Chương cuối: Vấp ngã tuổi hai mươi
“ Đã một ngày trên tàu, em ổn chứ. Anh rất nhớ em”.
“ Em ổn. Công ty sắp nghỉ chưa anh? Anh sắm đồ và đón Tết cùng ba mẹ vui nhé. Điện thoại em sắp hết pin, có thể trong ngày tới em không liên lạc với anh được. Về đến nhà, em sẽ điện thoại cho anh ngay. Anh đừng lo”.
“ Sẽ khổ sở cho anh ngày tiếp đó nếu không biết được thông tin gì của em. Nếu có thể, em nhờ điện thoại người ngồi bên, anh sẽ gọi lại. Anh vẫn luôn mong tin em”.
Đứa trẻ hồn nhiên, đôi mắt tròn mở rộng chăm chú nhìn tôi đang nhắn tin với anh.
Tôi hoảng hốt, đôi mắt sáng trong veo của cậu nhóc mà tôi ngỡ tưởng nơi đó hằn những tia lửa, bùng cháy và dội thẳng vào người tôi.
Bàn tay tôi ôm lấy khuôn mặt mình, sợ hãi.
Có giọt nước mắt vô tình lăn qua kẽ môi, tím tái.
…
- Sao em không nói dối anh? Nói dối một câu, một lần thôi cũng được mà. Sao em không nói đứa bé đó là con của anh chứ. Sao em ác với anh. Tại sao vậy?
Anh ôm lấy hai đầu gối của tôi, quỳ rạp xuống đất. Biết nói sao cho anh hiểu khi chính tôi còn không biết đứa bé là con của ai. Biết giải thích làm sao khi Nam mới rời khỏi phòng vài ngày, tôi đã qua đêm với anh cơ chứ. Tôi là con đàn bà khốn nạn đến mức không biết dùng ngôn ngữ nào để diễn đạt, vì sao anh phải quỵ lụy, quỳ gối và khóc than với tôi. Nếu giả sử đó là con anh đi chăng nữa, thì tôi đã giết nó. Anh hoàn toàn có quyền cho tôi một trận đòn hay đại loại là vài cái tát mà. Tôi hất tung bàn tay anh ra khỏi người mình và khóc.
- Anh đứng lên đi. Anh có thể đánh em, tát em, gì gì cũng được. Làm ơn mà. Sao anh không làm điều đó để em bớt đau hơn, bớt nhục nhã hơn. Em là con đàn bà hư hỏng cơ mà. Anh biết không? Nghe này, em đã giết chết đứa con của mình trong cơn hoang mang cực độ. Nhìn kìa, em đã làm biết bao nhiêu người khác phải khổ sở, tổn thương. Thế đấy, trong một thời gian tính bằng ngày, bằng tháng, mà em đã gây ra biết bao nhiêu tội ác mà con người ta lẽ ra sống cả trăm năm cũng không mắc phải. Làm ơn mà, anh đứng lên đi. Anh nguyền rủa em đi. Anh, …. Em năn nỉ mà.
Anh ngồi lên giường theo cánh tay mệt mỏi của tôi đưa ra. Tôi dìu anh dậy một cách mệt nhoài. Anh kéo người tôi, ghì chặt đầu tôi vào ngực mình, cả hai không nói gì, căn phòng chỉ có tiếng nấc, tiếng khóc. Bên khung cửa sổ, tiếng chuông gió vẫn ngân vang, dai dẳng. Ngoài kia, tiếng mưa đồm độp nện xuống mái hiên nhà. Bước chân Linh vừa lùi lại, rồi chạy vội trong màn mưa nặng hạt, giăng kín lối, …. Anh chỉ biết an ủi tôi:” Anh sẽ nói chuyện với Linh. Việc bây giờ là sức khỏe của em. Em hiểu không? Hãy tin anh. Hãy ở bên cạnh anh. ”.
Tôi đau đến quặn người.
Hôm sau, tôi sang quận Phú Nhuận để tìm Diệu Linh. Cô ấy là chị gái của tôi, là người bạn gái thân nhất của tôi, luôn tốt với tôi, luôn bảo vệ tôi. Những tình cảm, những điều tốt đẹp mà Linh dành cho tôi luôn là “thứ nhất”.
- Đừng dịu dàng với em. Đừng mỉm cười như thế với em. Đừng làm tất cả những điệu bộ, cử chỉ hiền lành đó, sau khi đã ném em xuống bờ vực sâu. Em ghê tởm. Anh biết không?
- Anh xin lỗi.
- Anh không phải nhận lỗi. Nhưng tại sao, tại sao lại là em gái của em, mà không phải là một người khác. À, nó tốt hơn em mà. Nó đảm đang hơn em mà. Nó biết nấu ăn, giặt đồ. Cách yêu thương, chiều chuộng đàn ông của nó khác cả em nữa. Em hiểu hết. Anh về đi.
- Anh là một người đàn ông không tốt. Anh luôn làm em phải buồn, phải khóc. Em là cô gái đẹp, và rất thông minh. Sẽ có một người đàn ông tốt hơn anh, sẽ chăm sóc em.
Tôi bấm mạnh từng ngón tay của mình để bám lấy song cửa phòng trọ của Linh. Linh nhìn tôi với con mắt đậm lửa, nửa hờn trách, nủa yêu thương. Anh Hải hoảng hốt, chạy đến bên tôi. Sau đó, tôi chẳng nhớ vì sao mình lại nằm trong bệnh viện nữa. [ alobooks.vn ]
Và kể từ sau hôm đó cho đến tận ngày tôi lên tàu về quê, Linh không tới phòng thăm tôi thêm một lần nào nữa. Tôi tìm mọi cách để liên lạc với Linh nhưng đều không thể.
…
“Em sẽ không bao giờ về những gì đã xảy ra, cho dù là tàn khóc. Em run sợ, em mệt mỏi nhưng “đối mặt với sự thật” là điều cần thiết với em lúc này”.
“Anh không ngăn cản việc em làm. Nhưng hãy nhớ rằng, anh luôn ở cạnh em”.
Tôi hít thật sâu khi vừa đặt chân xuống tàu cùng chiếc vali hành lý. Sân ga Nam Định ồn ã tiếng nói cười, tiếng những bà bán hàng rong, tiếng những bác xe ôm hay những người bắt khách lên xe ô tô. Khó khăn lắm, tôi mới tìm thấy được biển thông báo hướng dẫn đến lối ra cửa nhà ga.
Những chiếc áo mùa đông đủ màu như những con gấu bông đẹp lạ. Đã có hoa đào, hoa cúc, chậu quất… được bày bán la liệt ở ngay cổng ga. Tôi bắt đầu cảm nhận được vị Tết, cảm thấy lòng mình bắt đầu ấm lên khi nghĩ về bố mẹ và họ hàng đang chờ ở nhà. Tôi khoác thêm chiếc áo ấm rồi kéo vali lững thững tiến về lối cửa ga.
Tôi không thể mang một khuôn mặt ủ rũ để về quê đón Tết cùng gia đình, tôi phải cười nói vui vẻ và hòa chung không khí đón xuân. Khép lại những trang nhật kí yêu thương lẫn quặn lòng ở tuổi hai mươi, tôi sắp bước sang một trang giấy mới còn trắng tinh, nguyên vẹn. Tôi vẫn chỉ biết :”sống mạnh mẽ và yêu bằng cả trái tim”, để ở tuổi hai mươi mốt, khi viết lên trang giấy mới đấy sẽ không có một vệt lem nào.
- Đan… Đàm Di Đan…
Giọng nói rất quen thuộc. Tôi vội vàng nhìn ngó xung quanh, nhưng chẳng có ai cả.
- Đan. Chị đang ở bên tay phải của em.
Tôi vội nhìn sang ngay lập tức. Mặt Linh trắng rã, và tái nhợt, co mình ngồi trong quán nước gần phía cổng ga. Vali hành lí vẫn để bên cạnh. Linh vẫn với tay, và nở nụ cười. Những làn khói ấm nóng trào ra, hối hả rổi lởn vởn hòa vào không gian.
- Sao chị ngồi đây? Chị đi chuyến tàu nào mà không nói với em?
- Tao đi trước mày, tao về từ ba rưỡi sáng, thấy anh Hải bảo khoảng mười giờ trưa, mày về tới ga, nên tao chờ luôn.
- Chị … . Tôi không biết nói gì hơn, cảm động, lo lắng, lẫn hồi hộp.
- Mày không phải nói gì cả. Tất cả giống như cơn bão lớn, bây giờ trời yên, biển lặng rồi mà. Những tình yêu trai gái dễ phai nhạt, rồi cũng thành trống rỗng như những người dưng. Nhưng tao với mày, là tình bạn, là tình chị em, là máu mủ ruột già, chứ không phải là thêu hoa trên gấm. Đồ ngu ngốc.
Linh trả tiền nước, rồi kéo tôi đi qua bên đường dùng bữa sáng. Vẫn là tiếng nói cười lanh lảnh của ngày xưa, vẫn là sự yêu thương, đồng cảm của thuở nào. Tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm hơn, giống như vừa trút được một gánh nặng, một tội ác vây bủa mình.
Linh nắm tay tôi, cùng nhau đi ra bến xe. Linh vô ý đụng đầu vào nóc xe, tôi bật cười trước cái vẻ xuýt xoa giả bộ như thuở trước. Chị gái của tôi vội ngả đầu vào vai tôi và thiếp đi. Chị tôi đã thấm mệt vì quần áo ướt đẫm bởi sương mù, từng sợi vải đều ngấm từng cơn gió lạnh suốt gần mươi giờ đồng hồ chỉ để chờ chuyến tàu về sau của chính đứa em gái đã từng làm mình đau. Đôi môi Linh vẫn mỉm cười, khuôn mặt gầy hao hơn nhưng bình thản. Tôi tháo chiếc áo bông của mình khoác lên người Diệu Linh, để sưởi ấm linh hồn chị, để yêu chị như ngày xưa.
Trong lúc Diệu Linh ngủ, tôi vẫn không tài nào chợp được mắt. Một cô gái ngồi ở hàng ghế đối diện với tôi cũng đang thức và loay hoay gấp hạc giấy. Tôi bất chợt nhoẻn miệng cười. Những con hạc giấy mà cô gái kia đang gấp thực sự không đẹp, nhưng biết đâu trong chuyện tình yêu của cô ấy lại vô cùng hạnh phúc.
Tôi lấy hũ thủy tinh đựng hạc giấy ở trong chiếc túi xách màu sữa. Rất bối rối khi tôi không biết phải làm gì với chúng ngay lúc này. Tôi ngẩn ngơ ngồi đếm số hạc giấy mặc dù biết rõ là chúng có ba trăm lẻ chín con…
Một con, hai con, ba con… ba trăm lẻ tám con hạc giấy không thiếu không thừa. Tôi nghĩ mình đếm sai, lại loay hoay đếm lại. Cộng cả một con hạc giấy đã bị rách làm đôi, cộng cả một vài con hạc đã bị làm xấu dồn lại, vẫn chỉ có ba trăm lẻ tám con hạc giấy. Tôi khóc như đứa trẻ bị đòn oan. Bởi khi gấp hạc giấy, tôi chỉ biết đến Nam, trái tim tôi ngày ấy đêm ngày cũng là hình ảnh của Nam. Bởi ba trăm lẻ tám là ngày sinh nhật ba mươi tháng tám của anh Hải, chứ chẳng phải là sinh nhật của Nam…
Thiếu một con hạc giấy, chẳng khác gì tình cảm của tôi dành cho cậu ấy không đầy. Thiếu một con hạc giấy, tình yêu tròn đầy bỗng như vầng trăng bị khuyết mảnh. Thiếu một con hạc giấy, đành phải gửi tình cảm đơn phương từ trái tim người kia cho gió cuốn ngàn mây bay…
Tôi cẩn thận tháo gỡ hạc. Khi nó đã trở lại trạng thái của một tờ giấy, nó nhăn nhúm cho dù tôi đã miết lấy miết để. Mảnh giấy ấy từng làm nên một con hạc đẹp, bây giờ thì chẳng còn là tờ giấy đẹp như ngày xưa. Phải chăng, nó bắt tôi không được phủi sạch hoàn toàn chuyện quá khứ?
Mỗi phút trôi qua, tôi gỡ hạc càng lúc càng nhanh. Tôi xếp lại xấp giấy cẩn thận vào hũ thủy tinh, để lại một con hạc duy nhất ở bên trên xấp giấy và đóng lắp. Cô gái ngồi đối diện mở to mắt nhìn tôi, đầy vẻ tò mò.
- Sao cậu lại gỡ hạc?
- Cậu hỏi tớ đấy à? – Tôi biết tỏng nhưng vẫn cố tỏ vẻ như không.
- Ừ. Tớ đang hỏi cậu. Gấp hạc rất lâu. Cậu phải giữ gìn chứ? Sao lại gỡ hết chúng ra và chỉ để lại một con thôi nhỉ?
- Khi tình cảm không còn, tớ chỉ muốn giữ làm kỉ niệm. Gỡ hạc là tháo bỏ một mối quan hệ mà.
Dứt lời, tôi thấy ngực trái của mình rất đau. Kí ức vô cùng hiếu động, nó ẩn lấp đâu đó và thỉnh thoảng lại chạy ra dọa nạt một cái làm ta giật mình, rồi nó lại trốn đi thật kĩ. Đến một lúc nào đó, nhìn vào mọi người hay cảnh vật xung quanh, kỉ niệm giữa hai đứa lại xuất hiện, bất giác trong lòng chợt thấy nôn nao…
Tôi cúi đầu nhìn Diệu Linh. Đôi mắt chị vẫn nhắm nghiền. Ngón tay thon nhỏ và trắng muốt của chị ấy đang khẽ gạt nhẹ hai dòng nước mắt đang chảy dài trên má của chính mình. Tôi rút chiếc khăn mùi xoa, giúp chị lau nước mắt, những giọt nước mắt lạnh toát…
Một phút sau, Diệu Linh bật dậy. Linh không dựa người vào ghế mà ngồi thẳng, vòng hai bàn tay qua cổ tháo sợi dây chuyền và lắc lắc trong lòng bàn tay. Trong vài giây, Linh mở cửa kính xe và ném chúng vào bụi cây ven đường trước cái nhìn ngỡ ngàng của tôi.
- Dây chuyền anh Hải mua cho chị mà. Gỡ hạc giấy tức là tháo bỏ một mối quan hệ, thì việc chị ném sợi dây chuyền đó đi cũng tương tự như thế thôi.
Dứt lời, Diệu Linh lại ngả đầu tựa vào vai tôi. Mắt Linh nhắm nghiền lại, nhưng tôi biết vết thương trong lòng chị sẽ phải rất lâu sau mới khép kín.
Năm qua, tôi thực sự khủng hoảng. Tuổi hai mươi không xuân sắc, không ánh nắng vàng rực, không non trẻ, chẳng hề tươi mới. Tuổi hai mươi đã quá sức chịu đựng của tôi. Nhưng đổi lại, những bài học về tình yêu, cuộc sống khiến tôi lớn khôn hơn mỗi ngày.
Trên chuyến xe khách Hải Âu trở về nhà, những vần thơ của chú Phương Nam viết dành tặng cho tôi, vẫn luôn vang vọng ….
“Bên con là hoa
Hoa rạng ngời sắc nắng
Trong nụ cười sáng lên ánh mắt
Con dịu dàng sâu thẳm một tình yêu.
Ẩn chứa đằng sau khuôn mặt yêu kiều
Một thế giới với tâm hồn rộng mở
Mỗi góc cạnh của chiều sâu cuộc sống
Đang hiện về qua những áng văn.
Nét bút con vẫn còn rất băn khoăn
Luôn trăn trở giữa lương tâm và cái ác
Nhưng con hiểu điều gì là thánh thiện
Cuộc đời này cần lắm tính nhân văn.
Bên con là hoa
Hoa rạng ngời sắc nắng
Câu văn viết vẫn còn mang vị đắng
Cuộc sống quanh ta chưa hết những xót xa.
Con vẫn viết vì đó là sự thật
Sự thật thế nào con cứ thế viết ra.
Mỗi câu chuyện kể về một loài hoa
Có hoa đẹp, có hoa xinh, có loài hoa độc
Nhưng tất cả đều vì cuộc sống
Chỉ cần ta biết khai thác những điều hay.
Câu thơ tặng con, ta viết giữa ban ngày
Cho cuộc đời con luôn rạng ngời ánh nắng
Một mai này con bước lên bục vinh quang phía trước
Hãy nhớ về những ngày tháng hàn vi…
HẾT.