Chương 1: Thi đại học
Tôi sinh ra và lớn lên ở làng quê. Quanh năm quanh quẩn với lũy tre làng, mấy sào ruộng chua cùng bố mẹ, hay chăn dắt con trâu và mang cuốn sách ra nằm ngả ngớn giữa đồng cỏ học cùng đám bạn bè. Có lẽ tuổi thơ của ai cũng hồn nhiên, vô tư, vô lo như thế.
Mỗi lần thấy chiếc máy bay chạy ù ù tít trên trời mây cao, xanh thẳm, tôi và đám bạn đều thèm thuồng, mơ ước:
- Giá mà mình được “bay” cùng nó, dẫu một lần thôi trước khi phải chết, chúng mày nhỉ?
Chúng tôi “Ồ” lên một tiếng, không giấu giếm nổi ước mong của tuổi trẻ là được đi đây, đi đó, xa rời vòng tay của bố mẹ để tự khẳng định mình. Nhưng cũng có đứa lại cười nhăn, môi nó trề xuống rồi cười trêu:
- Học mải cho xong để có cái tấm bằng tốt nghiệp mà lấy chồng, bố mẹ mày gả cho ở làng bên, nhà chồng nó nuôi. Mà tụi bây biết tại sao lại gả cho làng bên không? Ha ha, cho gần nhà mẹ đẻ đấy. Tao thấy bà chị cả của tao, lần nào bị chồng đánh hay giận dỗi mẹ chồng toàn bỏ về nhà thôi, có khi ăn vạ nhà mẹ đẻ cả tuần lễ, chờ chồng qua xin lỗi rồi đón về. Mà có khi còn làm cao nhé, vênh mặt như thách thức:” Đánh đuổi đi thì dễ, chứ về nhà thì đừng hòng”. Hết phận nhé, đúng là phận làm đàn bà, học cũng lấy chồng, mà không học rồi cũng phải lấy chồng.
Tôi cười mỉm, đưa mắt nhìn theo chiếc máy bay, xa tít, mờ dần và tự nhủ với bản thân:” Ước mơ chắc cũng chỉ là ước mơ thôi nhỉ?”
- Đan này, mày tính thi trường gì chưa? – Linh đập vào vai tôi nhưng ánh mắt nó thì vẫn dõi theo chiếc máy bay đang nhỏ tí lại như chấm đen giữa bầu trời và vạn tầng mây.
- Em hả? Bố bảo thi nông nghiệp để về làng giúp đỡ bà con hàng xóm, không thì thi ngân hàng rồi về huyện làm.
- Thế mày thích không?
- Không. – Tôi dứt khoát. – Đấy là ước mơ của bố mẹ, chứ có phải ước mơ của em đâu.
- A. – Linh hét toáng lên. – Nhìn cái máy bay kia, mày thích không?
- Thích. Hỏi thừa.
- Vậy hai chị em mình sẽ thi học viện hàng không nhé!
Chẳng cần suy nghĩ, tôi gật đầu ngay, tay tôi và tay Linh đập vào nhau kêu cái “bốp” rồi cười hí hửng trước cái nhìn của đám bạn làng:” Chị em con này coi thế mà ngộ nghĩnh, chúng mày nhỉ? Người ta sống dưới đất mà còn sợ chết, giờ lại có hứng thú thích lơ lửng trên cao. Kiếp này làm người đi, kiếp sau hãy mơ thành loài chim vỗ cánh giữa trời…”.
Khi tôi nói chuyện sẽ thi vào học viện hàng không với gia đình, bố không nhìn tôi và rít một điếu thuốc lào. Bố nói mà như đang quát:
- Giỏi thì cứ thi. Thi xong rồi đừng vác mặt về cái nhà này nữa, nghe chưa. Sống ở mặt đất còn chẳng bằng ai. Giờ thích leo lên mây đi kiếm mặt trăng với mặt “giời”. Nói một là một, hai là hai, không nông nghiệp thì ngân hàng. Cái kiểu ở đâu mà bố mẹ nói mà dám cãi lại hả?
- Thôi thôi, ông đừng có nóng. Để rồi tôi nói cho con nó hiểu. – Mẹ tôi vừa can ngăn bố vừa đẩy cái nhìn về phía tôi ra hiệu đi vào gian nhà trong học bài.
- Con hư là toàn tại bà không đấy. Chiều chuộng cho lắm vào. Càng lớn càng khó bảo, con mới chẳng cái. Nói cái hay cái tốt thì không nghe, thích bay với chẳng thích nhảy. Cả cái con Diệu Linh nhà bác cả nữa. Hai cái đứa này, chúng nó giống tính ai thế không biết?
Bố tôi rít thêm điếu thuốc nữa rồi ngồi ở tấm phản gỗ vót nạt tre để mẹ tôi đan rổ rá đem ra chợ bán. Ngoài việc đồng áng, thì đan rổ rá cũng gần như là phần thu nhập chính của gia đình tôi.
Linh đi tắt qua hàng rào hàng dâm bụt, ngó đầu vào bàn học của tôi qua ô cửa sổ. Mắt Linh đỏ hoe và hai bên bầu má ửng lên một màu hồng nhạt:
- Đan. Bố tao bảo, tao mà còn cố tình thi vào học viện hàng không thì ở nhà lấy chồng luôn. Mẹ tao cũng không bênh tao luôn, nói học ở học viện hàng không đắt đỏ mà ra trường thì gia đình xin không được việc ình đâu.
- Có thế mà cũng khóc. – Tôi lườm Linh rồi làm giọng người lớn an ủi. – Chị tưởng tưởng bé lắm đấy mà khóc. Bố em còn không cho em lấy chồng nữa kìa. Chị được thế là còn sướng chán. – Tôi cười gượng mà hai mắt Linh như sáng bừng lên vẻ tò mò.
- Tóm lại là cũng không được thi vào trường đó chứ gì. Buồn nhỉ. Mà không cho lấy chồng thì đi học may vá à, hay lên xã đan rổ rá như bọn con gái ở làng mình để xuất khẩu?
- Em không biết. Bố em chỉ dọa, em mà còn khăng khăng thi vào trường đó thì đừng có vác mặt về nhà.
- Nhưng mai phải nộp phiếu đăng kí về chỗ cô chủ nhiệm rồi. Mày tính thi trường nào. Nghĩ đi nghĩ lại thì tao cũng vẫn thi ngân hàng.
- Để em nghĩ đã. Còn cả đêm nay nữa mà.
Linh nhăn mặt rồi kêu đứng mỏi chân, ngoài sân có nhiều muỗi, vào nhà thì sợ bố tôi mắng chuyện hai đứa rủ nhau dám làm trái ý người lớn. Linh lại đi tắt về nhà qua hàng rào hoa dâm bụt. Còn tôi vẫn ngồi trước bàn học, tờ phiếu đăng kí trường thi sắp đến hạn nộp để ngay ngắn trước mặt vẫn trắng tinh. Mẹ tôi vào phòng học và ngồi ở giường, bàn tay lam lũ với những mảnh ruộng chua vẫn thoăn thoắt theo từng mũi kim khâu vá lại chiếc áo để mặc khi ra ngoài đồng. Nếu là bố, chắc chắn ông sẽ tới chỗ tôi đang ngồi và cầm tờ phiếu đăng kí mà phần phật trong tay. Giọng mẹ trầm hẳn, khác với tất cả những gì tôi đang tưởng tượng:
- Đan. Nghe lời bố đi con. Bố nóng tính thì nói thế nhưng tất cả cũng chỉ là muốn tốt cho con. Mẹ đồng ý là con thích thi vào học viện hàng không, nhưng đó là thích chứ không phải là cần. Ở tuổi trẻ các con, cái mình thích thì bồng bột làm, sau này nghĩ lại nó sẽ khác con à. Mẹ thì chẳng cấm đoán gì, tương lai là do con. Cứ suy nghĩ kĩ những gì mẹ nói đi.
Mẹ lại lặng lẽ bước ra ngoài như cái cách mẹ âm thầm đi vào trong phòng học, nhìn tôi từ đằng xa, nói với tôi những gì bà nghĩ, không phản đối cũng không ủng hộ. Tôi chỉ còn chị Di Vân, nhưng thôi, chị gái đã đi lấy chồng rồi.
Tôi lại tiếp tục ngồi ở bàn học và mơ mộng về sự phồn hoa hay những ánh đèn lấp lánh, những tòa nhà với kiến trúc từ thời Pháp thuộc hay những khu chung cư cao cấp thường được quảng cáo trên tivi ở phía Nam của Tổ quốc. Tôi cầm cục tẩy xóa rồi dùng bút mực ghi lại nguyện vọng chính thức lần cuối. Tôi sẽ thi vào trường ngân hàng.
Ngày thi Đại học cuối cùng cũng đã chấm dứt trong cơn mưa dữ dội vào đầu tháng bảy. Suốt ba năm cấp ba với những buổi thức thâu đêm vào ngày hạ hay những buổi sáng lờ mờ khói sương trong ngày đông mưa phùn giá rét… mà vẫn phải ghì mình bên bàn học cũng thấm thoắt qua mau. Suốt ba năm với sự cố gắng, nỗ lực, cả sự hoang mang lẫn hồi hộp, kì thi đại học đánh dấu một dấu chấm hết cho thời phải cắp sách tới trường hàng ngày, làm bài tập theo quy định, thậm chí nghỉ học cũng cần phải có chữ kí của gia đình… Tất cả đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời mỗi đứa chưa phải người lớn, nhưng cũng chẳng còn là trẻ con nữa như chúng tôi.
Khi tôi vừa bước ra khỏi phòng thi, Linh đã ngồi ở ghế đá chờ tôi, mặt mày hớn hở:
- Làm bài được không cô em?
- Làm gì có chuyện không được ở đây. – Tôi vui vẻ nắm tay Linh cùng đi về phía cổng trường. Ở đó, bố tôi cũng đang sốt ruột ngóng trông.
- Mày đã mơ về đất Sài Gòn trông như thế nào chưa?
- Em chịu. Nhưng em biết chắc chắn là, Sài Gòn hơn vạn lần quê mình ở.
- Đừng có tỏ ra là đồ nhà quê mãi thế chứ. – Linh trề môi, lên giọng. – Thế một tháng ôn thi ở Hà Nội, mày cảm thấy thế nào?
- Thủ đô thì đương nhiên là gấp vạn lần ở quê mình rồi. Nhưng mà thấy ngột ngạt quá, toàn người với người. Em toàn cảm thấy bị thiếu oxi, chị ạ.
Tôi trả lời thật thà trước nụ cười khó hiểu của Linh, rồi vội vã đi tìm bố tôi giữa biển người xa lạ.