Vô Địch Gian Thương

p/s: Cảm tạ “situvodanh_07”vì vàng lá rơi như vào thu, đồng cảm tạ khanhlinhho, ducnguyen296 đã ủng hộ những tấm NP quý giá

“Á ui, Anh Cường, nhả... nhả... nhả tay em ra!”

Ân vừa gào vừa cố gắng giãy dụa hòng thoát khỏi cặp hàm chắc khỏe của Cường. Chỉ là, mặc kệ hắn làm thế nào, Cường vẫn sống chết cắn chặt lấy bắp tay của Ân không nhả, tình cảnh rất giống với một con chó Bull đang cắn mồi.

Lưỡi dao đã được Kiên rút ra khỏi vai thế nhưng cơn đau khiến bản năng hoang dã trong người Cường mất kiểm soát, hắn há miệng cạp bừa khiến Ân đau muốn khóc.

Cường nhắm tịt hai mắt hồi lâu, hàm răng nghiến chặt. Hắn chẳng cần biết chuyện gì xảy ra cho tới khi bị Kiên dội cho một gáo nước vào mặt.

“Sặc... Khục... khục... khục”

Cường bị nước tràn vào mũi khiến hắn phải mở miệng ra ho sặc sụa. Ân tranh thủ cơ hội lập tức giật tay ra khỏi bộ hàm của Cường rồi lập tức vọt ra xa tới cả chục mét.

“Mẹ kiếp, tí nữa thì mất nguyên miếng thịt. Không biết có phải đi tiêm phòng không đây! Hừ hừ...” Vừa nhăn nhó xoa tay, Ân vừa lẩm bẩm thầm nhủ.

“Con bà nó, khục... thằng nào định dìm chết tao thế... khục?” Có tiếng Cường đầy tức giận vang lên.

“Ha ha, anh cắn thằng Ân tí chết, không làm vậy anh đâu chịu nhả nó ra”, Kiên có chút áy náy cất lời.

Cường trừng mắt, hết nhìn Kiên lại quay sang Ân.

Khẽ liếm liếm mép cảm thấy được vị mặn mặn, tanh tanh của máu, Cường vội phun ra phì phì, chốc chốc lại muốn nôn ọe.

“Thôi, ngồi im để em băng lại vết thương, rỉ hết máu thì toi!”

Kiên lên tiếng đề nghị sau đó lấy miếng gạc và cuộn bông băng mới mua ở trạm y tá xã lóng ngóng băng lại cho Cường.

Cường vẫn còn cảm thấy khá đau nhưng tất nhiên lúc này cũng chỉ còn hơi nhói, may mắn vết thương không sâu nếu không hắn đã phải nằm viện dài ngày rồi.

Xong xuôi mọi việc, thấy không còn chuyện gì lớn, Kiên lên tiếng:

“Thôi, muộn rồi! Bọn em về đây”

Cường lườm lườm:

“Bọn mày định bỏ thương binh lại một mình rồi chạy à?”

“Ha ha, giờ này bác Mai chắc cũng sắp về rồi! Bọn em tụ tập đông ở đây khéo lại lộ chuyện”, Kiên phân trần.

“Ờ, vậy thì xéo hết nhanh đi, còn đứng lù lù ra đó làm gì?”, Cường thấy Kiên nói phải nên liền giở giọng xua đuổi.

Đám chiến hữu đã quá tường tận khả năng lật mặt còn nhanh hơn lật sách của Cường, tên nào tên đó chỉ cười khổ rồi lập tức rút lui.

Còn lại một mình, Cường nhìn quanh căn nhà nhỏ trống trải, nhìn thấy chiếc áo sơ mi còn vương vết máu, hắn vo viên ném vào trong gầm giường trước khi đi ra bàn rót một ly nước.

Mọi hoạt động sau đó của Cường diễn ra bình thường hoặc nói đúng hơn là Cường cố tỏ ra bình thường, mẹ hắn trở về cũng không nhận ra được điểm gì khác biệt.

Cơm nước xong xuôi, Cường lấy cớ buồn ngủ rồi nhanh chân đi vào buồng. Dù sao hắn cũng không thể vận động nhiều vì vết thương vẫn còn đang rỉ máu, không tiện làm bất kỳ việc gì.

Thế nhưng, không giống như hắn tính toán, đêm hôm đó không rõ có phải vì vết thương không được vệ sinh đúng cách hay không mà Cường bỗng lên cơn sốt.

Cả người hắn lúc nóng, lúc lạnh, toàn thân xương cốt đau nhức nhưng Cường lại không dám rên lên một tiếng. Một mình vật lộn, mãi cho tới gần sáng Cường mới có thể chợp mắt. Thực tế cũng không phải Cường thực sự ngủ được, đơn giản hắn chính là mệt mỏi quá độ mà rơi vào trạng thái hôn trầm.

********************

“Cường, Cường... con bị sao vậy?”, có tiếng bà Mai đầy lo lắng vang lên.

Cơn đau từ vết thương trên vai do bị người tác động làm Cường tỉnh lại. Hắn hé cặp mắt nặng trĩu mệt mỏi nói:

“Mẹ, có thể đừng lay con được không?”

Bà Mai thấy vai áo Cường hơi cộm lên nên liền đưa tay kéo ra.

“Trời! Sao con lại phải băng bó thế này?”, bà Mai hốt hoảng nói.

“Không sao đâu, con không cẩn thận bị ngã xe xuống đường thôi”, Cường cố tỏ vẻ không có chuyện gì tìm lý do chống chế.

“Ngã xe? Ngã xe sao lại phải băng bằng gạc? Con đừng nói dối mẹ, lại đánh nhau đúng không?”, bà Mai nói mà mắt đã ngân ngấn lệ.

Cường biết lời nói dối của mình không qua mặt được mẹ nên chỉ đành gượng cười yếu ớt không đáp

Bà Mai nhìn con vừa thương lại vừa giận, lúc này bà rất muốn đánh cho Cường một trận thế nhưng đưa tay lên trán thấy hắn đang sốt hầm hầm bốn mươi, bốn mốt độ thì vội vàng đứng lên chạy ra bên ngoài.

Bà Mai đi nhanh về cũng nhanh, sau một lúc đã thấy bà dẫn theo một người khác hấp tấp trở vào. Cường nhận ra là chú Lâm, chú út nhà hắn vốn sống ở mảnh đất ngay bên cạnh.

Gọi là chú nhưng thực ra chú Lâm cũng không lớn hơn Cường nhiều, năm nay cũng mới hai sáu tuổi. Ông bà Cường có cả thảy bốn người con, bác cả thì đã vào Tây Nguyên lập nghiệp từ hồi Kinh tế mới, bố Cường lại mất sớm thành ra nhà bây giờ chỉ còn có chú ba và chú út.

Bác cả thì Cường không biết rõ vì chưa có dịp vào trong kia thế nhưng gia cảnh nhà các chú thì đúng là cũng chẳng khá khẩm hơn nhà Cường là mấy.

Chú ba lấy vợ người cùng làng, hai vợ chồng dựng được một cái lều ngoài đê quanh năm làm bạn với con thuyền, mảnh lưới làm kế mưu sinh. Cuộc sống nương theo con nước, cá tôm trên dòng Bạch Hạc lúc có khi không thành ra hai người vất vả bao năm mà trong nhà ngoài một cái xe đạp cũ thì cũng chẳng có cái gì đáng gọi là tài sản.

Chú út thì sống một mình, ngay trên mảnh đất được ông bà chia cho. Ở nông thôn, tầm tuổi chú bạn bè cũng đã thành gia lập thất, yên ổn tứ bề thế nhưng chú út vẫn cô đơn lẻ bóng. Không phải vì chú không biết yêu ai, chỉ là người ta chê chú nghèo mà bỏ đi theo người khác thành ra chú tự ti ở vậy cho tới giờ.

Trong nhà, Cường cũng là thân thiết với chú nhất. Ngày bé chính chú út là người thường xuyên dẫn Cường đi tham gia các trò vui với đám trẻ con ở trong làng, lớn lên tuy Cường có nhóm bạn riêng nhưng thi thoảng hắn vẫn sang ăn cơm cùng chú, coi như là cách để giúp chú bớt cảm thấy cô quạnh.

Khúc sông Bạch Hạc chảy qua làng Đông Khánh trước đây cũng phải có dòng chảy như bây giờ. Cường ngày nhỏ nghe ông hắn kể vào thời nhà Lý, không hiểu lý do vì sao, con sông bỗng nhiên đổi dòng khiến một đoạn bị ngưng đọng lại thành một cái hồ rộng lớn. Dân làng vì để cho tiện cũng gọi luôn hồ này là hồ Bạch Hạc, trùng tên với khúc sông mẹ.

Bởi vì có hồ nước lớn, Đông Khánh thực tế không có nhiều ruộng. Nhà nào nhiều lắm cũng chỉ có hai mẫu ruộng cạn một mẫu ruộng nước, một nhà già trẻ lớn bé bảy tám miệng ăn lương thực hoặc hoa màu đều tích lũy không thực đầy đủ.

Đã thế Đông Khánh còn kề bên dòng Bạch Hạc, năm nào không may phát sinh lũ lụt liền không thu hoạch được một hạt thóc nào. Nếu không phải dựa vào hàng cứu trợ, chỉ sợ cả làng những năm đó cũng rơi vào tình trạng chết đói.

Tình hình chung nói là như vậy nhưng trong xã vẫn có những hộ có kinh tế khá giả, bên cạnh đó tất nhiên cũng có những hộ thuộc đối tượng khó khăn.

Không may là gia đình Cường và các chú của hắn đều nằm trong diện nghèo. Giống như nhà Cường, chú út cũng không có ruộng. Vì để kiếm miếng cơm, chú út đã dày công nhiều năm bồi đắp dải đất tuy màu mỡ nhưng thường xuyên ngập úng ven hồ để làm chỗ gieo trồng. Để có được gần một mẫu đất đó, Cường cũng không tính ra được chú đã phải bỏ ra bao nhiêu thời gian và sức lực.

Trở lại căn phòng của Cường lúc này, chú Lâm vừa tới thì liền đặt tay lên trán kiểm tra sơ qua nhiệt độ của Cường. Sau giây lát, chú quay sang mẹ Cường trầm giọng:

“Cháu nó sốt cao quá, có khi vết thương nhiễm trùng rồi. Để em chạy ra gọi chị Tình y tá xã vào kiểm tra xem sao”

“Ừ, vậy chú đi nhanh giúp chị!”, bà Mai vội vàng thúc giục.

Chú Lâm gật đầu rồi cũng liền rời đi.

Cường thiêm thiếp nằm đợi thêm khoảng hơn mười phút thì chú út và y tá Tình cũng tới.

Thực tế, trở về còn có một người khác. Đó là một cô gái trẻ, tuổi chỉ khoảng mười chín, đôi mươi, diện mạo khá là xinh đẹp.

Nếu là trong trường hợp thông thường, Cường cũng không ngại buông lời trêu hoa ghẹo nguyệt thế nhưng giờ này hắn muốn nhúc nhích khóe môi cũng còn khó khăn nói gì tới chuyện ong bướm.

Y tá Tình kiểm tra sơ qua vết thương rồi tiến hành đo nhiệt độ cho Cường. Sau một hồi, cô quay sang mẹ Cường hỏi:

“Cháu bị thương lâu chưa chị?”

“Chắc là bị chiều hôm qua rồi, nó dấu nên tôi không có phát hiện sớm”, Bà Mai nhíu chặt mày trả lời.

Y tá Tình gật đầu rồi đưa ra chẩn đoán:

“Vết thương của cháu vì không được vệ sinh và băng bó đúng cách nên có nguy cơ nhiễm trùng uốn ván. Với điều kiện ở trạm y tế xã không có đủ thiết bị và thuốc men cần thiết nên trước mắt để em sát trùng qua lại cho cháu sau đó gia đình đưa cháu lên bệnh viện tuyến huyện để theo dõi và điều trị.”

“Vâng, có gì nhờ cô. Lát chị sẽ cho cháu đi luôn”, mẹ Cường khẩn khoản nói.

“Cô không cần phải quá lo lắng. Vết thương chỉ ở phần mềm, thời gian bị lại chưa lâu nên cho dù có nhiễm trùng thì chỉ cần điều trị tốt là không sao đâu ạ”, cô gái trẻ nhận ra vẻ lo lắng trên mặt của bà Mai liền đưa ra lời động viên.

“Cảm ơn cháu! Mà cháu là...”, bà Mai ngập ngừng hỏi.

“Nó là Lan, con anh nhà bác họ em. Cháu nó đang học năm ba Đại học Y nên cũng nhìn được bệnh trạng”, cô gái trẻ chưa kịp trả lời thì y tá Tình đã lên tiếng.

“À, ra là vậy. Sinh viên trường y, vậy tương lai sẽ là bác sĩ rồi. Cháu giỏi thật đấy!”, mặc dù còn đang lo lắng cho Cường thế nhưng bà Mai vẫn buông lời khen ngợi cô gái.

“Dạ, cháu vẫn còn là sinh viên nên còn phải cố gắng nhiều, bây giờ cháu còn chưa làm được như dì Tình đâu ạ”, Lan ngại ngùng đáp lời.

“Được rồi, được rồi. Cái gì cũng cần phải thực hành, nào ra đây phụ dì vệ sinh qua cho cu Cường này đi”, Y tá Tình bỗng lên tiếng thúc giục.

Y tá Tình vốn không lạ gì Cường, cô chứng kiến hắn lớn lên từ bé, tuổi Cường cũng sàn sàn như tuổi con cô thế nên gọi hắn là “Cu” cũng không có gì không phù hợp.

Chỉ là Cường nghe xong lại thầm cảm thấy bất mãn, dù sao trước một cô gái xinh đẹp như Lan lại có người gọi hắn như vậy thì khác nào bảo Cuòng còn trẻ nít đít cong, lông còn chưa mọc. Chuyện này thật có chút làm mất mặt hắn.

Lan tất nhiên không biết được những suy nghĩ này trong lòng Cường, cô đúng là chỉ xem hắn như một bệnh nhân cần phải giúp đỡ nên liền nhiệt tình phối hợp với y tá Tình thực hiện các công đoạn tháo băng, khử trùng rồi thay lại gạc mới cho hắn.

Quá trình này cũng không mất nhiều thời gian, chỉ mất khoảng gần năm phút thời gian, toàn bộ công việc đã hoàn tất.

“Chị Mai, em qua ông Khanh mượn con Simson, chị mặc quần áo kín cho cháu rồi đợi em về chở lên bệnh viện huyện”, thấy việc sơ cứu đã xong xuôi, chú út liền nói với mẹ Cường.

“Ừ, chị biết rồi!”

Bà Mai gật đầu rồi lật đật mở tủ của Cường tìm áo khoác. Nhà Cường vốn nghèo xác nghèo sơ nên hắn cũng không có nhiều đồ, loanh quanh chỉ có một hai bộ mùa đông, dăm ba bộ mùa hè cả dài lẫn cộc. Bà Mai lục lọi một hồi thì liền lôi ra một cái áo choàng mỏng cũ mèm mang tới giường của Cường.

“Cô Tình, phiền cô đỡ cháu dậy để tôi khoác cho nó”

Cường nghe mẹ nói vốn định nói không cần để hắn tự làm thì bất ngờ có tiếng Lan vang lên:

“Cô để cháu giúp cho”

Tiếng nói nhỏ nhẹ, êm ái như đi vào lòng người khiến Cường lập tức ngậm chặt miệng. Có là thằng ngu mới lại bỏ qua cơ hội được một người đẹp như vậy chăm sóc đây.

Lan là một cô gái khá nhanh nhẹn, nói xong nàng liền chạy tới ngồi xuống đầu giường rồi cẩn thận đỡ Cường lên đồng thời để đầu hắn tựa vào vai mình.

Họa Phúc song hành, Cường có đến trong mơ cũng không nghĩ ra hắn ốm một trận mà lại tới được diễm phúc lớn như thế.

Ở khoảng cách gần thế này, Cường có thể cảm nhận được dễ dàng mùi hương thiếu nữ thơm ngát trên người Lan, đã thế má của hắn sau mỗi cử động của Lan cùng mẹ Cường thì thi thoảng lại “vô tình” đụng chạm xuống đôi gò bồng đảo của nàng.

Cường không biết Lan có cảm nhận được gì hay không nhưng hắn cũng mặc kệ, dù sao đây cũng là hắn không cố ý hoặc ít nhất trên vẻ ngoài thì chính là như thế, không ai có quyền trách một bệnh nhân đang cần sự quan tâm che chở như Cường lúc này.

Lan vốn mang trong mình tinh thần cao đẹp của một lương y, nào biết được “thằng nhóc” bệnh nhân mặt mũi lờ đờ ốm như sắp chết lại đang có những ý nghĩ “không chính trực” với mình theo đó sau khi thay xong áo cho Cường, nàng vậy mà còn cẩn thận lấy khăn lau bớt mồ hôi cho hắn.

Động tác dịu dàng, cử chỉ êm ái, chỉ vậy thôi đã đủ khiến cho trái tim của cậu thiếu niên mười sáu tuổi đang giả vờ giả tảng mê mệt trên giường ầm ầm lỗi nhịp.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui