Văn Viễn nghe vị bà bà này nói mà trong lòng khâm phục vô cùng. Nhưng thuật hãn mã đâu thể một giờ một khắc mà hiểu ngay được. Thấy ông cứ ấp a ấp úng, bà bà áo đen liền bảo:
- Ngươi theo ta!
Lời vừa dứt, bà bà áo đen đã nắm lấy tay Văn Viễn mà phóng lên ngựa. Con Ô Phong Mã lập tức khua dồn bốn vó phi nước đại như đuổi gió. Văn Viễn hoảng hốt la lớn:
- Bà bà cẩn thận!
Ông cũng vội vàng mà ôm cứng lấy bà bà áo đen sợ lại bị hất văng xuống đất. Ô Phong Mã đang phi nước đại bất ngờ tung mình lên cao gần hai trượng rồi lại dựng đứng liên hồi. Bà bà áo đen lúc kiềm cương lúc lỏng cương, tay trái không thôi đánh chan chát vào đầu con ngựa. Ô Phong Mã cứ lồng lộn lên hơn canh giờ mới ngoan ngoãn chịu thua. Văn Viễn tuy sợ hãi ôm cứng lấy bà bà nhưng mắt ông vẫn chú tâm quan sát. Tuy nhiên trong một canh giờ bà bà nọ dùng quá nhiều phương pháp hãn mã, nhất thời Văn Viễn không nhớ được hết.
Bà bà áo đen khẻ nhấc vai đã đẩy Văn Viễn rơi tọt xuống đất. Ông chưa kịp định thần thì má trái đã bị tát liên tục đến ửng đỏ. Ông đành chịu trận cho đến khi bà bà áo đen tát chán chê rồi mới vòng tay nói:
- Vừa rồi vãn bối đã mạo phạm bà bà. Xin bà bà lượng thứ!
Ông lúc trên lưng ngựa cứ ôm cứng bà bà áo đen, tuy nói là cách biệt tuổi tác nhưng đơn nam độc nữ tất nhiên phải giữ tiểu tiết. Thành ra dù má bị hằn đỏ năm dấu tay đau rát vô cùng, ông cũng không giám oán nửa lời. Hơn nữa, Văn Viễn lại luôn cho rằng bà bà áo đen nọ là thần tiên hiện thân giúp đỡ. Ông mạo phạm thần tiên thì có ăn thêm mấy chục cái tát cũng có đáng kể gì.
Bà bà này thấy ông bị tát mà mặt không có sắc giận liền ưng ý bỏ qua. Bà ta chỉ vương tay một cái đã nhấc bổng Văn Viễn lên ngựa. Bà ta trao dây cương cho ông mà nói:
- Ngươi mau thúc ngựa chạy về hồ trước mặt!
Văn Viễn làm theo không dám hó hé nửa lời. Ô Phong Mã cất vó trong chốc lát, hồ nước cách gần mười dặm đã kề bên. Văn Viễn liền hỏi:
- Bà bà đã đến sát miệng hồ rồi!
Bà bà áo đen thản nhiên đáp:
- Ngươi cứ thúc cho ngựa chạy đi!
Văn Viễn bụng bảo dạ:
- Ngựa làm sao lại có thể chạy trên nước được? hay bà bà thần tiên muốn tắm mát cho nó?
Văn Viễn sợ bà bà áo đen lại giận nên đành thúc ngựa chạy thẳng.
Văn Viễn không tin nỗi cứ mở to mắt mà nhìn. Con Ô Phong Mã lướt trên mặt nước như chạy giữa đất bằng. Thì ra hắc mã này vốn chạy quá nhanh nên bốn vó chỉ vừa chạm đến nước đã nhấc lên, không khác gì chuồn chuồn điểm nước, cứ thế mà chạy trên mặt hồ an nhàn. Văn Viễn hiểu ra liền reo mừng:
- Thật là thần mã! Thật là thần mã!
Bà bà áo đen liền nói:
- Con ngựa này là dòng giống Hắc Thần Câu thời Tây Tấn. Đích thị Ô Phong Mã của con mụ họ Phương! Con mụ đó làm sao mà tặng ngươi món quà tốt như thế này?
Văn Viễn không dám dấu diếm bèn thuật lại hết mọi chuyện đã xảy ra kể cả việc Ác Hòa Thượng và Bạch Mi Bà Bà nhờ vả cũng kể không sót một lời. Bà bà áo đen nghe xong không nói tiếng nào thẳng tay một chưởng từ sau đánh Văn Viễn lọt xuống nước. Bà ta tức giận:
- Ta tát ngươi ngươi cũng im lặng? Con mụ họ Phương đâm ngươi một kiếm sao ngươi không mắng cho ả một trận? Hay là ngươi bị nhan sắc của con mụ đó làm cho lú lẫn rồi?
Văn Viễn cả người ướt như chuột hoảng hốt thưa:
- Vãn bối kỳ thực không tránh được chiêu kiếm đó. Hơn nữa mặt mũi vị Thái phu nhân thế nào vãn bối đã trông thấy đâu? Bà bà sao lại giận dữ?
Ông chưa nói dứt đã bị thêm một chưởng đánh vào đầu đến hoa mắt. Khi định thần lại thì chỉ thấy con Ô Phong Mã đang thủng thẳng gặm cỏ ở ven hồ. Bà bà áo đen nọ đã đi mất tự lúc nào. Ông vội bơi vào bờ mà thở dốc:
- Thần tiên bà bà này thật quái lạ? Động một chút là tát ta không nương tay! Xem ra cái gã giống ta đã từng kết tình với bà bà lẫn Thái Phu Nhân, thành ra ta mới bị cả hai hành hạ như vầy!
Ông ngán ngẫm bèn cởi áo ngoài ra hong cho khô. Ông ngắm nhìn khung cảnh xung quanh hồ, nói:
- Khung cảnh thật yên bình! Ta hết nửa ngày không thấy cảnh giết người thì cũng bị người ta đòi lấy mạng! Chi bằng cứ ở đây dạo chơi cho khuây khỏa. Đã có Ô Phong Mã ngày đi ngàn dặm đường, sợ gì mà không đến trấn Ngô Phong được!
Văn Viễn ung dung chọn một phiến đã lớn cạnh hồ rồi ngồi xuống. Ông cố ngửi trong gió mấy lần vẫn không ngửi ra được mùi của bà bà áo đen thì biết chắc chắn bà bà nọ đã bỏ đi thật sự.
Ông thở phào nhẹ nhõm:
- Xem ra thần tiên bà bà không ưa gì vị phu nhân nhà họ Phương! Ta lần sau gặp bất kỳ vị nào cũng nên cẩn trọng lời nói! Thần tiên bà bà cùng lắm cũng chỉ đánh ta mấy tát nhưng Thái phu nhân thì sẽ lấy mất mạng như chơi. Vì vậy nên cẩn trọng với Thái phu nhân là hơn cả!
Văn Viễn sực nhớ ra điều gì liền giật nảy người lên:
- Không xong rồi! Mất rồi! Mất rồi!
Thì ra lúc đánh ông văng xuống hồ, bà bà áo đen tiện tay lấy luôn cái bọc vải lớn mà ông lúc nào cũng mang kè kè trên lưng rồi đi mất. Văn Viễn hốt hoảng vận lại y phục rồi leo lên Ô Phong Mã mà chạy vội hướng về trấn Ngô Phong. Ông vừa thúc ngựa vừa gọi lớn:
- Thần tiên bà bà! Thần tiên bà bà! Xin trả lại món đồ cho vãn bối!
Ô Phong Mã vốn phi nhanh như chớp nên tức thì trong vòng mười dặm, không ai mà không nghe tiếng gọi cầu khẩn của Văn Viễn. Tuy nhiên bà bà áo đen nọ cứ bặt vô âm tính.
Văn Viễn biết bà ta đang có ý giận nên mới ẩn thân mà không thèm lên tiếng. Ông biết trước sau gì bà bà cũng xuất hiện. Điều ông lo là vị bà bà này ưa ghen hờn bất thường, nếu tưởng lầm túi vải đó là do Thái phu nhân tặng cho ông mà nổi cơn ghen đem đi đốt bỏ thì xem như ông không còn hi vọng gì nữa. Bao nhiêu tâm huyết bỏ công đi Giang Nam một chuyến hóa ra đổ sông đổ bể. Vô Sách Đại Sư đã căn dặn nhiều lần ông phải đích thân mang nó mà đi về hướng núi Hoa Sơn, sẽ rõ quyền hư bên trong. Nay túi vải lại bị lấy mất, Văn Viễn lo lắng lỡ như gặp lại ân sư không biết còn mặt mũi nào mà thưa chuyện.
Văn Viễn cưỡi Ô Phong mã chạy hơn hai mươi dặm đường không ngừng kêu gọi bà bà đến lạc cả giọng. Bất chợt ông nhận ra có tiếng vó ngựa chạy đuổi theo phía sau. Ông liền mừng rỡ kìm cương lại chờ tốp nhân mã đuổi kịp vội vàng hỏi:
- Không biết các vị có thấy một vị tiền bối mặc y phục màu đen đi qua đây không?
Tốp nhân mã vừa đuổi kịp nhanh chóng tỏa ra bốn hướng vây chặt Văn Viễn ở giữa. Văn Viễn giật mình nhận ra bốn kẻ này tên nào mặt mũi cũng gian ác, tay lại lăm lăm trường kiếm sáng loáng. Cả bọn chăm chú nhìn con Ô Phong Mã mắt ánh lên nét bất chính. Một tên đứng trước mặt Văn Viễn cười hinh hích như khóc, tiếng cười nghe thật chối tai:
- Đúng là hảo mã! Thế gian này thật khó kiếm được một con ngựa tốt như vậy!
Tên cưỡi ngựa đứng bên trái liền gật đầu tán đồng:
- Lão Tam nói đúng. Phi Hồ Tứ Quỷ chúng ta cả ngày không có thu hoạch gì. Nay có được con ngựa quý này xem như cũng không tệ!
Tên đứng bên phải phụ họa:
- Ta ước lượng con ngựa này phải trên hai vạn lượng vàng!
Cả bốn tên người tung kẻ hứng cứ như Ô Phong mã đã thuộc về chúng.
Núi này có tên là Phi Hồ Sơn. Bốn tên đang vây Văn Viễn chính là Phi Hồ Tứ Quỷ chuyên chặn đường khách lai vãng mà cướp bóc. Tên lão đại là Cung Bất Phàm giỏi dùng ám khí. Lão nhị là Trương Tam Đạo chuyên bỏ độc hại người. Lão tam là Thạch Bất Tri. Lão tứ là Thạch Bá Thiên. Cả hai lão này lại là môn đồ của Côn Luân thập động. Văn Viễn tuy không biết thanh danh cả bọn nhưng nhìn mặt mũi và nghe những lời chúng nói, ông đoán ngay đã gặp phải thổ phỉ liền than trời trong bụng:
- Ta thật xui tận mạng! làm sao bây giờ ?
Ông định thúc Ô Phong Mã bỏ chạy nhưng Phi Hồ Tứ Quỷ vây kín không chừa một đường thoát thân. Văn Viễn bèn làm như không hay không biết gì mà cung kính nói:
- Bốn vị đại hiệp không biết có thấy một tiền bối mặc áo đen nào đi qua đây không ?
Cung Bất Phàm khề khà cười nhạo:
- Ngươi đừng đánh trống lãng! Bọn ta trấn khắp núi này chỉ thấy có một mình nhà ngươi làm gì có tiền bối nào? Mau mau giao con ngựa này cho chúng ta!
Thạch Bất Tri chĩa trường kiếm vào mặt Văn Viễn mà nói:
- Phi Hồ Tứ Quỷ bọn ta hôm nay cao hứng! Nếu ngươi ngoan ngoãn giao ra con hảo mã thì bọn ta sẽ tha mạng cho ngươi. Chỉ khoét một mắt cảnh cáo. Bằng không ngươi chết sẽ không toàn thây!
Lão họ Thạch vừa nói vừa nháy mắt với lão nhị Trương Tam Đạo. Trương Tam Đạo hiểu ý . Hắn lẳng lặng lấy trong người ra một chiếc bình nhỏ bằng sứ. Trương Tam Đạo hé mở chiếc nắp thổi một luồng khói trắng nhạt nhắm vào Văn Viễn. Đây là U Nhược Thảo, chất độc mà lão nhị họ Trương tâm đắc nhất. Kẻ nào hít phải sẽ ngã xuống đất mà bất tỉnh nhân sự. Trương Tam Đạo cướp bóc hết nửa đời người nổi tiếng về dùng mê khí nên tất nhiên có chỗ ảo diệu. Lão thấy Văn Viễn khịt khịt mũi mấy cái liền cười thầm. Ngờ đâu Văn Viễn tuy đã ngửi U Nhược Thảo nhưng gần tàn nửa cây hương vẫn điềm nhiên không có chuyện gì. Phi Hồ Tứ Quỷ không ai bảo ai đều trố mắt nhìn Văn Viễn.
Lão nhị họ Trương là ngạc nhiên nhất. Lão năm xưa chỉ dùng một làn khói U Nhược Thảo thì đã làm mê mang cả một đại đội nhân mã triều đình rồi cướp đi mấy chục vạn lượng vàng dễ như lấy đồ trong túi. Vậy mà hôm nay một tên văn nhân khù khờ hít hết khói độc vẫn an nhiên vô sự. Bọn chúng đâu biết Văn Viễn khi trẻ bị một con trùng độc cắn nên về sau không còn bị bất kỳ chất độc nào làm hại.
Văn Viễn thấy bốn tên thổ phỉ trơ mắt nhìn, tuy không hiểu được cớ sự gì nhưng cũng lanh trí hướng về phía trước kêu lớn mừng rỡ:
- Lão huynh! Lão huynh đến giúp ta một tay phải không?
Phi Hồ Tứ Quỷ vốn đang ngơ ngác vì có kẻ trúng U Nhược Thảo mà không phát độc, nay lại nghe có người tiếp viện vội vàng ngoái nhìn theo hướng Văn Viễn vừa gọi. Chỉ chờ có vậy, Văn Viễn liền thúc mạnh vào hông con hắc mã. Ô Phong Mã bị thúc đau điếng liền chồm hai chân trước lên phóng một cái thoát khỏi vòng vây mà chạy. Lão đại họ Cung điên tiết thét lớn:
- Chúng ta trúng kế tên lõi đó rồi!
Bốn tên Phi Hồ Tứ Quỷ vội vàng thúc ngựa đuổi theo. Văn Viễn hoảng sợ cúi xuống nói với hắc mã:
- Mã đại ca! Mạng Văn Viễn ta hôm nay có toàn không là nhờ bốn cái vó của ngươi đó!
Thật sự dù Văn Viễn điều khiển ngựa không giỏi nhưng Ô Phong Mã vốn ngày chạy ngàn dặm, lại bị thúc đau nên đem hết bình sinh mà cất vó. Chớp mắt một cái, Văn Viễn ngoái đầu lại nhìn thì bọn Phi Hồ Tứ Quỷ chỉ còn là bốn cái chấm nhỏ phía sau. Tiếng la hét của bọn chúng cũng nhỏ dần rồi mất hút. Ông chưa kịp mừng rỡ thì hốt hoảng kiềm cương lại. Ở phía trước đã là một vực sâu nhìn không thấy đáy. Văn Viễn không nghĩ ngợi nhiều liền quay đầu ngựa lại mà chạy hướng khác. Ô Phong Mã chạy đi nhanh bao nhiêu thì quay ngược trở lại cũng không kém. Tức thì Văn Viễn đã thấy Phi Hồ Tứ Quỷ cũng đuổi đến. Lão đại họ Cung nghiến răng trèo trẹo:
- Giỏi cho ngươi dám dùng gian kế đào tẩu. Lão tử ta hôm nay không băm ngươi thành trăm mảnh thì há uổng đi cái danh Cung Bất Phàm!
Lão vừa nói xong liền hươ tay lên. Văn Viễn chỉ kịp nhìn thấy một loạt kim châm màu đen óng bay thẳng về phía mình. Tuy thủ pháp so với Bạch Mi Bà Bà thua xa một trời một vực nhưng Văn Viễn không rành võ nghệ, chân tay lại chậm chạp đành chỉ biết nhắm mắt chờ chết. Ngờ đâu trong lúc nguy cấp Văn Viễn lại nghe những tiếng phập phập vang lên. Mớ ám khí nọ đã bị đánh bạt đi cắm sâu vào khoản đất trước mặt Văn Viễn. Lão họ Cung điên tiết nhìn quanh thét lớn:
- Kẻ nào dám làm hỏng đại sự của ta. Có giỏi thì hiện thân!
Liền có một tràng cười lảnh lót vang lên. Tiếng cười nửa ngạo mạn nửa châm biếng cứ ong ỏng dội vào tai bọn Phi Hồ Tứ Quỷ. Bốn tên Phi Hồ nghe thấy hoảng loạn mà vội vàng đưa hai tay lên bịt lấy tai. Mặt mũi tên nào cũng nhăn nhúm như bị ngàn vạn mũi kim đâm vào thịt da, đau đớn không tả nổi. Văn Viễn thấy quái sự trước mặt liền hiểu bốn tên thổ phỉ đang bị tiếng cười công tâm hành hạ. Ông từng thấy Ác Hòa Thượng dùng tiếng thét giết chết mấy tên đeo mặt nạ quỷ nên mù mờ đoán người dấu mặt cũng đang thi triển một môn nội công tương tự. Văn Viễn ngửi trong gió ra mùi thoang thoảng son phấn quen thuộc thì mừng rỡ đến rơi nước mắt, gọi:
- Thần tiên bà bà! Thần tiên bà bà! Mau mau cứu vãn bối!
Chỉ nghe một tiếng nói thì thầm vào tai Văn Viễn:
- Sao ngươi không kêu con mụ họ Phương đến mà giúp ngươi!
Tiếng cười tự nhiên im bặt. Bà bà áo đen nọ đã xuất hiện đứng giữa Văn Viễn và Phi Hồ Tứ Quỷ tự lúc nào không biết. Bốn tên Phi Hồ khiếp đảm mặt cắt không ra một giọt máu. Cả bọn vội vàng rời yên ngựa quỳ mọp xuống đất mà khấu đầu như vái lạy tổ phụ mấy đời sống lại. Bà bà nọ hỏi:
- Chính ta đã làm hỏng đại sự của bọn chuột các ngươi! Tên nào dám tính sổ?
Cung Bất Phàm run lẩy bẩy nói:
- Không biết cao nhân giá lâm! Tội thật đáng chết! Tội thật đáng chết!
Bà bà nọ khoan thai hỏi:
- Các ngươi biết ta?
Lão nhị Trương Tam Đạo mặt cúi sát đất không dám ngẩng lên mà thưa:
- Loạn Tiếu Ma Phong..thiên hạ này ngoài…ngoài…tiền bối nào có người thứ hai..
Lão chưa kịp nói từ hai dứt thì một tiếng bốp vang lên. Bà bà nọ cách không tát một cái khiến lão họ Trương văng ra hơn hai trượng miệng bê bết máu nằm bất động. Văn Viễn nhìn thấy liền tái xanh cả mặt mày. Ông chợt nhớ lại lúc đầu gặp mặt ông cũng đã một hai gọi bà bà áo đen này là tiền bối. May thay ông chỉ bị hai trận khóc nhè bằng không chắc cũng chung số phận với lão họ Trương.
Cung Bất Phàm thấy đồng bọn chỉ một tát đã chết nằm ngay đơ mồ hôi thi nhau ra ướt sũng cả người. Lão van lạy không thôi:
- Xin Quan Âm Bà bà tha mạng! Xin Quan Âm Bà Bà tha mạng!
Bà bà áo đen nọ thong thả nói:
- Mạng chuột các ngươi ta không có hứng lấy! Các ngươi tự mà liệu!
Lão họ Cung nghe vậy liền rút trong người ra một lưỡi dao sang loáng nhanh chóng chặt đứt tay trái của mình xuống. Hai lão tam tứ Thạch Bất tri và Thạch Phá Thiên cũng liền thi nhau dùng trường kiếm mà chặt đi tay của mình. Ba tên Phi Hồ tuy đau đớn nhưng không kẻ nào dám hé răng kêu la nửa tiếng. Bà bà áo đen thong thả nói:
- Bọn thổ phỉ các ngươi tác nghiệt cũng không ít, lấy một cánh tay coi như đã nhẹ! Phía tây dãy Trường Bạch có một núi nhỏ, các ngươi mau mau cút đến đó cho ta. Nếu cả đời còn dám bén mảng vào trung nguyên thì đừng trách!
Văn Viễn nghe giọng điệu liền biết thần tiên bà bà đang ra lệnh đày ải bọn thổ phỉ. Ba tên Phi Hồ mừng rỡ như bắt được vàng lạy mấy hồi liền rồi thi nhau lên ngựa. Bà bà áo đen lại nói:
- Nhưng ta không muốn có kẻ nào biết các ngươi đã gặp ta!
Cung Bất Phàm nghe vậy không chần chừ đưa dao ngang miệng mà rạch một đường. Một đoạn lưỡi đã rớt xuống đất. Thì ra lão đã tự cắt bỏ đi lưỡi của mình. Hai lão tam tứ Phi Hồ cũng hành động tương tự. Cả bọn vái lạy rồi vội vàng leo nhanh lên ngựa mà đào tẩu không dám ngoái đầu lại nhìn.
Văn Viễn quan sát từ đầu đến cuối kinh hoảng không biết lai lịch bà bà này thế nào mà khiến Phi Hồ Tứ Quỷ khiếp sợ như vậy. Ông cũng vội vàng xuống ngựa mà dập đầu khấu tạ:
- Đa tạ thần tiên bà bà đã ra tay cứu mạng!
Một tiếng bốp vang lên, lại thêm hai tiếng bốp bốp nữa. Văn Viễn bị tát liên tục ba cái nổ đom đóm mắt. Ông biết bà bà ra tay mười phần đã nhân nhượng hết bảy tám nên cắn răng chịu trận.
- Có biết vì sao ta tát ngươi ?
- Vãn bối đã chọc giận bà bà!
- Ngươi đã nói dối!
Văn Viễn nghe giọng điệu nóng giận của bà bà áo đen liền hoảng sợ mà nói:
- Vãn bối đã kể hết cho thần tiên bà bà nghe ngay cả một lời cũng không trí trá, nào dám dối bà bà!
Bà bà áo đen nọ cởi bọc vải lớn đã lấy của Văn Viễn ra mà ném xuống đất. Thì ra bên trong là một cây đàn bằng ngọc kỳ lạ có đến bốn mươi lăm dây vàng óng ả. Bà ta hỏi:
- Ngươi nói cho ta biết từ đâu mà có cái này ?
Văn Viễn liền đáp:
- Vãn bối năm mười lăm tuổi đi lạc vào rừng sâu ở Ứng Kê bị trùng độc cắn đến mê man bất tỉnh hơn một tháng. Khi tỉnh dậy đã thấy mình nằm ở nhà với cây đàn này bên cạnh. Song thân cho hay là vãn bối đã tìm được! Thật hư thế nào thì vãn bối không sao nhớ ra được. Vì bà bà không hỏi nên vãn bối chưa kịp bẩm báo!
Bà bà nọ nghe ông nói giọng thành khẩn liền trầm ngâm nghĩ ngợi rồi dịu giọng hỏi:
- Có bao nhiêu người biết ngươi có cây đàn này ?
Văn Viễn đáp:
- Ngoài song thân ra chỉ có Vô Sách Đại Sư!
Bà bà lại hỏi:
- Có phải tên Vô Sách đã bảo ngươi mang theo cây đàn mà đến Giang Nam ?
Văn Viễn không dám dấu diếm:
- Ân sư nói thân thế vãn bối liên quan đến cây cổ cầm này. Người nói chỉ cần vãn bối mang theo đến núi Hoa Sơn thì sẽ rõ ràng mọi chuyện!
Bà bà áo đen bất chợt lẫm bẩm:
- Thảo nào! Thảo nào! Hắn đã từng đến quan ải phía Nam một lần thì phải..
Bà ta dìu Văn Viễn đứng dậy, hai tay ôm lấy mặt ông mà nhìn ngắm. Văn Viễn tuy trong lòng bấn loạn nhưng vẫn lấy làm lạ. Đôi tay bà bà này phần da phía trên nhăn nheo đồi mồi nhưng mỗi ngón tay lại thon mềm như thiếu nữ mười tám. Giọng bà bà lúc khàn khàn như lão niên chín mươi nhưng đôi khi lại trong veo như tiếng ngọc va vào mâm vàng. Ông lại nghĩ rằng bà bà đây là cao nhân thiên ngoại đã tu luyện được phép hoàn đồng cải lão được truyền tụng thành ra mới như thế.
- Giống quá! Giống quá! Trên đời này sao lại có quái sự như thế này. Ngươi thật là Phùng Văn Viễn ư? Song thân ngươi tên gì?
Ông thấy mấy giọt lệ rơi lấm tấm trên áo liền biết bà bà đang thương tâm tự nhiên lòng ngậm ngùi. Ông đáp:
- Thân phụ họ Quang tên chỉ một chữ Đại. Thân mẫu họ Trịnh tên Bạch Nương!
Bà bà áo đen lại hỏi:
- Song thân ngươi kẻ mang họ Quang người mang họ Trịnh, sao ngươi lại là họ Phùng?
Văn Viễn đáp:
-Vãn bối đã mấy lần hỏi nhưng song thân chỉ cười hiền mà không trả lời!
Văn Viễn nói liền nhớ lại từ nhỏ đến khi gặp được ân sư Vô Sách, cha mẹ ông đều chỉ bảo ông họ Phùng tên Văn Viễn. Có lần ông làm mình làm mẫy khóc một trận lớn hỏi có phải mình là côi nhi được nhặt về không thì song thân vội vàng lựa lời mà an ủi. Cha ông nói, Ứng Kê may có viên tướng họ Phùng trấn giữ nên mấy chục năm Tống binh không dám xâm phạm, bách tính an lạc điền viên. Thành ra nhiều nhà có con đều đặt họ Phùng để tưởng nhớ công lao viên tướng này. Văn Viễn tuy biết lời nói có phần trí trá nhưng không tiện gặn hỏi thêm. Thành ra mấy chục năm mang cái tên Phùng Văn Viễn nhưng dạ lúc nào cũng nghi ngờ.
Bà bà lại hỏi:
- Ngươi có thông hiểu được cầm âm?
Văn Viễn đáp:
- Vãn bối ngày trước ở Cối Kê được xưng tụng là Cối Kê Tứ Tuyệt. Cầm âm có chút yêu thích nên rất am hiểu! Tuy nhiên..- Ông chỉ cây đàn bằng ngọc mà nói – Cây cổ cầm này chỉ có thể đánh bằng mười hai dây, bằng không, bằng không….
Văn Viễn cao hứng mà lỡ miệng không kịp thu lời liền tự trách mình sao lại đểnh đoản. Bà bà áo đen nọ thấy ông ấp a ấp úng biết còn có chuyện gì Văn Viễn đang giấu diếm lập tức gặng hỏi:
- Bằng không thì thế nào ? Cây đàn này có đến bốn mươi lăm dây, sao chỉ được dùng mười hai dây mà đánh ?
Văn Viễn luống cuống thưa:
- Vãn bối đã có thề độc thật sự không thể nói được. Xin bà bà đừng ép!
- Người trẻ tuổi như ngươi thật hẹp dạ. Ta cứu ngươi mấy phen thoát chết, chỉ hỏi chút chuyện nhỏ, ngươi lại …ngươi lại….
Bà bà áo đen nọ tự nhiên nghẹn giọng mà òa khóc nức nở. Tiếng khóc thật sự quá đỗi bi thương, ai nghe thấy cũng phải chùn lòng mà đồng cảm. Văn Viễn đã được lãnh giáo công phu tát người của thần tiên bà bà, cũng đã tận mắt thấy sự lợi hại tiếng cười của bà ta, nhưng ông cho rằng công phu nước mắt mới thật sự là bản lãnh ghê ghớm nhất. Ông mỗi lần nghe bà bà khóc là bao nhiêu tráng chí sắt đá cũng chảy mềm hết. Ông thầm nghĩ:
- Năm xưa ta đã thề cả đời này không nói cho ai biết ngoại trừ song thân. Nhưng thần tiên bà bà đã cứu mạng ta hai lần cũng xem như cha mẹ tái sinh. Ta có nói cũng như là nói cho cha mẹ, vẫn giữ đúng lời thề!
Bà bà áo đen như đoán được tâm ý Văn Viễn liền xuống giọng khóc thê lương hơn nữa. Văn Viễn cuống cuồng thưa:
- Vãn bối sẽ nói! Xin bà bà đừng khóc nữa!
Bà bà nọ được nước liền giãy nãy không thôi:
- Ngươi mau nói cho ta hay, bằng không ta sẽ khóc đến hết nước mắt thì thôi!
Văn Viễn thấy bà bà này tuy lớn nhưng đôi khi hành sự như một tiểu cô nương thì chỉ biết đường mếu máo mà kể:
- Vãn bối cách đây sáu năm đã phát hiện bên trong cây đàn có giấu một bộ cầm phổ! Người viết căn dặn kỹ lưỡng không được đánh ba mươi ba dây đàn chính giữa! Vãn bối không tin tưởng lắm, cho rằng người để lại bộ cầm phổ nọ viết lời dọa người! Ngờ đâu có một lần vãn bối thử đánh bản Ai Tương Khúc thời Đông Hán của Bát Trúc, bọn gà vịt trong nhà nghe xong liền chết sạch không sống được con nào. Từ đó vãn bối mới tin mà không dám tự tiện động vào nữa! Một lần đàn dê của làng bị bọn sói săn đuổi. Vãn bối lại dùng ba mươi ba dây đàn nọ mà đánh một khúc Đoạn Hồn Cầm. Bọn sói nghe xong đều ngã lăn ra chết. Vài người chăn dê nghe cũng hôn mê mất mấy ngày. Thật sự cây cổ cầm này như có ma ám!
Bà bà nọ nhìn khuôn mặt vừa kể vừa hoảng sợ của Văn Viễn không khỏi bật cười khanh khách. Bà ta nói:
- Người ta tặng thần mã cho ngươi, ngươi lại dắt đi không cưỡi. Trời cho ngươi đàn quý cùng bí kíp cầm phổ, ngươi lại sợ bị ma ám! Bà bà ta sống đến ngần này tuổi đã thấy nhiều chuyện tức cười, nhưng ngu ngốc đến độ bỏ ngọc lấy đá thì lần đầu tiên ta mới thấy. Thật sự là inh! Cao minh! Khiến già đây phải nghiêng mình bái phục!
Văn Viễn biết bà ta đang cười nhạo liền đỏ mặt xấu hổ. Ông cung kính nói:
- Mong bà bà chỉ dạy ?
Bà bà áo đen thong thả đáp:
- Cây đàn ngọc này có tên là Thạch Cầm. Nó được một thợ điêu khắc nổi tiếng đời Tần là Vương Hãn chế tác ra từ khối ngọc bích hảo hạng. Bốn mươi lăm dây đàn lại được làm từ các sợi tơ vàng bện chặt vào nhau. Một khi đánh lên đi xa ngoài hai mươi dặm vẫn nghe rõ. Cuốn cầm phổ mà ngươi có là do một cao nhân thời Tây Tấn viết. Gã này ngoại hiệu là Diệu Thủ Cầm Ma. Gã dùng tiếng đàn có thể cứu người cũng có thể hại người. Bộ cầm phổ cùng cây ngọc này sau đó bị mất tích. Cách đây mười năm lại tái xuất giang hồ! Ngươi có nghe qua cái tên Cầm Điệp Cuồng Sinh chưa?
Văn Viễn nghe cái tên như vịt nghe sấm dậy liền lắc đầu. Bà bà nọ nhìn ông một hồi rồi nói tiếp:
- Tên Cầm Điệp Cuồng Sinh này xuất thân không biết từ đâu, chỉ biết y độc lai độc vãng kết oán khắp nơi. Núi Côn Lôn dùng tiếng đàn đánh chết Ngũ Trưởng Lão Côn Lôn Thập Động lấy đi Vô Lượng Phổ. Núi Nga Mi lại giết mất Tuệ Nhàn Sư Thái chưởng môn nhân cướp đi Bạch Liên Thư. Đến núi Thiếu Thất gã lại dùng ma cầm đánh trọng thương mười hai cao tăng Thiếu Lâm Tự để trộm Vạn Hoa Pháp Kinh. Các lộ anh hùng bạch đạo hẹn nhau lên Hoa Sơn tỷ một trận sống chết với hắn. Ngờ đâu hắn âm thầm lùng từng người mà giết sạch sẽ, đến hẹn chỉ còn một mình hắn ngạo nghễ trên đỉnh Hoa Sơn mà cười nhạo!
Văn Viễn gật gù tán thưởng:
- Tên này hành sự rất chu toàn, chia nhỏ ra để trị, kế sách thật inh! Nhưng ba bộ kỳ thư đó có gì mà hắn lại phải bỏ công sức đi cướp về ?
Bà bà áo đen lắc đầu nói:
- Vô Lượng Phổ chỉ là một cuốn ghi chú âm luật bình thường. Bạch Liên Thư cùng Vạn Hoa Pháp Kinh cũng chỉ là những sách kinh nhập môn của Phật gia, không phải bí kíp thượng thừa càng không phải là kỳ thư chi bảo. Ta đã từng đọc qua nhưng kỳ thật vẫn nhìn không ra chổ ảo diệu bên trong!
Văn Viễn thầm nghĩ:
- Tên Cuồng Sinh nọ cướp lấy ba món đồ trên mà làm của riêng. Thần tiên bà bà lại bảo đã từng đọc qua và nghiền ngẫm khác gì thừa nhận bà bà và tên kia có quan hệ mật thiết ?
Bà bà áo đen lại nói tiếp:
- Gã Cuồng Sinh đang dương dương tự đắc thì gặp phải cao đồ phái Hoa Sơn. Hai bên lại đấu một trận kéo dài ba ngày ba đêm. Hắn cuối cùng đã thua dưới Vô Tình Thập Bát Thức của Hoàng Kỳ. Thua sạch sẽ tâm phục khẩu phục! Tuy nhiên hắn lại kết giao tri âm với gã họ Hoàng thật sự là một điềm quái lạ!
Văn Viễn nghe đến cái tên Vô Tình Kiếm Hoàng Kỳ liền nói phụ họa:
- Vãn bối hôm nay ngang miếu Quan Âm đã thấy mấy chục tên ma đầu bị giết dưới Vô Tình Thập Bát Thức. Vô Tình Kiếm thật sự rất lợi hại! Nhưng tên Cuồng Sinh kết giao với Hoàng Kỳ bà bà lại nói là điềm lạ ?
Bà bà áo đen đáp:
- Hắn kết giao họ Hoàng rồi lại đem bí mật về ba bộ kỳ thư nọ nói cho Hoàng Kỳ nghe. Không lâu sau phái Hoa Sơn xảy ra biến loạn. Chưởng môn nhân Cố Thiên Lượng bị ám sát chết. Họ Cố luyện nội công đã đến cảnh giới thượng thừa vẫn bị địch nhân ám toán tại đỉnh Lạc Nhạn. Phái Hoa Sơn chia năm xẻ bảy rồi dần bôi tên trên giang hồ. Không ngờ sau đó, võ lâm lại rung động vì một tin đồn khiến hai phe chánh tà đều đứng ngồi không yên! Ngươi đoán xem là tin gì ?
Văn Viễn không cần nghĩ ngợi mà nói:
- Thiên hạ người ta không vì danh cũng vì lợi. Nếu có thể khiến cả võ lâm quan tâm chắc hẳn phải liên quan cả danh lẫn lợi!
Bà bà áo đen gật gù:
- Tên mọt sách ngươi cũng rất tinh! Tin đồn nói rằng, nếu người nào lấy Vô Lượng Phổ, Bạch Liên Thư, Vạn Hoa Pháp Kinh đem đối chiếu với bí kíp chi bảo phái Hoa Sơn là Tử Hà Thần Công thì sẽ vô địch thiên hạ, phú quý hưởng đời đời không hết. Ngươi nói xem kẻ học võ nào lại không muốn ngôi chí tôn ? Thê thảm nhất vẫn là Hoàng Kỳ!
Văn Viễn nghe liền hiểu ngay hàm ý của bà bà nọ. Ông hỏi:
- Phải chăng họ Hoàng bị nghi ngờ cấu kết với Cầm Điệp Cuồng Sinh hại chết Cố chưởng môn để đoạt kinh thư ?
Bà bà thở dài đáp:
- Không sai! Sau khi Cố chưởng môn mất, tên Cuồng Sinh cũng mất tích trên giang hồ. Hoàng Kỳ thành ra oan không thể cải. Nhưng họ Hoàng lại là kẻ không sợ trời sợ đất. Y không một câu giải thích lẳng lặng bôn tẩu giang hồ mà tìm bạn hữu. Cả hai phe chánh tà đều truy sát y. Chánh phái thì lấy cớ y giết sư huynh đồng môn mà tầm diệt. Hắc đạo thì lăm le bí mật tàng thư. Họ Hoàng nếu bản sự không lớn e rằng đã chết mấy chục lần!
Văn Viễn chợt nhớ ra liền hỏi:
- Vừa rồi vãn bối nghe hai tên Hắc Bạch Song Sát nói các Hoa Sơn Thất Hiệp cũng đều lâm nạn. Không biết cớ sự như thế nào ?
Bà bà áo đen đáp:
- Hổ lớn không bẫy được thì đành tìm kiếm báo con. Cả bảy tên đồ đệ của phái Hoa Sơn cũng rất thê thảm. Nghe đồn Cố chưởng môn trước khi lâm chung đã chia Tử Hà Thần Công ra nhiều phần khác nhau mà phân cho Hoa Sơn Thất Hiệp. Riêng Hoàng Kỳ là người gặp họ Cố sau cùng. Ngoài Thần Chưởng Ngọc Thu, những tên còn lại trong Hoa Sơn Thất Hiệp đều cho rằng Hoàng Kỳ hại sư phụ họ nên rất hận! Ngươi nói họ Hoàng vì bạn hữu mà bị oan không cải được, có đáng không ?
Văn Viễn ngẫm nghĩ rồi đáp:
- Xem ra vị bằng hữu này rất có trọng lượng với Hoàng Kỳ. Vì tri âm chịu một chút hồ nghi cũng không thể nói đáng hay là không!
Bà bà áo đen chăm chú nhìn nét mặt Văn Viễn một hồi lại hỏi:
- Ngươi thấy Vô Sách Đại Sư là người thế nào?
- Vãn bối thấy ân sư thật sự là cao tăng đắc đạo. Ân sư cũng như bà bà đều là người tốt!
Bà bà áo đen bất chợt cười một tràng chua chát:
- Người tốt? Trong mắt tên mọt sách như ngươi kẻ nào chẳng là người tốt? Ta cho ngươi biết, nếu thật sự có một người tốt với ngươi chỉ có thể là tên Hoàng Kỳ. Vì ngươi và Cầm Điệp Cuồng Sinh giống nhau như tạc!
Văn Viễn nghe xong há hốc miệng kinh ngạc. Ông liền hiểu ra:
- Phải chăng gã Cầm Điệp Cuồng Sinh cũng có cái tên Phùng Văn Viễn ?
Bà bà áo đen gằn giọng:
- Không sai! Phùng Văn Viễn chính là cái tên của tên Cuồng Sinh vong tình phụ nghĩa. Ta hận hắn đến thấu xương tủy. Không chỉ có ta mà còn cả con mụ họ Phương, họ Nhã, họ Cao cũng rất hận. May mắn cho ngươi không phải là hắn. Bằng không một tát của ta đã đánh gãy cổ ngươi rồi!
Văn Viễn thấy bà bà nọ nổi cơn lôi đình liền tái mặt. Ông bây giờ đã hiểu được vì sao mỗi lần bà bà ra tay đều có bảy tám phần nhân nhượng. Văn Viễn tự nhiên buột miệng chửi thầm tên Cuồng Sinh nọ đào hoa bay bướm để rồi bao nhiêu cơn tức giận của các vị phu nhân đều nhằm đầu ông mà trút xuống. Một bà bà gặp là tát ông tối mặt tối mũi, lại thêm phu nhân họ Phương chưa gì đã dùng kiếm đòi lấy mạng ông. Văn Viễn mồ hôi ướt trán mà ngẫm nghĩ:
- Theo lời bà bà thì tên kia còn phụ tình phu nhân nhà họ Nhã và họ Cao. Cái tên cuồng đồ này sao lại toàn kiếm các vị phu nhân đã yên bề gia thất mà trêu hoa ghẹo nguyệt? Mấy vị phu nhân nặng tình tất nhiên sẽ nương tay nhưng liệu phu quân bọn họ hiểu lầm ta là gã cuồng đồ nọ thì bao nhiêu cái mạng Văn Viễn này mới đủ? Cầm Điệp Cuồng Sinh, không phải! Không phải! Gọi hắn là cuồng đồ mới đúng. Văn Viễn ta chuyến này có mệnh hệ gì nhất định sẽ đến điện Diêm La mà kiện ngươi với Diêm Vương Gia Gia!