CHƯƠNG 24 – HẠN HÁN.
Thời tiết hanh hao đến đáng sợ, Chu Kỳ tránh trong biệt uyển, cả buổi triều sớm cũng lười tham gia.
Bấm tay tính toán, dường như đã hơn một tháng nay Lương Châu không rơi lấy một giọt mưa, mấy luống rau quả hoa hoét trong viện đã héo quắt, chỉ còn lại một gốc vân sam khô vàng những nhánh lá còi cọc, buồn bã đứng một mình đằng kia.
Trung thúc trông luống rau tan hoang mà xót ruột, Tố Huyền thì đang tỉ mẩn cắt tỉa từng nhánh vân sam.
Chu Kỳ đứng trong phòng, đăm chiêu quan sát hai người.
Gần đây Trung thúc đã già đi trông thấy, Tố Huyền cũng trưởng thành nhanh như thổi, chẳng còn thấy dáng vẻ ngây thơ ban đầu đâu nữa. Lũng Tây không thể so với Giang Nam, của cải thiếu thốn, gió cuốn cát cuồng, cho dù có sống tại Vương phủ thì cuộc sống cũng chẳng thể an nhàn như ở Tô Châu.
Sự việc tại Yên Chi sơn lần đó, Chu Kỳ an bài trước cho tất cả tôi tớ phủ đệ trở về Giang Nam, chỉ có riêng Trung thúc và Tố Huyền hay tin Chu Kỳ gặp nạn, vốn đã về đến Thiện Châu lại nhất quyết giữa chừng quay trở lại.
Từ đó hai người họ cùng bị hãm lại Lương Châu với y, bị nhốt trong một biệt uyển con con, không chỉ bị hạn chế ra vào, mà còn thường xuyên phải hứng chịu ánh mắt xem thường của kẻ khác. Dù sao thì ở Lũng Tây, có mấy ai nhớ được Chu Kỳ là một lục sự bát phẩm, thế nhân chỉ biết, y là nam sủng của Tĩnh tây vương Hiên Viên Phù.
Trong biệt uyển trừ ba người ra cũng chỉ còn mật thám của Hiên Viên Phù, mỗi lời ăn tiếng nói, cử chỉ hành vi, một ngày ba bữa của y đều có người phụ trách hồi báo. Trước cổng lúc nào cũng có vệ binh tra tuần, muốn chạy thoát, quả là viển vông. Nghĩ tới đây, sắc mặt Chu Kỳ lại u ám, chuyện sống hay chết đã chẳng còn quan trọng, điều đầu tiên y muốn là đảm bảo trong vòng tranh quyền đoạt thế, Hiên Viên phù dù không ủng hộ Thái Tử thì cũng đừng hướng về các hoàng tử khác, đặc biệt là Tứ hoàng tử; tiếp theo là dù có khó khăn đến đâu đi chăng nữa, y cũng nhất quyết phải bảo hộ cho những người thuộc đông cung và Chu gia đều có thể bình an trở lại Trung Nguyên.
Dẫu biết họ ở lại Lương Châu cũng vì xuất phát từ trung tâm, song, không ai có nghĩa vụ phải cùng y chịu chết cả.
“Đang nghĩ gì đấy?”
Chu Kỳ giật mình, quay lại, là Hiên Viên Phù.
“Vương gia.” – Chu Kỳ hành lễ.
Hiên Viên Phù trông có vẻ nôn nóng, mặt mày cũng xám xanh.
Chu Kỳ không nói, hai tay đặt hai bên, âm thầm phỏng đoán.
Hiên Viên Phù nhìn y, “Sao mấy hôm nay không lên triều?”
Chu Kỳ bâng quơ: “Nắng nóng khó chịu, tiện thể(tiện: hèn hạ, đê tiện; thể: cơ thể) bất an.”
Hiên Viên Phù tùy ý ngồi xuống bên bàn, có hạ nhân tức khắc bưng trà giải nhiệt tới, Hồ tổng quản cũng trình lên tập sổ sách chồng chất cao nhưng núi, “Vương gia, đây đều là công báo hạn hán từ các quận trong Lũng Tây trình lên.”
Hiên Viên Phù một hơi uống cạn bát trà giải nhiệt, giở sổ sách.
“Đi đánh đàn.”
Chu Kỳ vẫn đứng im tại chỗ.
Hiên Viên Phù liếc mắt nhìn qua y, phân phó Hồ tổng quản: “Mang Tiêu vĩ cầm tới đây.”
Hồ tổng quản do dự chọn lời: “Bẩm Vương gia, trong bữa tiệc chiêu đãi sứ đoàn Thổ Phiên lần trước, cầm bị đứt dây, bây giờ vẫn chưa tìm được cầm sư tay nghề tốt…”
Hiên Viên Phù cười khẩy: “Chu công tử quả nhiên cao quý, cầm trong thiên hạ, trừ Tiêu vĩ ra thì không gảy được cầm nào khác nữa hả?”
Chu Kỳ cúi đầu: “Bẩm Vương gia, hạ quan từng lập một lời thề độc rằng, cả cuộc đời mình, không phải cầm này sẽ không gảy.”
Hiên Viên Phù hừ lạnh, “Chu công tử quả là người trọng tín hứa.”
Cả người Chu Kỳ khẽ run lên, y biết Hiên Viên Phù muốn dậy lại sự tình tại Yên Chi sơn. Ngực chợt âm ỉ nhói đau, lại chẳng rõ vì nguồn cơn duyên cớ nào.
Bút lông trong tay thoáng ngừng, Hiên Viên Phù lạnh lùng ra lệnh: “Nếu đã không thể gảy đàn thì quạt đi.”
Tố Huyền cắn môi đưa lên một cây quạy tròn, Chu Kỳ mỉm cười đón lấy, quỳ bên người Hiên Viên Phù, từ tốn phe phẩy quạt.
“Biết kênh đào không?” – qua một lúc lâu, đột nhiên Hiên Viên Phù cất tiếng hỏi.
Chu Kỳ sửng sốt, “Hình như đã từng đọc qua trong cổ thư.”
Hiên Viên Phù không ngừng bút, “Từ sau khi nhà Hán chinh phạt Tây Vực, thủy lợi được phát triển, khai thông nhiều kênh đào tưới tiêu, vận chuyển đường thủy, nhưng qua tới mấy năm chiến loạn liên miên, trừ Túc Châu còn lưu giữ lại đôi chút thì hầu như các kiến trúc đời trước đều bị bỏ hoang không tu sửa.”
Chu Kỳ buông quạt, rót cho gã một chén trà, “Nếu có thể trùng tu lại thì tình hình hạn hán tại Lũng Tây cũng đỡ đi phần nào.”
Túm lấy cổ tay y, Hiên Viên Phù nhếch mắt ra khỏi công văn, “Bản vương cứ nghĩ ngươi sẽ nói những câu như ‘Phiên vương không được can thiệp triều sự’ hay ‘Lương Châu không phải Lương Châu của Vương gia mà là Lương Châu của Thiên Tử’ chứ.”
Chu Kỳ rũ mắt, “Lương Châu là đất phong của Vương gia, bách tinh sinh nhai, tất nhiên Vương gia có quyền can thiệp. Vương gia có tiếng nhân từ bác ái, mục dân vẫn thường bảo nhau ‘Phúc của Lương Châu cũng là Phúc của xã tắc’.”
Hiên Viên Phù không buồn nghe, mắt chỉ chăm chăm dán lấy Chu Kỳ.
Không biết từ khi nao, Chu Kỳ đã gỡ xuống cao quan hoa phục, ngọc bội dây đeo, cũng trút đi vẻ ngoài phong lưu, phù hoa hào nhoáng, không còn nói cười vô kỵ, phóng rượu hát vang, cũng không còn tự phụ tự mãn, rục rịch ám ngầm.
Y trở nên im lặng, thấp kém, thuận theo vượt mức bình thường. Tình hình chiến sự Lũng Tây cũng không hề tìm hiểu, mỗi ngày giam mình trong phòng, mà mật thám đông cung ấn giấu trong Lũng Tây cũng đột nhiên mai danh ẩn tích, như thể chưa từng xuất hiện.
Chu Kỳ như thế, khiến gã thấy thật xa lạ.
Chẳng lẽ vì biến thành nam sủng gây cho y đả kích lớn đến mức cam chịu mặc số phận đẩy đưa ư?
Hai hàng mày gã nhíu chặt lại, với gã, Chu Kỳ càng giống như rêu xanh ngủ sâu trong góc khuất, như cá bơi ẩn núp sâu dưới vực thẳm, như ánh sáng tiềm tàng trong bóng tối hơn.
Nếu một người trải qua nỗi nhục nhã mà vẫn có thể sống qua ngày như trước thì hoặc hắn chỉ là hạng tham sống sợ chết, hoặc hắn vẫn còn chí lớn chưa thành, tâm nguyện chưa xong.
Chu Kỳ lẳng lặng đứng trong bóng tối, cả người y không có lấy một tia sáng rọi. Hiện giờ, y thu liễm hết lại vẻ tài hoa phong nhã, dung nhan tiều tụy, mỹ nhân mỹ mạo tuấn tú hơn y đầy rẫy, nhưng cố tình lại chỉ có Chu Kỳ, mới có thể khiến người thấu cốt mỏi tâm, lưỡng nan tiến thoái.
Giữ không được, thả cũng không xong.
Hiên Viên Phù đứng sau lưng y, ôm lấy y.
“Ngươi làm Bản vương nhớ tới một người.”
Chu Kỳ thản nhiên đáp: “A, chắc là quân đại gian đại ác.”
“Đất Ngô Việt, địa linh nhân kiệt. Thế nhân chỉ nhớ Tây Thi trầm ngư[1] mà quên còn một Câu Tiễn ngọa tân[2].”
Cơ thể cứng còng bất động, Chu Kỳ tự giễu: “Vương gia muốn chiết sát ta sao, Chu Kỳ cùng lắm cũng chỉ là một nam sủng cỏn con, nào dám sánh ngang với Vương hầu. Huống chi, Vương gia anh minh thần võ, uy chấn cửu Châu, một tiểu Ngô Vương(Phù Sai) sao có thể sánh kịp?”
Hiên Viên Phù bắt đầu gỡ y phục trên người y, “Trước khi gặp được Tây Phi, Phù Sai[3] cũng nào phải hạng thất phu.”
Chu Kỳ giữ cổ tay gã, “Vương gia, thời tiết nóng bức, hạ quan chưa tắm.”
Nháng một cái, y đã bị quẳng lên giường.
“Bản vương không để bụng.”
*
Ra một thân đầy mồ hôi, Chu Kỳ nằm trên giường, mặt chôn trong gối bình ổn hơi thở.
Hôm nay giường sự chẳng hiểu sao lại kịch liệt khác thường, giằng co trọn một canh giờ, đến Chu Kỳ trẻ trung trai tráng cũng có phần khó chống đỡ nổi.
Hiên Viên Phù rà tay trên tấm lưng trần của y, quyến luyến không dứt như miếng ngọc cổ quý báu, cũng chả bận tâm tới lớp mồ hôi dinh dính kia.
“Lũng Tây đại hạn, nhân đinh chủ yếu là quân phủ đóng quân khai khẩn, nếu không kịp ngăn chặn hạn hán, trấn an nạn dân, e kích khởi không phải dân biến, mà là binh biến.”
Chu Kỳ ậm ừ ứng đáp.
“Bản vương muốn đi tuần sát các quận, ngươi có muốn theo không?”
Chu Kỳ miễn cưỡng nâng mí mắt trĩu nặng, “Có thể không đi sao?”
Hiên Viên Phù giữ cằm y, không nặng không nhẹ cắn lên cổ y.
“Có thể lưu lại, nhưng phải nhớ, ngàn vạn lần chớ nên thừa cơ Bản vương không có mặt tại đây mà hòng giở trò mánh lới.”
____________
1. Tây Phi có nhan sắc làm cá phải ngừng bơi mà lặn xuống đáy nước (trầm ngư)
2. Câu Tiễn kiên trì theo đuổi mục tiêu phục thù bằng cách tự đày đọa chính mình như kê gối bằng gỗ khi ngủ, ăn thức ăn của những người nghèo khó,… theo như câu thành ngữ Trung Hoa “nếm mật nằm gai” (ngọa tân thường đảm)
3. Phù Sai là vua thứ 25 nước Ngô thời Đông Chu. Phù Sai là một vị vua anh hùng, nhưng từ khi Tây Thi xuất hiện thì lơi lỏng việc nước, bỏ bê chính sự, ngày ngày chìm đắm trong xa hoa trụy lạc. Bởi vậy nước Ngô mới dần suy yếu để Câu Tiễn có cơ hội trả thủ.
Muốn tìm hiểu rõ hơn về mối quan hệ của ba người này, có thể click link tên.
____________
Dành cho ai còn thấy khó hiểu với câu đối thoại của 2 anh nhà :3
– Hiên Viên Phù so sánh Chu Kỳ với Câu Tiễn, và Chu Kỳ lại lấy Phù Sai ra để so với Hiên Viên Phù.
– Lý thú là ở Phù Sai bắt vợ chồng Câu Tiễn phải làm cỏ mộ, mặc áo vải xấu, mỗi ngày chỉ ăn một chén cơm hẩm (trong tác phẩm là Hiên Viên Phù khi nhục Chu Kỳ) nhưng Câu Tiễn vẫn âm thầm nín nhịn hòng đợi ngày trả thù (ví von với Chu Kỳ đang náu mình chờ ngày quật khởi) Đăng bởi: admin