– “Kiến thức” hay “Phô mai”? –
Quá trình trưởng thành của một đứa trẻ vừa nhanh lại vừa chậm. Đôi khi người lớn sẽ bực bội phàn nàn khi nào thì đứa bé mới ngoan ngoãn biết điều hơn, tại sao lại nghịch ngợm như vậy..Nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy đứa trẻ phải mua vé khi đi xe bus, chỉ trong chớp mắt đã rời nhà đến những phương xa.
Phó Duy Khanh dần dần học được cách nói một câu hoàn chỉnh, rồi chập chững bước đi…Chẳng mấy chốc mà cô bé đã đến tuổi đi học mẫu giáo. Trước khi cho con đi học, Tăng Như Sơ khá lo lắng không biết con gái có thể làm quen được với môi trường mới hay không. Vì trước đó Triệu Doãn Điềm liên tục truyền những thông tin tiêu cực như Thẩm Đa Đa nhà cô ấy không thích đi học, đến giờ vẫn còn kêu ca nhõng nhẽo về chuyện đến trường.
Nửa tháng trước khi chính thức đi học, Tăng Như Sơ bắt đầu làm công tác tư tưởng cho Phó Duy Khanh, “Con sẽ gặp rất nhiều bạn ở trường mẫu giáo này, sẽ có rất nhiều bạn chơi trò chơi cùng với con…”
Nghe thấy “trò chơi”, ánh mắt Phó Duy Khanh ngập tràn sự mong chờ như đang khao khát cuộc sống mẫu giáo. Tăng Như Sơ lại dụ dỗ tiếp, “Con còn được học thêm rất nhiều kiến thức mới nữa đó.”
Phó Duy Khanh háo hức nắm lấy tay áo Tăng Như Sơ lắc lắc, “Mẫu giáo có nhiều phô mai không mẹ?”
“?”
Vẻ mặt của con bé khiến Tăng Như Sơ thấy có gì đó sai sai nên chưa trả lời ngay. Phó Ngôn Chân ngồi đó thừa hiểu tính nết con gái mình bèn phiên dịch giúp, “Chắc là ‘phô mai’ của ‘bánh kem phô mai’ đấy.”
Hóa ra không phải là “tri thức” trong câu “tri thức là sức mạnh”
Tăng Như Sơ: “…”
Cô không hề nghĩ đến điều này.
Phó Duy Khanh thấy bố hiểu ý mình thì gật đầu như giã tỏi.
Đúng vậy đó!
Bánh kem phô mai!
Cô bé nhìn bố, thèm đến mức ứa nước miếng, “Đi mẫu giáo là con có thể được ăn rất nhiều bánh kem phô mai ạ?”
“….”
–“Con không thích các bạn”
Khi Phó Duy Khanh biết “tri thức” không phải “phô mai” mà cô bé hằng ao ước thì hứng thú đến trường đã tụt xuống quá nửa. Thậm chí còn thể hiện sự phản kháng mạnh mẽ.
Hôm ấy cô bé giận dỗi nói, “Con muốn chơi với Vỏ Đậu, Tào Phớ và Tiểu Bạch cơ.”
“Con không thích các bạn ở lớp.”
Ngày đầu tiên đi học quả là một khởi đầu gian nan. Tăng Như Sơ không thể gọi cô bé dậy, cuối cùng Phó Ngôn Chân phải vào xốc chăn bế thốc con gái lên. Phó Duy Khanh được bố bế nhưng vẫn nhắm chặt mắt ngủ. Cho đến khi Phó Ngôn Chân vỗ mông cô bé một cái. Cái vỗ này không đau mà chỉ khiến cô bé thấy xấu hổ rồi mới mở mắt. Sau đó để trả thù bố, bé dồn lực đánh một quả rắm thối inh.
Phó Ngôn Chân: “…”
Phó Duy Khanh cáu gắt nhìn bố. Hai bố con cứ thế đọ mắt với nhau không ai nhường ai.
“Con muốn soán ngôi hả?” Phó Ngôn Chân khinh thường hỏi.
Thực ra việc anh lên tiếng trước có nghĩa là anh đã nhượng bộ trước. Phó Duy Khanh không hiểu “soán ngôi” có nghĩa gì nên ngơ ngác vài giây. Cô bé còn quá nhỏ để có thể hiểu những điều mà người lớn nói. Nhưng cũng chẳng muốn biết tường tận, chỉ dẩu môi lườm bố.
Phó Ngôn Chân bế con gái vào nhà vệ sinh, “Đợi thêm mười tám năm nữa nhé, giờ trông con bé tí.”
Phó Duy Khanh cúi xuống nhìn cơ thể mình rồi lại ngoảnh sang nhìn bố, tuy cô bé thừa nhận mình nhỏ thật nhưng giọng điệu của bố khiến cô bé không chấp nhận nổi.
“Con sẽ lớn nhanh thôi.” Cô bé hậm hực.
“Thế nên bố mới bảo đợi thêm mười tám năm nữa đó.” Phó Ngôn Chân bình thản tiếp lời.
Phó Duy Khanh: “…”
Phó Ngôn Chân bóp kem vào bàn chải đánh răng rồi bảo cô há miệng. Phó Duy Khanh nhìn chằm chằm chỗ kem đánh răng to bằng hạt đậu nành, cuối cùng cũng tìm được cái để trút giận, “Bố bóp nhiều thêm đi! Sao bố keo kiệt thế…”
Phó Ngôn Chân nhướng mày, “Mẹ con bảo phải tiết kiệm.”. ngôn tình ngược
Phó Duy Khanh phồng má phụng phịu rồi cũng chịu đánh răng. Nhưng cô bé vẫn chưa nguôi giận, ngước lên nhìn bố rồi hậm hực nói, “Bố nói nhiều quá.”
“Bố đừng nói nữa được không?”
“…” Phó Ngôn Chân tức quá bật cười.
Chờ đến khi con bé đánh răng xong, anh mới thong dong phản khích, “Phó Duy Khanh, bố thấy con cũng nói nhiều không kém đâu.”
Phó Duy Khanh: “…”
Hai bố con lại chơi trò người gỗ “123” một lúc.
Trên đường đến trường Phó Duy Khanh vẫn còn gà gật ngáp ngắn ngáp dài. Ngay cả khi đã đến cổng trường cũng không chịu xuống xe. Tăng Như Sơ không thể một mình xử lý con gái vì cô nhóc đã nặng hơn hồi bé nhiều. Phó Ngôn Chân vòng ra ghế sau rồi bế con gái lên. Vừa định trêu con rằng “Các bạn ai cũng đi học…” thì xung quanh truyền đến tiếng gào khóc của đám trẻ con….
Chắc chỉ có Phó Duy Khanh nhà anh là không la hét: “Con không muốn đi học!”, “Con muốn về nhà”…
Có đứa trẻ khóc thảm thiết quá khiến Phó Duy Khanh cũng bị đánh thức. Cô bé mở mắt ngoảnh nhìn cái bạn đang ngoạc mồm khóc, như bị nhiễm cảm xúc tiêu cực níu áo Phó Ngôn Chân, “Bố ơi, con không muốn đi học đâu.”
Phó Ngôn Chân: “…”
“Mẹ ơi…” Thấy bố mình vẫn giữ thái độ cứng rắn cô bé bèn nhìn về phía mẹ mếu máo, “Con không muốn đi học đâu…”
Tăng Như Sơ: “…”
Sau cùng vẫn bị dẫn đến trước cửa lớp. Trong phòng học ầm ĩ náo nhiệt cứ như sắp đón tết. Mà bầu không khí này đều do các bé đi học lần đầu tiên mang đến. Phải rời xa vòng tay của bố mẹ đến một nơi xa lạ khiến nhiều đứa trẻ khóc suốt cả chặng đường. Phó Duy Khanh cũng bị lây nhiễm cảm xúc của những đứa trẻ khác, bắt đầu sụt sịt như thể nếu không khóc thì thật không hợp lý.
Phó Duy Khanh là một cô bé không thích khóc, bị ngã cũng bình tĩnh tự đứng dậy phủi mông. Giờ nhìn bé con đứng một góc lau nước mắt làm cả hai đều mềm lòng. Thoáng chốc không nỡ để con bé lại giữa chốn lạ lẫm. Có rất nhiều phụ huynh khác cũng đang suy nghĩ như vậy. Có người thấy con khóc rồi thương con cũng khóc theo.
Giáo viên mầm non nhìn cảnh này đã quen, khai giảng năm nào cũng phải trải qua một lần. Cô giáo ra ngoài khuyên nhủ phụ huynh nên đi về để các bé bình tĩnh hơn. Có bố mẹ đứng ở ngoài càng khiến đám trẻ khóc nhiều hơn.
Trên đường đi làm, Phó Ngôn Chân nhìn đôi mắt đỏ hoe của Tăng Như Sơ bèn hỏi, “Không nỡ hả?”
“Con bé sẽ quen chứ?” Tăng Như Sơ hỏi lại.
“Đương nhiên, con bé là con gái của ai chứ.” Phó Ngôn Chân bật cười, thật ra anh cũng không nỡ như vợ.
Tăng Như Sơ phì cười với lời nói đùa của chồng, “Không biết xấu hổ.”
Phó Ngôn Chân nhoài sang hôn cô, “Chiều anh đi đón con nhé.”
Mẫu giáo tan học sớm, giờ đấy cô vẫn đang làm việc. Thời gian của anh linh hoạt hơn, trong công ty chẳng ai dám ý kiến.
Tăng Như Sơ khịt mũi, “Em cũng muốn đi đón con.”
Dẫu sao cũng là ngày đầu tiên Phó Duy Khanh đi học mà.
– “Phó Duy Khanh, con mặc quần ngược rồi.”
Không thể phủ nhận khả năng thích nghi của Phó Duy Khanh rất tốt. Chỉ ba bốn ngày mà cô bé đã quen với việc đi học. Sáng dậy cũng không nhõng nhẽo khóc lóc ỉ ôi, Tăng Như Sơ vừa gọi là cô bé ngoan ngoãn dậy luôn, hơn nữa còn rất háo hức mong chờ.
Có một buổi sáng cô bé tự tỉnh, lồm cồm bò xuống giường, thấy Tăng Như Sơ đang ngồi trước gương trang điểm bèn giục, “Mẹ, mẹ nhanh lên nhé.”
Tăng Như Sơ run tay suýt thì vẽ chệch lông mày.
Cô ngoái lại giải thích với con gái, “Vẫn còn sớm lắm, không sợ đi học muộn đâu.”
“Nhưng con muốn là người đến lớp sớm nhất cơ.”
“…”
Thấy mẹ còn phải trang điểm, Phó Duy Khanh ngoảnh sang bố, “Bố ơi, mình đi trước đi, không đợi mẹ nữa.”
Tăng Như Sơ: “…”
May mà Phó Ngôn Chân còn biết giữ thể diện cho cô.
“Bố phải đợi mẹ.” Anh đã nói như vậy.
“…”
Cuối cùng Phó Duy Khanh cũng chịu thỏa hiệp, “Thôi được rồi, mẹ nhớ nhanh lên nhá.”
Hai hôm sau, Phó Duy Khanh không chỉ có thể tự dậy mà còn tự mặc đồng phục. Có điều…
Tăng Như Sơ nhìn đôi chân ngắn ngủn của cô con gái mà giần giật khóe miệng, “Con mặc quần ngược đằng sau ra đằng trước rồi.”
Phó Duy Khanh cúi đầu ngẫm nghĩ vài giây, thật ra cô bé thấy mặc quần ngược cũng không có vấn đề gì lớn. Nghĩ vậy, cô nhóc ngẩng lên bình tĩnh đáp lại mẹ, “Không sao ạ.”
Tăng Như Sơ: “…”
Phó Duy Khanh xách quần chạy lon ton ra cửa, “Bố ơi, nhanh lên.”
“Con mặc quần ngược rồi.” Phó Ngôn Chân bật cười, nhấn mạnh, “Vào đây mặc lại đi.”
“Không sao đâu bố.” Phó Duy Khanh nôn nóng giục giã, bộ dạng gấp lắm rồi, “Đi thôi bố.”
Hôm nay Tăng Như Sơ không đưa con đi học mà nhường lại việc này cho chồng.
Trước lối vào lớp học, Phó Duy Khanh lễ phép chào giáo viên, “Cô ơi, hôm nay có phải con là người đến lớp đầu tiên không ạ?”
Cô giáo lắc đầu, “Con đến thứ hai.”
Phó Duy Khanh lộ rõ vẻ không vui, cô nhóc bực bội lườm bố, vì tất cả là do bố, nếu không chắc hẳn cô đã là người đến sớm nhất. Nhưng cô bé lại chuyển suy nghĩ ngay lập tức, ngước gương mặt mong chờ nhìn giáo viên, “Cô ơi, hôm nay con tự mặc quần áo đấy ạ.”
“Nếu cô không tin thì cứ hỏi bố con.”
“Đúng là con bé tự mặc.” Phó Ngôn Chân lập tức trả lời. Anh chỉ thấy nhức đầu không thôi, đã bảo phải mặc quần lại cho tử tế mà cô nhóc cứ bướng bỉnh không chịu. Anh mới nói vài câu mà nó đã gắt lên, “Bố nói nhiều thế.”
Cô giáo nhìn xuống cái quần của cô bé mà không nhịn được cười. Phó Ngôn Chân đành nhờ cô giáo mặc lại giúp con gái. Sau khi thấy bố ra ngoài cổng trường, Phó Duy Khanh lém lỉnh nói với cô, “Hôm nay con tự mặc quần áo thì có được ăn bánh quy không ạ?”
–“Cơm ở lớp ngon lắm.”
Chuyện Phó Duy Khanh thích đi học nhanh chóng lan truyền từ người này sang người khác. Triệu Doãn Điềm và Thẩm Du đưa con trai sang chơi, rồi lấy Phó Duy Khanh làm gương cho Đa Đa, “Em gái đi lớp chẳng bao giờ khóc nhè nhõng nhẽo, con lớn hơn em thì không được mè nheo đòi ở nhà nữa nghe chưa.”
Đa Đa không nói gì mà chỉ đi đến ngồi cạnh Phó Duy Khanh, chơi đồ chơi của cô bé.
Triệu Doãn Điềm không khỏi than thở trước sự hấp dẫn của gen di truyền ưu tú, cô biết mình và Thẩm Du đều là người lười học, khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì chẳng bao giờ chịu học hành tử tế, nên khi thấy con mình giống hệt mình ngày xưa thì chẳng thể răn dạy nghiêm khắc. Đúng là “nhà dột từ nóc”. Đáng nhẽ phải chọn một ông bố thích học hành cho con mình mới phải…
Phó Duy Khanh chắc hẳn được thừa hưởng gen học hành chăm chỉ của mẹ, mới bé tí mà đã rất ra dáng học sinh giỏi. Sau này chắc sẽ trở thành một nhà khoa học.
Thấy Phó Duy Khanh ngoan ngoãn mà Triệu Doãn Điềm hâm mộ không thôi, buột miệng hỏi, “Em gái ơi, con thích đi lớp lắm à?”
Phó Duy Khanh gật đầu, “Vâng ạ.”
Thẩm Du nghe vậy vỗ đùi đen đét, “Đa Đa, nhìn mà học theo em gái đấy.”
Thẩm Đa Đa vờ như không nghe thấy gì cả, vẫn tiếp tục ngồi chơi đồ chơi.
Thẩm Du thấy con trai không để ý đến mình bèn quay sang trò chuyện với Phó Duy Khanh, “Em gái thích cái gì ở lớp nhất?”
Phó Duy Khanh thả đồ chơi trong tay xuống, ngoái đầu nhìn Thẩm Du, “Ở lớp có nhiều bạn chơi với con, cô giáo cũng tốt, còn cả…cơm ở lớp ngon lắm.”
Dường như nghiệm ra được cái “nhất” mà Thẩm Du hỏi, Phó Duy Khanh cao giọng nhấn mạnh, “Con thích ăn cơm ở lớp nhất!”
Đồ ăn ở trường mẫu giáo được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, từ dinh dưỡng cho đến hình thức, mọi thứ đều dựa trên nhu cầu của trẻ, ngay cả dụng cụ ăn cơm cũng rất đặc biệt. Người lớn có thể trông hơi lạ mắt nhưng trẻ con đứa nào cũng thích ăn như vậy, chưa kể mỗi suất ăn đều được trang trí cầu kỳ tỉ mỉ, sắp xếp thành nhiều hình dạng khác nhau như những chú thỏ nhỏ, những chú mèo con…Hơn nữa ở mẫu giáo thường ăn tập trung, khi tất cả mọi người cùng ăn sẽ tạo nên khung cảnh náo nhiệt, vui vẻ. Nhưng câu trả lời này của cô bé khiến đám người lớn đều bất ngờ.
Thẩm Du: “…”
Triệu Doãn Điềm: “…”
Bố mẹ Phó Duy Khanh: “…”
“Ở lớp còn có bánh quy nữa.”
“Ai đến lớp đầu tiên,” Phó Duy Khanh giơ một ngón tay ra hiệu, “sẽ được ăn thêm một cái bánh quy.”
Hóa ra chiếc bánh quy này mới là lý do khiến sáng nào cô bé cũng sốt ruột đòi đi sớm.