Ván bài lật ngửa

Ngày 31-5, Hội nghị Quân sự ở Honolulu đánh giá toàn diện tình hình Nam Việt với những tin tức mập mờ về khả năng thêm quân Mỹ ở Nam Việt và ném bom Bắc Việt.
Trong lúc đó, nước Lào láng giềng trải qua cơn khủng hoảng mới. Tướng Abhay cùng tướng Siho đảo chính, mưu toan lật đổ Chính phủ liên hiệp của ông hoàng Phouma, song vấp phải phản ứng mạnh của các lực lượng ủng hộ chính sách trung lập và của các cơ quan đại diện nước ngoài đóng ở Vientiane. Abhay lại phải tuyên bố trung thành với ông hoàng Phouma. Sự kiện nói trên nối tiếp sự kiện máy bay Mỹ và Nam Việt ném bom biên giới Lào Việt và bổ sung, trắng trợn hơn, bằng trận ném bom Khang Khay, thủ đô của Pathét Lào, do chính không quân Mỹ thực hiện. Ý đồ Mỹ phá thế ổn định ở Lào, theo chủ trương trung lập của Phouma, ngày mỗi công khai. Tất nhiên Pathét Lào không khoanh tay: Paksane bị quân Pathét Lào uy hiếp, cánh đồng Chum thất thủ, Xiêng Khoảng thất thủ... Địa bàn của Pathét Lào mở rộng, Thủ tướng Phouma lên án phái hữu, lên án Mỹ và kêu gọi ba phái Lào gặp mặt để hòa giải...
Mỹ đồng thời cũng đẩy quân đội Sài Gòn gây rối dọc biên giới Cambốt, một số cuộc đụng độ được ghi nhận và nhiệm vụ của Tướng Huỳnh Văn Cao coi như thất bại. Dưới sức ép của Mỹ, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cử một phái đoàn điều tra về các va chạm Việt – Cambốt. Nhưng ông hoàng Sihanouk từ chối; ông tuyên bố: Không cần một phái đoàn nào mới mà chỉ cần Ủy ban quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến Đông Dương quy định trong hiệp nghị Genève 1954 hoạt động là đủ.
Ngày 7-6, hai mươi chín họ đạo Thiên Chúa giáo Hố Nai cùng các họ đạo xóm Mới, Bắc Hà, Bình An... giương biểu ngữ, tràn ngập đường phố số lượng ước hai vạn. Đây là cuộc biểu dương quy mô lớn đầu tiên của giáo dân sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Điểm tụ hội là công trường Lam Sơn. Trong hàng mấy trăm khẩu hiệu, đáng chú ý khẩu hiệu: Lột mặt nạ bọn lợi dụng cách mạng đàn áp Công giáo.
Ngày 15-6, vài vạn giáo dân biểu tình ở Huế với khẩu hiệu na ná như Sài Gòn.
*
TỔNG THỐNG JOHNSON VÀ ĐƠN THUỐC CHO CON BỆNH VIỆT NAM
(Financial Affairs – Helen Fanfani).
Sài Gòn, đầu tháng bảy.
Nhà Trắng có vẻ từ do dự đã nghiêng về một thử nghiệm khác cho sự tìm chiến thắng ở Nam Việt. Những hoạt động ngoại vi Nam Việt cho thấy Tổng thống Johnson xếp chung hàng, nếu không đường hoàng thì cũng rón rén với thế lực được dư luận Mỹ gọi là “diều hâu” nhân danh cho tất cả, kể luôn Chúa. Một lần nữa, Bộ Ngoại giao, được phố Wall yểm trợ, đã đánh bại chiến lược của Ngũ Giác Đài - không chờ đợi Quân lực Việt Nam Cộng hòatrưởng thành mà chính người Mỹ gánh vác mọi diễn tiến ở Nam Việt, dù cái giá như thế nào. Bom Mỹ rơi trên đất Lào; bom Mỹ sẽ rơi trên đất Cambốt, cả hai quốc gia đều theo thuyết trung lập. Tính logic dẫn người ta đến một viễn cảnh gần gũi hơn: Bom Mỹ không từ chối rơi trên lãnh thổ Bắc Việt. Tình hình phơi bày hằng ngày ở Nam Việt củng cố tính toán của Tổng thống Mỹ: khó lòng hi vọng ở sức mạng chống Cộng của các phe cánh chính trị, còn lâu mới gọi được là đảng nếu thiếu dollar Mỹ làm chất keo dính số chính khách mà quá khứ từng người đã lau chùi mấy cũng chẳng bốc lên mùi hấp dẫn, dân chúng Nam Việt đã chán chê và nghi kị: khó lòng hi vọng ở các tướng và đội quân do Mỹ trang bị từ đầu đến chân, bận tâm giành chỗ ngồi và ngân khoản hơn đánh giặc...
Chưa bao giờ Sài Gòn đậm đặc những mâu thuẫn đan chéo như hiện nay. Một mặt người ta phải tỏ ra “cách mạng triệt để” với sắc luật lấy ngày 1-11 làm ngày Quốc khánh và với một loạt bản án lạc lõng và quái dị: bắn Ngô Đình Cẩn và một trùm mật vụ khác ở Huế, xử tù Dương Văn Hiếu không tên tuổi, đồng thời hạ án Đặng Sĩ, nổi tiếng hơn, xử chiếu lệ Tổng cục trưởng tình báo Nguyễn Văn Y... Giới ngoại giao và báo chí cười mỉa: Lẽ ra phải xử chính tướng Nguyễn Khánh, nếu không phải Đại sứ Cabot Lodge và cao hơn nữa, các Tổng thống Mỹ từ năm 1954 đến nay!
Phật giáo được thỏa mãn: đoàn Tuyên úy chính thức thành lập trong quân đội. Nhưng người ta hỏi: mấy người theo đạo Phật thật sự vui mừng về việc một số tu sĩ thuộc tôn giáo đeo quân hàm và dấn sâu vào việc sát sinh mà đạo Phật cấm kị? Công giáo bực tức, nổ liền mấy cuộc biểu tình và Chính phủ của tướng Khánh ve vãn.
Tướng Khánh giải tán Hội đồng Nhân sĩ và ra sắc luật lập Quốc hội lập hiến – trò chơi dân chủ như trò cút bắt của trẻ con. Sài Gòn đã có bảy đảng chính trị hoạt động, mười lăm đảng được cấp giấy phép và còn mười sáu đơn xin phép, tổng cộng ba mươi tám. Số đảng mọc như nấm này ngang với số báo hằng ngày và tất nhiên người ta phải đăng trên mục rao vặt: Đảng X cần bao nhiêu đảng viên, ai đăng kí sẽ được một ổ bánh mù kẹp thịt nguội!
Chiến trường không chơi trò cút bắt. Việt Cộng tấn công mạnh, xe lửa quân sự bị giật mìn, huyện lị bị pháp kích, hàng không mẫu hạm Mỹ bị đánh thủng, quân đội Nam Việt bị phục kích liên miên, Ấp chiến lược rã hàng mãnh, những trận đụng độ quy mô lớn, phi cơ Nam Việt xuất kích ồ ạt, an ninh suy sụp.
Khi tôi viết bài báo này, một tiền đồn quan trọng trên cao nguyên Trung phần lọt vào tay Việt Cộng, với thương vong công bố chính thức của Sài Gòn – bao giờ nhà báo chúng tôi cũng tính xác xuất theo cách riêng của mình: giảm một nửa thương vong của Việt Cộng và nhân gấp đôi thương vong của Việt Nam Cộng hòa – bốn mươi lăm chết, hai mươi bảy bị thương, có hai Mỹ; vài ngày sau, một tiền đồn khác ở Thừa Thiên bị hạ, thương vong của Việt Nam Cộng hòa lên đến năm mươi tám chết, trong đó có một Mỹ và một Úc... Ngay tại Sài Gòn, như các báo đưa tin, Bộ trưởng Mac Namara bị mưu sát. Một trong hai thanh niên bị bắt đã hiên ngang nhận sứ mệnh trừng phạt kẻ gây chết chóc cho dân tộc Việt Nam.
Và, sự thể còn đáng lo ngại hơn nhiều: một cuộc xung đột đẫm máu không diễn ra ở chiến trường mà tại thủ đô và giữa những người có lẽ không hề có mối quan hệ với Việt Cộng. Toán giáo dân Thiên Chúa từ nơi nào đó ụp đến một trường dạy nghề cách chợ Bến Thành vài trăm mét, hành hung. Trường này không phải thuộc Phật giáo. Số tấn công đập cổ chai bia làm khí và rất không may cho họ, họ phải chọi với hàng nghìn học sinh có đủ dụng cụ đề kháng trong tay: búa, kềm, mỏ lết, thanh sắt... Cảnh sát can thiệp trễ tràng, máu nhuộm cả một đoạn đường. Lí do của cuộc tấn công vẫn chưa sáng tỏ. Hình như học sinh của trường dạy nghề này – trường rất cổ - là nòng cốt của bộ phận chống lại tướng Khánh trong tổ chức sinh viên và học sinh. Thế thì, không hẳn giáo dân cuồng tín này chủ mưu trả thù cho ông Diệm. Ai giật dây, đúng tính chất hơn, ai chi tiền cho họ? Thật là câu hỏi hóc hiểm, trừ đại sứ quân Mỹ, không đâu có câu trả lời thỏa đáng.
James Killens được Chính phủ Mỹ bổ làm Giám đốc Viện trợ Mỹ ở Nam Việt. Máy tính điện tử mà ông sẽ sử dụng đòi nhiều hàng đơn vị, chắc chắn con số lên mức tỉ dollar. Mỹ tình nguyện đưa cả hai chân xuống bãi lầy. Đơn thuốc của Tổng thống Johnson đồng nghĩa: cả con bệnh lẫn thầy thuốc cùng chịu chung một hậu quả.
Viết thêm: Tôi chưa gửi bài báo thì được tin tướng Taylor đến Sài Gòn – lần này với tư cách đại sứ. Một đại sứ là tướng, ngôi sao sáng nhất của giới quân sự Mỹ và một tư lệnh nuôi nấng mơ ước thành Mac Arthur – bản giao hưởng từ nay không thể đổ cho sự thiếu hài hòa giữa các nhạc công chủ yếu.
Cũng lần đầu tiên, Tổng Thư kí Liên Hợp Quốc, ông U Thant, công khai lên tiếng về vấn đề Việt Nam: ông đề nghị triệu tập lại hội nghị Genève.
Tất nhiên, ai cũng biết nội ngày mai, Chính phủ Mỹ, Anh và Việt Nam Cộng hòa sẽ phản đối ông U Thant. Với Tổng thống Johnson, phải cho cả Đông Nam Á thấy thế nào là cơn thịnh nộ của Mỹ...
(H.F 9-7-64)
*
Bức thư theo đường bưu điện đặt cho Luân và Dung một bài toán từ khi nhận nhiệm vụ họ chưa phải giải đáp bao giờ. Một thế lực nào đó – một “siêu thế lực” – khống chế vợ chồng Luân, nói trắng ra, buộc vợ chồng Luân trở thành nhân viên tình báo chuyên nghiệp, ở đây, hẳn là của Mỹ.
Luân ngồi thừ rất lâu. Dung cũng vậy. Cả hai rất yêu con. Nhưng, sinh mệnh con và sinh mệnh chính trị cùng lúc đăt lên đòn cân.
Dung không khóc. Cô cố dằn và một lúc, chính cô thấy rằng khóc là vô lí, chẳng những rối tâm trí Luân mà trước hết không cho phép cô đủ sáng suốt phân tích sự việc.
- Con chúng ta ít có khả năng bị hại... - Dung nêu suy nghĩ của mình.
- Đúng! – Luân đồng tình.
- Vấn đề là chúng ta phải đóng vai trò như thế nào... Vai trò đó gần với trách nhiệm của chúng ta – Dung nói thêm.
- Em có lí...
Luân gọi điện. Saroyan cầm máy và sau đó, trao cho Jones Stepp.
- Tôi vừa nhận được thư nặc danh liên quan đến con tôi...
-Thế à? – Giọng Jones Stepp ngạc nhiên rất thành thực, hình như ông ta áy thông báo với Saroyan.
- Tôi muốn tướng quân cho xin số điện thoại của ông John Hing.
- Đại tá nghi ngờ John Hing?
- Không phải nghi ngờ mà quả quyết...
- Nội dung bức thư nói gì?
- Bảo nhà tôi chấp nhận cung cấp tin của Việt Cộng.
- Sao lại thế... Thôi được, số máy của ông ta đây...
- Cám ơn tướng quân...
Dung ngăn Luân:
- Anh khoan gọi cho John Hing.
Cô tìm trong danh bạ điện thoại đặc biệt.
- Anh để máy cho em.
Dung gọi, nói tiếng Anh.
- Hello! Tôi xin được nói chuyện với Ngài William Porter... Vâng, tôi ở Tổng Nha cảnh sát Quốc gia... Xin chào Ngài. Tôi là Hoàng Thị Thùy Dung, Giám đốc Nha công vụ Tổng nha... Cám ơn Ngài. Tôi đã có tin báo về cháu. Tôi nghĩ là một trò kém thông minh. Không... Vợ chồng tôi không bao giờ cho rằng Ngài liên can đến vụ này. Tôi chỉ báo để, nếu có ai đó trao đổi với Ngài về con chúng tôi và cả chúng tôi nữa thì Ngài không ngạc nhiên... Vâng, tôi sẽ nói rõ với Ngài sau. Cám ơn Ngài...
Dung cắt máy và trao cho Luân. Luân cầm luôn tay vợ, hôn lên:
- Em tôi thông minh lắm!
Luân quay máy, giọng John Hing đầu máy kia. Y cũng nói tiếng Anh.
- Williams đấy hả?
- Không, một người khác... - Luân nói tiếng Anh.
- Tại sao ông biết số điện thoại của tôi?
- Chính Ngài Porter cung cấp!
- Ồ! Lạ thật... Ông là ai?
- Tôi đi vào vấn đề: ông nên chấm dứt trò chơi ngu xuẩn bằng cách dùng con để uy hiếp cha mẹ...
- Thế ông là...
Luân không trả lời, nói luôn:
- Ông dùng Ly Kai với phương pháp quen thuộc của hắn... Tôi, vợ tôi sẵn sàng cùng ông bàn nghiêm chỉnh, nhưng không phải theo lối đặt sệt Chicago ấy. Hãy tỏ ra là người lớn và bàn việc người lớn.
Đầu dây kia im lặng một lúc nhưng nghe có tiếng máy quay. Luân đoán John Hing gọi William Porter.
- OK! – John Hing trở lại nói chuyện với Luân - Tôi sẽ gặp ông và bà... Đúng, nên cư xử như người lớn. Dù sao, con của ông bà vẫn bình yên, nếu tôi không lầm, không sụt cân. Còn Ly Kai, ông đã biết, tùy ông xử lí, tôi không can thiệp. Con của ông bà sẽ về nhà, trễ nhất là nửa giờ nữa. Còn người của tôi ở bưu điện...
- Ông yên tâm. Đó là người của ông. Chúng ta không chơi theo luật rừng...
- Bravo... Gần như tôi không cần gặp ông và bà, chúng ta hiểu nhau hơn mức tôi mong... Nói thế, tôi sẽ gặp. Xin lỗi ông. Và có lẽ cũng không cần phải nói quá kĩ về sự việc với Williams Porter hoặc Jones Stepp.
- Đồng ý...
- Xin ông bà đốt cho tờ giấy kém thông minh ấy...


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui