Vốn trưởng thôn muốn dẫn nàng lên huyện làm hộ tịch, nhưng nàng lại chột dạ, việc không lấy lại được khế ước bán thân chỉ là nói lung tung, trên thực tế khi Lý gia thả nàng ra thì họ đã trả lại khế ước bán thân cho nàng.
Nếu là nô tịch thì phải dựa vào khế ước bán thân mới có thể làm được hộ tịch, nàng đi đâu lấy khế ước bán thân chứ.
Nàng chỉ có thể kiếm cớ qua loa từ chối, ngày mai tự mình đi làm, đúng lúc cũng có thể xem tình hình trên huyện một chút.
Mệt mỏi một ngày, bụng đã sớm bắt đầu kêu thành tiếng.
Nhìn cửa nhà đã được đóng kỹ, Thanh Hòa lắc mình một cái đi vào nông trường ăn cơm.
Ban ngày nấu canh gà ở Vương gia xong, nó đã được nàng lặng lẽ bỏ vào nông trường trong lúc đang chém người, vừa vặn hâm nóng canh gà, lại nấu thêm cơm, lấy dưa chua và gừng non đã ngâm xong ra, Thanh Hòa ăn cực kỳ thoải mái.
Dưa chua này là cách làm của đất Thục, nhưng dưa chua đất Thục của mỗi nhà đều có nét đặc trưng riêng.
Cách nàng làm chính là cách làm của trưởng bối trong nhà, hương vị khi còn bé.
Dưa chua lấy ra không cần cho gia vị, trực tiếp ăn sống cũng ngon, khi Thanh Hòa còn bé chỉ cần dưa chua là có thể ăn hai chén cơm.
Canh gà thì khỏi phải nói, không phân cao thấp với mùi vị của gà sản xuất trong nông trường của nàng, vừa ăn ngon còn dễ uống.
Canh gà trộn cơm cùng với dưa chua, Thanh Hòa lại làm thêm hai chén cơm khô trong đêm hôm khuya khoắt.
Vương gia.
Mã thị đang phát hỏa, người trong nhà ngồi ở gian chính không ai lên tiếng: “Canh gà đâu, trong các ngươi là ai đã ăn canh gà rồi!”
Rõ ràng bà ta đã nhìn thấy canh gà hầm của nha đầu Vương Tiểu Nha kia vẫn chưa ăn hết, vừa về đến nhà đã thấy cái nồi trống không! Hết sạch!
Còn khoảng nửa nồi canh gà, bà ta trở về thì không còn sót lại một giọt, quan trọng nhất chính là còn không để lại cho bà ta! Họ còn để người làm nương như bà ta ở trong mắt không?
Những người trong phòng giống như một đám chim cút, núp một bên không ai lên tiếng trả lời.
“Được lắm, không lên tiếng đúng không, từ hôm nay trở đi, có thịt gì trong nhà, các ngươi đừng hòng mà ăn!”
Nói xong, Mã thị lại khóc một trận: “Ta đã tạo nghiệt gì đây, đầu tiên là gặp phải nữ nhi bất hiếu, vừa đánh ta, vừa mắng ta, ta không nuôi tiểu muội các ngươi đến lớn, ta cũng nhận, nhưng mấy người các ngươi là ta nắm một nắm phân một nắm nước tiểu nuôi lớn, cho các ngươi thú thê sinh hài tử, hôm nay, các ngươi còn ăn thịt sau lưng ta và cha các ngươi, cũng không để lại một chút cho hai người chúng ta, ta đây là đang nuôi loại người gì đây.”
Vương Lập Gia làm lão đại trong nhà, không thể không tiến lên an ủi nương gã: “Nương, hôm nay chúng con đều ở bên ngoài rồi cùng nhau về nhà, có lẽ canh gà kia là do hài tử trong nhà chia nhau ăn, tiểu hài tử không hiểu chuyện, nương đừng khổ sở, chờ đến khi gà nhà nuôi lớn, nuôi tốt thì nương và cha mỗi người ăn một con.”
Mã thị nghe thấy vậy cũng cảm thấy có lý, ban ngày họ đều ở ngoài, bà ta nhìn qua mấy hài tử, ánh mắt nhắm thẳng vào mấy tôn nữ trong nhà: “Hôm nay các ngươi đã chia canh gà, vậy hẳn là cũng ăn no uống đủ rồi, mấy ngày nay lương thực trong nhà cũng ít, mấy người các ngươi cũng đừng ăn nữa, ăn tiết kiệm đừng để trướng bụng, không dễ tiêu hóa.”
Mấy tôn nữ một chút cũng không dám phản bác lại, tranh luận rồi bị mắng đều chỉ là việc nhỏ, chỉ sợ chúng nó bị đánh rồi còn phải chịu đói.
Đêm đầu tiên, Thanh Hòa do dự nửa ngày, vẫn là không nghỉ ngơi trong nông trường, sau khi nàng dọn dẹp giường một lần xong thì lấy ga giường vẻ chăn ra, chấp nhận ngủ một đêm.
Lúc trời vừa tờ mờ sáng nàng đã tỉnh, sau khi thu ga giường vỏ chăn lại, nàng lên đường đi lên huyện.
Nàng biết bản thân trông rất xinh đẹp nên cố ý che mặt mình lại, vừa vặn cũng để tránh ánh nắng.
Thôn Tây Phong cách huyện không xa nhưng cũng không gần, đi bộ cũng phải tốn gần một canh giờ, nếu đánh xe thì tốn khoảng nửa canh giờ.
Nhưng Thanh Hòa lại không có bạc nên nàng chỉ có thể dựa vào hai chân để huyện.
Trên đường cũng gặp được người cùng thôn lên trấn, tất cả mọi người đều cảm thấy thương Thanh Hòa tuổi còn nhỏ đã bị cha nương chèn ép, giờ còn bị đuổi ra ngoài sống một mình.
Biết nàng sống một mình, sợ nàng không biết mua cái gì, có thẩm thẩm nhiệt tình nói cho nàng biết nên mua đồ đạc nào suốt dọc đường đi.
Đến huyện, hai người tách nhau ra, thẩm đấy biết thêu thùa, muốn tới phường thêu bán khăn để dễ mua lương thực, thảo nào sắc mặt của thẩm này tốt hơn so với những người khác trong thôn.
Sau khi làm hộ tịch xong thì Thanh Hòa lại đi dạo quanh huyện.
Bây giờ trên huyện không quá đông người, náo nhiệt nhất phải kể đến cửa tiệm lương thực, có rất nhiều người xếp hàng chờ mua lương thực.
Nàng đứng bên cạnh nhìn thoáng qua, bốn mươi văn một cân gạo, mười văn một cân đậu tương, năm mươi văn một cân gạo kê…
Điên rồi, cái giá này là quá cao.
Bây giờ đã là cái giá này, đợi đến khi dưới tình hình lương thực ngày càng khan hiếm, thì giá trên trời cũng không mua được.
Cho dù giá cao như thế, nhưng cửa tiệm lương thực vẫn chật ních người.
Điều nàng lo lắng hơn chính là dưới tình hình sau này không có lương thực thì cả huyện sẽ không còn yên ổn.
Ở nông thôn lại càng dễ bị người khác ghi hận, nàng là một nữ nhân, dù chẳng làm gì sai mà có đủ ăn, người ta cũng sẽ để ý ngay.
Nàng phải cẩn thận hơn nữa.
Trên người không có bạc, nàng cũng phải nghĩ cách che giấu chuyện nàng lấy lương thực từ không gian ra ăn.
Nghĩ đến thẩm thẩm tới tú phường vừa rồi, Thanh Hòa dự định thêu khăn bán để mua lương thực.
Nguyên chủ là nha hoàn của thế gia, dựa vào tướng mạo tốt mà đi tới trước mặt chủ tử, cũng dựa vào tính tình đôn hậu để khiến cho gia chủ thích nàng ấy.
Dù nhân duyên không phải quá tốt, nhưng người trong phủ đều bởi vì nàng ấy được xem như là người trước mắt gia chủ, nên họ nguyện ý cho nàng ấy* mặt mũi tương giao.
*Ở đây đang nói về nguyên chủ nên dùng nàng ấy.
Trong số đó, Thanh Hòa có quan hệ rất tốt với một tú nương trong phủ, vì cùng lớn lên nên rất thân thiết nên đã vô cùng vui vẻ dạy Thanh Hòa thêu thùa.
Tú nương này là hạ nhân, cha nương của nàng ta đều là gia nhân của Lý gia, cha là quản sự, nương là tú nương, cũng là dựa vào tay nghề tốt nên sống ở trong phủ cũng không tệ.
Vị bằng hữu này rất thích ngoại hình của Thanh Hòa nên đặc biệt thích ở bên nàng.
Khi nương nàng ấy dạy nghề thêu, trừ những kỹ thuật đặc biệt được dặn không dạy, còn lại nàng ấy đều truyền dạy hết cho Thanh Hòa.
Hai người cũng là bằng hữu tốt chân chính, lúc nguyên chủ bị đuổi ra khỏi phủ, bằng hữu này khóc rất thương tâm, còn dúi cho Thanh Hòa một túi bạc riêng, đáng tiếc bản thân nàng bây giờ cái gì cũng không còn nhưng tay nghề thêu của nguyên chủ thì vẫn còn.
Đi tới tú phường, một chưởng quỹ đang ngồi trong tiệm, thấy Thanh Hòa đến, chưởng quầy thân thiết hỏi: “Cô nương muốn xem gì?”
Thanh Hòa đánh giá đồ thêu trên tiệm một chút, nàng có hiểu biết đại khái, lấy khăn mình thêu lúc trước ra: “Làm phiền chưởng quầy nhìn xem, mẫu thêu này của ta ở chỗ ngài có thể tính là hợp với tiệm của ngài hay không?”