Vân Nê FULL


Edit: Coco
Vân Nê có một giấc mơ rất dài.

Chắc hẳn là do cơn cảm lạnh gần đây khiến cô cảm thấy khó chịu, hoặc cũng có thể là do bầu không khí trong xe quá ấm áp mà cô hiếm khi nằm mơ thấy khoảng thời gian mà mẹ cô, Từ Lệ còn sống.

Thời điểm đó, ô tô, nhà ở, tất cả mọi thứ có thể bán đều bị đem bán hết.

Vân Liên Phi vay tiền từ một người bạn, sau đó thuê một căn trọ ở khu phố cũ.

Bố cục gồm một phòng ngủ và một phòng khách, diện tích nhỏ đến nỗi nếu có hai người đứng trong phòng vệ sinh thì không thể quay ngang quay dọc được.

Không có ban công, không có phòng bếp, phòng khách chỉ có độc một chiếc sô pha và một cái bàn.

Một gian bếp đơn giản được đặt ở ngoài hành lang.

Đến giờ nấu cơm thì vừa đông đúc vừa ồn ào, cả khu nhà đều tràn ngập mùi dầu khói.

Kể cả dưới ánh nắng ngày hè, căn phòng vẫn tối tăm ẩm ướt, khắp nơi tỏa ra mùi nấm mốc.

Năm đó, Vân Nê mười một tuổi.

Cô chuyển ra khỏi căn biệt thự được trang hoàng lộng lẫy, không còn phòng riêng và váy công chúa xinh đẹp, từ bỏ lớp múa mà cô vẫn luôn theo học.

Vân Nê bị bắt phải trưởng thành trong một đêm.

Cô tự đến trường, không cần bố mẹ đưa đón.

Cô học cách giặt giũ, nấu cơm.

Mỗi chiều thứ bảy cô sẽ theo mẹ bắt một chuyến xe buýt dài từ khu phố cũ đến bệnh viện trực thuộc đại học Y để làm hóa trị và lọc máu.

Chặng đường đó quá dài đối với một đứa bé mười một tuổi như cô.

Vào mùa hè, trên xe không có điều hòa, Từ Lệ sẽ lấy một cây quạt nhỏ ra khẽ quạt cho cô xuyên suốt quãng đường.

Đến mùa đông, Vân Nê sẽ dựa vào lòng mẹ, nắm chặt bàn tay dày đặc lỗ kim của bà, kể cho bà nghe những chuyện vặt ở trường, sau đó từ từ chìm vào giấc ngủ.

Có những lúc cô đột nhiên tỉnh giấc, ngẩng đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, rồi khẽ hỏi mẹ xem đã đi đến đâu rồi.

Trên đoạn đường đó có ánh mặt trời, có hàng cây xanh.

Ngoài cửa sổ có những người đạp xe lướt qua, bên cạnh có người mẹ dịu dàng, kiên nhẫn.

Mặc dù khó khăn nhưng Vân Nê chưa từng than phiền một lời nào.

...!
Khi cô tỉnh dậy khỏi giấc mộng, bên tai vẫn vang lên những tiếng ồn.

Vân Nê nhìn ra ngoài cửa sổ, từng con phố, người đi đường, hàng cây xác xơ, trong nháy mắt cô cứ ngỡ bản thân vẫn còn đang mơ.

Giống như mọi lần khi còn nhỏ, cô lẩm bẩm: "Mẹ ơi...!Mình đi đến đâu rồi ạ?"
Vừa dứt lời, Vân Nê đã hoàn toàn tỉnh táo.

Con đường bấy giờ không giống như những con phố cũ cô đã đi qua nhiều năm trước, mẹ cô cũng đã sớm bỏ cô mà đi.

Nhưng vẫn có một câu trả lời quen thuộc vang lên: "Vừa mới đi qua bến phố Xuân Đài, bến tiếp theo là Chợ hoa Dụ Phong."
Vân Nê ngây người, ngẩng đầu lên, đôi mắt trắng đen rõ ràng trừng lớn.

Cô vẫn đang đắm chìm trong sự hỗn loạn giữa quá khứ và hiện thực.

Lý Thanh Đàm tắt điện thoại đi rồi nghiêng đầu nhìn cô, giọng nói của anh rõ ràng hơn trước rất nhiều: "Sao thế?"
"Không có gì." Vân Nê lắc đầu, nhắm mắt lại, cố gắng kìm nén những ký ức cuồn cuộn đó xuống.

Nhưng có thể do cơn ốm khiến người ta trở nên nhạy cảm và yếu ớt, cô vẫn không nhịn được cảm giác muốn bật khóc.

Khẩu trang có thể che được hơi thở và cánh mũi phập phồng khi thút thít, nhưng lại không che được đôi mắt phiếm hồng cũng sự đau khổ trào dâng trong đó.

Lý Thanh Đàm không hỏi gì cả.

Không phải anh không nghe thấy tiếng lẩm bẩm của cô lúc mới tỉnh ngủ, không phải anh không nhận ra tiếng hít thở không bình thường của cô, cũng không phải anh chưa nhìn thấy đôi mắt phiếm hồng ấy.

Nhưng anh vẫn không hỏi gì cả.

Tất cả mọi người trên đời đều có bản tính tọc mạch, nhưng có một vài chuyện riêng tư và quá khứ không thể dễ dàng nhắc đến.

Những chuyện đó được chôn vùi bởi máu và nước mắt, thường gắn liền với xương tủy.

Nếu nó bị lôi ra thì sẽ giống như xé rách một vết sẹo nhìn có vẻ đã hoàn toàn lành lặn vậy.

Sự cực khổ sẽ không bị xói mòn theo thời gian.

Nó sẽ luôn tồn tại trong một góc nào đó, sẽ chìm trong bụi bặm và tăm tối nhưng sẽ vĩnh viễn không biến mất.

Lý Thanh Đàm chỉ theo Vân Nê xuống xe.

Chiều hoàng hôn cuối thu cũng khá đìu hiu, từng cơn gió lạnh lướt qua.

Khu phố cũ chỉ có vài tòa nhà cao tầng, các tòa dân cư cũ nát đến nỗi rêu loang lổ đầy tường.

Những tờ quảng cáo nhỏ được dán khắp đầu đường cuối ngõ.

Hàng dây ăng ten chằng chịt phủ đầy bụi.

Mấy hôm nay, đến cả bầu trời cũng xám xịt.

Sau khi Vân Nê xuống xe, bầu không khí quen thuộc ùa vào mặt.

Cô kéo khẩu trang xuống, giọng điệu đã trở về bình thường: "Không phải cậu định đi tìm bạn học à?"
Lý Thanh Đàm cũng kéo khẩu trang xuống, để lộ gương mắt trắng nõn và đôi môi đỏ bừng, thong thả đáp: "Em đói."
"..." Vân Nê vẫn nhớ trước đây mình còn nợ anh một bữa cơm, cô nghĩ chọn ngày chi bằng gặp ngày, bèn bảo: "Để tôi mời cậu bữa tối, cậu muốn ăn gì?"
Anh tỏ vẻ không kén chọn đáp: "Gì cũng được."
Vân Nê dẫn anh đến một quán ăn nho nhỏ, chủ yếu bán những món đặc sản ở Lư Thành.

Hương vị hài hòa, không quá mặn cũng không quá cay hay dầu mỡ.

Trong quán có khá đông người, hầu hết là những công nhân làm ở công trường gần đó.

Bà chủ bảo hai người lên tầng hai, ngồi bên cửa sổ có thể nhìn thấy tòa nhà cao tầng đang xây phía xa.

Ánh hoàng hôn đỏ như chút máu còn vương lại, đang gào thét cố gắng tỏa ra tia nắng cuối cùng.

Lý Thanh Đàm có vẻ rất ít khi tới những nơi như thế này để ăn cơm.

Anh ngồi xuống gãi mặt, ngó trái ngó phải.

Vân Nê lấy cho anh một bộ bát đũa, đổ nước nóng vào tráng qua một lần rồi nói: "Cậu đọc thực đơn đi, xem muốn ăn gì."
Lý Thanh Đàm đáp: "Ừ", sau đó cầm thực đơn lên nhìn một lượt, cuối cùng chỉ vào chữ "Chảo gà*", hỏi: "Đây là món gì?"
"Đó là món gà xào trong một chiếc chảo sắt to, kèm với khoai tây và rau cần, quanh viền chảo sẽ xếp một vòng bánh mì dẹp."
(*Món chảo gà:)

Anh có vẻ khá hứng thú, cười nói: "Vậy ăn món này đi."
"Được." Vân Nê trả thực đơn cho bà chủ, người vừa lên tầng để đợi gọi món.

Trừ bỏ món gà, cô còn gọi thêm một suất nộm dưa chuột và hai suất cơm.

Bả chủ đọc lại một lần nữa rồi hỏi: "Chảo gà có muốn cho cay không?"
Vân Nê đáp: "Không cần, om xì dầu là được."
"Được, tối nay khá đông, có thể sẽ phải chờ một lúc đấy." Bà chủ ôm thực đơn đi xuống tầng.

Trên tầng vẫn còn chỗ ngồi.

Lý Thanh Đàm nhìn một vòng, nhấp một ngụm trà nóng rồi mới hỏi: "Đàn chị."
"Ừ?"
"Dạo gần đây chị còn làm thêm buổi tối không?"
Vân Nê đặt điện thoại xuống trả lời: "Tôi đi làm hầu hết tất cả ngày trong tuần, từ thứ hai đến thứ sáu."
Lý Thanh Đàm gật đầu, lòng bàn tay dán vào thành cốc.

Anh cụp mắt, không biết đang suy nghĩ điều gì, Vân Nê cũng không hỏi nhiều.

Chờ đến khi đồ ăn được bưng ra, hai người ăn cơm thì không nói chuyện nữa.

Một bữa cơm vừa yên bình vừa thỏa mãn.

Lúc hai người ra khỏi quán ăn, trời đã tối đen.

Khu phố cũ lên đèn, ánh sáng sặc sỡ ngập tràn khắp nơi, khác hẳn với sự ảm đạm vắng vẻ ban ngày.

Lý Thanh Đàm đứng ở góc phố, khẩu trang treo bên tai, thân hình chìm trong màn đêm: "Vậy em đi trước đây, chị về sớm đi."
Vân Nê gật đầu, nhìn theo bóng anh đi đến bến xe buýt, sau đó xoay người trở về tiểu khu.

Trên đường đi, Lý Thanh Đàm nhận được điện thoại của Tưởng Dư.

Anh xuống xe buýt, bắt taxi đến chỗ cauậu ta.

Hôm nay anh có hẹn thật, bữa cơm tối là ngoài ý muốn.

Khi hai người gặp nhau, Tưởng Dư mắng anh có sắc quên bạn.

Lý Thanh Đàm ngồi xuống một bên sô pha, không lên tiếng giải thích.

Anh cũng không nói rõ được cảm giác của mình là như thế nào, nhưng anh không muốn để cô xuống xe và về nhà ăn cơm một mình.

Có khi cô sẽ không ăn cơm.

Vậy nên anh đã xuống xe theo.

Căn hộ của Tưởng Dư là quà sinh nhật do bố cậu ta tặng, cách Tam Trung không xa.

Nó gồm một phòng khách và hai phòng ngủ, một trong số đó được cậu ta sửa thành phòng chơi game.

Lúc này hai người vừa chơi game vừa trò chuyện.

Tưởng Dư nói: "Mấy tên trường nghề sắp được thả rồi.

Gần đây tôi cũng không nghe ngóng được gì, chắc hẳn hôm đó bọn nó không nhìn thấy cậu đâu nhỉ?"
"Chắc thế." Sau sự kiện đó, Lý Thanh Đàm thường xuyên để ý tin tức bên trường nghề nhưng cũng chưa thấy động tĩnh gì.

Sự kiện kia diễn ra bất ngờ, sau đó anh nghĩ lại, tuy rằng bình thường ít người ra vào con ngõ đó, nhưng ngẫu nhiên cũng có người đi qua.

Có khi bọn chúng nghĩ do hộ gia đình nào trong ngõ báo cảnh sát cũng nên.

Nhưng Lý Thanh Đàm vẫn không dám mạo hiểm.

Ít nhất là lần này, anh không thể hành động tùy ý như lúc trước.

...!
Chủ nhật Vân Nê nghỉ ngơi ở nhà, cơn cảm lạnh của cô đã ổn hơn nhiều, chỉ còn ho khan và nghẹt mũi.

Thứ hai đến trường, Phương Miểu đã trở về từ trại huấn luyện, đang nằm bò ra bàn ngủ bù.

Cô ấy tham gia nhóm thi đấu sinh học của trường.

Nếu cô ấy có thể thuận lợi được tuyển thẳng thì năm sau sẽ không phải đến trường nữa.

Lớp 12, tất cả mọi người đều nỗ lực vì tương lai.

Vân Nê nhìn tấm bảng đen ghi ước mơ của mọi người phía cuối lớp, có tên trường họ muốn học, có tên người họ muốn gặp.

Chỉ có đúng chỗ của cô là còn trống.

Tương lai của cô là khoảng trống.

Vân Nê không nhìn thấy tương lai của chính mình, cô chỉ muốn hoàn thành tốt mỗi bước đường hiện tại, chăm chỉ học tập, cố gắng kiếm tiền trả hết nợ nần cho gia đình.

Phương Miểu nghe thấy tiếng cô ngồi xuống bèn theo thói quen lấy một hộp sữa bò trong ngăn bàn ra đưa cho cô: "Nghe Thầy Lưu bảo cậu bị ốm à.

Đã đỡ hơn chưa?"
"Sắp khỏi rồi." Vân Nê nhìn khuôn mặt cô ấy gầy hẳn đi thì hỏi: "Khi nào thì trại huấn luyện của cậu kết thúc thế? Bao giờ thi?"
"Tháng mười hai." Phương Miểu dụi mắt: "Trước khi thi còn một đợt huấn luyện nữa, sau đó mới thi."
"Cậu có tự tin không?"
"Đương nhiên rồi." Phương Miểu khẽ nhướng mày: "Cậu không nhìn kỹ xem mình là ai à."
Vân Nê mỉm cười, cắm ống hút vào hút hai ngụm sữa bò, vẫn còn ấm.

Sinh hoạt năm lớp 12 không hề thay đổi.

Sau khi vào đông, tiết thể dục của khối 12 bị chiếm đã được trả lại, mỗi tuần một tiết, sau khi điểm danh cũng không được về lớp.

Tiết thể dục của lớp 12 ban 2 diễn ra vào tiết cuối cùng mỗi thứ sáu hàng tuần.

Vân Nê và Phương Miểu đang trong đội ngũ chạy 800m làm nóng người.

"Mình tình nguyện, thật đấy, mình tình nguyện rằng không có tiết này." Phương Miểu thở phì phò: "Hiện tại mình cảm thấy thà ở phòng học nghe thầy Lưu dài dòng còn hơn."
Vân Nê cũng chẳng khá khẩm hơn là bao, vừa nói chuyện đã cảm thấy không thở nổi: "Phòng học có khóa không?"
"Có khóa.

Chìa khóa Lưu Họa Vũ cầm.

Cậu ta là lớp phó thể thao, không thể vì chuyện riêng làm rối loạn kỷ cương được, cậu đừng mơ đến chuyện về lớp nữa."
"..."
Sau khi kết thúc màn khởi động 800m.

Các bạn nữ ban 2 ai nấy đều thở hổn hển.

Thầy thể dục thổi còi, các cô lại đỡ nhau đứng dậy khỏi sân cỏ.

Uông Bình nói: "Các em xem, mới chạy có 800m đã thế này rồi, nhìn là biết bình thường không chịu vận động.

Nếu còn tiếp tục như này, tôi nghĩ có khi nên đề nghị trường cho các em tham gia chạy giữa các tiết học."
Ông vừa dứt lời, từng trận than ngắn thở dài vang lên.

"Thầy Uông, thầy đừng thế mà."
"Làm người phải giữ cho nhau một con đường để sau này còn gặp lại thầy ạ*."
(*Một câu tục ngữ nghĩa là đừng nên hành xử quá quyết tuyệt, sau này nhỡ đâu gặp lại nhau, thời thế thay đổi, bạn lại phải nhờ đến người ta.)
Cả lớp bật cười.

Uông Bình bảo ông chỉ nói đùa thôi, cũng không làm khó mọi người nữa.

Ông sai lớp phó thể dục đi lấy vài dụng cụ thể thao để mọi người hoạt động tự do.

"Tùy các em muốn chơi gì thì chơi, nhưng không được về lớp và không được ra khỏi sân.

Nếu tôi bắt được sẽ phạt chạy.

Các em nghe rõ chưa?"
Phía dưới tốp năm tốp ba trả lời: "Rõ ạ."
Ban tự nhiên nhiều con trai.

Tuy rằng bình thường họ bận học nhưng lại có chung niềm đam mê khó nói đối với bóng rổ, cả lũ ôm bóng chạy thẳng đến sân bóng rổ.

Vân Nê và Phương Miểu đi đánh cầu lông.

Lớp phó văn nghệ chạy đến từ xa, vẻ mặt cực kỳ kích động: "Mau đến xem đi, lớp chúng mình chiến nhau với lớp 11 rồi."
"Đậu mé." Phương Miểu quăng vợt đi nói: "Sao giờ bọn lớp 11 láo nháo thế? Dám đánh nhau với 12 à?"
"Không, không." Tôn Nguyệt Lê thở đốc: "Không phải đánh nhau, là thi đấu, thi đấu bóng rổ.

Lưu Hạo Vũ gọi chúng ta qua cổ vũ đấy."
Phương Miểu nhặt chiếc vợt bản thân vừa mới ném lên rồi đáp: "Vậy còn chờ gì nữa, mau đi thôi."
So với xem náo nhiệt thì Vân Nê càng thích tìm một góc để ngồi hơn.

Nhưng cô chẳng chống lại được sự kích động của Phương Miểu, bị lôi kéo đến sân bóng rổ.

Trận đấu đã bắt đầu rồi.

Sân bóng rổ thường diễn ra những trận đấu ngẫu nhiên như thế này, các giáo viên thể dục từ lớp khác cũng đến chung vui, cầm còi làm trọng tài.

Một vòng người đứng quanh sân, gồm cả nam lẫn nữ đang reo hò nhảy múa.

Vân Nê và Phương Miểu chen từ bên cạnh vào, đứng sau các bạn nữ trong lớp để nhìn rõ đội hình trong sân.

Đội lớp 12 chỉ có một bạn nam ban 2, ba bạn còn lại đến từ ban khác.

Còn bên đội 11.

Cô liếc mắt nhìn quanh sân, những khuôn mặt bồng bột và tràn đầy nhiệt huyết đó đều xa lạ.

Tiếng còi vang lên.

Quả bóng cao su đập xuống sàn theo từng nhịp, có một bạn nam ném vào rổ, tiếng reo hò bùng nổ khắp sân.

Các bạn nữ không thể giấu được lòng mình.

Hiệp một nhanh chóng kết thúc.

Đám Lưu Hạo Vũ rời khỏi sân, mồ hôi nhễ nhại, sau khi nhận nước từ các bạn nữ thì cười cực kỳ sảng khoái.

Vân Nê có vẻ không hòa nhập với bọn họ, cô không reo hò cũng không kích động.

Cô đang định rời đi, khi lơ đãng nhìn lướt qua khu tập chung của đội lớp 11 thì bỗng dừng chân lại.

Chàng trai được đồng đội kéo từ dưới đất lên.

Anh bật dậy, cởi áo khoác đồng phục ra, quay đầu nghe đồng đội nói chuyện rồi ném áo khoác cho bạn học.

Các bạn nữ xung quanh thấy anh lên sàn thì không nhịn được mà reo hò ầm ĩ.

Anh đưa tay nhận lấy chiếc băng cổ tay đồng đội ném qua, khi nhấc tay lên, một góc áo bị gió thổi bay để lộ một đoạn eo.

Tiếng hò hét càng lớn hơn.

Anh dường không để ý đến điều đó mà cúi đầu nghiêm túc đeo băng cổ tay, vài sợi tóc đen rũ xuống trán, khung xương và khuôn mặt vừa đẹp vừa xuất sắc.

Vân Nê đột nhiên không muốn đi nữa.

Tác giả có lời muốn nói:
Lý Thanh Đàm: May mà mình đẹp trai:D.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui