Việt Linh


Chương 16: Trái Cây Lạ
Sau khi mọi người lên đường, nhóm của Nguyễn Long cũng xuống núi để tìm một số vật liệu.

Trừ những bà mẹ đang cho con bú thì ở lại hang đan dây làm giàn phơi khô thì còn lại đều đi hết, kể cả những đứa trẻ ba bốn tuổi.

Bọn chúng được người lớn cõng xuống núi rồi theo chân họ nhặt lá cây.

Bọn trẻ vẻ mặt hân hoan bởi lần đầu tiên được rời hang, chúng hết nhìn đông lại ngó tây, chạy nhảy khắp nơi làm Mai An Long quản lý rất vất vả.
Mọi người chia nhau tìm dây rừng trong khi Nguyễn Long dẫn số còn lại khoẻ mạnh đi đào măng tre và chặt một ít cây đem về.

Trong cấm địa Màng Trắng, Nguyễn Long tìm đỏ cả mắt chẳng thấy cây tre nào nhưng nơi đây lại mọc đầy dãy.
Hắn có dự định sẽ trồng chúng xung quanh khu vực sẽ chuyển đến để vừa làm thành một hàng rào tự nhiên, vừa có thể sử dụng.

Tre thì có thể làm được vô số thứ.

Trước mắt Nguyễn Long sẽ làm bẫy săn thú và nơm bắt cá, sau đó hắn sẽ chế tạo cung nỏ, có một ứng cử viên xuất sắc trong việc này mà hắn vừa phát hiện.

Hôm qua, sau khi xong xuôi mọi việc hắn liền vùi đầu nghiên cứu Lạc Đồ.

Bên kia dãy Hồng Lĩnh là nơi sinh sống của tộc Lâm Việt, tại đây hắn phát hiện rất nhiều chấm vàng.

Sau khi xem xét thông tin, hắn ngạc nhiên phát hiện, những chấm vàng này đều mang họ Cao, nổi bật nhất là Cao Lỗ, đã xuất thế được hơn năm mươi năm.
Cao Lỗ là một vị tướng của Thục Phán An Dương Vương, sinh tại vùng Bắc Ninh.

Ông từng làm bộ hạ của Hùng Vương thứ 18 nhưng không được trọng dụng.

Trong cuộc chiến giữa Âu Việt và Văn Lang, vua Hùng thua trận tự tử, ông chán nản bỏ vào rừng sống ẩn dật.

Sau này nhà Tần cử Đồ Thư đem năm mươi vạn quân mã xâm lấn Âu Lạc bị Thục Phán An Dương Vương đánh tan, giết được Đồ Thư, ông mới cảm phục ra giúp và rất được An Dương Vương yêu quý.

Ông chính là người chế ra nỏ liên châu (bắn được nhiều mũi tên một lúc) hay còn gọi là nỏ thần.

Ông khuyên An Dương Vương dời đô xuống đồng bằng, tìm đất đóng đô.

An Dương Vương nghe theo và giao cho ông nhiệm vụ thiết kế, chỉ huy công trình xây thành Cổ Loa.
Sau khi phát hiện Cao Lỗ, Nguyễn Long liền lên kế hoạch để thu phục ông.

Dĩ nhiên hắn không định sẽ đem quân đánh nhau với tộc Lâm Việt.

Thứ nhất, bởi vì hắn không có quân, Hồng Việt là tộc nhỏ, dân số chẳng có bao nhiêu, hơn nữa Lâm Việt và Hồng Việt đã là hàng xóm với nhau nhiều năm, chưa chắc họ chịu nghe hắn mà gây xung đột.

Thứ hai, nếu đánh thắng cũng sẽ có thương vong, kết xuống hận thù, Cao Lỗ không những khó phục tùng toàn tâm giúp hắn mà ngược lại có khi lại tìm cách đâm hắn một đao.

Thứ ba, Lâm Việt cũng là người Việt, hắn không muốn người Việt tự tàn sát nhau, chỉ khi nào hết cách.

Mà bây giờ hắn có cách.

Cách của hắn lại phụ thuộc vào Mai An Tiêm, hắn có một suy đoán ...
...
Ở một phương hướng khác, nhóm săn của Mai Thúc Loan, Mai Thúc Hoà và Trần Tuân đang có sự tranh cãi.

Mai Thúc Hoà và Trần Tuân không chịu đặt bẫy bắt sống thú nhỏ vì cho ràng vô ích, mất thời gian mà chẳng được bao nhiêu thịt, cứ như lúc trước săn giết thú lớn đỡ mất công hơn.
Mai Thúc Loan thì cương quyết đặt một số bẫy trước rồi mới săn thú sau.
Mai Thúc Hoà tức giận: "Ngươi thử nói xem tại sao tên thủ lĩnh kia lại đưa ra điều vô lý như thế, bắt sống hay giết chết có gì khác nhau?".

Trong giọng nói đầy vẻ không phục.
Mai Thúc Loan trầm giọng: "Ngươi ăn nói cho cẩn thận, hắn thật sự là thủ lĩnh bách tộc, dù bây giờ còn yếu ớt nhưng chưa chắc tương lai sẽ như vậy, hơn nữa ta tin vào quyết định của tộc trưởng".
"Cha ngươi dĩ nhiên ngươi phải tin".

Mai Thúc Hoà sẵn giọng.
Thấy Mai Thúc Loan sắp nổi bão, Trần Tuân vội can ngăn:
"Thúc Hoà không được vô lễ, nhưng thật sự hắn nói có lý, việc đặt bẫy gì đó theo ta thấy là vô ích, nếu ngươi có thể nói được tại sao phải bắt sống thú nhỏ thì chúng ta sẽ làm theo?"
Mai Thúc Loan trầm ngâm giây lát rồi trả lời:
"Theo ta thấy thủ lĩnh muốn bắt sống thú nhỏ là để nuôi".
"Nuôi?", Cả hai đồng thời ngạc nhiên, "nuôi chúng thì có ít lợi gì?"
Sau khi đưa ra câu trả lời khi nảy, trong đầu Mai Thúc Loan chợt loé sáng, hắn tự tin:
" Nuôi để ăn, bọn chúng có thể lớn lên, hơn nữa lại có thể sinh sản, lúc đó có thể chúng ta không cần đi săn".
Mai Thúc Hoà nghe khá có lý nhưng vẫn cãi bướng:
" Thức ăn cho chúng ta còn không đủ, lấy đâu ra nuôi chúng?".
Mai Thúc Loan tự tin: "Ngươi ăn cỏ sao? Bắt những loài ăn cỏ về chẳng lẽ chúng lại giành ăn với ngươi".
Mai Thúc Hoà á khẩu, Trần Tuân ngẫm nghĩ điều này hoàn toàn có thể, hơn nữa lợi ích lại lớn cho tương lai nên liền đồng ý.

Mai Thúc Hoà không có cách phản bác cũng đành phải làm theo.
Nguyễn Long lúc trước nói bọn họ bắt sống thú nhỏ về cho hắn nhưng lại không nói để làm gì, không ngờ Mai Thúc Loan lại tinh tế đoán được, hơn nữa còn làm tốt hơn cả Nguyễn Long, không cần bắt thú dữ về thuần hoá mà chỉ cần bắt một số loài ăn cỏ là được.

Mai Hắc Đế quả thật danh bất hư truyền.
....
Thời gian nhanh chóng trôi qua, đã hơn một tháng kể từ ngày Nguyễn Long đến tộc Hồng Việt.

Hằng ngày các nhóm đều theo nhiệm vụ của mình mà làm việc đưa đến kết quả rất khả quan.

Nhóm của Mai An Tiêm liên tục tìm ra những giống cây, những loại rau rừng và bắt đầu đem gieo trồng ở vùng Hồng Hà, nơi bọn họ sẽ định cư, đặc biệt trong đó là loại khoai sọ có thể dùng làm lương thực.

Mai An Tiêm thật sự có năng khiếu tìm kiếm, hầu như mỗi ngày ông đều tìm được giống cây mới.
Nhóm của Mai Ngọc Long thì chuyển vùng đánh cá từ hồ sang sông Hồng Hà, bọn họ chỉ bắt cá lớn, một phần chia trong bữa ăn còn lại làm khô dự trữ.

Số lượng khô có thể cung cấp cho tộc nhân ăn hai ba ngày cũng không hết.

Ngoài lưới dây, giờ đây họ còn có nơm, lờ, lọp bằng tre được nhóm người Nguyễn Long chế tạo.
Nhóm của Mai Thúc Loan thì ngoài lượng thịt săn được, họ còn bắt sống được ba con gà rừng, hai con dê lớn và một con heo rừng.

Nguyễn Long cho nhốt lại không giết thịt để từ từ nhân giống.
Bộ tộc Hồng Việt giờ đây đã không còn lo lắng về thức ăn.

Họ bắt đầu chia người chặt cây làm nhà, dự định trong vài tháng tới sẽ bắt đầu di chuyển nơi ở.
...
Vào buổi trưa một ngày nọ, sau khi làm việc, nhóm người của Nguyễn Long ngồi nghỉ gần cửa hang và ăn một ít khoai sọ.

Hắn quy định mỗi người dù làm công việc gì thì buổi trưa cũng phải nghỉ ít nhất nửa giờ.

Hắn còn đan cho mỗi nhóm vài cái gùi chứa thức ăn.

Chủ yếu là khoai sọ và hạt giấu đem về từ cấm địa.
Lúc này, bên dưới có một nhóm người đang lên núi.

Mỗi người trên tay ôm một vật gì tròn tròn được nối lại thành một dây dài.
Đoàn người đến gần, thì ra là Mai An Tiêm cùng nhóm tìm kiếm của ông.

Mỗi người bọn họ đều ôm trên tay là một loại trái tròn to cỡ đầu người có màu xanh đậm, bên trên có một số vằn dọc, chúng mọc ra từ cùng một dây.

Nguyễn Long nhìn cả đám người rồng rắn nối đuôi nhau mà khoé miệng giật giật.

Bọn họ đang ôm một dây dài một thứ trái làm nên tên tuổi Mai An Tiêm, đây cũng là thứ Nguyễn Long suy đoán và mong đợi trong kế hoạch của hắn, Dưa Hấu.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui