Ván bài lật ngửa

P7 - Chương 9
Người đến chia buồn đầu tiên với Luân sau cái đêm hãi hùng ở chùa Xá Lợi là Trần Kim Tuyến. Thoạt nghe Thạch báo Tuyến xin gặp Luân, Luân và Dung hơi ngờ ngợ. Lẽ nào gã trùm mật vụ này dám vác mặt gặp Luân khi sự biến đẫm máu ở chùa Xá Lợi là công trình mà nếu gã không vạch kế hoạch và chỉ huy thì cũng đồng tình. Nhu định qua Trần Kim Tuyến, bày thêm trò gì với Luân đây? Luân là một nhân chứng và Nhu chắc chắn không thích thú về những nhân chứng cỡ Luân.
Sáng nay, Luân điện đàm với Nhu. Anh quyết định không nói chuyện với Nhu song chính Nhu gọi anh. Anh tóm tắt những gì anh thấy và bản thân là nạn nhân của trận càn quét hung bạo chưa từng có vào chùa chiền. Luân không giấu sự bực dọc và phê phán nặng lời hành động của Chính phủ. Anh đã dùng cả từ “ngu xuẩn,” “man rợ” để chỉ vụ chùa Xá Lợi. Nhu trước sau im lặng. Câu hỏi duy nhất của anh ta liên quan đến sức khỏe của Luân rồi gác máy, lẩn tránh tranh luận.
Bây giờ, Trần Kim Tuyến đến.
- Ít nhất hắn cũng sẽ báo cho anh hay một chân tùy viên quân sự tại một sứ quán nào đó đang chờ anh, trong vòng hai mươi tư giờ nữa... - Luân bảo Dung.
- Có thể xấu hơn không?
Luân cười siết vợ vào ngực:
- Không... Bởi vì nếu Nhu định một biện pháp tồi tệ với chúng ta thì Bác sĩ Trần Kim Tuyến không cần đến đây. Một vụ chùa Xá Lợi kiểu “bỏ túi” sẽ diễn ra, có khi cả vào ban ngày!
Thằng Lý thức giấc, nhoẻn miệng cười – nó cười tiếp với một bà tiên nó gặp trong giấc ngủ.
Luân cúi hôn con và hôn Dung.
Bác sĩ Trần Kim Tuyến đợi Luân ở phòng khách. Vẻ mặt bồn chồn của vị bác sĩ đứng đầu cơ quan mật vụ khiến Luân rút liền nhận xét: Anh đoán sai. Và, anh đoán sai thật.
- Tôi đến chào từ biệt ông bà kĩ sư... - Tuyến bắt tay Luân giọng rầu rầu.
- Thế nào? – Luân kinh ngạc đến sững sờ.
- Đây, ông kĩ sư đọc thì rõ.
Tuyến chìa cho Luân tờ giấy đánh máy:
“Nay bổ nhiệm Bác sĩ Trần Kim Tuyến làm Tổng lãnh sự Việt Nam Cộng hòa tại nước Cộng hòa Ả Rập thống nhất (Ai Cập).” Diệm kí quyết định, đề ngày 21-8, tức là hôm nay. Luân hoàn toàn không hiểu, thậm chí chưa bao giờ nghĩ đến khả năng kì cục như vậy.
- Bác sĩ từ chức Giám đốc Sở Nghiên cứu chính trị. Tôi chưa nghe và cũng không thấy anh Nhu dự định, việc này...
- Tôi không từ chức. Tổng thống chấm dứt nhiệm vụ của tôi vào tối hôm qua.
- Tại sao?
- Ông Nhu giải thích: Tôi bị giới Phật giáo và cả người Mỹ buộc cho nhiều tội, tôi phải rời Sài Gòn.
Giọng Tuyến càng ngao ngán:
- Một Tổng lãnh sự mà phải rời thủ đô trong vòng bốn mươi tám tiếng đồng hồ... Và, không cần biết Chính phủ Le Caire chấp nhận hay không! Lối “thí tốt” của ông Nhu thật tàn nhẫn... Tôi còn quá ít thì giờ nên gặp ông kĩ sư. Tôi muốn trao đổi vài việc hệ trọng với ông...
Tuyến ngó quanh. Phòng khách chỉ có hai người. Luân cố suy đoán. Cử chỉ của Tuyến đặt cho Luân nhiều câu hỏi và câu hỏi quan trọng hơn cả là liệu Nhu và Tuyến đẩy anh vào cái bẫy rập gì. Tới giờ này, dù Tuyến cầm công lệnh đi làm Tổng lãnh sự - với Tuyến, một cuộc lưu đầy – Luân vẫn chưa thể nhẹ dạ tách hai người riêng lẻ. Trong Đảng Cần lao, Tuyến giữ ngôi thứ chỉ sau Nhu và Luân; còn trong quân đội, Tuyến – không mang quân hàm – là nhân vật quan trọng số hai của đảng: Phó quân ủy trung ương mà Luân chỉ là ủy viên. Từ năm 1955 cho đến nay, Nhu và Tuyến gắn bó như hình với bóng. Ý kiến của Nhu phải qua bàn tay của Tuyến mới trở thành hành động. Tuyến thuộc hạng ít nói, ít xuất hiện chính thức, song bộ máy mật vụ đầy quyền lực của Tuyến ám ảnh mọi nhân vật, kể cả nhân vật quan trọng. Chỉ cần một vài chữ nguệch ngoạc của Tuyến, mạng sống của bất kì ai đều được định đoạt trong nháy mắt. Tuyến khử hàng nghìn đối thủ của gia đình Diệm – Nhu bằng đủ biện pháp, chung lại là ám sát, còn cách thức thì muôn hình trạng, từ thuốc độc, bắn, đánh chết, chặt đầu đến cho cọp xé ở P.42. Hai hung thần ấy đâu dễ phân hóa, nhất là vào lúc chế độ nhà Ngô giống “nghìn cân treo sợi tóc” như hiện nay?
Tuyến chẳng khó gì mà không hiểu sự hoài nghi của Luân. Môi của tay trùm mật vụ nhếch cười chua chát, đôi mắt sau kiếng cận bừng lên ánh oán độc – không phải với anh Luân, rõ rồi.
- Ông kĩ sư chưa tin tôi... Và cũng khó tin thật. Không ai tin. Luôn tôi, tôi không tin sẽ có ngày này... - Tuyến nói, đều đều.
- Tôi phải rời đất nước, nếu không, sẽ là nạn nhân của chính bộ máy do tôi xây dựng. Sở Nghiên cứu chính trị bị thủ tiêu... Ông kĩ sư không biết sao?
Luân không biết. Tuyến chìa cho Luân một tờ giấy khác, cũng do Diệm kí, quyết định giải tán Sở nghiên cứu chính trị, với lí do “không cần thiết nữa.” Quyết định kí ngày hôm qua và ghi rõ “gửi các báo.”
Luân chưa đọc báo hôm nay.
- Báo đăng cả tin tôi được bổ Tổng lãnh sự. Mọi việc đã công khai hóa. Quân ủy cho phép tôi thôi nhiệm vụ. Ban chấp hành đảng cho phép tôi rút ra khỏi Trung ương... Tôi sụp đổ trước khi chế độ sụp đổ...
Thế mà Luân mù tịt. Nhu không bàn với anh một lời dù anh không phải là hạng “chạy hiệu” trong Trung ương Cần lao. Giữa lúc anh rơi vào thế trận hỗn độn tại chùa Xá Lợi thì Nhu quyết định một loạt chủ trương. Như vậy – Luân nghĩ – không chỉ có anh lãnh một gậy vào gáy mà còn Tuyến. Anh trỗi dậy nổi, Tuyến phải đội nón ra đi. Trong trường hợp này, rõ ràng Nhu như con bệnh tiến gần đến chỗ hôn mê. Anh ta không đủ sáng suốt. Anh ta sợ Tuyến, sợ một kẻ rành nội bộ triều đình nhà Ngô như rành những sợi chỉ trong lòng bàn tay Tuyến. Bao giờ thì đến lượt Luân? Không! Nhu kiệt sức rồi, không thể cho anh đo ván, dù muốn chăng nữa.
Tuyến hăng lên – hiện tượng hiếm có – cắt dòng suy nghĩ miên man của Luân:
- Tôi tha thiết với công lao của chúng ta – ông Nhu, ông kĩ sư, tôi... Tôi không muốn thấy công lao ấy thành làn khói. Cái gì sẽ xảy ra nếu một cuộc đảo chính do ai đó chủ xướng và, nói thật, tôi không sợ sinh mệnh mình bị đe dọa mà đau lòng vì bước đường chống Cộng của chúng ta đi chưa trọn... Một cuộc đảo chính!
Tuyến nhấn mạnh “Một cuộc đảo chính” và dừng ngay đó. Luân hoàn toàn ý thức về một cuộc đảo chính khó tránh khỏi, ngày mai, ngày kia... Chế độ thúc đẩy đảo chính – đã như cơn dịch từ khi Nguyễn Chánh Thi đánh vào Dinh Độc Lập – gấp rút chín muồi. Giờ thì khả năng đảo chính nhều hơn bất kì thời gian nào trước đây, có vẻ ai cũng có thể đảo chính, chứ không riêng gì lính Dù. Lực lượng đảo chính sẽ được dân chúng và giới Phật giáo coi như anh hùng cứu dân khỏi ách đàn áp khủng khiếp. Người Mỹ, với thói quen dùng đảo chính để răn dạy tay sai, không đời nào bỏ qua cơ hội. So với lúc Nguyễn Chánh Thi, ngày nay người Mỹ dấn sâu vào Nam Việt, nắm trong tay cả chiếc mũi của ông Diệm, nếu thấy cần thì bóp...
Luân và Tuyến không nói, mỗi người theo đuổi suy nghĩ riêng của mình.
Đã có thể kết luận được: Tuyến không làm trò cò mồi rẻ tiền cho Nhu. Hắn đang bất mãn – Luân nhủ thầm.
- Một cuộc đảo chính! – Tuyến nhắc lại, chấm dứt những phút im lặng nặng nề - Tôi không thích kẻ khác làm cuộc đảo chính ấy. Tại sao không phải chúng ta? Chúng ta không thiếu lực lượng...
Tuyến đi thẳng vào lí do mà ông đến gặp Luân.
- Một cuộc đảo chính? – Luân hỏi gặng, trong khi trong đầu óc anh lóe lên một loạt phương án hành động.
- Đúng, một cuộc đảo chính và đó là tình hình không thể khác. Chúng ta buộc phải lựa chọn, bởi vì đảo chính nhất thiết sẽ nổ ra: hoặc những tên dùng đảo chính để quét tất cả công sức của chúng ta hoặc chúng ta đảo chính để giữ và đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp mà chúng ta gắn bó bằng mạng sống... Ông Diệm, ông Nhu đã tỏ rõ thiếu năng khiếu chính trị, bất tài, thất đức. Phải thay thế nguyên thủ quốc gia. Và chỉ thay thế nguyên thủ quốc gia mà thôi...
- Ai sẽ thay thế? – Luân hỏi nghiêm túc, Tuyến nhận thấy người đối thoại quan tâm đến vấn đề mà ông ta đặt.
- Trước mắt, không thể không là một quân nhân. Một quân nhân được các tướng lĩnh nghe theo đồng thời người Mỹ cũng chấp thuận...
- Còn về lâu về dài?
- Ông kĩ sư thừa biết tướng lĩnh không cai trị được. Người cai trị phải đủ điều kiện chính trị... - Tuyến lập lờ.
- Bác sĩ nên nói thẳng. Tôi không thích úp mở. - Luân nói hơi cau mày.
- Với ông kĩ sư, không có gì gọi là bí mật trong quan hệ giữa ông và tôi. – Tuyến mau miệng – Người có đủ điều kiện chính trị hiện thời, theo tôi và theo một số đông bạn Mỹ mà tôi tiếp xúc, là ông!
- Tôi? – Luân cười mỉm.
- Tôi nói với trách nhiệm... Phải, ông! Đại sứ Mỹ vừa nhận chức nói thẳng với tôi như vậy.
Luân chợt nhớ lần trao đổi với Nhu, cách đây bảy, tám năm. Kiểu “luận anh hùng” của Trần Kim Tuyến đưa Luân lên mây xanh và trong bài toán của hắn, Luân chẳng qua cũng chỉ là một chất độn.
- Tôi nghĩ hơi khác. – Luân tiếp tục cười mỉm – Người có thể gánh vác trọng trách quốc gia hiện thời phải là bác sĩ. Tôi nói với tinh thần trách nhiệm. Tôi tự biết năng lực của mình...
- Ông kĩ sư khiêm tốn quá... Dĩ nhiên, tôi và nhiều người khác sẽ hết lòng cộng tác với ông kĩ sư... Ông kĩ sư là cái gạch nối quý giá giữa các thế lực, Đảng Cần lao và số cán bộ của ông Diệm, ông Nhu dễ dàng chấp nhận ông kĩ sư, người Mỹ thì dứt khoát rồi, giới Phật giáo không chống ông, các tướng lĩnh tin cậy ông... Sau đảo chính, ông kĩ sư sẽ nhận một trọng trách dân sự, tỉ như Thủ tướng và sau đó, chúng ta lần lần điều chỉnh...
Tuyến nói y như ông ta là một phù thủy, tự bày binh bố trận. Tuy nhiên, Luân hiểu rằng Tuyến nuôi nấng ý định này từ lâu và đã xếp tới xếp lui nhiều lần các quân cờ, với sự gợi ý và tham gia của nhóm người Mỹ nào đó.
- Giả tỉ như điều ông nói là tất yếu xảy ra, số phận ông Diệm, ông Nhu ra sao? – Luân hỏi.
- Thiếu chi cách! – Tuyến nhún vai – Chủ tịch hội đồng cố vấn tối cao, nếu ông ta ở lại. Sang Pháp hoặc Mỹ đều trị bệnh gì đó. Tôi nói ông Diệm. Còn ông Nhu, đành phải lưu vong cùng bà vợ thôi!
- Tại sao bác sĩ thổ lộ tất cả các cơ mật như vậy với tôi? – Luân hỏi đột ngột.
- Tôi chờ câu hỏi này của ông kĩ sư... Ông Diệm, ông Nhu hiểu ông có chừng mực. Tôi thì khác, tôi hiểu... Nói bấy nhiêu, có lẽ ông kĩ sư hết thắc mắc. – Tuyến đáp lại, rất bình tĩnh.
Tuyến bủa một cái lưới bí hiểm quanh Luân. Hắn hiểu mình như thế nào? Thằng cha láu cá thật...
- Tôi chưa hết thắc mắc, trái lại, thắc mắc thêm. Tôi và ông bác sĩ là yếu nhân của Đảng Cần lao cả hai đều có chân trong quân ủy...
- Đúng vậy! – Tuyến ngắt lời Luân – Ông cùng Nhu kiến tạo chủ thuyết Cần lao. Hơn nữa, ông là con nuôi của Giám mục Ngô Đình Thục... Song...
Tuyến ngừng lại, ngó Luân. Đôi mắt của ông ta không có vẻ gì cận, linh hoạt hẳn. Luân không tránh, anh cũng ngó thẳng Tuyến. Chừng năm giây chậm chạp trôi qua.
- Song, ông từng đi kháng chiến, có đầu óc Quốc gia thực sự, không chấp nhận một chế độ độc tài. Ông không bán linh hồn cho ông Diệm, ông Nhu mà có chủ kiến riêng...
Luân chưa thể thở phào. Thằng cha láu cá này đưa dẫn Luân đến đâu?
- Tôi là mật vụ. Tôi theo dõi ông. Ông Nhu bảo tôi theo dõi ông về một hướng khác, tôi cần hiểu ông về hướng khác. Những ngày đầu ông về thành, tôi đặt máy ghi âm, bắt song đôi điện thoại, bố trí tài xế Vũ Huy Lục theo ông và nhiều cách khác, chắc ông chả lạ gì. Và, tôi nói thật, không phải tôi không nắm trong tay một số bằng chứng mà tôi tin là ông không chối cãi nổi về những dính dáng của ông với phía bên kia... Trường hợp Vũ Huy Lục, chẳng hạn! Vũ Huy Lục không chết mà đã gặp ông – nơi gặp thì tôi không rõ song ông ngồi trên xe Lục lái, tôi có ảnh!
Luân như nghẹt thở. Khủng khiếp quá. Trong một thoáng, anh nghĩ phải bắn chết ngay tên trùm mật vụ này. Tuyến có vẻ chẳng để ý đến phản ứng của Luân, nói tiếp, giọng đều đều:
- Không chỉ vụ Lục, tôi hoài nghi khi ông tổ chức tự vệ Bình Dương, xử lí nhiều trường hợp ở Kiến Hòa và tôi biết chắc – tiếc là không có bằng chứng – ông quan hệ với một phụ nữ tên Mai, người đứng đằng sau trận ném bom Dinh Độc Lập năm ngoái. Tôi không nói việc ông tiếp Đại úy Phan Lạc và giúp gã vượt biên giới – ông khôn ngoan nhờ ông Nhu cho phép gã vượt biên giới một cách công khai, có đủ lí lẽ. Phan Lạc cùng một số sĩ quan Cộng hòa đã liên minh với Việt Cộng. Hôm nay, khi tôi định bàn với ông chuyện lớn của đất nước thì không cần giấu giếm: tôi từng định “khử” ông.
Thời gian cho phép tôi cộng một loạt hiện tượng về ông và tại sao tôi để cho ông sống? Đơn giản thôi, chỉ cần tôi báo cho tất cả nghi vấn cùng vài bằng chứng với ông Nhu, ông sẽ nằm dưới P.42...
Nhưng đó đâu phải là chuyện của tôi? Nói thật chính xác, từ trước vụ ném bom Dinh Độc Lập, tôi chưa hội đủ tài liệu về ông. Lúc đó, nếu tôi hiểu về ông như sau này thì nhất định tôi đã ra tay. Lúc đó, tôi không như từ đó về sau... Từ đó về sau, tôi thay đổi. Tôi không thích chết chùm cùng gia đình ông Diệm, không thích chết mà mang tiếng xuẩn ngốc. Tôi bắt đầu phân tích về ông và vỡ lẽ rằng, ông giác ngộ sớm hơn tôi. Ông sửa soạn khá kĩ, không phải phao để tự cứu lúc đắm đó, mà cả một phương lực khả dĩ tạo vị thế mới cho Việt Nam Cộng hòa... Ông giữ liên lạc với phía bên kia vừa mức khiến họ ảo giác về ông, ông tham gia nhiệt liệt vào chế độ ông Diệm mà vẫn giữ khoảng cách trước công luận, ông xây dựng lực lượng, ông tiếp xúc với người Mỹ mà không lọt vào cái thòng lọng CIA, ông giữ cảm tình với phái trung lập thân Pháp cả với Sihanouk... Tóm tắt, ông là một con người chiến lược, nhìn xa, tính rộng. Ngay việc ông lưu ân tình với Lại Văn Sang cho thấy, không phải bây giờ như tôi, mà từ khi hợp tác với chế độ, ông đã “phân thế,” dự kiến... Tôi hiểu ông như vậy. Tôi đảm bảo rằng người Mỹ cũng hiểu ông như vậy...
Luân cố qua lời nói, nét mặt của Tuyến để đo độ thành thật của hắn.
- Tôi và ông, nếu còn chỗ chưa đồng nhất thì chỗ đó là thời gian xử sự. - Tuyến nói tiếp – Tôi thấy không thể chần chờ. Đảo chính là cái không sao tránh khỏi, vấn đề sống chết đối với chúng ta không phải có đảo chính hay không mà ai đảo chính. Ai đảo chính có lợi nhất? Đảng Cần lao đảo chính là có lợi nhất... Giáo sư Fishell nghiêng về hướng đó. Ông kinh ngạc về Nolting? Nolting nói riêng với tôi sau khi chia tay. Ông ta tuy vẫn luyến tiếc những lần đi lại với Trần Lệ Xuân song không mù quáng. Tôi hỏi ông ấy: Đã ướm thử đại tá Luân chưa? Ông ấy nhún vai: Đại tá Luân sẽ nổi giận. Nolting vừa rời nước ta mấy hôm nhưng tôi tin là ông kĩ sư không nổi giận. Mọi tệ hại đã phơi bày. Tình hình đòi chúng ta hành động...
*
Đúng, tình hình bao quát của miền Nam Việt Nam vụt qua trong trí Luân. Cái “có lợi nhất” của Tuyến và của Luân không giống nhau. Nhưng Tuyến rất đúng khi nhấn mạnh rằng “đảo chính là không tránh khỏi.” Ngày càng lộ rõ những dấu hiệu đảo chính. Về cơ bản, mọi đổi thay bộ máy chính trị ở miền Nam đều phải có ý kiến của Mỹ. Tuy nhiên, Luân đánh giá ảnh hưởng của Mỹ còn mức độ - chưa hoàn toàn chi phối mọi ngóc ngách của tình thế và chưa nắm tuyệt đối mọi lực lượng chống Diệm. Bàn tay CIA thọc khá sâu vào các lĩnh vực nhưng có sự có mặt chưa đến hai chục nghìn sĩ quan và binh lính Mỹ còn mỏng để Mỹ giựt dây – kẻ lãnh dollar Mỹ và sẵn sàng làm bất cứ điều bại hoại nào, lại hoặc giữ vị trí khiêm tốn trong chế độ Diệm, hoặc chỉ như con rối, hò hét các khẩu hiệu mà không có thực lực: kẻ tuy đi với Mỹ mà lòng vẫn vương vấn Pháp, số này thật sự nắm binh quyền; kẻ đáng ngờ về những dính dáng với Cộng sản kể cả dưới hình thức tình cảm bè bạn, gia tộc... Cuộc chống đối giới Phật giáo cung cấp cho Mỹ cơ hội nghìn vàng. Song CIA thừa biết, tay sai của chúng chỉ là số ít. Trong lần James Casey gặp anh gần đây nhất, anh hiểu Mỹ không phải đắn đo mặc dù chế độ Diệm sống nhờ dollar Mỹ, cắt đứt viện trợ kinh tế tức bóp mũi Diệm, song Diệm sẽ giãy giụa, rất không có lợi cho Mỹ.
- Đại tá nhìn phong trào Phật giáo hiện nay như thế nào? – James Casey hỏi Luân, và không đợi Luân trả lời, y nói luôn – Tôi rất ngại Phật giáo đi chệch con đường mà họ chọn... Con đường đòi hỏi bình đẳng tôn giáo. Khá nhiều nhà sư tán thành – tán thành kín đáo thôi – Mặt trận Giải phóng. Chiều hướng có thể xấu nếu các nhà sư ấy giữ vai trò chi phối phong trào giáo hội, họ khá đông và uy tín lớn. Tôi có đủ tài liệu về nhà sư Thích Quảng Đức, ông ta là một phần tử ít nhất cũng không chống Cộng. Tôi cũng có đủ tài liệu về nhà sư Thích Thiện Hoa, Thích Thiện Hòa, Thích Trí Tịnh, bà Huỳnh Liên v.v... Những nhà sư này được ông Thích Tịnh Khiết, ông Thích Đôn Hậu và các ông lãnh đạo tinh thần cao cấp của Phật giáo trọng vọng...
Luân xen vào:
- Còn các ông Thích Tâm Châu, Thích Đức Nghiệp, Lâm Em, Thích Tâm Giác, Thích Nhất Hạnh, Thích Huyền Quang...
- Ôi chà! – James Casey xua tay – Nếu kể hạng đó thì quá số cần thiết! Tôi nói chuyện nghiêm chỉnh với đại tá. Ngay Thích Hộ Giác, tôi mách riêng với đại tá, bố ông ta là một thủ lĩnh Phật giáo tên Thiện Luật, thân Cộng ra mặt! Một biến động xuất phát từ sự chống đối của Phật giáo rất dễ trở thành liên minh giữa tín đồ, các nhà sư đầu óc quốc gia với Việt Cộng. Tôi không thổi phồng nguy cơ đâu...
James Casey thuyết phục Luân nên tìm cách tác động Diệm, Nhu sửa soạn nhanh đường lối chính trị, James Casey thừa nhận Mỹ còn do dự vì thế lực của Mỹ trong Phật giáo chưa đủ liều lượng ột đột biến.
Cũng như Trần Kim Tuyến, Luân băn khoăn về cái nút: ai đảo chính. “Ai đảo chính” sẽ quyết định bước phát triển sắp tới của miền Nam.
Luân nhớ một tài liệu mật do anh Sáu Đăng gửi vào. Tài liệu mật đó là bức điện của đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn gửi Ngoại trưởng Mỹ Dean Rusk đề ngày 12-5-1961, sau chuyến Phó Tổng thống Mỹ L.B. Johnson thăm Sài Gòn: “Tướng Mac Garr và tôi có mặt tại các cuộc thảo luận giữa Diệm và Phó tổng tống về việc đưa các lực lượng Mỹ vào Việt Nam. Diệm nói với Phó Tổng thống rằng hắn ta không muốn quân chiến đấu Mỹ đánh nhau ở Nam Việt trừ phi miền Bắc công khai vượt vĩ tuyến 17.”
Một tài liệu mật khác – cũng của anh Sáu Đăng – là báo cáo của Johnson gửi Kennedy, có đoạn: “Việt Nam giữ vai trò quyết định cơ bản tình hình Đông Nam Á trong thời điểm hiện nay và chưa ai đoán đến bao giờ thì vai trò đó sẽ giảm nhẹ. Chúng ta phải quyết định hoặc giúp đỡ các nước Đông Nam Á hết khả năng của chúng ta hoặc chịu thua ở khu vực này, kéo lùi đường phòng thủ của chúng ta về tận San Francisco và với khái niệm “nước Mỹ phòng ngự.” Quan trọng hơn, chúng ta sẽ nói với thế giới rằng đừng trông cậy ở chúng ta như họ từng trông cậy vào lúc Triều Tiên...”
