Vạn Xuân Đế Quốc


Sau khi làm lễ ở đền Linh Sơn thần nhân và cây đa nghìn năm, Phạm Tu trở về làng liền cho mở gấp cuộc họp tại ngôi nhà lợp ngói, tường bằng gạch vồ trát đất nằm giữa làng Nhất Vạn.

Hai cái bàn làm từ tre nứa nối với nhau đã đủ mặt những người ông cần gặp, họ ngồi theo ngôi thứ.

Hàng tả có em gái ông, Phạm Quý phi ngồi đầu bàn, bên cạnh là Phạm Bỉnh Di, kế đến là Phạm Cự Lượng.

Cuối dãy còn có hai người con của ông là Phạm Bạch Hổ và Phạm Hữu Thế cùng mười chín tuổi, một cặp song sinh.

Ngồi đối diện với Hổ và Thế là ba cô gái, cô đầu tiên tên huý là Nguyễn Diệu Huyền, thường gọi là Duệ, quê ở Hải Môn, năm nay mười tám tuổi.

Cha của Diệu Huyền từng là binh sĩ dưới quyền của ông, cha mất, Diệu Huyền cùng mẹ đến ở thái ấp lúc mới lên hai.

Mẹ cô đã mất mấy năm, cô xem Phạm Tu như cha ruột.

Duệ có dáng mảnh mai, mặt mày thanh tú, chăm đọc sách, thích thơ ca.

Trong số những cô nhi ở thái ấp, Duệ là người sáng dạ, giỏi chữ nghĩa nhất.

Hiện tại, trẻ em trong ba làng Vạn đều do Duệ dạy chữ.

Cô thứ hai mang họ Bùi, tên huý là thị Xuân quê gốc vùng Thanh Hoa, phía Nam kinh thành.

Cha của thị Xuân từng là tuỳ tướng của Phạm Tu, mất khi thị Xuân lên sáu.

Thị Xuân tuổi vừa tròn hai mươi, cô đứng đầu trong số các con gái nuôi của Phạm Tu về mặt võ nghệ, khiến các chàng thanh niên trong ba làng Vạn đều ái ngại, chưa chàng nào có ý định cầm cưa.

Thị Xuân tính tình cương trực, trái hẳn với Duệ muốn dùng lý thì thị Xuân muốn dùng… nắm đấm thay cho lời muốn nói.

Cô gái cuối cùng tuổi vừa mười bảy là Thiên Bình, cháu gái của ông nhưng trên danh nghĩa hiền là con nuôi của Phạm Quý phi.

Chẳng ai biết thân phận thật của Thiên Bình kể cả các con trai của ông.

Mọi người chỉ biết rằng Phạm Tu yêu chiều Thiên Bình hết mực, bởi vậy cô gái này có phần được đà lấn tới bắt nạt hầu hết các anh chị em.

Thiên Bình võ không giỏi bằng thị Xuân, văn không qua được Duệ nhưng sắc đẹp có phần nhỉnh hơn hai cô còn lại một chút và đặc biệt tinh quái.

Phạm Tu nuôi nấng Thiên Bình từ lúc lên ba sau khi bí mật tổ chức bắt cóc cô.

Ông biết cháu gái tính tình ương ngạnh song lại biết cách lấy lòng kẻ khác, biết cách phân phó công việc, như thế là thừa hưởng gen của Lý Nam Vương.

Ba cô gái này cùng hai cô khác vắng mặt tự xưng là Ngũ Vạn Tinh Phi (năm vì sao sa làng Vạn).


Trong nhóm năm cô, Thiên Bình ít tuổi nhất nhưng đành hanh, tự cho mình đứng đầu, các cô còn lại cũng phải chịu, nhưng chủ yếu là chiều.

Ngồi đối diện thị Xuân là Trần Văn Đạt, thường gọi là Quang Diệu.

Quang Diệu mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ở với chú thím, chú Quang Diệu là thân tín của Phạm Tu những đã mất được mấy năm.

Quang Diệu trước đây theo thầy học võ trong núi ngót chục năm, anh giỏi đại đao.

Lúc xuống núi đi tìm chú ruột ở châu Vũ Ninh, lớ ngớ đụng quân của Vũ Ninh Vương bắt lính.

Diệu chống trả nhưng mãnh hổ nan địch quần hồ, đương lúc núng thế vô tình thị Xuân, khi ấy mới mười bảy, đi thám thính quân cơ liền xông vào rút đao tương trợ.

Diệu gia nhập làng Vạn, dần thể hiện được bản lĩnh, được anh em nể phục.

Diệu hơn thị Xuân sáu tuổi, chả biết có tình ý gì với nhau hay không nhưng kẻ đầu mày người cuối mắt, Phạm Tu nhận ra được điều này.

Quang Diệu, Bỉnh Di, Cự Lượng, Bạch Hổ, Hữu Thế cùng nhau lập ra Tam Vạn thất hổ tướng, hai người còn lại là Võ Văn Dũng quê Hải Môn trấn, năm nay hai mươi hai tuổi.

Người cuối cùng là Phạm Ngũ Lão, con nuôi của Phạm Tu.

Ngũ Lão tròn hai mươi tuổi, trong Tam Vạn thất hổ tướng tự xưng thì chàng trội hơn cả về sức mạnh, tính tình kiên định, ít nói.

Hai người này đang ngồi giữa Cự Lượng và Quang Diệu.

Ngồi đầu bàn bên hữu là Triệu Quang Phục, phó tướng của Phạm Tu, năm nay tuổi vừa bốn mươi.

Phục là người mưu lược, trung thành với vương triều Lý.

Phục cũng là người kề vai sát cánh cùng Phạm Tu từ ngày đầu tiên thực hiện mật chỉ và khẩu dụ của Lý Nam Vương.

Cạnh Phục là Đoàn Thượng, Thượng kém Phục hai tuổi, hai người cùng vào sinh ra tử bao phen.

Khác với nhiều người dưới trướng Phạm Tu, Đoàn Thượng quê cũng ở Hải Môn trấn, cha từng là đồng liêu với Phạm Tu, từng giữ chức Công bộ Thượng thư (tương đương Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải & Bộ Xây dựng) lúc Lý Nam Vương tại vị.

Sau khi Lý Nam Vương băng hà, quan tướng tranh quyền đoạt vị, bộ Công ít quan trọng nhất trong lục bộ (Lại, Lễ, Hộ, Binh, Hình, Công), Công bộ Thương thư bị bãi miễn, gia sản bị tịch thu, đuổi về quê.

Đoàn Thượng là con cả, khi ấy cũng ở trong quân, bất mãn trốn về theo cha sau được Phục rủ theo Phạm Tu.

Lúc gia nhập, Thượng dẫn theo hơn chục tránh đinh.

Có thể nói những người có mặt là đầu lĩnh, phân nửa quê ở Hải Môn trấn, vùng này ở cửa biển thuộc Hải Đông lộ, một trong ba lộ mười hai châu của Vạn Xuân, cách làng Tam Vạn gần trăm dặm.


Sau khi mọi người yên vị, Phạm Tu nhìn họ một lượt rồi mới nói:

-Thiên tượng gần đây có sự lạ, sớm nay đầu tháng sét lại đánh trúng cây đa nghìn năm gần đền Linh Sơn.

Ta đã ở đây cả chục năm chẳng thấy vậy mà hơn nửa tuần trăng lại những hai lần.

Ban sáng ta làm lễ cầu an xong, cảm thấy trong người phấn chấn đến lạ.

Điềm báo ngày một rõ, có thể người chúng ta đợi chờ bấy lâu nay đã xuất hiện, chỉ là không biết mới chào đời hay từ phương xa đến.

-Chúng con lại phải đảo một lượt nữa hả cha?

Cự Lượng lên tiếng hỏi, Phạm Tu lườm một cái, anh chàng liền so vai quay sang nhìn cô em họ nuôi phía cuối bàn, nhe răng cười.

-Lúc ta dâng hương trong đền, mới cắm xong chưa kịp vái thì hương đã hoá cả.

- Phạm Tu nói tiếp.

- Canh bốn đêm rồi sấm kêu chớp giật mà trời không đổ lấy một hạt mưa, ấy là thêm điềm nữa.

Ngay sau buổi họp này, tất cả tung người ra dò la những gia đình mới có hài nhi, nếu sinh đêm vừa rồi phải đặc biệt để tâm.

Chúng ta không biết đang tìm ai hay tìm những ai, chỉ biết kẻ đó thuận tay phải.

Triệu Quang Phục ngồi gật gù, đôi mắt ông díp lại như đang suy nghĩ điều gì.

Phạm Tu thấy vậy, hỏi thì Phục đáp:

-Hai hôm trước người của ta đi dò la, trên đường về đây có thấy một sự lạ nhưng tôi không biết có phải không.

Nay Tả Đô đốc nói thì tôi đương nghĩ.

-Sự lạ gì ông mau nói ta nghe?

-Sông Tào Khê nước cạn, có chỗ lội qua nước chỉ ngập đến đầu gối.

Nhớ thời tôi theo Tả Đô đốc qua sông ấy phải dùng thuyền hoặc bắc cầu phao, với cả mùa này cũng đang mùa mưa.


-Sao? Có đi ngược dòng xem chưa?

-Thưa chưa, tôi sẽ cho người đi tìm hiểu.

Thưa Tả Đô đốc, những năm gần đây trong dân có truyền nhau lời sấm “Bao giờ rừng báng hết cây, Tào Khê hết nước Lý nay lại về”.

Lời sấm này không rõ từ đâu nhưng… nhưng có khi nào linh ứng?

-Ý ông là?

-Đầu nguồn Tào Khê là Xích giang, Xích giang chảy qua La thành mà nơi ấy chả phải Long Xưởng đang nắm ư?

Phạm Tu đăm chiêu trong giây lát, ông đến bên cửa sổ nhìn ra khoảnh sân đất nện trước nhà suy nghĩ.

Muốn đại sự thành cần hội tụ đủ thiên thời địa lợi nhân hoà.

Ông tin địa lợi đã có vì tiên vương chọn nơi này để tây sơn tái khởi.

Phạm Tu cũng tin rằng chỉ cần tìm được người mà tiên vương nhắc đến nhất định sẽ nắm được thiên thời.

Muốn hiệu triệu được dân chúng đứng dưới cờ cần danh chính ngôn thuận, song hành động sớm sợ rằng chả khác gì con bạc khát nước.

Ông đã chờ mười bốn năm, không lý nào không chờ thêm được vài tháng.

Song chậm quá thì sao? Là tướng, đi từ cấp thấp đến chỉ huy vạn quân, Phạm Tu biết nếu không quyết đoán thì thời cơ sẽ qua đi.

Ông quay trở lại, hơn chục cặp mắt đang dõi theo nhất cử nhất động của ông chờ đợi.

Sau khi đã cân nhắc kỹ, Phạm Tu nói với Triệu Quang Phục:

-Lời ông nói không sai nhưng hãy còn thiếu.

-Còn… còn thiếu gì? Mong Tả Đô đốc giảng giải giúp chúng tôi.

-Ông đọc lại lời sấm cho mọi người cùng nghe.

Triệu Quang Phục ngẩn người nhất thời tự hỏi thì Cự Lượng nhanh nhảu đọc luôn.

Lời sấm này lưu truyền trong dân, bất cứ ai ra khỏi làng có thể sẽ nghe còn Phạm Tu mới nghe lần đầu, ông cũng hay ra khỏi làng nhưng mấy khi có dịp tiếp xúc với dân.

-Dạ thưa bác, thưa mẹ, thưa chú và các anh chị, La thành không có rừng báng! “Lý nay lại về” thì về đâu? Người ta nói vậy là kẻ đi xa sẽ về nhưng Long Xưởng đang ở kinh thành, chả lý nào lại ám chỉ hắn ta.

Ý của bác ấy chính mà thế.

Phạm Tu chưa kịp nói thì cô cháu gái yêu quý đã lên tiếng.

Nếu là kẻ khác phát ngôn thì Phạm Tu đã lườm hoặc nạt nhưng là cô cháu này, ông lại mỉm cười lộ rõ vẻ hài lòng.


-Cháu Bình nói đúng, kinh thành không có rừng báng mà ở đây thì có, có rất nhiều vậy nên lời sấm chưa ứng nghiệm hoặc giả tỉ ứng nghiệm nhưng không phải Long Xưởng.

Tất cả bàn tán xôn xao, sau đều nhất trí lời Phạm Tu là phải.

-Hôm nay là một ngày trọng đại, ta sẽ nói rõ cho tất cả biết nguyên lai vì sao chúng ta lại lập làng ở đây, ra sức tích trữ lương thảo, luyện binh mà không dựng cờ chiếm đất xưng vương.

Phạm Tu hít một hơi thật sâu.

-Mười bốn năm trước, đích thân bệ hạ đã truyền khẩu dụ và mật chỉ cho ta lập làng tại đây.

Tất cả đều im lặng quay sang nhìn nhau rồi nhìn Phạm Tu, ông bảo Cự Lượng đi lấy hộp gỗ để trong gian buồng.

Cự Lượng đem ra, Phạm Tu nhận lấy rồi đặt lên ban thờ đang nghi ngút khói hương.

Ông quỳ xuống khiến những người có mặt trong phòng vội làm theo.

-Tiên vương vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!

Chỉ có lời của Phạm Tu bởi mọi người còn chưa hiểu chuyện gì.

-Hạ thần là Phạm Tu, Tả Đô đốc, bề tôi của tiên vương, theo khẩu dụ của người, hạ thần đã lập làng Vạn chờ thời.

Nay thấy thời cơ đã đến, hạ thần xin phép được công bố mật chỉ với những bề tôi trung thành của tiên vương, chúng thần trước sau nguyện một lòng vì nước.

Tiên vương ngự trên cao chứng giám lòng thành, đưa đường chỉ lối cho chúng thần gầy dựng lại cơ nghiệp vương triều, đưa hậu nhân xứng đáng của tiên vương lên ngôi cao, mang nước Vạn Xuân truyền đến muôn đời sau.

Phạm Tu dập đầu ba cái, ông đứng lên cung kính lấy hộp gỗ xuống quay lại, hai dòng lệ đã tuôn tự khi nào.

Phạm Tu tay run run mở hộp, bên trong hộp có lót tấm lụa vàng, thứ lụa và màu chỉ triều đình mới có và chỉ để vua dùng.

Ông lấy chiếu chỉ đưa ra, mọi người lại quỳ xuống hành lễ, không gian bỗng trở nên vô cùng trang trọng.

Phạm Tu đọc to:

“Phụng Thiên thừa vận, nhà vua ban chiếu

Nay phong Tả Đô đốc Phạm Tu làm Nhiếp chính đại thần theo phò Hoàng thái tử như chiếu ban ngày Bính Thân, tháng Quý Hợi năm Thiên Đức thứ 10.

Phạm Tu phải bảo vệ ngọc tỷ truyền quốc và Thuận Thiên kiếm đến khi Hoàng thái tử tròn mười tám.

Nay giao Phạm Tu lập làng Tam Vạn ở núi Linh Sơn, sĩ tốt dưới trướng Phạm Tu là sĩ tốt của trẫm, sĩ tốt lập công, Phạm Tu thay trẫm ban thưởng.

Ngày Quý Mùi, tháng Quý Hợi, năm Thiên Đức thứ 10.”

-Tiên vương vạn tuế!

Tất cả những người có mặt trong phòng đồng thanh hô lớn, Phạm Tu đưa chiếu cho Phạm Quý phi lúc này mắt đã ngấn lệ, cho mọi người cùng xem còn ông lẳng lặng bước ra cửa nhắm hướng La thành quỳ xuống bái vọng, nước mắt lưng tròng.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận