Ván bài lật ngửa

P9 - Chương 4
Tin tức từ ngày 17 đến ngày 22 tháng 11 năm 1963 (tin các báo và các hãng thông tấn).
17-11: Đụng độ dữ dội ở Chương Thiện (VTX). Sức ép của Việt Cộng gia tăng ở Vị Thanh (AP). Nhiều Ấp chiến lược lưu vực sông Cửu Long bị Việt Cộng giải tán (UPI). Quân đội Việt Nam Cộng hòa thắng lớn ở Chương Thiện (báo Việt hằng ngày). Thiệt hại của quân đội Việt Nam Cộng hòa đáng kể trong các cuộc đánh nhau ở miền tây Nam Việt (New York Times).
18-11: Thủ tướng Chính phủ quyết định các công sở từ hôm nay làm việc một buổi, từ 8 giờ sáng đến 4 giờ 30 chiều, trưa nghỉ nửa giờ. Bình luận của báo Chính Luận: quyết định này do yêu cầu của đại sứ quán Mỹ.
Tòa đại sứ Philippines tại Sài Gòn trao trả Chính phủ Việt Nam cựu Bộ trưởng Ngô Trọng Hiếu. Ông Hiếu, một yếu nhân của chế độ Ngô Đình Diệm, xin lánh nạn ở sứ quán Philippines từ ngày 1-11. Ông được Tổng nha cảnh sát tiếp nhận và sau đó đưa về Bộ tổng tham mưu. Theo các nguồn tin đáng tin cậy, ông Hiến được tự do tạm, theo bảo trợ của Đại sứ Mỹ (tin AFT).
Đại tướng Lê Văn Tỵ được cử làm cố vấn quân sự cho Thủ tướng Chính phủ. Ông Tỵ, nguyên Tổng tham mưu trưởng, một chuyên viên không có khiếu chính trị. Hình như người ta muốn qua ông để trấn át một số sĩ quan cho tới nay vẫn chưa dứt khoát thái độ: họ sợ bị trả thù, sợ bị dính trong danh sách của Ủy ban điều tra tội ác thuộc chế độ cũ và Ủy ban điều tra tài sản do sắc lệnh của Chủ tịch Dương Văn Minh kí, mang số 7/SL/CT đề ngày 16/11/1963 (tin AP).
Đại tá Nguyễn Tấn Thi và trung tá Vương về nước sau ba năm lưu vong. Thi ở Nam Vang, làm đủ thứ nghề, kể cả dắt mối điếm cho Hoa kiều để kiếm ăn; còn Vương thì sang Pháp. Cả hai đều chủ mưu trong cuộc đảo chính bất thành ngày 11-11-1960. Theo các quan sát viên có mặt ở phi trường, khi máy bay vừa hạ cánh, đại tá Thi và trung tá Vương đã to tiếng cãi vã. Thi toan đánh Vương có lẽ do Vương vạch lối sống không được đoàng hoàng của Thi trên một số tờ báo Pháp – vì vậy, Thi không được đại sứ quán Pháp và Chính phủ Cambot trợ cấp... (tin của Helen Fanfani)
Đường Ngô Đình Khôi được đổi thành đường Cách mạng 1-11 (tin các báo). Thi hài ông Nhu và ông Diệm được cải táng trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Ông Trần Trung Dung và vợ đứng tên xin. Lễ an táng được cảnh sát bảo vệ nghiêm ngặt. Chừng năm mươi người đi đưa. Trong số người đi đưa, có vợ chồng Đại tá Nguyễn Thành Luân – ông Luân hiện còn bị quản thúc tại gia, song được phép cùng vợ đi sau xe tang tới huyệt với vòng hoa lớn. Ông Luân vẫn vận quân phục đại tá còn vợ, dù là thiếu tá cảnh sát, mặc áo dài - cả hai đều đính băng tang. Linh mục Nguyễn Viết Khai đã làm lễ và một lễ lớn khác tiến hành ở nhà thờ Đức Bà. Đám tang ít người, song sau đó, rất nhiều vòng hoa không rõ của ai phủ kín hai ngôi mộ, nhất là mộ ông Diệm. Ông Trần Trung Dung cho biết, hai ngôi mộ sẽ được xây bằng cẩm thạch... (tin của nhiều hãng thông tấn nước ngoài).
19-11: Sinh viên của Trường Cao đẳng Nông Lâm Súc ở Bảo Lộc bãi khóa, đòi thay đổi Ban Giám đốc. Lí do không được rõ, vì hình như trong ban giám đốc không có ai thuộc Đảng Cần lao mà là người của các phái trước đây chống ông Diệm (tin của báo tự do).
Học sinh Trung học Huế biểu tình đòi các giáo sư vốn là “mật vụ” phải từ chức. Phong trào lan các tỉnh Trung phần, thậm chí, đến Cao Lãnh ở Kiến Phong. Hình như có một trung tâm điều khiển các biến động này (tin AP).
22-11: Sinh viên, học sinh Huế biểu tình, nhắc lại khẩu hiệu đòi thanh lọc hàng ngũ giáo chức. Cảnh sát can thiệp. Có xung đột. Một số cảnh sát và sinh viên bị thương. Một số sinh viên các báo (tin các báo).
Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng kí sắc lệnh số 15 cho biết sẽ mời bốn mươi đến tám mươi nhân sĩ tham gia một hội đồng tư vấn để soạn thảo quy chế và chuẩn bị hiến pháp. Danh sách chưa tiết lộ (tin các báo).
HAI BIẾN CỐ, MỘT TIẾNG NÓI CHUNG
Helen Fanfan (Financial Affair)
Sài Gòn, 25-11.
Tôi đang ngồi đợi điện thoại của Victor tại phòng riêng như thường lệ, sau buổi ăn chiều. Chuông điện thoại reo. Victor không giữ được cách tế nhị vẫn giữ từ khi chúng tôi cưới nhau – anh hổn hển mà tôi nghe được dù từ Hongkong đến Sài Gòn không phải gần: “Helen nghe gì chưa?” Tôi bị Victor lôi cuốn: “Chưa nghe, chuyện gì?” – “Kennedy bị ám sát!” – “Lạy Chúa! Kennedy nào?” – “John...” – “Tổng thống?” – “Tất nhiên!” – “Chết không?” – “Chết!” – “Ở đâu?” – “Dallas.”
- “Bao giờ?” – “Hôm qua, 23 tháng 11. Anh phải bay về Mỹ ngay...” - “Còn máy bay không?” – “Còn.”
Tôi gác máy, không đợi lời âu yếm – có thể Victor cũng quên – lao đến chiếc máy thu chuyên nghiệp, tìm các đài. Và, các đài đã tường thuật... Thật ra, Victor quen múi giờ Viễn Đông. Sự việc diễn ra theo múi giờ Dallas.
Sáng nay, Nam Việt treo cờ ủ rũ và tổ chức lễ cầu hồn ở các nhà thờ Thiên Chúa và Phật giáo.
Một biến cố gây sửng sốt đồng thời gây nhiều tâm trạng, có cả những liên tưởng nhân quả rất phương Đông. Không đầy ba tuần lễ khi Kennedy gật đầu thanh toán ông Diệm, đến lượt ông. Mấy phát đạn chính xác từ lầu cao chấm dứt cuộc đời của một Tổng thống trẻ và không ai nghi ngờ về khả năng ông sẽ tái đắc cử trong nhiệm kì tới – chưa có đối thủ nội bộ Đảng Dân chủ nặng kí bằng ông và đối thủ Đảng Cộng hòa cỡ Cabot Lodge thật khó giành quyền với ông. Vài phát đạn phán quyết. Johnson đã tuyên thệ nhậm chức.
Ai giết Tổng thống Kennedy? Thủ phạm mất hút. Nhưng chắc chắn không phải là người Việt Nam, càng không phải một đảng viên Cần lao cuồng tín nào đó báo thù cho ông Diệm. Người Mỹ giết Tổng thống mình – tôi không nghi ngờ chút nào điều đó. Cũng như người Việt giết Tổng thống Diệm. Tất nhiên, giết ông Diệm do sự ưng thuận của ông Kennedy; còn giết ông Kennedy do ưng thuận của ai? Có người bảo là ý của Thượng đế. Cho quả như vậy đi. Thượng đế qua tay ai? Bài toán hóc hiểm. Tuy vậy, không phải chúng ta rơi vào ngõ cụt.
Trong cái chết của ông Diệm, tỉ lệ Mỹ chiếm ít nhất cũng 75% - nghĩa là vì lợi ích của Mỹ mà ông Diệm phải chết. Trong cái chết của Tổng thống Kennedy, Việt Nam chiếm một tỉ lệ có lẽ cũng tương ứng; vì vấn đề Việt Nam mà ai đó buộc phải hi sinh Tổng thống mình. Tôi không phải là FBI hay CIA - nghề nghiệp chuyên môn về các vụ án của tôi non – song về chính trị, tôi hiểu Tổng thống Kennedy đứng trước hai họng súng: phe nôn nóng muốn đổ quân lên Nam Việt, chấp nhận cuộc viễn chinh hao tốn để tạo ra một Hawaii tận lục địa châu Á sau khi cân nhắc rằng Trung Cộng dứt khoát không tái hiện sự việc như ở Triều Tiên mười năm trước, họ hạ thủ Kennedy là người mà họ cho rằng nhu nhược, muốn hòa hoãn với Cộng; phe muốn giữ bộ mặt Mỹ ở châu Á như một chủ ngân hàng hơn là một anh lính Tây, phe đó ngại cú giết Diệm mở đầu cho bước phiêu lưu mới ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư của họ, họ gạt bớt một con diều hâu...
Đằng nào thì Tổng thống Kennedy cũng chết - chết trên chiếc xe mui trần chứ không trong quan tài thép M.113.
Sài Gòn xôn xao. Có người điếng lên với suy luận: Mỹ làm tất cả khi thích làm. Các tướng lãnh đảo chánh đang sờ gáy. Có vẻ giết con gà còn dễ hơn giết Tổng thống, huống chi, chỉ là các tướng mà ngôi vị gần với hư danh hơn thực chất.
Hai biến cố của hai bán cầu lại cùng có tiếng nói chung. Việt Nam đòi sinh mạng cỡ nguyên thủ quốc gia để đi đến giải pháp.
Mỗi ngày qua, tôi linh cảm Việt Nam hết còn là việc gói gọn trên một dải đất hẹp bên bờ Thái Bình Dương.
CÁI CHẾT CỦA TỔNG THỐNG KENNEDY
Dự định của Tổng thống Kennedy viếng bang Texas vào tháng 11-1963 được nghiên cứu kĩ. Trong cuộc vận động bầu cử năm 1960, Kennedy chỉ đến bang này trong một thời gian ngắn ngủi. Ông phải đến Texas bởi vì năm bầu cử sắp tới 1964 mà nội bộ Đảng Dân chủ lại chia rẽ và trung tâm là vùng nổi tiếng cứng đầu cứng cổ này, “xứ sở của các chàng chăn bò,” Texas là bang rộng nhất của Hợp chủng quốc - chỉ đứng sau bang Alaska thực tế băng giá – nơi mà vì các lí do lịch sử (chẳng hạn Texas nguyên là thuộc địa của Tây Ban Nha mới giành được độc lập) chỉ gia nhập Hợp chủng quốc năm 1845, gồm số đông là người Mexico trong hơn mười một triệu dân của bang, là vùng dầu mỏ quan trọng của Mỹ... mà Kennedy đặc biệt chú ý. Hơn thế nữa, Tổng thống dự định qua bài diễn văn chuẩn bị sẵn sẽ đọc trong buổi đại tiệc tại Austin - thủ phủ của bang - sẽ hỗ trợ cho Đảng Dân chủ giành ưu thắng đối với Đảng Cộng hòa, là dịp để Tổng thống tỏ ra tính cách bình dân của mình.
Chương trình viếng thăm Texas của Tổng thống được thông qua trên nguyên tắc giữa Kennedy, Phó Tổng thống Johnson và Thống đốc bang Texas – Connally - tại khách sạn Contez ở thành phố El Paso ngày 5-6. Ông sẽ “đi như gió” qua các thành phố Dallas, Fort Worth, San Antonio, Houston và một vài thành phố khác từ xế ngày 21 đến chiều ngày 22 tháng 11. Ngày 4-10, Thống đốc Connally vào Nhà Trắng xác định các chi tiết - Thống đốc được phép tổ chức các cuộc biểu tình đón Tổng thống. Keneth O’Donel - trợ lí đặc biệt của Tổng thống cùng thống đốc bàn kế hoạch hợp đồng. Ai cũng nghĩ rằng cần phải có một đoàn theo Tổng thống đi dọc các thành phố để dân chúng dễ dàng thấy mặt nguyên thủ quốc gia. Thống đốc Connally không thích thú với cuộc diễu hành vì ông ta có ít thời gian quá để làm cho cuộc nghinh tiếp thật xôm tụ.
Để đến Dallas, thành phố lớn của Texas – đông những một triệu dân và là trung tâm lọc và hóa dầu – hai mật vụ được giao bảo đảm an toàn cho Tổng thống: Winston C. Lawson từ Nhà Trắng và Forrest V. Sorrels, trưởng mật vụ Dallas. Chính Roy II Kellerman, phó chỉ huy mật vụ Phủ Tổng thống chỉ đạo Lawson.
P.R.S (1) nghiên cứu lí lịch từng người dân Dallas trong diện chống đối Tổng thống – không ai bị liệt vào diện nguy hiểm. Cơ quan mật vụ cẩn thận hơn, đã lưu ý các tổ chức an ninh, cảnh sát huy động mọi năng lực bảo đảm chuyến viếng thăm của Tổng thống.
(1) Phòng trinh sát bảo vệ (Protective Research Section).
Ngày 24-10, ở Dallas, một cuộc biểu tình xảy ra, tất cả đều được chụp ảnh và nhận diện từ người - cuộc biểu tình chỉ chống Adlai Stevenson, đại sứ của Tổng thống. Nhân viên mật vụ được phân các ảnh đó, họ sẽ ra tay khi tại Trade Mark – nơi Tổng thống nói chuyện – có lẫn lộn người tham gia cuộc biểu tình. FBI thông báo với các quan chức địa phương rằng có một kẻ nào đó cư ngụ trong vùng Dallas có thể nguy hiểm. Cảnh sát liên bang cũng nhắc một truyền đơn chống Kennedy được tìm thấy trên đường phố Dallas. Tuy nhiên, không cơ quan nào phát hiện ra ai là tác giả của tờ truyền đơn. Tóm lại, chẳng có gì đáng ngại. Và trong danh sách tình nghi thiếu một nhân vật: Lee Harvey Osward.
Bài diễn văn mà Tổng thống sẽ đọc ở bữa ăn trưa do các nghiệp chủ và nhân vật tai mắt Dallas chiêu đãi chính là phần trọng yếu nhất của chương trình. Ban thư kí Nhà Trắng cho các cơ quan biết Tổng thống đến và đi từ sân bay Love, cho nên mọi thứ phải được đảm bảo để đoàn xuyên qua trung tâm thành phố và sau bữa tiệc, Tổng thống sẽ trở lại sân bay bằng lối ngắn nhất. Vấn đề là tìm ngay nơi nào sẽ diễn ra bữa tiệc mà các điều kiện an toàn đều đạt mức không có tí cơ sở dù nhỏ nhặt cũng như các đoạn đường mà Tổng thống phải qua.
Ngày 4-11, Gerald A. Behn, chỉ huy nhóm mật vụ Nhà Trắng yêu cầu Sorrels đến tận ba nơi có thể tổ chức bữa ăn trưa. Một trong ba nơi đó là Market Hall, không có chỗ trống ngày hai mươi hai. Nơi thứ hai, Womenis Building, nằm giữa vòng rào khu hội chợ quốc gia Texas, là một ngôi nhà trệt, ít ngả vào trong, dễ bảo vệ nhưng không có tiện nghi ột bữa tiệc. Nơi thứ ba, Trade Mart, tòa nhà mới xinh xắn, có tất cả các đòi hỏi nhưng khó bảo vệ vì có nhiều cửa ra vào. Ngày mùng bốn ấy, Sorrels trả lời với Behn là theo ý ông ta, vấn đề bảo vệ ở Trade Mart có thể giải quyết nếu tiến hành những phòng ngừa đặc biệt. Lawson cũng nghiên cứu việc này và cuối cùng, Kennet O’Donnell quyết định tổ chức bữa ăn trưa ở Trade Mart, ngày mười bốn Behn thông báo quyết định ấy với Lawson.
Dĩ nhiên, Trade Mart được đặt dưới các ngọn đèn soi mói của mật vụ từ đủ các phía. Kế hoạch bảo vệ Trade Mart được nhiều nấc duyệt, bổ sung, trong đó ngoài mật vụ túc trực, sẽ có vòng rào cảnh sát bên ngoài. Các nhóm cảnh sát trên nóc nhà và tất cả nhà lân cận. Hơn hai trăm cảnh sát được huy động vào công việc ngay tại ngôi nhà. Ngày 8-11, Lawson cho các người có trách nhiệm hay đoàn của Tổng thống sẽ diễu hành qua thành phố bốn mươi lăm phút từ sân bay Love đến Trade Mart. Ngày mười bốn, Sorrels và Lawson dự một cuộc họp tại sân bay, và sau đó đi theo lộ trình mà Sorrels cho rằng tốt nhất – con đường dài 16 cây số.
Từ Love, đoàn sẽ qua một khu ngoại ô rồi khu trung tâm theo đường Main, có một đoàn sử dụng xa lộ Stemmons. Sau bữa ăn, đoàn sẽ trở lại sân bay theo con đường dài 6 cây số. Lawson và Sorrels làm việc với Giám đốc cảnh sát Dallas – Jessey E. Curry, Phó Giám đốc Charles Batchelor, Phó Giám đốc N.T. Fitsher và nhiều sĩ quan cao cấp của ngành cảnh sát, quân đội, an ninh, nội địa. Ngày mười tám, Sorrels, Lawson và Batchelor cùng nhiều sĩ quan cảnh sát đi trên xe và cho chạy thử - đúng bốn mươi lăm phút theo lối điều hành. Chiều ngày mười tám, lộ trình, nơi ăn, đường quay lại sân bay... xem như không có gì trao đổi nữa.
Sorrels yên tâm – năm 1936, ông ta từng bảo vệ Tổng thống Franklin Rooselvet công du Dallas.
Gần ngày Kennedy đến Dallas, hai tờ nhật báo địa phương đăng nhiều tin tức liên quan đến lộ trình của Tổng thống. Ngày 15-11, tờ Dallas Times – Herald lần đầu tiên cho biết Trade Mart sẽ là nơi Tổng thống ăn trưa. Ngày hôm sau, cũng tờ báo này đăng tin lộ trình của Tổng thống có thể qua trung tâm thành phố bằng con đường Main, từ sân bay Love. Ngày mười chín, Dallas Times – Herald viết rõ: từ sân bay, đoàn sẽ đi ngang Mockingbird Lane và đường Lemmons để đến Turtl Creek, nơi đoàn sẽ chuyển hướng về phía Nam, nhắm Codar Springs. Đoàn lại xuyên thành phố qua đường Harwood, trở lại đường Elm nơi giáp nối với đường Harwood, lại quay sang hướng Tây, theo đường Main, trở về đường Elm đoạn đường Houston, rồi theo xa lộ Stemmons đến Trade Mart.
Sáng ngày hai mươi hai, tờ Morning News cho biết: đoàn xe sẽ chạy từ từ để mọi người có thể nhìn rõ mặt Tổng thống và phu nhân khi đến trung tâm thành phố.
Dư luận Dallas phân tán về chuyến công du này. Tờ Times–Herald ngày 17-9 từng viết xã luận kêu gọi dân Dallas nên “lịch sự” với vị khách quý mặc dù năm 1960, Dallas không bỏ phiếu cho Kennedy và sẽ làm như vậy năm 1964. Người ta nhớ ngày 24-10, Adlai Stevenson, đại sứ Mỹ ở Liên Hiệp Quốc, thuộc Đảng Dân chủ đến Dallas, sau bài diễn văn lúc ra khỏi nhà hát, bị đám đông vây, xô đẩy, thậm chí nhổ vào ông. Ngày 26-10 có thông báo của cảnh sát Dallas gọi một trăm cảnh sát trù bị nhập ngũ. Trong tháng mười một, báo chí Dallas thường xuyên tường thuật các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho Tổng thống với mọi chi tiết, đăng các bài của các nhân vật Texas kêu gọi dân chúng đừng biểu tình hay làm điều gì không hay. Hai ngày trước khi Kennedy đến Dallas, Giám đốc cảnh sát Curry tuyên bố dứt khoát sẽ không tha thứ bất kì cuộc biểu tình nào trong dịp này.
Ngày 21-11, vào 10 giờ 45 phút - giờ địa phương – Kennedy và vợ bắt đầu cuộc viếng thăm Texas. Họ rời Nhà Trắng trên một trực thăng để đến căn cứ không quân Andrews rồi sử dụng chiếc chuyên cơ giành cho Tổng thống - chiếc Air Force One - cất cánh hồi 11 giờ và hạ cánh ở San Antonio hồi 13 giờ 30 phút. Phó Tổng thống Johnson và thống đốc Connally tiếp họ. Đoàn của Tổng thống xuyên thành phố San Antonio. Buổi chiều, Tổng thống hoạt động theo chương trình định trước; khánh thành Trường Y học Không quân – Vũ trụ tại căn cứ Brooks. Sau đó, họ đến Houston bằng máy bay, vào thành phố bằng ô tô và Tổng thống nói chuyện ở sân vận động Rice; dự cơm tối do dân biểu Thomas Albert chiêu đãi. Tại sân vận động, đám đông cuồng nhiệt hoan nghênh Tổng thống. Ở Houston và suốt chặng đường, người ta dành cho bà Kennedy một tình cảm rõ rệt - một thiếu phụ đẹp và duyên dáng. Khá khuya, Tổng thống và đoàn tùy tùng bay đến Fort Worth và nghỉ đêm ở khách sạn Texas.
Sáng hai mươi hai, Tổng thống ăn nhẹ tại khách sạn, sau đó ông ra chào đám đông hoan hô ông. Có người ngại nguy hiểm khi Kennedy muốn đi ra ngoài trời để nhìn và nghe. Kennedy bảo: nếu ai đó muốn giết Tổng thống Mỹ thì chẳng khó khăn gì - cứ đặt ở một ngôi nhà nhiều tầng nào đó một tay súng có máy ngắm.
Giữa buổi sáng, Dallas tạnh mưa, mặt trời chói chang. Chuyên cơ đáp xuống sân bay Love vào hồi 11 giờ 40 phút - giờ địa phương. Máy bay chở Phó Tổng thống đỗ trước đó năm phút. Tổng thống vẫy chào đám đông đón ông. Mật vụ giăng dây để đám đông không đến gần được Tổng thống, kể cả nhà báo và nhân viên nhiếp ảnh. Mười phút sau, họ lên xe vào Dallas.
Đoàn gồm xe mô tô, xe hướng dẫn, xe cảnh sát. Kennedy đi trên chiến xe Lincoln mui trần, loại đặc biệt, sản xuất năm 1961, được thiết bị an toàn riêng. Kennedy ngồi bên phải băng sau với vợ. Thống đốc Connally ngồi ở băng trước. Mật vụ viên đặc biệt William R. Green cầm lái và bên cạnh là Kellerman. Kellerman ngoài nhiệm vụ bảo vệ còn giữ liên lạc vô tuyến điện với cả đoàn. Bên mỗi hông xe Tổng thống có hai mô tô. Sau xe Tổng thống là chiếc Cadillac tám chỗ ngồi, kiểu 1935, chở tám nhân viên mật vụ, mỗi người trang bị một khẩu súng ngắn “38,” một súng trường và một súng trường tự động. Powers và O’Donnel chỉ huy bảo vệ ngồi trên xe máy. Đoàn xe dài đến 400 thước.
Mười một giờ năm mươi phút, Kennedy rời sân bay với tốc độ từ 48 đến 50 cây số/giờ. Ở trung tâm thành phố, Tổng thống được đông đảo dân chúng hoan hô nồng nhiệt. Tình hình ấy khiến cả đoàn, đặc biệt là nhân viên mật vụ và cảnh sát lơi lỏng cảnh giác.
Mười hai giờ ba mươi phút, xe của Tổng thống chạy trên đường Elm đến ngã ba có cái tên kì quặc: Triple Underpass với tốc độ 17 cây số/giờ, nhiều phát súng carbine nổ và giết ngay Tổng thống, làm bị thương nặng thống đốc Connally. Một viên đạn xuyên cổ Tổng thống, viên kế tệ hại hơn, làm nổ bộ phận phải sọ não của Tổng thống. Giữa lúc ấy, bà Kennedy đang chào đáp lễ dân chúng. Tiếng nổ làm bà giật nảy: Trời ơi, họ giết chồng tôi... Tôi yêu anh, Jack!
Và sau đó, một gã Osward nào đó trở thành mục tiêu của cuộc điều tra...
*
- Đấy là với Tổng thống họ! – Luân bảo Dung.
Cả hai không nói gì hơn khi đọc xong tài liệu về cái chết của Kennedy.
Luân và Dung không bao giờ tin thuyết quả báo. Song, họ cảm nhận cuộc chiến đấu thay hình đổi dạng đến mức tàn bạo, khó mà biết được đâu là chốn tận cùng.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui