Vạn Kiếp Phi Hoa

Kể từ lần đó, ta rất hay lui tới Giảng Võ Đường. Phụ hoàng cũng nghi hoặc mà hỏi ta, sao ta ngày càng có hứng thú với võ thuật như vậy, nhưng ta biết người chỉ hỏi như lấy lệ thôi, ta vốn không phải đứa con người quan tâm. Mọi chuyện đều có lí do, vạn vật đều có lí lẽ riêng, không có gì là tự nhiên sinh ra, tự dưng bắt đầu và bỗng nhiên mất đi. Quốc Tuấn vẫn không quan tâm ta là bao, phải nói như thế nào nhỉ, ta nghĩ thế giới của anh ấy chỉ có động và tĩnh. Những điều tĩnh lặng nghĩa là không tồn tại, những gì chuyển động mới có sự sống, ta đâu có là gì của anh ấy. Ta ngồi đó nhìn anh ấy đã ngẫm nghĩ được rất nhiều điều, đôi lúc cũng cảm thấy nhàm chán nhưng vẫn như bị ma xui quỷ khiến mà đi ngắm người ta lộ liễu như vậy. Lộ liễu nhưng người ta cũng vẫn không thấy ta. Rồi một ngày anh ấy gọi ta lại, thật khác thường so với mọi khi, lại còn bày trò cho ta nghịch nữa.

- Em nhìn thấy những trái ổi trên cao không?

- Trông thật ngon.

- Nhìn ta đây.

Quốc Tuấn nhặt viên đá dưới đất, giương ná gỗ, bắn rơi trái ổi trên cao, ta trầm trồ thán phục.

- Lại đây ta hướng dẫn em. Có hai cách cầm ná, cách thứ nhất mà nhiều người hay cầm, cầm như cầm cán dao, chắc em chưa bao giờ cầm dao đúng không? Vậy càng tốt vì cách này khi kéo căng dây dễ bị rung lắc dẫn đến đi sai mục tiêu. Em nên để một phần tay lên hai chạc, nó sẽ giữ thăng bằng hơn khi bắn. Còn ngắm bắn thì sao, em muốn bắn chính xác thì cần xác định ba điểm thẳng hàng: viên đá, hai khe ná và đích. Em thử đi.

- Ngắm bắn chuẩn xác với ta là chuyện nhỏ.

Thú thật lần đầu bắn ta cũng hơi run, không phải ta sợ bắn chệch, vì anh ấy ở ngay bên cạnh ta, cũng may ta đã bắn hạ trái ổi ấy. Quốc Tuấn khoanh tay tâm đắc, ra dáng một ông thầy, tự khen lấy mình: "Danh sư xuất cao đồ".

Ta cứ mải mê với món đồ chơi đó, một quả, hai quả, rồi sạch sành sanh cây ổi đó, ta cẩn thận xếp vào đầy hai lẵng kéo lê đến chỗ Quốc Tuấn khoe chiến lợi phẩm. Quốc Tuấn nhìn ta thất thần vừa lúc đó tiếng hét của vị sư phụ vang lên: "Ai đã hái hết ổi trên cây?". Quốc Tuấn cốc đầu ta: "Em gây chuyện rồi đó biết không".

Sư phụ quở trách Quốc Tuấn nhưng do ta đứng từ xa nên không nghe thấy rõ sư phụ đó nói gì, anh ấy mặt không biến sắc, rất ngạo nghễ và ngang tàn. Hậu quả là Quốc Tuấn nhận thay tội cho ta, bị bắt phạt đứng tấn, trên vai là chiếc đòn gánh với hai thùng ổi. Đợi vị sư phụ đó đi khuất ta chạy ra chỗ Quốc Tuấn ngập ngừng kéo áo: "Xin lỗi anh". Quốc Tuấn làm bộ mặt lạnh không thèm đáp. Ta vẫn năn nỉ anh ấy: "Ta xin lỗi mà". Quốc Tuấn tức giận nhìn ta, gằn từng chữ:

- Là lỗi của ta. Em - hãy - tránh - xa - ta - ra.

Ta rụt tay lại, ngồi xuống tảng đá gần đó. Có thể anh ấy không ưa ta nhưng chưa bao giờ lớn tiếng với ta như vậy.

- Anh ghét em đến vậy ư? - Ta không hiểu sao nước mắt cứ thế lã chã rơi. Ta đưa tay quệt nước mắt.

- Vì em là hoàng nữ của quan gia phải không?

- Đừng nghĩ ngợi linh tinh.

Ta và anh ấy cứ nhìn nhau như thế rất lâu, rốt cuộc anh ấy nghĩ gì? Vì ta nghịch ngợm mà làm liên lụy đến Quốc Tuấn nên từ nay ta sẽ không làm phiền Quốc Tuấn nữa, sẽ không theo anh ấy đến Giảng Võ Đường nữa. Nhưng khi đó trời bắt đầu nhá nhem tối, ngay cả ta cũng thấy bụng đói cồn cào, vậy mà anh ấy vẫn bị bắt đứng phạt. Ta liền lén mang màn thầu cho Quốc Tuấn.

- Anh có đói không.

Quốc Tuấn lắc đầu.

- Anh không ăn em không đi đâu. - Ta xé mẩu bánh đút cho anh ấy. Ta luôn phải ngước nhìn lên khi nói chuyện với Quốc Tuấn vì anh ấy cao hơn ta cả cái đầu. Nhưng giờ vì anh ấy phải đứng tấn nên ta đứng vừa tầm mắt anh ấy.

- Anh không có ý đó đâu.

Ta lơ đãng nhìn yết hầu anh ấy mà nuốt nước bọt ừng ực, trong đầu ta đang nghĩ ngợi linh tinh chuyện quái gì đây? Đến khi Quốc Tuấn gọi ta, ta mới như bừng tỉnh. Chắc đó cũng là lần đầu tiên ta ý thức được giữa con trai và con gái có những điểm khác biệt đến vậy.

Ta năm ấy vẫn còn là cô gái nhỏ không hiểu chuyện, ta suy nghĩ đơn giản thế này. Mẫu hậu ta bị phế ngôi, người thay thế vị trí đó là Thuận Thiên hoàng hậu, hoàng tỷ của mẫu thân ta. Vậy không phải chính bà ấy đã cướp ngôi vị của mẫu thân ta sao. Hơn nữa ta vốn không có chút thiện cảm nào với bà ấy vậy nên ta luôn tìm cách né tránh. Nhưng dù sao trước mặt bà ấy, ta vẫn là bề dưới, phận con cháu nên không dám hỗn hào, vả lại quyền thế bà ấy khắp hậu cung này ai dám sánh bằng.

- Ta nghe nói con rất thân thiết với Quốc Tuấn phải không?

- Chuyện đó đâu can dự đến hoàng hậu.

- Quốc Tuấn mang trong mình mầm mống phản nghịch, con không nên dính dáng đến hắn kẻo vạ lây. Ở bên người đó, con nghĩ mình sẽ có tương lai tươi sáng sao?

- Mầm mống phản nghịch, theo hoàng hậu như thế nào được gọi là phản nghịch. Hoàng hậu không phải đã có trong tay tất cả những gì mình muốn rồi sao, sau này nhị đệ cũng sẽ nối ngôi phụ hoàng làm vua Đại Việt này. Danh xưng phản nghịch không phải các người vẫn luôn nghiễm nhiên đặt cho họ sao, người ta chỉ lo sợ kẻ khác đoạt mất khi mình không đủ năng lực để giữ lấy thôi. Những gì không thuộc về mình thì cứ cố gắng chiếm lấy cũng chỉ là sự khiên cưỡng.

Tên phản thần mà bà ấy nói là chồng cũ của bà ấy, là người đã cùng trải qua một quãng đời với bà ấy dẫu ngắn hay dài, bà ấy tuyệt tình, tuyệt nghĩa đến vậy sao? Và đương nhiên ta bị ăn một cái bạt tai trời giáng, bà ta trừng mắt nhìn ta, ta luôn là cái gai trong mắt bà ta và phải chăng là vì ta mang trong mình dòng máu của Lý Chiêu Hoàng và quan gia. Mẫu hậu ta vẫn luôn là cái bóng quá lớn với bà ấy.

- Quan trọng là được hay mất, có hay không. Có những chuyện không cần tình yêu, chỉ cần là giống đực hay giống cái. Trên đời này tồn tại thứ tình yêu màu hồng đó ư, đó chỉ là suy nghĩ ngây thơ của con thôi, vì con còn trẻ, còn chưa thực sự nếm trải. Đàn ông có thể lên giường với người họ không yêu, mỹ nhân bên cạnh cũng chỉ là vật trang sức nếu cảm thấy đã không còn giá trị thì phải vứt bỏ là tất yếu.

- Vì bà mãi mãi không biết yêu một người là như thế nào. Bà không có được tình yêu và sẽ không bao giờ được yêu.

Nói rồi ta bỏ chạy nước mắt cứ lã chã rơi, ta không khóc vì bà ta, bà ta không xứng đáng để ta bận tâm. Mẫu hậu ta giờ người đang ở đâu, người có sống tốt hay không. Tất cả những gì ta biết về người chỉ là cái tên Lý Chiêu Hoàng và vài câu chuyện nhũ mẫu kể đi kể lại, còn những lời nói độc địa kia ta để ngoài tai. Bà ta sai người đuổi theo ta, định đánh phạt hay giáo huấn gì đây? Ta trốn vào bụi cây, lúc đó Quốc Tuấn đi ngang qua, ta không muốn anh ấy thấy ta trong bộ dạng thảm thương như vậy. Đám thị nữ hỏi Quốc Tuấn có thấy ta không, ta chắp tay van nài, mong anh ấy sẽ hiểu ý ta.

- Thiên Thành... - Quốc Tuấn ngập ngừng, anh ấy liệu có nói ra ta đang ở đây không, người nghiêm túc như Quốc Tuấn chắc gì đã bao che cho ta, nếu anh ấy nói thật, ta sẽ rất thất vọng. Quốc Tuấn đối với ta thế nào, ta chưa rõ nhưng anh ấy là một người đặc biệt, đặc biệt đến mức mà câu nói của anh ấy có sức mạnh khiến ta cảm giác như bị cả thế giới bỏ rơi nếu anh ấy nói sự thật. Điều đó còn đau đớn hơn so với những lời nói cay nghiệt của hoàng hậu.

"Thiên Thành chạy hướng kia". Quốc Tuấn chỉ tay ra đằng xa, ta thở phào nhẹ nhõm, rồi lại cứ thế òa khóc. Quốc Tuấn ngồi xuống bên cạnh ta, lấy tay nhẹ lau đi hàng nước mắt lăn trên má ta.

- Ai cho em khóc.

Ta gục lên vai Quốc Tuấn, khóc đến mức ướt đẫm áo anh ấy, Quốc Tuấn không đẩy ta ra xa, nhẹ nhàng vỗ lưng ta, im lặng không nói câu gì cho đến khi không còn nghe tiếng thút thít từ ta nữa.

- Mẹ ta nói rằng, khi cảm thấy buồn, ăn chút mạch nha sẽ khiến ta cảm thấy tốt hơn.

Quốc Tuấn nắm cổ tay ta, kéo ta đi. Đó là một tiệm bán bánh xuân thái khá đông đúc người mua kẻ bán, phía trước tiệm là tủ hàng bán kẹo kéo, một dãy trẻ em xếp hàng dài. Quốc Tuấn vẫn nắm chặt cổ tay ta không buông, ta ngước nhìn anh ấy, người thiếu niên đem đến cho ta cảm giác được bảo vệ, che chở.

- Quốc Tuấn, là con đấy ư, tiểu tử càng lớn càng phiêu diêu, phong trần như thế này làm sao các thiếu nữ không khỏi xao xuyến cho được.

- Bác quá lời rồi.

- Thiếu nữ bên cạnh con là?

Ta còn ngơ ngác không hiểu mối quan hệ giữa người bán kẹo này với Quốc Tuấn là gì thì anh ấy khoác tay lên vai ta:

- Đây là vị huynh đệ kết nghĩa của con. Con dẫn đệ ấy đến đây để thưởng thức món kẹo lừng danh, nức tiếng của bác đấy.

Vị huynh đệ ư, ta không nghe lầm đấy chứ, đáng nhẽ ta phải vui vì đã có một vị trí, có một tên gọi trong lòng Quốc Tuấn nhưng ta thấy hụt hẫng. Như vậy có được gọi là tham lam không, ta thậm chí còn không biết mình muốn mối quan hệ giữa ta và anh ấy là gì, nhưng không thể chỉ là huynh đệ.

- Em nhìn kĩ bác ấy biểu diễn màn kéo kẹo nhé.

- Sao kẹo đang từ màu vàng óng lại chuyển sang màu trắng ngà như vậy?

- Em hỏi rất giống ta đấy, lần đầu tiên ta xem mẫu thân ta làm kẹo kéo, ta cũng thắc mắc như vậy. Em biết không, là do phép màu.

- Anh cũng tin phép màu ư?

- Nghe nực cười đúng không, ta cũng thấy nực cười, nhưng cứ tin vậy đi, đó là niềm tin trẻ thơ, em cứ nghĩ đơn giản như một đứa trẻ thì nó tất nhiên sẽ đơn giản. Nếm thử đi.

Miếng kẹo ấy nhìn thôi trông đã rất bắt mắt, ta chưa từng nếm thử bao giờ, cắn thử miếng đầu tiên, âm thanh vang lên ròm rụm, vị ngọt mạch nha tan trên đầu lưỡi rồi lan ra, còn có vị bùi bùi của lạc, cái ngậy, cái thanh của dừa khô.

- Ngon lắm. Thực sự rất ngon đấy.

- Đương nhiên là em không thể chê được rồi.

Dù biết vì Quốc Tuấn thương hại ta nên mới dắt ta đi chơi nhưng ta cũng rất cảm kích ý tốt của anh ấy.

Mưa bụi cứ mải miết rơi sẽ thấm càng sâu, nhưng rồi cơn mưa ấy đến một lúc nào đó cũng sẽ dừng lại thôi.

Những ngày tháng sau đó ta thường hay lui tới phủ bác Thụy Bà, nhưng không phải để gặp Quốc Tuấn đâu. Ta đến để thỉnh giáo bác về việc thêu thùa thôi. Chiếc khăn đầu tiên ta thêu, thêu một đóa hoa nhài trắng, nhưng là lần đầu tiên chưa có kinh nghiệm nên thực sự nhìn rất thảm. Ta vẫn sẽ giữ lại như một kỉ niệm đáng nhớ, lần đầu tiên thường dang dở, sự dang dở luôn khiến con người ta nhớ mãi.

Ta hơi vụng về và chẳng khéo tay chút nào, bàn tay ta lỗ chỗ vết kim đâm tứa máu nhưng không sao cả, chỉ là chuyện nhỏ thôi, ta đâu có yếu đuối đến vậy. Bác và ta trò chuyện với nhau đủ thứ trên đời, nhưng điều khiến ta nhớ nhất chính là chuyện phụ hoàng và mẫu hậu ta năm xưa. Phụ hoàng ta năm đó lên tám, bưng nước rửa, hầu mẫu thân ta khi đó là nữ hoàng Đại Việt. Đêm đến, người gọi phụ hoàng vào chơi cùng, nếu phụ hoàng ở chỗ tối người sẽ đến trêu chọc, hay nắm lấy tóc, hay đứng lên bóng. Nghĩ xem ta và Quốc Tuấn đi, ta chạm vào người anh ấy có khi còn khó nghĩa là trêu đùa. Giờ ta mới biết mẫu hậu ta cũng rất tinh nghịch, có hôm phụ hoàng bưng chậu nước hầu, mẫu hậu rửa mặt, lấy tay té nước vào người phụ hoàng rồi cười trêu, khi phụ hoàng bưng khăn chầu thì lấy khăn ném cho phụ hoàng.

- Ta cũng không rõ là ngẫu nhiên hay cố ý, liệu Chiêu Hoàng có biết trao khăn cho nam nhân nào đó tức là thể hiện tâm tình của mình không?

- Sau này con cũng sẽ trao khăn cho người con yêu.

- Con không được tùy tiện trao khăn lầm người nhé. Vì đã lỡ bước chân vào vũng bùn thì càng bước càng lún sâu, vĩnh viễn không thể thoát ra được. Con yêu người đó chưa đủ, mà người đó phải yêu con, yêu con gấp vạn lần con yêu người đó.

Bác Thụy Bà dặn dò ta như vậy nhưng ta nghĩ đơn giản như thế này, đã yêu thì đâu cần suy tính thiệt hơn được mất? Tình yêu đi kèm với sự toan tính thì đã là sự biến chất, không còn nguyên vẹn như lúc ban đầu. Mà đầu cuối không tương ứng, không nhất quán thì đâu có thể gọi là tình yêu được nữa.

Năm đó, triều đình tổ chức cuộc thi đá cầu cho vương hầu quí tộc, ta vốn dĩ chẳng để ý mấy cuộc thi nhàm chán ấy nhưng vì Quốc Tuấn cũng tham gia nên đương nhiên ta lại phải bận tâm rồi. Ta còn tự tay làm vòng may mắn đỏ để tặng anh ấy, ta đã dồn hết tâm sức, trí lực để khắc tên anh ấy lên đồng xu bằng gỗ nhỏ xíu. Trong thời gian làm chiếc vòng ta luôn cố né tránh anh ấy, nếu ở cạnh anh ấy, không may ta sẽ lỡ lời nói ra mất. Ta đành chờ hôm trước khi cuộc thi bắt đầu sẽ tìm cơ hội đem tặng, biểu cảm của Quốc Tuấn sẽ thế nào khi thấy chiếc vòng?

- Đưa tay anh đây.

- Em có ý đồ gì. Quốc Tuấn nghi ngờ ta nhưng vẫn đưa tay ra.

Ta tỉ mỉ buộc dây vào cổ tay anh ấy. "Cố lên". Ta toan chạy đi, nhưng Quốc Tuấn dùng bàn tay giữ đầu ta lại: "Em chỉ muốn nói thế thôi ư? Không nên phí công sức mà làm thứ này". Không phải chứ, Quốc Tuấn còn không thèm cảm ơn ta sao, ta phụng phịu: "Vì em đã bỏ bao tâm huyết nên anh càng phải đeo nó trong ngày thi đấu đấy."

Rồi ngày hội đá cầu cũng đến, quả cầu to bằng nắm tay trẻ em, được kết bằng gấm, khi tung ra đối thủ không đỡ được thì coi như là thua. Quốc Tuấn cứ thế tiến thẳng vào vòng trong rồi chơi trận cuối cùng, đôi khi ta phấn khích quá nên đã hét to: " Quốc Tuấn cố lên", mọi người đều quay lại nhìn ta, ta đành cười trừ bẽn lẽn nhưng ta đều quên hết xấu hổ, Quốc Tuấn có đôi lúc nhìn lên khán đài chỗ ta ngồi. Ta còn không chắc mình có nhìn nhầm không nên đã hỏi lại Nhàn Hạ, em ấy là người theo hầu ta. Bên phải ta là Quang Khải, chắc không có chuyện Quốc Tuấn nhìn Quang Khải đâu. Hôm ấy Quốc Tuấn thực sự đã nhìn về phía ta hay là nhìn ai khác, nhưng cứ cho là nhìn ta được không? Ta nhìn kĩ một chút, anh ấy đeo trên cổ tay phải dải băng trắng, chắc là để băng bó vết thương, còn tay bên trái, không đeo gì. Ta còn tự an ủi mình, khoảng cách xa nên không nhìn rõ được, anh ấy không đeo chiếc vòng ta tặng ư?

Các người đoán xem, ai sẽ dành chiến thắng, đương nhiên là Quốc Tuấn rồi, tất cả đều phải tâm phục khẩu phục, anh ấy luôn luôn là người tài giỏi nhất, là "Thiếu niên xuất anh hùng" của lòng ta. Ta chạy về phía Quốc Tuấn rồi kiễng chân ôm trầm lấy cổ anh ấy. Đáng nhẽ anh ấy nên ôm lấy ta xoay trong không trung để cùng ăn mừng chiến thắng chứ nhưng Quốc Tuấn có đôi chút bất ngờ rồi đẩy trán ta ra:

- Không được "Thừa nước đục thả câu".

Ta nhìn trân trân vào cổ tay anh ấy, quả thật anh ấy không đeo chiếc vòng ta tặng. Lòng ta buồn têng, ta còn chẳng muốn ngẩng mặt lên nhìn trời cao trong xanh kia, dưới chân ta là nền đất u ám, đất dù buồn, cây cối dẫu có đau đớn cũng đâu có thể khóc?


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui