Ván bài lật ngửa

- Vâng! – Tường trả lời không do dự.
- Bác sĩ vẫn còn ở Bangkok?
- Vâng!
Trong các “đầu mối” mà Tuyến giao lại, không có Tường. “Chắc chắn không chỉ riêng trường hợp Tường.”
- Anh nói đi...
Tường rút trong túi ra mảnh giấy nhỏ.
- Đây là thư của bác sĩ, thư mã hóa, tôi đã giải mã...
Luân nhận mảnh giấy.
“Tiến hành gấp phương án Y. Đừng để bọn ta chỉ là hạng đứng bên ngoài vỗ tay khi đại cục kết thúc. Gặp C7, hỏi giờ giấc của thằng cha đó và bàn với C7: có cách nào “điệu hổ li sơn” không, nếu thằng cha đó vẫn núp trong hang”
Phương án Y – C7 – Thằng cha đó – Hang – trong bốn mật danh, Luân biết mình là C7. Nghĩa là, còn những C1, C2... và C8, C9 v.v... Nghĩa là còn A, còn B... Thế mà, Tuyến chẳng hé cho anh một tý gì. Và, rốt lại, cũng như cách của Nhu, mọi người đối với Tuyến đều là loại tốt, một tay sai không hơn không kém.
- Tôi xin giải thích – Tường nói – C7 là đại tá...
- Còn C6? – Luân cướp lời Tường.
- Xin phép đại tá, tôi không có quyền trả lời những câu hỏi khác ngoài những cái ghi trong thư... - Tường nói, giọng kể cả.
“Té ra, ngay thằng này cũng là ‘cấp trên’ của mình!” – Luân cười lạt.
- Đến một lúc nào đó đại tá sẽ rõ tất cả. - Tường dịu giọng – “Thằng cha đó” là Ngô Đình Nhu. Còn “phương án Y” là kế hoạch ám sát Nhu!
Tường thông báo một chủ trương khủng khiếp cỡ đó với thái độ thản nhiên. “Chúng nó dự định từ lâu rồi,” Luân hiểu. Và, có “phương án Y” tức có các phương án A, B...
- Cho tôi biết chi tiết về kế hoạch?
- Tôi không biết! – Tường trả lời cộc lốc.
- Được rồi... Tôi phải đưa ông cố vấn ra khỏi “cái hang” – Dinh Gia Long, đúng không?
- Đúng...
- Ra khỏi dinh thôi, còn đi đâu cũng được?
- Đúng... Chỉ cần Nhu ra khỏi vòng rào của Liên binh phòng vệ...
- Bao giờ?
- Từ nay đến cuối tháng...
- Chỉ còn bốn ngày!
- Phải, thời gian hạn độ bấy nhiêu...
Luân khoanh tay trước ngực, ngó ra vườn. Tường theo dõi Luân – anh ta đinh ninh Luân suy tính mưu kế “điệu hổ li sơn.” Nhưng, Luân suy tính hướng khác: Biến cố có thể xảy ra đầu tháng mười một. Liệu Mai kịp móc liên lạc giúp anh không? “Phương án Y” hết còn bí mật với Luân – nhóm nào đó sẽ khử Nhu khi Nhu rời Dinh Gia Long. Tức là Tuyến và phe Tuyến không đặt được người trong dinh, một phát phóng lựu M79, một băng tiểu liên là đủ nhưng Nhu phải ra khỏi “hang.” Tức là Dinh Gia Long bị bao vây ngầm.
- Tôi cố gắng. Hơi khó, nhưng tôi cố gắng...
Mắt Tường sáng lên. Anh ta chào Luân.
Luân gọi điện cho Dung, nhưng Dung không về buổi trưa được, Luân ngồi vào bàn, cầm bút. Anh vẽ, xóa, vẽ... như trò giải trí, với những hình thù kì dị...
James Casey đến.
- Chào đại tá! – James Casey bắt tay Luân, ngồi vào ghế, không đợi Luân mời.
- Ta uống cái gì? – Luân hỏi.
- OK! Nhưng nhẹ nhẹ...
Vẻ tất bật của viên sĩ quan Mỹ lây sang Luân – anh hồi hộp.
Sau vài hớp bia, James Casey nói:
- Tôi gặp đại tá với sự ủy nhiệm của Phó Đại sứ William Porter...
- Không có sự ủy nhiệm đó, tôi vẫn tiếp trung tá như đã từng tiếp... - Luân chặn ngang cách rào đón của Casey.
- Tất nhiên... Tất nhiên... chúng ta cùng làm việc chung không phải mới ngày hôm qua. Nhưng dù sao, tôi muốn báo với đại tá buổi nói chuyện này thuộc loại chính thức. Để kiểm tra tính chất chính thức đó, đại tá chờ... - James Casey xem đồng hồ tay – Nửa phút nữa.
Gã uống tiếp, rồi châm thuốc. Chuông điện thoại reo. Gã nháy mắt, cười:
- Đại tá cứ nghe điện thoại đi.
- Tôi hân hạnh tiếp ai ở đầu dây đây? – Luân hỏi... - Tôi, Luân đây... Xin chào Ngài đại sứ. Vâng, Trung tá James Casey đang ngồi tại phòng khách nhà tôi... Vâng, tôi hiểu. Chào Ngài.
Luân gác máy, trở lại ghế.
- Rõ rồi, phải không? – James Casey ngó Luân – Tôi được ủy quyền, báo với đại tá: đại sứ Mỹ muốn biết đại tá cần bao nhiêu tiền – tiền Việt và dollar?
- Tôi chưa hiểu... - Luân từng đoán rằng sẽ có lần một người Mỹ nào đó đặt vấn đề như vậy với anh. Nhưng anh vẫn làm như bị bất ngờ.
- Có gì khó hiểu đâu? – James Casey cười – Trong công việc sắp tới – sắp tới nghĩa là rất gần, thậm chí bây giờ - đại tá cần chi phí... Bao nhiêu?
- Bao nhiêu à? Tôi không rõ...
- Tiền Việt để chi trả những món nhỏ. Dollar để chi trả những món lớn, giao tiền mặt một phần, một phần quan trọng hơn sẽ gửi ngân hàng; ngân hàng nào tùy đại tá và “thân chủ” của đại tá định...
- Thú thật, tôi rất dốt về món này... - Luân cau mày.
- Tôi dự đoán đại tá sẽ coi như bị xúc phạm. Nhưng, đây không hề là một hành động mua chuộc.
James Casey nói rất trân trọng:
- Ai mà mua chuộc nổi Đại tá Nguyễn Thành Luân!
- Tôi sẽ không nhận, dù là một xu. Nhưng, khi cần, tôi sẽ báo với trung tá, như vậy tiện hơn...
James Casey lắc đầu nguầy nguậy:
- Không được! Ngài Porter muốn mọi thứ đều lên sổ sách.
“Bọn Mỹ chi li mọi thứ, kể cả mưu mô đảo chính, đều phải biểu hiện bằng con số - đồng Việt, đồng dollar.” – Luân suy nghĩ. “James Casey muốn chính mình cho giá.”
- Theo trung tá bao nhiêu? – Luân buộc kẻ mở miệng phải là phía Mỹ.
- Bao nhiêu à? Tôi đâu rõ. Đại tá là người nắm “thân chủ.”
- Cứ xem như trung tá cần tiền ột việc cỡ việc mà trung tá sự kiến...
- Tôi nói theo lối bịt mắt đi đêm nhé... Hai trăm nghìn dollar và năm trăm triệu đồng Việt... Đủ không?
- Tôi không biết lấy gì để đối giá nên xin nghe trung tá. Và, tôi nhắc lại: khi nào cần, tôi báo chớ không nhận...
- OK! Một trương mục ngân hàng Hồng Kông sẽ mang tên... Tên gì? À, Lý Dung... Hay lắm, rất có vẻ người Hoa. Cháu bé và bà đại tá... Đại tá nhận được ngân phiếu trong vòng vài hôm. Còn tiền Việt, một tài khoản mang kí hiệu... Kí hiệu gì? À, Hoàng Nguyễn – họ của ông bà... Tại chi nhánh ngân hang Mahattan – Sài Gòn. Ổn chứ?
Ổn hay không, Luân không quan tâm. James Casey đi rồi, Luân trở vào bàn viết, tiếp tục vẽ, xóa, vẽ các hình kì dị... Nhưng, anh không thể tập trung suy nghĩ, bởi một người khách lại đến. Bây giờ là John Hing. Và đề tài của John giống hệt của James Casey về cơ bản, chỉ khác chi tiết. Hoặc, cũng có thể xem John chính là “con đường nối dài” của James.
- Việc trang bị cho Quân lực Việt Nam Cộng hòasẽ đặt ra gay gắt. Đặt ra cho hàng triệu quân, từ dân vệ đến quân thường trực. Tôi muốn biết đại tá sẽ chọn hãng sản xuất vũ khí nào – đưa yêu cầu mới hoặc mua loại cũ. Hãng Mỹ, Pháp, Tây Đức, Ý, Thụy Điển, Bỉ, Canada... Vũ khí bộ binh, nặng nhẹ. Các khí tài khác kể cả xe tăng, máy bay, tàu, bom, xe lội nước, phương tiện truyền tin và, công trình sân bay, quân cảng... Đại tá qua tôi, sẽ được thỏa mãn. Tất nhiên, đây là phần thuộc ngân sách của Việt Nam Cộng hòa. Phần của Mỹ, tôi đã làm việc với người đại diện của Ngũ Giác Đài.
“Vui thật! Mình gặp toàn ‘trùm’ buôn lậu á phiện, buôn lậu khí tài chiến tranh, buôn lậu chính trị! – Dù sao, Francisci vẫn lương thiện một phần nghìn lần hơn John Hing, gã Tây Corse không thu lợi trên sinh mạng con người một cách thô bạo.” Và John Hing cung cấp cho Luân một cơ sở nhận định quan trọng: Mỹ quyết thắng để không thua. Sau biến cố, nhất định sẽ xảy ra, tình hình chiến tranh chỉ thêm khốc liệt. Với Luân, đó là một tai họa cho đất nước. Làm sao tránh đây?
Luân rơi vào những day dứt đau xót, không để ý lắm lời của John Hing:
- Tôi sẽ mở trương mục cho đại tá. Tùy đại tá lựa chọn, nhưng có lẽ ngân hàng Thụy Sĩ là thuận lợi...
- Trương mục gì? - Luân choàng tỉnh.
John Hing cười – hắn ngỡ Luân giả ngây thơ.
- Không ai làm không công cho người khác. Đại tá xứng đáng được trả công.
- Trả công? – Luân nổi nóng. Lớn tiếng xong, Luân hối hận: “Nên như vậy không...”
John nhìn sững Luân:
- Đại tá không thích tiền?
Luân lắc đầu.
- Tuy đại tá không thích, tôi vẫn phải thực hiện đúng nhiệm vụ. Tôi nhắc lại, trang bị tương lai cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa, đại tá gọi tôi, đại tá sẽ hài lòng...
- Tôi quyết định thế nào nổi việc to tát ấy!
- Nổi, nổi! Tất nhiên, đại tá là một tiếng nói và tôi chỉ cần đại tá nói, thế thôi.
John Hinh ngó Luân:
- Đại tá có nghe hãng Izui Syozi không?
Luân nhớ mang máng hình như anh đọc một tài liệu nào đó nói về hãng này... Phải rồi! Hãng ngụy trang “nhóm đặc biệt Phòng châu Á” chuyên xuất vũ khí khu vực Đông Nam Á. Hãng cạnh tranh với các công ty Mỹ, kể cả công ty “Ngựa bay” Colt và công ty Keytesville mà tướng Taylor có phần hùn.
Thấy Luân nhớ ra, John Hing nói liền:
- Hãng Izui Syozi có thể cung cấp máy bay, từ trinh sát hai chỗ ngồi, trực thăng H.9 đến máy bay vận tải C1, xe tăng cải tiến, các loại xe vận tải chuyên dụng, xe tải 6 hoặc 7 tấn, tàu kéo, súng cầm tay... Tóm lại, thỏa mãn cho nhu cầu một quân đội lớn, hiện đại.
- Tôi nghĩ là Izubissi Busan đủ kinh nghiệm hơn!
John Hing trợn mắt:
- Hóa ra đại tá không phải là tay mơ... Chắc Francisci mách cho đại tá chớ gì... Không! Izubissi cũ kĩ lắm. Izui tân tiến hơn. Tăng 61 – sản xuất năm 1961, đại tá nhớ cho, 35 tấn, gắn pháo 90 li, tốc độ 45 cây số/giờ, tổ lái chỉ cần bốn người. Tuyệt! Phải không? Tôi sẽ đưa đại tá catalogue, cả phim 8 li...
- Ông có phần hùn trong Izui?
John Hing nheo mắt:
- Đó là chuyện phụ. Chuyện chính, những khẩu súng cầm tay gọn nhẹ, nước sơn trông sướng mắt. Sản xuất năm ngoái.
John Hing nói đến vũ khí mà như nói về các cô gái hơ hớ. Luân cố kìm chế.
- Ta thỏa thuận nhé... Trương mục của đại tá sẽ mang kí hiệu 761921...
- 761921... Cái gì vậy?
- Đơn giản quá, thưa đại tá. Ngày sinh 7-6-1921, không phải của đại tá sao?
Luân suýt kêu to kinh ngạc. Bọn tình báo chẳng bỏ một chi tiết nào về anh.
- Số tiền, mà đại tá toàn quyền sử dụng sẽ là 100.000 franc Thụy Sĩ, tương ứng 44.050 dollar, tính theo hối đoái hiện hành, tức 2.28 franc Thụy Sĩ ăn 1 dollar...
- Tôi không thể nhận một món tiền lớn như vậy mà lí do không rõ ràng. – Luân kiên quyết.
- Lí do rất rõ ràng... Công ty của tôi, công ty rau quả California chia lại cho đại tá theo cổ phần mà đại tá đóng, từ 1955 đến nay.
- Tôi không đóng bất kì một cổ phần nào...
- Hay đại tá thích công ty đồ hộp San Francisco? – John Hing chẳng thèm để ý thái độ của Luân.
- Tôi đã nói là không...
- Thưa đại tá, chúng tôi đã nói là đại tá có!
Đại tá phải nhận. Hoặc đại tá giữ trương mục ở ngân hàng Thụy Sĩ, hoặc đại tá không có gì cả. Không có gì cả không nói về tiền đâu. Chúng tôi quyết định rồi.
John Hing bắt tay Luân rất lịch sự, ung dung ra cửa. Âm thanh “chúng tôi” vẫn tiếp tục vang trong đầu Luân.
Luân lại phải vào Dinh Gia Long.
Nhu trao đổi lần nữa với Luân kế hoạch “Bravo.”
- Tôi định nổ vào ngày 31-10 hoặc 1-11... Chi tiết đây, anh xem...
Luân tập trung đọc bản kế hoạch mà anh biết do Tôn Thất Đính thảo – đúng hơn, do Trần Văn Đôn và Lê Văn Kim thảo...
- Anh thấy thế nào? – Luân đọc xong, Nhu hỏi.
- Tôi cần suy nghĩ kĩ trước khi trả lời anh. Hẹn anh ngày mai.
- Được! Nhưng không quá ngày mai. Chiều mai, vì sáng mai tôi tiếp phái đoàn Liên Hợp Quốc...
- Anh tiếp ở đâu?
- Tại đây!
- Tốt...
Thấy Luân ngập ngừng, Nhu hỏi:
- Anh ngại?
- Tại đây thì sao. Tôi khuyên anh đừng ra khỏi dinh trong lúc này.
- Tôi hiểu. Cám ơn anh... À, thiếu úy Thạch thế nào?
- Bình yên. Tôi muốn ta đừng bận tâm những chuyện trẻ con như vậy...
- Không trẻ con đâu. Tôi lột da thằng Mai Hữu Xuân!
- Anh bình tĩnh. Còn nhiều cái lớn lao hơn đòi hỏi anh đối phó...
- Thôi được, tôi tạm nghe anh. Nhưng tôi không bỏ qua.
Luân đứng lên.
- Tôi đã trình Tổng thống, anh sắp nhận quân hàm thiếu tướng... - Nhu bắt tay Luân, thông báo.
- Không nên trong lúc này! Dư luận nhắc mãi danh từ “gia đình trị.” Tôi thăng cấp tạo cớ cho dư luận mở rộng...
- Tôi không chịu thua anh lần này! – Nhu kiên quyết – Tổng thống đã kí, anh có chối cũng không xong...
Luân lắc đầu, hỏi sang chuyện khác:
- Chị thế nào?
Nhu chợt rầu rầu:
- Lệ Thủy điện về báo mẹ nó xỉu... Căng thẳng quá tội nghiệp.
Luân về đến nhà thì Dung báo có hai khách chờ anh.
- Chà, hôm nay “được mùa” khách! Ai?
- Hai đại diện phong trào sinh viên.
Luân cau mày, không biết hai người.
- Em sẽ cung cấp tài liệu cho anh, nội đêm nay. Nhưng em báo trước: họ thuộc cánh Phật giáo Thích Tâm Châu. Họ là Tô Lai và Võ Như...


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui