Dù Quốc Tuấn đã không còn ở phủ bác Thụy Bà nữa nhưng ta vẫn hay lui tới phủ bác để thỉnh giáo bác về thêu thùa hay đàn ca. Trong mắt ta, bác Thụy Bà là một người toàn mỹ, người thông hiểu kinh sử, cầm kì thi họa, nữ công gia chánh. Nhưng ta nhận ra một điều rằng là vương hầu quý tộc sống trong nhung lụa hay dân đen hèn mọn lo bữa cơm qua ngày thì đều mang trong mình những nỗi khổ tâm riêng. Bác từng hỏi ta rằng ta có biết điều đau khổ nhất trong tình yêu là gì không? Không phải là yêu nhưng không được đáp lại mà chính là người ấy cũng yêu ta, ta cũng yêu người ấy nhưng lại không thể ở bên nhau. Có những người không thể bên nhau nhưng ít nhất họ còn có thể cùng sống chung dưới một bầu trời, và biết rằng người kia vẫn sống tốt. Còn có những người như bác và phu quân của bác, âm dương cách biệt. Không ai đau mãi một nỗi đau, người sống vẫn sẽ phải tiếp tục đi nốt quãng đời còn lại của mình, nhưng bác nói bác vẫn không thể quên được ngày ấy, ngày phu quân của bác từ biệt bác.
Bác đã dồn hết tình yêu thương cho Quốc Tuấn, bác coi anh ấy như đứa con mình đứt ruột đẻ ra. Bác biết ta và anh ấy thân thiết với nhau, không phải vì muốn chia cách bọn ta nên bác mới đưa Quốc Tuấn lên chùa Thắng Nghiêm học. Trước nghịch cảnh, con người ta hoặc sẽ vươn lên số phận hoặc sẽ đầu hàng số phận, nhưng nếu có thể thì đừng bắt những đứa trẻ phải trải qua "nghịch cảnh" ấy. Đừng đối xử khắc nghiệt với chúng, đừng bắt chúng phải mạnh mẽ hơn những đứa trẻ khác. Đơn giản thôi, giống như một đứa trẻ chỉ thích ăn kẹo ngọt và rất ghét phải uống thuốc đắng. Bác muốn Quốc Tuấn được sống trong tình yêu thương, có những người bạn chân thành, có những người thầy tâm huyết và tận tình.
Thấy Quốc Tuấn ngày càng lầm lì, lúc nào cũng khoác lên mình cái vẻ cô độc, bác vô cùng lo lắng. Quốc Tuấn toát ra cái khí chất nam nhi đỉnh thiên lập địa nhưng còn tâm tư anh ấy ra sao thì bác cũng khó lòng hiểu được. Bác nhắc về mối thù của bác Liễu, cha của anh Tuấn với phụ hoàng ta. Ai dám nói trước được Quốc Tuấn có muốn báo thù hay không. Đôi khi thật tâm không muốn nhưng lại vì bị những lời khích bác của những kẻ chọc gậy bánh xe mà làm liều. Mà huynh đệ tương tàn có khác nào lấy dao mà tự đâm vào tim mình, ai được lợi nào? Người mong cuộc sống nơi cửa chùa thanh tịnh với sự dạy dỗ của thiền sư Đạo Huyền, Quốc Tuấn sẽ trở thành bậc kì tài nhưng cũng đầy đức độ và khiêm nhường.
- Con cũng khéo nhìn người lắm Thiên Thành.
- Con với anh Quốc Tuấn chỉ là thân một chút thôi.
- Con là người bạn đầu tiên của Quốc Tuấn ở kinh thành. Chỉ điều đó thôi cũng đủ khiến con trở thành một người rất đặc biệt trong lòng thằng bé rồi. Người đơn độc khi đã để cho người khác trở thành một phần của cuộc sống họ, họ sẽ đem cả chân tình lòng mình mà đối đáp.
Bác Thụy Bà cũng đặc cách cho ta được vào thư phòng đọc sách của Quốc Tuấn. Ta đọc sách, đọc như để quên đi ngày tháng xa anh ấy, đọc để hiểu những gì anh ấy đã đọc, đọc để biết anh ấy suy tư, trăn trở những gì.
Ta rất háo hức khi ngày được gặp lại Quốc Tuấn sắp đến. Gặp anh ấy ta sẽ nói gì đây, sao anh lại bỏ đi mà không nói với ta lời nào, anh ở đây ổn chứ, anh có nhớ đến em không? Ta đã tự đặt rất nhiều câu hỏi nhưng trước mặt Quốc Tuấn lại chẳng thể nói ra, chỉ biết tủi thân, mắt trân trân nhìn anh ấy.
Cơn mưa đi qua như gột rửa hết những bụi bẩn vương trên từng mái cổ rêu phong, mưa thả mênh mang những tinh khôi, thanh khiết của trời đất. Ta ngẩng đầu nhìn lên cao thật cao, hít thật sâu, như muốn thu trọn hết những gì trong trẻo nhất mà cơn mưa để lại, mưa vốn không buồn, là do lòng người thâm trầm áp đặt suy nghĩ của mình vào cơn mưa.
Quốc Tuấn dạy ta cách tách gân lá bồ đề để tạo thành chiếc lá trong suốt. Ta thích cách mà anh ấy nâng niu chiếc lá, tỉ mỉ và cẩn thận để rửa trôi phần thịt lá. Anh ấy đem đến cho ta cảm giác của một chàng trai thâm trầm và nhẫn nại. Đấng nam tử biết nâng niu cành hoa, chiếc lá chắc hẳn họ cũng biết trân trọng cô gái của mình? Sau này ta nghĩ lại mới thấy, cứ như Quốc Tuấn đã mày mò ra được một trò gì đó mà mình rất tâm đắc nên khi ta đến thăm, anh ấy liền nhanh nhảu khoe thành quả.
Cao hơn cả bầu trời thăm thẳm, rộng hơn cả lòng biển mênh mông, các ngươi biết là gì không, là tiếng lòng, là khát vọng cháy bỏng của tuổi trẻ. Ta đã cùng với chàng thiếu niên năm ấy ta thầm thương ngồi vắt vẻo trên cành cây đưa tầm mắt rộng khắp cả vùng bãi bồi sông Nhuệ. Ngồi bên anh ta thấy cả thế giới ta chưa từng thấy, cảm giác như bước thêm bậc thang dài, chính xác là ta đang ở độ cao của cánh chim bay. Đó là cảm giác tự do, phóng khoáng, đưa tầm mắt ra xa cái khoảng nhìn nhỏ bé của bản thân. Giữa khung cảnh tưởng như yên bình, tất cả con người, cảnh vật đều đang miệt mài với cuộc sống của mình, người lái thuyền đưa khách qua sông, dòng nước lững lờ trôi chưa vì điều gì mà ngừng lại, gánh hàng rong trên vai người mẹ tần tảo phía bên kia sông, thậm chí cả những cơn gió ta chẳng thể nhìn thấy mà chỉ có thể cảm nhận.
Ta chỉ tay về phía cây đa lừng lững phía bên bờ sông Nhuệ, cây đa đang nhoài mình, hướng những cành cây, tán lá, rủ xuống mặt sông và hỏi Quốc Tuấn:
- Anh nghĩ thế nào nếu ngồi trên cây đa kia ngắm cảnh vật xung quanh, khoảng cách với mặt đất khi ngồi trên nó còn cao hơn cái cây mà chúng ta đang ngồi?
- Ta không cần trèo lên ngọn cây cao nhất để có thể nhìn bao hết mọi cảnh vật. Cây cao nhưng lại có cây khác cao hơn, mà vị trí càng cao lại càng có nhiều chướng ngại. Đứng trên cao chưa chắc đã thấy được xa. "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn". Ta muốn đứng ở một nơi đủ cao để biết rằng càng đứng ở vị trí cao thì càng phải có bản lĩnh, "Cao nhân tất hữu cao nhân trị". Ta muốn đứng ở nơi đủ thấp để thấu được nỗi khổ cực của bách tính, dân là gốc, gốc không vững thì thân với ngọn chỉ cần cơn gió thổi qua cây tất sẽ đổ.
Quốc Tuấn nhìn xa xăm mà đáp lại câu hỏi của ta. Ta nhẩm lại câu nói ấy trong đầu để thuộc lấy, đôi khi vài câu anh ấy nói, đôi khi chỉ là vu vơ ta cũng rất lấy làm tâm đắc mà học thuộc lấy. Dẫu ta chẳng thể biết rằng người con gái sẽ đứng cùng anh ấy, nắm lấy đôi bàn tay anh ấy sau này là ai, ta chỉ muốn cảm nhận trọn vẹn ngày hôm nay, trên tán cây này, ta là người ở bên anh ấy, chúng ta đã cùng nhau ngắm nhìn bầu trời, khoảng nước sông Nhuệ, một phần non nước Đại Việt giữa những năm tháng tuổi thơ trong sáng và thuần khiết nhất. Những năm tháng ấy chúng ta đã bên nhau, dù sau này có chẳng là gì của nhau, chúng ta vẫn sẽ mang trong lòng những kỉ niệm. Chúng ta là một phần của những năm tháng trong cuộc đời chúng ta, dù chẳng đến với nhau nhưng việc chúng ta đã từng bên nhau viết nên bao trang kí ức là sự thật!