Ván bài lật ngửa

Trần Thanh Bền gõ gõ cây viết lên bàn:
- Không có cái gì vĩnh cửu, bà cũng hiểu. Người Mỹ đòi ta tăng cường hạ tầng cơ sở cho vững, nhưng không dễ. Tôi sẽ sang ngành tình báo quân sự, nói cách nào đó, vẫn liên hệ với Tổng nha và với bà. Thật ra, đại tá Sanh chắc không ở lâu ở Tổng nha đâu. Tổng giám đốc có thể thay đổi theo thời tiết chính trị, còn các nha chuyên môn cần tồn tại càng lâu càng tốt. Vì lẽ đó, tôi đã trình với Thủ tướng không thay đổi bất kì ai từ cấp Nha trở xuống. Biết đâu rồi bà làm việc với tôi lần nữa.
Bỗng, Bền hỏi một câu không dính đến việc đang bàn.
- Hình như đại tá Luân quen thân với Tướng Dương Văn Đức?
- Quen thì có, thân thì không. – Dung đoán ra ý của Trần Thanh Bền.
- Tôi muốn khuyên đại tá Luân: Đừng quan hệ với tướng Đức!
- Vì sao? Trong công vụ, Phó Tổng thanh tra và tướng tư lệnh vùng vẫn phải làm việc với nhau.
- Tôi không nói hướng đó... Tất nhiên, trừ một ẩn số...
- Tôi chưa hiểu ý đại tá...
- Ẩn số đó là đại tá Luân trao đổi và được Tướng Jones Stepp đồng ý về mọi quan hệ... - Bền vừa nói vừa ngó Dung.
- Nhà tôi chơi khá thân với Tướng Jones Stepp. - Dung đánh đòn gió.
- Thế thì không có gì phải bàn... Còn bà, bà biết John Hing chớ?
- Biết! Tôi đã gặp ông ta...
- À! Đó là điều thú vị đối với tôi. Tôi cũng có gặp John Hing... Hình như bà gặp ông ta từ vụ cháu bị bắt cóc?
- Đúng...
Trần Thanh Bền như muốn hỏi thêm, nhưng suy tính một lúc, lại thôi.
- Nghề của chúng ta khá lắt léo. Bà đồng ý không?
Dung không xác nhận mà cũng không phủ nhận nhận xét tuy chung chung mà rất cụ thể của Bền.
- Đại tá Sanh, theo tôi, cũng đã gặp John Hing!
Dung không tỏ vẻ gì xúc động với cái tin úp mở này.
- Thôi chúng ta tạm chia tay... - Trần Thanh Bền ra khỏi Nha công vụ.
*
Luân liếc qua danh sách Thượng hội đồng Quốc gia. Có thể đây là kết quả của một cuộc trả giá dai dẳng giữa các phe nhóm và đòi Alexis Johnson cùng William Porter tốn nhiều công cân nhắc từng người. Cũng có thể đây là quyết định thảo trong vòng năm phút, nhớ ai ghi nấy, cốt cho có. Khả năng thứ nhất rất ít nếu không nói vô lí. Khả năng thứ hai thì rõ và bức tranh tô vẽ vụng về càng làm cho cảnh trí thêm lố bịch.
Dung rón rén đến sau lưng chồng. Cái đập vào mắt cô là tóc Luân chen quá nhiều sợi bạc. Không phải hằng ngày cô không thấy sự đổi màu này, song hôm nay, cô bỗng phát hiện tóc chồng cô đổi màu thật nhanh. Nỗi xót xa dâng lên mắt cô. Cô ghì cổ Luân và khóc rấm rứt.
Luân gỡ tay vợ, kéo ngồi bên canh, chậm nước mắt cho vợ.
- Bản danh sách lố bịch! - Luân lập lại ý nghĩ và cũng muốn xua đi cảm xúc của vợ, anh hiểu Dung xúc cảm vì cái gì.
Dung ngả đầu vào ngực chồng, không nói.
- Về những sợi tóc bạc, dễ đối phó thôi. – Luân vuốt ve Dung – Em mua cho anh một loại thuốc nhuộm bán đầy các tiệm! Còn bản danh sách...
- Lố bịch một cách không giấu giếm. – Dung trở lại công việc – Ông Sửu, ông Huyền, ông Nhựt, ông Hy... Cả giới danh tiếng chen vài người lạ hoắc, như Nguyễn Văn Lực...
- Một Quốc dân Đảng đấy...
- Có thể. Một liên minh rộng nhất.
- Và cũng hẹp nhất, bởi mỗi người là một thế giới riêng...
- Tác giả lập danh sách đâu cần...
- Nó chỉ báo trước người Mỹ dọn đường cho chính sách mới bằng sự thất bại của tướng Minh, tướng Khánh và cả cái Thượng hội đồng này. Chủ bài của Mỹ còn lấp ló...
Dung thuật cho Luân nghe đối đáp của Đại tá Trần Thanh Bền và cô. Luân ngao ngán:
- Mất cơ hội rồi! Tướng Đức không làm được cái tối thiểu mà ông muốn, tức loại Khánh.
Chuông điện thoại reo. Tướng Lâm hẹn gặp Luân gấp.
- Nếu Jones Stepp hỏi về anh, em cứ nói là anh đi gặp tướng Lâm.
... Luân dùng taxi và không mang bảo vệ theo. Anh đổi nhiều lần taxi, đi các chiều trái ngược để cuối cùng đến một con đường thật hẹp ở Chợ Lớn. Anh trà trộn dòng người, rẽ vào một hiệu ăn, gọi bia, quan sát bên ngoài. Khi biết chắc không bị theo dõi, Luân lại lộn ra đại lộ và nhà hàng Đồng Khánh. Luân ngờ ngợ về một số người lảng vảng – hẳn bảo vệ của tướng Lâm. Tướng Lâm, hóa trang một Hoa kiều, chờ Luân trong phòng dành riêng cho khách đặt trước. Nhân viên phục vụ cúi chào Luân lễ phép. Trong một thoáng, Luân xác định gã nhân viên này. Anh cười và nheo mắt với gã. Gã giả bộ ngờ nghệch không thành thạo lắm.
- Tôi phải có mặt ở Cần Thơ chiều nay... - Lâm nói.
- Có người theo dõi anh, - Luân bảo – Cũng có thể theo dõi tôi.
- Mặc kệ nó... Nếu cần, tôi bắn! Người của tôi quanh đây.
- Bao giờ thì khởi sự?
- Sáng mai...
- Theo tôi biết, mục tiêu của các anh hiện không ở Sài Gòn...
- Tôi cũng biết, song không trễ hơn được. Trễ hơn, lộ ráo. Anh biết thằng cha Đức nóng nảy lắm...
- Lẽ ra, ông ta làm ngay lúc vụ Hiến chương Vũng Tàu náo loạn. Bây giờ, mục tiêu của các anh được che chắn kĩ bằng ông Minh và cả một lô nhân sĩ trong Thượng hội đồng.
- Nhưng, Đức đã phát lệnh... Tôi phải có mặt để còn vớt vát.
- Có nên không?
- Nên! Vì không có tôi, Đức không tiến xa tới Sài Gòn và như vậy, thật vô nghĩa... Anh khuyên tôi điều gì?
- Lời khuyên quan trọng nhất đã không được anh nghe; nếu còn kịp, ngưng hành động, chờ cơ hội tốt hơn, nếu không kịp, anh giấu mặt.
- Anh quá cẩn thận. Sau tướng Đức là người Mỹ.
- Người Mỹ nào? - Luân hỏi, hơi cười.
- Tụi cố vấn quân đoàn.
- Yếu lắm! Người Mỹ phải cỡ Alexis Johnson. Cánh quân sự Mỹ không dám vượt quy tắc nhà binh đâu. Ngay Harkins còn chịu thua Cabot Lodge.
- Liệu Jones Stepp ủng hộ Đức không?
- Tôi nghĩ là không. Jones Stepp chỉ có nhiệm vụ lo tình báo quân sự.
- Kệ mẹ nó! Thử liều một keo...
- Các anh đánh sấp ngửa trong canh bạc chính trị e khó thắng... Tôi hỏi anh: quan hệ với phía bên kia thế nào?
- Tôi thì có... Chắc anh biết. Đức phản đối. Nó không thích.
- Ông ta định biểu dương lực lương, tạo tiếng vang chăng?
- Gần gần như vậy... Đúng ra, tôi với nó gặp ở chỗ phải loại thằng râu dê...
- Tướng Khánh không quan trọng như các anh gán cho ông ta... Nói chính xác, cái mục tiêu mà các anh nhắm hết còn là mục tiêu. Thậm chí, ít ra hai người sẽ cảm ơn các anh – cảm ơn trong bụng và kết án trên môi...
- Ai? Thằng Khiêm hả?
- Mới một người...
- Còn ai?
- Tướng Thiệu...
- Anh nói đúng... Tôi nhớ và không bỏ sót nó đâu.
- Quan hệ với phía bên kia của anh tới mức nào? Tôi muốn nói về việc hợp đồng...
- Đã bàn, song chắc lực lượng của họ có hạn...
- Bây giờ, hẳn chưa muộn, tôi khuyên các anh tuyên cáo rõ ràng mục đích ủng hộ tướng Minh và Thượng hội đồng, đòi thành lập một Chính phủ dân sự do tướng Minh chỉ định Thủ tướng...
- Chỉ định ai?
- Ai cũng được...
- Còn thằng Khánh?
- Khôn ngoan nhất là đổi mục tiêu...
- E Đức không nghe...
- Thành công hay thất bại của các anh nằm trong tuyên cáo chính trị. Các anh phải làm cho Mỹ yên tâm và thấy các anh có lí. Các anh cho Mỹ thấy nên chấp nhận quan điểm của các anh thì họ có khả năng giảm tối thiểu lực lượng tham chiến đồng thời vẫn thắng được Việt Cộng... Các anh nói rõ: Cần xây dựng lực lượng Nam Việt thật mạnh.
- Tôi chưa hiểu ý anh...
- Đằng sau hoặc bên trên mọi diễn viên sân khấu, là ngân hàng và các công ty sản xuất vũ khí vai vế. Họ cần tuôn hàng triệu tấn vũ khí sang đây. Nếu họ đánh giá các anh không gây trở ngại mà còn giúp họ những con số thu nhập khổng lồ thì các anh có cơ sở đứng được...
- Từ trước, theo tôi nghĩ, anh e ngại điều đó...
- Đúng. Nhưng, bây giờ, tôi lo ngại hơn mấy trăm nghìn quân Mỹ tràn ngập lãnh thổ ta. Súng đạn, các phương tiện chiến tranh... không còn cách nào xua chúng ra khỏi Việt Nam, nhưng hạn chế thực binh Mỹ thì vẫn chưa hết hi vọng, miễn các anh đừng chứng tỏ ngược lại: vũ khí Mỹ không đủ, phải cân bằng mấy chục sư đoàn...
- Hay anh cùng đi với tôi...
Luân nhếch mép:
- Chưa phải lúc... Dù rằng tôi đoán việc làm của các anh sẽ đẩy tôi vào một tình thế tế nhị, có khi nguy hiểm...
Hai người bắt tay nhau thật chặt. Luân không chúc tướng Lâm thành công mà chúc sức khỏe.
Luân về đến nhà. Dung để lại tờ giấy: Jones Stepp gọi cho anh và dặn anh gọi ngay cho ông ta.
... Luân quay máy. Saroyan nghe:
- Jones vừa sang đại sứ quán... Có việc gì, anh yêu?
- Có...
- Ảnh hưởng xấu hay tốt đến anh, Dung và con?
- Chưa biết phải nói với Saroyan thế nào cho đúng...
- Jones hẹn trưa về. Em sẽ đến với anh. Anh chờ em...
Luân chưa kịp trả lời thì Saroyan cúp máy. Điện thoại lại reo: Helen Fanfani gọi Luân:
- Tôi biết một tin sắp đảo chính! Đại tá biết không?
- Ai cho cô tin đó?
- Tất nhiên, tôi có nguồn tin...
- Một nguồn tin thẩm quyền, đúng không? Và người ta không định bóp cuộc đảo chính trong trứng nước, trái lại, nóng lòng chờ nó, hoặc hối thúc cho nó diễn ra càng sớm càng tốt. Đúng không?
- Tôi phục đại tá. Đúng... Tôi cảm giác như vậy... Và, đại tá đứng ngoài cuộc chứ?
- Người ta muốn tôi đứng trong cuộc...
- Thái độ đại tá?
- Như cô đang nói chuyện, tôi đang ở nhà...
- Đó là một chi tiết quan trọng cho bài báo sắp tới của tôi...
- Cám ơn Helen...
Saroyan vào nhà. Không e dè gì cả, cô ghì Luân và hôn đắm đuối...
- Thỉnh thoảng, anh cho em đôi phút của cuộc sống. – Saroyan nói, nước mắt đầm đìa.
Chuông điện thoại lại reo.
- A lô! À, chào ông, ông John Hing. – Luân ra dấu cho Saroyan, Saroyan ngồi xuống ghế, đờ đẫn.
- Tôi định nói chuyện với bà, lại gặp ông... - Đầu dây kia, giọng John Hing khàn khàn – Tôi đã nhận được tài liệu của bà. Tôi không nói về giá trị, chúng chẳng có giá trị gì, song vui lòng vì bà đã giữ lời hứa. Tôi muốn hỏi ông: Vừa rồi, ông vào Chợ Lớn làm gì?
Mồ hôi rịn trên trán Luân.
- Người của ông trả lời câu hỏi đó đầy đủ hơn tôi...
- Người của tôi gặp ông, nhưng mất dấu. Ông có vẻ giữ bí mật.
- Chưa hẳn là mất dấu. Tôi gặp người của ông và tôi không giữ bí mật – đúng ra – không giữ bí mật với ông...
- Ông gặp ai?
- Ông không biết sao?
- Tôi hỏi: ông gặp ai?
- Nếu thế tôi trả lời: Tôi gặp người tôi cần gặp.
- Thôi được... Ông không dự vào trò vui?
- Không!
- Tại sao?
- Nó không vui.
- Tốt lắm... Ba hôm nữa, tôi muốn gặp ông...
- Nếu tôi xếp đặt được thời khóa biểu.
- Tôi sẽ gọi lại. Hoặc ông gọi tôi. Chúc ông bình an!
Luân gác máy, ngồi cạnh Saroyan
- Em lo quá!
- Chưa có gì Saroyan phải lo. Nếu Jones Stepp hỏi, Saroyan cứ trả lời: tôi vừa gặp tướng Lâm và tôi không thích thú hành động của họ.
- Em nghe anh nói chuyện với John Hing vừa rồi... Liệu người ta sẽ đối xử với anh thế nào? Với Dung, với con...
Sau này, Saroyan dùng từ “con” để chỉ bé Lý, ngay cả nói chuyện với Thùy Dung.
Luân người đau khổ. Anh không trả lời Saroyan.
- Bất kể tình hình ra sao, không ai được đụng đến anh, đến nhà này...
Saroyan giọng dứt khoát. Dù đã nghe tiếng xe Dung gọi cổng, cô vẫn ôm đầu Luân và đằm thắm hôn lên mắt anh.
Dung vào nhà, ngồi sát Saroyan.
- Đừng khóc Saroyan... - Dung âu yếm, choàng vai Saroyan.
- Mình linh cảm có gì đó không ổn, Dung ạ...
- Nhưng, nếu Saroyan khóc thì chúng ta có vượt qua cái không ổn đó không?
- Mình không đủ sắc sảo như Dung và anh Luân của chúng ta...
- Tân Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia bận tíu tít... - Dung muốn xua tan không khí buồn, nói về công việc.
- Jones Stepp cũng bận tíu tít.
- Những người lo dàn cảnh bao giờ cũng bận khi vở tuồng chưa kéo màn. Khi kéo màn, họ chú ý đến diễn viên hơn là cảnh mà họ tốn công dàn dựng. – Luân nói, kiểu một triết gia.
- Em nghĩ giá mà anh, Dung và con đi nước ngoài một thời gian. Dung có thấy tóc anh Luân phần bạc lấn phần đen không?
Saroyan vuốt tóc Luân.
- Sáng này, Dung đã khóc vì những sợi tóc bạc ấy! – Dung thú nhận.
- Ông Diệm, ông Minh, ông gì gì... anh quên đi...
Saroyan ngó Luân rồi Dung. Cô không tài nào hiểu họ.
- Trưa nay ta ăn cơm chung. – Saroyan nói như ra lệnh. Cô quay điện thoại:
- Hello! Jones đã về đấy hả? Em đang ở nhà vợ chồng anh Luân, trưa nay, Jones ăn một mình nhé!... Có, đợi một chút.
Saroyan trao máy cho Luân.
- Thưa tướng quân, tôi vừa gặp thiếu tướng Lâm... Thế à? Không, tôi muốn làm người quan sát... Chào tướng quân.
- Jones Stepp báo là đại sứ Taylor chờ biến cố như kẻ khát khô cổ chờ nước!
*
Một bộ tham mưu mới ra đời quanh Tướng Nguyễn Văn Thiệu, nhân vật được Mỹ chọn lựa ngẫu nhiên lúc đầu, khẳng định về sau. Người phát hiện ra Thiệu, một nhân vật thuộc CIA - một nhân viên quèn. Trong cuộc đảo chính Diệm, tình báo Mỹ ngại Thiệu, sư trưởng sư đoàn bộ binh Nam Việt số 5 đóng cách Sài Gòn không xa, y ta theo đạo Thiên Chúa, nếu mang quân về “cứu giá” thì hỏng. Nhân viên tình báo kia lãnh nhiệm vụ lại trừ mối nguy hiểm này. Dự trù kinh phí khá lớn, nếu Nguyễn Hữu Có thất bại. Có thông báo: Thiệu sẽ ngả về phía nào ưu thắng. Nhân viên tình báo gặp Thiệu cùng đi với một gái điếm hạng sang. Thiệu như nuốt chửng cô gái điếm, được giới thiệu là vợ một trung úy sắp về dưới trướng Thiệu. CIA chỉ tốn không tới 2.000 dollar, Thiệu giao sư 5 cho người khác để trác táng suốt đêm ngày với cô gái điếm.
Từ ngẫu nhiên, CIA lần lần hiểu con vật họ sử dụng với giá rẻ mạt mang nhiều ưu điểm rất thích hợp đối với nghề buôn bán cả một quốc gia: Thiệu chẳng có lí tưởng gì ráo, hoặc có hai lí tưởng thiêng liêng nhất – tiền và gái; tuy là tín đồ Công giáo, Thiệu không tin cả Chúa, nếu cần bán Chúa ột đêm ngủ với vợ người khác hấp dẫn về xác thịt, y sẵn sàng; thông minh, song chỉ vừa đủ để bày các trò vặt chứ không thể chống đối lại chủ; chẳng bạn bè tình nghĩa với bất cứ ai; tham gia Đảng Đại Việt vì muốn dùng con đường đó mà leo cao, leo cao rồi đá đít luôn lãnh tụ; từng làm văn phòng Việt Minh huyện và mang luôn giấy tờ con dấu chạy sang quân đội Pháp; học trường Pháp nhưng chưa kịp thành trí thức đã tiêm nhiễm văn hóa Pháp; quê Ninh Thuận, lấy vợ Mỹ Tho, không lậm sâu một địa phương nào; thuộc lứa tạm gọi là trẻ; lính tẩy 100%, học Trường Võ bị Đà Lạt năm 1948, trường bộ binh ở Pháp và trường bổ túc Hà Nội, sau học Trường Quân sự Okinawa và Fort Bliss... So với Diệm, nhất định Thiệu dễ bảo một nghìn lần hơn; so với Dương Văn Minh, mồi nhử gì cũng nhử được Thiệu; so với Khánh, Thiệu láu cá hơn... CIA đã bỏ Thiệu và Nguyễn Thành Luân lên đòn cân. Tướng Maxwell Taylor thích Luân như thích một đồng nghiệp tài năng, tài trí, nhưng số đông tình báo lắc đầu; sử dụng Luân là một mạo hiểm vì chưa biết ai sử dụng ai... Vả lại, thời kì tạo một thủ lĩnh tầm vóc đã qua, bây giờ, Mỹ cần một tay sai, đúng với nghĩa trắng của từ tay sai. Với tính ma cô ma cạo, tính hiếu dâm và ham tiền – nói chung, tính hạ cấp ở một sĩ quan cao cấp – Thiệu rơi vào vòng tay CIA mặc dù Thiệu ảo giác chính các cô gái rất thành thạo trò e lệ rơi vào vòng tay y. Để sửa soạn con bài thật chắc chắn – Mỹ đau đầu với Diệm, với Minh và đang khổ sở vì Khánh – mũi đột kích chĩa vào vợ Thiệu. Cũng không khó khăn lắm khi một nhân viên tình báo hạng trung, người Mỹ gốc Ý, trở thành người yêu của vợ Thiệu: sau mỗi cuộc làm tình, vợ Thiệu tặng anh ta một sợi tóc. Và vào lúc này – cuối năm 1964, không thể đếm bao nhiêu sợi trong chiếc bình mà anh ta được lệnh giữ thật kĩ, thật mật, như giữ sinh mệnh của anh ta.
Bộ tham mưu riêng của Thiệu họp. Khá nhiều mưu sĩ. Họ đang nghiên cứu tỉ mỉ nguồn tin về cuộc đảo chính sẽ nổ ra trong ngày một ngày hai...
- Chúng ta chờ đợi... - Nhóm mưu sĩ hiến kế với Thiệu.
- Tướng Khánh sẽ phản ứng. Và, tướng Khánh là nấc thang mà anh phải đạp lên – đạp lên lưng hay lên đầu, tùy anh – để anh trèo đến chỗ mà anh phải tới... - Một mưu sĩ kết luận như vậy.
- Điều tối quan trọng là đừng để tướng Khánh bị bắt hay bị bao vây. Kinh nghiệm vụ Hiến chương Vũng Tàu cho thấy Khánh kém kiên định.
Gợi ý của một mưu sĩ khác được Thiệu khen và Thiệu gọi điện lên Đà Lạt cho Khánh:
- Anh khoan về Sài Gòn...
- Tại sao?
- Anh sẽ biết ngày mai... Tôi tha thiết mong anh nghe lời tôi.
- Được! Tôi nghe anh...
Đó là buổi chiều ngày 12-9-1964, thứ Bảy.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui