[Vô Hạn Lưu] Hồi Ký Của Kẻ Lưu Hành Thời Gian

Cái xe xóc mạnh, cả thân sau của nó gần như chổng cả lên. Cái ổ voi to tướng nằm như chơi ngươi trên con đường mới sửa. Tôi đập đầu vào thành ghế, tỉnh cả dậy, sự ngơ ngác,
hoang mang thay chỗ cho cơn buồn ngủ. Mặt trời đang lên. Chiếc xe đã đi
từ trung tâm thành phố ra những vùng ngoại thành, nơi những căn nhà chọc trời không còn. Những dãy nhà nhỏ, chỉ cao hai, ba tầng là nhiều nhất,
một số thậm chí là những ngôi nhà kiểu cổ, chen lấn hai lề đường. Thủ đô của đất nước Đại Á rộng lớn tới mức nó trở thành một đất nước riêng với một chính phủ riêng biệt, tạo thành quận Việt Nam. Một đất nước của rất nhiều người nhập cư tứ xứ đổ về, tìm kiếm cơ hội đổi đời.

Ánh sáng của mặt trời phản chiếu trên mái ngói đỏ kiểu cũ của nhà này
bỗng chốc lại nhảy lên cửa kính mới xây của nhà kia, thể hiện bao nhiêu
kiểu kiến trúc khác nhau của các dân tộc sống ở Đại Á khi họ đến an cư
lập nghiệp ở thủ đô. Tôi chèm chẹp cái mồm, bên cạnh là Hường, lúc nãy
cũng vừa bị dựng dậy bởi cái ổ voi. Hai đứa bị lôi cổ đi vào lúc bốn giờ sáng để tránh ách tắc giao thông. Lúc đầu hớn hở lắm, nói chuyện huyên
thuyên không thôi. Được hai mươi phút thì lăn say ngủ li bì không biết
trời đất là gì. Có lẽ vì cái đồng hồ sinh học của tôi nó thấy trời còn
tối, bắt tôi phải ngủ tiếp. Hoặc bởi vì tối qua hai đứa ham chơi, ngồi
xem phim rồi nghe nhạc mà quên mất phải ngủ sớm để còn đi về quê.

Mẹ tôi ngồi đằng sau đang gọt táo, đưa cho hai Hường và tôi ba miếng, chép miệng:

- Có bánh mì và nước lọc trong cái túi đấy, ăn sáng đi hai đứa.

Cô Thắm_ngồi cạnh mẹ_ kì lạ thay vẫn còn ngủ ngon lành, dường như chưa
từng biết cái ổ voi lúc nãy là gì. Hường đưa cho tôi cái bánh mì trứng
cuộn còn nóng hổi rồi cùng nhau mà gặm.

- Mày ngủ ngon không?

- Cũng được, nhưng thấy ê mông quá à_ Hường xoa xoa cái eo.

- Ừ, công nhận, xe này chắc âm một sao quá.

Gia đình tôi không thể đặt vé máy bay đành buộc lòng tự thuê xe mà lái,
cái xe nhỏ của bạn bố cho mượn, nghe nói cũng chú đó cũng là nhà buôn xe gì đó nên rất sẵn lòng. Tuy nhiên, đây chắc chắn không phải là cái
Toyota mà chú đó hứa. Nhưng đã là đồ mượn thì không nên kêu ca. Tôi chỉ
lo không biết Hường có quen ngồi mấy cái xe kiểu này không, cậu ấy dù
sao cũng có phần khá giả.

Bố đang lái xe, nói vọng xuống hỏi:

- Các quí cô thế nào rồi? Có cần nghỉ ngơi đi vệ sinh không?

Mẹ, đã gọt xong táo và cất dao vào túi, nói thẳng:

- Sao anh đi gì mà không nhìn đường vậy, súyt nữa thì em tự đâm vào tay mình rồi.

- À ừ, tại anh bất cẩn, không tái phạm lần sau đâu em_ Bố cười hề hề ra
vẻ ăn năn hối lỗi rồi im bặt, tìm cách để ru ngủ mẹ cho mẹ khỏi cằn nhằn nữa.

Bố mới tập lái xe được có ba tháng nay, tôi và mẹ rất lo lắng, đáng lẽ
lúc đầu phải thuê thêm cả lái xe cơ. Nhưng bố sợ tốn tiền nên thôi, cứ
đinh ninh là tay lái mình ổn cả. Nếu ổn cả thì sao cái ổ voi to như thế
mà bố vẫn “lẫy lừng xông vô” nhỉ?

Hường ngáp cái dài, chỉ tay ra cửa sổ, nói với tôi:

- Mày nhìn kia, hoa đào nở đấy!

Tôi cũng quay vội sang. Bên đường kia là nhưng hàng đào hồng đang trong
dịp nở rộ. Rừng đào Nhật Tân, tôi tự nhủ. Những thân cây rung rinh trong gió sớm, còn đọng lại chút sương đêm trên lá. Ánh sáng vàng chóe hắt
lên từng cọng lá, nhìn nghiêng như thể đang đốt cháy cả cành đào gầy,
khiến chúng phát sáng như có một vầng hòa quang bao lấy. Nắng lên mạnh
mẽ, làm cả rừng đào chi chít hoa lá bừng sáng tựa có ai treo đèn dưới
từng gốc cây rồi bật lên cùng một lúc. Cũng đã tám giờ sáng rồi. Rừng
đào được nối tiếp bởi một mớ cửa hàng bán đào lậu làm tôi mất hết cả
hứng

Trảng rừng hoa đẹp làm tôi thấy thật thoải mái. Lâu rồi tôi mới ngồi
ngắm hoa thế này. Thành phố Hà Nội to thật đấy, nhưng khi nhìn lại, tôi
bỗng nhận ra khu Cầu Sắt nơi tôi ở gần như chỉ toàn là... sắt. Hoa hòe
và cây cối gần như đã biến mất, thay vào đó là những căn nhà cao tầng,
chung cư cho số người nhập cư khổng lồ về đây mỗi năm.

Hường lấy bộ bài BB để lên giữa ghế hai đứa. Biết là sẽ phải đi khá xa
nên nói chung chúng tôi đã chuẩn bị trước cái này để giải khuây. Mẹ cũng chỉ hơi nhướn chân mày nhưng không nói gì.

- BÊ BÊ nhé! _ Tôi đập quân chín đỏ xuống, chống tay cười khoái chí.

- Ơ ơ, mày chơi ăn gian, lúc nãy tao đã đi đâu!_ Hường la oai oái, chĩa con chín đỏ lại mặt tôi.

- Vậy con bốn tím này là của ai nhỉ?_ Tôi bác lại, cũng chĩa con bài về mặt Hường.

- Mày chơi ăn gian!

- Làm gì có! Mày ham ăn quân lấy điểm nên quên con chốt chủ của mình mà còn kêu làm gì.

Hường bĩu mặt, không chịu khuất phục khi tôi xáo lại bộ bài lần nữa. Nếu nói đến chơi bài này thì tôi là nhất, cả lớp chưa đứa nào đấu lại.
Hường đừng có mơ mà ăn được hai mươi điểm của tôi nhé

- Thôi đi hai đứa_ Giọng ai đó đằng sau_ cô dậy rồi nè.

Hóa ra là cô Thắm, hẳn lúc nảy tôi la to quá làm cô tỉnh giấc. Tôi lại cười trừ như bố lúc nãy rồi quay lại ván bài mới.

Tôi lại thắng, lần thứ mười bốn và Hường quyết không chơi bài nữa. Cái
bà này tính khí gì trẻ con thế, tôi cười khoái chí trong đầu, cũng cảm
thấy tự mãn về bản thân.

Nhưng Hường không rỗi được lâu, chỉ mới chút sau, cả hai lại hăng say “sát phạt” nhau quanh mấy lá bài tím tím đỏ đỏ.

- BÊ BÊ!

- Kkkkkhhhôôôôôôôôôôôôôôôôôôôôô ôôôôônnggggg!!!!_ Cô nàng la oai oái
như mấy anh chàng trong phim khi thấy người yêu mình bị tử nạn.

Quãng đường tới nhà nội dài như chiều ngang của cả châu Á. Tôi chơi bài
chán thì lại ngồi ăn, nghe nhạc, nói chuyện với Hường. Cuối cùng cả hai
lại chụm đầu vào nhau mà ngủ như lúc đầu. Lần đầu tiên đi lên phía Bắc
của thành phố, tôi gần như đã “oohh aahh” trước những cánh đồng xanh. Xe lái kéo như một con trâu sắt khổng lồ, đi một cách chậm chạp trên thửa ruộng đã chín. Đâu đó là vài ba bác nông dân xen giữa các chú kĩ sư
nông nghiệp mặc áo trắng.

- Ngày xưa ở đây làm gì có ruộng to thế này, cũng chẳng có máy móc gì cả mà chỉ có làm tay thôi_ Bố tặc lưỡi nói_ bây giờ thay đổi thế này đấy.
Phun thuốc trừ sâu các kiểu...

- Đúng đấy chú út, giờ tôi đi mua rau trong chợ chính làng mình mà còn phải no rửa đi rửa nại nấy mấy chục lần.

- Em ngày xưa có biết lo rửa rau là cái gì đâu, rau sạch ngoài đồng, nhổ lên là ăn được bây giờ thì bláh blàh blah blaah bláh blàh blạh …

Và sau đó là một cuộc trò chuyện dài dòng về việc an toàn thực phẩm và
sản xuất máy bay (vâng, tôi cũng không hiểu mọi chuyện thay đổi từ lúc
nào). Hường vẫn ngủ say sưa, cô nàng ngoặc đầu ra đằng sau, miệng há ra
mà thở nhìn buồn cười hết sức. Tôi nhân cơ hội đó mà vẽ bậy lên mặt cô
nàng bằng thỏi son của mẹ. Mặt mèo, he he he he....

***

Rồi chiếc xe cũng phải dừng lại. Nó đậu cạnh một khóm tre mới trồng, chỉ cao tới đầu gối tôi.Tôi nhìn từ cao xuống, thấy những ngọn lá xanh che
đi cái thân nhỏ còn chưa trưởng thành. Nó giống như một cây gậy cong
queo có gắn túm giẻ lau nhà màu xanh vậy. Hường cũng nhận ra điều đó,
nhưng dưới mắt cô nàng lại là “một cành tre non nớt tội nghiệp cần chúng ta bẻ lá đi cho nó vươn cao”. Tôi lại nghĩ chúng ta nên đá nó cho nó
hết cong thì đúng hơn. Ý tôi là, chúng ta có câu “uốn cây từ thuở còn
non, dạy con từ thuở còn ngây thơ” mà, phải “uốn nắn” cái cây này cho nó “thẳng” từ hồi nó mới trồng chứ.

Nhưng cái cuộc bàn luận kì quặc của tôi với Hường bị ngừng lại khi mọi
người bắt đầu đi vào làng. Làng này nó nhỏ, cũng chẳng có gì đặc biệt,
nó như tất cả những làng khác nằm trong quận Việt Nam: có lúa, có lũ trẻ con nhỏ bé bị còi xương, có tre, có những ngôi nhà kiểu cũ bên cạnh
những ngôi nhà đang được xây mới, có trạm phát triển công nghệ sinh học, có đôi người già mặc áo kiểu xưa bên cạnh những những chiếc máy kéo đời mới... Cũng phải là tôi có phần hơi bị thất vọng, ít nhất làng quê tôi
cũng phải bằng cái làng trong “Chuyện làng Vũ Đại” chứ nhỉ? Nó cứ như
một phiên bản thu nhỏ của tất cả những thứ tôi từng đọc hay xem trên
phim ảnh.

Nhà nội ở cuối làng, gần một cái kênh cũng bé tí, trông như suối bị cạn
(lí do duy nhất tôi nhận ra nó là một con kênh là nhờ có bảng “cấm vứt
bật xuốn kênh” viết sai chính tả ngay bên cạnh).

Tôi chỉ quay sang phải là thấy nhà nội. Cửa gỗ mở toang, như thể chào
đón chúng tôi từ trước. Ngôi nhà kiểu nhà mái đình cũ khá to. Sân vườn
rộng mới vừa ốp lại bằng gạch mới đỏ ửng. Mái lợp bằng ngói đỏ sậm, đã
dãi mưa dầm gió lâu ngày. Cột gỗ đen to bản, có chút chạm khắc tôi không kịp nhìn kĩ. Cái phản đặt trước chính diện. Vẫn còn một bộ ấm trà nghi
ngút khói.

Nhưng mà, sao không có ai ở nhà nhỉ? Tất cả những gì mà tôi nhìn thấy được chỉ là một căn nhà và... thế thôi. Mọi người đâu rồi?

Bố cũng có cái mặt khó hiểu giống hệt tôi.

- Ờ, vậy thì mình vào nhà nha bố? _ Tôi hỏi bố, áy náy không biết làm gì.

- Ờm, con cứ vào đi.

Bỗng dưng, một ông cụ như rơi từ trên trời xuống, xuất hiện sau cái cột nhà và kêu ré lên:

- ỐI GIỜI ƠI. THẰNG ÚT VỀ RỒI LÀNG NƯỚC ƠI!

Ông cụ già mặc cái áo ba lỗ, đi dép lào và cái quần cộc nhăn nheo. Cụ đã già, già lắm rồi. Những phần da tôi có thể thấy được đều đã nhăn nheo
hết cả, gân nổi lên, người xương xẩu. Nhưng cụ lại cười hề hề trông hết
sức sảng khoái, nhanh nhẹn chống gậy đi về phía chúng tôi. Khi cụ đến
gần, tôi mới thấy cái đầu láng bóng của cụ, ngay chính giữa là vài cọng
tóc bạc thơ còn sống sót từ thời trai tráng. Cụ cầm tay bố tôi, bàn tay
nắm chặt, không buông ra. Cụ mân mê bàn tay ấy, cơ thể từ từ rung lên
như chuẩn bị khóc. Cuối cùng, sau cặp mắt kính đen, những hàng nước mắt
trào ra không thể kiềm chế.

- Bố, con đã về rồi ạ.

Bố tôi ôm lấy thân hình nhỏ nhoi của ông nội tôi. Đó là lần đầu tiên tôi thấy bố khóc.

***

Cái phản ngồi êm hơn tôi tưởng và đồ ăn cô Thắm nấu cũng ngon hơn tôi
nghĩ. Đúng là việc ngồi ăn mà phải bắt chéo chân như thế này thì bụng nó khó chịu, nhưng mà ngạc nhiên thay tôi vẫn thấy thoải mái. Thịt kho,
thịt rán, rau cải xào cà chua, rau muống luộc chấm tương và một bát canh bí thật to là đủ để mười cái bụng của gia đình no ứ ự.

Cô Thắm rán thịt, mẹ phụ làm canh bí và bà ngoại với cô Tằng thì làm mấy món khác. Tôi với Hường chỉ biết phụ chân dọn đồ ra phản để mọi người
ngồi ăn. Cụ là người ăn đầu tiên, tôi phải mời cụ rồi mới được ăn. Nhưng nói chưa xong thì hai đứa Mận và Sen đã hăng hái tấn công đĩa thịt rán. Cụ cười cười, ngồi gắp rau cho vợ mình. Bà nội tôi cũng chả nói năng gì mấy đứa cháu nghịch ngợm, để cho cố Tằng quát cả lũ một cái chúng nó
mới ngồi yên. Ăn cơm trong gia đình là không được phép nói chuyện, “ông
cố nội đã dạy” (trích lời bà nội).

Hường cũng tham gia vào, mọi người trong gia đình cũng chẳng ngại gì có
thêm cô bạn của tôi ngồi ăn với họ. Không khí ngồi ăn cơm cơm có phần
yên tĩnh hơn lúc trước. Nhìn nhà tôi thế này, có ai biết được mới mười
phút trước bố tôi và ông bà nội vẫn còn ôm nhau khóc rưng rức. Bố vốn
vẫn gửi thư và quà về cho gia đình đều đặn, nhưng về lại quê thì đây mới là lần đầu sau hai chục năm. Tôi chỉ biết ngồi một chỗ với Hường và mẹ, nghe hỏi thăm của cô bác trong gia đình và trả lời một cách lễ phép.
Nhà tôi mới về chỗ ông bà nội chưa đầy năm phút thì các cô bác trong gia đình của nội sống trong làng đều nườm nượp chạy tới chào hỏi, chỉ thiếu Chú Hai, anh của bố, là hiện đang sống và làm việc ở quận Hàn Quốc nên
không tới được mà thôi.

Gia đình của bố to không kém gì gia đình bên mẹ tôi. Các cô chú kéo tới
rất đông, có vẻ như mọi người đều rất nhớ bố. Điều này lại càng khiến
tôi tự hỏi làm sao mà bố lại cứ phải giấu chuyện của gia đình thế nhỉ?
Mọi người đông vui thế này thì tốt quá rồi nhỉ?

Không chỉ có các cô các bác tới chơi nhà, lũ trẻ con của gia đình nội
cũng chạy lon ton qua xem nhà này có chuyện gì vui thế. Nhà nội cũng
đông cháu chắt, làm tôi nhớ tới hồi cả gia đình còn sống trên đường Cách Mạng Mười Tám với ông bà ngoại, cứ chí chóe đông vui thế này. Cái gian
nhà nội tất nhiên đơn giản hơn và to hơn nhà ngoại tôi. Nó có ba gian
chính, cái phòng tiếp khách và cũng là phòng ăn luôn. Đằng sau là gian
ngủ, chia làm hai ngăn nhỏ hơn, một ngăn cho gia đình cô Tằng, một ngăn
cho bà. Ông nội thích ngủ trên võng, bà bảo, nên không cần chia ngăn làm gì. Gian sau cùng là chỗ đi vệ sinh và nơi cái giếng nước ở.

- Ngày xưa cha mày ngủ trên cái phản ở trước nhà lày lày _ Bà móm mém
nói, quơ tay chỉ về phía bên kia của cái phản chúng tôi đang ngồi _ Ló
học theo tính bố ló, thích ngủ chỗ thoáng khí. Lúc đấy còn trẻ, có no gì cảm lạnh với cả cảm cúm đâu. Mấy thằng anh ló cũng bắt chước theo, cuối cùng có mỗi bà và nhỏ Tằng lằm trong thôi.

- Ối giồi ôi, đúng thế nhá, tụi con trai nhà bà đúng là thích đàn đúm
với nhau, nại còn là chúa nghịch nữa chứ. Ngày xưa thằng Út là đứa mào
đầu cái vụ giả tiếng gà gáy sáng đấy, làm cho tôi mất ngủ mấy đêm. Đang
ngủ đêm khuya đêm khoắt thế mà tụi nó giả tiếng gáy, nàm tôi tưởng mình
ngủ muộn, nật đật chạy ra ruộng, tới nơi rồi mở mắt ra vẫn thấy trời tối mịt mới biết bị lừa.

- Ừ ừ, ló cũng là đứa chơi trò giả ma giả quỉ nhớ không. Thằng Đinh nhà
tôi bị nó nàm sợ đến mất hồn mất vía, ban ngày ban mặt chạy không dám
ngoảnh mặt lại mà ngã chổng vó xuống cái bãi cát khóc suốt buổi đấy
thôi.

Bà và mấy cô Tiên, cô Tâm ngồi kể lại tuốt luột cả trăm trò nghịch ngợm
ngày xưa bố tôi làm. Từ “giả ma giả quỉ” tới “mua đậu khô về giả làm xôi bán cho lũ con gái”. Tôi với Hường ngồi bên cạnh bà nội_ một người phụ
nữ gần bày chục tuổi, nhăn nheo không kém gì ông, nhưng được cái da thịt hơn và nói ngọng nhiều hơn. Nhưng bà cũng như ông nội, được cái tính
khí rất là vui vẻ và xởi lởi, nhận xét chung, đa số người nhà nội đều
thế cả.

- Bố mày ngày xưa nghịch kinh thế nhỉ? Giờ khác quá _ Hường thì thầm vào tai tôi.

- Ờ ờ, tao cũng không ngờ, tưởng ngày xưa bố tao là đứa công tử bột ngồi học hành ngày đêm chớ.

- Nhưng mà thế này cũng vui, mày nghe chuyện bà mày ngày xưa phải đuổi
theo bố mày qua cả thửa ruộng chỉ để mặc cho được cái quần không?

- He hehe, tao nghe rồi, về quê ớ nó cũng nhiều chuyện hay hay _ Tôi tủm tỉm cười với Hường. Hai đứa ngồi với mấy cô bác nghe ngóng cũng được
lắm điều thú vị.

Bố và mẹ thì lại gần như bị toàn bộ các thành viên khác trong gia đình
xúm xít hỏi thăm. Ông nội thì cứ cầm tay bố tôi mãi. Mọi người ngồi nói
chuyện tâm sự và “tra vấn” gia đình tôi cho tới gần tám giờ tối thì mới
đi về nhà (sau gần chục lời mời “qua nhà bác chơi” và “Chú Út đi quán bà Béo nhậu không?”).

Bữa ăn như đã nói đối với tôi giống là như đi xả hơi và nạp năng lượng
sau hai, ba tiếng đồng hồ nghe người khác nói và phải nói rất nhiều. Bố
tôi tất nhiên đã kể hết cho ông bà nội nghe về tôi trong nhưng lá thư
gửi về quê, nhưng khi gặp lại họ, tôi lại phải nói lại với họ tất cả
những điều đấy. Tất nhiên là có cắt xén vài chỗ, thêm mắm muối vào vài
chỗ kia nhưng nói chung là ổn cả.

Tôi ra sau nhà, cùng Hường và Sen rửa đĩa bát. Sen khá là e lẹ, không
như anh mình là Mận, một thằng nhóc nói chung là “phiên bản của ông nội
thời trẻ con” (trích dẫn trực tiếp từ lời cô Tằng). Sen mới bảy tuổi
nhưng chắc chắn là chăm chỉ hơn tôi hồi bảy tuổi nhiều. Cô bé cứ thoăn
thoắt, rửa hết đống bát đũa trong khi Hường với tôi mới loay hoay được
mấy cái.

- Chị để đây em làm cho

- Không không chị làm được mà, em cứ ra trước đi _ Thật là bẽ mặt khi phải để đứa em họ bảy tuổi của mình rửa bát đĩa hộ.

- Nhưng chị đường xa tới, hôm lay cứ đi nghỉ đi, em nàm được mà.

Em ơi, em có hiểu chị đang ngượng chín cả mặt thế nào không? Nếu mẹ chị
mà nghe được việc em nói thế này thì chắc lúc về thành phố chị bị bắt đi làm thêm quá.

Nhưng Sen tất nhiên không nghe những lời van xin trong đầu của tôi và
quả quyết rằng tôi nên để toàn bộ đống bát đĩa kia cho nó làm. Đến Hường cũng phải tham gia vào việc tranh giành xem ai sẽ được quyền rửa ba cái đĩa và hai cái bát đựng mắm. Thật là may khi cô Tằng bỗng dưng lại gọi
Sen lên làm việc khác, để thời gian cho tôi nhanh chóng thủ tiêu đống
này.

- Nhà nội mày cũng hay hén_ Hường rửa tay dưới vói nước giếng, cô nàng
nhễ nhại mồ hôi vì trời nóng quá và vì cãi nhau với Sen lâu quá_ tưởng
nhà ngoại mày hay quá rồi vậy mà bây giờ tôi mới được “mở rộng tầm mắt”
thêm lần nữa.

- Mày đang chọc tao ấy à?

- Tao có chọc gì đâu, chỉ nói sự thật thôi mà.

Thôi đi mày, mày mỗi rửa tay lau mặt thôi sao mà cứ cười cười thế. Nhà nội ngoại tao nói chung cũng đầy người “hay ho”.

- Thôi rửa mặt nhanh lên đi rồi ngủ. _ tôi nói.

- Ngủ sớm vậy à? _ Hường nhìn vào cái điện thoại nó_ mới chín giờ thôi mà.

- Nhà nội tao ngủ sớm. Mà tao cũng mệt rồi. Mày đi xe suốt sáng thế mà giờ còn sung sức quá nhỉ.

Hường lau lại cái trán một lần cuối rồi đưa tôi cái khăn lau mặt lúc nãy nó nhận từ Sen:

- Thực ra lúc tới đây là tao muốn nằm ngủ ngay lập tức rồi cơ, nhưng là
khách, tao phải chào hỏi gia đình mày chứ. Chỉ có điều bây giờ thì lại
chẳng muốn nằm ngủ gì nữa rồi.

- Hì hì, vậy cô nương nằm nghe bố tôi ngáy ở gian bên nhá. Chắc thế cô nương ngủ ngay chứ gì.

- Không không, bản cô nương đây sẽ ngủ say sau khi tô vẽ lên mặt mày mấy cái râu khi mày ngủ không biết trời cao đấy dày.

- Dám à! Dám à!

- Sao lại không dám!

- Vậy tui đập cái xô này lên mặt cô nương là cô “ngủ” ngay luôn chứ gì?

Tuy nhiên cái xô tôi đang cầm hờ hững trên tay để chuẩn bị làm một phát
vào chỗ trống bên trái Hường đã bị dừng lại nửa chừng khi bà nội gọi hai đứa vào ngủ. Và cái xô, theo thuyết Vạn vật hấp dẫn đã nhẹ nhàng đập
thằng vào đầu gối tôi trong khi Hường phải bụm miệng lại để không cười
thành tiếng.

Đau điếng.

Tôi nằm trên cái nệm của gia đình cô Tằng với Hường và hai anh em Mận
Sen. Cô Tằng thì ra bên bà ngủ. Bố mẹ tôi lại nằm phản cạnh võng ông.
Nghe nói ông nội cũng ngáy to hệt như bố tôi nên mẹ nói chung đã chuẩn
bị tinh thần từ trước, mua thuốc ngủ về uống cho chắc ăn. Tôi nằm cạnh
cái Sen, nó vẫn mở mắt thao láo nhìn cái cửa sổ. Hôm nay trời trong
trăng sáng nên những người có tâm hồn mộng mơ chắc chắn là sẽ nằm ngắm
cảnh, nhưng tôi thì chỉ muốn ngủ thật sớm, thật ngon. Mấy khớp xương của tôi từ khi lên nệm bỗng dưng thi nhau mỏi dừ hết cả lên. Khiến tôi chỉ
còn biết đập đầu vào gối mà ngủ thẳng cẳng, khỏi cử động chi nữa.

Nhưng đúng lúc tôi chuẩn bị đi vào cõi mơ thì thằng Mận nó trườn lên phía trên, thì thầm hỏi tôi:

- Ngày mai chị đi chơi với bọn em không?

- umm ưm_ Tôi, mặt vẫn không rời khỏi gối, ậm ừ cho qua chuyện.

- Vậy chị lên đê chơi với tụi em chị nhé!

- uu ưm ưmm

- Chị hứa đấy nhééééé….

Cái khúc cuối tôi chẳng còn nhớ thằng đấy nó nói gì nữa, vì tôi đã ngủ mất rồi, ngủ sâu thật sâu.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui