Vấp ngã tuổi hai mươi


Chương 4: Sinh viên và những môn học “khó nuốt”
Tôi là con gái Bắc, các bạn trong Nam gọi là dân Bắc Kì khiến tôi không vui và càng không được thoải mái. Việc nghe đám bạn ở trong lớp giao tiếp với nhau đối với tôi cũng là điều rất khó khăn và vô cùng lạ lẫm. Tôi căng tai ra nghe cũng chỉ hiểu được vài chữ từ những cô gái miền Nam hoặc miền Tây, còn những cô gái miền Trung thì tôi đành chịu, chỉ biết thốt lên:” Bạn ơi, nói lại, chậm chút được không?”. Và bạn ấy cười, hai má hơi bừng đỏ nhưng không giận. Khó khăn đến cả tháng, tôi mới tìm được mấy bạn người Bắc để nhập bạn làm bè chung. Một lớp có hơn trăm người, thì cũng hơn mười nhóm chơi tụ tập, ai biết người nấy. Thành phố với thành phố, người quê với người quê. Mà cũng có khi hỏi ra mới biết, mấy bạn người quê nhưng nhà giàu, có điều kiện nên cũng sành điệu lắm, chơi chung luôn cùng hội người thành phố. Nhưng cũng chỉ được vài hôm, có bạn ở nhóm tôi đã lon ton chơi với các bạn gốc Sài Gòn. Bạn ấy bắt đầu lơ lớ giọng, ngượng nghịu nói vẻ tiểu thư. Tôi tủm tỉm cười vì sao bạn ấy học nhanh đến thế. Nhưng có nhìn bộ mặt ngu ngơ như bò đội nón của bạn ấy mới biết, dù cố phát âm cho ra tiếng Nam thì khi nghe người Nam nói chuyện, bạn ấy cũng chẳng hiểu nhiều hơn tôi. Mà cũng có khi ngồi bà tám với đám bạn mới quen, mới biết bạn ấy gọi điện về thăm gia đình, tập nói giọng Sài Gòn ra vẻ bị bố mẹ chửi xa xả ở đầu dây bên kia. Đấy, đáng đời nhé! Tôi cười thầm trong bụng.
Tôi về kể cho Linh nghe những điều thú vị, không thể nào nhịn cười được ở trong lớp học. Linh cười toe rồi méo miệng học đòi làm theo khiến tôi cũng phải ôm bụng cười tiếp. Sau khi học bài xong, chúng tôi dùng rất nhiều đoạn ruy băng với đủ màu sắc để kết thành vô số những bông hồng hay ngôi sao. Rồi chúng tôi lại tự tay đính từng bông, từng bông bằng sợi chỉ trắng ra phía ngoài của chiếc màn; những ngôi sao thì đựng vào hộp nhựa để trang trí trên bàn học hoặc dán lên bề mặt tường. Căn phòng tưởng như chật hẹp, đầy mùi ẩm mốc ở cái nơi được coi là ổ chuột của Sài Gòn này cuối cùng cũng sáng bừng lên nhờ đôi bàn tay khéo léo của hai cô gái đến từ phương Bắc. Chúng tôi cười sung sướng trước thành quả lao động của mình.
Linh nằm ngửa ở giữa giường, những ngón tay vẫn thoăn thoắt chỉnh lại những bông hồng còn dư ra để nối vào phần dây dùng để treo chuông gió. Linh đùa tôi:
- Nhờ tay chị Linh này đấy, cô Đan ạ. Chứ cô Đan thì ở bẩn mà vụng về như em Cám chứ đừng đùa.
- Ai chẳng biết chị Linh chỉ có ba bông hoa tay. Sao bằng em Đan, mười ngón mười bông hoa nở rộ thơm ngát nhá.
Tôi cười to vì câu trả lời hoạnh họe có phần khoe khoang của mình. Thực ra chỉ với ba bông hoa trên đầu mười ngón tay, nhưng Linh rất khéo, thêu thùa rất đẹp, đặc biệt là chị ấy nấu ăn vô cùng hợp khẩu vị của tôi. Rồi chúng tôi ôm nhau chìm vào giấc ngủ sau buổi tối vui vẻ giữa mảnh đất không một người thân, không một người cùng chung máu mủ.
Từ quê lên thành phố, chúng tôi gần như nói không với môn tin học văn phòng và anh văn cơ bản ở ngay học kì đầu tiên. Nói đến mail, tôi lắc đầu vì chưa một lần biết đến online qua yahoo là gì. Nói đến anh văn giao tiếp, tôi càng chưa một lần phải đối thoại với ai ngoài việc học từ vựng mà những giáo viên bộ môn thời cấp hai, cấp ba yêu cầu mỗi ngày phải học ít nhất mười từ mới.
Chúng tôi tốn khá nhiều tiền cho việc ra quán nét ở ngay đầu hẻm khu trọ để học cách làm quen với việc “được” chạm vào máy vi tính thì cảm giác nó sẽ như thế nào. Sau đó là cách khởi động hay tắt máy; cách lê chuột lên xuống hay qua trái qua phải; cách mò mẫm từng ô chữ ở bàn phím đề ghép thành từ, thành câu bằng việc sử dụng dấu trong Tiếng Việt; cách truy cập website với những trang thông dụng hay địa chỉ của trường hoặc Đoàn khoa mình đang theo học để cập nhật những thông báo mới nhất…
Chúng tôi cũng mất rất nhiều thời gian để tập luyện trước gương cho lần đầu tiên mở miệng phát âm những từ vựng tiếng anh dù biết nghĩa nhưng chưa một lần sử dụng trong giao tiếp trước hơn một trăm thành viên trong lớp học. Việc nói ngọng theo tiếng địa phương, việc phát âm sai hay những dấu nhấn nhầm ở các từ vựng khiến nhiều thành viên cười ồ lên vẻ đầy thích thú và châm trọc. Xấu hổ là một điều tất yếu không thể không tránh khỏi, nhưng việc cười nhạo của đa số bạn bè trong lớp đã khiên tôi suy nghĩ rất nhiều. Và có lẽ đó cũng chính là một trong những lí do khiến tôi không muốn thân thiết với bất kì bạn nữ nào trong lớp học.
Tôi vẫn nhớ nụ cười của Mai – người ngồi chung bàn với tôi từ ngay những ngày đầu tiên vào lớp. Mai sở hữu một gương mặt đẹp, đôi lông mày cong không nhổ tỉa cùng mái tóc dài buộc gọn lại phía sau. Khi tôi phát âm sai, tiếng cười ồ lên như tiếng sét đánh bất ngờ. Tôi đưa ánh mắt mình ngay về phía Mai – người bạn tưởng chừng như thân thiết nhất trong lớp - đang ngồi với sự lo lắng và cần được giúp đỡ lẫn sự cảm thông. Nhưng không có gì ở khu vực đó cả, nụ cười tươi tắn của Mai cùng hòa nhịp với tiếng nói cười không ngớt của bạn bè trong lớp đã đập thẳng vào mắt tôi. Tôi cố bước về chỗ ngồi với lời động viên của cô giáo bộ môn cùng điểm sáu đỏ tươi không hề muốn. Mai vui vẻ:
- Giọng ở quê cậu nghe buồn cười thật đấy.
- Thế à?
Rồi tôi im lặng nghe phần trình bày bằng tiếng anh của Mai. Tiếng cười lại ồ lên như kiểu đám học sinh thành phố về miền núi đi du lịch và bất ngờ nhìn thấy một con vật lạ nào đó mà nó chưa bao giờ được xuất hiện trong trí tưởng tượng của bọn họ vậy. Mai về chỗ ngồi với điểm năm cùng cái nhăn mặt và đôi môi mím chặt.
- Sao điểm của tớ lại thấp hơn điểm của Đan nhỉ?
- …
- Ý tớ là tớ nói tốt hơn cậu đó.
- Sao Mai nghĩ cậu nói tốt hơn mình?
- Vì khi mình nói sai, mình có thấy Đan cười mình đâu?
- Mai nghĩ thế à? Với Đan, việc cười cợt giữa những người bạn nữ với nhau chẳng có gì hay ho cả, cho dù là họ không bằng mình đi chăng nữa. Điều đó cũng vô cùng lố bịch.
-…
- Mai nhìn tôi. Đôi môi bạn ấy mím chặt hơn. – Xin lỗi vì sự vô duyên của mình.
Và sau lần đó, Mai không còn ngồi cạnh tôi nữa. Người bạn kế tiếp ngồi bên tôi là Hiếu, một câu sinh viên cũng từ Bắc vào Nam.
Sau bữa cơm tối của buổi học anh văn đầy căng thẳng, tôi ngồi kể lể than khổ than khóc lại tất cả mọi chuyện cho Linh nghe. Linh cũng không hơn gì tôi cả. Thậm chí lớp của Linh, đám bạn nữ còn “vô tư, đáng yêu” hơn thế rất nhiều. Thay vì phải đứng trước gương để tự kỉ như mọi lần, tôi và Linh quyết định nhìn thẳng vào mặt nhau và “hét toáng” lên những câu từ anh văn đáng ghét. Đến khi thấm mệt thì hai đứa lại ôm nhau chìm vào giấc ngủ như chưa hề có chuyện gì xảy ra…
Là sinh viên mới biết, chơi nhiều hay học nhiều là do ý thức của mỗi cá nhân. Bước vào năm thứ nhất, chúng tôi vừa học vừa chơi. Kiến thức chuyên ngành không nhiều, đa phần là làm quen với cách học của chương trình đại học khác với thời phổ thông, cùng các môn cơ bản, hoặc môn xã hội. Tôi và Linh cũng chẳng mấy khi lên thư viện ngồi hàng giờ để nghiên cứu bài vở như lời bố mẹ căn dặn. Cũng chẳng còn những buổi sớm thức dậy từ bốn giờ sáng để học thuộc bài trước khi lên lớp. Càng không có chuyện xảy ra là thức đến nửa đêm để mày mò tìm các cách giải khác nhau cho những bài tập nâng cao trong những cuốn sách dày cộp. Càng không có chuyện phải căn từng giờ từng phút để chạy vào lớp không thì sẽ muộn học và phải dọn nhà vệ sinh hay phạt trực nhật, lau bảng… Cảm giác chẳng khác nào như con chim được sổ lồng, như con sâu róm được thoát khỏi lớp kén dày… tha hồ mà vùng vẫy và cựa quậy.
Tôi đành giết thời gian bằng việc đi làm thêm cùng Linh vào ca chiều, có đồng ra đồng vào lại phụ thêm được tiền bố mẹ ở nhà. Bỗng thấy mình được việc, chẳng phải ăn bám bố mẹ ở quê nhiều. Nghĩ đến thế thôi là tôi và Linh lại cười sung sướng, càng quyết tâm chăm chỉ đi kiếm việc làm.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui