫn thấy hàng ngày trên con đường đi ra sông cùng anh trai từ hồi tôi vẫn còn đủ cả hàm răng sữa. Có lẽ tôi sẽ nuôi dưỡng tình yêu của tôi như người nông dân chăm sóc cho cây lúa - bằng cách làm lụng chăm chỉ, ý chí kiên định, và mưa thuận gió hòa. Thật thú vị là tôi vẫn còn nhớ được điều đó cho tới tận bây giờ! Ái chà! Tôi biết rất ít về cuộc sống, nhưng cũng đủ để tôi có thể nghĩ giống như một người nông dân.
Vì thế, là một đứa con gái, tôi bắt tay vào chuẩn bị mảnh đất của mình - lấy một mẩu giấy của bố và hỏi xin chị gái một miếng nhỏ trong mảnh vải hồi môn của chị - để gieo trồng. Hạt giống là những chữ nữ thư mà tôi viết ra. Bà Vương là con mương tưới nước. Khi bà ta đến nhà để xem chân tôi tiến triển ra sao, tôi đưa cho bà ta bức thông điệp ấy - lá thư, mảnh vải dệt, hay chiếc khăn thêu - để bà ta chuyển cho Tuyết Hoa.
Không thứ gì sinh trưởng được nếu thiếu ánh sáng mặt trời - điều này hoàn toàn không tùy thuộc vào ý muốn của người nông dân. Tôi bắt đầu tin là Tuyết Hoa có vai trò đó của mặt trời. Với tôi, ánh mặt trời chính là những lời hồi âm của cô cho những lá thư viết bằng nữ thư của tôi. Khi tôi nhận được thứ gì đó từ Tuyết Hoa, tất cả chúng tôi lại túm tụm lại để giải mã ý nghĩa của nó, vì quả thực là cô toàn dùng những từ ngữ và hình ảnh khá đánh đố với vốn kiến thức của thím tôi.
Tôi thì chỉ viết theo kiểu của một đứa bé gái như: Mình khỏe. Bạn có khỏe không? Còn cô sẽ hồi đáp kiểu như: Có hai chú chim đang đậu trên ngọn cây. Chúng cùng nhau chắp cánh bay lên bầu trời. Tôi viết tiếp: Hôm nay mẹ mình dạy mình cách đồ xôi và ủ trong lá khoai. Thì Tuyết Hoa sẽ viết: Ngày hôm nay mình nhìn qua song cửa. Mình nghĩ đến phượng sinh ra để đi tìm bạn, và rồi mình nghĩ đến bạn. Tôi viết tiếp: Người ta đã chọn được ngày lành tháng tốt cho đám cưới của chị gái mình rồi. Cô sẽ viết: Chị gái bạn giờ đã bước vào giai đoạn thứ hai của những thủ tục hôn nhân theo truyền thống. May mắn thay, chị ấy sẽ vẫn còn ở nhà với bạn thêm vài năm nữa. Tôi viết tiếp: Mình muốn học hỏi mọi thứ. Bạn giỏi thật đấy. Mình làm học trò của bạn nhé? Cô trả lời: Mình cũng đang học tập bạn đấy thôi. Chính vì thế mà chúng ta trở thành đôi uyên ương đang cùng nhau xây tổ. Tôi lại viết: Mình không sâu sắc và lời lẽ của mình chẳng tao nhã chút nào, nhưng mình ước gì có bạn ở đây và chúng ta sẽ cùng nhau trò chuyện thâu đêm. Cô trả lời: Đôi sơn ca cùng hót trong đêm tối.
Lời lẽ của cô làm tôi vừa sợ hãi vừa phấn khích. Cô thông minh thật. Cô có học hơn tôi rất nhiều. Nhưng đó vẫn chưa phải là cái đáng sợ. Bức thư nào cô cũng nói về chim, về sự bay liệng, về một thế giới xa xôi. Ngay từ lúc ấy, cô đã muốn bay thoát khỏi cái số phận đã được định đoạt. Tôi muốn bám vào đôi cánh của cô mà bay vút theo, bất chấp có bị đe dọa thế nào đi nữa.
Ngoại trừ chiếc quạt tặng tôi từ lúc đầu, Tuyết Hoa sẽ không gửi thứ gì cho tôi nếu tôi không gửi thứ gì đó cho cô trước. Tôi không bận lòng về chuyện đó. Tôi đang ve vãn cô mà. Tôi khiến cô ngập chìm trong những lá thư tôi viết, và cô cũng luôn đáp lại bằng cách gửi cho tôi một chồi non hay một đóa hoa. Nhưng có một trở ngại khiến tôi bối rối. Tôi muốn gặp lại cô. Cô nên mời tôi đến nhà cô mới phải, nhưng lời mời đó đã không đến.
Một hôm, bà Vương đến nhà tôi, lần này bà ấy mang theo chiếc quạt. Tôi không mở xòe nó ra ngay. Thay vì đó, tôi chỉ mở ba nếp gấp đầu tiên, và nhìn thấy bức thư đầu tiên cô gửi cho tôi, cạnh đó là thư hồi đáp của tôi, và kế đến là thông báo mới:
Nếu gia đình bạn đồng ý, mình sẽ rất vui khi được đến thăm bạn vào tháng Mười một này. Chúng ta sẽ ngồi bên nhau, xâu kim, chọn chỉ màu, và thủ thỉ chuyện trò với nhau.
Trên vòng lá, cô gắn thêm những bông hoa xinh xắn.
Vào ngày đã định, tôi ngồi chờ bên song cửa, nhìn chiếc kiệu rẽ qua góc quành. Khi chiếc kiệu dừng lại trước ngưỡng cửa nhà tôi, tôi muốn chạy ngay xuống nhà và ra ngoài đường để gặp lão đồng. Điều này là không thể được. Mẹ tôi bước ra ngoài tới chỗ chiếc kiệu đã mở. Tuyết Hoa bước xuống kiệu. Cô mặc đúng chiếc áo khoác màu xanh da trời thêu hình đám mây. Cuối cùng, tôi cũng bắt đầu nghĩ ra rằng đó là chiếc áo đi chơi của cô và tin rằng cô sẽ mặc nó ỗi lần viếng thăm để không khiến gia đình tôi thấy ngại ngùng vì sự túng thiếu của mình.
Tuyết Hoa không mang theo cả đồ ăn và quần áo, như tục lệ. Bà Vương nhắc nhở Tuyết Hoa như lần trước. Phải ngoan ngoãn, không mè nheo; quan sát và lắng nghe để học hỏi, và làm ẹ cô tự hào. Tuyết Hoa đáp, “Dạ, thưa dì,” nhưng tôi có thể thấy cô không lắng nghe, vì cô vẫn đứng trên đường, nhìn lên cửa sổ mắt cáo, tìm kiếm bóng dáng tôi.
Mẹ tôi dắt Tuyết Hoa lên cầu thang, và ngay khi đặt chân lên sàn căn buồng phụ nữ cô nói liến thoắng không ngừng. Cô nói chuyện phiếm, thầm thì, trêu chọc, tâm sự, an ủi và khen ngợi. Lúc này, cô không phải là người con gái khiến tôi bối rối bởi những ý nghĩ được bay đi thật xa. Cô chỉ muốn chơi đùa, vui vẻ, cười khúc khích và nói, nói, nói, nói, nói, và nói những chuyện của bọn con gái.
Tôi từng bảo với cô rằng tôi muốn làm học trò của cô, vì thế kể từ hôm đó cô bắt đầu dạy tôi những điều trong Nữ Kinh, ví dụ như việc không được để lộ răng khi cười hoặc lên giọng khi nói chuyện với đàn ông. Nhưng cô cũng viết rằng cô muốn là học trò của tôi, vì thế cô nhờ tôi chỉ cho cô cách làm bánh nếp. Cô cũng hỏi tôi những câu hỏi kỳ lạ về cách kéo nước và làm thức ăn cho lợn. Tôi cười to vì mọi đứa con gái đều biết những chuyện như vậy. Tuyết Hoa thề là cô không biết. Tôi cả quyết là cô trêu tôi. Cô khăng khăng rằng cô hoàn toàn mù tịt. Rồi, những người khác xúm vào chọc tôi.
“Có lẽ chính em mới là người không biết kéo nước!” chị gái tôi nói to.
“Và có lẽ cháu cũng chẳng nhớ phải cho lợn ăn thế nào nữa kia,” thím hùa thêm. “Những thứ đó chắc đã bị quẳng đi cùng đôi giày cũ của cháu rồi.”
Thế này thì quá lắm, và tôi đứng lên. Nhưng tôi tức quá, đặt nắm tay tôi lên hông và nhìn chằm chằm vào đó, nhưng khi tôi nhìn thấy nét mặt hớn hở của mọi người đang hướng về phía tôi, cơn giận trong tôi tiêu tan và tôi lại muốn làm họ vui vẻ hơn.
Khi nhìn tôi chập chững trên đôi chân đang lành, đi đi lại lại quanh buồng, giả bộ kéo nước từ dưới giếng lên và xách về nhà, hay đi lom khom cắt rau lợn rồi băm nhỏ trộn lẫn với thức ăn thừa, mọi người được một mẻ cười nôn ruột. Mỹ Nguyệt cười nhiều quá đến mức buồn đi tiểu. Thậm chí, ngay cả chị gái tôi, vốn hết sức nghiêm túc với công việc làm của hồi môn, cũng phải lấy ống tay áo che miệng cười khúc khích. Tôi liếc nhìn Tuyết Hoa, đôi mắt cô ngời lên rạng rỡ khi cô vỗ tay thích thú. Bạn thấy đấy, Tuyết Hoa là vậy. Cô có thể đi vào căn buồng phụ nữ và chỉ với vài câu thôi cũng có thể khiến tôi làm mọi chuyện mà tôi chưa từng nghĩ là tự mình sẽ làm thế bao giờ. Cô có thể ở trong căn buồng phụ nữ đó - nơi mà tôi xem như là căn buồng của những bí mật, đau khổ và than thở - và biến nó thành một ốc đảo với những khoảnh khắc tươi đẹp, không khí vui vẻ, và những trò vui nhắng nhít.
Miệng cô thì cứ bảo là không được nói to với đàn ông, thế mà cô cứ huyên thuyên với bố và chú tôi suốt bữa cơm tối, khiến họ cũng phải bật cười. Em trai tôi cứ trèo lên trèo xuống trên người Tuyết Hoa như chú khỉ con và lòng cô như thể cái tổ lý tưởng trên cây. Cô mới giàu sức sống làm sao. Cô đi đến đâu là lại mê hoặc khiến mọi người vui vẻ ở đó. Cô hơn hẳn chúng tôi - ai cũng nhận thấy thế - nhưng cô lại biến điều đó thành một điều bất ngờ thú vị cho gia đình tôi. Đối với chúng tôi, cô như con chim quý đã sổ lồng bay đi rong chơi trên sân cùng lũ gà tầm thường. Chúng tôi rất vui, và cô cũng thế.
Đến giờ, chúng tôi đi rửa mặt mũi trước khi đi ngủ. Tôi nhớ lại sự lúng túng của tôi trong lần đầu tiên Tuyết Hoa đến chơi. Tôi ra hiệu bảo cô dùng nước trước, nhưng cô từ chối. Nếu tôi dùng nước trước, nước sẽ không còn sạch cho Tuyết Hoa dùng. Nhưng khi Tuyết Hoa nói “chúng mình rửa mặt cùng lúc luôn nhé,” tôi biết rằng tất cả những việc làm và chủ ý tầm thường theo kiểu nông dân của tôi đã đem lại cho tôi vụ mùa bội thu như mong đợi. Chúng tôi cùng nhau cúi xuống, chụm tay lại, và vốc nước lên rửa mặt. Cô khẽ huých khuỷu tay vào người tôi. Tôi nhìn xuống mặt nước và thấy gương mặt của hai đứa tôi phản chiếu qua những gợn sóng lăn tăn. Nước nhỏ giọt từ làn da của cô cũng như của tôi. Cô cười khúc khích và té nước trong chậu vào người tôi. Trong khoảnh khắc cùng nhau chia sẻ chậu nước đó, tôi biết rằng lão đồng cũng yêu mến tôi.