Bà Cả Ngư có chồng tên Lăng, tuổi ngót sáu mươi, độ chục năm trước bị bắt đi lính cùng con trai tên Kình Ngư, con gái út của bà là thị Nguyệt vừa đôi tám, đi làm người ở trong vùng.
Chồng và con trai đi lính bặt vô âm tín, mấy năm trước có gửi được chút tiền về.
Bà Cả Ngư cùng con gái rau cháo qua ngày hơn chục năm.
Ngoài hai thửa ruộng một năm được một vụ lúa nhưng cũng phải nhờ trời mưa thuận gió hoà thì hai mẹ con bà trồng rau, đánh bắt cá tôm ven sông đắp đổi qua ngày.
Gần đây con gái lớn, sắp đến tuổi cặp kê, bà sợ quan binh đi qua sẽ làm càn nên cho con đi gặt thuê rồi làm hầu gái.
Thượng tuần tháng này, sau khi đi lễ chùa cầu an cho chồng con, ba đêm liền bà nằm mộng thấy thần nhân đứng bên giường bảo rằng gà gáy sáng hãy ra bờ sông cứu người từ kinh đô không may bị đuối nước.
Ban đầu bà bán tín bán nghi nhưng sau thì tin
Suốt mấy ngày trời, bà thức giấc lúc trời chưa sáng, ra bờ sông đứng ngóng trông mãi đến lúc mặt trời lên cao mới về.
Sáng hôm kia, bà Cả Ngư lại dậy sớm, trời lúc ấy đổ mưa tầm tã, sấm chớp giật liên hồi, bà lưỡng lự định không đi nhưng trong lòng nóng ruột, như có ai thôi thúc bèn đội nón, khoác áo tơi đốt đuốc đi dọc theo bờ sông.
Trời ngớt mưa cũng là lúc bà phát hiện ra Chương nằm bất tỉnh trong bãi lau sậy, ăn vận lạ kỳ nên bà đoán đây là người mà thần nhân bảo bà cứu.
Bà Cả Ngư xốc nách lôi mãi mới được một đoạn, thấy sức không nổi, bà chạy đi tìm cu Tôn năm nay mới mười ba, là trẻ mục đồng, chăn trâu mướn trong vùng, nhà nó cách một quãng, ra kéo Chương về cùng bà.
-Cái túi cháu đem theo ta để trong buồng, ta không biết đó là thứ gì nhưng sợ tai vách mạch rừng sinh chuyện nên cất kỹ, thời buổi nhiễu nhương mà.
Cháu đừng sợ, thằng Tôn cũng không biết những thứ ấy, ta cũng dặn nó kín miệng.
Bà Cả Ngư vào buồng lấy ba lô đưa cho Chương, cậu hướng dẫn bà Cả Ngư mở túi chống thấm rồi lần lượt thêm hai lượt túi bóng.
Sự cẩn thận của cậu không thừa, đồ bên trong không bị ẩm ướt.
Bà Cả Ngư cũng đưa cho Chương túi bóng đựng điện thoại, cậu sờ thấy khô, không dính bùn đất nhưng máy tắt ngúm, có lẽ đã hỏng.
Chương hỏi thêm bà Cả Ngư các địa danh xung quanh và cậu nhận ra chỉ có tên con sông Thiên Đức là quen thuộc.
Cậu nghĩ đến khả năng bản thân bị sấm chớp sáng loá đưa trở về quá khứ nhưng điều này khoa học chưa chứng minh được, nó chỉ có trên màn ảnh mà thôi.
-Nước mình có vua hả bà?
-Mười năm trước thì có, bây giờ nhiều kẻ vỗ ngực xưng vương nên không biết ai là vua sất, đất nước trăm vua.
-Sao lại vậy ạ?
-Vạn Xuân này do Lý Nam Vương dựng lên, mười năm trước nhà vua băng hà, Hoàng Thái tử chưa thấy nối ngôi, ta nghe người ta bảo vừa mới táng vua vào đế lăng đã có binh biến.
Ban đầu các hoàng tử tranh nhau ngôi vị, về sau các tướng lĩnh cậy công, chia bè kết đảng chả ai chịu ai nên đất nước bây giờ chia năm sẻ bảy, mạnh ai nấy trị.
-Nãy bà bảo giờ là năm Thiên Đức hai mươi tư ạ?
-Thời buổi lộn xộn nên vẫn dùng lịch cũ, giờ lo cái ăn cái mặc, lo giữ mạng chứ ai để tâm đến tháng đến ngày.
-Lý Nam Vương là ai thế bà?
-Ta dân đen không biết rõ nhưng hơn chục năm ngài làm vua thì đất nước thái bình.
Tuy còn nghèo khó nhưng chí ít là không lo mất mạng.
Đoạn bà Cả Ngư thở dài:
-Vua có nhiều phi tần, mỗi phi tần đều có chỗ dựa là các quan văn võ.
Vua băng hà chẳng bà nào chịu bà nào, ai cũng muốn con mình làm vua, ra sức kéo bè cánh.
Ngày vua vừa băng hà, ba hoàng tử đã kéo quân đến trước cổng thành làm loạn, một hoàng tử bị chém tại trận.
Tưởng rồi cũng yên mà ai ngờ được.
Chương không lấy làm lạ, cậu biết thời phong kiến, chuyện tranh giành ngôi báu xảy ra liên miên, ngay như thời của cậu, ở nhiều nước người ta còn đảo chính suốt ngày đó thôi, chỉ dân là khổ.
Bản thân Chương ôn thi vào trường báo chí, có môn sử nhưng cậu chẳng thể nhớ được hết tên các vị vua hay niên hiệu.
Có điều cái tên Vạn Xuân thì cậu biết vì từ hồi cấp 1 đã học, song rất mờ nhạt.
Nếu Chương nhớ không nhầm đó là quốc hiệu do vua Lý Nam Đế đặt sau khi đánh bại quân Lương ở phía Bắc, Vạn Xuân tồn tại từ năm 544 đến 602.
Đây cũng Vạn Xuân mà lại do Lý Nam Vương nào đó gầy dựng, liệu có phải là một hay không? Chỉ khác mỗi chữ Đế và chữ Vương, có khi sách sử ghi sai?
-“Không lẽ mình bị xuyên không tận 14 thế kỷ ư? Không thể có chuyện đó được.”
Qua một đêm, Mạc Thiên Chương cảm thấy khá hơn một chút, cơ thể bớt đau nhức, có thể tự ngồi dậy, vịn vào thành giường, cột tre trong nhà di chuyển.
Nhà bà Cả Ngư đơn sơ, mái tranh vách đất hai gian, ngoài hai cái giường bằng tre cũ kỹ đặt hai bên, gian chính giữa có một hòm bằng gỗ cao chừng mét hai, dài độ gần hai mét đã bạc màu đựng thóc gạo.
Trên mặt hòm có ba bát hương, bát chính giữa lớn hơn.
Cao hơn một chút có ban thờ nhỏ.
Hai bên cửa chính của căn nhà có hai khung cửa sổ, khung cửa hay chấn song đều làm từ tre ngâm, một bên hỏng cánh được thay bằng tấm liếp.
Ngó vào trong gian buồng nhỏ cũng chỉ có nông cụ dựng bên vách cùng mấy cái sào dài, đống khoai lang đựng trong bồ đề góc buồng, có cả bồ đựng ngô đã phơi.
Trên vách cho treo những bắp ngô buộc túm vào nhau, một sợi dây thừng mắc ngang trong gian buồng dùng treo quần áo.
Mấy cái quần Jeans cùng áo thun của Chương được bà Cả Ngư vắt trong này.
Trên dây, Chương chỉ thấy vắt một cái áo nâu sồng, một cái váy đụp cùng vài tấm khăn đen, nhìn cảnh này cậu chỉ biết thở dài.
Đợt trước, Chương cùng đám bạn lên vùng cao, nhiều đồng bào dân tộc cũng nghèo y như này.
Chương tạm chấp nhận bản thân đang ở một nơi nào đó không phải quê mình, chờ khoẻ lại cậu sẽ tìm hiểu kỹ, kiểu gì chẳng có cách trở về, xuyên không chỉ là chuyện viễn tưởng, có đường đến ắt có lối lui.
Thêm hai ngày nữa trôi qua, Chương cảm thấy sức khoẻ hồi phục đến bảy phần.
Bà Cả Ngư chăm cậu rất kỹ, ngày cậu ăn ba bữa cháo.
Bữa thì cháo có khoai lang, bữa có hến với cá, bữa khác lại cháo có rau băm nhuyễn.
Bước ra khỏi cửa nhà, căn bếp nhỏ lợp mái tranh vách đất đã siêu vẹo chờ đổ nằm bên phải, gần đó có một đống rơm.
Quanh khoảng sân nhỏ trước nhà là vườn trồng rau muống, rau đay và rau mồng tơi thì leo kín bờ rào tạm bợ được làm từ những thanh tre, que củi.
Giàn mướp xanh rì trước cửa nhà có mấy quả đã hái được.
Đầu hồi trái của căn nhà cũng có một đống rơm khác, lớn hơn đống ở đầu hồi bếp.
Cổng ra vào là hai cột tre cao khoảng mét tám, tấm phên đan làm cửa.
Hai cây cau ở hai bên cổng, bên ngoài bờ rào còn có cây vối lớn, tám xum suê.
Xa xa có bãi dâu xanh mướt, có lẽ sông Thiên Đức ở hướng ấy.
Trong khoảnh vườn sau nhà có mấy cây đu đủ quả hãy còn xanh, đôi ba cây bưởi, mít và một cây ổi đang ra quả.
Trong tầm mắt, Chương nhìn thấy một ngọn núi cao, thấp thoáng những ngọn núi nhỏ hơn ở phía sau.
Nhìn cảnh này Chương nhớ nhà da diết, khi ở nhà, nếu trèo lên mái cũng nhìn thấy một ngọn núi xa xa, bé bằng lòng bàn tay.
Thôn Đường Vỹ này chẳng biết to hay nhỏ, có bao nhiêu nóc nhà.
Chương đi quanh vườn ngó trước nhìn sau cũng chỉ thấy loáng thoáng một hai mái tranh ẩn hiện bên bụi tre, gần nhất chắc cũng phải năm trăm mét.
Chương không thiết sờ đến những món đồ trong ba lô, tâm trí của cậu bây giờ chỉ mong khoẻ và tìm được đường về, cách về.
Bà Cả Ngư thì luôn tay luôn chân từ sớm đến tối.
Bà nuôi hai con lợn ở sau bếp cùng một đàn gà chừng hai chục con lớn nhỏ.
Bà định thịt một con cho Chương bồi bổ mau khoẻ nhưng cậu từ chối.
Bà cụ đã cứu cậu, gia cảnh bà nghèo như này, chẳng giúp được gì sao nỡ ăn.
Chương đồ rằng lợn gà này bà Cả Ngư chăm lớn sẽ bán.
Chương có đem theo tiền mặt, khoảng hơn một triệu, nhưng theo như lời bà Cả Ngư thì chúng là những tờ tranh đẹp chỉ có ở kinh thành.
Chương đã hỏi bà Cả Ngư dùng gì để mua sắm, bà cụ cho cậu xem vài đồng xu làm từ đồng, buộc thành xâu cùng vài cục kim loại nhỏ mà bà cụ gọi là bạc vụn.