Nolting đã làm công việc gây sức ép, qua cả Lệ Xuân. Sự việc này thì Luân nắm chắc. Do đó ngày 13-10-1961, Diệm miễn cưỡng yêu cầu Mỹ gửi thêm lực lượng chiến đấu vào miền Nam. Diệm và Nolting thống nhất: lực lượng có giới hạn dưới một vạn và phải đưa vào hết sức bí mật. Robert, Mac Namara, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và tướng Taylor, cố vấn quân sự của Tổng thống Mỹ đến Sài Gòn, kết quả là Taylor đề nghị gửi ngay, dưới danh nghĩa “cứu trợ nạn lụt” ở Trung phần Nam Việt từ tám nghìn đến mười nghìn quân Mỹ, tất cả đặt dưới sự quản lí và điều khiển của CIA. Cửa đột phá đã mở. Đến nay, mười tám nghìn quân Mỹ có mặt ở Nam Việt, mặc dù như tin tình báo Mỹ mà Luân nắm, Nolting thẳng thừng bác con số quân Mỹ quá lớn đó và ngay trong Nhà Trắng, Roger Hillsman cũng phản đối Kennedy cho rằng “cần cứu Diệm” bằng cách đưa quân Mỹ vào Nam Việt. Bạn thân của Kenendy, đại sứ Mỹ tại Ấn Độ John Kenneth Galbraith không tán thành Mỹ tiếp tục ủng hộ Diệm. Helen Fanfani đã hé cho Luân biết tin này: Galbraith cho rằng Diệm là tên độc tài non choẹt, cùng với em trai điều khiển công việc Nhà nước bằng cảnh sát, thích củng cố quyền lực gia đình hơn là theo đuổi lí tưởng Quốc gia và giải pháp tốt nhất là loại Diệm. Kennedy đã nghĩ đến khả năng cử Galbraith hội đàm với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa song Dean Rusk lại tin là tình hình chưa xấu đến như vậy.
Mac Namara và Taylor lại được Kennedy cử sang Sài Gòn. Luân chẳng rõ hai người đã phúc trình như thế nào với Kennedy nhưng Fanfani cho anh biết rằng cả hai đều bi quan...
- Tôi đoán Tổng thống Mỹ đã tiến hành nhiều phiên họp thu hẹp của Hội đồng An ninh Quốc gia để bàn việc thanh toán ông Diệm. – Trần Kim Tuyến nói – Cơ sở cho phép Mỹ định các biện pháp là lời hứa của một số nhà sư. Tôi có tài liệu: Thích Tâm Châu hứa nếu Mỹ lật ông Diệm thì Mỹ có thể đưa bao nhiêu quân vào Việt Nam tùy ý. Cũng theo Thích Tâm Châu, sau khi ông Diệm bị lật có khả năng Mỹ không cần thêm quân: một Chính phủ được lòng dân đảm bảo công cuộc chống Cộng tiến triển tốt đẹp, thậm chí các đồng chí của Thích Tâm Châu đảm bảo “Bắc tiến.” ... Ta phải tranh thủ hành động nhanh hơn các thế lực khác. Tướng Big Minh còn nghiêng ngả. Tướng Tôn Thất Đính tuy bảo vệ ông Diệm song nếu lực lượng của ta hành động, ông ấy sẽ nhập bọn thôi... Rất tiếc, tôi phải rời Sài Gòn. Tôi bày tâm sự với đại tá vì tôi chưa bao giờ xét lầm người. Đại tá thay tôi nắm các đầu mối và tùy nghi hành sự. Tôi bí mật trú tại Băng Cốc và giữ liên lạc chặt với đại tá...
- Đồng thời, giữ liên lạc chặt với Phân cục tình báo Mỹ. - Luân bổ sung, hơi cười.
- Tất nhiên! – Tuyến mau lẹ xác nhận – Đại tá thừa hiểu nếu người Mỹ không ôkê thì chớ hòng có một cải cách nhỏ, đừng nói đảo chính. Người Mỹ không ôkê, không có Nguyễn Chánh Thi, không có Nguyễn Văn Cử và cũng không có nốt Thích Tâm Châu...
- Người Mỹ? – Luân châm biếm – Đến mấy “người Mỹ?” Đến mấy CIA?
- Cánh Fishell mạnh nhất thế giới hiện nay!
- Chưa chắc! Tôi rất ngại Cabot Lodge. Ông ta không ưa Fishell...
- Sau lưng Fishell là Mac Namara!
- Sau lưng Cabot Lodge là Kennedy! Và, tôi nghĩ còn một nhân vật nữa mà bác sĩ không nhắc, một nhân vật người Việt Nam thèm đảo chính hơn tất cả...
- Đại tá muốn nói Mai Hữu Xuân? Không sợ! Gã chẳng có lực lượng. Phòng nhì Pháp không đủ lực lượng...
- Ông bác sĩ! Nếu trong tính toán của ông có chỗ nào chưa ổn thì chỗ đó là Mai Hữu Xuân...
- Thôi được, tôi sẽ bổ cứu sau... Tôi ít thì giờ quá. Ta hãy đi vào kế hoạch cụ thể...
Trần Kim Tuyến thấp giọng.
*
Sau khi tân đại sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge đến Sài Gòn, một tuần lễ sau buổi tiễn đưa lưu luyến cựu đại sứ Nolting tại Phủ Tổng thống, tình hình thủ đô Nam Việt như sợi dây đàn lên thật căng. Ngay trong vụ Xá Lợi, gần sáng, Ngô Đình Diệm triệu tập Hội đồng Chính phủ để thông báo quyết định của cá nhân ông ban hành lệnh giới nghiêm trên toàn lãnh thổ, giao quân đội giữ an ninh trật tự. Người phản đối Tổng thống là Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu. Ông Mẫu trình bày vắn tắt quan điểm của ông: hành động vũ lực của Chính phủ sẽ khiến cái hố ngăn cách giữa Chính phủ và Phật giáo càng thêm sâu. Không phải không có người nghĩ như ông Mẫu, song chẳng ai dám hó hé: Tổng thống đằng đằng sát khí. Ông Mẫu trình với Tổng thống: ông xin từ chức để cá nhân ông không dính đến, theo ông, một “sai lầm chết người.” Người ta chờ một sự trừng phạt sấm sét của ông Ngô Đình Diệm. Diệm tái mặt, ngó trừng trừng Vũ Văn Mẫu – điều rất khác thường đối với Diệm; ông ta ít ngó thẳng mặt người đối thoại. Nhưng, Diệm chỉ nói: Tôi đồng ý nhưng giáo sư phải xử lí Bộ Ngoại giao một lúc, chúng tôi bổ nhiệm người thay. Hẳn không vì Diệm sợ Mẫu, song với một nhân sĩ từng cộng tác với chế độ bảy, tám năm trời, Diệm thấy không tiện đối xử thô bạo.
Do vậy, khi Mai Hữu Xuân, bao giờ cũng rất thính mũi trước các sự kiện, mới sáu giờ sáng, xin gặp riêng Diệm – và được Diệm cho gặp – đã cung cấp nhiều tài liệu về Vũ Văn Mẫu, Diệm không nghe. Xuân báo với Diệm: Vũ Văn Mẫu là bạn cột chèo với luật sư Hoàng Quốc Tân mà Tân là cán bộ Cộng sản. Diệm hỏi lại: Thế, trường hợp nào ông sẽ bảo với tôi ông Tân là con cháu Hoàng Trọng Phu, Hoàng Cao Khải? Ông nên nhớ luật sư Trần Văn Chương là thông gia với chúng tôi...
Sáng hôm sau, Vũ Văn Mẫu xuống tóc, bày tỏ cái thái độ đứng về phía Phật giáo. Ngày hôm sau nữa, đại sứ Trần Văn Chương bị Diệm chấm dứt nhiệm vụ tại Washington.
Phi cảng Tân Sơn Nhất, do lệnh giới nghiêm, ngừng hoạt động. Tuy nhiên, chuyến máy bay chở Đại sứ Cabot Lodge đã phá cả lệnh giới nghiêm ấy. Các nhà báo, phần lớn Mỹ và nước ngoài – chực khai thác vài lời của đại sứ - nhưng Cabot Lodge, không cười, nói cộc lốc: Không có gì để tuyên bố!
Chế độ Sài Gòn đón tân đại sứ bằng một loạt biện pháp mà qua chúng, ai cũng hiểu Diệm muốn nhắn với Mỹ: Sài Gòn không nhượng bộ Phật giáo – nên hiểu là không nhượng bộ sức ép của Mỹ, Bộ giáo dục đóng cửa tất cả các trường học kể từ 24-8. Ngày 29-8, hàng mấy vạn học sinh sinh viên biểu tình phản đối lệnh đóng cửa trường học, khi tập trung tại bùng binh chợ Bến Thành thì cảnh sát vũ trang xông vào giải tán. Một trận chiến bùng nổ - bùng nổ dữ dội. Học sinh, sinh viên dùng đá, gậy chống lại dùi cui. Nữ sinh Quách Thị Trang bị cảnh sát đâm chết. Gần hai nghìn học sinh, sinh viên bị bắt, đưa thẳng lên Quán Tre, trại huấn luyện này biến thành nhà tù khổng lồ mà cai tù là tướng Trần Tử Oai – ông ta bắt số học sinh sinh viên phơi nắng, phơi mưa, nhịn đói theo chỉ thị trực tiếp của Nhu.
Buổi trình ủy nhiệm thư của Cabot Lodge ở Phủ Tổng thống trùng với lễ cầu siêu cho Quách Thị Trang ở khắp các chùa.
Sau phần nghi thức, Diệm và Cabot Lodge trao đổi ý kiến. Diệm chờ Cabot Lodge phàn nàn trút cơn giận dữ lên Chính phủ Mỹ, nhưng Cabot Lodge hoàn toàn giữ buổi trình ủy nhiệm thư trong khuôn khổ xã giao.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui