Mấy giọt nước đặc sệt, đậm màu rơi xuống mặt đất bên cạnh gốc cây liễu. Gấu tay áo của Cẩm Tú cũng đã chuyển màu.
Anh Đào định chống tay đứng dậy thì thấy trên lưng như có ai rất nặng đang ngồi lên, làm cô không gồng nổi người. Hoảng sợ, cô gọi “chị hai” nhưng dù cố đến mấy, cổ họng cô vẫn không phát ra tiếng nào, như có một vật vô hình đang chặn đứng luồng khí ở dưới. Miệng Anh Đào cứ há ra, hơi thở dần khó nhọc, nước mắt giàn giụa.
Cẩm Tú ngoảnh mặt nhìn Anh Đào, nhưng thay vì xoay cả người, cô xoay mỗi chiếc đầu, cổ xoắn lại. Anh Đào kinh hãi, muốn hét lên nhưng vô ích, sức nặng vô hình sau lưng không cho phép cô làm điều ấy. Từ miệng Cẩm Tú, máu tươi ộc ra; máu trên đỉnh đầu chảy dọc xuống trên vầng trán cao, nhoe nhoét toàn bộ gương mặt vô cảm. Cẩm Tú chìa tay trái về sát gần phía của Anh Đào, cho cô thấy rõ một bàn tay đã bị mất đi đốt ngón cái.
Bỗng, một lực lớn đẩy Anh Đào giật ngược lại vào trong nhà, khiến cô lăn lóc đúng ba vòng trên sàn nhà. Toàn thân Anh Đào lập tức ê ẩm, đau không cử động nổi. Sốc nặng trước hình ảnh kinh hoàng, Anh Đào cứ thế ngất xỉu, trước khi nhắm mắt chỉ loáng thoáng thấy bóng dáng chị hai đang mờ dần, mờ dần. Mãi đến sáng, bà Mơ cuống cuồng phát hiện ra đứa cháu gái nằm bất động. Bà hô hoán, gọi Cẩm Tú và Vân Vân, nhưng rốt cuộc lại chỉ có Vân Vân lon ton ngái ngủ chạy xuống.
– Mau phụ bà đỡ chị ba vô nhà con ơi!
Advertisement / Quảng cáo
Vân Vân cũng chẳng hiểu mô tê, cứ thế làm theo lời bà bảo. Dìu được Anh Đào nằm vào phòng khách, bà Mơ kêu Vân Vân đi lấy chăn gối xuống kê đầu và đắp cho chị ba, còn bà sang nhà hàng xóm nhờ giúp đỡ.
Bác Nhựt làm bác sĩ ở gần đó vội vã xuất hiện, giúp bà kiểm tra tình hình của Anh Đào. Không có gì bất thường, bác Nhựt kết luận. Có lẽ Anh Đào chỉ bị nhiễm lạnh, còn tại sao bất tỉnh thì bác không rõ. Bà Mơ lúi húi vào bếp pha cốc trà gừng và đun túi chườm để đặt cạnh người Anh Đào. Một lát sau, Anh Đào tỉnh lại, nhưng cơ thể cứ run lên, thậm chí còn chùm chăn khóc lóc. Bà Mơ ngồi cạnh vỗ về một lúc, Anh Đào mới chịu nằm yên và lần nữa chìm vào giấc ngủ.
– Đến khổ! Chắc con bé ngủ mớ! – Bác Nhựt chép miệng.
– Gần đây chị em nó hay ngủ mớ linh tinh bác ạ! À Vân Vân con ơi, chị hai con đâu?
– Con không biết. Lúc dậy con không gặp chị hai. – Vân Vân hồn nhiên lắc đầu.
– Ô chết! Con bé này lại chạy đi đâu?!
– À đấy, cháu gái lớn nhà bà chơi với hai đứa Khuê và Trinh ở đằng dưới phải không? Nãy sang đây gấp, quên chưa nói với bà. Vợ tôi bảo sáng sớm nay, người ta lại phát hiện ra con bé Trinh chết trước cửa nhà.
– Sao lại thế hả bác? – Bà Mơ lo lắng.
– Nghe đâu chết y hệt con bé Khuê. Nhà người ta đang gọi công an, không rõ sự tình ra sao. Tội nghiệp! Hai đứa nó còn trẻ quá…
– Thế này nguy quá bác ơi! Tôi phải đi tìm Cẩm Tú nhà tôi ngay! Nhỡ nó…
– Bà ngồi lại với cháu Anh Đào, tôi đi kêu mấy cậu lớn trong xóm tìm cho nhanh. – Bác Nhựt trấn an bà Mơ, rồi xỏ dép đi phăng phăng ra khỏi cổng.
*
Ngoài cái chết kỳ lạ của Trinh, người trong xóm còn kháo nhau, vào lúc sáng sớm khi sương mù chưa tan, có người đã nhìn thấy một cô gái xõa dài mái tóc bết và ẩm ướt, thân thể dính bùn, nước da tím tái, lộ rõ cả mạch máu. Cô gái đó lê bước trên đường với đôi chân trần nứt nẻ, để lại những vệt nước dài dưới đất, nối từ chỗ con suối lên. Chỗ đó người trong xóm chăng rào gai, cũng đã cảnh cáo người khác không được tới trong mấy năm gần đây, nên điều này dấy lên bao nỗi nghi ngại. Cô gái bỗng chốc biến mất giữa làn sương mù, không đuổi theo kịp để biết đó là ai hay đi đâu.
Bà Mơ đứng ngoài cửa nghe hàng xóm đi qua kể chuyện, trong lòng càng thêm nôn nao. Bà cũng muốn nghĩ đây là tin nhảm nhí mấy thanh niên trong xóm đồn thổi cho vui tai, nhưng sự vụ của Trinh và Khuê không thể khiến người ngoài cuộc nghĩ đến ba chữ “không có gì”. Bác Nhựt đi từ nãy, chưa thấy về báo tin, bà Mơ chỉ còn biết hy vọng Cẩm Tú không sao.
Advertisement / Quảng cáo
Trong nhà, Anh Đào ngồi thu mình trong góc, tay ôm cốc trà gừng, chốc chốc lại nhấp một ngụm. Nếu điều hôm qua cô thấy là thật, thì có lẽ chị Cẩm Tú cũng đã chứng kiến chuyện tương tự khi dựng cô dậy giữa đêm đó. Có điều, cô không hiểu tại sao mình lại thấy chị hai trong tình trạng kinh khủng ấy? Lẽ nào, chị hai cũng đã gặp nạn giống như hai bạn của chị, rồi về báo cho cô?
– Bà Mơ ơi bà Mơ!
Cậu thanh niên tên Đô hối hả lao người qua cánh cổng để mở của nhà bà Mơ, thở không ra hơi.
– Cậu Đô hả? Sao rồi? Có tìm thấy Cẩm Tú nhà tôi không?
– Dạ tụi con tìm thấy rồi. Nhưng mà…
Khuôn mặt cậu thanh niên biến sắc, miệng méo xệch.
Nhóm thanh niên đã tìm thấy Cẩm Tú, nhưng công đoạn “tìm thấy” này không hề đơn giản. Cậu Đô cùng một người bạn của mình ghé qua ngôi nhà hoang nằm khuất bóng trong xóm, thấy xích ngoài cổng đã bị tháo một cách bất thường nên kháo nhau cùng vào. Giữa ngôi nhà mục nát và trống trải, họ phát hiện ra Cẩm Tú đang nằm trên chiếc giường bụi bặm, giống hệt những mô tả trong tin đồn sáng sớm.
Đôi mắt to tròn xinh đẹp trước đây giờ trợn ngược lên, trắng dã. Miệng há rộng gấp ba khuôn miệng người bình thường; quanh mép nổi gân tím chạy xiên xẹo đến tận mang tai. Tay chân và cổ cô đều bị bẻ gãy và vặn ngược, toàn thân xuất hiện cả những vết bầm do va đập mạnh. Mái tóc ướt nhẹp xõa ra, bị nhét đầy xuống sâu tận cuống họng và trong cả hốc mũi, bốc lên mùi tanh ngòm.
Cậu Đô đưa bà Mơ đến chỗ nhà hoang, nơi cả xóm đang túm tụm bàn tán, ai nấy đều ôm miệng khi người ta đưa thi thể của Cẩm Tú ra ngoài. Bà Mơ trông cảnh tượng hãi hùng ấy, lăn ra bất tỉnh; may có cậu Đô và bác Nhựt ở phía sau đỡ. Người trong xóm thay bà Mơ tìm cách liên lạc với ba mẹ Cẩm Tú ở xa, rồi dìu bà về tận nhà. Anh Đào và Vân Vân được gửi sang cho vợ bác Nhựt trông một lúc, tránh phải chứng kiến chuyện dữ, dù trong lòng Anh Đào hiểu rõ, chị hai của cô không còn quay về được nữa…
*
Khi bà Mơ bình tĩnh lại, mấy người lớn tuổi đến nhà thăm hỏi tình hình, trong đó có bác Bình ở cuối xóm. Ngoài bác Bình ra, không mấy ai quen biết với chủ nhân cũ của ngôi nhà hoang, và chỉ bác Bình mới giữ chìa khóa mở cửa ngôi nhà hoang ấy. Nay xác của Cẩm Tú được tìm thấy trong ngôi nhà tưởng chừng rơi vào quên lãng, bác Bình đành kể lại chuyện xưa, cách đây ngót nghét hơn mười năm.
Hồi đó, ngôi nhà hoang thuộc về một gia đình chuyển đến từ thành phố Bảo Lộc, ba mẹ khá lớn tuổi mới chỉ có một cô con gái tên Loan. Ba mẹ Loan làm công nhân ở nhà máy cách nhà khá xa nên toàn đi sớm về muộn. Được cái, Loan đảm đang, tháo vát nên lo cả cơm nước hằng ngày cho ba mẹ. Loan càng lớn càng xinh đẹp, thùy mị, nết na, trai tráng trong xóm đều mê mẩn, vô tình khiến cho mấy cô thiếu nữ cùng trang lứa ghen tỵ.
Loan chơi thân với Dã – con gái của bác Bình. Tuy Dã ít hơn vài tuổi, nhưng hai chị em thoải mái chơi đùa với nhau như hai người bạn. Năm đó Loan vừa tròn mười tám, có người tới hỏi cưới mà Loan không đồng ý, chưa muốn xa ba mẹ hay xa Dã. Hàng xóm láng giềng kêu Loan kiêu kỳ, bỏ lỡ mối nhân duyên tốt sau này sẽ ân hận, còn mấy cô bạn cùng tuổi càng ghen ghét khi Loan không đi khỏi đây cho khuất mắt.
Ngày đen tối nhất của cuộc đời Loan xảy đến sau đó không lâu. Không ít những lời đồn đoán trong xóm được đưa ra, chẳng ai biết rõ câu chuyện thực hư ra sao, nhưng có một lời đồn được hầu hết mọi người ghi nhận để tạm lý giải cho sự kỳ quái của con suối kia.
Advertisement / Quảng cáo
Đúng ngày Dã đi học, mấy cô bạn trong xóm qua nhà rủ Loan ra suối tắm. Tính tình vô tư nên Loan cũng chẳng lo nghĩ, đồng ý đi với các bạn. Không ngờ, vừa ra đến suối, mấy cô bạn kia hùa nhau xúm vào, cùng dìm Loan xuống nước. Loan sợ hãi vùng ra, chạy lên gần chỗ đỉnh suối chảy; nhưng đám con gái kia vẫn hò nhau đuổi theo. Nơi Loan đứng nhiều đá gồ ghề, địa hình hiểm trở, một bước không cẩn thận, Loan trượt chân ngã từ trên cao xuống, không may đập đầu vào đá, gãy cổ.
Đám bạn hoảng loạn, đẩy nhau lùi về phía sau. Lúc ấy Loan chưa chết, vẫn đang thoi thóp, nhưng đám bạn quyết định rời đi, coi như không biết gì. Khi ba mẹ tìm thấy Loan, họ như phát điên; chỉ đúng hai ngày sau, cả hai vợ chồng rời khỏi xóm, không ai báo một tiếng. Ngôi nhà bị bỏ lại, cộng với câu chuyện bi đát về gia đình chủ cũ, hầu như không ai dám bén mảng. Bác Bình chủ động khóa cửa ngôi nhà, tránh không cho trẻ con tới nghịch ngợm.
Loan đi rồi, đám con gái chẳng còn lo ngại có người xinh đẹp hơn mình; họ tiếp tục sống và vui chơi với nhau. Tuy nhiên, ít lâu sau, lần lượt từng người ngã chết ngoài con suối, y như cách Loan đã ngã trước đây. Nhưng cả khi toàn bộ nhóm bạn ấy đã chết hết, nhiều cô gái, chàng trai trẻ khác tới con suối chơi cũng không thoát khỏi số phận nghiệt ngã.
Dần dần, người lớn lo sợ về độ an toàn của con suối nên cùng chung tay chăng rào gai ngăn cách con suối với con đường dẫn vào xóm. Trên hết, họ nghi ngờ con suối đã bị ám bởi vong linh chưa siêu thoát của Loan, vì chỉ từ sau khi Loan chết, những cái chết kia mới dồn dập, còn trước đó, chưa ai thiệt mạng lúc đặt chân đến suối cả. Có người nói cẩn tắc vô áy náy, mời thử thầy về xem địa thế của con suối; thầy bày cho cách làm lễ, cúng bái trong bảy ngày bảy đêm liên tục, giúp hồn ma được thanh thản. Quả thực, mấy năm sau đó, không ai gặp sự cố đáng tiếc ở con suối, và cũng chẳng ai đặt một chân qua hàng rào.
Những tưởng con xóm sẽ trở về thời kỳ yên bình, nay cái chết của ba cô gái Khuê, Trinh và Cẩm Tú lại làm bầu không khí náo động và hỗn loạn. Mỗi người một ý kiến; người cho rằng hồn ma của Loan chưa bao giờ siêu thoát, dù cho họ đã làm lễ ngày đó; người lại nói hồn ma đã ngủ yên nhưng do có người tới quấy nên lại thức tỉnh, rồi có người đồn đoán một trong ba cô gái đã chết mang trên mình âm khí nặng nề, dẫn dụ hồn ma tới ám con suối lần nữa.