Tôi bặm môi, gật đầu trước lời của người thanh niên trẻ. Hai người họ mở cửa một chiếc xe con giống như ngày tôi được đưa đến đây, chặng đường năm trăm cây quả thực cần hai người thay nhau lái. Trên đường trở về thành phố A, tôi nhờ họ rẽ qua thành phố B để tôi lấy những đồ cần thiết còn để ở xưởng gỗ và biệt thự. Đến xưởng gỗ tôi mới biết, mãi đến tối muộn Vinh mới về đến biệt phủ, khi chuyện đã rồi nên chú ta lại sớm quay lại đây. Thấy tôi đi cùng người của Trung, lại nghe hết mọi chuyện ở biệt phủ, chú ta bực bội lừ mắt nhưng cũng mặc kệ tôi lấy lại túi xách còn để ở đó. Thành phố này còn một người tôi cần phải đến gặp là cô Thu, thế nên xong xuôi đồ đạc tôi nhờ hai người đàn ông đi cùng đưa tôi đến quán phở của anh Đạt chị Thanh, vừa để ăn trưa, vừa để gặp cô Thu.
Thấy tôi bước vào phòng rửa bát, cô Thu ngạc nhiên, mừng rỡ vô cùng cô liền hỏi:
– Hạnh, cháu sang thăm cô đấy à? Mới xa cháu có một tháng mà cô đã nhớ quá, lại chẳng biết cháu ở đâu mà tìm.
– Cô… cô cháu mình đã được lão Toàn trả tự do rồi.
Tôi mỉm cười chia sẻ với cô thông tin mà Trung phải trả giá bằng máu của anh. Lòng chua xót tôi nhìn vẻ vui mừng đến rơi nước mắt của cô Thu, nhẹ giọng:
– Thế nên giờ cháu đến đón cô đây, cô có muốn đi cùng cháu không hay về quê?
Cô Thu ngơ ra suy nghĩ, việc xảy đến quá bất ngờ khiến cô chưa có bất cứ quyết định nào, một hồi cuối cùng cô nói:
– Thế thì cháu đưa cô về quê, lâu rồi cô chưa về… Sau mà xin được việc ở gần nhà thì cô ở quê luôn không đi đâu nữa.
Tôi gật nhẹ đồng tình, sau bữa trưa tôi cùng cô Thu chào anh chị chủ quán phở tốt bụng. Lúc này bụng chị Thanh cũng đã nhô lên như cho cả thế giới thấy được sự tồn tại của em bé mà anh chị mong chờ mấy năm trời, tôi ngạc nhiên, vui vẻ chúc mừng anh chị. Dù tiếc người làm tốt như cô Thu nhưng anh chị ấy cũng chấp nhận cho cô nghỉ việc ngay, còn gửi trọn tháng lương để cô yên tâm về quê.
Xe hơi đi qua quê cô Thu, để cô lại nhà mẹ đẻ cô rồi tiếp tục hành trình đưa tôi về thành phố A. Cô Thu từng lấy chồng một lần nhưng bị chồng ruồng bỏ còn đánh đập, không có con cái, sau ngày đó cô về nhà mẹ đẻ rồi bỏ lên thành phố xin làm giúp việc nhà họ Dương. Số phận cô Thu long đong vất vả, thương cô rồi… tôi lại thương cả bản thân mình.
Mím chặt đôi môi tôi hướng mắt ra ngoài cửa kính, lơ đãng nhìn hàng cây dương liễu phất phơ theo gió, đầu óc không thôi nghĩ về Trung. Anh đang thế nào, liệu có phải anh đang gặp nguy hiểm trước súng đạn vây quanh? Tôi có nói ra lo lắng với hai người đàn ông ngồi trên cũng là vô ích, chỉ biết thở dài chấp nhận một mình một nỗi lo không cách nào giải tỏa, toàn thân không kiềm chế được cứ run lên.
Cuối tháng tám, bầu không khí đã có phần dịu mát, ánh nắng như mật rải xuống thành phố đông đúc này, nơi tôi cứ ngỡ sẽ không bao giờ được trở về. Mới rời xa nơi đây hai tháng mà tôi cảm tưởng đã trải qua cả hai thập kỷ. Khi tôi đặt chân trở lại, ánh nắng chiều đã dần thôi gay gắt. Hai người đàn ông hộ tống tôi không ở lại lâu hơn, bọn họ lập tức giã từ. Chẳng còn nỗi lo bị truy đuổi, lẽ ra tôi phải thảnh thơi, phải hét lên trước bầu không khí tự do căng đầy lồng ngực, vậy mà lòng tôi trĩu nặng. Âm thanh tổng đài đáp lại suốt từ sáng vẫn dội về tai tôi khi tôi bấm số của anh.
Tôi nhanh chóng tìm một phòng trọ nhỏ sạch sẽ gần trường đại học, mọi thứ đều không có gì khó khăn, khó khăn lớn nhất của tôi chỉ là nỗi nhớ Trung mỗi lúc một dâng đầy. Đã một tháng trôi qua… tôi vẫn không sao liên lạc được với anh. Cả chú Bình… tôi cũng không sao liên lạc được, cứ như… thế giới của tôi và thế giới của Trung đã chẳng còn chút liên quan. Quá khứ khốn cùng đày đọa dường như đã chỉ còn trong cơn ác mộng, quãng thời gian hạnh phúc bên Trung lại là giấc mộng ngọt ngào tôi thèm muốn. Cứ ngỡ về thành phố phồn hoa này, bắt đầu những ngày tháng sinh viên đại học đầy sôi nổi, tôi sẽ vui tươi đón nhận, vậy mà mặt mày tôi lúc nào cũng ủ dột hờ hững với tất thảy. Thì ra… Đinh Thái Trung đã đi sâu vào tâm trí tôi từ lúc nào, đáy mắt sâu thăm thẳm, điệu nhíu mày khó tính, cả thái độ dửng dưng nhưng lại quan tâm đến ngỡ ngàng anh dành cho tôi… Tất thảy đều làm tôi nhớ anh đến quay quắt. Hạnh phúc cứ ngỡ đã chạm tay đến… cuối cùng vẫn chỉ là ảo ảnh thôi sao? Khẽ lắc đầu, tôi phải tin anh chứ. Anh còn đầu tư rất nhiều tiền vào tôi, chắc hẳn không phải vô nghĩa…
– Sinh viên này, bài tập hôm trước tôi giao về cho cả lớp em đã làm chưa?
Tôi giật thót mình, âm giọng giảng viên trẻ Trần Hải Phong đảm nhiệm bộ môn Toán cao cấp khóa sinh viên Tài chính năm nhất vang lên bên tai, kéo tôi trở về thực tại. Mở vở đưa cho thầy ấy kiểm tra, tôi nhẹ giọng trình bày:
– Em làm rồi, thầy xem ạ.
– Ừm.
Thầy Phong ừm nhẹ trong cổ họng, cầm vở của tôi đem lên bàn giáo viên khiến tôi hơi ngỡ ngàng. Ngại không muốn đòi lại vở trong buổi, tôi đành viết ra nháp, chờ hết giờ mới bước theo thầy ấy nói:
– Thầy Phong, thầy chưa đưa lại cho em vở.
Thầy ấy quay lại, dáng bộ điềm tĩnh cúi xuống nhìn tôi, nhếch nhẹ khóe miệng đáp:
– Tôi chưa xem kỹ, cần mang về xem em làm có nghiêm túc không?
– Nhưng… như vậy… em không có vở làm bài hôm nay…
Tôi chưa kịp nói hết câu, đám con gái đã từ đâu xuất hiện ùa tới, mỗi đứa một câu nhờ thầy xem vở giúp. Tôi vẫn biết thầy Phong nổi tiếng toàn trường, vừa đẹp trai tài giỏi lại con nhà giàu, là soái ca trong lòng các sinh viên nữ, chỉ là lần đầu tiên chứng kiến tận mắt cảnh này, trong lòng tôi không khỏi ngạc nhiên. Các bạn nữ bây giờ cũng bạo dạn thật, còn tôi… tôi có từng bạo dạn trước Trung như thế không nhỉ? Thoáng đỏ mặt tôi không đòi lại vở nữa, để mặc thầy Phong bị bao vây giữa rất nhiều sinh viên nữ trẻ trung xinh đẹp.
Chiều hôm ấy, khi đang ngồi học ở thư viện, bất ngờ tôi thấy thầy Phong bước vào. Đám con gái xung quanh xuýt xoa, cả cái Loan bạn mới quen của tôi cũng nói nhỏ vào tai tôi:
– Thầy Phong kìa mày ơi… ông ấy hot lắm ấy, tao nghe nói ông ấy còn làm giám đốc một công ty bên ngoài nữa! Trời ơi, người đâu mà hoàn hảo quá trời! Mà đặc biệt còn chưa vợ chưa người yêu nữa á!
Tôi không muốn tranh cãi với nó, nó nói đúng thì sao mà không đúng thì sao, dù thế nào tôi cũng không quan tâm. Đang chăm chú vào cuốn sách, bất chợt cuốn vở của tôi được ai đó đặt ngay trước mặt. Cái Loan tròn mắt nhìn lên, đưa tay đẩy cặp kính cận cho sát mắt hơn, nuốt ực một ngụm nước bọt khó khăn nói:
– Thầy… thầy Phong ạ?
– Dương Cúc Chi, tên em phải không?
Cái Loan quay sang tôi, huých huých khuỷu tay, ý chừng nói tôi may mắn lắm mới được thầy nhớ mặt nhớ tên. Tôi lại cảm thấy bực mình trước cách thầy trả vở không hợp lý thế này, thế nên ngẩng lên nhíu mày đáp:
– Vâng… em là Dương Cúc Chi, nhưng… đây là giờ tự học của em.
– Em xem đi, những chỗ sai tôi đã đánh dấu, sửa đúng cho tôi!
Tôi tò mò mở vở ra, thấy thầy Phong gạch đỏ vào vài chỗ. Thực ra dạo này đầu óc tôi nghĩ về Trung nhiều quá mà có chút chểnh mảng, nghĩ một đằng viết một nẻo, thầy ấy ghi vậy cũng đúng.