Vị Bắc Xuân Thiên Thụ


Chái Đông và chái Tây nằm đối diện nhau, ngày xưa là phòng của Lý phụ, sau khi Lý phụ qua đời thì thành phòng riêng của Lý Vị.
Nội thất giản dị bình thường, vách tường màu phấn trắng, trên tường treo mấy món đồ như cung tên, chuôi đao.

Trong phòng bày một cái bàn, một cái ghế đẩu, một cái giường, và một cái rương lớn đặt cạnh tường.

Sáng sớm Lý Vị đẩy cửa sổ ra, trời mờ mờ ảo ảo, gió rét buốt, sương giá kết lại thành mảng ở khung cửa sổ.

Bốn bề tĩnh mịch, chỉ có nơi cửa phòng bếp hắt ra vài tia sáng vụn, làn khói mỏng mạnh nhẹ lượn lờ bay lên, là Triệu đại nương đang nhóm lửa chuẩn bị cơm sáng.

Tôi luyện bao nhiêu năm, cuộc sống của hắn đơn giản chừng mực, ngủ ít lại còn dậy sớm.

Truy Lôi trong chuồng nhìn chủ nhân ôm cỏ khô đến, hai vó trước giơ cao, khẽ hí một tràng, nặng lượng tràn trề, hơi nóng phả ồ ồ vào lòng bàn tay chủ nhân.

Lý Vị vỗ con ngựa quý của mình: "Hôm nay ở nhà, ngày mai sẽ dẫn mày ra ngoài chạy."
Truy Lôi như nghe hiểu tiếng người, nó vừa hí vừa lúc lắc cái đầu, rồi nhoài người nằm về chuồng.

Triệu đại nương bước ra khỏi phòng, thấy Lý Vị mới tinh mơ đã dậy, không khỏi cười bảo: "Trời lạnh thế này, đại gia cũng nên ngủ nhiều hơn đi.

Tôi đang sắc thuốc cho nương tử, cơm cũng chưa nấu, nếu đại gia đói thì tôi làm bát bánh canh thịt dê cho đại gia lót dạ nhé?"
"Không cần đâu." Lý Vị thuộc kiểu vai rộng eo hẹp, vóc người cao lớn, đứng trong căn bếp nhỏ trông hơi chật chội.

Thế là hắn dứt khoát ngồi xuống, thò tay sâu vào trong phần bụng tối đen của hũ thuốc miệng bé gảy gảy, mùi hương kỳ lạ của dược liệu xộc vào mũi, đích xác là thứ mùi thâm nhập ruột gan, dai dẳng hoài chẳng dứt trong phòng Lý nương tử.

Bệnh của Lý nương tử đã có khi còn nằm trong bụng mẹ, từ nhỏ đã không được khỏe mạnh lắm, hồi bé thường sinh bệnh tật, thầy thuốc hay nói sống không quá hai mươi mấy tuổi.

Nhưng từ khi Lý Vị hiểu chuyện, biết thể trạng chị cả ốm yếu, bèn dốc lòng kiếm tìm dược liệu quý giá vùng Tây Vực, cuối cùng cũng giúp sức khỏe Lý nương tử từ từ khởi sắc.

Tuy nhiên ngày vui ngắn chẳng tày gang, sau khi sinh Trường Lưu, Lý nương tử mắc chứng huyết hư, rối loạn kinh nguyệt, âm dương băng huyết, dần dà xuất hiện triệu chứng khí huyết kiệt quệ, dược thạch cũng vô tác dụng.

Mấy năm trước có vị Đạt Ma Bạt Đà cao tăng của Quy Từ tu hành ở chùa Mộc Tháp thành Cam Châu, Lý Vị nghe vị đại sư này có thuật kỳ hoàng rất cao siêu, bèn xin đại sư kê bài thuốc.

Có điều bài thuốc ấy vô cùng phức tạp, lấy tứ mùa làm nguồn dẫn, dược thạch và tứ mùa có khả năng san giảm, tổng cộng hơn chín mươi loại dược liệu, trong đó rất nhiều kỳ dược Tây Vực, không phải thứ mà gia đình bình thường có được.

Lý Vị trải trăm cay nghìn đắng tìm thuốc về nhà cho Lý nương tử dùng, quả thực tình hình bắt đầu khả quan hơn.


Từ đó trở đi, Lý nương tử vẫn luôn dùng bài thuốc ấy, cho tới tận bây giờ.

Bài thuốc này cực kỳ quý báu, Đạt Ma Bạt Đà xuất thân từ hoàng thất Quy Từ, những loại nhũ hương hay một dược đều dùng thoải mái như dược thiệu thông thường.

Ngoài ra còn cả mấy thứ hiếm gặp như nấm A Ngụy, la bố ma, kha tử, mật lạc đà.

Thảo nào hôm ấy đại sư tự dưng nói tiếng xin lỗi, bởi lẽ nếu không phải nhà quyền thế giàu sang, thì cho dù là có bài thuốc trong tay đi chăng nữa cũng chả làm nên được chuyện gì đâu.

"Đại gia về rồi, nương tử phấn chấn hẳn, chịu uống thuốc, cơm cũng ăn nhiều hơn nữa." Triệu đại nương nói, "Lần trước nương tử cứ chê thuốc đắng, nhiều bữa thấy tinh thần khá hơn là lại nghỉ uống, người ngoài khuyên không thèm nghe.

Có khi trong người bứt rứt, cũng chả chịu đi khám bệnh, giấu không cho ai biết, dẫu không vì mình thì cũng nhất quyết phải vì đại gia và Trường Lưu."
Lý Vị hơi cau mày, bất đắc dĩ nói: "Lúc tôi vắng nhà không giải quyết được nhiều việc, mà lúc ở nhà nàng ấy cũng chẳng nói với tôi." Hắn thở dài, hồi lâu sau mới bảo: "Vẫn phải nhờ thím trông nom trong nhà nhiều."
"Đấy là đương nhiên."
Trường Lưu dậy, thấy chàng hồ đào hôm qua Lý Vị tặng đặt bên gối, cậu xốc chăn xuống thay quần áo, xỏ giày ra khỏi phòng, lòng vui rạo rực đi tới chái Đông của cha.

Cha cậu đang ngồi xếp bằng dưới mái che trước phòng, cầm đá mài tên.

Trường Lưu bước đến trước mặt, để cha cậu vuốt ve mái đầu nho nhỏ: "Trường học cho nghỉ, sao con dậy sớm thế?"
"Thầy đã dặn sáng đọc tối luyện, không được trì hoãn." Cậu ngồi xổm cạnh Lý Vị, chỉ vào mũi tên dài như lưỡi đao, loáng bóng phản chiếu mảnh góc áo của cậu, "Cha, mũi tên này sắc quá."
Mũi tên để giết người, sao có thể không sắc cho được.

Lý Vị cười, sờ đầu cậu, "Ngoan ngoãn ngồi nhìn, cách xa một chút."
"Kẻ xấu trông thấy mũi tên của cha chắc chắn sẽ sợ mất mật cho xem."
"Ra trận đánh giặc, quan trọng nhất chính là vũ khí, nó có thể dùng để diệt địch, cũng có thể bảo vệ tính mạng." Lý Vị thong thả mài mũi tên.

Trường Lưu nghĩ nghĩ, nghiêng đầu nói: "Công dục thiện kỳ sự, tất tiên lợi hà khí*.

Đầu tiên phải chuẩn bị vũ khí kỹ càng, lúc đánh trận mới không bị nao núng."
(*Dịch nghĩa: Người thợ muốn hoàn thành tốt công việc, thì trước tiên phải mài công cụ sắc bén - Luận ngữ Vệ Linh Công)
Lý Vị mỉm cười, xoa xoa tóc con trai: "Chính xác."
Cánh cửa chái Tây kẽo kẹt mở ra, bóng hình nhỏ yếu lọt vào tầm mắt của hai cha con.

Xuân Thiên xách chiếc váy nửa cũ nửa mới, run run bước xuống.

Quần áo trên người nàng vốn được làm từ khi Lý nương tử còn là thiếu nữ, màu sắc quá sáng nên ít mặc ra ngoài, cứ gấp gọn để trong tủ, nay lấy cho Xuân Thiên mặc tạm.


Bộ váy xinh xắn càng bật lên khuôn mặt như sương như tuyết của Xuân Thiên, điểm thêm là cặp mắt đen nhánh tựa nét sơn mài.

Xuân Thiên đứng trong sân chào hỏi hai người, thân người gầy yếu khựng lại trong cơn gió buổi sớm rét mướt.

Bỗng nàng hơi quay sang hướng Lý Vị, cúi đầu chào: "Đại gia." Thái độ của nàng cực kỳ trịnh trọng: "Lúc tôi bệnh không biết chuyện gì xảy ra, suốt đường đi chưa có cơ hội nói với ân nhân lời cảm ơn." Nàng khom người, cúi đầu trước hắn, "Ơn cứu mạng của đại gia, Xuân Thiên khắc ghi trong lòng, suốt đời khó quên."
"Cô nương quá lời rồi." Lý Vị chỉ đáp, "May có vị thương khách kia phát hiện ra cô, sau đó Đoàn công tử cũng túc trực bên cạnh chăm sóc không ngơi.

Ta cùng lắm chỉ nhấc tay một cái mà thôi."
"Ân tình của các ân công, Xuân Thiên mãi mãi ghi tạc, thề không dám quên."
Lý Vị sực nhớ ra một chuyện, rũ áo đứng dậy đi vào trong buồng, nói với nàng: "Đoàn công tử nhờ ta mang đồ của cô về."
Xuân Thiên thắc mắc, bước nhanh vào thì thấy phòng Lý Vị có cuộn vải sa tanh.

Lý Vị cười, đưa cho nàng: "Hôm đó tìm được cái này trên người cô, Đoàn công tử giữ lại.

Lúc rời Cam Châu đi gấp quá, đến Trường An mới nhớ là phải trả cho cô."
Nàng cầm cuộn vải nặng trịch, vội vàng lật ra.

Thốt nhiên, nàng "a" lên một tiếng ngắn ngủi mà sốt sắng, tấm lưng run nhè nhẹ.

Đây là thanh chủy thủ nàng để thất lạc, trĩu nặng, đen như mực, lạnh băng, có dải băng lụa đã phai màu quấn quanh vỏ dao, thoạt trông như vật cũ luôn theo sát bên mình.

"Đa tạ." Giọng nàng có phần nghẹn ngào, hốc mắt ươn ướt, mặt nghiêng sang, nhẹ nhàng áp thanh chủy thủ lên má, chạm vào là nhiệt độ lạnh lẽo vô cùng quen thuộc.

Trường Lưu chớp chớp mi, ngửa đầu hỏi cha mình bằng ánh mắt.

Lý Vị sờ đầu cậu, khẽ giọng nói: "Đó là đồ cũ của chị Xuân Thiên con." Trường Lưu gật gù, lén xê dịch chân, vuốt ve góc ống tay áo của nàng như đang an ủi.

Lý Vị nhìn khuôn mặt tái nhợt ấy, chợt nhớ về dáng vẻ lần đầu tiên thấy nàng.

Người mặc đồ nam, khoác áo lông trắng, vốn rất có phong thái của thiếu niên trẻ tuổi, tuy nhiên lại thoáng phần lẻ loi yếu đuối, khoảnh khắc đôi mắt mở to, hệt như gió phất bụi trần, sáng rỡ như ngọc.

Con nhà ai mà lại bị bỏ quên ở chốn hoang vắng hiu quạnh này? - Hắn nghĩ như vậy.


Lý nương tử kể về cảnh ngộ của Xuân Thiên, thật đúng là câu chuyện gây bao bùi ngùi thổn thức cho hàng xóm láng giềng khắp con hẻm.

Nàng thiếu nữ đến từ Trường An, vì cha ruột bỏ mạng, bơ vơ chẳng nơi nương tựa, bèn dẫn lão bộc trong nhà lặn lội tìm tới người chú ở Bắc Đình xa xôi hòng cậy nhờ.

Hiềm nỗi đi được nửa đường thì lạc mất lão bộc.

Một mình nàng theo thương đội ra khỏi Ngọc Môn, hướng đến Bắc Đình, ngờ đâu đụng phải mã phỉ ở Hồng Nhai Câu, suýt nữa đã toi đời.

Cả nhà ngồi trong nhĩ phòng chuyện trò, Lý nương tử nắm tay Xuân Thiên, hỏi trượng phu mình: "Đại gia có quen bạn bè nào ở Bắc Đình không, có thì nghe ngóng giúp Xuân Thiên cô nương."
"Nhiều năm trước gia đình chú em sống ở Luân Đài Bắc Đình.

Nhưng về sau lại dời sang phía Tây, chắc là đến vùng Tây Châu rồi." Xuân Thiên nói chậm rãi, "Em ở quý phủ quấy rầy thế này, thực sự áy náy, không dám làm phiền nương tử và đại gia nhiều.

Khi nào thường thế lành lặn, em sẽ tới Luân Đài tìm người thân tiếp."
"Em con gái con đứa, lang thang ngoài kia đâu phải chuyện đơn giản.

Lại còn là đất Hồ, đường sá gập ghềnh, tuyệt đối không được đi một mình." Lý nương tử ôn tồn khuyên, "Tết nhất đến nơi rồi, việc gì cứ phải sốt hết cả ruột lên, để đại gia hỏi thăm kỹ cho em xem sao.

Em yên tâm đi, lo dưỡng thương cho khỏe kìa."
Lý Vị pha trà ở bếp lò gần đó: "Bắc Đình cai quản ba châu là Y, Tây, Đình, lại rất nhiều quân trấn, thường có sĩ phu và thương khách lui tới.

Quân dân sống chung với nhau, tìm một người có lẽ không dễ, nhưng nếu tìm một gia đình người Hán thì cũng không gọi là khó."
Xuân Thiên gật đầu đáp "phải", Lý Vị cười nhẹ, hỏi nàng: "Không biết chú ruột cô nương làm nghề gì, nhà buôn hay là tòng quân?"
Nàng ngập ngừng giây lát, trả lời: "Chú tôi tên Trần Trung Tín, mười mấy năm trước từng nhậm chức Bồi Nhung phó úy* của quân phòng thủ Cam Lộ Xuyên, sau đó được điều công tác về Luân Đài.

Hiện giờ...!hiện giờ không biết đã thuyên chuyển đến đâu..."
(*Bồi Nhung phó úy hay quan võ tán: chỉ quan viên không có chức vụ cố định)
"Hóa ra là trưởng quan trong quân.

Vậy thì dễ rồi, trước kia ở trong quân ta có mấy người bạn cũ, có thể tìm hiểu giúp cô."
Nàng luôn miệng nói cảm ơn, lòng dâng lên niềm vui sướng mơ hồ, lại có hơi u sầu.

Lý nương tử dịu dàng an ủi: "Đừng lo lắng, rồi sẽ tìm được thôi."
Lý Vị đứng dậy, đổi cho nàng một chén nước trà, chậm giọng nói: "Không chỉ có chúng ta giữ cô lại, mà Đoàn công tử cũng có ý giữ cô.

Cô còn nhớ cậu ấy không, cậu ấy vốn muốn chăm sóc cho cô, chờ cô tỉnh lại mới quay về Trường An."
Xuân Thiên nhớ mang máng có vị công tử cẩm y, nhưng hoàn toàn đã quên mất khuôn mặt của người nọ.

Ngón tay nàng vuốt miệng chén: "Cũng chưa kịp nói một tiếng cảm ơn với Đoàn công tử, không biết Đoàn công tử có chuyện gì muốn hỏi tôi?"
"Tình hình ngày cô bị thương, và đám mã phỉ kia, cô còn nhớ chứ?"
Xuân Thiên hít sâu một hơi: "Nhớ ạ."

"Hôm đó gió rất lớn, đá sỏi trong Hồng Nhai Câu đập vào mặt.

Tôi đi theo sau thương đội, vừa tiến vào một khe núi, bỗng nhiên nghe thấy âm thanh cực bén xé gió lao đến, hình như là tiếng phát ra từ loại còi nhỏ mảnh.

Rồi chung quanh bất ngờ có cả đám người ngựa tuôn ra ào ào, có kẻ vung trường đao xông lên, roi ngựa quất vùn vụt, ai nấy cũng cuống cuồng.

Tôi đứng phía dưới cùng của đội ngũ, ban đầu bỏ chạy theo mọi người, lúc này có người đàn ông trong thương đội nhét dây cương của thồ hàng vào tay tôi, bảo tôi chạy về." Mặt nàng trắng bệch, lông mày cau tít, nhớ lại cảm giác đau điếng sau lưng do dao của đám mã phỉ gây ra, "Bọn chúng cướp hàng của thương đội."
Lý Vị suy tính một hồi: "Cô có nhớ tướng tá của đám mã phỉ không?"
Nàng lắc đầu: "Bọn chúng che kín mặt bằng vải đen, nói tiếng Hồ, ánh mắt hung ác như con dao vậy.

Nhưng...!nhưng quần áo chúng mặc giống hệt áo choàng của dân du mục, khoác áo nỉ da bên ngoài, đai lưng treo dao nhíp và lưỡi rìu lửa*.

Tôi thấy một gã trong bọn chúng còn buộc răng thú và hộp thuốc hít* màu chàm ngang hông nữa."
Dân du mục của thảo nguyên hồ nước trú trên những ngọn núi tuyết phủ kín.

Mùa đông nhốt bò dê trong chuồng rồi xuống núi đóng giả thành cường đạo cướp giật hành thương.

"Bao hàng của thương đội có những gì?"
"Thương đội có mấy chục thồ hàng, bao hàng nhẹ lắm, mùi trà rất nồng."
Lý Vị khẽ lắc đầu: "Hàng hóa của thương đội bị cướp mà không ai đến quan phủ đệ đơn kiện.

Người bị thương lăn xuống rãnh khô, thương đội cũng chỉ chăm chăm gom đồ rồi chạy trốn."
Xuân Thiên im lặng không nói, Lý Vị hỏi: "Cô gặp thương đội này ở chỗ nào, thương nhân trong đó cô có còn nhớ không?"
"Gặp ở Lương Châu, nghe khẩu âm có lẽ là thương nhân vùng Quan Trung.

Nhưng đi đường cấp bách, trời tối mịt cũng không vào dịch trạm nghỉ chân.

Tôi chỉ đi theo sau xe bò của họ, nói chuyện chẳng được mấy câu."
Lý Vị thầm cân nhắc một phen, mày hơi nhíu vào, lại lắc đầu.

Xuân Thiên thử hỏi: "Đoàn công tử là người Trường An sao?"
"Nguyên quán của cậu ấy là Lương Châu, về sau gia tộc chuyển tới Trường An làm quan, Đoàn lão gia là lang quan lễ bộ ti."
Lang quan của lễ bộ đồn điền chỉ là chức quan cấp tòng tam phẩm, đứng giữa chốn kinh đô quan lại tụ hợp nghiễm nhiên không tính là nổi bật.

Nhưng với Đoàn gia mà nói, gia đình thương nhân đi từ giang hồ đến tiểu thương, một ngày kia thay da đổi thịt, trở thành dòng dõi phủ cao son vàng, thơ lễ trâm anh theo hầu loan giá, nào đâu phải chuyện dễ dàng.

(còn tiếp)
*Chú thích:
.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận