Khoang ca bin của xe khiến Chương tròn mắt thì leo lên dược thùng xe cậu ngây người.
Chắc do rơi từ trên cao xuống nên đồ đạc ngả nghiêng.
Chương thấy có hai thùng giấy ghi chữ JP batterry nên đoán là… ắc quy dùng cho xe tải của Nhật.
Ngoài hai hộp giấy vừa mới thấy, những thứ là thùng kim loại màu xanh sẫm với những ký hiệu màu trắng viết bên trên.
Có ba thùng phuy, Chương đoán là đựng dầu diesel hoặc xăng, chẳng biết được.
Chẳng phải cái gì cậu cũng biết.
Nói chung, xe quân đội thì chở đồ quân đội có gì lạ, những thứ này dân thường tốt nhất không nên đụng đến, rất đơn giản vì nó thuộc về quân đội.
Có ý thức là vậy nhưng Chương vẫn không ngừng sờ mó, mới lạc ở đây hơn nửa tháng mà cậu tưởng như nửa năm.
Bây giờ lại nhìn thấy những món đồ thuộc về thời đại của mình thì quả thật không vui không được.
Khám phá một hồi lâu, trời đã sáng rõ thì Chương phát hiện ra một thứ rất có ích, ấy chính là… quân phục.
Khỏi phải nói Chương đã vui như thế nào, những bộ quân phục K20 cậu từng thấy trên tivi và mạng xã hội nhiều lần.
Thử lấy ra một cái áo ngắm nghía trước sau, Chương thấy bên tay áo trái có một ký hiệu gì đó màu nền đỏ, logo vàng hình cái khiên có hai bông lúa ôm lấy ngôi sao năm cánh màu đỏ.
Chương lại xin lỗi các anh bộ đội rồi mượn hai cái áo, hai cái quần dài rồi Chương nghĩ, xe này chở cả quần áo không lý nào thiếu giày.
Thế là cậu tìm được thùng đựng giày, có nhiều nhưng Chương chỉ lấy đôi vừa chân.
Quần áo và giày còn thơm mùi vải, trong cái rủi lại có cái may, ai mà ngờ cái xe tải kéo Chương xuống sông lại là xe quân sự cơ chứ.
Ôm đống đồ đứng cạnh xe, Chương lại nghĩ:
-Đây là tài sản quốc gia không thể để rơi vào tay người khác, phải tính cách giấu cái xe này đi.
Nhất định lối về ở đâu đó quanh đây, trông nom bảo vệ cái xe này có khi về được lại thành anh hùng không chừng ấy chứ.
Chương ngán ngẩm khi nhìn cái bánh xe trước, cậu chưa từng tự vá xe máy thì vá bánh ô tô như nào? Cái bánh sơ cua kia hạ xuống thay cho cái bị hỏng cũng là cả vấn đề.
Cái xe này chắc phải 10 tấn, nếu dùng kích thay bánh ở nơi đất mềm như này chắc Chương sẽ bị xe đè toi mạng.
Thứ nữa thay bánh để làm gì? Lái thì Chương không biết, mà nếu có biết thì lái đi đâu? Lấy chìa khoá, chốt cửa xong xuôi Chương ôm những thứ đã mượn về nhà, việc cần kíp bây giờ là phải tìm cách giấu cái xe đi.
Bà Cả Ngư đã đi chùa, hôm nay ngày đầu tháng.
Chương nghe nói bà Cả Ngư hay đến chùa Linh Sơn nào đó, cách đây độ mươi dặm sau đó bà cụ sẽ đi chợ, chợ họp ở đâu Chương không biết, hình như ven sông.
Chương mặc thử quần áo rồi xỏ chân vào đôi ghệt, bản thân cậu tự cho là đẹp vì bộ quân phục khá vừa vặn, thắt lưng thì không cần nhưng nếu cần thì cậu cũng có.
Chương thử đeo bao da lên hông, đeo xong thấy cái dây dù phất phơ định lấy dao cắt đi thì cậu mới nghĩ, quân đội mà cấp thì không thừa không thiếu, chả lý nào tự nhiên có cái dây này.
Thế rồi Chương phát hiện ra dây dù sẽ buộc vào con đỉa, chắc để súng đỡ bị rơi, đó là Chương đoán vậy.
-Mà hình như bộ này không hợp với khẩu súng, râu ông nọ cắm cằm bà kia, cầm AK chắc oai hơn.
Cảm giác có quần áo mặc lâu dài khiến Chương thoải mái hơn nhiều, mặc lại bộ quần áo bà Cả Ngư mua cho, Chương ra ngoài cổng nhìn ngang liếc dọc rồi lấy la bàn ra xem thử.
-Đúng thật, mọc trời mọc đằng Tây, lặn đằng Đông còn kim vẫn chỉ hướng Bắc, quái lạ.
Nếu mình có bị xuyên không về thời trước thì mặt trời hay mặt trăng cũng phải thế chứ, chả lẽ hồi xưa mặt trời mọc đằng Tây thật ư? Có khi nào các nhà khoa học sai rồi không?
Tạm gác mặt trời sang một bên vì nó mọc đằng Đông hay đằng Tây cũng chả ảnh hưởng gì đến cậu.
Chương khép cửa rồi nằm trên giường nghĩ cách giấu xe.
Sáng nay tinh thần của Chương rất tốt, kể từ ngày phát hiện bị lạc, có thể nói hôm nay Chương cảm thấy vui nhất.
Tưởng như chợp mắt một cái là về quê ngay được.
Nhưng… mơ ước của Chương sẽ mãi chỉ là mơ ước mà thôi.
Bà Cả Ngư đẩy cửa bước vào nhà khi mặt trời đã lên cao, bà cụ mua cho Chương hai cái bánh gai, thứ bánh này hồi nhỏ Chương cũng hay ăn nhưng vị khác hoàn toàn.
Công bằng mà nói, hình như… bánh bà Cả Ngư mua cho ngon hơn thứ người ta bán ở đầu làng Chương.
Trong khi Chương ngồi ăn, bà Cả Ngư kể cho cậu vài chuyện bên ngoài làng, như là hôm nay người ta cúng lễ ở đền Linh Sơn ra sao, nghe đâu thần nhân hiển linh khiết bát hương trong đền hoá sạch sành sanh.
Thêm cả chuyện dân ngoài chợ kháo nhau đêm vừa rồi sét đánh trúng cây đa cổ thụ nên có ông bên làng Vạn tế lễ.
Chương nghe chăm chú nhưng chẳng để vào đầu, hồi còn nhỏ cậu cũng nghe bà kể những chuyện na ná như này nhưng lớn lên thì cậu coi đó là chuyện cổ tích chúc bé ngủ ngoan.
Thế giới này vốn chẳng có thần thánh nào sất nhưng ma thì không biết.
Chẳng lẽ cậu lại bảo tại cái cây đa lâu đời nó cao chót vót thì sét đánh trúng? Còn chuyện bát hương hoá, chắc có hoá đôi ba chân hương, hồi ở quê cậu cũng thấy rồi nhưng qua miệng vài người thì thành hoá cả bát, Chương lạ gì.
Tuy vậy, nhờ câu chuyện bà cụ kể, Chương bỗng này ra một ý.
Chén xong hai cái bánh, Chương kéo bà Cả Ngư theo ra chỗ xe tải.
Chẳng cần phải nói, bà cụ đứng không vững, tay chân run lẩy bẩy, ngã ra sau khiến Chương vội đỡ, bà cụ nét mặt kinh ngạc, hoảng hốt như thấy ma, chắp tay vái thần linh như tế sao.
-Đây chính là thần khí bà ạ!
Chương nói gọn lỏn, mặt thản nhiên như không.
Chương nghĩ thông rồi, ở cái xứ Vạn Xuân này những món đồ hiện tại tốt nhất là chỉ lên trời và bảo nó thuộc về… thần! Thế kỷ XXI, nếu Chương nói vậy, kể cả ở quê thì người ta sẽ đưa cậu vào nhà thương điên nhưng ở đây thì khác, bà Cả Ngư tin lời Chương, quỳ gối vái lạy cái xe đến lún cả đất, luôn miệng đội ơn trời phật khiến Chương chẳng dám cười.
-Thần khí này cháu thấy sáng nay, thứ này mà rơi vào người xấu bụng sợ là tai hoạ trên trời sẽ giáng xuống vùng này mất thôi.
-Phải, phải đấy.
-Cháu nghĩ phải giấu nó đi, thần khí chắc chắn do thần dùng, có khi thần gửi xuống trước rồi thần đến sau đấy bà ạ.
-Phải, phải nhỉ.
Bây giờ phải làm sao?
-Nãy cháu thử rồi, thứ này cả trăm người khiêng cũng không nổi, thần khí mà bà, nặng lắm.
-Cháu có cách không?
-Cháu có nhưng bà phải giúp cháu mới được.
-Giúp gì, giúp gì?
-Cháu sẽ đào hố xung quanh thần khí, chôn nó đúng chỗ này luôn.
Cháu nhẩm tính nếu một mình cháu đào có khi cả tuần trời mới xong được.
-Ta sẽ đào giúp.
-Không, bà lớn tuổi rồi, việc nặng để cháu.
Cháu sẽ đào một mình còn nhờ bà chặt tre hay xin tre về đan thành những tấm phên phủ lên.
Sau đấy bà cháu mình lấy bùn dưới sông rải lên mặt cùng với rơm rạ, thế là xong.
-Được, được! Giấu ở đây là phải, chỗ này chẳng có ai lãi vãng đâu.
-Nhưng nước sông có khi nào ngập đến tận đây không bà?
-Nhà ta chưa bị ngập bao giờ thì chỗ này sao ngập được, chỗ này tính ra còn cao hơn nền nhà ta cả trượng chứ ít gì.
-Từ chỗ này đi về mạn dưới kia thì có người không bà?
-Hồi lão nhà ta ở nhà, ta với ông ấy xuôi thuyền xuống dưới ấy đánh cá, nơi ấy chẳng có người, toàn lau sậy, sình lầy, đường đi cũng chẳng có.
Nước sông mà dâng là đằng ấy ngập sạch, quanh năm suốt tháng có mấy ngày khô ráo đâu.
Nghe vậy thì Chương vững bụng thêm, bà Cả Ngư nói tiếp:
-Qua hết chỗ đầm lầy là một dải đất cao kéo dài mãi đến tận dãy núi đằng kia, cháu thấy không? Dãy Linh Sơn có cả thảy chín ngọn, các cụ gọi là Linh Sơn cửu đỉnh, trong ấy cọp beo hãy còn đầy.
Hồi trước đám tráng đinh vẫn hay rủ nhau đi săn, dãy Linh Sơn uốn lượn mãi đến chỗ làng Vạn.
-Làng Vạn gì đó xa không bà?
-Cũng phải mươi dặm đường đất.
-Mươi dặm là bao nhiêu cây số ạ?
-Hả? Cây số á? Ta có bao giờ đếm cây đâu, cứ đi là đi thôi.
Chương chỉ biết một dặm Anh đâu đó gần hai cây, ai ngờ ở Vạn Xuân cũng dùng dặm, thật khó hiểu.
Nếu không biết hệ đo lường ở nơi này cũng khó mà xác định thời gian, phương hướng.
-Bà đi từ nhà mình đến làng Vạn có lâu không?
-Ta hả? Ờ… khoảng nửa canh giờ hoặc hơn một tí, gần mà.
Nếu Chương nhớ không nhầm, một người lớn bình thường đi bộ một mạch thì một tiếng được khoảng năm cây số.
Bà Cả Ngư tuổi ngót sáu mươi nhưng rất nhanh nhẹn, nếu vậy thì dặm Anh khác với dặm Vạn Xuân.
-“Vậy một dặm ở đây dao động khoảng năm đến bảy trăm mét.”
Chương chợt hỏi bà Cả Ngư:
-Hôm nọ bà bảo nhà mình có mấy sào ruộng ấy nhỉ?
-Ta bây giờ già rồi chỉ còn hai sào, muốn làm cũng chẳng có sức.
-Hôm nào bà chỉ cho cháu ruộng lúa nhà bà nhé?
Một sào là 360 mét vuông, Chương chỉ cần nhìn thấy một hoặc hai sào ruộng thì sẽ quy được về mét.
Tất nhiên chỉ là tương đối nhưng cần phải định hình, thế mới biết việc học rất rất quan trọng, mấy thứ này có khi hỏi thằng mọt sách ở Khoa Sử học thì nó kể cho vanh vách.
Nhưng Chương không cần phải nhìn sào ruộng của bà Cả Ngư bởi một thời gian sau cậu rảnh rỗi nên đọc mấy cuốn sách buồn tẻ của thằng bạn tặng thì trong đó có ghi dặm thời xưa dùng hệ thước Tàu thì tương đương 576 mét, đến thời Nguyễn thì có thay đổi nhưng Chương tin ở Vạn Xuân này, một dặm chính là bằng 576 mét.