Ván bài lật ngửa

P8 - Chương 11
Bóng tối lấn dần chiếc hầm – ngay đèn cũng chưa kịp gắn. Ngoài các nhân viên truyền tin, Luân đếm được cái rốt chót của một triều đại lừng lẫy một thời: Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu. Cao Xuân Vỹ, Đỗ Thọ, ba đại úy cận vệ của Diệm, ông già cần vụ và Luân. Tất cả chừng đó. Và chỉ có chừng đó. Quách Tòng Đức, đổng lí văn phòng Phủ Tổng thống vắng mặt và Võ Văn Hải, bí thư của Tổng thống cũng không đến dinh từ trưa. Giờ này, trên Dinh Gia Long, ngoài số bảo vệ thuộc Liên binh phòng vệ, lái xe – vài người, trong đó có Thạch – không còn ai nữa. Dĩ nhiên, vòng ngoài Dinh Gia Long, lực lượng chưa suy suyển: tiểu đoàn thiết giáp mới mất có ba chiếc, hai tiểu đoàn bộ binh, một đại đội phòng không, một đại đội pháo chống chiến xa, hai đại đội thủy quân và một tiểu đoàn cảnh sát dã chiến. Với lực lượng như vậy, nếu chịu đánh và dựa vào công sự tự nhiên – tường, gốc cây... - thì quân của Nguyễn Bá Liên không phải dễ đến gần...
Dầu sao, cả một triều đại mà vào giờ định mệnh còn chừng đó binh mã thì quả thân cô thế cô thật...
Đài phát thanh liên tục phát lời kêu gọi Ủy ban cách mạng, Diệm toan đạp vỡ luôn chiếc máy thu bán dẫn nếu Đỗ Thọ không kịp tắt. Từng tướng xưng tên thách đố. Ngày nào, những viên tướng – còn là trung tá, đại tá - khúm núm trước Diệm và bây giờ hách dịch gọi Diệm đầu hàng.
Có lẽ giọng của Tôn Thất Đính dõng dạc nhất đám khiến Diệm phát khùng hơn cả. Luôn những tên hôm qua còn thụt ló ở cánh gà, kẻ “chạy hiệu,” nay khá rộng họng như Nguyễn Văn Thiệu.
Nhu rít thuốc. Mỗi lúc ánh lửa bùng lên, Luân thấy đôi mắt của Nhu thêm sâu thẳm. Trong trận đấu trí suốt chín năm, Nhu luôn thắng và đến canh bạc này, anh ta thua - thua một cách nhục nhã. Luân biết Nhu muốn thổ lộ những kẽ hở của anh ta. Một người mà dưới mắt, ai cũng chỉ là con chốt trên bàn cờ, bây giờ bị những con chốt gí vào chiếc hầm ngột ngạt, xe pháo mã kẹt nơi xa, sĩ tượng bị đánh cho tơi tả.
- Tôi nhớ hôm chúng ta chơi cờ… - Nhu bảo. Hôm đó, Nhu thí hết sĩ tượng. Bây giờ Nhu thấm thía lời khuyên của Luân - Luân chỉ buột miệng nhận xét bâng quơ, nhưng lại như một thứ tiên tri.
Thật ra, Nhu quên một điều hệ trọng hơn mọi điều hệ trọng nhất: đối thủ chủ yếu của anh ta là Mỹ. Anh ta lí giải cái thắng lợi của anh ta trong quá khứ hơi giản lược - đánh bại một loạt thế lực mà anh ta chưa chịu hiểu tất cả đều là con rối và kẻ điều khiển các con rối chưa muốn anh ta phơi áo. Ngay Bảy Viễn, nếu Mỹ và Pháp đạt được thỏa thuận, các nhóm Công an xung phong Bình Xuyên, Ngự lâm quân của Nguyễn Văn Vĩ, lính của Năm Lửa, Ba Cụt, Nguyễn Văn Hinh thừa sức xóa sổ triều đại họ Ngô non ngày non tháng. Nhu không đến mức mơ hồ như Diệm - Diệm khoác lên chiến thắng ánh hào quang tưởng tượng “nhà chí sĩ được toàn dân tôn sùng,” “Chúa giao cho sứ mệnh cứu dân tộc Việt” - nhưng anh ta tự thị không ai thông minh, mưu trí bằng anh ta. Kế hoạch “Bravo” do anh ta phác thảo và chọn một viên tướng kém khả năng quân sự hơn hết thực hiện kế hoạch. Với Nhu, Đính là một thứ rôbôt và Nhu chỉ cần động tác máy chứ không cần trí não. Nhu không lầm ở điều đó. Nhưng, tai họa lại phát sinh từ đó. Mỹ cũng cần rôbôt và một kẻ đầu óc trống rỗng như Đính ngả về phía nào chẳng dính dáng gì đến trí não, mà dính đến những thứ Mỹ thừa Nhu thiếu.
- Tội nghiệp Lê Quang Tung, Hồ Tấn Quyền! - Nhu buột miệng. Nghe câu than của Nhu, trong ánh sáng mờ mờ, Diệm làm dấu thánh. Hình như Diệm khóc.
Chuông điện thoại reo. Đỗ Thọ nghe. Nhu dụi thuốc. Có thể các tướng lĩnh chịu vào Dinh Gia Long chăng?
- Dạ… Đỗ Thọ đây… Xin đại tá… Xin lỗi, thiếu tướng nói chuyện với ông cố vấn... Sao, không cần... Dạ, Tổng thống bình thường. Dạ, ở dưới hầm... Dạ, tôi sẽ báo lại…
Nhu nôn nả chờ Đỗ Thọ gác máy.
- Ai?
- Thưa, ông Nguyễn Văn Thiệu.
- Nói gì?
- Thưa, ông ta nói: nên đầu hàng.
Nhu đốt thuốc. Kế hoãn binh không xài được nữa…
Điện thoại lại reo. Luân nghe.
- Tôi, Nguyễn Thành Luân. Chào ông. Ông muốn nói chuyện với anh Đỗ Thọ? Tôi nghe... Đó là quyền của các ông và tôi nghĩ nhất thiết phải chạm súng thôi... Cái đó không thuộc ý kiến quyết định của tôi. Tất nhiên, nếu tôi được giao trách nhiệm... Anh Đỗ Thọ nói chuyện với ông...
Luân trao ống nghe cho Đỗ Thọ.
- Vâng! – Thọ nói – Tôi không ngại. Cám ơn anh...
- Thiếu tá Nguyễn Bá Liên bảo tôi nên tránh xa khu vực Dinh Gia Long. Thủy quân lục chiến sắp tấn công... - Thọ báo lại với Nhu.
- Hắn bảo gì với anh? – Nhu hỏi Luân.
- Ông ta cho biết cấp trên của ông ta sắp thanh toán xong thành Cộng Hòa và sẽ ném bom Dinh Gia Long, rồi cho bộ binh xung phong. Ông ta hỏi có phải tôi sẽ phụ trách bảo vệ Dinh Gia Long không...
- Thằng nớ sợ anh! Anh trả lời như vậy là tốt...
Nhu ra hành lang cùng Cao Xuân Vỹ. Hai người thì thầm một lúc. Nhu quay vào, đến gần Diệm nói rất khẽ. Một lúc sau, Luân nghe Diệm càu nhàu:
- Không! Chú đâu, tôi đó!
- Tôi trình với Tổng thống ý sau đây: Cao Xuân Vỹ sẽ đưa Tổng thống xuống Cần Thơ, còn tôi, tôi ra miền Trung. Lực lượng chúng ta còn mạnh, dù tạm mất Sài Gòn vẫn có thể thu hồi dễ dàng. Nhưng Tổng thống không chịu.
Nhu thở dài, sau khi thuật lại với Luân cuộc trao đổi vừa rồi.
Theo lệnh của Nhu, chiếc máy phát được chuyển lên khỏi hầm.
- Nó sẽ phát lưu động! – Nhu bảo.
- Tình hình này, ở lâu tại đây không có lợi. Tổng thống và tôi phải tạm lánh. Phần anh, tôi không muốn anh bị gò bó trong hoạt động. Tùy anh. Lực lượng phòng vệ đủ cho anh dùng, tất nhiên, cũng chỉ cầm cự thôi, trước khi quân đoàn 4 và 2 về thủ đô, Dinh Gia Long khó giữ lắm!
Đó là phần bí mật mà Nhu chia sẻ với Luân. Hẳn Nhu và Diệm sẽ có mặt ở bên kia sông Tiền trong đêm nay – con đường xuống đó thuận hơn vượt qua Biên Hòa để ra quân đoàn 2.
Nhu chìa tay cho Luân bắt. Hai người cầm tay nhau khá lâu.
- Có thể chúng ta sẽ gặp lại, có thể không. – Nhu bảo, giọng xúc động. – Bất kể như thế nào, tôi luôn cám ơn anh. Giờ phút này, chúng ta chỉ nên nghĩ điều tốt cho nhau. Và làm điều tốt cho nhau. Tôi nói như vậy là vì không phải không có người gợi ý tôi nên khử anh tại đây, tại hầm này. Người đó có tài liệu về mối quan hệ giữa anh và Trần Kim Tuyến. Nhưng, tôi không nghe, mặc dù tài liệu hoàn toàn thật. Tôi hiểu, nếu anh dự định hành động thì hoàn toàn không nhằm vào cá nhân Tổng thống và tôi. Tại sao tôi mong anh bình yên? Tôi thua chúng nó, anh thì khó thua. Trên nghĩa ấy, anh vẫn là bạn của tôi...
Nhu nói đều đều. Hầm quá tối nên Luân không kiểm tra được nét mặt Nhu song anh tin là Nhu nói thật. Hẳn Cao Xuân Vỹ phát hiện việc anh và Trần Kim Tuyến móc nối và có lẽ mới khi nãy, ngoài hành lang, Vỹ yêu cầu Nhu khử Luân.
- Tôi cho là chúng ta không nên đi vào chuyện vặt. – Luân nói, giọng bình thản – Tôi mong anh thoát và đánh trả. Đó là điều hết sức lớn, tối cần thiết, vượt xa những gì bó hẹp giữa chúng ta. Tôi đồng ý: chúng ta luôn là bạn...
- Bạn thân nữa! – Nhu cười. Từ khi xuống hầm, lần đầu, Nhu cười. – Tôi biết anh đã không chấp nhận một hành động hèn hạ nhằm ám sát tôi... - Nhu nghiêm trở lại... - Người Mỹ quý anh... Tôi mong, ở cương vị nào, anh không quên chúng tôi! Anh còn nhớ lần đầu chúng ta gặp nhau ở Vĩnh Long chứ?...
Nhu siết tay Luân.
Họ lên khỏi hầm, ra mặt tiền Dinh Gia Long, Diệm tần ngần, buột miệng hỏi Cao Xuân Vỹ:
- Dinh Độc Lập có bị pháo kích không?
Vỹ không trả lời. Lính liên binh phòng vệ vẫn canh gác. Súng phía thành Cộng hòa nổ đều. Đèn thành phố vẫn sáng.
Chiếc “deux chevaux” loại fourgonnette đang chờ họ, Diệm mượn Đỗ Thọ chiếc kính sẫm Rayband và chui vào phía sau với Nhu. Phía sau không có băng, hai người ngồi hẹp. Trước khi chui vào xe, Diệm bắt tay Luân:
- Cháu khỏe, hỉ! – Ông chỉ nói bấy nhiêu.
- Nhớ lời chúng ta trao đổi với nhau! – Nhu bắt tay Luân lần nữa.
Một đại úy ngồi cạnh anh em Diệm còn Đỗ Thọ ngồi băng trước với tài xế.
Cao Xuân Vỹ ngồi chiếc xe thứ hai, chiếc Land Rover.
- Chào đại tá! Công cuộc phòng thủ Dinh Gia Long đã được xếp đặt đâu vào đó! Đại tá là một trong vài người biết Tổng thống rời Dinh Gia Long.
Vỹ nói với Luân, không bắt tay. Ngập ngừng giây lát Vỹ nói tiếp:
- Thiếu úy Nguyễn Văn Tường cho tôi hay mọi việc!
Cánh cửa sắt mở. Hai xe ra đường Pasteur, rẽ vào cổng sau Tòa đô chính. Luân biết họ sẽ ra cổng đường Lê Thánh Tông.
Bấy giờ, gần bảy giờ rưỡi. “Hắn muốn cho nhóm đảo chính hiểu rằng Diệm vẫn ở Dinh Gia Long.” Luân suy nghĩ về câu nói của Cao Xuân Vỹ. Tên Tường và sau lưng hắn... Và, anh trông theo hướng Diệm, Nhu đào tẩu: chín năm, anh và Nhu đấu với nhau; kẻ mà anh phải giữ kẽ từng li từng tí để khỏi mất mạng, kẻ đó có thể không còn nữa. Trong Luân, có một cái gì như tiếc rẻ, anh không thể gọi nó bằng tên. Anh buồn bã đứng tần ngần trên thềm Dinh Gia Long.
Một loạt đại bác nổ quanh dinh.
*
Chuông điện thoại reo. Luân vào phòng khách nhấc ống nghe.
- Alô! Dinh Gia Long phải không? Ai đó?
Giọng rất quen và Luân kêu lên:
- Thiếu tướng Lâm!
- Ủa! Đại tá Luân... Sao lại kẹt trong dinh?
- Gì mà kẹt? Đang rất ung dung đây... Thiếu tướng từ đâu gọi đến?
- Tôi đang chỉ huy. Chỉ huy một sư đoàn hẳn hoi!
- Sư nào?
- Sư 5. Thay cho thằng Thiệu. Nó chỉ huy thiết giáp thay cho thằng Vĩnh Lộc... Còn anh?
- Tôi chỉ huy...
- Cũng chỉ huy?
- Tất nhiên. Chỉ huy giữ Dinh Gia Long!
- Đừng có giỡn cha nội... Mấy “vị” còn ở đó không?
- Anh hỏi làm gì? Cứ cho là còn...
- “Tẩu” rồi hả? “Tẩu” hướng nào?
- Bí mật!
- Tôi cho nã pháo vào dinh được không?
- Tùy anh... Nhưng...
- Tôi hiểu. Tay trung đoàn phó – anh nhớ chứ - dự kiến đợi sáng mai mới tấn công...
- Nói với Nghĩa tôi thăm nó...
Một phi đội AD6 gầm rú trên nền trời.
- Máy bay của thằng Kỳ đó. Nó làm tàng. Hồi chiều, nó tính bốc hết Hội đồng cách mạng chạy sang Miên, bị nghe tin thằng Khánh kéo về “cứu giá.” Bây giờ, nó tỉnh hồn rồi... Anh coi chừng nó ném bom.
- Thành Cộng Hòa thế nào?
- Tôi cho bắn pháo 105 vô. Đánh lẹt đẹt thôi...
- Tôi muốn gặp anh được không?
- Được, anh đi bằng cái gì?
- Bằng xe...
- Tôi đón anh tại ngã tư Mạc Đĩnh Chi – Hồng Thập Tự, gần chỗ anh.
Luân rời Dinh Gia Long, theo ngã Pasteur. Thạch chờ Luân từ trưa, chia khẩu phần bánh mì nguội với liên binh. Cậu định vào dinh hỏi tin Luân song lính gác ngăn.
- Tình hình kì cục quá! – Thạch mở máy, càu nhàu.
- Đảo chính mà! – Luân trả lời, giọng vui.
- Đảo chính gì mà không ra đánh...
Thiếu tướng Lâm đón Luân đúng điểm hẹn.
- Ở đây nói chuyện bất tiện, hay anh đến nhà tôi?
Lâm đồng ý, sau khi gọi Lê Khánh Nghĩa bằng bộ đàm:
- Alô! Nghĩa cứ siết vòng vây thành Cộng Hòa, kêu gọi đầu hàng, đừng xung phong. Tôi gặp đại tá Luân một chút.
Lê Khánh Nghĩa reo trong máy:
- Cho gửi lời chào đại tá!
Nhà Luân được nửa tiểu đội quân cảnh Mỹ canh giữ cẩn thận. Saroyan đưa Dung về nhà khi sập tối. Dung đón Luân và Lâm giống mọi ngày.
- Chị cho ăn cái gì... Tôi đói quá. Chắc anh Luân cũng đói.
Trong khi chờ đợi Dung và chị Sáu lo bữa ăn, hai người uống bia.
- Điệu này, phía ông Diệm chẳng chống cự nổi... - Luân rầu rầu.
- Chưa phải tụi tướng tá theo đảo chính hết cả đâu, song chúng nó chờ đợi. Thằng Conein giục thằng Đôn, thằng Đính làm lẹ.
- Lũ này mà thắng, để gọn tình hình sẽ rất xấu...
- Tôi cũng lo. Cậu Nghĩa có một ý táo bạo, nhưng tôi chưa dám gật đầu, đợi trao đổi với anh...
- Nghĩa muốn bắt Hội đồng các tướng, bắt luôn Diệm, phải không?
- Phải!
Luân trầm ngâm. Không phải là một kế hoạch tồi... Song, với một trung đoàn, e khó... Trong trường hợp đó, đến hai thế lực cùng chĩa mũi nhọn vào Trung đoàn 7. Mỹ sẽ dứt khoát chống lại một vụ “xé rào”ngoài kịch bản như vậy. Quân Giải phóng chưa thể hỗ trợ cho quân khởi nghĩa.
Thức ăn dọn lên. Lâm nhai ngấu nghiến.
- Tình hình tổng nha thế nào? – Luân hỏi Dung.
- Ông Y đầu hàng sớm nhất. Ông Minh giao cho ông ấy tiếp tục công việc, chờ quyết định sau. Chẳng có gì thay đổi. Thủy quân lục chiến đã rút. Chỉ phiền là số bị bắt dính đến Phật giáo chưa được lệnh xử trí. Ông Y rầu rĩ... Em bàn nên thả, ông ấy do dự một lúc bảo em lập danh sách, thả ở Tổng nha, Chí Hòa, các chi nhánh...
Dung nói mà nháy mắt ra hiệu. Luân hiểu: Dung trộn vào danh sách số người hoạt động cho Mặt trận, cơ sở nội thành, tình nghi “Việt Cộng” v.v...
- Bây giờ tính sao? – Lâm vỗ bụng thỏa mãn.
- Chưa thể làm theo ý của Nghĩa. Tất nhiên, anh nên tỏ ra thật tích cực trong đảo chính... Chuyện lâu dài.
Lâm đồng ý liền.
- Lão Diệm lủi về hướng nào? – Anh ta hỏi Luân.
- Tôi đoán ông Diệm, ông Nhu tính xuống chỗ Huỳnh Văn Cao.
- E đi không thoát. Sao anh không giúp họ trốn?
- Thằng Vỹ không tin tôi... Nó tự lo.
- Thằng đó mà lo cái con mẹ gì. Thứ buôn á phiện lậu chuyên nghiệp...
Câu nói của Lâm gợi cho Luân chỗ tạm trú chân của Diệm. Họ sẽ vào nhà Mã Tuyên. Tuyên cũng là Phó tổng thủ lãnh Thanh niên Cộng hòa đồng thời đầu mối tiếp nhận á phiện của Francisci từ Tam giác Vàng.
Điện thoại reo. Jones Stepp nói chuyện với Luân:
- Hello! Đại tá đã về... Không việc gì xảy ra cả chứ? Chúc mừng đại tá. Saroyan đã đưa bà đại tá về nhà...
- Rất cám ơn tướng quân và phu nhân...
- Tôi trả lại cho đại tá hai chữ “cám ơn” xã giao và sẽ nói với đại tá hai chữ cám ơn chân thành nếu đại tá cho biết ông Diệm, ông Nhu hiện ở đâu?
- Tướng quân nghĩ rằng họ ở đâu? Nếu không trong Dinh Gia Long, dưới chiếc hầm tránh bom?
- Tôi không tin... Máy định vị cho biết đài phát sóng của họ di chuyển về phía tây thành phố.
- Vậy thì tướng quân đoán đúng. Nhưng, tôi vừa chia tay họ mà không biết họ định đi đâu...
- Các tướng đảo chính rất ngại, đúng hơn, rất sợ, một khi chưa tóm được ông Diệm, ông Nhu. Đại tá sẽ trở thành người hùng của cuộc đảo chính nếu cho biết nơi, hoặc hướng họ di chuyển...
- Thưa tướng quân, tôi không thể làm điều ấy, tức là làm điểm chỉ một cách ti tiện. Quả thật tôi không biết, mà dầu biết, tôi cũng không hé môi. Chắc tướng quân hiểu danh dự một quân nhân.
- Tôi hiểu... Song...
- Tôi không tán thành nhiều mặt trong chính sách của ông Diệm, tướng quân chẳng lạ gì. Chống một chế độ với hành vi điểm chỉ ti tiện là hai việc khác nhau...
- Thôi được! Tôi đồng ý với đại tá. Bây giờ đại tá định làm gì?
- Tôi chưa định làm gì cả. Có lẽ, tôi nghỉ ngơi...
- Ồ đừng... Đại tá có liên lạc với tướng Lâm, đang chỉ huy sư 5 không? Nên liên lạc ngay và nên cùng tướng Lâm bàn cách đẩy nhanh các mũi tiến công... Cố thu xếp đêm nay, cho xong... Đừng để mọi người hiểu đại tá làm theo điều ông Diệm... tôi xin lỗi, ông Diệm di chúc: Tôi chết hãy trả thù cho tôi!
- Tôi xin phép tướng quân được suy nghĩ và sẽ trả lời sau... Còn dư luận, kể luôn các tướng cầm đầu đảo chính đánh giá về tôi như thế nào, tôi không mấy quan tâm...
- Không có gì phải suy nghĩ! Saroyan muốn nói chuyện với bà đại tá.
Luân trao máy cho Dung, thầm thì với Lâm.
- Nó không biết tôi đang ngồi ở nhà đại tá! – Lâm cười.
- Nó sẽ biết. Quân cảnh Mỹ sẽ báo...
- Saroyan bảo em khuyên anh nên hợp tác với thiếu tướng Lâm – Dung che máy, nói với Luân.
- Em bảo là thiếu tướng vừa đến và chúng tôi đang trao đổi.
*
Diễn biến tình hình trong đêm 1 và sáng 2 tháng 11.
Chiếc “deux chevaux” chạy ngang qua rạp Rex, rẽ tay phải, theo đường Lê Lợi, ôm bùng binh, theo đường Trần Hưng Đạo. Phố sá hơi vắng so với ngày thường, nhưng, ngoài tiếng đại liên rộ từng chập chen vài tiếng pháo từ phía sở thú vọng đến, chẳng có vẻ gì Sài Gòn đang ở vào khúc quanh. Cảnh sát vẫn đứng ở góc đường. Xích lô, taxi vẫn chạy. Xe du lịch còn nhởn nhơ. Chỉ có rạp hát là đóng cửa cùng một số hiệu buôn lớn. Xe qua Nha cảnh sát đô thành – dáng vẻ bình thường. Nha thanh niên đây rồi... Tức khu Đại thế giới cũ. Người lái xe tốp tốc độ, ý chừng chờ lệnh Nhu.
- Dừng lại! – Nhu ra lệnh.
Người tài xế toan quanh xe vào cổng chính, Nhu bảo:
- Chạy khỏi cổng một chút rồi hãy dừng.
Chiếc Land Rover trờ tới. Một cuộc chuyển đổi xe diễn ra trong im lặng. Diệm, Nhu, Đỗ Thọ sang chiếc xe Land Rover. Số còn lại sang chiếc “deux chevaux.” Nhu bắt tay Cao Xuân Vỹ, thầm thì một lúc. Chiếc Land Rover theo đường Đồng Khánh chạy sâu vào Chợ Lớn. Phố sá Chợ Lớn có vẻ tấp nập hơn Sài Gòn. Bảng quảng cáo hiệu ăn Are En Ciel nhấp nháy như tự thuở. Việt Nam Cộng hòa không có chủ - đang đổi chủ, mà mọi sự như không ngưng đọng. Hẳn Diệm và Nhu phải suy nghĩ. Cái mà họ tự thị về sức nặng cá nhân của họ, cứ qua mỗi khu phố, vơi đi thêm một ít.
Xe dừng trước một ngôi nhà không đồ sộ nhưng khá bề thế, trên đường Phùng Hưng, vào lúc 8 giờ 45. Cổng đã mở sẵn. Cửa nhà cũng mở sẵn. Một Hoa kiều – với dáng dấp người Hoa thuần túy – đón Diệm, Nhu ngay thềm. Họ chỉ bắt tay chào nhau. Chủ nhà Mã Tuyên, tuổi trên bốn mươi, mời khách vào ngồi giữa phòng. Cổng khép và cửa cũng khép, Mã Tuyên pha trà, thái độ kính cẩn. Mấy phút sau, Mã Tuyên đưa vợ con ra chào khách. Tuyên có bốn vợ. Xong tuần trà – loại đặc chế của các phú thương người Hoa – Mã Tuyên hướng dẫn Diệm và Nhu lên lầu. Trước khi lên lầu, Nhu ra lệnh cho Đỗ Thọ không cho phép bất kì ai ra vào nhà và cấm sử dụng điện thoại. Mã Tuyên xuống nhà dưới, tiếp tục ngồi uống trà một mình, sau một lúc nghe thấy Nhu dặn dò. Bấy giờ, gần mười giờ đêm.
Người Hoa kiều này tất nhiên hiểu rõ cơn gió nào đưa Tổng thống và bào đệ đến đây, không có tùy tùng. Đài phát thanh cả tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài đang ra rả về cuộc đảo chính. Mã Tuyên vừa uống trà vừa suy nghĩ.
Không phải chức Phó tổng thủ lãnh Thanh niên Cộng hòa khiến ông ta bận tâm. Cái đáng bận tâm là đường dây nối Tam giác Vàng sẽ hoạt động như thế nào nếu phe đảo chính thành công. Nhu dặn Mã Tuyên tiếp tục chuyển ngân khoản vào trương mục Ngân hàng Hồng Kông như từ trước, nghĩa là Nhu có một kế hoạch đối phó đã định trước.
Sở dĩ Mã Tuyên không đi ngủ còn vì ông ta nghĩ rằng anh em Diệm ghé tạm nhà, nhiều nhất vài tiếng đồng hồ. Đỗ Thọ cũng nghĩ như vậy bởi Thọ loáng thoáng nghe chương trình hai người sẽ theo đường thủy xuống Tân An, rồi từ Tân An băng Đồng Tháp Mười, cũng bằng đường thủy, ra sông Tiền. Huỳnh Văn Cao chực đón họ tại một điểm nào đó.
Ở góc đường Hậu Giang, chiếc xe Dodge 4x4 tiếp tục phát lời kêu gọi của Tổng thống đồng thời liên lạc với lực lượng bảo vệ Dinh Gia Long. Sĩ quan chỉ huy Dinh Gia Long ngỡ rằng Diệm đang cố thủ trong hầm.
Vào lúc Diệm đến nhà Mã Tuyên thì thành Cộng Hòa thất thủ. Nói “thất thủ” là diễn đạt cường điệu thêm, sự thật, quân đồn trú nghe tin Lê Quang Tung chết, chỉ chống cự cầm chừng, nhưng lính của Sư đoàn 5 lại không xung phong. Sau cùng, họ mở cổng và mọi sự kết thúc như đôi bên chưa hề cãi cọ nhau chứ không nói là đánh nhau.
Mục tiêu bấy giờ là Dinh Gia Long. Ba giờ rưỡi sáng, quân đảo chính mới khép vòng vây. Tất cả lực lượng bảo vệ, kể luôn xe bọc thép, lặng lẽ rút lui. Trước mặt quân đảo chính là vòng rào không hề có một dấu hiệu kháng cự. Nhưng, chẳng ai tiếp cận dinh. Lệnh của tướng Đính luôn luôn mâu thuẫn, khi thì giục “thanh toán” ổ đề kháng cuối cùng, khi thì bảo tướng Lâm “hãy thận trọng.” Thái độ của Đính tùy thuộc thái độ của tòa đại sứ Mỹ. Mà đại sứ Mỹ thì bận giải thích cho tướng Harkins về cuộc đảo chính – viên Tổng chỉ huy Mỹ nổi cáu khi biết Cabot Lodge vượt qua đầu ông ta. Ông ta đích thân gọi điện về Ngũ giác đài và đến lượt Ngũ giác đài cãi cọ với Dean Rusk, mãi khi Kennedy trực tiếp can thiệp thì trận giặc mồm mới tạm lắng.
Trên lầu, Diệm im lặng hút thuốc. Nhu đi lại, suy nghĩ. Có thể quá khứ sống dậy với từng chi tiết trong đầu óc hai người. Có thể chỉ là những mơ ước...
Một đêm trôi qua. Khi trời hừng sáng, Diệm và Nhu thay quần áo – cả hai mặc bộ quần áo mà họ ưa thích. Diệm màu nhạt, Nhu màu tro, thắt cà vạt, đi giày đánh xi bóng. Họ xuống nhà, uống trà với Mã Tuyên. Xong, cả hai từ giã chủ nhà, lên chiếc Land Rover. Bấy giờ, năm giờ sáng ngày 2-11.
*
Diệm và Nhu ra khỏi nhà Mã Tuyên chừng vài phút thì điện thoại reo.
- Alô! Có phải số máy 37301 đó không?
- Phải... Ai gọi đó! – Mã Tuyên trả lời, giọng lớ.
Và nghe liền một tràng tiếng Quảng.
- Có, có... Đi rồi! Vừa đi. – Mã Tuyên rối rít.
- Đi đâu không biết. Đi xe hơi. Xe sơn xanh. Không phải xe du lịch... Hình như loại xe đi đường rừng...
- Không thấy ông đại tá nào theo cả...
- Không thấy, chỉ có một người thư kí tên Thọ... Tôi chưa gặp đại tá Luân bao giờ... Mà chắc người thư kí không phải đại tá Luân. Tôi không biết họ đi đâu, hướng nào...
- Vâng, tôi sẽ không hé răng cho bất kì ai...
Mã Tuyên không thể biết một sự kiện rùng rợn xảy ra sau cuộc điện đàm vài phút. Tại một ngã tư con đường gần Phú Lâm, một chiếc Land Rover của ai đó bỗng bị một phát hỏa tiễn, không rõ do ai đó núp trong một hẻm, bắn cháy. Tất cả người trong xe đều chết. Nhân chứng tại chỗ báo cho cảnh sát: xe gồm ba trẻ em và một đàn ông.
John Hing nhận điện của Ly Kai và một trận lôi đình giáng vào Ly Kai:
- Thật là ngu xuẩn... Mày có biết Luân hiện ở đâu không? Nó sẽ bắn mày như một con chó nếu mày lò mò gần nó. Nó đang chỉ huy tấn công Dinh Gia Long! Tại sao không phải. Nó với thằng thiếu tướng Lâm đang ngồi ở sở chỉ huy thành Cộng Hòa. Thật là ngu, ngu như con heo!
*
Chiếc Land Rover ngừng trước cửa nhà thờ Cha Tam. Năm giờ sáng. Lẽ ra phố xá đã tấp nập, song vì có đảo chính, người đi lại và cửa hiệu thưa thớt hơn mọi ngày.
Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu vào nhà thờ, chọn chỗ. Họ quỳ ngay hàng ghế đầu. Đỗ Thọ đứng sau lưng họ. Rải rác năm bảy tín đồ đến dự lễ sáng, không ai chú ý hai người khách chưa từng đến nhà thờ Cha Tam bao giờ.
Diệm và Nhu đọc kinh. Với Diệm, ông vẫn thường dự lễ buổi sáng ngay trong dinh, còn Nhu, chỉ thỉnh thoảng mới dự lễ - Nhu tin Chúa nhưng không tán thành giáo hội, như anh ta thường nói. Cả hai đọc kinh khá lâu, đến mười lăm phút.
Rồi họ đứng lên, rất mệt mỏi. Họ bước vào phía trong, gặp cha sứ. Cuộc nói chuyện kéo dài chừng nửa giờ. Linh mục tên Jean, người Pháp, nói tiếng Việt khá sõi.
Đỗ Thọ được lệnh liên lạc với Hội đồng cách mạng. Người nói chuyện đầu tiên với Đỗ Thọ là Đỗ Mậu. Người kế đó là Trần Thiện Khiêm.
“Chúng tôi sẽ đón cụ” - Khiêm bảo như vậy.
Vào lúc đó, quân đảo chính chiếm Dinh Gia Long. Thương vong không đáng kể - nếu không nói là gần như chỉ vài người tiến công và bảo vệ chết vì đạn lạc.
Tiếng súng tắt dần. Đài phát thanh đưa tin mới: một số Bộ trưởng của Chính phủ cũ đã trình diện với Hội đồng đảo chính, mà người đầu tiên là Nguyễn Đình Thuần.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui