Vùng Đất Tự Do

Ngày 7/4/2118, Đế quốc Đại Bàng tuyên chiến với Nhà nước Cộng hòa Liên Minh Thần Thánh.

Theo nội dung Hiệp ước quân sự giữa hai nước, Vương quốc Pedius cũng tuyên chiến với nhà nước Cộng hòa, tuy nhiên nước này chỉ đóng cửa biên giới chứ không gửi quân trực tiếp tham chiến.

Đế quốc Đại Bàng tung ra ba Đại Đoàn Quân Ánh Dương, Sao Băng và Sấm Sét, tấn công đồng loạt từ ba mặt Đông, Tây, Nam. Nhờ ưu thế vượt trội mà chỉ trong một ngày đã dễ dàng đánh tan các đạo quân canh phòng biên giới.

Ba triệu quân Đại Bàng tràn ngập lãnh thổ nhà nước cộng hòa.

Tất cả các cánh quân cộng hòa đều được lệnh rút về cố thủ ở Dực Long, thủ đô kháng chiến và là một siêu pháo đài đã được xây dựng, mở rộng và bồi đắp trong rất nhiều năm.

Ngay từ đầu, Tài và các nhà lãnh đạo đất nước đã biết rằng không có cách nào để họ có thể ngăn cản đà tiến như vũ bão của kẻ địch.

Quân Đại Bàng có ưu thế tuyệt đối về hướng tấn công. Chúng có thể tấn công từ cả ba mặt khiến cho các công sự phòng ngự đơn lẻ đều trở nên vô nghĩa.

Nếu ngoan cố dàn quân ra trên một chiến trường trải dài hàng nghìn cây số, nhất định sẽ dẫn đến thương vong thảm khốc, trang thiết bị vũ khí cạn kiệt và lòng quân tan nát.

Cách duy nhất là rút toàn quân về cố thủ ở Dực Long, tiến hành trường kỳ kháng chiến.

Nếu nhìn trên bản đồ, Dực Long giống như một dấu chấm bé xíu nằm chính giữa nhà nước cộng hòa, xung quanh đều là lãnh thổ đã bị Đế quốc Đại Bàng xâm chiếm.

Tuy nhiên dấu chấm ấy trên thực tế là một thành phố rộng lớn, có diện tích lên đến một nghìn năm trăm cây số vuông, được xây dựng theo mô hình pháo đài – công sự cực kỳ kiên cố, sức chứa tối đa là mười hai triệu người, hiện đang chứa mười triệu người, tỷ lệ dân trên lính là ba trên bảy.

Những người dân chấp nhận vào sống ở thành phố Dực Long là những người kiên quyết đi theo nhà nước Cộng hòa chống lại quân xâm lược, hoặc là phụ nữ, trẻ em, người già, tức những người dễ bị tổn thương trong xã hội.

Hệ thống phòng ngự của Dực Long có tổng cộng ba tầng, trong đó tầng trên cùng là một lớp vòm bê tông siêu dày và cứng cao gần trăm mét bao bọc các phần quan trọng của thành phố, có thể kháng cự cả đòn tấn công hạt nhân, trên lớp vòm này có các khu công sự có thể tiến hành tập kích đối phương từ xa bằng pháo binh, tên lửa hoặc súng trường.

Tầng vòm bê tông này có thể xem là một kiệt tác quân sự, có chức năng vừa thủ vừa công, thiết kế của mái vòm và hệ thống thang máy khép kín cho phép nhanh chóng vận chuyển cả nghìn người kèm theo vũ khí hạng nặng lên các tầng trên cao để từ đó tấn công đáp trả đối phương.

Các công sự trên cao được đục sâu trong lớp vòm bê tông. Cách làm này lấy cảm hứng từ tổ ong, bên ngoài là các lỗ trổ ra chi chít và bên trong là các khu phức hợp đủ sức chứa số lượng lớn thiết bị và con người.

Tầng thứ hai là tầng mặt đất, nơi có các thao trường, công sự, hệ thống chuyển quân, cánh đồng trồng trọt, khu chăn nuôi, bởi ngay cả trong thời gian chiến tranh cũng không thể bỏ qua các hoạt động nông nghiệp.

Tầng cuối cùng là tầng ngầm nằm sâu bên trong lòng đất. Các nhà máy sản xuất, trường học, bệnh viện, phần lớn các khu dân cư và các tòa nhà chính phủ, các văn phòng tác chiến, phòng chỉ huy các cấp đều được đưa xuống bên dưới mặt đất.

Quân Đại Bàng bao vây thành phố Dực Long thành mười vòng. Chúng lũ lượt vận chuyển các khẩu pháo đến bao quanh thành phố.

Ngày 10/4/2118, ba trăm nghìn khẩu pháo các loại đồng loạt khai hỏa hướng về thành phố Dực Long.

Đạn pháo bay mù trời, khói súng nồng nặc.

Những quả pháo dài vài mét gõ vào lớp vòm bê tông kiên cố, chỉ đủ sức làm xây xước chứ không thể phá hủy được chúng.

Trận pháo kích này diễn ra trong suốt ba tháng.

Lịch sử chiến tranh chưa từng chứng kiến trận pháo kích nào kéo dài với cường độ dữ dội đến thế. Hết quả đạn này đến quả đạn khác rơi lên lớp vòm bê tông, dần dần làm chúng mỏng đi trông thấy.

Bên phía Dực Long có ý muốn đợi cho quân địch sử dụng hết đạn phải tự ngưng, nhưng dường như đối phương không bao giờ hết đạn.

Cường độ tấn công trong tháng thứ ba thậm chí còn dữ dội gấp đôi tháng đầu tiên.

Các nhà máy bên phía Đại Bàng và Vương quốc Pedius hoạt động hết công suất để cung cấp đạn dược cho chiến trường.

Cuối cùng, vào giữa tháng thứ ba, Abraham ra lệnh phản công.

Các khẩu pháo được đặt trên các công sự trên cao bắn thẳng vào trận địa địch làm cháy hàng chục xe pháo của quân Đại Bàng.

Quân Đại Bàng nhằm vào các công sự để đáp trả nhưng do cách bố trí công sự mà tỷ lệ chính xác rất thấp, bắn mãi không trúng đích. Gần như một trăm phần trăm đạn pháo bắn vào lớp vòm chứ không rơi được vào các lỗ tổ ong.

Mỗi khi hỏa lực đối phương trở nên dữ dội các khẩu pháo của nhà nước Cộng hòa lại được kéo vào bên trong công sự chờ cho đến khi cường độ tấn công giảm bớt mới lại kéo ra bắn tiếp.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui