Truyện: Viện điều dưỡng Đồng Xanh – Bệnh nhân London.
Tác giả: Lan Đạo Tiên Sinh.
Editor: Aminta.
Chương 17
***
Đêm hôm đó tôi ngủ rất say, trong giấc mơ tôi lại trở về cô nhi viện nho nhỏ ở London.
Tôi và Carl và những đứa trẻ khác ngồi quanh một cái bàn gỗ thật dài, trên bàn có một cái nồi lớn, đến nay khung cảnh ấy vẫn khiến tôi bật cười, đứa trẻ nào cũng là Oliver, cầm cái bát nhỏ của mình và nói: "Xin cho cháu thêm chút cháo." Chúng tôi bụng đói kêu vang, nhanh chóng ăn hết cháo trong bát, thậm chí còn liếm sạch bát.
Bà vú chăm sóc chúng tôi nói rằng thế thì bà ấy khỏi cần phải rửa bát nữa.
Sau đó bà sẽ cho chúng tôi xem đáy nồi trống rỗng, chúng tôi đành phải mang cái bụng đói về phòng, tựa sát vào nhau chìm vào giấc ngủ.
(Oliver là nhân vật chính trong tác phẩm Oliver Twist của Charles Dickens, Oliver Twist sinh ra trong hoàn cảnh nghèo nàn và không may ở tại một nhà tế bần ở một thị trấn vô danh.
Oliver sống ở đấy rất cực nhọc vì thức ăn rất ít, cụ thể là khoảng sáu tháng.
Một ngày, những cậu bé do quá đói đã bầu ra một đứa đi xin thêm cháo lỏng, xui xẻo thay người đó lại là Oliver.
Cậu đứng trước những người ở nhà tế bần và nói một câu rất nổi tiếng là: "Thưa ngài, cho cháu thêm một ít ạ)
Carl lại kêu đói lúc nửa đêm.
Tôi lén lút đi vào nhà bếp, hi vọng có thể tìm thấy chút đồ ăn thừa, đôi khi may mắn tôi có thể tìm thấy một ổ bánh mì trong tủ.
Tôi lặng lẽ nhét bánh mì vào trong ngực, mang về cho cậu ấy.
Không ai biết lúc ấy tôi cũng đói đến sắp nổi điên.
Nhưng mỗi lần thấy Carl cười vui vẻ khi được ổ bánh mì, tôi lại cảm thấy mình không đói lắm.
Phần lớn thời gian tôi sẽ bị bà vú trực đêm bắt lại, nhốt trong phòng đánh một trận dữ dội.
Cơn ác mộng này tiếp tục đến năm tôi mười tuổi, một đôi vợ chồng đến từ Paris nhận nuôi tôi.
Họ thích tướng mạo của tôi, họ nói rằng tôi giống như một thiên sứ, cho nên họ dự định nhận nuôi tôi.
Tôi cố thuyết phục họ mang Carl theo cùng, nhưng họ từng nói không thích đứa trẻ có tóc đậm màu.
Tôi dao động khi cân nhắc giữa Carl và vấn đề thức ăn, tôi đồng ý với đôi vợ chồng đó.
Đây là món nợ cả đời của tôi với Carl.
Không ai nhận nuôi Carl, cậu ấy lớn lên trong cô nhi viện, không được đến trường như tôi mà phải đi học nghề kiếm tiền, những lá thư cậu ấy gửi tôi có chứa nỗi oán hận, nhưng tới tận bây giờ cậu ấy chưa từng oán trách tôi một mình hưởng thụ cuộc sống trong một gia đình giàu có, cậu ấy không thể tha thứ việc tôi rời đi và vắng mặt trong phần tuổi thơ còn lại của cậu ấy.
Chuyện này đủ để khiến tôi hối hận cả đời.
Nếu như lúc ấy tôi không rời khỏi Carl thì kết cục sẽ như thế nào?
Nửa đêm tôi đói đến tỉnh.
Tôi cuốn chăn đặt trên bụng, hi vọng có thể làm dịu sự trống rỗng trong dạ dày, nhưng tôi quá đói, vừa buồn nôn vừa khó chịu nên không nhịn được lật qua lật lại trên giường.
Một ổ bánh mì được ném lên giường tôi.
Tôi cảm kích ngẩng đầu, Alexei thì quay người đi trở về giường của anh ta.
Vào giờ lao động ngày thứ hai, tôi lại được phân cùng tổ với Mikhail, cậu ta vẫn dùng trí nhớ đáng sợ của mình để làm việc.
Nazi sẽ tập trung những tù nhân có ích lại, ví dụ như bác sĩ và y tá người Do Thái và những công nhân có kỹ thuật để sử dụng họ.
Sự thông minh của Mikhail chưa từng bị phát hiện.
Trong thể xác 14 tuổi của cậu ấy chứa một linh hồn trưởng thành hơn nhiều, cậu ấy biết khi nào nên dùng đầu óc của mình, khi nào nên giả vờ ngu ngốc.
"Người như em khác với các bác sĩ, họ sẽ cho em qua Kanada, mà những người đến đó chẳng ai còn sống quay về." Mikhail nói với tôi.
(Kanada = Canada trong tiếng Đức, quân SS thu giữ và phân loại vật dụng của các nạn nhân trong một khu vực của trại gọi là "Kanada", có tên gọi này là bởi Canada được xem là vùng đất trù phú.
Những người làm việc ở Kanada có nhiệm vụ phân loại, kiểm kê vật dụng.
Những tù nhân làm việc ở đây có điều kiện tốt do được chia chác từ các món đồ quý, nhưng cũng bị trừng phạt rất nặng)
Khi một ngày cứ trôi qua như thế, chúng tôi lại tận mắt thấy một thảm kịch.
Khi chúng tôi đến Birkenau chuẩn bị kiểm tra sức khỏe định kỳ, một nhóm người Do Thái nhẹ nhàng đi ngang qua chúng tôi như những hồn ma, họ cầm khăn và xà phòng, ánh mắt hoang mang nhưng rất hưng phấn, giống như là họ sắp đến một nơi tốt đẹp.
Dõi mắt nhìn nơi họ tiến đến, tôi thấy một tòa nhà màu trắng, không có gì đặc biệt.
Tôi mơ hồ nghe họ nói đến từ "tắm rửa".
Đối với những người bẩn thỉu từ trên xuống dưới, đây đúng là ân huệ lớn lao trong trại tập trung.
Một nhóm người lớn đi vào trong "phòng tắm".
Sau đó quân SS khóa cửa lại, một số người lính khác cho thứ gì đó vào cái lỗ trên bãi cỏ.
"Đó là Zyklon B." Mikhail đứng sau lưng tôi và nói, "Họ tiêu rồi." (Zyklon B là tên thương mại của một loại thuốc trừ sâu Xyanua dựa trên phát minh của người Đức năm 1920.
Nó là một chất độc có màu trắng được cảnh báo là gây kích thích mắt và được hấp thu bởi một loại đá diatomite.
Là một sản phẩm rất nổi tiếng đã được phát xít Đức sử dụng trong thảm họa diệt chủng Holocaust giết chết hàng triệu người trong các buồng khí ngạt tại Auschwitz-Birkenau, Majdanek và nhiều trại tập trung khác.
Các ống xả độc nằm ngay phía dưới mặt đất dẫn đến phòng hơi ngạt)
Tôi còn không biết Zyklon B là gì.
Ước chừng một lát sau, những tiếng thét hoảng sợ phát ra từ trong "phòng tắm", người bên ngoài thờ ơ, mặc cho tiếng kêu la bên trong xuyên thấu màng nhĩ.
Khoảng mười phút đồng hồ sau, "phòng tắm" lại trở nên yên tĩnh.
Nazi mở cửa, để một số người Do Thái đi vào, chỉ chốc lát sau có rất nhiều thi thể trắng toát được ném ra.
Họ chất chồng thi thể và quần áo sang hai bên.
Một số người bắt đầu phân loại quần áo và một số đồ có giá trị, một số người khác thì bắt đầu cắt tóc thi thể.
Tóc phụ nữ có màu đen, nâu đậm, vàng rực, đỏ bị ném lên một cái xe đẩy, sau đó chuyển đi.
(Những người Do Thái ở đoạn này là các Sonderkommando – những tù nhân xử lý phòng hơi ngạt.)
"Đống tóc đó có thể dùng để bện..." Mikhail giải thích.
"Đừng nói nữa." Tôi ngắt lời cậu ta, không nhìn "phòng tắm" ở bên kia nữa.
Cậu ta nói tiếp như không nghe thấy lời tôi: "Vì sao không đứng lên phản kháng, rõ ràng họ có nhiều người..."
Người kiểm tra sức khỏe cho chúng tôi vẫn là bác sĩ Mengele, Behaim cũng ở đó.
Không biết vì sao trong khoảnh khắc nhìn thấy Behaim, lòng tôi bình tĩnh lại.
Dường như giữa chúng tôi đã hình thành một sự ăn ý khó miêu tả.
Chúng tôi cởi quần áo ra để kiểm tra, Behaim kiểm tra cơ thể của tôi một cách đơn giản và để tôi qua.
Mikhail theo sát sau lưng tôi: "Thật kỳ lạ, họ không ghi lại số hiệu của anh, rõ ràng sau lưng anh có một vết sẹo."
Tôi cười với cậu ta nhưng không nói thêm gì nữa.
Chúng tôi mặc quần áo tử tế chuẩn bị rời đi và tình cờ gặp tù binh Anh đang xếp hàng kiểm tra sức khỏe.
Tôi vừa nhìn là đã thấy Carl trong đám người, tôi mỉm cười chào cậu ấy.
Ánh mắt Carl nhìn tôi chằm chằm, mãi không dời đi.
Trong ánh mắt kia tràn đầy áy náy, mà đó vốn nên là cảm xúc của tôi đối với cậu ấy mới đúng.
Vào ban đêm, tôi nằm lỳ trên giường không ngủ được.
Nếu như Alexei nói đúng, hôm nay là ca trực của Albrecht, một tuần chỉ có một lần này là có thể gặp Carl.
Nhưng tôi không thể liên lụy họ, tôi không muốn ngủ, nhưng cũng không thể xuống giường đi ra ngoài.
Đang lúc tôi trằn trọc, Alexei khẽ gọi tôi xuống.
Tôi hầu như trượt thẳng xuống giường.
Anh ta dẫn tôi ra ngoài doanh trại.
Giám ngục của chúng tôi không ở đây mà ở doanh trại đối diện, bên kia lưới sắt, Albrecht dùng tay ra hiệu không thành vấn đề với tôi.
"Tôi đi hút điếu thuốc." Alexei nói: "Nửa tiếng."
Tôi liên tục nói cám ơn anh ta mãi đến khi đôi môi cũng trở nên chết lặng.
Albrecht gọi tôi tới, tôi cẩn thận chạy đến bên cạnh lưới sắt, chuẩn bị bò qua thì cậu ta ngăn tôi lại.
"Anh không thể trèo qua lưới như vậy, phần lớn lưới đều có điện, sẽ chết người đó." Albrecht kiên nhẫn giải thích, "Lưới này thì đặc biệt, chỉ để phân chia doanh trại cho nên không có điện."
"Cảm ơn..."
"Tôi đi gọi Carl ra." Cậu ta nở nụ cười rồi rời đi.
Khoảng một phút sau, Carl đi ra.
Cậu ấy còn mặc bộ quần áo ban ngày, trên đầu là mái tóc quăn nâu đậm.
Chúng tôi ngồi dựa vào lưới sắt, vai kề vai giống như khi còn bé, chỉ có điều cách lưới sắt mà thôi.
"Hôm nay...!em thấy anh đang kiểm tra sức khoẻ." Cậu ấy nói.
Tôi gật đầu: "Ừ, anh may mắn thoát được một kiếp, em cũng thế."
Một sự im lặng kéo dài đằng đẵng khoảng hai phút.
"Ella, vết thương sau lưng anh...!còn đau không?"
Tôi sững sờ, không nhịn được ngẩng đầu nhìn mặt cậu ấy.
Carl quay lưng về phía tôi, ánh trăng chỉ có thể chiếu sáng nửa khuôn mặt, nhưng trông cậu ấy thật buồn.
Tôi vươn tay, nhưng ngón tay chỉ có thể chạm đến mái tóc mềm mại của cậu ấy.
"Hết đau lâu rồi, Carl."
Ngón tay của cậu ấy thò qua từ bên kia lưới sắt, tôi dùng tay nắm thật chặt ngón tay cậu ấy, bởi vì tay cậu ấy rất lạnh.
"Y chang hồi bé, Carl em lúc nào cũng dính người như vậy."
"Bởi vì anh đi quá nhanh, em không đuổi kịp, Ella, vì sao anh...!không chờ em?"
"Anh muốn bảo vệ em." Tôi nói: "Dù sao cũng cần một người đi đằng trước ngăn cản nguy hiểm..."
Ngón tay cậu ấy bị tôi năm chặt đột nhiên run một cái, sau đó rút ra: " Ella, em..."
"Carl, em đã trưởng thành." Tôi thở dài: "Và cũng không cần anh nữa..."
Cậu ấy lắc đầu, nhưng không nói gì thêm, sau đó cậu ấy lấy một cái túi giấy căng phồng ra từng trong ngực, có vệt dầu thấm ướt giấy từ bên trong.
"Đây là đồ ăn hội Chữ Thập Đỏ gửi cho tụi em, anh cầm đi."
Trong trại tập trung khuyết thiếu thức ăn, một túi đồ ăn phải hiếm đến cỡ nào.
Cậu ấy muốn nhét cái túi qua lưới sắt, nhưng lỗ lưới sắt quá nhỏ, nó hoàn toàn không thể lọt qua.
Thế là Carl mở túi giấy ra, tôi nhìn thấy bên trong có một cái lạp xưởng và một ổ bánh mì nhỏ.
Cậu ấy đưa lạp xưởng qua nhưng tôi không nhận.
"Anh không đói bụng." Tôi nói.
"Em muốn nhìn anh ăn hết ngay tại đây." Carl vẫn còn đang giữ tư thế đưa lạp xưởng.
Tôi không thể làm gì khác hơn là nhận lấy và hé miệng cắn một cái.
Tôi không được ăn thịt chỉ mới nửa tháng nhưng vẫn có thể cảm nhận hương vị của nó.
Đây là thứ tôi chưa từng được ăn tại cô nhi viện, cũng là thứ Behaim chưa từng cho tôi, nó đến từ Carl – đứa trẻ luôn than đói vào lúc nửa đêm.
"Em mãi mãi không quên những đêm ấy ở cô nhi viện." Carl nói: "Em luôn khóc bởi vì ăn không đủ no.
Bánh mì mà anh lén mang về là niềm an ủi lớn nhất của em.
Em cũng biết anh bị bà vú đánh..."
Tôi nuốt miếng bánh mì cuối cùng rồi nắm lấy ngón tay cậu ấy và nói:
"Không sao, anh không còn đau nữa.
Anh đã hết đau lâu rồi, Carl."
Nước mắt chảy xuống khuôn mặt tôi, nhỏ lên mu bàn tay và trượt lên ngón tay Carl.
Tay cậu ấy đang run rẩy, tôi nhìn thấy trong đôi mắt nâu đậm của Carl chứa đầy nước mắt..